Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018
Phạm Xuân Đài: Muôn sự của chung, kể cả văn chương
Gần đây có một sự kiện gây bất
bình cho một số người trên mạng: có một kẻ là Trần Nguyên Phát nào đó lấy bài
viết của một tác giả khác, thêm thắt hình ảnh, sửa chữa một số địa danh, rồi ký
tên mình và đưa lên mạng.
Lại thêm một vụ đạo văn, một
hành vi chẳng hay ho gì mà cũng chẳng mới mẻ trên các trang mạng tiếng Việt.
Nhưng mọi người vẫn thấy khó chịu, vì đó rõ ràng là một việc làm thiếu lương
thiện, mà lại được thực hiện công khai một cách “vô tư” như thách thức mọi người
có lương tâm.
Kể ra số người cầm bút bị đạo
văn kiểu này cũng không ít, ngay cả loại văn “khó” như các bài khảo cứu vẫn có
người cầm nhầm.
Có lẽ nhân dịp này, chúng ta
cũng nên để tâm mổ xẻ nguồn cội của một hành vi rất đáng tiếc vẫn xảy ra trên
báo giấy lẫn báo mạng tiếng Việt của chúng ta.
Trước hết, bài được Trần Nguyên
Phát ký tên của mình để đưa lên một số trang mạng vào khoảng giữa tháng Jan.
2018 vừa rồi, bản gốc có tên Tôi Là Ai của nhà văn Trần Mộng Tú đã in trong cuốn
Mưa Sài Gòn Mưa Seattle xuất bản năm
2006 tại Nam California. Nhưng Trần
Nguyên Phát thực ra không phải là người đầu tiên trộm bài này. Hãy nghe chính
tác giả Trần Mộng Tú kể về cái kiếp truân chuyên của đứa con tinh thần Tôi Là Ai của bà :
“Chuyện này không phải chỉ là mới đây mà là
việc xẩy ra nhiều năm rồi. Một số bài của Trần Mộng Tú bị thay tên chuyển đi
các nơi. Mới đầu tôi cũng hơi khó chịu, sau riết rồi quen, không để ý nữa. Tuy
nhiên bài Tôi là Ai thì bị cắp nhiều lần nhất.
Bắt đầu bài Tôi là Ai đã bị
một người tên Kim Thu, đổi một số nội dung trong bài như: thành phố
Seattle thành San Jose. Hồ Samammish thành hồ San Jose, rồi ký tên Kim Thu
chuyển đi các nơi. Tôi không nhớ rõ năm nào, chỉ nhớ là sau khi sách của
tôi Mưa Sài Gòn Mưa Seattle đã phát hành (2006). Bài này đăng ở báo
giấy tận bên Úc cũng ký tên Kim Thu.
Sau đó bài Tôi là Ai như
đứa bé mồ côi, tiện ai thì người đó mang về, ký tên mình vào, thay đổi
hình ảnh theo ý thích của mình”.
(Trích
thư của nhà văn Trần Mộng Tú trả lời một số bạn bè, trong đó có người viết bài
này, khi được hỏi về bài Tôi Là Ai ký tên Trần Nguyên Phát xuất hiện vào đầu
năm nay)
Như vậy
Trần Nguyên Phát chỉ là một kẻ “trộm lại của trộm”, mà người đầu tiên có sáng
kiến đạo bài văn này có tên là Kim Thu, ở thành phố San Jose, Bắc California. Vẫn
theo Trần Mộng Tú, Kim Thu chỉ bỏ công sửa các địa danh trong bài cho hợp với
nơi mình đang cư ngụ (San Jose) và ký tên mình, rồi gửi đăng ở tờ Báo Mai (báo
mạng ở Mỹ) và Adelaide Tuần Báo (vừa báo giấy lẫn báo mạng) bên Úc và một số nơi
khác. Một người bạn của Trần Mộng Tú ở Seattle tình cờ đọc được bài ký tên Kim
Thu này trên Báo Mai và Adelaide Tuần Báo, liền báo động tác giả và hai tờ báo.
Trần Mộng Tú nhớ lại :
“Trang mạng Báo Mai sau khi khám phá ra tác
giả thật sự của Tôi Là Ai đã đăng lại bản gốc và viết hẳn
một đoạn mắng (hơi nặng) việc "đạo văn" của nhân vật Kim Thu.
(...) Khi biết TMT là tác giả, báo bên Úc có email xin lỗi vì vô tình
không biết Kim Thu là tên của người đạo văn; và đính chính ngay trên báo”.
Việc
đã qua nhiều năm, tưởng Tôi Là Ai đã
được yên nghỉ, không ngờ trong dịp đón Xuân Mậu Tuất này có người lại muốn khẳng
định “tôi là ai” một lần nữa. Người ấy khẳng định “Tôi Là Trần Nguyên Phát”, một
cái tên đàn ông, lấy lại bài của Kim Thu (với lời văn tự xưng của một phụ nữ
--với chữ Bà giống y như nguyên bản của Trần Mộng Tú : Bây giờ có ai mới quen gặp tôi, hỏi: Bà ở
đâu đến vậy?) không sửa chữa gì cả cho phù hợp với
tính cách nam nhi của mình, cho vào bài vô số hình ảnh lòe loẹt trông rối cả mắt,
rồi ký tên mình vào. Người ta tìm thấy sản phẩm này của Trần Nguyên Phát xuất
hiện trên một số các trang mạng vào giữa tháng 1-2018.
Bài
Tôi Là Ai không phải là bài duy nhất của Trần Mộng Tú bị lấy cắp, nhưng là bài
được “chiếu cố” nhiều nhất. Muốn hiểu tại sao, cần đọc kỹ bài ấy như một trường
hợp điển hình để tìm hiểu.
Phải
nói đây là một bài mô tả chân dung tinh thần và vật chất của một di dân Việt
Nam hay nhất từ trước đến nay mà tôi được đọc. Với một lối văn dung dị, tác giả
đã khắc họa những nét chính xác nhưng ẩn khuất rất khó xác định khi chúng ta
nói “tôi là người tị nạn”. Chúng ta không đủ tinh tế để nhìn rõ chân dung của
chính mình, nhưng khi đọc bài này, chúng ta thấy như có người vừa vẽ một bức
truyền thần, mà khi đem so sánh, ta thấy đó là chính mình chứ chẳng phải ai
khác cả. Trần Mộng Tú đã đạt được một trình độ nghệ thuật cao trong miêu tả khi
viết :
“Trước tiên mặt
mũi, chân tay tôi chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn khuôn mặt cấu trúc ít góc cạnh
của người Á Đông và cái mũi tẹt khiêm tốn, tóc sợi to và đen, khi có tóc bạc
thì nhìn thấy ngay, muốn giấu thì phải nhuộm. Đối với người Á Đông thì tôi được
gọi là người có nước da trắng, nhưng mầu trắng này thực ra là mầu ngà, và đứng
cạnh một ông Tây, bà Mỹ nào thì nó vẫn cho cái căn cước da vàng rất rõ rệt. Khi
tôi nói tiếng Anh thì cách phát âm vẫn có vấn đề, đôi khi nói nhanh quá thì sẽ
vấp phải lỗi nói tiếng Anh theo cách dịch tiếng Việt trong đầu. Như thế bị chê
là nói tiếng Anh bể (broken English). Về cách phục sức, nhà ở, xe cộ bên ngoài,
tôi có thể không kém một người Mỹ chính gốc.”
Suốt bài là một nỗi khắc khoải “tôi là ai” khi nhìn lại mình
trong từng tình huống sống. Khi ở Mỹ thì đã là công dân Mỹ, nhà cửa trông bề
ngoài thì chẳng khác nhà của những người Mỹ hàng xóm, nhưng khi bước vào trong
nhà thì “từ những bức tranh treo ở
phòng khách, bát đũa bầy ở bàn ăn, chai nước mắm, hũ dưa cải trong bếp và nhất
là sách, báo tiếng Việt ở khắp nơi trong nhà, thì chắc ai cũng sẽ nhận ra ngay
đó là một gia đình Việt Nam”. Vậy tuy sống ở Mỹ đã nửa đời người, về mặt
văn hóa, “tôi” là người Việt Nam rõ ràng.
Ấy thế nhưng khi về thăm quê
cha đất tổ thì tình hình đột nhiên đảo ngược. Mọi người nhìn “tôi” có phần xa lạ,
không còn thuần chất Việt Nam, chỉ vì tôi đang sống ở Mỹ. Trong mắt đồng bào
trong nước, tôi hiện ra như một người ngoại quốc dù tôi vẫn nói rành rẽ tiếng
Việt, tôi vẫn thân thiết với bà con họ hàng, tôi vẫn cố cư xử một cách tự nhiên
như người trong nước. Nhưng không thành công, dù tôi có cố cách nào đi nữa, dưới
mắt người trong nước tôi vẫn hiện ra như một người tới từ một thế giới khác.
Hơn ba mươi năm rời bỏ quê hương để sống với một đất nước khác, dân tộc khác, nền
văn hóa khác, hàng ngày nói ngôn ngữ khác thì khi về đứng trên mảnh đất quê
hương làm sao tôi có thể hóa thân ngay lập tức thành “tôi” của hơn ba mươi năm
trước được, dù có đầy sự tự tin trong lòng rằng tôi vẫn hoàn toàn là người Việt
Nam ? Trong mắt mọi người quanh tôi, ngay cả là người thân trong gia đình, tôi
đã là một “người khác” khác rồi.
“Tôi ở Mỹ tìm về Việt Nam không ai chịu nhận tôi là người Việt nữa, dù
tôi có yêu quê hương đến quặn thắt cả ruột gan. Có khi gặp lại họ hàng thăm viếng,
hỏi han, nước mắt khôn cầm thế mà thỉnh thoảng họ vẫn nói rất tự nhiên: ‘Chị
đâu có phải là người Việt nữa. Bây giờ Chị là người Mỹ rồi’, hay: ‘Chắc cái này
không hạp với chị hay cái kia chị không ăn được, cái nọ chị không biết đâu’.”
Những nhận xét của người trong
nước đối với một “Việt kiều” như thế là hoàn toàn đúng, họ không có một ý chế
diễu hay “kỳ thị” nào cả, họ chỉ mô tả một cách khách quan người xa quê hương từ
lâu mới về đang hiện diện trước mắt họ.
Những tình huống ấy khiến Trần
Mộng Tú thốt ra câu “Tôi Là Ai” để diễn tả nỗi hoang mang của chính mình về bản
chất con người mình trong hiện tại. Những phát giác ấy tinh tế quá, thật quá,
như đi từ tiềm thức đến ý thức, từ ký ức đến hiện tại, từ ý nghĩ đến cử chỉ,
hành động. Cùng trong một con người thôi, nhưng là một con người bỗng dưng bị bứng
ra khỏi mảnh đất mà mình đã bén rễ khá sâu trong hơn ba mươi năm, đem trồng lại
trên một mảnh đất xa xôi khác cũng ngần ấy năm, cũng bén những chùm rễ mới để tồn
tại, rồi một hôm tìm thấy lại mảnh đất cũ của mình, buột miệng thốt lên : Tôi
là ai ? Tôi là cái này hay là cái kia ? Trong cái thân phận này phải chăng đang
chứa hai con người một lúc ?
Trần Mộng Tú đã rất xuất sắc với
bài viết “Tôi Là Ai”, mô tả chính mình và vô tình mô tả tính chất di dân của biết
bao người cùng hoàn cảnh với mình. Lối viết thì nhẹ nhàng, giản dị và cụ thể ai
đọc cũng hiểu, và nếu là người cùng hoàn cảnh với tác giả thì rất dễ dàng thấy
có hình bóng của mình trong bài viết. “Tôi Là Ai” do đó có thể coi là một mẫu mực
điển hình mô tả hình ảnh, tâm lý, nỗi niềm của người di dân Việt Nam ra khỏi đất
nước từ sau khi cộng sản chiếm đoạt miền Nam.
*
Và phải chăng vì nhiều người cảm
thấy bài viết hay quá, có thể là tiếng nói đại diện cho cả một lớp người chạy
khỏi Việt Nam đi tìm một cuộc sống mới, nên bài viết mới gây cảm hứng cho một số
người yêu văn nghệ, sửa sang qua loa rồi ký tên mình vào đem công bố cho nhiều
người khác cùng thưởng thức ? Một nhà văn có tài năng, viết một tác phẩm hay ho
và sâu sắc khiến mọi người thán phục, điều đó khá hiếm, nhưng vẫn xảy ra. Nhưng
hiện tượng một số người thi nhau lấy tác phẩm ấy ký tên mình và công bố thì tôi
cho là một điều không bình thường, và tự hỏi: tại sao thế ?
Có lẽ cũng nên xét đến hoàn cảnh
di dân. Người Việt Nam di dân chúng ta trước kia nói chung đều ở phía Nam với
chế độ Việt Nam Cộng Hòa, trong một đất nước mang đầy đủ truyền thống và kỷ
cương xưa cũ của dân tộc. Dân chúng trong nước nói chung là lương thiện, đời sống
vật chất dễ chịu, nếp sống tinh thần có nhiều điều kiện thăng hoa do nền giáo dục
tiến bộ, nhân bản, tín ngưỡng được tôn trọng. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá
nhưng căn bản đời sống vẫn tốt đẹp, vì cái Thiện vẫn được giữ gìn trong từng tập
thể, từng gia đình, từng cá nhân. Sách vở, báo chí xuất bản nhiều nhưng hầu như
không có ai làm công việc ăn cắp công trình của người khác làm của mình. Một cuốn
sách, một tờ báo hay ho, xuất sắc thì người nọ mách người kia, cả xã hội truyền
nhau tìm đọc, tuyệt nhiên không xảy ra những hành vi lạ lùng là lấy một bài, sửa
sang qua loa, ký tên mình rồi cho phổ biến. Vì mọi người đang sống trong một xã
hội có kỷ cương và lành mạnh.
Rồi xảy ra vụ miền Nam bị cộng
sản chiếm, cả xã hội bị xáo trộn sâu xa. Nhiều giá trị cũ bị phủ nhận, nhiều
cách sống và quan niệm mới được du nhập từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sự hiền
lành, lương thiện dần dần bị coi là sản phẩm của xã hội “lạc hậu” cũ. Để sống
còn, con người phải thích nghi với guồng máy cai trị mới về cả chính trị, kinh
tế lẫn văn hóa, và “thích nghi” ở đây có nghĩa là phải trở nên “lanh lợi” hơn mới
có cơ sống còn.
Nền kinh tế đang từ tôn trọng
tư hữu bỗng chuyển sang công hữu; hàng hóa từ tình trạng phân phối tự do bỗng tất
cả đều biến thành của nhà nước và do nhà nước phân phối. Để sống còn, cả nước
phải đi buôn, cả nước phải thành con buôn trong cái nghĩa bi đát của phận người,
phải luồng lách, lẩn tránh, dối trá, mua chuộc, thủ đoạn... đủ các dạng hành vi
mạt hạng từ nhân viên chính quyền tới dân chúng trong giai đoạn chuyển mình
quái gở ấy.
Người dân từ ý thức tôn trọng của
công và phép tắc luật lệ thông thường của xã hội, đã dần dần học được rằng mình
phải sống ngược với lương tâm sẵn có của mình thì mới thích nghi được với xã hội
mới.
Từ sau tháng Tư 1975 dân miền
Nam liên tục tìm cách rời khỏi đất nước để tìm một cuộc đời đáng sống hơn tại
thế giới tự do. Tùy thời gian và tùy theo mức độ vong thân của mình trong xã hội
cộng sản, một số nhỏ người di dân đã mang theo mình những nét văn hóa tiêu cực
đã nhiễm vào mình. Và trên vùng đất mới tâm lý gian trá ấy đôi khi lộ ra “một
cách tự nhiên” như một bản năng sinh tồn.
Nhưng vấn đề của tâm lý di dân
còn có thể nhìn theo một khía cạnh khác. Một xã hội nền nếp đột nhiên tan vỡ
khi bị cưỡng chiếm, mọi thành phần của xã hội ấy đều có thể bị văng ra ngoài thế
giới. Nền nếp có nghĩa là mỗi người trong xã hội đều biết vị trí, khả năng của
mình, và theo đó mà đối xử với gia đình và cộng đồng theo một đạo lý đã được thừa
nhận lâu đời. Xã hội miền Nam của chúng ta đã có nếp sống lễ nghĩa ấy, cho đến
1975.
Khi di dân ra thế giới bên
ngoài một cách đột ngột, mọi người đều có tâm lý “mất hết”, phải làm mọi thứ từ
đầu : phải học tiếng nước mình cư ngụ, phải học các nghề mới để làm việc sinh sống,
phải học phong tục tập quán của xứ sở mới để hòa mình với cuộc sống mới..., người
di dân đến một lúc có cảm tưởng mình không cần phải tuân theo những ràng buộc
tâm lý mà mình đã có được từ xã hội Việt Nam cũ, mình đã được giải phóng khỏi một
nền nếp lâu đời, và trên đất mới, mình là một con người mới hoàn toàn tự do. Từ
đó nảy sinh ra một lớp người có nguồn gốc khá khiêm tốn trong xã hội cũ trước
kia về học vấn cũng như địa vị, bỗng thấy mình ngang bằng với tất cả những đồng
bào di dân khác, và bắt đầu xây dựng “sự nghiệp bản thân” bằng chính sự phát
giác khả năng tự do tuyệt vời ấy của mình. Những phát ngôn và những hành vi
khác người bắt đầu xuất hiện trong các cộng đồng Việt Nam, mà điển hình nhất là
sự to tiếng chửi bới những người khác. Do thiếu căn bản giáo dục nên thành phần
này tự nhiên trở thành hung hăng một cách bất thường, tự cho mình cái quyền mạt
sát, lăng nhục người khác một cách vô tội vạ với một lập trường thường bất di bất
dịch là “chống cộng”. Họ thoải mái gán cho đối tượng tấn công của họ là “cộng sản”
rồi từ căn bản ấy có thể gán cho đối tượng của mình đủ thứ xấu xa không chút
ngượng miệng, không chút lương tri.
Đối với loại người này thường nạn
nhân của họ đành chịu im lặng, với câu an ủi “tránh voi chẳng xấu mặt nào” mặc
dù họ chẳng có chút to lớn nào của loài voi, về mặt nhân cách lẫn kiến thức. Thấy
thế các con voi dỏm lại tưởng mình là voi thật, càng tấn công mạnh mẽ hơn, cho
đến một ngày có người đưa họ ra tòa. Thì ra những tay quen thói chửi bới ấy
không hình dung được khả năng này, tưởng là ở thế giới tự do thì mình được hoàn
toàn... tự do. Và một khi ra tòa họ mới hiểu rằng chính họ đang ở trong một đất
nước rất có nề nếp chứ không phải... “hoàn toàn tự do” như họ vẫn tưởng. Và cái
cán cân công lý của một nước như Hoa Kỳ trong các vụ kiện này cũng tỏ ra hiểu
biết nhu cầu uốn nắn những tâm hồn nổi loạn như thế nên đã ra những bản án mà
dưới con mắt của người tị nạn Việt Nam là khá nặng nề : phạt cả triệu, hoặc có
trường hợp, nhiều triệu đô la. Cốt để nhắc nhở di dân của chúng ta dù sao thì
cũng nên biết thế nào là lễ độ. Quan niệm đạo đức của những nước tự do như Việt
Nam Cộng Hòa trước kia với những nước như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Na
Uy... về căn bản là giống nhau. Xã hội trong các nước văn minh này không thể
dung thứ những loại người không lương thiện, thiếu hiểu biết, thiếu khoan dung,
hỗn hào, kém giáo dục; các nước nhân đạo này đã phải ra tay chỉnh đốn lại tư
cách của những con người trở nên vong thân trong cuộc di dân đột ngột của họ.
Thế còn đối với việc cầm nhầm
bài vở của người khác thì sao ? Về phương diện tâm lý, loại người này cũng giống
như những chuyên viên chửi bới, nghĩa là tự thấy mình rất tự do trong cuộc sống
mới này, muốn làm gì thì làm chẳng ai đụng tới mình. Thoạt tiên là những “nhà
báo” chuyên môn đi cắt bài vở tin tức của các báo khác dán vào báo của mình, một
lối làm báo rất tiện và lợi. Tiện là mình chẳng phải lo tìm và dịch tin tức, khỏi
phải tốn người đi làm điều tra phóng sự gì cả mà báo vẫn có nội dung tương đối
đọc được; lợi là mình vẫn kiếm được một số tiền do các quảng cáo trên báo của
mình đem lại.
Dần dà tới thời đại có Internet
lại thêm một dạng chiếm đoạt các sở hữu trí tuệ một cách cao cấp hơn : lấy bài
của người khác, ký tên mình, rồi tung ra trên các mạng. Người làm việc này có
dáng dấp một “văn nhân”, biết đọc và nhận xét bài hay dở, và khi gặp bài nào vừa
ý thì “vô tư” ký tên mình vào rồi công bố. Xem ra đây không phải là loại người
xấu bụng chuyên đi chửi bới người khác, cũng không phải ham lợi lộc vật chất tiền
bạc, mà coi kỹ lại cũng chẳng phải háo danh. Vì khi ký tên mình vào bài của người
khác thì chắc chắn không ai có can đảm ký tên thật, mà phải bịa ra một bút hiệu
nào đấy, một bút hiệu dĩ nhiên là vô danh để chẳng có ai phanh phui ra được. Chọn
lựa xong con đường an toàn như thế, họ gửi bài viết mà họ cầm nhầm ấy cho một số
mạng dễ dãi, thấy bài hay chủ mạng cứ thế đăng lên, thế là “tác giả” được mãn
nguyện rồi.
Câu hỏi đặt ra là : những người
đạo văn như thế nhằm mục đích gì ? Không lợi lộc, không vì thỏa mãn tính háo
danh, vậy tại sao họ phải mất công sửa sang bài do một người khác viết ra, thêm
hình ảnh rồi tìm cách công bố ?
Với một cái nhìn thông cảm,
chúng ta nên tạm bằng lòng với lý do này : vì thấy có bài hay, đúng với tâm lý
và hoàn cảnh của mình quá (ví dụ Tôi Là Ai của Trần Mộng Tú), họ muốn giới thiệu
với nhiều người khác để mong chia sẻ để tìm một sự đồng cảm rộng rãi. Một động
lực tốt. Chỉ tiếc phương pháp thực hiện thì khó có thể chấp nhận, vì nó không
được tử tế, chưa nói họ có thể vướng vào một tội phạm là tội ăn cắp, mà chưa chắc
họ đã có ý thức hoàn toàn.
PXĐ
1 tháng Ba 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét