Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018
Nguyễn Duy Chính: GIÁO SƯ ĐẶNG NGỌC THIỀM
Thằng Tiến Con ghé tai tôi nói nhỏ:
- Thiềm thừ là con cóc.
Tôi hơi ngạc
nhiên, không hiểu tại sao nó lại có thể “uyên
bác” đến thế, hỏi lại:
- Thiềm thừ là con cóc?
Thằng Tiến gật gù:
- Đúng rồi,
tao mới tra hôm qua. Nhà tao có quyển từ điển Hán Việt.
Phục thằng
này thật, nó bé bằng tôi mà cái gì cũng biết. Nó lại
thì thầm:
- Mày nhìn
xem ông ấy có giống con cóc không?
Nó nói đây
là nói về ông giáo sư Việt Văn đang trên bục
giảng bài, ông Đặng Ngọc Thiềm. Cái tên nghe cũng hay nhưng những
đứa bé 11 tuổi vừa vào đệ Thất chúng tôi thì chắc chẳng ai muốn biết cái tên ông ấy nghĩa là gì, trừ thằng Tiến. Độ này chúng tôi đã hơi quen quen với tính khí của ông Thiềm nên cũng đỡ sợ chứ mấy hôm đầu vừa thấy ông ta bước vào lớp là
đã chết khiếp. Nhìn kỹ,
với cái bụng to và đôi mắt gườm gườm, đứng chống hai tay lên bàn ông quả cũng
giống một con cóc đang chờ mồi thật.
Ngày nhập
trường, ông giám thị đọc danh sách tên chúng tôi theo thứ tự ABC, kiểm tra từng
đứa, rồi chỉ vào chỗ ngồi hết bàn trên thì xuống bàn dưới, mỗi
bàn ba người.
Hôm sau,
giáo sư vừa vào lớp, chúng tôi đứng lên chào. Ông Thiềm lần đầu gặp mặt, đứng chống nạnh, hầm hè nhìn chúng tôi. Ông
không cho ngồi xuống ý chừng muốn ra oai, quát lớn:
- Ai cho các
chú ngồi lộn xộn như thế này?
Gớm, người
đã cao to mà tiếng lại oang oang, đanh thép chúng
tôi đứa nào đứa nấy mặt xanh như tàu lá. Không nghe trả lời ông cao giọng lập lại
câu hỏi. Cả bọn ngơ ngác nhìn nhau, mãi mới có một tên can đảm nhất lắp bắp:
- Thưa thầy
đấy là ... là thầy giám thị xếp đấy ạ!
Mặt ông hơi
dịu xuống nhưng vẫn nghiêm nghị, quát tiếp:
- Các chú ra
ngoài kia xếp hàng.
Chúng tôi vừa
toan bước ra, ông tiếp:
- Mang theo
tất cả sách vở, đồ đạc, không được bỏ sót thứ gì.
Bọn trẻ con
líu ríu thu dọn cặp, xách đồ tế nhuyễn, riêng tư ra ngoài sân. Ông
Thiềm lại quát:
- Các chú xếp hàng một, bé đứng trước, lớn đứng sau, không được chen lấn.
Chúng tôi cố
gắng đứng cho ngay ngắn. Ông thầy chống tay ngang hông đi từ đầu đến cuối, thỉnh thoảng lại nắm một cậu lôi ra, đổi chỗ cho người
khác. Một lúc sau, cả lớp chúng tôi thành một hàng từ thấp lên cao không lẫn lộn,
ông nghé mắt ngắm đi ngắmlại, bấy giờ mới thôi. Ngừng lại một giây như chừng đắc
ý với đội quân tí hon đã chịu phép, ông cầm danh sách lớp học, hỏi tên từng đứa,
đánh số cẩn thận vào bên cạnh rồi cho vào theo thứ tựmới. Thế là tôi ngồi cạnh thằng Tiến con và thằng
Chí là ba đứa bé nhất lớp ngay bàn đầu. Mấy tuần sau Chí đổi sang Trần Lục, lên
thay chỗ là thằng Long (Tiều). Sau khi đã yên vị đủ 55 đứa trẻ,
ông giáo bước lên bục nhìn xuống một vòng hỏi:
- Chú nào mắt
kém, tai kém thì đứng lên.
Một đứa đeo
kính rụt rè đứng dậy, giọng khàn khàn:
- Thưa thầy
con bị cận thị!
Ông ra lệnh
lên bàn đầu ngồi, đuổi thằng ngồi trên xuống. Xếp lớp xong,
ông chỉ một đứa tương đối lớn và chững chạc, ăn mặc tươm tất quyết định:
- Chú này
làm trưởng lớp, vẽ một bản đồ lớp đề tên từng
người nộp cho tôi.
Năm đầu
tiên, không biết vì thiếu giáo sư hay sao mà lớp Thất A (ban Anh Văn sinh ngữ chính) chúng
tôi học ông Thiềm đến năm sáu
môn. Việt Văn mỗi tuần 4 tiếng, có thêm môn phụ là Hán Văn, mỗi
tuần một tiếng. Công Dân, lúc đầu có cụ Can,
sau cụđổi đi nơi khác, ông Thiềm dạy luôn, thêm Sử Địa nên cả thảy
đến gần chục giờ mỗi tuần, ngày nào
cũng gặp ông.
Ông Thiềm cao to, bụng bự có thể gọi là phương phi, mặt tròn, tóc chải lật
về sau, râu quai nón tuy cạo nhẵn nhụi
nhưng vẫn còn vết xanh mờ mờ. Ông luôn luôn ăn mặc chỉnh
tề, thắt cà vạt hẳn hòi nên dễ có uy
với đám học sinh bé bỏng. Ấy đừng tưởng ông mập mạp, phục phịch mà lầm. Khi cần
ông nhanh như con cắt. Chính mắt tôi thấy năm đệ Ngũ, một đứa trẻ đứng ngoài
sân chọc ghẹo gì ông không biết mà từ phòng giáo sư ông phóng ra
thoắt một cái đã nắm cổ thằng bé đang chạy thục mạng, xáng cho mấy bạt tai sau
đó lôi vào giao cho giám thị.
Trong khi
các giáo sư khác thường thường đi xe gắn máy, ông nào sang lắm thì đi Lambretta,
Vespa, ông Thiềm đi xe hơi màu trắng ngà mang biển
số NBS-555 mà có đứa phiên dịch thành Nhà Bảo Sanh ba số Năm. Ông Thiềm có máu sa đích – thích hành hạ trẻ con và dường như mỗi lần
“giáo dục” một đứa trẻ, ông chì chiết, nhiếc móc rất lấy làm thích thú. Mỗi khi chúng tôi bị gọi lên trả bài
thì đứa nào cũng run lẩy bẩy. Không hiếm những đứa
bị ông lôi ra hành hạ vì những cớ thật nhỏ nhoi, phần nhiều không liên quan gì đến việc học của
thằng bé. Thằng Khải bị ông bật đến sưng cả
tay chỉ vì trót dại đeo mấy sợi dây cao su sau giờchơi chưa kịp tháo ra. Thằng
Hiệp bị ông cốc lên đầu bốn năm cái đau đến tái người
chỉvì đội một chiếc mũ casque cũ - loại nón cối của mấy
chàng bộ đội - mà ông cho rằng bắt chước Tây đồn điền, hẳn là còn luyến tiếc thời kỳ thực
dân bóc lột. Mỗi lần gọi đọc bài, ông theo một thứ tự nhất định cách nhau 5 hay
10 tên chẳng hạn 1, 6, 11, 16 ... hay 2, 12, 22 ... Chính vì thế chúng tôi lâu dần cũng đoán được ngày hôm đó những đứa nào sẽ phải
lên “đoạn đầu đài”. Thỉnh thoảng ông
lại làm một màn xét ngăn kéo và không ít những đứa bị phạt hay bị trừ điểm vì
giấu trong đó một bộ truyện Tàu hay một tờ báo thiếu nhi. Thằng Học có một bộ Kích Tôn Sơn Bá Tước (dịch từ Le Comte
de Monte Cristo của Alexandre Dumas) - mà thuở đó người ta in thành từng tập mỏng
- đem vô cho bạn bè mượn bị ông tịch thu mất mấy tập phải năn nỉ mãi ông mới trả
lại sau khigiảng cho nó một bài moral kèm thêm mấy cái véo tai đau điếng.
Thế nhưng phương pháp dạy học của ông cũng có nhiều điểm đặc biệt. Ông bắt chúng tôi lột hết những bìa bao bên ngoài sách vở - mà thông thường chúng tôi dùng
báo ThếGiới Tự Do tháo ra cho đỡ tốn tiền - lấy cớ là sẽ không tập trung nghe giảng bài mà lại xem hình ngoài
tập sách. Mỗi môn học ông bắt dùng một loại giấy bóng màu riêng cho dễ phân biệt,
mỗi cuốn phải có nhãn dán bên ngoài chứ không được để trần. Hàng tuần chúng tôi
phải mặc quần short trắng ngày thứ hai và quần short xanh những ngày còn lại.
Phương pháp tổchức của ông Thiềm do đó tạo cho lớp học một vẻ đồng
nhất của một đạo quân tí hon, không ai ngoại lệ.
Chùa Giác Viên ngày nay
Như đã nói,
ông “kiêm bị” nhiều môn, lại thêm vai trò “giáo
sư hướng dẫn” nên có rất nhiều quyền hành. Mỗi môn học của ông, chúng tôi đều phải mua sách và từ một đến hai cuốn vở,
bài học, bài làm riêng chứ không theo kiểu “thoải
mái” là xé rẹt một tờtrong cuốn vở mỗi khi có bài tập. Tuỳ theo môn học ông
có những “sáng kiến” khác nhau, chẳng hạn như bắt buộc
chúng tôi phải đạp xe lên Viện Bảo Tàng trong vườn Bách Thú, lấy giấy pelure đồ
lại những hình chim chóc, thuyền bè trên mấy cái trống đồng đem về dán vào làm tài liệu cho những bài học thời Hùng Vương hay bắt
chúng tôi chia nhau thành nhóm đạp xe lên Thủ Đức, lên chùa Giác Viên rồi tường
thuật những điều mắt thấy tai nghe chứ không có kiểu
ngồi nhà tưởng tượng ra theo kiểu “chú
tôi đi chơi Hongkong về mua cho tôi một chiếc
đồng hồ Longine ...”
như trong sách vở.
Cũng năm đầu,
mỗi tuần chúng tôi học một giờ chữ Hán nằm trong môn Việt Văn. Sách giáo khoa
là cuốn Hán Học Phổ Thông do ba tác giả rất ư “Tam Giáo Đồng Nguyên” Đinh Đình
Hoè, Thích Giải Minh hợp soạn và Huyền Mặc đạo
nhân hiệu đính[1]. Cuốn sách ấy cũng là cuốn sách vỡ
lòng của tôi về chữ nho, tuy chẳng bao nhiêu nhưng
cũng nhờ đó mà biết thế nào là nét
chấm, nét phảy, nét xước ... Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một số
câu trong sách chẳng hạn như:
家中雄雞日將出喔喔啼
Gia trung
hùng kê, nhật tương xuất, ác ác đề ...
(Trong nhà
có con gà trống, khi mặt trời mọc thì nó gáy o o ...)
hay
瓜田不納履李下不整冠
Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan
(Khi đi
ngang qua ruộng dưa không nên xỏ giầy, đi dưới cây mận không nên sửamũ để tránh
người ta hiềm nghi mình có ý gian)
Để trang bị
cho môn Hán văn, ông Thiềm bắt chúng tôi phải mua nghiên,
bút đầy đủ. Nghiên bán ở tiệm tạp hoá, trông giống một chiếc bát sứ rẻ tiền, mực làm bằng a dao hay lem tay
và có mùi rất khó chịu. Chúng tôi cũng phải mua những tập giấy bản kẻ ô vuông
khá to để tập viết.
Đến giờ Hán văn, chúng tôi hí hoáy mài mực, cũng bút lông giấy bản
nhái theo những bài tập trong sách. Trái trước, phải sau, trên trước dưới sau
đó là qui luật, mặc dầu cũng có ngoại lệ. Có ai ngờ rằng những chữ Hán đó chính
là bài học khai tâm và theo tôi suốt cả đời. Chuyện đáng nhớ nhất của giờ Hán
Văn năm đệ Thất khi một đứa mếu máo thưa với ông Thiềm về kẻ bất hảo nào đó đã đái vào chiếc nghiên của nó phơi ởngoài sân. Điều tra ra mới
hay thủ phạm là Vũ Dương Hoa và tên rắn mắt này bị gọi lên nhiếc móc một buổi.
Ông Thiềm cũng bắt mỗi đứa mua một cuốn sách Quốc Văn[2], của tác giả nào tôi không còn nhớ
chỉ biết rằng đây là cuốn khá dày với những
bài văn quan trọng nhất còn đậm nét trong đầu tôi như bức thư của Nguyễn Thái Học
gửi toàn quyền Pháp, thư của Hoàng Cao Khải nhân
danh người cùng làng dụ hàng ông Phan Đình Phùng và bức thư trả lời với những lời
lẽ rất trịnh trọng dù hai bên đang ở vào thế thù nghịch:
Đồng ấp Phan Đình Nguyên đại nhân túc hạ.
Tôi với ngài xa cách nhau, xuân thu đắp đổi trải đã mười bảy năm nay
rồi. Dâu bể cuộc đời, bắc nam đường bụi, tuy là mỗi người đi một ngả khác nhau,
nhưng mà trong giấc mộng hồn vẫn thường thấy nhau không phải xa xôi gì. Ngồi
nghĩ lại ngày trước chúng ta còn ở chốn quê hương giao du với nhau, cái tình ấy
đằm thắm biết là dường nào?
Từ lúc ngài khởi nghĩa đến giờ, nghĩa khí trung can, đều rõ rệt ở tai
mắt người ta. Tôi thường nghe các quý quan (là các quan Pháp) nói chuyện đến
ngài, ông nào cũng phải thở than khen ngợi và tỏ ý kính trọng ngài lắm. Xem như
thế thì tấm lòng huyết khí tôn nhân, tuy là người khác nước cũng chung một tâm
tình ấy thôi, không phải là người cùng thanh khí với nhau mới có vậy.
Ngày kinh thành thất thủ, xe giá nhà vua bôn ba, mà ngài mạnh mẽ đứng
ra ứng nghĩa, kể sự thế lúc bấy giờ, ngài làm vậy là phải lắm, không ai không
nói như thế. Song le, sự thế gần đây đã xoay đổi ra thế nào, thử hỏi việc đời
có thể làm được nữa không, dầu kẻ ít học thức, kém trí khôn, cũng đều trả lời
không được. Huống chi như ngài lại là bậc người tuấn kiệt, chẳng lẽ không nghĩ
tới đó hay sao? Tôi trộm xét chủ ý của ngài, chắc cũng cho rằng: ta cứ làm theo
việc phải ta biết, cứ đem hết tài năng ta có, một việc nên làm mà làm là ở nơi
người, còn nên được hay không nên là ở nơi trời, ta chỉ biết đem thân này hứa
cho nước, đến chết mới thôi. Bởi thế, cho nên ngài cứ việc làm tới cùng, không
ai có thể làm biến đổi cái chí ấy đi được.
Có điều tôi thấy tình trạng ở quê hương chúng ta gần đây, lấy làm đau
lòng hết sức. Nhân đó, tôi thường muốn đem ý kiến hẹp hòi, để ngỏ cùng lượng
cao minh soi xét; nhưng mấy lần mở giấy ra rồi, mài mực xong rồi, đã toan đặt
bút xuống viết rồi lại gác bút thở dài, không sao viết được. Vì sao? Vì tôi liệu
biết can tràng của ngài cứng như sắt đá, không thể lấy lời nói mà chuyển động nổi.
Đã vậy, lại còn khác tình, khác cảnh, xa mặt xa lòng, vậy thì lời nói của tôi,
chắc gì thấu tới được nơi ngài; mà dầu cho có thấu tới nơi ngài chăng nữa, đã
chắc gì lọt vào tai ngày chịu nghe giùm cho, chẳng qua chỉ để cho cố nhân cười
mình là thằng ngu thì có.
Nay nhân quan Toàn quyền[3] trở lại, đem việc
ở tỉnh ta bàn bạc với tôi, có khuyên tôi sai người đến ngỏ ý cùng ngài biết rằng:
ngài là bậc người hiểu biết nghĩa lớn, dầu không bận lòng tưởng nghĩ gì đến
thân mình, nhà mình đi nữa, thì cũng nên tưởng nghĩ cứu vớt lấy dân ở trong một
địa phương mới phải. Lời nói đó, quan Toàn quyền không nói với ai, mà nói với
tôi, là vì cho rằng: tôi với ngài có cái tình xóm làng cố cựu với nhau, chắc hẳn
tôi nói ngài nghe được, vậy có lẽ nào tôi làm thinh không nói?
Ngay thử nghĩ xem: quan Toàn quyền là người khác nước, muôn dặm tới
đây, mà còn có lòng băn khoăn lo nghĩ tới dân mình như vậy thay, huống chi
chúng ta sinh đẻ lớn khôn ở đất này, là đất của cha mẹ tôn tộc ở đó, có là đâu
mình làm lơ đành đoạn, thì trăm năm về sau, người ta sẽ bảo mình ra làm sao?
Ôi! Làm người trên phải có lòng thương yêu dân làm cốt, chưa từng có ai không
biết thương dân mà bảo là trung với vua bao giờ. Việc của ngài làm từ bấy lâu
nay, bảo rằng trung thì thiệt là trung, song dân ta có tội gì mà vướng phải
nông nỗi lầm than thế này, là lỗi tại ai? Nếu bảo là đã vì thiên hạ thì không
thiết chi tới nhà nữa cũng phải, nhưng một nhà của mình đã vậy, chứ còn bao
nhiêu nhà ở trong một vùng cũng bỏ đi cả, sao cho đang tâm, Tôi nghĩ nếu như
ngài cứ không không làm tràn tới mãi, thì e rằng khắp cả sông Lam núi Hồng đều
biến thành hồ cá hết thảy, chứ không phải chỉ riêng lo ngại cho cây cỏ một làng
Đông Thái chúng ta mà thôi đâu. Đến nỗi để cho quê hương điêu đứng xiêu tàn, tưởng
chắc bậc người quân nhân quân tử không lấy gì làm vui mà làm thì phải.
Tôi suy nghĩ đắn đo mãi, vụt lấy làm mừng rỡ mà nói riêng với mình:
Được rồi, lời nói đó tôi có thể đem ra nói cho ngài nghe lọt tai, để xin ngài
chỉ bảo cho biết như vậy có phải hay không?
Tuy nhiên, sự thế của ngài như cỡi trên lưng cọp đã lỡ rồi, bây giờ
muốn bước xuống, nghĩ lại khó khăn biết bao!
Nếu như tôi không có chỗ tự tin chắc chắn nơi mình, thì quyết không
khi nào dám mở lời nói liều lĩnh để mang luỵ cho cố nhân về sau. Nhưng may là
tôi với quan Toàn quyền, vốn có tình quen biết nhau lâu, lại với quan Khâm sứ ở
Kinh, và quan Công sứ Nghệ Tĩnh, cùng tôi quen thân hiệp ý nhau lắm, cho nên
trước kia Trần Phiên sứ (tên là Khánh Tiến, làm Tuần phủ, nên gọi là Phiên sứ)
Phan Thị Lang, (tên là Huy Nhuận), cũng là chỗ thân trong tỉnh, trong làng hoặc
bị tội nặng, hoặc bị xử đày rồi, thế mà tôi bảo toàn cho hai ông ấy đều được
yên ổn vô sự. Lại như mới rồi, ông Phan Trọng Mưu ra thú, tôi dẫn đến yết kiến
các đại hiến quý quan, thì các ngài cũng tiếp đãi trân trọng như đãi khách quý,
và tức thời điện về tỉnh nhà, bắt trả lại mồ mả, và tha cả ba con về, như thế tỏ
ra nhà nước Bảo hộ khoan dung biết chừng nào! Cứ xem vậy đủ biết lẽ ấy, lòng ấy,
dầu là người nghìn dặm xa nhau, vẫn là giống nhau vậy.
Bây giờ, nếu ngài không cho lời tôi nói là dông dài, thì xin ngài đừng
ngần ngại một điều gì khác hết tôi không khi nào dám để cho cố nhân mang tiếng
là người bất trí đâu.
Hoàng Cao Khải đốn thư
Bức thư cụ Phan trả lời:
Hoàng quý đài các hạ,
Gần đây, tôi vì việc quân, ở mãi trong chốn rừng rú, lại thêm lúc này
tiết trời mùa đông, khí hậu rét quá, nông nỗi thiệt là buồn tênh. Chợt có người
báo có thư của cố nhân gửi lại. Nghe tin ấy, không ngờ bao nhiêu nỗi buồn rầu lạnh
lẽo, tan đi đâu mất cả. Tiếp thư liền mở ra đọc. Trong thư cố nhân chỉ bảo cho
điều hoạ phước, bày tỏ hết chỗ lợi hại, đủ biết tấm lòng của cố nhân, chẳng những
muốn mưu sự an toàn cho tôi thôi, chính là muốn mưu sự yên ổn cho toàn hạt ta nữa.
Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu hết, cách nhau muôn dặm tuy xa,
nhưng chẳng khác gì chúng ta được ngồi cùng nhà nói chuyện với nhau vậy.
Song le tâm sự và cảnh ngộ của tôi có chỗ muôn vàn khó nói hết sức.
Xem sự thế thiên hạ như thế kia, mà tài lực tôi như thế này, y như lời cổ nhân
đã nói "thân con bọ ngựa là bao mà dám giơ cánh tay lên muốn cản trở cỗ
xe" sao nổi không biết; việc tôi làm ngày nay, sánh lại còn quá hơn nữa,
chẳng phải như chuyện con bọ ngựa đưa tay ra cản xe mà thôi.
Nhưng tôi ngẫm nghĩ lại, nước mình mấy ngàn năm nay, chỉ lấy văn hiến
truyền nối nhau hết đời này qua đời kia, đất nước chẳng rộng, quân lính chẳng mạnh,
tiền của chẳng giàu, duy có chỗ ỷ thị dựa nương để dựng nước được, là nhờ có
cái gốc vua tôi, cha con theo nghĩa vốn có chỗ đủ cho mình tự có thể trông cậy
dựa nương lắm vậy. Đến nay người Pháp với mình, cách xa nhau không biết là mấy
muôn dặm, họ vượt bể tới đây, đi tới đâu như là gió lướt tới đó, đến nỗi nhà
vua phải chạy, cả nước lao xao, bỗng chốc non sông nước mình biến thành bờ cõi
người ta, thế là trọn cả nước nhà, dân nhà, cùng bị đắm chìm hết thảy, có phải
là riêng một châu nào hay một nhà ai phải chịu cảnh lầm than mà thôi đâu.
Năm Ất Dậu, xe giá thiên tử ngự đến sơn phòng Hà Tĩnh, giữa lúc đó
tôi đang còn tang bà mẹ, chỉ biết đóng cửa cư tang cho trọn đạo, trong lòng há
dám mơ tưởng đến sự gì khác hơn. Song, vì mình là con nhà thế thần, cho nên đôi
ba lần đức Hoàng thượng giáng chiếu vời ra; không lẽ nào có thể từ chối, thành
ra tôi phải gắng gổ đứng ra vâng chiếu, không sao dừng được. Gần đây, Hoàng thượng
lại đoái tưởng lựa chọn tôi mà giao phó việc lớn, uỷ thác cho quyền to; Ấy, mệnh
vua uỷ thác như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào trong cảnh như tôi, liệu chừng
cố nhân có đành chối từ trốn tránh đi được hay không?
Từ lúc tôi khởi nghĩa đến nay, đã trải mười năm trời, những người đem
thân theo việc nghĩa, hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết, vậy mà lòng
người trước sau chẳng hề lấy thế làm chán nản ngã lòng bao giờ; trái lại, họ vẫn
ra tài, ra sức giúp đỡ tôi, và lại số người mạnh bạo ra theo tôi càng ngày càng
nhiều thêm mãi. Nào có phải người ta lấy điều ta vạ hiểm nguy làm cho sự sung
sướng thèm thuồng mà bỏ nhà dấn thân ra theo tôi như vậy đâu. Chỉ vì họ tin cậy
lòng tôi, lượng xét chí tôi, cho nên hâm hở vậy đó thôi. Ấy, lòng người như thế
đó, nếu như cố nhân đặt mình vào cảnh của tôi liệu chừng cố nhân có nỡ lòng nào
bỏ mà đi cho đành hay không?
Thưa cố nhân, chỉ vì nhân tâm đối với tôi như thế, cho nên cảnh nhà
tôi đến nỗi hương khói vắng tanh, bà con xiêu dạt, tôi cũng chẳng dám đoái
hoài. Nghĩ xem, kẻ thân với mình mà mình còn không đoái hoài, huống chi là kẻ sơ:
người gần với mình mà mình còn không bao bọc nổi, huống chi người xa. Vả chăng
hạt ta đến đỗi điêu đứng lầm than quá, không phải riêng vì tai hoạ binh đao làm
nên nông nổi thế đâu. Phải biết quan Pháp đi tới đâu, có lũ tiểu nhân mình túa
ra bày kế lập công, thù vơ oán chạ; những người không có tội gì chúng cũng đâm
thọc buộc ràng cho người ta là có tội, rồi thì bữa nay trách thế nọ, ngày mai
phạt thế kia; phàm có cách gì đục khoét được của cải của dân, chúng nó cũng
dùng tới nơi hết thảy. Bởi đó mà thói hư mối tệ tuôn ra cả trăm cả ngàn, quan
Pháp làm sao biết thấu cho cùng những tật khổ của dân trong chốn làng xóm quê
mùa, như thế thì bảo dân không phải tan lìa trôi giạt đi sao được?
Cố nhân với tôi, đều là người sinh đẻ tại châu Hoan, mà ở cách xa
ngoài muôn ngàn dặm, cố nhân còn có lòng đoái tưởng quê hương thay, huống chi
là tôi đây đã từng lấy thân chịu đựng và lấy mắt trông thấy thì sao? Khốn nỗi cảnh
ngộ bó buộc, vả lại sức mình chẳng làm được theo lòng mình muốn, thành ra phải
đành, chứ không biết làm sao cho được. Cố nhân đã biết đoái hoài thương xót dân
này, thì cố nhân nên lấy tâm sự tôi và cảnh ngộ tôi thử đặt mình vào mà suy
nghĩ xem, tự nhiên thấy rõ ràng, có cần gì đến tôi phải nói dông dài nữa ư?
Phan Đình Phùng phúc thư[4]
Hay lời lẽ
tha thiết của cụ Phan Bội Châu viết về cụ bà trong một lá thư gửi cho
con:
Cụ Phan Bội Châu và phu nhân (hình trích từ internet)
Này con!
Các con ơi!
Cha mày e chết ở rày mai, có lẽ với
mẹ mày không được một phen gặp nhau nữa! Nhưng nếu
trời thương ta, cho hai ta đồng thời gặp nhau ở suối vàng cũng vui thú biết
chừng nào!
Nhưng đau đớn quá! Mẹ mày e chết
trước ta. Ta hiên giờ nếu không chép sơ những
việc đời Mẹ mày cho các con nghe, thời các con rồi đây không biết
rõ Mẹ mày là người thế nào, có lẽ bảo Mẹ ta
cũng như người thường thảy cả.
Than ôi! Ta với Mẹ mầy, vợ chồng “thật” gần năm mươi năm” mà quan
quả“giả” gần bốn mươi năm.[5]
Khi sống, chẳng mấy hồi tương tụ, mà tới chết
lại chỉtin tức nghe hơi! Chúng mầy làm con người, đã biết nỗi đau đớn của cha mầy
với Mẹ mầy, chắc lòng mấy con thế nào mà an thích được.
Bây giờ ta nhơn lúc sắp sửa chết, mà chưa chết, đem lịch sử Mẹ mầy
mà nói với mầy.
Mầy nên biết, nếu không có Mẹ mầy, thời chí của Cha mầy đã hư hỏng
những bao giờ kia.
Cha ta với Tiên nghiêm của Mẹ mầy xưa, đều là nho cũ rất nghiêm giữ
đạo đức xưa. Mẹ mầy lớn hơn ta một tuổi. Hai ông đính thông gia với nhau từ khi
con còn nên một. Tới năm mẹ mầy hai mươi ba tuổi, về làm dâu nhà ta; Lúc ấy Mẹ
ta bỏ ta đã 8 năm, trong nhà duy có cha già với em gái bé. Ta vì sinh nhai bằng
nghề dạy trẻ, luôn năm ngồi quán ở phương xa, cái gánh sớm chiều gạo nước gởi
vào trên vai Mẹ mầy. Cha ta đối với dâu con rất nghiêm thiết, nhưng chẳng bao
giờ có sắc giận với Mẹ mầy. Cha ta hưởng thọ được 70 tuổi, nhưng bệnh nặng từ
ngày 60. Liên miên trong khoảng 10 năm, những công việc thuốc thang hầu hạ bên
giường bệnh, cho đến các việc khó nhọc nặng nề mà người ta không thể làm, thảy
thảy một tay Mẹ mày gánh cả. Kể việc hiếu về thờ ông gia, như Mẹ mầy là một việc
hiếm có vậy.
Trước lúc cha ta lâm chung, ước 1 phút đồng hồ, gọi Mẹ mầy bồng mầy
tới cạnh giường nằm, chúc ta rằng: “Ta chết rồi, mầy phải hết sức dạy cháu ta,
và hết sức thương vợ mầy. Vợ mầy thờ ta rất hiếu, chắc trời cũng làm phúc cho
nó”. Xem lời nói lâm chung của Cha ta như thế, cũng đủ biết nhân cách Mẹ mầy rồi.
Năm Cha ta 66 tuổi, còn hiếm cháu trai, vì ta là con độc đinh, nên
cha ta cũng khát cháu lắm. Mẹ mầy muốn được chóng sinh trai cho vừa lòng cha,
nên gấp vì ta cưới thứ mẫu mầy, chẳng bao lâu mà em mầy sinh. Trong lúc thằng
Cu mới ra đời, Mẹ mầy gánh việc ôm ấp đùm bọc hơn một tháng. Cha ta được thấy
cháu đầu, hoan hỉ quá chừng. Thường nói với ta rằng: “Ta chỉ còn một việc chết
chưa nhắm mắt, là mầy chưa trả cái nợ khoa danh mà thôi”. Mẹ mầy nhân đó càng
ân đức thứ mẫu mầy, thương yêu nhau hơn chị em ruột.
Kể đức nhân về ân ái với người phận em như Mẹ mầy cũng ít có.
Cứ hai chuyện như trên, bảo Mẹ mầy là Mẹ hiền về thời cựu chắc
không quá đáng. Nhưng mà bắt buộc cho ta phải trọn đời nhớ luôn, thời lại vì có
một việc: Nguyên lai nhà ta chỉ có 4 tấm phên tre suông, chẳng bao giờ chứa gạo
tới hai ngày. Nhưng vì trời cho tính quái đặc: thích khoản khuếch, hay làm ân.
Hễ trong túi đụng được đồng tiền, thấy khách hỏi tức khắc cho ngay. Thường tới
khi từ trường quán về, ta tất mang luôn khách về nhà, khách hoặc 5, 6 người, có
khi 10 người chẳng hạn, nhưng chiều hôm sớm mai, thiếu những gì tất hỏi Mẹ mầy.
Mẹ mầy có gì đâu! Chỉ dựa vào một triêng hai thúng, từ mai tới hôm
mà hễnghe chồng đòi gì thời có nấy. Bổng dạy học của ta tuy có nhiều
nhưng chưa đồng xu nào là tay Mẹ mầy được xài phí. Khổ cực mấy, nhưng không sắc
buồn; khó nhọc mấy nhưng không tiếng giận. Từ năm ta đã
36 tuổi, cho tới ngày xuất dương, những công cuộc kinh dinh việc nước, Mẹ mầy
ngầm biết thảy, nhưng chưa từng hé răng một
lời. Duy có một ngày kia, ta tình cờ ngồi một mình, Mẹ mầyngồi dựa cột, kềmột
bên ta nói: “Thầy chắc toan bắt cọp đó mà? Cọp chưa thấy bắt mà người ta đã biết
nhiềusao thế?”
Mẹ mầy tuy có nói câu ấy, mà lúc đó ta làm ngơ ta thiệt dở quá!
Bây giờ nhắc lại trước khi ta xuất dương, khoảng hơn 10 năm. Nghèo
đói mà bạn bè nhiều;cùng khốn mà chí khí
vững, thiệt một phần nữa là nhờ ân Mẹmầy.
Tới ngày ta bị bắt về nước, Mẹ mầy được gặp
ta một lần ở thành tỉnh Nghệ, hơn nửa tiếng
đồng hồ, chỉ có một câu nói rằng: “Vợ chồng ly biệt nhau hơn 20 năm, nay được một
lần giáp mặt Thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi, từ đây trở về
sau, chỉ trông mong thầy giữ được lòng Thầy nhưxưa, Thầy làm những việc gì mặc
Thầy, Thầy không phiền nghĩ tới vợcon”.
Hỡi ôi! Câu nói ấy bây giờ còn phảng phất bên tai ta, mà té ra ủ
dài năm tháng, chẳng một việc gì làm, chốc chẵn 10 năm.
Phỏng khiến Mẹ mầy mà chết
trước ta, thời trách nhiệm của ta e còn nặng mãi mãi.Suối vàng quạnh cách, biết
lối nào thăm, đầu bạc trăm năm, còn lời thề
cũ. Mẹ mầy thật chẳng phụ ta, ta phụ Mẹmầy!
Những lối
văn trang trọng ấy ngày nay ở hải ngoại đã không dùng mà trong nước thì hầu như
không còn ai biết đến. Quyển Quốc
Văn đối với tôi thật quan trọng vì phần cước chú luôn luôn có kèm theo chữ Hán
để biết từ nguyên, rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu tiếng Việt để
viết văn cho chỉnh tề. Xen kẽ những bài văn mẫu là những bài thơ, những áng văn chương
quốc âm, ca dao tuy mộc mạc nhưng nhiều chi tiết thú vị chẳng hạn như Thách Cưới:
Em là con gái nhà
giàu,
Mẹ cha thách cưới ra
màu xinh sao!
Cưới em trăm tấm gấm
đào,
Một trăm hòn ngọc,
hai mươi tám ông sao trên trời.
Tráp tròn dẫn đủ trăm
đôi,
Ống thuốc bằng bạc, ống
vôi bằng vàng.
Sắm xe tứ mã đem
sang,
Cho quan viên họ nhà
nàng đưa dâu.
Ba trăm nón Nghệ đội
đầu,
Mỗi người một cái quạt
Tàu thật xinh.
Anh về
sắm nhiễu Nghi Đình,
May chăn cho rộng, ta
mình đắp chung.
Cưới em chín chĩnh mật
ong,
Mười cót xôi trắng mười
nong xôi vò.
Cưới em tám vạn trâu
bò,
Bảy vạn dê lợn chín
vò rượu tăm.
Lá đa mặt nguyệt hôm
rằm,
Răng nanh thằng Cuội,
râu cằm thiên lôi.
Gan ruồi, mỡ muỗi cho
tươi,
Xin chàng chín chục
con dơi goá chồng.
Thách thế
mới thoả trong lòng,
Chàng mà theo được
thiếp cùng theo chân.
Hay là
Hôm qua tát nước đầu
đình,
Bỏ quên chiếc
áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh
xin ...
Cuộc đời
trôi nổi, sau khi qua bậc Trung Học chúng tôi không ai có thì giờ nhìn lại quá khứ.
Đứa đi lính, đứa đi làm, mỗi thằng một nghề. Vả lại tuổi
đời của chúng tôi còn quá trẻ để hồi ức vì trong đầu mỗi người là một vùng trời
tương lai. Sau năm 1975 tôi không nghe vềgiáo sư Đặng
Ngọc Thiềm nữa, cũng chẳng biết ông còn ở lại Việt Nam hay đã vượt biên ra nước
ngoài. Chỉ tới khi tóc đã ngả màu, da đã lấm tấm đồi mồi và mang trên mắt thêm
một đôi kính lão thì mấy đứa trẻ cùng lớp mới gặp nhau ngồi ôn lại kỷ niệm xưa.
Và ông Thiềm lại trở thành một đề tài quen thuộc có lẽ vì ông - nói theo kiểu trong nước ngày hôm
nay - “ấn tượng lắm”.
*
* *
Gần đây đọc
một bài viết trên mạng internet tôi mới biết thêm một chút về cái đoạn cuối cuộc đời của thầy Đặng
Ngọc Thiềm, một chặng đường có thể coi như
ít nhiều tiêu biểu cho cái phản ứng của
nhân dân miền Nam:
...Ở một góc cạnh khác của đời sống, xin kể là tôi có người bạn là
anh Đặng Ngọc Thiềm, giáo sư trường Trần
Lục. Không biết có phải vì phẫn
chí, vì bất mãn hay có thể bị điên mà anh đã ra nông nỗi này.
Anh có lối sống mà tự bản thân đời sống nó là một tố cáo chế
độ mới. Đời sống của anh là gián tiếp
bôi nhọ chế độ: Chính các anh
làm tôi ra nông nỗi này. Từquần áo dơ bẩn, lôi thôi, từ phong cách thái độ, từ
cách ứng xử, từ cách phát ngôn, từ cách thức làm việc, từ chiếc
xe đạp cà rịch cà tàng, từ cách cho điểm, từcách giảng dạy, từ nụ cười châm biếm
chế nhạo.
Đến nỗi nhìn qua anh,
nhìn ra chế độ. Anh chính là chế
độ ấy.
Anh cố tình ăn mặc dơ dáy đến
hôi hám, bẩn thỉu. Một giáo sư tự trọng, dù nghèo không thể ăn mặc như thế
trước mặt học trò. Một lần lĩnh nửa cân thịt, anh treo tòng teng ở ghi đông xe
cho mọi người thấy. Anh để lên bàn giáo sư cho học sinh thấy. Anh dơ (giơ) lên
khoe với học trò anh được nửa ký thịt. Học trò im lặng nghe ông thầy làm xiếc,
đóng kịch. Anh luôn luôn dùng đủ cách để khen chế
độ đến lố bịch.
Anh tố cáo chế độ chỉ bằng những lời
khen quá lố. Thông minh và xỏ lá. Ban Giám hiệu là cấp lãnh đạo ở ngoài vào
cũng như trên Quận, Sở đều không có một lời
phê phán trực tiếp hay gián tiếp
về anh. Họ cư xử thật đúng mực. Bình thường
là phải để anh nghỉ việc.
Việc dạy học và cho điểm của anh cực kỳ phi lý và lố bịch. Cột điểm
Sử địa của anh bao giờ cũng có ba cột điểm trong một tháng. Hãy coi bằng cách
nào anh đã nghĩ ra lối cho điểm quái gở đến
như thế. Tỉ dụ học sinh A: Anh cho 3 cột 9
điểm, 8 điểm và 7 điểm. Học sinh B, anh đổi vị trí theo thứ tự như: 8 rồi 7, 9.
Học sinh C là 7, 8, 9. Học sinh D là 7, 9, 8, E là 8, 9, 7. G là 9, 7, 8. Rồi
anh cứ cho điểm xoay tua như thế.
Anh không chấm bài, anh không cho điểm hay cho điểm đồng loạt là một
cách miệt thị nền giáo dục ấy. Anh Hiệu
trưởng xem và không nói gì cả? Việc cho điểm của anh rõ ràng ngầm ngụ ý không
đánh giá học trò, không đánh giá việc dạy học, phủ nhận vai trò thầy giáo và phủ
nhận luôn việc dạy học.
Đây là một thứ phản đối tối thượng (ultimate protest). Mang chính
bản thân mình ra làm đối tượng diễu cợt? Nếu
không có cuộc đổi đời, anh Thiềm sẽ là một giáo sư
như thế nào? Trước đây, anh trịnh trọng,
áo sơ mi là ủi dài tay, thắt cà vạt, dáng người to lớn, dềnh
dàng, không thiếu trịnh trọng trong
đi đứng, ăn nói, xử thế. Vài ba năm sau, tôi
ra khỏi nước, được tin anh mất.
Tiếc cho một người tính
tình lúc nào cũng vui cười với óc hài hước rất cao đã tìm cách tự huỷ nhân cách
mình dần dần một cách cố ý (suicide prolongé et intentionnel). Cố ý tự huỷ, cố
ý sa đoạ hoá nhân cách và con người như thế
không còn là con người nữa.
Đó là lối tự huỷ của người có học, của trí thức bầy tỏ nhân cách lộn
ngược, bất cần đời thường thấy nơi một số nhà văn, nhà trí thức, người hiểu đời,
hiểu thếsự…[8]
Lối phản
kháng tiêu cực ấy tôi đã gặp thấy khá nhiều ở người trẻ
cũng như già sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại miền Nam. Liệu
có phải ông thầy cũ của tôi bắt chước những nhà nho trong những bài thơ, bài
văn mà ông từng giảng cho chúng tôi hay chỉ là một hiện tượng lệch lạc của đầu
óc khi phải đối diện với một hoàn cảnh mà mình đành bó tay? Thật khó có ai dám
khẳng định một điều gì nhưng không khỏi bồi hồi khi
nhớ lại một quãng đời nay đã thuộc về “muôn năm cũ”.
Nguyễn Duy Chính
10-2006
Chú thích
[1]
Nguyễn Đăng Thục đề tựa.
(Saigon: Yên Sơn, 1959).
2 Gần đây tôi đã tìm ra là cuốn Quốc Văn toàn thư [lớp đệ Thất]– mà tác
giả là ba vị thầy nổi tiếng Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế và Tô Đáng (Saigon: Việt
Hùng, 1959)
3 Khi ấy
là De Lanessan
4 Hai bức
thư này vốn là bản dịch tuyển chọn trong cuốn Quốc Văn đệ Thất ngày xưa nay tôi
trích lại từ Tuyển tập Đào Trinh Nhất
(Văn Học: 2000) tr. 170-6.
5 Đàn ông không vợ gọi là quan鰥, đàn bà goá chồng gọi là quả寡
6 公爾忘私Hết lòng vì việc chung mà phải
quên việc riêng. Trích từ câu của Lý Chí (李贄) đời Minh: 公爾忘私,而其父又唯知日夜傷晃氏之不安矣。(công nhĩ vong tư, nhi kỳ phụ hựu duy tri nhật dạ thương hoảng thị chi
bất an hĩ ). Trong bản của Chương Thâu viết là “công nhi vong tư”.
7 Lá thư này chép lại từ Phan Bội Châu toàn tập, tập 4, Chương
Thâu sưu tầm và biên soạn. (Huế: Thuận Hoá, 1990), nguyên tác “Kể cho các con
nghe về bà Phan Bội Châu” từ trang 349-351 rút ra trong Phan Bội Châu tiên sinh di cảo (tài liệu chép tay của Tống Châu
Phu), 1936.
8 Trích từ tác giả Nguyễn
Văn Lục: “30 tháng 4 – Đi tìm thời gian đánh mất(V)”
http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=1642
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét