Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018
Nguyễn Tường Thiết: Chị Thoa
Chị Thoa có lần nói với tôi:
- Em biết không? Cậu lấy tên của
chị đặt cho một nhân vật trong tiểu thuyết của cậu đấy!
Tôi hỏi:
- Truyện gì?
- Hai Buổi Chiều Vàng. Em đọc
truyện ấy chưa?
- Có lẽ em đọc rồi. Hồi bé. Bây
giờ em chả nhớ truyện ấy thế nào.
- Em đọc lại đi. Buồn lắm...
Bao nhiêu năm trôi qua. Tôi quên
lời chị nói và không hề đọc lại Hai Buổi Chiều Vàng.
Mãi gần đây nhớ đến chị tôi lại
tủ sách lục tìm quyển truyện ấy của Nhất Linh ra đọc lại. Đọc xong tôi gấp sách
ngồi thờ thẫn một hồi lâu. Rồi tôi buột miệng nói với chị như thể chị vẫn còn ở
trước mặt:
- Vâng, em cũng thấy truyện ấy
buồn man mác...
Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Đời
chị còn buồn hơn...”
Nếu chị ở trước mặt tôi sẽ nói
với chị thế này: “Chị lầm rồi! Không phải cậu lấy tên chị đặt cho nhân vật Thoa
trong Hai Buổi Chiều Vàng đâu, mà cậu lấy nhân vật Thoa để đặt tên cho chị đấy!
Chị quên rồi à? Hai Buổi Chiều Vàng xuất bản năm 1937, một năm trước khi chị ra
đời.”
Bố tôi khi đặt tên Thoa cho chị
chắc hẳn mong rằng sau này đời chị sẽ gặp may mắn, ít ra cũng như cô Thoa trong
Hai Buổi Chiều Vàng, bởi vì ở trong truyện cuối cùng rồi nàng cũng được xum họp
bên chồng, hơn thế, lại có người yêu mình mãi mãi bằng mối tình thầm lặng.
Thực tế chị Thoa không có cái
diễm phúc ấy như cô Thoa trong truyện.
*
Chị sinh ở Hà Nội năm 1938 và
sống bên Pháp lâu năm. Chị ở một mình trong một căn buồng nhỏ trên lầu hai tại
số 3 đường Chateauredon thành phố Marseille. Không chồng con.
Chị ra đi lặng lẽ như cuộc đời
chị. Không người thân bên cạnh. Tại Clinique d’Angelus, lầu hai, phòng 210 vào
lúc 0 giờ 30 sáng ngày 6 tháng 2 năm 2006.
Chị đi êm ả. Đó là niềm an ủi lớn
nhất cho chúng tôi. Vào những ngày cuối người chị yếu dần đi và lả vào cơn hôn
mê nó tránh cho chị cái đau đớn tột cùng mà nhiều người mắc bệnh ung thư ở giai
đoạn chót phải chịu đựng.
Khi tôi đáp chuyến xe hỏa tốc
hành từ Paris đến Marseille thăm chị thì chị đã hôn mê. Lúc ấy tôi lại tưởng
chị ngủ. Tôi ngồi bên giường chị, nắm tay chị, ngắm chị ngủ say sưa. Kiên nhẫn
tôi đợi chị tỉnh.
Tôi đợi. Đợi mãi. Đợi từ sáng đến
chiều. Đợi hai ngày liền như thế.
Để qua thì giờ... Tôi viết những
dòng sau này cho chị.
*
Em viết ngay trước mặt chị. Chị
không biết đâu. Và có lẽ, có lẽ thôi, em hy vọng là em lầm, chị sẽ chẳng bao
giờ biết được điều này.
Bây giờ là 11 giờ 30 phút trưa
ngày mồng 5 tháng 2 năm 2006 và chúng mình đang ở trong phòng 210 của bệnh viện
Angelus. Người ta mới chuyển chị sang phòng này từ căn phòng số 211 theo lời
yêu cầu của chị. Anh Việt nói chị chê căn phòng cũ tối tăm quá và không có cửa
sổ trông ra ngoài. Em không biết là chị có nhìn thấy căn phòng mới này chưa?
Hay để em tả cho chị nhé. Em hứa
là em viết xong đoạn nào thì em sẽ đọc ngay cho chị nghe.
Em tin rằng mặc dù bây giờ chị
đang ngủ nhưng chị nghe được những lời em nói. Không những chị nghe được mà lại
còn nghe rất rõ. Như chị đã nghe rất rõ tiếng còi tàu xe hỏa của năm mươi năm
về trước.
Chị nhớ không? Có lần em gọi điện
thoại từ Mỹ nói chuyện với chị, chị bảo em lúc chị mổ trong cơn mê chị đã nghe
lại được tiếng còi tàu vẳng lên từ thung lũng sau nhà. Hồi đó, đúng 5 giờ chiều
mỗi ngày chuyến tàu hỏa từ Đơn Dương đi lên cứ đến Trại Mát trước khi vào thành
phố thì hụ còi. Tiếng còi tàu lướt qua thung lũng Prenn loang vào không gian Đà
Lạt vọng vào căn nhà đá số 19 đường Đặng Thái Thân nơi cậu và hai chị em mình
ở; tiếng còi hồi đó nghe mơ hồ thế mà sao mới đây chị lại nghe rõ mồn một.
Marseille hôm nay trời rét lắm.
Buổi sáng u ám. Khi em đến đây thì trời bỗng trong ra và có nắng to, thứ “nắng
mới trông ngon lạ” như cậu tả trong Bướm Trắng, chị nhớ không? Nắng lọt qua
khung cửa thả xuống sàn phòng vắt ngang giường chị nằm, nắng đang sưởi ấm đôi
chân của hai chị em mình đấy.
Để em đứng lên nhìn ra ngoài nhé!
Bên ngoài đẹp lắm chị ạ! Mình
đang ở trên lầu hai của clinique. Cửa sổ trông thẳng ra một hành lang dài. Hành
lang phía trái có rất nhiều cột gạch vuông, ánh nắng lọt qua những khoảng trống
đổ xuống sàn những vệt sáng chéo nối tiếp. Những chiếc ghế xếp đặt dọc theo
hành lang, có lẽ để bệnh nhân ngồi ngả lưng hứng nắng và hưởng không khí tươi
mát bên ngoài. Hôm nay dù nắng to nhưng nhiệt độ hạ thấp gần không độ nên em
không thấy ai ngồi trên những chiếc ghế đó. Hành lang trống trải. Chỉ có nắng
chan hoà. Kiễng chân lên một chút em có thể thấy được công viên của bệnh viện ở
dưới kia, công viên với rất nhiều lối đi trải sỏi, với bức tượng đức mẹ Maria
cúi mặt dựng ở giữa những chiếc ghế đá dài lạnh lẽo. Một cặp vợ chồng già di
chuyển chậm chạp trong vuờn cây trên lối đi. Em đoán ông già là bệnh nhân được
người vợ đầm dìu đi dạo nắng.
Em tạm ngừng đọc! Có ai vừa gõ
cửa phòng...
Tôi quay người lại. Cửa phòng hé
mở. Một người y tá thò đầu vào. Thấy tôi ông ta gật đầu chào rồi quay nhìn cái
bình nước biển treo trên cao. Đoạn ông ta rụt đầu ra, khép cửa lại, trả căn
buồng 210 về sự vắng lặng. Sự vắng lặng làm tiếng nói của tôi vừa mới thoát
khỏi cửa miệng đã lạc lõng quay về với chính mình. Trả lời tôi là tiếng sủi nhỏ
nhỏ đều đều của chiếc bình dưỡng khí.
Chị Thoa đầu ngả một bên. Cứ cách
quãng đều đặn có tiếng thở hắt của chị. Tiếng thở ấy, dấu hiệu duy nhất của sự
sống, tôi nghe không tự nhiên, có vẻ như một nhịp thở nhân tạo. Một ống plastic
nhỏ xíu vắt qua mặt dưới hai cánh mũi nối với bình dưỡng khí đặt ở cạnh giường.
Treo trên giá cao là bình nước biển nối thòng xuống một ống plastic khác truyền
vào mạch máu cánh tay dưới tấm chăn trắng. Tóc chị cắt ngắn, trơ ở dưới chân
tóc màu bạc trắng. Hai má chị hóp hẳn vào. Hai mắt chị không nhắm cũng không mở
hẳn, chỉ hé nửa chừng cho thấy tròng mắt đục đục.
Cặp mắt ấy hướng về một bên
tường. Trên tường treo một cây thánh giá nhỏ bằng gỗ màu nâu. Không biết là vô
tình chị quay mặt về hướng ấy hay là chị cố ý nhìn cây thánh giá cầu nguyện
trước khi chị rơi vào tình trạng hôn mê?
Chị thiếp đi vào cõi mê từ thời
điểm nào tôi không biết. Có lẽ trong thời gian khi chuyến tàu hỏa từ Paris đưa
tôi đến Marseille. Tôi đoán thế bởi vì khi chuyến tàu rời ga Lyon tôi có cảm
tưởng rất lạ là tôi sẽ không bao giờ gặp lại chị.
Chị Thoa à... Em đến thăm chị
ngày hôm qua. Anh Việt có nói với chị trước khi anh ấy đi Paris là em vừa từ Mỹ
qua Paris mấy hôm thì bị ốm phải hoãn thăm chị mấy ngày. Hôm qua dù chưa khỏi
hẳn em cũng ráng lấy vé tàu đi Marseille.
Paris mùa Đông năm nay rét quá
chị ạ. Nhiệt độ hình như xuống tới tám độ âm. Lần đầu tiên đứng trên sân ga
Lyon em bỗng nhớ đến bài Tiễn Em chị hát cho em nghe ngày nào tụi mình còn ở Đà
Lạt. Lên xe tiễn em đi. Chưa bao giờ buồn
thế... Trời mùa Đông Paris... Suốt đời làm chia ly... Ga Lyon lúc đó không
có đèn vàng nhưng có tuyết rơi. Tuyết rơi
mỏng manh buồn....
Em đứng ngơ ngác trên sân ga. Gió
thổi lốc vào nhà vòm. Gió như có hàng trăm mũi kim chích buốt da mặt. Gió rét
em đứng co ro với chiếc mũ len chụp xuống tận mang tai. Em dáo dác đi tìm bến
xe đi Marseille, không biết bến nào, muốn hỏi thì vốn tiếng tây mấy chục năm
không dùng đã bay đâu hết. Em đứng trước một cái kiosque có đề chữ lớn Accueil.
Có phải đó là chòi Information? Em tiến tới cửa sổ chìa tấm vé hỏi bằng tiếng
Anh bến đi Marseille thì người đàn ông sau cửa cau mày trả lời tiếng tây bằng
một giọng rất sẵng: “Tôi chỉ nói tiếng Pháp!” Em tức quá chị ạ, sao họ bất lịch
sự thế, bên Mỹ không thế đâu. Bỗng em nghe có tiếng nói nhẹ nhàng ở phía sau.
Em quay lại bắt gặp nụ cười hiền hậu của một bà già. Bà lập lại câu nói của mình
bằng một giọng Anh rất “đầm”: “Tôi có thể giúp gì cho ông được không?” Bà ta
tốt quá chị ạ. Chỉ cho em từng ly từng tí. Nào là phải tìm bến Grande Ligne,
phải ngó lên tấm bảng quang điện có hiện lên số tàu, nơi tàu đến và số bến đậu,
những chữ này chỉ hiện ra khoảng 15 phút trước giờ tàu chạy thôi.
Chuyến tàu chạy qua suốt chiều
dọc của nước Pháp em chỉ thấy toàn một màu tuyết trắng. Nhìn qua cửa sổ tàu
những bông tuyết bay xiên xiên lặng lẽ. Em có cảm tưởng con tàu như bất động
không di chuyển trên một sa mạc trắng xóa mặc dù đây là tàu cực nhanh TGV nối
Paris-Marseille chỉ trong có ba giờ đồng hồ.
Ngồi trên xe hỏa em lục ba lô lấy
bánh mì ra ăn rồi em lấy bản đồ Marseille do anh Việt đưa tối hôm trước ở Paris
ra nghiên cứu. Em cần biết đường từ nhà ga St Charles đến nhà chị và đường xe
buýt đến bệnh viện Angelus. Anh Việt cũng giao cho em chìa khóa nhà chị. Em
mang theo đầy đủ giấy bút theo lời chị dặn để viết vì trên giường bệnh chị sẽ
kể em nghe về những kỷ niệm với cậu, với mợ từ thời ở Cẩm Giàng, ở Phượng Vũ.
Em rất phục trí nhớ của chị. Bài Thanh Ngọc Đình em viết trước tết ta vừa rồi
tả về đêm giao thừa với cậu ở Fim Nôm phần lớn em dựa vào lời kể của chị. Em có
mang cả cuốn tập san Thế Kỷ 21 số Xuân Bính Tuất có đăng bài này. Em sẽ đọc bài
này cho chị nghe và tặng chị cuốn sách.
Có tiếng gõ cửa rồi cửa mở. Một
cô y tá bước vào. Cô nàng rất trẻ, đeo cặp kính trắng, trông cô như một sinh
viên. Trên túi áo blouse trắng của cô có bảng tên Virgile. Cô nói Bonjour và
tiến lại bắt tay tôi. Tôi đứng lên tự giới thiệu bằng tiếng Pháp tôi từ Mỹ qua,
là em của bệnh nhân, mới đến Marseille ngày hôm trước. Tưởng tôi rành tiếng
Pháp Virgile tuôn thêm một tràng dài. Nàng đâu biết là sau câu nói đó tôi hết
đạn. Tôi ngượng nghịu thú nhận bằng tiếng Anh rằng vốn tiếng Pháp của tôi chỉ
có thế và hỏi cô có thể nói chuyện bằng tiếng Anh được không? Nàng nheo mắt giơ
hai ngón tay trước mặt, đầu ngón cái ngón trỏ khép nhau, chừa một khoảng cách
nhỏ tí, nói A little! Tôi cũng bắt chước, quặp ngón trỏ và ngón cái, nói Un peu!
Hai chúng tôi cùng mỉm cười và dùng cả hai thứ tiếng lẫn lộn nói chuyện với
nhau. Tôi hỏi Virgile về tình trạng của chị Thoa, có phải chị đang trong tình
trạng coma không, cô ta gật. Nhưng khi tôi hỏi sâu hơn như tình trạng coma này
kéo dài bao lâu và có hy vọng hồi phục không thì cô nói là cô không phải bác sĩ
nên không có quyền trả lời.
Virgile đến bên giường bệnh. Hai
tay cô cầm lấy một bàn tay của chị Thoa xoa nắn nhè nhẹ. Ở bên này giường tôi
cũng nâng bàn tay của chị lên xoa bóp và cảm nhận qua làn da một bàn tay lỏng
le và lạnh lẽo. Chúng tôi yên lặng cúi đầu. Hồi lâu tôi ngửng lên thấy bên kia
giường đôi môi mím của Virgile rung rất nhẹ như thể cô ta đang cầu nguyện. Rồi
cô ta đặt bàn tay chị tôi xuống, lấy tấm chăn phủ lên, lẳng lặng đi ra khỏi phòng,
đôi mắt nhìn xuống sàn, đôi mắt ấy thật buồn.
Chiều hôm qua lúc rời bệnh viện
tôi đã ngờ chị Thoa bị coma, không phải ngủ mê. Về phòng nơi chị ở tôi vội gọi
điện thoại cho anh Việt báo anh biết tình trạng bất thường của chị; anh nói sẽ
quay trở lại Marseille ngay hôm sau. Tuy nhiên sự xác nhận của Virgile cộng
thêm đôi mắt buồn rượi của nàng làm tôi xúc động. Tôi nghĩ là Virgile phải còn
rất trẻ và mới ra trường vì cái nghề của nàng nhanh chóng sẽ buộc nàng phải
giết chết mọi biểu lộ tình cảm như thế.
Virgile ra khỏi phòng đã lâu. Tôi
không còn tâm đâu để viết tiếp. Tôi gấp tờ giấy có chữ viết rất nhỏ của tôi kẹp
vào trong cuốn Thế Kỷ 21 rồi tôi cúi xuống gần mặt chị Thoa tay sờ má lay chị
dậy. Tôi nhìn vào đôi môi chị Thoa và nói với chị:
- Chị Thoa ơi! Em đây. Thiết đây.
Chị dậy đi! Chị ngủ lâu quá rồi! Em chờ chị đã hai hôm rồi. Nếu quả thật chị
nghe được lời em nói thì chị hãy cho em một dấu hiệu. Dấu hiệu nào cũng được.
Chị chớp mắt cho em biết. Hay là... để em sờ các ngón tay chị nhé, chị cử động
các ngón tay đi...
Mặc dù nói thế nhưng tôi chỉ nhìn
vào và quan sát đôi môi của chị. Không hiểu tại sao tôi tin rằng nếu chị Thoa
muốn thông tin cho tôi bằng một tín hiệu thì tín hiệu ấy phải đến từ cặp môi
ấy.
Cặp môi có một cái tật nó làm nên
dấu ấn của chị Thoa. Môi chị rộng lúc nào cũng hơi méo méo ở một bên trông tựa
như hình quả lê, cặp môi ấy hình như luôn luôn có ngầm một sự hoạt động liên
tục ngay cả khi chị ngừng nói, cứ lát lát bắp thịt ở cuối môi lại tự động nhích
khẽ một cái, giật nhẹ một cái, nhưng chỉ thoáng thôi, như một nghi ngờ.
Trong bao nhiêu năm hình ảnh đôi
môi ấy đã ăn vào tôi không những như một biểu tượng của chị và còn là hình ảnh
linh động của sự sống. Cho nên khi tôi thấy cặp môi ấy hoàn toàn bất động trên
gương mặt chị tôi hiểu là có lẽ tôi đã mất chị Thoa.
Cả một chuỗi những hình ảnh thời
thơ ấu hiện lên từ những ngày xa xưa chúng tôi ở Hà Nội. Thủa ấy sau cái chết
của Thái em tôi thì chị Thoa và tôi bé nhất nhà. Chúng tôi cùng học mẫu giáo
trường Nhà Chung gần nhà thờ lớn Hà Nội. Vào Sài Gòn những năm trước hiệp định
Genève hai chị em lại học chung trường tiểu học tư Decroly ở góc đường Hồng
Thập Tự và Lê Văn Duyệt. Nhưng dạt dào kỷ niệm thân thương nhất vẫn là những
ngày chị em tôi cùng với bố sống trên vùng đất cao nguyên, chị em tôi theo dấu
chân bố qua từng căn nhà, từng con phố của Đà Lạt: bắt đầu từ 27 Phan Đình
phùng cho đến 31 Minh Mạng, 12 Yersin, 19 Đặng Thái Thân, 7 Yagut và sau cùng
là 71 Hoàng Diệu. Trong tất cả những ngày tháng tuyệt vời ấy của những năm 1955
đến 1958 mẹ không có bên cạnh, chị Thoa đóng vai mẹ lo cho bố cho tôi từng bữa
cơm sáng chiều. Ba bố con những buổi đi chơi núi picnic, những lần tắm suối vào
rừng tầm lan, những buổi hòa nhạc tại gia, tiếng kèn của bố tiếng hát của chị,
những hình ảnh đó thần tiên quá như chỉ có trong giấc mộng đẹp chứ không thể
nào có thực trong cuộc đời này.
Hồi nhỏ chị Thoa bị bệnh đau mắt
hột chữa mãi mới hết nhưng từ đó thị giác chị rất kém. Chị phải đeo kính cận
rất sớm. Vì mắt kém chị bỏ học ngang. Kiến thức chị chỉ ở trình độ trung học
phổ thông. Đôi kính dầy cộm làm giảm nhan sắc chị vốn tự nó cũng chỉ ở mức
trung bình. Người chị tương đối cao to so với phụ nữ Việt Nam. Bên trong cái
thân hình ấy là một con người thực thà đến độ ngây thơ, một lòng tin yêu nhẹ dạ
và một tâm hồn mộng mơ xa rời thực tế.
Năm 1966 chị Thoa làm việc tại Ty
Xã Hội Tuyên Đức được Bộ cấp giấy phép sang Pháp chữa bệnh mắt. Trước khi chị
đi tôi đến thăm chị nằm điều trị ở trung tâm nhãn khoa bệnh viện Chợ Rẫy. Chị
khóc. Tôi cũng khóc. Chị nói là chị em mình không biết đến bao giờ mới gặp lại
nhau vì chị có ý định sau khi chữa mắt sẽ ở luôn bên ấy không về nước.
Chị em tôi từ đó mỗi người mỗi
ngã. Sang Pháp chị định cư ở Paris có anh chị Việt ở gần giúp đỡ. Chị làm những
nghề vặt vãnh để sống trong các nhà hàng ăn nhưng vì mắt kém và chậm chạp chị
khó làm một chỗ nào lâu. Có một nghề, nếu tạm gọi đó là nghề, hợp với chị Thoa
nhất là trông nom người già. Chị ở chung và trông nom ông bà Hoàng Xuân Hãn
trong một thời gian khá dài.
Đời tình cảm của chị tôi không
được biết nhiều. Chị không bao giờ lập gia đình. Trong khoảng thời gian đầu ở
Pháp chị sống với anh Hiếu, một bạn trai của chị. Mẹ tôi biết chuyện này, buồn
lắm. Mẹ tôi thuộc thế hệ xưa không thể hiểu nổi lối sống chung chạ nam nữ của
thế hệ mới này. Mẹ tôi rất mong được thấy hai người lấy nhau. Nhưng mong ấy
không thành. Sau một thời gian dài chung sống, chị Thoa và anh Hiếu chia tay.
Khi ông Hãn mất chị xuống
Marseille ở nhà một người chú họ đã cao tuổi cần người săn sóc. Việc nặng nhọc
quá chị không kham nổi. Chị bỏ việc nhưng quyết định ở lại Marseille không trở
lại Paris. Có lẽ thời tiết ấm áp của miền biển hợp với sức khỏe của chị hơn.
Chị xin vào quốc tịch Pháp và từ đó sống nhờ trợ cấp chính phủ. Tiền trợ cấp
không bao nhiêu. Chị thuê một căn phòng nhỏ trên lầu hai của một chung cư nằm
trên một con đường nhỏ cách nhà ga St Charles khoảng 15 phút đi bộ. Địa chỉ căn
nhà đó tôi thuộc nằm lòng vì bao nhiêu bức thư của tôi đã gửi đến đó, bao giờ
cũng kèm những bài viết mới nhất của tôi. Bao nhiêu năm, bao nhiêu cánh thư về
đó, nhưng mãi đến ngày hôm qua tôi mới có dịp đến tận nơi.
Bàu trời u ám khi chuyến tàu hỏa
vào ga. Dù ấm hơn Paris nhưng Marseille vẫn còn rất lạnh. Tôi ra khỏi ga St
Charles vai đeo ba-lô, một tay kéo va-ly, tay kia cầm bản đồ, theo đám đông
bước xuống những bực thang đá rất dài. Anh Việt dặn tôi xuống hết bực thang cứ
nhắm phía trước đi thẳng. Đại lộ Athènes. Đại lộ Dugommier. Đại lộ Garibaldi.
Gọi đại lộ (boulevard) cho to chứ những con đường này ngắn và không lớn lắm.
Theo bản đồ đi quá đường Académie rẽ tay phải thì đến đường nhà chị Thoa. Nhưng
tôi đi quá rất xa vẫn không thấy đành quay lui và khám phá ra mình đã đi qua
đường ấy mà không biết: Chateauredon chỉ là một con ngõ bé tý, hai bên nhà cao
nhiều từng cũ kỹ. Tôi bước đi trên vỉa hè hẹp tránh những bãi rác những cục
phân chó bị dẫm bết và dò tìm số nhà. Trước một cánh cửa gỗ lớn tôi tra chìa
khoá mở rồi bước lên một cầu thang cuốn tối tăm. Đến trước phòng của chị tôi
dùng ba chìa khóa mở ba ổ khoá khác nhau mới vào được phòng. Vào phòng tôi
quẳng va-ly xuống ghế rồi lật đật quay trở ra ngay, lại dùng cả ba chìa, khóa
đủ ba ổ trước khi xuống cầu thang. Tôi phải đi đến trạm xe ngay để đáp chuyến
buýt số 55 đến bệnh viện Angelus: chị Thoa chắc mong gặp tôi từng giờ từng
phút.
Có tiếng gõ cửa. Virgile bước
vào. Nàng nhìn dáo dác quanh phòng rồi cầm lấy chiếc cặp da lúc nẫy nàng để
quên trên bàn. Nàng đi ra. Trước khi đóng cửa, Virgiles nói vọng vào: “Anh của
ông tên là Việt phải không? Tôi vừa nói chuyện với ông ấy ở dưới nhà. Ông Việt
vừa từ Paris tới, đang ngồi dưới nhà đợi nói chuyện với bác sĩ.” Tôi xem đồng
hồ. Năm giờ rưỡi chiều. Tôi nghĩ bụng tối nay không phải ngủ một mình trong căn
buồng của chị Thoa.
Cả đêm hôm qua tôi chỉ chợp mắt
được khoảng hai ba tiếng. Một mình nằm trên chiếc giường của chị tôi thao thức.
Ánh sáng phòng mờ mờ do ngọn đèn đường chiếu qua khe cửa sổ chấn song lọt vào.
Tôi nhìn khắp căn buồng và cảm nhận một nỗi trống vắng quạnh quẽ thấm vào da
thịt.
Đồ đạc bầy ngăn nắp. Bộ salon
giữa phòng chỉ độc một ghế. Sofa đặt cạnh cửa sổ. Tủ áo cao có tấm gương lớn.
Vài bức tranh trên tường. Mấy lọ hoa giấy. Một cái TV. Một máy nhạc. Trên tủ
sách cạnh lò sưởi có đặt hai bức ảnh chụp lại từ hai bức chân dung của bố mẹ
tôi do bác Nguyễn Gia Trí vẽ. Giữa hai bức ảnh là cốc gạo còn cắm mấy chân
hương.
Nửa khuya thức giấc tôi đứng dậy
đến sát cửa sổ để khép bớt ánh sáng. Qua khe song tôi nhìn xuống đường. Dưới
ánh đèn đường vàng vọt con phố quạnh hiu. Bên kia hè từ đáy một thùng rác lớn
một con chuột cống chạy vụt ra. Từ một thời quá vãng một đêm nào không ngủ được
tôi ra đứng trên balcon của chung cư nhìn xuống hè đường chợ An Đông nhìn những
con chuột mập ú ướt át thập thò ngoài lỗ cống. Em biết không có những đêm nằm
ngủ trong phòng chị nhìn ra cửa sổ cứ ngỡ như ở ngoài kia là chợ An Đông. Hồi
đó ở Sài Gòn có những hôm chị bị ốm nằm liệt giường chị nhìn qua cửa sổ hàng
giờ ngắm mãi những chữ bằng gỗ sơn màu đỏ tươi, những chữ gỗ thật to dựng sát
nhau trên bờ tường cao xếp thành chữ Chợ An Đông, cái chữ O sao mà tròn và to
thế... Hồi đó ở Đà Lạt... Hồi đó ở Hà Nội... chị miên man nói với tôi hàng giờ
trên điện thoại...
Tôi trở về giường. Chính trên
chiếc giường này chị đã sống trọn vẹn cho dĩ vãng.
Nghĩ đến hình ảnh chị Thoa mắt
kém đi mò mẫm trong gian phòng trống trải này trong đêm tối mà những giọt nước
mắt cứ chẩy dài trên má tôi...
*
Vieux Port là một bến tàu nằm ở
mỏm một cái vịnh nhỏ thuộc biển Địa Trung Hải. Vịnh ăn sâu vào trung tâm của
thành phố Marseille. Đến gần bến tàu chúng tôi xuống xe buýt. Lúc ấy trời vừa
tối. Marseille đã lên đèn. Anh Việt bảo tôi:
- Chúng mình ghé Vieux Port tìm
cái gì ăn đã trước khi về nhà. Thiết muốn ăn gì?
- Tối hôm qua em đã la cà ở đây
thấy có nhiều Restaurant nhìn ra view rất đẹp lại quảng cáo có món soupe
bouillabaisse Marseillaise em muốn vào quá, nhưng chờ hôm nay anh đến cùng vào
ăn luôn thể.
- Bouillebaisse ở đây anh ăn rồi.
Dở lắm. Soupe ngon thì rất đắt, cả trăm euros, mà cũng không biết ở đâu có.
Thôi mình tìm cái khác ăn. Quán Le Quai có cá ngon lắm!
Tôi khẩn khoản:
- Em chỉ muốn ăn soupe
bouillabaisse thôi. Ngon dở gì cũng được.
- Vậy thì mình đi xa một chút.
Chỗ này tuy không có view nhưng chắc là khá hơn.
Chúng tôi đi dọc theo bến tàu.
Ban đêm tuy rất lạnh nhưng ở Vieux Port vẫn tấp nập người qua lại, như thể sinh
hoạt của cả thành phố đổ dồn về đây. Những chiếc thuyền đủ loại màu sắc với
những cánh buồm trắng đậu san sát ở bến. Nơi này 80 năm trước bố tôi đã đặt
chân khi chuyến tàu từ Hải Phòng cặp bến khởi đầu chuyến Đi Tây thứ nhất của
ông. Cũng nơi này 40 năm trước anh Việt và chị Phượng ra đứng ở đây đón chị
Thoa khi chuyến tàu từ Sài Gòn cập bến Marseille. Tối qua đi ngang đây tôi bỗng
nhớ lại một kỷ niệm xưa ở Đà Lạt bố tôi trổ tài nấu bếp nhân dịp mẹ tôi từ Sài
Gòn lên thăm ông. Mẹ tôi ra chợ Đà Lạt mua đồ biển gồm cá, cua, tôm, sò và nhìn
bố tôi nấu xúp bouillabaisse, cái món xúp màu vàng nghệ lổn ngổn những sò hến
cua cá mà mẹ tôi gọi là xúp bát nháo. Múc thìa xúp còn nóng bốc khói trong một
cái đĩa sâu đưa lên miệng bố tôi xuýt xoa tự khen:
- Ngon không kém gì xúp
bouillabaisse Marseillaise!
Năm mươi năm sau nhớ câu nói đó
tôi háo hức đi tìm một món ăn như tìm về một kỷ niệm. Tôi nghĩ bụng nếu phải bỏ
ra một trăm euros để tìm lại được một đĩa xúp đầy ắp hương vị xưa nhất là hương
vị do chính tay bố tôi tạo nên thì cũng đáng tiền lắm!
Chúng tôi vào một nhà hàng khá
sang trọng sau khi đọc tấm menu ở trước cửa có đề giá 18 euros cho món súp
bouillabaisse Marseillaise. Ăn xong tôi thất vọng. Tôi không nhìn thấy nghêu sò
tôm cá mà tất cả đồ biển đã nghiền nát thành một thứ nước vàng đặc sệt không có
một chút nào hương vị ngày xưa. Dù sao thì chúng tôi cũng uống hết một chai
rượu vang. Trong men rượu tôi bồi hồi thương cảm cho chị Thoa và mong chị sớm
tỉnh dậy để chị đưa tôi đi ăn tại một quán “có món súp bouillebaisse giống y
hệt như cậu làm” như chị đã từng hứa.
Chúng tôi trở về nhà chị Thoa.
Con đường Chateauredon tăm tối và vắng vẻ. Anh Việt tra chìa khoá mở cổng ngoài.
Tôi bật đèn cầu thang. Ngọn đèn vàng tù mù. Anh Việt phải loay hoay một hồi lâu
mới mở được ba ổ khoá. Vào phòng anh Việt nói:
- Bác sĩ cũng không biết tình
trạng coma của Thoa sẽ kéo dài bao lâu. Thôi thì cứ chuẩn bị trước mọi việc.
Đến ngày về Mỹ thì anh em mình cứ phải về thôi. Nhiều khi coma kéo dài mấy
tháng ấy chứ, nếu đợi thì đợi đến bao giờ? Bây giờ anh phải lục tìm các giấy tờ
quan trọng Thoa cất trong tủ. Còn Thiết thì xem có những gì quí cần giữ như
hình ảnh, vật dụng của Thoa cứ để riêng ra.
Hai anh em cho đến khuya không ai
nói với ai một câu, lẳng lặng lục hết tủ áo, ngăn kéo. Trong một ngăn tủ chị
đựng đầy những bức ảnh và giấy tờ lỉnh kỉnh. Tôi đọc những bài thơ do chị viết.
Thơ chị không hay. Lời thơ chất phác như con người chị. Ảnh thì phần lớn do tôi
gửi cho chị chụp trong những chuyến đi chung về Việt Nam và trong lần cuối hai
chị em tôi gặp nhau khi chị đến Seattle vào dịp giỗ thứ 40 của bố. Tôi nhìn bức
hình năm anh em tôi đứng trên bực thang trước cửa nhà tôi, đứng theo thứ tự anh
Việt trên cùng còn tôi đứng bậc thấp nhất. Mới đó mà đã ba năm qua. Có một bức
ảnh đen trắng của chị được phóng to, bức ảnh chị Thoa hồi bé tôi chưa bao giờ
thấy. Có lẽ chị khoảng 13 tuổi khi chụp ảnh. Phông của ảnh nhòe mờ nhưng tôi
đoán là ảnh chụp chị ngồi uống nước chanh ở Hà Nội trên con đường Cổ Ngự bên Hồ
Tây.
Nửa khuya tôi đi ngủ. Trước khi
thiếp đi tôi vẫn còn thấy anh Việt lui cui xem xét trước đống giấy tờ của chị
Thoa.
*
Tôi choàng dậy. Có tiếng chuông
điện thoại reng liên hồi. Trời còn tối. Từ sofa anh Việt nhỏm dậy bắt ống điện
thoại. Đồng hồ bàn của chị Thoa có ánh lân tinh chỉ sáu giờ sáng. Tôi linh cảm
ngay có chuyện không hay xẩy ra. Hơn hai mươi năm trước vào đúng giờ này tôi đã
nhận được cú điện thoại của anh Việt từ Paris báo tin mẹ qua đời...
Có tiếng anh Việt thở dài. Tôi
nghe tiếng hỏi của anh: “Vào lúc nào?” Và tiếng anh nói, chắc là lập lại những
gì anh đã nghe qua đường giây: “Không giờ ba mươi sáng.”
Tôi lặng người. Chị đã mất năm
giờ đồng hồ trước.
Hình ảnh chị Thoa hiện lên trong tôi.
Hình ảnh ấy của ba năm trước chị vẫy tay từ biệt chúng tôi ở phi trường Sea-Tac
trên đường trở về Pháp. Cũng với hình dáng chị vẫy tay ấy tôi tưởng tượng chị
đã trở về căn phòng này lần chót vào lúc nửa khuya nhìn anh Việt và tôi đang
ngủ. Rồi chị ra đi. Những bước thanh thản nhẹ nhàng. Lùi dần sau chị là căn
phòng chị ở, chiếc cầu thang cuốn, cánh cửa gỗ căn nhà số 3, con đường
Chateauredon dài hẹp và cả cuộc đời cô đơn của chị. Marseille vào lúc không giờ
hoang vắng. Bóng chị đi về hướng Vieux Port lên lại con tàu đã đưa chị đến đây
40 năm trước để trở về chốn cũ, gặp lại những người thân yêu của chị mà có lẽ
trong bao năm nằm trằn trọc trên chiếc giường đơn độc này chị đã nghĩ tới và
mong sẽ có ngày gặp.
Seattle tháng 3
-2006
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét