Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018
Ngự Thuyết: OREGON (Phần 2)
Gởi NTH, LVT
Tôi muốn một chuyến đi gọn gàng, nhẹ nhàng, kéo dài trong vòng 3
hay 4 ngày thăm lại Oregon. Lần thăm trước chỉ để lại trong trí nhớ
của tôi một vài hình ảnh nay đã quá mờ nhạt: con sông khá lớn, sông
Columbia, trôi qua thủ phủ Portland, những chiếc cầu đồ sộ, thông xanh
mọc khắp nơi, loại thông thân thẳng đứng, cành ngắn chỉa ra quanh thân
cây từ gốc lên đến ngọn làm thành một hình chóp thon, và những dãy
phố khá chật hẹp nếu so với phố phường ở New York, Los Angeles,
Chicago.
Trong chuyến đi lần này, tôi quyết đi thăm nhiều nơi hơn lần trước. Nhưng
chắc chắn không thể thăm viếng được mọi thắng cảnh cần thăm dù Oregon
không phải là một tiểu bang lớn. Mỗi tiểu bang của Mỹ đều có nhiều
đặc trưng của nó, và mang tầm vóc của một quốc gia về nhiều phương
diện.
Người da trắng chiếm đại đa số. Thỉnh thoảng gặp người da đen.
Người Mỹ La tinh ít hơn. Da vàng càng ít. Và rất hiếm khi thấy người
Việt Nam.
Xe cộ lưu thông tương đối thông thoáng, thong thả. Không có những
cảnh tượng tranh nhau chỗ đậu xe, qua mặt gấp rút, chạy quá tốc độ.
Trên các xa lộ (free way), vì xe lưu thông không nhiều, không có những
dòng car pool.
Dân chúng thì rất lịch sự và hiếu khách. Mỗi lần chúng tôi hỏi han
điều gì, được trả lời một cách vui vẻ, vồn vã, tới nơi tới chốn.
Có khi chưa kịp nhờ, người ta đã đoán trước ý mình, lên tiếng: “Anh
cần tôi chụp một tấm hình cho cả nhà? Vâng, hãy đưa tôi cái máy
ảnh.” Vừa vào một thư viện, gặp ngay nụ cười duyên dáng của một cô
quản thủ cùng với câu nói dịu dàng: “Tôi đoán chú bé kháu khỉnh
này là cháu chứ không phải con của ông.”
Một lần trú mưa dưới mái che của một quán nhỏ bán thức ăn nhanh,
tôi gọi một ly cà phê nóng và một bánh ngọt. Cô chủ quán còn rất
trẻ, khoảng 17, 18, không trả lời, đưa ngón tay trỏ chỉ vào lồng kính
đựng bánh, ý nói thích cái nào thì chọn lấy, rồi lầm lì đi pha cà
phê. Tôi nghĩ bụng cho tới bây giờ mình mới gặp một người “kỳ thị”
đây. Nghĩ thế, nhưng tôi cũng cố kéo dài thời gian đứng đó, dù cơn
mưa đã tạnh, chờ xem cô chủ có thái độ như thế nào đối với một
khách hàng người da trắng, chẳng hạn. Thì một thanh niên da trắng
bước vào. Cũng gọi ngay một ly cà phê, và cô chủ cũng lầm lỳ quay
mặt đi pha cà phê, không nói một lời. À ra thế, tính cô này ít nói.
Thế thôi.
Oregon nhiều mưa. Mấy hôm chúng tôi đến đây đều có mưa. Hôm đầu tiên
mưa nhỏ, nắng nhỏ thay nhau, hay chen nhau cùng một lúc. Có lẽ vì
vậy, chỉ nội trong một ngày chúng tôi được thấy một chuyện lạ chưa
từng thấy: đến bảy, tám lần từ những chân núi cây xanh trùm đến
ngọn, cầu vồng vươn lên bầu trời trắng xoá chen lẫn những tia nắng
yếu ớt. Có lẽ vì chúng tôi cho xe chạy trên nhiều tuyến đường ngang,
dọc, xéo, nên gặp được nhiều cầu vồng chăng? Tôi có cảm tưởng như
chỉ có một cầu vồng mà thôi. Nó hiện lên trước mắt, rồi nó chạy
trốn, rồi nó hiện lên lại. Đùa giỡn nhau chút chơi đó mà trước khi
cơn nắng, cơn mưa chấm dứt lúc chiều xuống. Không lạnh lắm. Tuy thế
mấy đỉnh núi xa xa còn phủ tuyết dù bây giờ đã vào gần giữa tháng
sáu.
Chúng tôi chọn đi thăm Cannon Beach trước tiên. Bãi này rất nổi tiếng nằm ngay góc Tây Bắc của tiểu bang Oregon. Con
đường xa lộ dài trên 100 dặm từ trung tâm thành phố Portland đến Cannon Beach. Hai bên đường được bao bọc bởi những hàng thông rậm
rạp và vài loại cây khác xanh biếc. Ướt át dưới những cơn mưa phùn. Hạt
mưa nhỏ như sương mù. Xe chạy qua nhiều đoạn đường hai bên xanh biếc
một màu đã đành, phía trên đầu cũng xanh. Những ngọn cây xanh nhiều
nơi giao nhau che kín làm thành cái vòm thiên nhiên dài hun hút.
Đến nơi, từ con đường cao chênh vênh phải đi xuống mấy đợt tam cấp
khá dài mới đặt chân được lên bãi cát. Cuối mỗi đợt tam cấp, có
chiếc ghế đá cho du khách ngồi nghỉ chân. Bãi biển rộng mênh mông. Bề
ngang trên một cây số, bề dọc, chạy theo bờ biển, dài đến nhiều cây
số. Cát mịn màu trắng xám. Trên một bãi nước cạn gần mép biển,
nhiều tảng đá trái bám đầy rêu màu xanh rất lạ, rẩt nhạt, cũng là
một nơi thu hút du khách đến xem và chụp hình. Người hàng ngàn, xe
hơi hàng trăm, nhiều nhóm, nằm la
liệt trên bãi. Thì ra cũng có con đường dành cho xe hơi chạy xuống
bãi mà chúng tôi không biết.
Ngoài khơi, vươn mình từ đáy nước lên trời như một con thuỷ quái
trong thần thoại là một tảng đá khổng lồ trông như ngôi nhà chọc trời.
Tảng Haystack Rock. Chim trời, chim biển vờn vờn chung quanh đỉnh, sóng
biển vỗ dạt dào bên dưới. Cơn mưa chốc chốc bay từ nơi này đến nơi
khác mà khách du lịch vẫn không ngán, cứ nằm, ngồi, chịu trận.
Người nào có áo mưa, có dù thì mang ra xài, làm đổi màu bãi biển,
biến cái bãi mênh mông đó thành những đốm rải rác nhiều màu sắc
vàng, đỏ, xanh, tím, rằng ri ...
Chúng tôi trở về Portland lúc xế chiều. Portland nằm kế giao điểm
của xa lộ 5 và xa lộ 34. Đứng cao
nhìn phía trái thấy Thái bình Dương. Nhiều xe bán thức ăn trên những
hè phố rộng. Có đủ các món Nhật, Tàu, Thái Lan, Trung Đông, vân vân,
lôi kéo nhiều hàng thực khách nối đuôi nhau chờ gọi món ăn tùy
thích. Chúng tôi phải chờ gần nửa tiếng mới đến phiên mình. Hết ghế
ngồi, chúng tôi mang các thứ lên xe ăn. Giá phải chăng, thức ăn lạ và
ngon.
Ngày hôm sau đi thăm vườn Hoa Hồng Oregon nổi tiếng trên thế giới.
Rất tiếc trời mưa, vườn ướt, hoa rụng. Tuy nhiên chúng tôi cũng đội
mưa tìm được những đóa hồng hàm tiếu chưa bị bầm dập. Nước mưa đọng trên những cánh hoa khép
kín đẹp não nùng. Không đừng được, tôi cúi xuống gần mong tìm thấy
mùi thơm. Nó thoang thoảng quá. Lẽ ra cả cái vườn hồng này phải thơm
lừng. Có lẽ trời nắng hoa khoe sắc, tỏa hương; trời mưa hoa ủ dột,
giấu kín trong lòng hương thơm cao quý. Dù sao mặc lòng, tôi cũng lấy
cell phone chụp mấy tấm hình. Và đành giã từ vườn hồng sớm hơn dự
định.
Mưa thì thăm nơi có mái nhà vậy. Thăm OHSU Hospital (Oregon Health &
Sciences University Hospital). Bệnh viện này
kế cận với Trường Đại Học, tọa lạc trên ngọn đồi Marquam (Marquam Hill). Đó là ngọn
đồi rất lớn nhìn xuống đồng bằng trải rộng dưới kia
với phố xá, đường sá chi chít. Xe hơi muốn lên đỉnh đồi phải chạy
vòng quanh mấy đợt. Nhưng nhân viên của bệnh viện đại đa số sử dụng
xe đạp, gởi xe đạp tại các bãi đậu dưới chân đồi, rồi đáp cái cầu
treo chạy từ chân đồi lên đỉnh đồi, lơ lửng trên không (Sky bridge), tha
hồ ngắm quang cảnh dưới kia, hay phóng tầm mắt nhìn núi sông bát
ngát. Du khách cũng đi chơi bằng cách ấy. Du khách phải mua vé cáp
treo, nhân viên có thẻ riêng. Để phục vụ du khách, trong bệnh viện có
gian hàng bán thức ăn, thức uống, hoa, quả, trái cây, đồ lưu niệm.
Bệnh viện nhờ thế đồng thời trở thành một địa điểm du lịch nổi
tiếng. Một trung tâm y tế của VA (Veterans Affairs: Sinh Hoạt Cựu Chiến Binh) được thiết lập ngay trong bệnh viện này. Từ bệnh viện đến VA
là một hành lang dài nằm chơi vơi trên không. Vừa vào bệnh viện thấy
ngay hàng chữ: The journey of a thousand miles begins with one step. Laotzu
(Tạm dịch: Cuộc hành trình một ngàn dặm bắt đầu bằng một bước.
Lão Tử).
Tiếp theo, chúng tôi đến xem Cột Trụ Astoria Column cao gần 40 mét
đứng ngay trên đỉnh một ngọn đồi khá cao, đồi Coxcomb. Gọi là cột
trụ nhưng đó là cái tháp hình trụ thân tròn, chân tháp và đỉnh tháp
hình tròn bằng nhau, lòng tháp có những bậc thang để du khách có
thể leo lên tận đỉnh nhìn quanh bốn phương. Nhìn sông Columbia chạy
tuốt lên phía đông bắc rồi chảy ra đại dương, nhìn sông Villamette uốn
lượn, nhìn chiếc cầu dài, nhìn thiên nhiên núi rừng trùng điệp.
Ngày thứ ba, từ khách sạn Shilo Inn gần phi trường Portland, chúng
tôi đến thăm thác Multnomah. Chiếc xe của chúng tôi nuốt chửng con
đường nhựa đen. Bên trái là sông Columbia trắng xóa, dòng nước chảy
ngược ra biển, tàu thuyền lác đác. Bên phải rừng, núi, xanh um. Dọc
theo chân núi có đường xe lửa song song với con đường nhựa đen của chúng
tôi. Chạy thêm một đoạn, chúng tôi gặp một đoàn tàu hỏa khi ẩn khi
hiện. Núi rừng xanh quá, cây xanh mọc kín từ chân núi đến đỉnh núi. Đoạn đường này còn đẹp hơn đường đi
xuống Bãi Cannon. Không có đỉnh núi trọc. Không có những sườn núi phô
bày những mảng đất hay đá hay cỏ. Toàn cây là cây. Ở vài đoạn
đường, cây xanh tràn ra che lấp hết bầu trời, xe của chúng tôi như chui
qua một vùng ngọc bích trong suốt. Hồi còn trẻ tôi có coi cuốn phim
Green Mansions (Audrey Hepburn, Anthony Perkins). Phim không hay, nhưng màu
xanh lá cây bao la trong phim đã để lại ấn tượng trong tôi. Nhưng quả
nó không thể nào so sánh với màu ngọc bích mà tôi gặp trên con đường
này. Tôi nhớ những cây me Sài Gòn trên đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du
... sau cơn mưa rào đầu mùa.
Thật ra, Oregon xanh tươi khắp nơi, nhờ mưa nhiều, nhờ không khí
trong lành, không có ô nhiễm.
Khi chúng tôi đến thác nước Multnomah, cơn mưa bắt đầu nặng hột.
Mặc, đậu xe lại trên bãi rộng lớn, rồi đi đến gần thác coi cho rõ.
Cũng có khá nhiều du khách như chúng tôi đổ dồn tới làm chật cả
những lối đi. Thác nước tuôn xuống thẳng đứng trên vách đá của một ngọn núi khá cao. Tiếng thác đổ
nghe rì rầm không bao giờ dứt. Vài ba tiệm bán cà phê, đồ giải khác, thức ăn nhanh, nằm quây quần dưới
chân thác. Thác Bạc, một thác nước tại Sa Pa, Việt Nam, trông na ná
như thác Multnomah. Nó hoang vu hơn, du khách vắng teo. Tại chân thác, cũng
có một cô gái người Mèo ngồi dưới một cái dù to bảng bán cơm lam
và trứng gà nướng. Cơm lam là thứ cơm nấu trong ống bương, ống tre
rừng.
Cuối cùng, những đoạn đường men
theo sông Columbia. Sông Columbia thuộc tiểu bang Oregon chạy song song với
đường biên giới tiếp giáp với tiểu bang Washington. Chúng tôi lái xe
bên này sông trên xa lộ 84, rồi qua bên kia sông chạy trên xa lộ 14 của
tiểu bang Washington. Nếu tiếp tục chạy dài dài về hướng tây, rồi tây
bắc sẽ đến Vancouver của Canada. Cũng lạ, chỉ cách một dòng sông,
thông ở phía tiểu bang Washington thưa thớt hơn hẳn. Trên nhiều khúc
sông, bè gỗ, xà lang chở gỗ, lặng lờ trôi . Trên nhiều bãi sông mọc
lên những xưởng gỗ. Gỗ còn nguyên vỏ cây, lóc vỏ cây, hay xẻ ra thành
những tấm ván mỏng, hay đã đóng thành gói. Sản xuất gỗ là một
trong những công nghiệp trọng yếu của Oregon.
Oregon còn rất nhiều thắng cảnh mà chúng tôi muốn đến thăm. Nhưng
thôi, làm sao thăm cho hết được. Nhiều vùng trong quận hạt nơi tôi đang
sinh sống, tôi cũng chưa biết đến, huống là.
Xin trở lại tình hình tại quê nhà. Luật đặc khu, và an ninh mạng.
Không nghĩ đến nó thì thôi, mỗi khi nghĩ đến, lòng nặng trĩu. Đang
vui với cảnh lạ, đường xa, bỗng dưng cảm thấy “bửng lửng bơ lơ”. Nếu
vì một lý do nào đó nước Việt Nam không còn, nỗi đau đớn sẽ khốc
liệt đến dường nào đối với 90 triệu người Việt Nam trong nước, hàng
triệu người Việt Nam lưu vong, trong đó có tôi, dù khi bỏ nước ra đi,
tôi không muốn trở về. Một câu nói của chí sỹ Phan Bội Châu hẳn còn
ghi sâu trong lòng người Việt Nam ta: Không có nỗi đau đớn nào lớn lao bằng
nỗi đau mất nước. Không muốn về tôi lại cứ về. Vì nhớ. Nhưng đồng
thời tôi cũng không thể gạt bỏ cái cảm giác lạc lõng trên quê hương
cũ. Một khi chế độ bạo tàn ấy bị thay thế, những đàn chim xa xứ sẽ
hân hoan hồi hương.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét