Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018
Nguyễn Tường Thiết: ĐẸP NHƯ KIẾP BOHÉMIEN
Người đẹp
thành Vienne
Trước mặt
tôi là một tờ giấy nhỏ. Tất cả còn lại ghi dấu kỷ niệm của tôi với nàng. Tờ
giấy chỉ là một phiếu tính tiền, mặt trước in hình màu vàng óng của một cốc bia
sủi bọt. Cắt ngang cốc một hàng chữ lớn EDELWEISS. Phía dưới là một hàng chữ
nhỏ Das edle weisse aus den alpen. Dưới
nữa là những cột và hàng kẻ của phiếu tính tiền với những hàng chữ nhỏ mà vị
trí trên cột cho tôi phỏng đoán ý nghĩa của chúng. Rechnung Mr. (Liệt kê?),
Rechnungsbetrag (Tổng cộng hay Giá thành?). Tôi lật mặt sau. Mấy nét vẽ và nét
chữ của nàng. Hai đường kẻ sát nhau song song có vạch những nét xéo ngắn ngắn
tượng trưng cho con đường tàu điện (Tram). Hai chữ thập bên cạnh đường tàu ghi
dấu hotel nơi tôi ở và quán rượu nơi chỗ chúng tôi gặp nhau. Trạm số 52. Tuyến
metro N3. Trạm Westbannhoff. Và địa chỉ e-mail của nàng. Anita_kurzydlak@.
Tôi lật lại
mặt trước của tờ giấy. Trên hình cốc bia có in một hàng chữ rất nhỏ. Tôi đưa tờ
giấy lại gần mắt cố đọc. Cốc bia áp sát. Đầu mũi tôi chạm khẽ vào thành cốc.
Một chút lạnh và ướt ở chấm mũi. Trong khóe mắt tôi qua màu nước bia vàng óng,
dưới bóng ngọn đèn chụp, Anita đứng sau quầy tính tiền. Tôi chỉ nhìn được phần
trên của nàng từ bàu vú trở lên. Gương mặt nàng hiện dưới ánh đèn. Đẹp. Vẻ đẹp
lung linh qua ánh rượu. Nàng đứng yên đó thờ thẫn. Răng nàng cắn nhẹ vào một
bên môi như dáng điệu của một cô gái đang hờn dỗi hay đang có gì để suy nghĩ,
hay đang có gì để mơ mộng. Anita tựa hai tay vào thành quầy, hai ngón tay cầm
cây bút gõ gõ đập đập vào lòng bàn tay kia với một cử chỉ lơ đãng. Lâu lâu có
tiếng gọi giật mạnh “Anita!” từ trong bếp, nàng lật đật buông bút, cúi xuống
khẽ nâng chiếc váy xòe lách khỏi quầy tính tiền, đi xuống bếp, dáng đi vung vẩy
chiếc váy như theo một điệu nhạc vô hình, mặc dù không hề có một tiếng nhạc ở
đây. Lát sau từ trong bếp Anita bước ra một tay chống nạnh bàn tay kia giơ cao
xòe bưng cái khay có đĩa spaghetti bốc khói. Nàng xoay người đặt đĩa lên bàn
khách, gọn gàng, một cử động trơn tru có lẫn chút gì nhún nhẩy ở trong. Rồi
nàng trở về quầy đứng yên tắp, lặng lẽ, cây bút lại tiếp tục gõ nhẹ lên lòng
bàn tay, nàng ngó mông lung ra ngoài đêm tối, qua cửa kính, cái bảng quảng cáo
nhà hàng Ristorante với chai bia Edelweiss sáng lên chớp chớp.
Ristorante
nằm trên góc đường Linzerstrasse, cách khách sạn Kavalier nơi tôi ở ba block
đường. Buổi chiều. Đường có tàn cây rợp chính giữa là tuyến xe điện. Quán ăn
nằm ngay góc. Trên một mảng tường của hông quán vẽ một lá cờ tam tài thật to,
màu xanh dương của lá cờ Pháp thay bằng màu lá mạ, cho tôi biết quán là một nhà
hàng Ý. Bước lên mấy bậc xi-măng uốn theo lan can sắt tôi đẩy cửa bước vào. Bên
trong phòng ăn nhỏ chỉ đủ chứa sáu bẩy chiếc bàn phủ khăn trắng. Tôi chiếm một
bàn nhỏ nhất ở phía trong. Quán vắng. Không có ai ngoài một ông già ngồi uống
bia một mình ở một bàn phía ngoài. Tôi ngồi đó khá lâu không có ai ra tiếp. Lâu
lâu tôi lắng tai nghe xem có tiếng động nào không ở phòng trong, thông với
phòng ngoài bằng một cửa lớn có giăng mành che. Không một động tĩnh. Chỉ có ông
già đội mũ phớt đang giương mắt nhìn tôi, hai con mắt đùng đục những rượu. Mãi
sau khi tôi đã bắt đầu chán tính bỏ về thì một người mặc đồ trắng, đầu đội mũ
cao trắng, tay cầm cái khăn trắng vén tấm mành mành bước ra. Chắc ông ta là đầu
bếp hay là chủ quán hay là cả hai. Ông ta liếc nhìn vào chỗ cái quầy tính tiền
lúc đó trống trơn và có lẽ vì đọc được ánh mắt bất bình của tôi nên ông ta vội
vàng nói mấy câu, tôi đoán là lời xin lỗi, mặc dù tôi không hiểu ông ta nói gì.
Lật đật ông ta lại quầy tiền lấy tấm menu đưa tôi và khoanh tay đứng chờ. Tôi
nhìn tấm thực đơn. Thực đơn viết bằng cái thứ tiếng gì tôi không đọc được, chỉ
có hai cái tên quen quen, đó là hai chữ spaghetti và pasta. Khốn nỗi có cả chục
thứ spaghetti và pasta khác nhau mà giá cả rất chênh biệt, tôi không biết thế
nào mà lựa. Tôi sổ tiếng Anh nhờ ông ta giải thích các món ăn thì ông ta cũng
tương một tràng dài, tôi đoán là tiếng Đức. Rốt cuộc thì rõ ràng không bên nào
hiểu bên nào. Ở bên kia bàn ông già ngồi uống rượu thấy chúng tôi đối chất thì
có vẻ thích thú lắm. Ông ta đứng hẳn dậy nhìn thẳng vào tôi, một tay gập ngang
ngực, tay kia nâng cao cốc rượu, cúi gập đầu xuống chào tôi cung kính như một
vị hầu tước ngày xưa. Lúc ông ta ngửng lên ánh mắt ông ta tôi thấy rạng lên,
không còn một chút gì đùng đục như tôi thấy chỉ trước đó mấy phút.
Đúng lúc ấy
cửa ngoài mở. Nàng bước vào cởi chiếc áo lạnh máng trên giá rồi hấp tấp đứng
vào sau quầy. “Anita!” Ông chủ quay đầu về phía cô gái. Cùng với tiếng gọi ông
ta ném về phía nàng một cái nhìn sắc lẻm. Anita tiến về phía tôi với một cái
nhìn thật tươi như cô ta muốn chữa lại cái lỗi của mình vì đến trễ khiến cho
khách và ông chủ phải bực mình. Tôi lập lại với cô ta những gì tôi đã nói với
ông chủ và tôi ngạc nhiên khi nghe giọng nói tiếng Anh của Anita, một giọng rất
nhuần nhuyễn.
Tôi order pasta và một cốc bia lớn nửa lít. Ăn
xong tôi uống cạn một hớp gần nửa cốc. Bia Đức đặc sánh, thứ bia mà tôi đã quen
vị vì tuần trước tôi đã uống khá nhiều ở Beer Garden tại Munich trong ngày hội
lớn Oktoberfest. Khi tôi ngửng lên thì bên ngoài trời xẩm tối. Một chiếc tram đi loáng qua khung cửa, trên đường
rầy. Bên kia bàn ông khách già vẫn ngồi đó. Ông ta không ăn, chỉ uống, không
biết là cốc thứ mấy. Ông cất tiếng hát nho nhỏ, buồn buồn, như lời rên rỉ, ngón
tay ông gõ vào thành cốc làm nhịp. Bây giờ tôi thấy ông ta dễ thương, có chen
lẫn chút thương cảm. Có lẽ bởi vì tôi cũng bắt đầu ngà say như ông. Khi tôi say
tôi thấy đôi mắt ông ta không còn đùng đục mà lại có vẻ ướt ướt. Dù đang hát nhưng
hễ ông ta bắt gặp ánh mắt của tôi nhìn thì ông ta lập tức cúi gập xuống chào,
tay ông ta giơ cao cốc rượu, nói mấy câu mà tôi đoán là lời chào hay lời chúc
tụng. Tôi cũng giơ cao cốc mời chào lại.
Có mấy người
khách đến, ăn vội rồi đi, trong quán bây giờ chỉ còn lại mỗi tôi và ông già.
Khi cốc bia vừa cạn tôi nhìn về phía quầy ngoắc tay cho Anita làm hiệu một cốc
bia thứ hai. Lúc cô ta đứng thẳng dậy đầu cô gần chạm vào cái chụp đèn và ánh
sáng làm hoe mái tóc vàng óng ả của cô. Tôi nhớ ngay mấy hôm trước ở Budapest
khi chúng tôi bước xuống du thuyền trên dòng Danube thì tiếng nhạc trổi lên. Ôi! Tóc em hoe như mây chiều... Rơi...
Rơi... Vàng lòng đời... Ôi! Mắt em xanh như đêm dài... Trong làn hơi men
tôi thấy Anita tay cầm cốc bia tiến về phía tôi chiếc váy của nàng như xoay
tròn theo điệu nhạc luân vũ và tôi sực nhớ ra mình đang ở trong lòng của thành
phố Vienna. Yêu mối tình bên bờ thành
Vienne... Anita đứng cạnh tôi tay đặt cốc rượu lên bàn. Tôi chống khuỷu tay
ngước mắt nhìn nàng.
– Would you
please do me a favor?
– Sure. I’m
glad to!
Tôi nói là
tôi vừa đến Vienna ngày hôm trước và đang tìm đường để đi thăm downtown của
thành phố này. Tôi không có ý niệm gì về khoảng cách từ khách sạn Kavalier nơi
tôi ở đến khu trung tâm thành phố. Tôi
nói:
– Tôi không
ngại phải đi bộ, nếu khoảng cách cho phép.
Anita trả
lời:
– Chúng mình
đang ở ngoại vi của Vienna. Cũng khá xa khu trung tâm thành phố. Cách tốt nhất
là ông đi tram số 52, khi nào tàu
điện ngừng ở cuối trạm thì ông xuống. Sau đó ông xuống hầm metro chọn tuyến
đường N3, tuyến đường này màu vàng cam, sẽ dẫn ông về phía downtown. Ông có thể
hỏi thăm để chui lên ở trạm metro nào khi ông đến trung tâm thành phố. Cách đi
cũng dễ dàng thôi. Không có gì khó lắm đâu.
Tôi cười nói
với Anita:
– Dễ dàng là
với cô thôi, vì cô là thổ công ở đây. Một ngày nào đó nếu cô có dịp sang thăm
thành phố Seattle, nơi tôi ở bên Mỹ, nếu lúc đó tôi được hân hạnh chỉ đường cho
cô thì chắc chắn là cô sẽ không thích đâu nếu tôi nói là đường xá cũng dễ thôi
không có gì khó lắm đâu. Tôi xin cô viết ra cho rõ ràng, bởi vì cô nên nhớ rằng
không phải dân ở đây ai cũng nói tiếng Anh giỏi như cô để chỉ đường cho du
khách.
Anita đến
chỗ quầy tính tiền xé một tờ giấy trong tập biên lai rồi quay lại. Tôi lui vào
ngồi ghế trong, nhường chiếc ghế ngoài cho cô ta. Lật mặt sau tờ giấy tính tiền
Anita bắt đầu vẽ con đường tàu điện cắt ngang, rồi định vị trí của quán ăn và
khách sạn tôi ở. Khi cô viết tên đường và tên của những trạm metro, Anita bối
rối:
– Tôi viết
thế này đại khái thôi nhé! Tôi không nhớ rõ lắm đâu nhé!
Rồi sực nhớ
ra nàng dặn thêm:
– Đi tàu tram ông cần có 2 euros tiềm kẽm. Trên
tàu có cái máy bỏ tiền ở phía sau lưng tài xế. Ông nhớ để ý máy có hai cái lỗ
vẽ hai cái đầu của Mozart, đầu lớn dành cho người lớn. Ông bỏ tiền vào đó.
Sau đó chúng
tôi ngồi nói chuyện vãn. Quán lúc này vắng và Anita không bận tiếp khách. Người
khách duy nhất mà nàng tiếp là tôi vì ông già rượu đã bỏ về từ hồi nào tôi
không hay. Thốt nhiên tôi có cảm giác như cả cái quán chỉ còn lại riêng hai
người. Anita và tôi. Lúc ấy tôi đã tiêu thụ gần một lít rượu bia và thoát được
cái nhìn soi mói của ông già tôi cảm thấy dạn dĩ hơn bội phần. Tôi ngồi ngả sát
hơn vào Anita giả vờ như lắng nghe. Trong lúc nàng nói tôi chỉ nhìn thấy những
sợi lông măng trên đôi má mịn màng, đôi môi dầy mọng và cảm nhận được hơi thở
nồng nàn của nàng, một Anita hồn nhiên, miên man, cho tôi biết nàng là người Ba
Lan, sang Vienna học đại học tại đây với hy vọng giật được mảnh bằng tiến sĩ về
kinh tế học. Trong thời gian đi học nàng phải làm đủ nghề để sống. Cái quán này
nàng chỉ làm ba đêm cuối tuần và đêm nay là chủ nhật, ngày cuối. Mộng của Anita
là được đi du lịch thật nhiều nơi, nhất là đi Mỹ và nếu trong tương lai tìm
được một việc làm bên Mỹ thì lý tưởng. Tôi tả về thành phố Seattle của tôi, một
thành phố không nổi tiếng như Vienna của cô, nhưng đẹp thì đẹp không thua. Tôi
mong cô một ngày nào sang chơi để tôi được cơ hội hướng dẫn cô đi thăm Seattle.
Anita bỗng
quay hẳn sang tôi. Tôi thấy đôi mắt Anita trong sáng và xanh như dòng Danube. Đôi
mắt ấy ánh lên một tia vui:
– Tôi muốn
lắm! Thế này nhé! Lúc nẫy ông vừa nói là ông mới đến Vienna chưa được đi thăm
thành phố. Ngày mai tôi không phải đi làm. Tôi được rảnh suốt ngày. Tôi rất vui
lòng làm hướng dẫn viên đưa ông đi thăm thành phố như một tour guide miễn phí.
Chỉ mong là được ông trả ơn như vậy trong tương lai khi tôi đến Seattle.
Quả tim tôi
đập mạnh. Hình ảnh một cuốn phim cũ thời xa xưa hiện về. Tôi hình dung tôi là
Gregory Peck và Anita là nàng công chúa Audrey Hepburn và Vacance Romaine đổi
thành Vacance Viennoise. Rồi một cuộc tình nẩy nở. Biết đâu đấy! Yêu mối tình bên bờ thành Vienne... Chỉ
thoáng nghĩ thế thôi. Buồn rầu tôi nói:
– Rất tiếc
là tôi có một cái hẹn vào ngày mai, không thể đi với cô được. Tôi xin cô địa
chỉ e-mail để liên lạc.
Trong lúc
Anita viết địa chỉ của nàng lên mặt sau của phiếu tính tiền tôi thò tay vào túi
quần gấp nhỏ một tờ giấy bạc mà tôi không biết là 5 hay 10 euro rồi tôi nắm lấy
bàn tay của Anita truyền tờ giấy bạc vào tay nàng.
– Cô đã giúp
tôi nhiều tôi chỉ có chút này trả ơn.
Anita rụt
tay lại. Nàng sợ hãi nhìn thật nhanh về phía chiếc cửa mành mành nói:
– Nhà hàng
không cho phép tôi được nhận tiền “tip”.
– Không, đây
không phải là “tip”. Tôi sẽ để “tip” riêng. Đây là của riêng tôi tặng cô.
Tôi nắm chặt
lấy tay Anita xoay nửa vòng rồi bàn tay kia của tôi úp lên ve vuốt lưng bàn tay
nàng. Thoáng trong một giây tôi thấy bàn tay nàng to hơn hẳn bàn tay tôi và
cánh tay trần của nàng tròn lẳn, mập mạp với những sợi lông tơ vàng hoe dưới
ánh đèn, tôi nhìn lên bàu vú của nàng và một sự ham muốn làm tôi thều thào:
– Nobody
know. Just between you and me!
Tôi quặp các
ngón tay để chuyển tờ giấy bạc vào lòng bàn tay của Anita rồi dùng cả hai bàn
tay tôi bóp mạnh tay nàng nắm chặt lấy tờ giấy bạc kéo nàng về phía mình.
Dù là dưới
ảnh hưởng một lít rượu bia Edelweiss tôi vẫn mơ hồ cảm thấy một giới hạn nào đó
khiến tôi ngừng lại. Buông tay nàng ra, tôi đứng dậy, tiến đến quầy quẳng 15
euros lên đĩa, trong đó tôi đã tính sẵn có luôn 2 euros tiền “tip”. Lặng lẽ tôi
bước ra cửa. Không nhìn Anita. Người đẹp
thành Vienne của tôi.
Ngoài đêm
mưa rơi rất nhẹ. Đêm Vienna mờ đi như trong một làn sương loãng. Vỉa hè tôi
bước đi những lát đá bóng nhẫy ánh nước dưới ngọn đèn đường. Tôi men dọc theo
con đường tàu điện hoang vắng nhớ tới những dòng thơ đẹp mà buồn của Hà Huyền
Chi trong bài Vienna:
Anh tới thành phố nước
Lòng gợn sóng Vienna
Kè ôm nhau tình tự
Sao chúng mình chia xa...
Đã khuya khi
tôi tìm về khách sạn. Trong lobby nơi
quầy rượu vẫn còn người ngồi uống. Tôi nhận ra cặp vợ chồng người Do
Thái trong đoàn du lịch của tôi. Tôi bấm thang máy lên lầu 3 rồi đi suốt dẫy
hàng lang dài tìm số 338. Cơn say khiến tôi mò mẫm một lát mới đút được tấm thẻ
plastic vào khe hộp để mở cửa.
Trong phòng
đèn giường vẫn còn bật sáng. Thái Vân đang nằm đọc sách. Nàng ngồi nhỏm dậy,
một ngón tay nàng đẩy cặp kính hạ xuống dưới sống mũi, ngước nhìn tôi. Tôi đứng
yên đó một hồi lâu nhìn nàng.
Rồi tôi nói.
Và lắng nghe cả chính giọng của mình (Lạ
nhỉ? Mình không say mà sao như giọng nói của một người khác):
– I am
falling in love with Anita!
– What?
Tôi lập lại:
– I am
falling in love with Anita!
Tuy say tôi
cũng cố bắt chước dáng điệu của Anita khi nàng đặt cái đĩa spaghetti lên bàn
khách.
Trên gương
mặt Thái Vân thoáng một nét ngạc nhiên. Suốt 33 năm chung sống chưa bao giờ
nàng thấy tôi có cử chỉ buồn cười và ăn nói lung tung như thế.
Nàng ngước
mắt lên trần mỉm cười nói rất chậm rãi:
–
What-e-ver!
Một đêm với
Mozart
Chiếc xe
buýt của hãng du lịch Cosmos đậu ở đầu đường Mozartova đổ đám du khách xuống
rồi chạy ngay. Lúc đó cơn mưa nhẹ vừa dứt và trời chiều ngả tối. Chúng tôi đi
lên con đường dốc. Mặt đường đá đen còn bóng nước mưa. Tiếng giầy cao gót của
các bà du khách nện trên nền đá gõ lên những nốt nhạc. Đêm nay trong lòng thành
phố cổ kính Prague chúng tôi đến dự buổi ca nhạc kịch Một đêm với Mozart tại ngôi biệt thự Bertramka là nơi mà chính
Mozart đã từng lưu trú trong thời gian ông viếng thăm thủ đô nước Tiệp vào
những năm 1787 và 1791.
Du khách tối
nay ăn mặc diện hơn thường lệ. Ngay cả Robert, anh hướng dẫn viên trẻ đẹp trai
người Hung Gia Lợi, đã bỏ chiếc quần jeans thay bằng chiếc quần tây thẳng nếp.
Một chiếc áo len màu vàng nhẹ khoác lỏng lên vai anh ta, hai cánh tay áo len
buộc túm quanh cổ, mái tóc vàng quăn bồng bềnh nghệ sĩ.
Đi ngay sau
Robert tôi khen:
– Chà! Đêm
nay Rob trông bảnh trai dữ!
Anh ta quay
lại nói:
– Tất cả mọi
người đêm nay trông đều bảnh hết. Họ ăn mặc tươm tất để tỏ lòng tôn kính nhà
soạn nhạc lừng danh của nhân loại. Còn tôi thì khác. Không phải vì Mozart. Mà
vì nàng. Josefína. Chủ nhân của Villa Bertramka. Một trang tuyệt thế giai nhân.
Rồi ông sẽ thấy đúng như lời tôi nói.
Biệt thự
Bertramka nằm trên đỉnh con đường dốc mà dân thành phố Prague đặt tên Mozartova
để vinh danh nhà soạn nhạc nước Áo. Đèn đường lúc ấy vừa thắp. Những ngọn đèn
gục đầu tỏa ánh vàng trên vỉa hè lát đá. Trả lời câu nói của Robert là tiếng
giầy gõ lọc cọc của đám du khách lặng lẽ bước trên mặt đường.
Trên mặt
đường này vào ngày 4 tháng 10 năm 1787 có tiếng vó ngựa lộp cộp. Trong cỗ xe Mozart
nghiêng người nhìn ra ngoài. Bên cạnh chàng Constanze vợ chàng cũng đưa mắt
nhìn theo. Từ trên cao thoải xuống là triền đồi ruộng nho xanh rì bao quanh
ngôi biệt thự mùa hè của gia đình Duseks. Đây là lần thứ hai Mozart viếng
Prague nhưng lần này chàng đến theo lời mời của ông Dusek và bà Dusková. Mozart
quen biết cặp vợ chồng này từ năm 1777, khi bà Josefína Dusková từ Prague đến
Salzburg nước Áo, quê quán của chàng, để thu góp tài sản của ông nội bà mất đi
để lại; người ông của bà đã có thời từng là thị trưởng thành phố Salzburg. Ông
Frantisek Dusek là một nhà soạn nhạc xuất chúng của Prague còn vợ ông ta, bà
Josefína, là một ca sĩ danh tiếng. Thời đó Mozart đã soạn riêng cho Josefína
bài hát nói “Ah, lo previdi” và hai người đã cùng nhau hòa tấu ở Salzburg. Giữa
Mozart và ông Dusek có sự tương kính: Mozart trọng sự hiểu biết uyên bác của
Dusek, ngược lại Dusek khâm phục ý tưởng phong phú và tài năng tuyệt luân của
Mozart.
Robert quay
lại nói với tôi:
– Mozart ở
ngôi biệt thự Bertramka này chỉ một thời gian ngắn, khoảng vài tuần lễ, nhưng
đây là thời gian đẹp và đáng ghi nhớ nhất trong đời ông, một cuộc đời như chúng
ta đều biết rất ngắn ngủi. Mặc dù không thấy đề cập trong những cuốn sách viết
về cuộc đời của Mozart nhưng huyền thoại về mối tình giữa trai tài gái sắc
Mozart-Josefína đã được thêu dệt trong dân chúng của thành phố Prague từ trên
hai trăm năm nay.
Đến trước
một cái cổng lớn mang số 169 Robert đứng lại. Anh ta quay người đứng khoanh tay
chờ đám du khách lên dốc. Thái Vân đi sau tôi đang nói chuyện với một cặp du
khách người Anh. Lát sau khi mọi người tề tựu đông đủ trước cổng, Robert xem
đồng hồ tay và nói to với du khách:
– Chúng ta
có khoảng nửa giờ giải lao trong vườn của biệt thự Bertramka, trước khi được
chủ nhân hướng dẫn vào thăm bảo tàng viện Mozart. Chương trình ca nhạc kịch Một đêm với Mozart được khởi diễn vào
đúng 8 giờ tối.
Mọi người đi
vào vườn. Những đèn lồng treo trên cành cây soi lối đi trải sỏi. Chúng tôi đứng
tụm từng đám nhỏ nói chuyện dưới những tấm lều lớn căng ngoài vườn. Lát sau có
mấy người hầu bàn, ăn bận theo lối xưa với chiếc áo choàng màu đỏ viền vàng,
mái tóc cuộn bím hai bên mang tai, đầu đội chiếc nón đen rộng vành kiểu
Napoléon, bưng khay đựng những cốc rượu xâm banh mời khách. Có tiếng nhạc cổ
điển tây phương rất nhẹ vẳng từ vùng tối của khu vườn cây. Bên trái khu vườn là
ngôi biệt thự Bertramka rộng lớn quét vôi vàng. Josefína Dusek mua căn biệt thự
này vào tháng 4 năm 1784. Ba năm sau bà đứng trên lầu chỉ cho chồng một cỗ xe
ngựa lên dốc, tiến qua cổng rồi ngừng lại ở dưới nhà.
Người xà ích
nhẩy xuống mở cửa. Mozart cúi xuống bước khỏi cỗ xe. Năm đó chàng 31 tuổi,
người tầm thước, gương mặt xanh gầy. Trừ cặp mắt to và sáng, chàng có một bề
ngoài tầm thường không thể cho người ta đoán biết bên trong chứa đựng một tài
năng âm nhạc xuất chúng. Chàng giơ tay đỡ Constanze bước xuống rồi quay nhìn về
phía Bertramka. Chính diện căn biệt thự là cổng vào ở từng dưới, phía ngoài có
hai cầu thang đi lên chụm nhau phía trên, nơi một hành lang dài có lan can.
Mozart mỉm cười nhìn nàng đứng trên đó, cạnh chồng. Mười năm đã qua. Josefína
trông vẫn sắc sảo như xưa.
Mọi người
trong vườn ngừng nói chuyện, cùng ngẩng lên lầu trên của Bertramka. Josefína
(do kiều nữ Renée Nachtigallová đóng vai) xuất hiện trước lan can. Nàng bận
chiếc áo choàng màu đen với chiếc mũ đen rộng vành, lộng lẫy trước ánh flask từ
những chiếc máy ảnh của đám du khách. Bằng một giọng lưu loát và quý phái
Josefína chào mừng quan khách bằng cả ba thứ tiếng Tiệp, Pháp và Anh ngữ. Sau
đó nàng trân trọng giới thiệu Mozart bằng tiếng Anh với chúng tôi như sau:
“Khi tôi bắt
đầu viết vở ca kịch Một đêm với Mozart tôi
có cảm tưởng dường như những lời hát xưng tụng Mozart như là ‘vừng thái dương
nhỏ sáng chói của chúng ta’ của dân thành phố Prague có vẻ như hơi quá lời. Tuy
nhiên sau khi tôi đọc nhiều tài liệu viết về chàng, nhất là những bức thư của
chính chàng viết với những lời lẽ rất chân thành, thì một cảm tình xâm chiếm
lấy tôi và cảm tình ấy chắc chắn đã xẩy đến cho không biết bao nhiêu người khác
trước tôi: đó là lòng tràn ngập yêu mến Mozart. Bây giờ tôi nhìn chàng như thể
chàng là một con người khác, khác hẳn con người đã được diễn tả, ví dụ, như
trong cuốn phim Amadeus của Milos
Forman, hoặc trong một số tài liệu phổ thông khác.
“Vì thế điều
rất quan trọng với tôi là phải mô tả chàng với cả cái khía cạnh sầu muộn của
con người Mozart và trong vở kịch này ngoài việc phô diễn biệt tài dí dỏm của
chàng mà ai cũng biết, cần nói lên sự hòa giải giữa chàng và cái chết, dường
như đã manh nha rất sớm từ năm 1787. Tôi cũng muốn chuyên chở càng nhiều càng
tốt đến khán thính giả tính nhân bản trong con người Mozart nhưng thì giờ không
cho phép; dù sao thì tất cả những điều đó đã ngầm chứa trong những nốt nhạc của
Mozart: những nốt nhạc vui tươi, dí dỏm, tự tin và đầy nhân ái đi đôi với những
nốt nhạc nói lên lòng khiêm tốn, nỗi bất hạnh, tính u hoài và tình tuyệt vọng
của chàng.”
“Buổi trình
diễn Một đêm với Mozart không phải
chỉ tái tạo một trong những huyền thoại đáng yêu về những ngày Mozart lưu lại ở
Prague mà còn nhắc nhở một khung cảnh và một thời kỳ đã khiến Wolfgang Amadeus
mãn nguyện và hạnh phúc. Bertramka (với bảo tàng viện Mozart) trong những năm
gần đây đã trở thành nơi hành hương của không biết bao nhiêu du khách yêu
chuộng văn hóa Prague thuộc đủ mọi thế hệ, mọi khuynh hướng, mọi quốc tịch; đó
chỉ là một bước nhỏ mở cửa cho ta thấy một thế giới của trung tâm văn hóa
Bohemian thế kỷ 18, trong đó tất cả những nhạc sĩ, những người bảo trợ và những
người yêu nhạc đều có chung nhau một thần tượng: Wolfgang Amadeus Mozart.”
Mọi người vỗ
tay tán thưởng bài diễn văn của Nathtigallová và cùng nhau bước lên cầu thang,
vào thăm bảo tàng viện Mozart trên lầu của Bertramka, vốn xưa kia là nơi ở của
ông bà Duseks và Mozart trong thời gian chàng lưu trú tại đây.
Du khách vào
một phòng rộng và dài. Giữa là một tủ kính thật lớn. Trên tường bao quanh phòng
cũng là những tủ kính. Ánh đèn trong những ngăn tủ chiếu sáng những vật được
trưng bày. Đó là những tài liệu về Mozart và về gia đình Duseks được chú giải
bằng hai thứ tiếng Tiệp và Anh ngữ. Tài liệu bao gồm từ những bài tường thuật
của báo chí thời đó, những văn kiện liên quan đến bất động sản Bertramka, cho
đến những thư từ, những bản in khắc, bản thảo, tranh vẽ, bản nhạc chép tay,
nhạc khí và những vật kỷ niệm về Mozart trong thời gian chàng lưu trú ở
Bertramka và Prague.
Ở cuối gian
phòng là hành lang thông sang hai căn buồng khác, một phòng nhỏ chỉ bầy độc
nhất một cái đàn dương cầm và một phòng lớn hơn gọi là phòng Mozart, có lẽ là
nơi ngủ của Mozart và Constanze.
Trong lúc
các du khách khác chỉ đi qua, liếc sơ cái đàn dương cầm và dồn sự chú ý vào căn
phòng ngủ của Mozart, thì tôi, một mình, tôi đứng lặng rất lâu trước cây đàn.
Cây đàn
trông nhỏ nhắn, tầm thường. Tôi nhìn lên phím đàn. Mười ngón tay của Mozart,
mười ngón tay của một tài năng tuyệt luân đã từng gõ lên đấy. Tôi không ngăn
được ý nghĩ muốn sờ thử, muốn lồng bàn tay mình vào bàn tay của chàng. Như đoán
được ý nghĩ của tôi một sợi dây to bản căng chùng xuống giữa hai cột đồng ngăn
tôi và chiếc dương cầm bằng một khoảng cách vừa ngoài tầm tay với.
Mozart ngồi xuống. Ngay trước chỗ tôi đứng.
Josefína đứng bên đàn, hồi hộp chờ đợi. Rồi tiếng dương cầm gõ từng tiếng thánh
thót. Nàng cất tiếng hát. Giọng hát trong suốt như tiếng ngân vang của thủy
tinh. Tiếng hát vui tươi cao vút bỗng đổ xuống buồn bã, ai oán, thảng thốt. Đêm
đó mồng 3 tháng 11 năm 1787, Mozart vừa sáng tác xong bài hát concerto nổi
tiếng mang tên “Bella mia fiamma, addio!” để riêng tặng nữ chủ nhân Bertramka.
Huyền thoại thơ mộng về bài hát này được truyền tụng cho đến ngày nay. Ngày hôm
đó, vì nóng lòng muốn có ngay bài hát mà Mozart hứa sẽ sáng tác cho nàng, Josefína
sai chồng vào trong bếp pha cà-phê cho Mozart rồi nàng sắp sẵn giấy kẻ nhạc và
bút để sẵn trong phòng vẽ, lừa chàng vào căn phòng này, khóa trái lại và nhốt
chàng trong đó. Nàng ra hẹn với Mozart là chỉ mở cửa khi nào bài nhạc được viết
xong. Mozart nhanh chóng hoàn tất bản nhạc.
Gần đây
người ta mới tìm được bản lời ca trong tác phẩm mà Mozart viết riêng cho
Josefína vào ngày hôm đó và khám phá sự trùng hợp lạ lùng với lời trong bản ca
kịch Cerere placata viết bởi Michelle
Sarcone, trình diễn năm 1772 ở Naples, trong đó Titan, vị anh hùng bị bức tử,
đã thốt những lời ca bi thiết vĩnh biệt người yêu Proserpina trước khi từ giã
cõi đời.
Một lời ca
tiên tri. Bốn năm sau Mozart đến Prague và Bertramka lần thứ ba, thăm Josefína
lần cuối. Chàng qua đời mấy tháng sau đó, ở Vienna, vào ngày 5 tháng 12 năm
1791 khi chàng mới 35 tuổi.
Mozart-Josefína,
Titan-Prosperpina. Một ngẫu nhiên tình cờ hay một song song của định mệnh?
Có tiếng gọi
tên tôi.
Tôi quay
người lại. Tất cả du khách đã rời khỏi bảo tàng viện từ lúc nào. Tôi đi qua căn
buồng ngủ dành cho vợ chồng Mozart, căn phòng được tu sửa và bảo trì giống như
tình trạng nguyên thủy với những hình trang trí trên tường và trần do chính tay
nữ chủ nhân Bertramka, cũng là một người yêu thích và sưu tập nghệ thuật hội
họa, trang hoàng. Tôi đi vào một căn buồng nhỏ khác. Thái Vân đứng đợi tôi ở
cửa ra hiệu đã sắp tới giờ trình diễn. Trước khi khép cửa nàng chỉ tay cho tôi thấy một tủ
kính đặt ở góc tường. Tôi bước lại gần. Trong tủ, dưới ánh đèn, có trưng bày
một lọn những sợi tóc tơ vàng óng ả của nhạc sĩ Mozart.
Phòng trình
diễn ca kịch là nội sảnh lớn nhất của Bertramka. Tuy lớn nhưng cũng chỉ chứa
được khoảng bốn năm chục người. Phòng hình vuông, quanh tường và sau sân khấu
được trang trí bằng những bức họa vĩ đại, tất cả hình sắc và ánh sáng được
thiết kế để tái tạo khung cảnh thân mật, ấm cúng của một phòng tấu nhạc thế kỷ
18 nơi mà trên hai trăm năm trước đây Mozart đã thực sự trình diễn.
“Một đêm với
Mozart” không phải là một chương trình hòa tấu nhạc thông thường của Mozart như
chúng tôi thoạt tưởng khi đặt mua vé từ ở bên Mỹ mấy tháng trước. Tuy buổi
trình diễn có chơi nhạc Mozart nhưng trọng tâm ở đây vẫn là một màn ca kịch cốt
làm sống lại khung cảnh thật của một đêm với Mozart tại Bertramka, dựa theo hồi
ức của bà Josefína Dusková.
Sau khi
chồng bà, nhà soạn nhạc Frantisek Dusková(1731-1799) qua đời, Josefína
Dusková(1754-1824) hồi tưởng lại những kỷ niệm giữa bà và Wolfgang Amadeus
Mozart (1756-1791) mười hai năm về trước, vào những ngày mà người nhạc sĩ thiên
tài đã lưu trú ở Bertramka. Thời gian ấy không dài, từ mồng 3 tháng 10 đến ngày
13 tháng 11 năm 1787, vỏn vẹn có 40 ngày, nhưng đối với Mozart cũng như đối với
Josefína quả là những ngày diễm ảo đáng ghi nhớ nhất trong đời hai người.
Theo hồi ức ấy của bà Dusková, chính tại đây
trong không gian thơ mộng của Bertramka, trong bầu khí đối thoại đầy thoải mái
với gia đình Duseks và các nghệ sĩ thành phố Prague mà Mozart đã tìm thấy nguồn
hạnh phúc và cảm hứng sáng tác. Chính tại đây ngày 28 tháng 10 Mozart đã hoàn
tất vở nhạc kịch Don Giovanni là tác
phẩm chàng viết tặng cho dân chúng thành phố Prague. Ngay đêm hôm sau vở nhạc
kịch này được trình diễn trước công chúng và Mozart là người điều khiển buổi
diễn đầu tiên. Mozart đã tỏ ra lo lắng không biết dân Prague đón nhận những
dòng nhạc của mình như thế nào và tỏ ra hết sức vui mừng khi thấy buổi trình
diễn đầu tiên được dân thành Prague đón nhận nồng nhiệt.
“Một đêm với
Mozart” dựng lại một mảnh trong hồi ký của bà Dusková nhưng là một mảnh đáng
yêu nhất: tái tạo đêm mồng 3 tháng 11 năm 1787, đêm đó Mozart vừa sáng tác xong
bài hát concerto nổi tiếng mang tên “Bella mia fiamma, addio!” để riêng tặng nữ
chủ nhân Bertramka. Huyền thoại thơ mộng về bài hát này được truyền tụng cho
đến ngày nay và huyền thoại đó được làm sống lại như thực trên sân khấu.
Bên cạnh một
Mozart với thân hình nhỏ thó và ông chồng mệt mỏi già nua (năm 1787 ông Dusek
đã 56 tuổi) Josefína xuất hiện trên sân khấu như một thiên thần. Nàng là hiện
thân của của sức sống, của sắc đẹp và của tài năng. Sắc đẹp và tài năng ấy
không những chinh phục trái tim của Mozart mà còn chinh phục cả trái tim của
tất cả du khách tham dự buổi trình diễn đêm nay.
Wolfgang Amadeus Mozart–Bella mia fiamma,
addio!... Tiếng hát của Josefína ngân vang vừa dứt. Tiếng hát gửi đến
Mozart như một lời vĩnh quyết, cũng là lời tiễn biệt chúng tôi của kiều nữ
Renée Nachtigallová, người đã xuất sắc thủ vai nữ chủ nhân Bertramka.
Bấy giờ là
mười giờ đêm của Prague. Tôi nắm tay Thái Vân lách qua các hàng ghế. Từng cặp
du khách lần lượt bước ra ngoài vườn Bertramka. Choàng tay nhau đi trước chúng
tôi là một cặp vợ chồng già người Anh. Người vợ đi nép vào vai chồng. Tôi thấy
bà ngước mặt lên nhìn chồng âu yếm, rồi bà nói khẽ:
– You fell
in love with Josefína, didn’t you?
Một dòng
xanh… xanh…
Một… dòng
tràn mông mênh…
Khởi đi từ
vùng Black Forest bên Đức, kết thúc ở Black Sea của Lỗ-Ma-Ni, Danube là con
sông dài thứ hai của Âu Châu sau sông Volga mang những tên khác nhau Danau (Đức), Dunaj (Tiệp), Duna (Hung),
Danăre (Lỗ-Ma-Ni).
Dòng sông chảy qua 10 quốc gia trên một chiều
dài 2850 cây-số và chuyên chở trong nó hàng triệu con tim khắp thế giới qua hai
bản nhạc luân vũ bất hủ của hai nhạc sĩ trứ danh người Áo và Lỗ-Ma-Ni: Le Beau
Danube Bleu của Johann Strauss (1825-1899), (Dòng Sông Xanh, lời Việt của Phạm Duy), và Les flots du Danube của
Ion Ivanovici (1845-1902) (Sóng Nước Biếc
lời Việt của Phạm Đình Chương).
*
Trong bao
nhiêu thế kỷ dòng sông xanh Danube soi bóng đôi bờ hai thành phố nằm đối mặt
nhau mang tên Buda và Pest của Hung Gia Lợi.
Cho đến năm 1873 chiếc cầu treo được hoàn thành bắc ngang sông nối liền
hai thành phố thì Buda và Pest nhập làm một. Ngày nay chiếc cầu treo trở thành
biểu tượng làm nên lịch sử của thành phố Budapest.
Khi chiếc xe
buýt của hãng du lịch chạy qua cây cầu ấy tôi nhìn xuống dòng Danube và ngạc
nhiên được biết Budapest có một dòng sông hiền hòa và nổi tiếng như thế chẩy
qua.
Tôi ngạc
nhiên vì trước khi tôi đến đây Budapest không hề gợi trong tôi một hình ảnh nào
thơ mộng. Với tôi cái tên Budapest dính chặt với một biến cố lịch sử không mấy
gì đẹp đẽ.
Hình ảnh
thành phố này trong trí tưởng tôi là những chiếc xe tăng Sô-Viết, là những chai
xăng “Molotov coctails,” là dòng thơ của Thanh Tâm Tuyền đã thấm sâu vào tôi ở
tuổi đôi mươi:
Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest…
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp…
Giống như
thành phố Prague cổ kính mà tôi đã đi qua, thành phố Budapest này là một công
trình kiến trúc đại quy mô với những tòa nhà nhiều từng nối liền nhau hai bên
đại lộ mà mặt tiền trên cao đều trạm trổ công phu. Thành phố tự nó là một bảo
tàng viện vĩ đại. Budapest tôi trông thấy bây giờ cũng giống hệt Budapest của
nhiều thế kỷ trước, có khác nhau chăng chỉ ở trên mặt đường: những chiếc xe hơi
xe điện ngày nay thay thế những cỗ xe ngựa lọc cọc thời xưa.
Khi xe chạy
vào trung tâm thành phố, thoáng trong một giây trí óc tôi trở về với biến cố
1956. Những chiếc xe hơi đang chạy như mắc cửi ngay trước mắt tôi vụt mất. Đại
lộ bỗng trải rộng thênh thang. Từ một góc phố có tiếng gầm rú, tiếng nghiến của
xích sắt trên mặt đường rồi đầu chiếc xe tăng hiện ra, cái tháp quay tròn chĩa
họng đại bác lên cao ốc đe dọa. Rồi những cửa sổ đóng kín ở trên cao kia của
con đường này đồng loạt mở ra, những chai xăng Molotov tới tấp ném xuống. Tiếng
nổ. Đám cháy. Tiếng reo hò. Tiếng đạn bay. Hình ảnh một khúc phim cũ nào đó lóe
trong óc tôi như một tia chớp.
Khi chiếc xe
buýt đỗ trên bến sông thì trời chiều đã bắt đầu nhuộm tối. Cơn mưa nhẹ dường
như đã trôi theo chúng tôi qua ba thành phố từ Prague, qua Bratislava, đến đây.
Trước mặt tôi dòng sông Danube –dòng sông “của tôi” trong tâm tưởng– nay đã trở
thành hiện thực. Dưới làn mưa mỏng trong buổi chiều tím dòng sông khoác một vẻ
mặt mới, khác với vẻ xinh xắn êm dịu tôi đã nhìn thấy từ phía trên cầu. Nó mênh
mang, huyền ảo và quyến rũ hơn.
Theo chương
trình thì đêm nay du khách dùng cơm tối trên du thuyền và thưởng ngoạn phong
cảnh “đêm Budapest” trong khi thuyền trôi trên dòng Danube. Chúng tôi xuống
thuyền. Trời tối hẳn. Khi tôi mở cửa bước vào phòng ăn rộng lớn của du thuyền
thì một dòng nhạc rất quen thuộc ập vào tôi: Ôi! Tóc em hoe như mây chiều…
Rơi… Rơi... Vàng lòng đời… Ôi! Mắt em xanh như đêm dài… (Dòng Sông Xanh).
Trong suốt
tối đó trên thuyền bản nhạc bất hủ của Johann Strauss được lập đi lập lại trong
khi du khách tự lấy thức ăn và ngồi ở hai dẫy bàn đặt dọc theo cửa kính hai bên
mạn thuyền.
Thái Vân ngồi đối diện tôi qua chiếc bàn phủ
khăn trắng, một bông hồng đỏ và một ngọn nến giữa hai người.
Bên ngoài
cửa kính thành phố Budapest rực rỡ ánh đèn, những kiến trúc lịch sử, những lâu
đài được thắp sáng. Nhưng dòng sông thì
chìm trong biển đen. Màu xanh của dòng Danube bây giờ chỉ còn trong lời
nhạc, trong kỷ niệm. Tôi nhấp cốc rượu vang. Theo với hơi men và dòng nhạc luân
vũ dìu dặt trong ánh nến lung linh của du thuyền, màu xanh của dĩ vãng hiện về.
Màu xanh của nước biển. Mầu xanh của một dòng sông.
Một
dòng xanh… xanh… Một dòng tràn mông mênh… Một dòng nồng ý biếc... Một dòng sầu
mấy kiếp… (DSX)
Tiếng
nhạc trôi tôi về miền quá vãng, cái thời rất xa xưa lần đầu tiên tôi được nghe
Thái Thanh hát bài nhạc ấy. Thủa ấy khoảng năm 1953 thời mà Vũng Tàu còn gọi là
Cap Saint Jacques, tôi là một đứa bé được gia đình bác tôi cho đi ké theo ra
“Cấp”. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy biển. Thằng bé đi lang thang ở bãi
trước. Dưới bóng hàng cây thùy dương là những kiosque lúc nào cũng đầy những
ông tây cởi trần trùng trục ngồi uống bia trên những chiếc ghế đẩu cao, trong
khi những bà đầm nằm thượt phơi nắng trong chiếc ghế vải với bộ đồ bikini hai
mảnh trên người. Và chiều nào cũng thế, bãi trước vang vang những lời nhạc phát
ra từ máy phóng thanh. Toàn là những bài hát tây. Có vài bài mà đến nay tôi còn
nhớ được ít lời: Dans un coin perdu de
montagne… (Étoile des neiges), Moulin
des amours, tu tournes tes ailes… (Moulin Rouge), Tout le bleu du ciel… danse dans tes yeux… (Tango Bleu).
Rồi bỗng một
buổi chiều lần đầu tiên tôi nghe một bài hát lời Việt, giọng trong và cao, vút
ra từ máy phóng thanh. Tiếng hát lan hòa nhịp sóng của bãi biển Vũng Tàu. Một dòng xanh...xanh... Một dòng tràn mông
mênh... Một dòng nồng ý biếc… Một
dòng sầu mấy kiếp… Một dòng trời xao xuyến… Một dòng… còn quyến luyến… Một dòng nhớ quay về miền
đời lúc mơ huyền… Như một mối tình đầu, tôi yêu Thái Thanh và Dòng Sông
Xanh từ đó.
Tôi nghiêng
người nhìn lên cao. Thuyền đi qua chân cầu treo. Ở trên tít cao chiếc cầu lịch
sử của Budapest được thắp sáng. Xa xa phủ lên một màu đèn sáng xanh là những
câu cầu khác bắc ngang sông Danube, mỗi cầu là một công trình nghệ thuật, xứng
hợp với các kiến trúc lịch sử ở hai bên bờ sông.
Hai bên bờ
sông Danube ấy, một tuần lễ sau, là một quang cảnh khác, quang cảnh rực rỡ ánh
nắng ban mai, khi đám du ngoạn chúng tôi bước lên một con tàu khác, ở một miền
đất khác, miền đất của nước Áo, của thành Vienna mộng mơ, và của quê hương hai
nhạc sĩ lừng danh: Amadeus Mozart và Johann Strauss.
Rời Budapest
hai hôm sau, chúng tôi di chuyển đến Vienna. Thành phố cũng có dòng Danube chẩy
qua và cũng có du ngoạn bằng thuyền ban đêm trên sông. Nhưng chúng tôi không dự
buổi du ngoạn ấy mà chọn một tour khác hai hôm sau, cũng trên sông Danube nhưng
vào ban ngày, trên đường từ Vienna đến nơi sinh đẻ của nhạc sĩ Mozart, thành
phố Salzburg. Thay vào đó đêm ấy chúng tôi dự một buổi hòa nhạc tại đại hí viện
Imperial Palace do ban nhạc Wiener Hofburg trình diễn. Đây là buổi nhạc đại hòa
tấu trình diễn nhạc của hai người con yêu quí nhất của Áo quốc và của thành phố
Vienna: J. Strauss & W.A. Mozart. Buổi hòa tấu chấm dứt bằng bản Dòng Sông
Xanh với tiếng vỗ tay vang động tưởng
như bất tận của khán thính giả.
Tuy nhạc của
Johaan Strauss phổ thông trong lòng đại chúng hơn nhạc Mozart nhưng trong thời gian chúng tôi lưu trú ở
Vienna (tháng 10 năm 2005) đi đâu chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến Mozart, trưng
hình Mozart. Những bức tượng Mozart được chùm kín trong bao plastic để tu sửa.
Và sau này khi đến Salzburg chúng tôi thấy ngay căn nhà nơi Mozart sinh đẻ cũng
được che kín để sửa sang. Robert giải thích thành phố đang được trang hoàng lại
để sửa soạn đón lễ kỷ niệm 250 năm sinh nhật của người nhạc sĩ này vào năm sau
2006. Anh ta còn cho chúng tôi biết là đang có một sự thi đua giữa Vienna và
Salzburg trong việc tổ chức năm kỷ niệm này và thành phố nào cũng đòi vơ Mozart
vào như đứa con cưng riêng của mình. Mozart tuy sinh ra và sống ở Salzburg cho
đến năm 25 tuổi, nhưng sau đó chàng đã chọn Vienna làm nơi định cư vĩnh viễn và
chết tại đó.
Sau hai ngày
ba đêm ở Vienna, xe buýt lên đường đi Salzburg. Thành phố này nằm ở phía tây
của nước Áo, gần biên giới Áo-Đức. Nó nổi tiếng vì không những là nơi sinh
trưởng của Mozart mà còn được xem là một thành phố đẹp nhất của Âu châu, được
chọn làm bối cảnh cho cuốn phim âm nhạc đầy thơ mộng Sound of Music. Đây là chặng chót của chuyến du ngoạn trước khi
chúng tôi trở về điểm xuất phát là thành phố Munich (Đức), kết thúc chuyến đi
14 ngày qua năm nước Đông Âu bằng xe buýt, chuyến đi mang tên Bohemian Rhapsody
mà tôi dịch là Đẹp như kiếp Bohémien dựa
theo lời một bài hát Việt thịnh hành.
Rời Vienna mấy cây số thì xe lên dốc. Xe chạy
quanh co trong vùng đồi núi bao quanh thành phố, bỏ lại phía sau dưới thung
lũng xa tắp là thành phố Vienna mộng mơ và con sông Danube uốn khúc lấp lánh
ánh nắng. Tôi nhìn khu rừng thông hai bên đường và nghe Robert giải thích đây
là rừng săn bắn; Johann Strauss đã cảm hứng trước vẻ đẹp của khu rừng này và
sáng tác bản nhạc La forêt Viennoise.
Đến Krems,
một làng nhỏ nằm ven bờ sông, xe ngừng. Chúng tôi xuống và bước lên một con tàu
lớn, lớn hơn du thuyền ở Budapest. Tàu chạy trên sông Danube một đoạn dài 35
cây-số băng qua thung lũng Wachau, nằm giữa hai làng Krems và Melk. Khúc sông
này được chọn vì nó đi qua một vùng tuyệt đẹp và tiêu biểu nhất: thung lũng
Wachau là tổng họp giữa cảnh trí thiên nhiên và lịch sử, văn hóa của nước Áo.
Du khách
ngồi ở bàn ăn nhìn qua cửa kính. Ai nấy đền chĩa máy ảnh ra ngoài. Máy phóng
thanh trên tàu giải thích những thắng tích, những lâu đài ở hai bên bờ. Tôi
nhìn dòng sông rộng mênh mang, sóng cuồn cuộn lấp lánh trong ánh nắng mai, bất
giác hai bản nhạc bất hủ của dòng sông này lại hiện lên giao hòa trong trí tôi.
Một dòng xanh… xanh… Một dòng tràn mông mênh… (DSX) chuyển
thành một… dòng sông sâu... cuồn cuộn
sóng trôi về nơi đâu. Gió… đưa buồm nâu…
mang tâm hồn vào cõi u sầu… (Sóng Nước Biếc).
Người hầu
bàn cúi xuống. Thái Vân gọi cốc nước cam. Tôi muốn gọi bia uống nhưng phân vân
không biết chọn thứ bia nào vì trong thực đơn có ghi cả chục loại khác nhau.
Bỗng tôi mỉm cười, quả quyết kêu to:
– Edelweiss!
Ôi! Tóc em hoe như mây chiều… Hình ảnh
người con gái Vienna xẹt như một ánh sao.
Uống hết
chai bia tôi định rủ Thái Vân lên bong tàu vì lúc ấy trời nắng to, hầu hết du
khách đều lên bong hứng nắng. Nhưng tôi thấy nàng đang mải mê nói chuyện với
cặp vợ chồng người Anh lúc đó đã trở thành bạn của chúng tôi, tôi cầm chiếc máy
ảnh lên bong tàu một mình.
Trên bong
ánh nắng chan hòa. Nắng hắt từ mặt sông làm lóa mắt tôi. Mặt sông bát ngát. Sóng lớp lớp… sóng lớp lớp… sóng đem nguồn
vui. Đang chơi vơi… đang chơi vơi… sóng lan mọi nơi. Khi đau thương… khi yêu
thương thiết tha vô vàn. Sóng dâng trong lòng ta mơ màng… (SNB).
Tôi nghĩ đến
đêm hai hôm trước ở Vienna trong quán ăn Ý, tự hỏi vì sao đúng vào giây phút
gay cấn nhất tôi đột nhiên ngừng lại. Cái gì ngăn không cho tôi liều lĩnh hơn
một chút? Nhát gan chăng? Sợ cô nàng la làng chăng? Có lẽ đúng thế. Nhưng tôi
nhớ rõ cái cảm giác ngay sau quyết định ấy, khi tôi quẳng tiền trên đĩa, lặng
lẽ bước ra cửa. Một cảm giác lịm đi vì buồn. Như mình vừa mới đánh mất một cái
gì to lớn. Tôi ngợ không phải vì mất Anita. Mà buồn chính vì biết tuổi trẻ của
mình đã mất. Ngày vui đã qua…bờ sông
riêng có ta, nhìn sóng trôi về phương trời xa mịt mờ. Xót xa chiều nay ta đến
đây để thấy trên dòng sông… duyên tình… tàn phai… (SNB).
Tiếng nói
của nhà tôi làm tôi chợt tỉnh:
– Anh đứng
xích ra một chút, em chụp anh với cái lâu đài ở phía sau.
Thái Vân
chĩa máy ảnh về phía tôi, tay nàng ngoắc ngoắc ra hiệu tôi đứng né sang một
bên. Chụp xong tấm hình chúng tôi đứng tựa lan can nhìn cảnh vật bên sông. Cảnh
trí ở đây trông đẹp như một cảnh giả. Lác đác trên đồi những căn nhà với những
mái ngói đỏ tươi in trên nền cỏ xanh mượt như nhung khiến tôi nhớ đến những
tranh vẽ trên những hộp kẹo tây tôi đã thấy hồi niên thiếu.
Tôi nói với
nhà tôi:
– Trong bao
nhiêu năm qua lời nhạc của Phạm Duy làm anh tưởng tượng con sông này sai bét.
Cứ nghĩ nó là một con sông nho nhỏ xanh xanh, ở hai bên bờ lúc nào cũng đầy
những cô gái cười đùa. Ánh dương lên xôn
xao, hai ven bờ sông sâu, cười ròn tiếng người, đẹp lòng sớm mai. Những cô em
tươi môi, ngồi giặt yếm yên vui, thả ý thắm theo người chở gió về xuôi… (DSX). Bây giờ thấy dòng sông này cũng chẳng
xanh gì, mà lại rộng thênh thang, hai bên bờ thì vắng ngắt, tàu chạy cả tiếng
mà không vẫn thấy có bóng dáng một người nào.
Nàng nhìn
tôi mỉm cười nói:
– Nếu không
thấy hình ảnh “những cô em tươi môi” ở ven sông thì lấy hình ảnh “người đẹp
thành Vienne” của anh thế vào.
Tôi hỏi:
– Người đẹp
nào?
– Còn ai vào
đây. Người đẹp Anita chứ còn ai nữa!
Tôi định
chống chế, nhưng tôi chỉ mỉm cười, lắc đầu:
– Biết nhau
hết!
Nhà tôi đưa
máy ảnh nhắm tôi cười một cách giễu cợt rồi nàng cất tiếng hát nho nhỏ:
– Hát vang
lên cho vui… A-ni-ta bên tôi… đời là khúc nhạc… đời là tiếng thơ…
Seattle, mùa nắng Hạ 2006.