Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018
Trần Mộng Tú: HOA HỒNG TRẮNG LẠI NỞ
Tháng năm vào Hạ và bè bạn cũ
Những bụi hoa Muguet nở từng chùm chuông trắng xoá một
góc vườn, tiếng chim ríu rít mỗi buổi sáng trên cây Magnolia, tiếng đập cánh của ong bay vào khu vườn vừa thơm mùi nắng
mới. Lá bắt đầu xanh đậm hơn, cành bắt đầu sung mãn, cây vươn vai như muốn với
bầu trời. Trời đất cùng rủ nhau vào hạ. Tôi đi mua những loại hoa chỉ nở vào mùa
Hạ trồng thêm trong vườn, treo những lẵng hoa lồng đèn
đỏ dưới mái hiên
trước nhà, đặt thêm ở deck những chậu
cúc vàng, pansies tím, đỏ, trắng, đủ
mầu. Chung quanh ngôi nhà hoa đua nhau nở rộ.Tôi đón mùa Hạ với tất cả hân hoan.
Tháng năm bay xuống Cali gặp lại những người bạn
cùng sở thời ở quê nhà. Thế mà đã ba mươi sáu năm, những đường vân ngày tháng
trên mặt mỗi người như vòng tròn đánh dấu tuổi đời trên đường kính của những thân
cây. Gặp nhau rồi lại chia tay, mỗi người quay lưng đi về một hướng với những địa
chỉ, số phôn của bạn mình trong túi. Lần gặp tới sẽ thu ngắn lại ba, hay năm năm.
Không ai dám nghĩ đến mười hay ba mươi năm nữa, vì ai còn dám hứa hẹn ai trên
quãng đường đời người rất ngắn còn lại.
Hãy cứ ngửi hương
thơm của ngày mùa Hạ trước mặt, nhìn cánh ong bay từ đoá hoa này sang đoá hoa
kia và biết rằng hôm nay hay tuần sau, những người bạn cũ sẽ gửi mấy dòng thăm
hỏi hay sẽ gọi lại một buổi sáng hoặc buổi
chiều nào rất tình cờ, không lâu lắm. Ta sống mỗi ngày trước mặt, ta hưởng mùa Hạ đang rơi xuống chung quanh mình,
thắc mắc, sợ hãi gì mùa Thu, mùa Đông đời người sẽ tới, vì sau Đông thì lại lập
Xuân, mùa Xuân với những hân hoan khác.
Tháng sáu và chia tay
Đầu tuần tháng sáu,
vợ chồng chúng tôi lo việc chôn cất cho bà dì của anh. Cụ 93 tuổi, chồng mất từ
hai mươi năm trước. Cụ không có con nên chồng tôi phải mang cái laptop theo, chạy đi chạy về giữa
Seattle và Cali, vừa làm việc vừa săn sóc, chăm nom cụ trong suốt tám tháng nay.Thời
Đệ nhị Thế Chiến, dì là quân nhân Hải Quân phụ trách về hành chánh. Bởi thế,
hôm đám tang cụ, có nhạc công và quân nhân thuộc binh chủng Hải Quân đến, thổi
kèn truy điệu và làm nghi lễ gấp lá quốc kỳ phủ trên quan tài và trao cờ cho
thân nhân. Mẹ chồng tôi cũng thế, khi qua đời được hưởng những nghi thức quân tang,
vì cụ từng là Trung Uý Quân Y trong Đệ Nhị Thế Chiến. Theo quá trình vụ của cả hai cựu nữ quân nhân
này, hai cụ cùng được hưởng 21 phát súng bắn lên không trung trong tang lễ,
nhưng cả hai trong di chúc cùng ngỏ ý muốn giảm bớt nghi thức quá trang trọng
đó.
Khi bắt đầu nghi
thức hạ huyệt, bỗng vẳng tiếng
kèn truy điệu từ xa vọng tới. Có người cúi đầu lắng tai nghe, có người ngơ ngác
ngửng lên tìm xem tiếng kèn từ đâu cất lên. Họ thấy người nhạc công đứng thật
là xa huyệt mộ (khoảng cách chừng ba
mươi, bốn mươi mét), anh mặc lễ phục hải quân mầu xanh nước biển đậm, ngửng mặt
lên không trung thả những nốt của bài ca Truy
Điệu (Taps.)
Bản nhạc này nguyên
thuỷ là bản nhạc được thổi lên trong trại lính, vào cuối ngày, khi mặt trời lặn
như gọi quân về nghỉ. Sau đó được dùng chính thức trong tang lễ của quân nhân
khi hạ huyệt từ năm1891. Lời bài hát có vài bản khác nhau, nhưng ý nghĩa không
thay đổi. Tôi dịch lời của bài gốc chính, đọc riêng cho tôi với nỗi ngậm ngùi.
Tiếng kèn Truy Điệu
Ngày đã hết mặt trời lặn
Từ những ngọn đồi, từ những hồ nước từ bầu trời
Trong tốt đẹp ta an bình nghỉ
Thượng Đế thật gần
Bóng tối mờ mờ ngọn đèn tắt
Một vì sao nạm trên bầu trời, ánh sáng yếu ớt
chấp chới toả
Từ xa xa rồi đến thật gần
Đêm thật sự rơi
Cám ơn Trời cầu cho ngày của chúng ta
Dưới mặt trời, dưới những vì sao và dưới bầu
trời
Khi ta tiến bước ta điều biết
Thượng Đế thật gần (1)
Sau đó
là nghi thức gấp cờ. Hai người sĩ quan trong lễ phục Hải Quân mầu trắng
đứng ở hai đầu quan tài nâng bốn góc cờ lên, gấp đôi lá cờ
theo chiều dọc. Người
đứng cuối áo quan bắt đầu gấp chéo đầu cờ từ bên phải sang bên trái tạo thành
một hình tam giác,
rồi cứ thế tiếp tục gấp chéo sang trái, sang phải cho đến hết lá
cờ, cuối cùng, tạo
thành một khối hình tam giác mầu xanh thẫm
của bầu trời đêm và những ngôi sao bạc lấp lánh. Tất cả phần sọc đỏ được gấp vào
trong. Người sĩ quan mang lá cờ đã gấp đến trước mặt chồng tôi, trao cho anh,
xong đứng chụm chân, giơ tay chào ngang trán, nói lời phân ưu. Những nghi thức
trang trọng, cảm động đó làm nước mắt chúng tôi lưng tròng.
Tôi nhìn về phía người lính kèn thì không thấy anh đâu cả,
anh như biến mất cùng
tiếng kèn truy điệu,
để lại cả một không gian im lặng và bầu trời toàn mây trắng bay.
Tôi đứng chứng kiến
cảnh trao cờ đó rưng rưng nước mắt, nghe hồn nhỏ lệ, nhớ lại những hình ảnh trao cờ ở những đám
tang quân đội Việt Nam tôi từng chứng kiến, lòng cứ nghẹn ngào tự hỏi: Sao mà
mình hay run rủi vào những trạng huống xúc động này nhiều thế!
Tháng bẩy hợp chủng
Đến đây thì ở
lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây thì về. (Ca daoVN)
Tổ tiên dòng họ
Pease nhà chồng tôi từ Bắc England đến Mỹ, định cư tại vùng Martha’s Vineyard,
một hòn đảo thuộc bang Massachusetts vào năm 1634, trên một chuyến tầu di dân có
tên là The Francis. Từ thế kỷ 17 đến
nay, đàn con, cháu, chắt của cụ cố tổ Robert Pease đã tản mác bốn phương, tám
hướng và trở thành người Mỹ chính cống. Vào một tình cờ nào đó, chồng tôi có
tên là Francis, trùng tên với chuyến tầu của tổ phụ. Các cụ cố của họ Pease di
chuyển từ Massachusetts, qua Wisconsin, cuối cùng chọn Montana làm nơi dựng
nghiệp. Hiện ở Butte Montana còn ngôi nhà (Historical House) của luật sư Harold
Francis Pease, là ông nội của chồng tôi. Cha anh thì khởi đầu sự nghiệp nông trại
ở Dillon, Montana. Nhưng khi các con phải đi học thì cụ bán trang trại lúa mạch
vào thành phố cho mẹ chồng tôi là y tá có việc làm. Sau tôi về làm dâu, nghe cụ
kể chuyện làm nhà nông vất vả lắm, dù giỏi tới đâu cũng không đoán trúng thời
tiết, chỉ sai một chút là mất mùa. Trại xa thành phố nên không có trường học. Chỉ
có một lớp học chung cho đủ mọi tuổi và phải đi rất xa. Trẻ con không có bạn hàng
xóm.
Bên
ngoại anh gốc Irish, các cụ cố họ Dutton đến Mỹ vào khoảng năm 1852 trong nạn mất mùa khoai. Nạn mất mùa này gọi là Potato Famine ở Irish, thời điểm
1845-1947, chết gần tám trăm ngàn người, hơn hai triệu người rời quê hương đến các
nước Anh, Gia Nã Đại và Mỹ để tìm kế sinh nhai. Trong vòng năm (5) năm dân số
Irish mất 1/4. Khi nghe chuyện này tôi liên tưởng đến năm Ất Dậu (1945) ở quê tôi.
Nhưng ở Việt Nam, đói thì chết chứ làm sao mà bỏ nước được. Chỉ làng này sang làng
khác hay ra đến tỉnh khác là hết đường đi.
Chồng tôi bây giờ
là một người Mỹ trên mọi phương diện y học và pháp lý. Thi thoảng ngồi nói chuyện
gia phả mới nghe anh nói đến nguồn cội của mình.
Nước Mỹ hợp chủng
nên nước Mỹ đa dạng. Truyền thống của nước Mỹ hình như lúc nào cũng trẻ vì lúc
nào cũng có người đặt chân lên nước Mỹ bằng cách này (hợp pháp) hay cách khác
(không hợp pháp) và luôn luôn muốn ở lại.
Cách đây hơn hai
mươi năm khi chúng tôi từ Cali dọn về Seattle ở, khu phố rất ít người Mễ, còn người
Ấn Độ thì gần như không có một ai. Bây giờ người Mễ và người Ấn Độ thấy nhiều hơn
người Việt. Người Đại Hàn và Nhật Bản cũng không kém. Chợ Nhật hầu như hấp dẫn đủ
các sắc dân. Chính những người di dân làm cho truyền thống như không có tuổi vì
văn hoá phong tục của họ mang đến, đổi mới truyền thống không ngừng. Họ là những
người Mỹ mới và làm nước Mỹ trở nên đa dạng và phong phú.
Cách đây ba mươi
sáu năm, người Việt thân yêu của tôi cũng bỏ nước đến đây không phải vì đói, mà
vì Cộng Sản. Nhắm mắt, đứt ruột mà bỏ đi. Chúng tôi đến bằng nhiều phương cách
khác nhau và cũng có rất nhiều những chuyến tầu. Chắc trăm năm sau, cháu, chắt
của những người Việt Nam, có người cũng nhớ đến tổ phụ mình, và một cái tên tầu
hay một con số tầu nào đó sẽ được nhắc đến. Nhắc đến như nhắc truyện cổ tích.
Tôi đến đây một
năm, rồi mười năm, rồi hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, có thể sẽ năm
mươi năm hay lâu hơn nữa, nào ai biết. Nếu tôi sống lâu hơn anh, chị, em tôi, bạn
hữu tôi, chắc tôi sẽ cô đơn lắm, vì cháu chắt tôi có thể sẽ quên tôi là một bà
già Việt Nam. Tôi sẽ được săn sóc và chôn cất như một người Mỹ.
Tôi liên tưởng đến
hình ảnh một bà Tầu già ngày xưa ở Hải Phòng
gia đình tôi quen, bà có mái tóc
rất dài, mỗi lần anh chị em chúng tôi gặp bà, bà vừa chải tóc vừa nói chuyện
quê nhà tận bên Trung Quốc cho chúng tôi
nghe. Bà nói
bằng tiếng Việt
rành rẽ, và kể những chuyện về đất nước xa xăm đó như bà vừa bước ra khỏi cổng nhà
mới ngày hôm qua.
Nếu tôi sống
thọ như thế, tôi chắc là sẽ giống bà, cũng
sẽ ngồi chải tóc và kể chuyện Việt Nam cho cháu chắt nghe bằng tiếng Mỹ.
Tháng tám và tháng chín sẽ lần lượt tới, mùa Hạ sẽ bay theo
nắng, rồi Thu, Đông và mùa Xuân sẽ đến. Tôi sẽ quên đi tất cả buồn vui của một
năm đã đi qua và lại tha hồ nao nức với Xuân. Cứ mỗi lần mùa Hạ đến, tôi nhớ đến bài hát “Hoa Hồng
Trắng Nhã Điển,” với giọng hát rất hay của nữ ca sĩ người Hy Lạp, Nana
Mouskouri, bài
hát của người con gái hát chia tay người tình.
HOA HỒNG TRẮNG NHÃ ĐIỂN
Hoa hồng trắng sẽ nở
anh cứ xa em đi
em một mình cô độc
em một mình phân ly
hãy tạm biệt tình em
cho đến khi hồng nở
ở bên dưới thung lũng
mùa Hạ sẽ đi qua
thời gian làm cách trở
cho cuộc tình hai ta
rồi như hoa với xuân
anh sẽ quay trở lại
mùa xuân cũng trở về
hoa hồng trắng sẽ nở
anh cứ xa em đi
tạm biệt người yêu dấu
anh cứ xa em đi
hoa hồng trắng sẽ nở
một mình em phân ly
hoa hồng trắng sẽ nở
tạm biệt người tình si
hoa hồng trắng sẽ nở
tạm biệt người tình
si (2)
Bài hát cứ lập đi lập lại như thời tiết qua đi rồi lập lại,
như mùa Hạ qua đi dưới thung lũng rồi trở lại, như hoa hồng trắng tàn rồi lại nở.
Như tôi, cúi xuống lau khô nước mắt, lại ngửng lên cười với
cuộc đời.
Trần Mộng
Tú
Mùa Hạ 2011
Ghi chú: 1 & 2 tmt lược
dịch từ hai bản tiếng Anh.
(1)Taps
Day is done, gone the sun/ From the lakes,
from the hills, from the sky/ All is well, safely rest/ God is near.
Fading light dims the sight/ And a star gems
the sky, gleaming bright/ From afar,
drawing near/Falls the night.
Thanks and praise for our days/ Neath the sun,
neath the stars, neath the sky/As we go, this we know/God is near
2) “White Rose of Athens”.
Till the white rose blooms again- You must leave me, leave me lonely -So
goodbye my love till then-Till the white rose blooms again- The Summer days are
ending in the valley-And soon the time will come when we must apart-But like
the rose that comes back with the spring time- you will return to
me when spring time comes around - Till
the white rose blooms again-You must leave me, leave me lonely -So goodbye my
love till then -Till the white rose
blooms again -Till the white rose blooms again-You must leave me, leave me
lonely-So goodbye my love till then-Till the white rose blooms again . -Goodbye
till then-Goodbye till then.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét