Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Lê Văn Lân: NẾU ĐẦU LÂU MOZART BIẾT NÓI…



Chết chưa hẳn là “hết”?
Chết là hết, ai cũng nghĩ thế. Nhưng đời vẫn có nhiều trường hợp không hẳn vậy. Ngày 4 tháng11, 2004 đài CNN có đưa tin sau: Ngôi mộ của thiên tài âm nhạc Mozart chết cách nay hai trăm năm bị khai quật để thử DNA!  DNA là thử nghiệm hiện đại nhất mà người hy vọng có thể giải quyết một bí ẩn lâu mấy thế kỷ để xem cái sọ đang trưng bày  trong Viện International Mozarteum Foundation có đúng thực là sọ của ông  không? 
Mozart chết năm 1791 và được chôn vào một huyệt mộ nghèo trong nghĩa địa St Marx ở thành phố Vienna nước Áo. Địa điểm của huyệt mộ này ban đầu không ai rõ nhưng hình như được xác định vào năm 1835 nhờ đặc điểm là một cột  trụ với tượng một thiên thần trên đó.
Truyền thuyết nói rằng một phu đào mộ nhận biết hài cốt của Mozart và lén trộm sọ của ông. Sau khi bị chuyền qua nhiều tay, sọ này cuối cùng đến Viện Mozarteum ở Salzburg vào năm 1902 theo như lời của giám đốc viện này là Tiến sĩ Stephan Pauly. Sọ không trưng bày ra công chúng chỉ vì viện không biết chắc chắn làm sao tên phu đào mộ trên biết rõ chỗ nằm của di hài của Mozart mà ăn trộm sọ của ông.

“Đã từng có nhiều sự khám nghiệm khác nhau nhưng chưa có cách nào đưa ra bằng chứng hiển nhiên để kết luận đúng là sọ của Mozart” như lời Tiến sĩ Pauly tiết lộ cho hãng thông tấn The Associated Press.
Trong mục đích bảo tồn di sản về Mozart, viện này lập vào năm 1880 quyết định  một sự khảo nghiệm DNA  và đang theo dõi kết quả. Những khảo cổ gia đã khai quật một ngôi mộ ở Salzburg trong đó người ta nghĩ rằng chứa di hài của người cha và nhiều thân nhân khác của Mozart. Họ dự tính so sánh những dữ liệu di truyền từ những di hài trên với cái sọ Mozart đang cất tại viện để xác định nó có phải đúng là thuộc về thiên tài âm nhạc trứ danh Áo quốc không? 
Mạng lưới buôn Sọ người trên quốc tế
Đọc tin thời sự trên, chúng ta tự hỏi: Tại sao ở đời lại có chuyện ma quái đào mả, ngoài chuyện trộm châu báu mà còn lấy trộm hài cốt và đặc biệt chú ý trộm xương sọ để làm gì? Ý nghĩa và giá trị của những bộ xương và đầu lâu người chết nằm ở đâu ngoài tầm quan trọng  nghiên cứu về y khoa, nhân chủng và tội phạm học ? 
Trước hết, một điều lạ nói ra ít người tin- là hiện nay trên thế giới đang có một dịch vụ buôn bán xương người! Không tin, bạn hãy mở máy vi tính ra ở http://www.bmezine.com/skulls/other.html thì thấy rao bán những sọ và toàn bộ xương người của hài nhi và người lớn với ảnh chụp rõ ràng mà giá cả từ vài trăm đến vài ngàn Mỹ kim. Xương người cả bộ có sẵn được đóng thùng hay được kết lại. Và bất ngờ hơn nữa là có nhiều bộ xương đặc biệt sẽ bán đấu giá nhưng hiện không sẵn phải chờ đến khi đương sự chết mới có. (There are also a number of especially interesting skeletons available for bids, but they will not available for purchase until the subject dies).
Một tin thời sự khác là ngày 28 tháng 7 năm 2004 là ở một nghĩa trang giáo đường phía bắc Philadelphia có một vụ đào trộm lấy ba sọ người mà người ta nghi là lý do để luyện bùa chú của giáo phái Satanism vào những đêm trăng tròn chứ không phải là do đám thiếu niên điên khùng tinh nghịch. Điều này cho ta thấy rằng ở Mỹ vào đầu thế kỷ 21 cũng còn chuyện trộm sọ người luyện bùa như  tục thờ Thiên Linh Cái ở Việt Nam do những tên thầy phù thủy đào trộm đầu lâu một trinh nữ để thờ trong âm đàn. Ngoài ra người ta còn trộm sọ người (gọi là “hoa cái” nghiền ra trộn với vàng bột để làm thuốc trị bịnh nan y như phong cùi chẳng hạn.
Cũng trên mạng lưới vi tính, mở địa chỉ  bone@freeq.com, ta thấy rao bán những sọ của những sư tăng Tây tạng  với giá 4 ngàn Mỹ kim. Ở Canberra Úc Châu, sọ người được bán trên vài chợ, có nhiều sọ xưa cả thế kỷ lấy từ Nepal. Sọ người ở các xứ trên thường được cắt thành những chén uống gọi tên Phạn ngữ là kapala đề trưng trên bàn như là một điều nhắc nhở tu trì về ý nghĩa vô thường của kiếp người. Một cái sọ từ Borneo được chạm trổ giá bắt đầu 1000 đô trở lên. 
Ngoài ra còn thói sưu tập kỳ dị những sọ người “chiến lợi phẩm” buôn về từ các xứ chiến tranh nơi mà mạng người như cỏ rác, xương vô chủ nằm rải rác khắp nơi. Sau thế chiến thứ hai, dịch vụ buôn hài cốt đã từng một thời phát đạt thầm lén bất hợp pháp. Sau chiến tranh ở Đông Dương, cũng đã có một phong trào mới buôn hài cốt. Đã có hai vụ cảnh sát bắt được những đợt buôn sỉ một số lượng lớn đầu lâu người  được tẩy rửa sạch sẽ trắng tinh còn đóng trong thùng chưa khui. Ai ngờ những phế vật rữa nát thối tha của chiến tranh mà con người bình thường ghê tởm lại trở thành một kỹ nghệ nhập khẩu rất hời giá trong tay lũ con buôn. Nói ra thật trơ trẽn, ngay cả chính quyền CS Việt Nam đã công khai coi những hài cốt lính Mỹ tử trận ở Việt Nam làm những đợt  hàng trao đổi ngoại giao. Lâu lâu đọc báo bên nhà, ta thấy vài vụ đào những ngôi mộ cổ, nổi tiếng nhất là vụ đào lăng của Thái hậu Từ Dũ để trộm lấy cái phượng-miện của bà. Chính những tên đào mả hôi của khắp thế giới là một trong những  nguồn cung cấp cho kỹ nghệ buôn hài cốt. 
Huyền thoại về  Sọ ở Việt Nam
Ở Trung Hoa và Việt Nam ngày xưa, di hài người chết được coi là thiêng liêng trong tục lệ thờ cúng và phong thủy. Câu chửi “đào mồ cuốc mả” là một sự nguyền rủa ghê gớm. Dân gian tin tưởng rằng người chết không toàn thây thì linh hồn không siêu thoát như câu: Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa (Chiêu hồn ca).  Ngoài ra, người ta còn trút hận thù trên thi thể di hài của kẻ địch như những chuyện ăn thây uống máu quân thù sau chiến trận:
Máu Thuyền Vu, quắc Nhục Chi,Ấy thì bữa uống, ấy thì buổi ăn.
“Quắc” là những vành tai mà lính trận ngày xưa thường cắt ra từ thủ cấp của kẻ địch để nhậu rượu sau khi chiến thắng. Sự trả thù của người thời xưa đôi lúc thật quái gở trong mắt nhìn bây giờ.
Vào năm 1790, tướng của quân Tây Sơn đào mả cha của Nguyển Ánh rồi đem vất hài cốt xuống thượng nguồn sông Hương. Về sau khi Nguyễn Ánh trở thành vua Gia Long thì một người chài cá vô tình vớt được cái sọ lên còn những xương khác bị trôi mất. Nhà vua bèn khảo nghiệm tìm phụ hệ bằng cách trích huyết của mình rồi nhỏ vào xương sọ này thì  quả thấy máu bị rút vào lớp xương khô nên tin đúng là của cha mình. Sọ này được thờ ở Huế tại địa điểm gọi là Lăng Sọ.
Vào năm 1802, ngay sau khi Gia Long lên ngôi, nhà vua bèn ra lệnh đào mả lấy hài cốt của anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ lên lấy chầy giã ra rồi rảy ngoài gió, chỉ giữ lại  hai cái sọ bỏ vào Ngục Thất bỏ trong vò rồi xiềng lại trong một phòng kín được niêm phong. Những người  lính  canh ngục thường kính sợ gọi những vò này là Ông Vò hay Chuá Ngụy  nên thường hương đèn van vái. Về sau, những vò sọ này đã biến mất, người ta phỏng đoán là vào thời điểm Triều đình Huế đánh úp Tây ở đồn Măng cá năm 1885, những người tù Ngục Thất  phá ngục chạy trốn đã mang theo những vò trên. 
Dân Huế tin tưởng rằng di cốt của Chúa Ngụy rất linh qua những việc sau:  Thứ nhất là theo đám phi tần trong cung cấm kể lại, một cái sọ trên đã hiện lên thành con hổ-miêu cho vua Đồng Khánh. Nhà vua vốn là một thiện xạ bèn nhắm bắn bằng súng.  Hổ miêu bèn hoá thành con gà trống vàng bay một vòng quanh trên bàn ghế trong cung điện rồi biến mất. Sự ma hiện hình này khiến vua Đồng Khánh trở bịnh và từ trần rất chóng. Chuyện thứ hai là vua Thành Thái hồi còn bé có thể một lần nào đó thấy những vò Sọ trên bèn ám ảnh về sự trả thù Chúa Ngụy nên đâm ra điên điên khùng khùng
Số phận Sọ của những danh nhân
Nhìn qua Tây phương, chuyện hài cốt và nhất là xương sọ bị lấy trộm lại xảy ra theo một động cơ khác:
Những sọ của các danh nhân bị trộm mất và thay thế bằng một sọ khác nhìn lại trong lịch sử không phải là hiếm.  Đó là trường hợp của những sọ bị lấy trộm của văn hào Voltaire, triết gia Descartes, thi sĩ  Schiller, nhạc sĩ Haydn, vua Henri IV của Pháp cùng bao nhiêu vị được phong Thánh… Một động lực chính cho nhiều vụ trộm sọ là sự sưu tập của những nhà Cốt Tướng Học (Phrenology). Nhóm chuyên gia này tin rằng quan sát sọ người chết về hình thể chung cũng như  những phần biến dị của nó thì có thể suy diễn ra sự cấu tạo về trí năng và tình cảm của não bộ. Đây là một thứ học thuật có tính phi-khoa-học nhưng rất thịnh hành vào thế kỷ 18 và  thúc đẩy sự sưu tập những chiếc sọ danh tiếng.
Nếu những chiếc sọ của các danh nhân biết nói thì người ta sẽ nghe rất nhiều chuyện phiêu lưu quái đản của chúng. Riêng trường hợp sọ của Mozart cũng đủ cung cấp cho chúng ta nhiều tình tiết ly kỳ mà trải qua hai thế kỷ chưa ai giải đáp được như tôi trình bầy dưới đây. 
Mozart :Tài hoa là thiên cổ lụy
Thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart sanh ngày 27 tháng Giêng 1756 đã tỏ ra là một thần đồng vào tuổi thơ ấu: chơi rất giỏi đàn harpsichord vào năm bốn tuổi (loại đàn cổ này là đàn tiên phong cho dương cầm hiện nay); sáng tác giao hưởng khúc đầu tiên năm tám tuổi; viết nhạc kịch ở tuổi 12. Cha của Mozart cũng là một nhạc sĩ thời danh đã hiến cuộc đời mình vào việc nuôi dưỡng xây đắp thiên tài của ông qua một chuyến lưu diễn khắp Âu châu cho những đế vương và các Giáo hoàng. Quãng đời thành niên của Mozart rất phong phú với sức sáng tác lạ lùng của ông mà cũng rất sôi nổi và lãng phí tiêu pha qua sự hái ra tiền bạc trợ cấp do các vua chuá và các tổng giám mục.
Sức khoẻ của Mozart bị suy sụp vào mùa thu năm 1791 lúc ông 35 tuổi, nhưng kỳ thực từ thuở bé ông chưa bao giờ khoẻ mạnh mà bịnh tật liên miên đủ thứ từ những viêm chứng của hạch hạnh nhân ở họng, cuống phổi, sưng phổi, thương hàn, phong thấp cho đến bệnh về nướu răng.  Tệ hơn nữa, tật rượu chè và sống buông thả càng làm yếu sự miễn nhiễm của thể tạng vốn mảnh khảnh của ông. Ông phát sốt và suy sụp rất mau, sự bất lực của y khoa thời đó càng làm tệ hại thêm với những lần rút máu chảy ra ngoài. Mozart đã chết khổ sở.  Vào những ngày cuối, toàn thân bị sưng húp khiến ông không nhúc nhích nổi. Mùi hôi thối từ các nội tạng thoát ra bởi những lỗ cơ thể và ông mửa ra máu đen. Cái chết cuối cùng đã giải thoát ông nhưng tử thi cuả ông bị tàn phá và sình chương đến nỗi đám thầy thuốc không muốn lại gần mà giảo nghiệm. 
Chết bị đầu độc hay bệnh nhiễm?
Đối với giới người hâm mộ ông, cái chết của Mozart đến như một xúc động mà người ta nhận định là do bị đầu độc. Nguyên nhân tử vong  chính thức mà một số người tạm đưa ra là “ Sốt nhà binh trầm trọng” (Severe Military Fever) mơ hồ đến nỗi có nghĩa là do bất cứ những bệnh nhiễm gây sốt  thịnh hành vào thời đại của Mozart từ thương hàn, sốt ra ban đến lao,  đậu mùa và dịch hạch… Nhưng một điều giản dị nhất là Mozart rất yểu mệnh, chết quá nhanh vào tuổi 36 vào ngày 5 tháng 12, năm 1791, để lại hơn 600 sáng tác - một kỷ lục thành đạt về âm nhạc! Ông được chôn ngày hôm sau trong một huyệt mộ nghèo ở  nghĩa trang hương thôn Saint Marx, mai táng vào hạng chót rồi sau đó là một lễ cầu hồn ngắn ở Vienna. Bà quả phụ túng thiếu chỉ đủ tiền làm ma cho chồng chứ không kham nổi sự dựng tấm mộ bi.
Thây Mozart nằm chưa ấm mộ thì nhiều tin đồn độc hại về cái chết của Mozart, lý do chỉ vì cái chết này quá đột ngột cho một thiên tài son trẻ! Mozart phải chăng bị nhóm Franc-Macon (Tam Điểm) thanh toán  vì ông đã dựng vở nhạc kịch tiết lộ những bí ẩn của nhóm này? Hay là ông bị đầu độc do một tay chủ nợ, những kẻ thù cạnh tranh về âm nhạc?
Hay thủ phạm là ngay chính vợ của Mozart vì từ khi nhà soạn nhạc này chết thì rất nhiều tin đồn đãi loan ra do ông Carlo Gesualdo. Nếu giả thuyết án mạng đã xẩy ra thì đương nhiên có nhiều kẻ nghi can vì Mozart nợ nần tiền bạc với nhiều người rộng rãi trong xã hội thành phố Vienna và ông lại có lắm địch thủ trong triều đình Áo quốc.  Mozart vốn nổi danh là người đào hoa từng gian díu với nhiều phụ nữ có chồng mà một nhân tình là một thiếu phụ 23 tuổi tên là Magdalena Hofdemel hình như đã có con với ông. Vào ngày đám ma của Mozart, hàng xóm nghe Magdalena cãi cọ với chồng là Franz Hofdemel nên bị chồng dùng dao cắt cổ vợ rồi sau đó tự cứa cổ tự vẫn. Người ta bèn tin rằng tấn kịch ghê gớm  này có liên quan đến cái chết của Mozart vì chính Franz đã đầu độc Mozart để trả thù chuyện ngoại tình của vợ và  bị bà này khám phá ra nên Frank mới giết vợ và sau đó tự sát. 
Quả phụ Constanze Mozart
Tuy nhiên, tin đồn phổ biến và dai dẳng bắt nguồn từ bà Constanze Mozart (1762- 1842), người vợ mà Mozart cưới nghịch ý với cha mình. Bà này hay rỉ tai với mọi người là nhà soạn nhạc trong triều đình là Antonio Saleri (1750- 1825) đã âm mưu chống Mozart. Bà còn tuyên bố rằng Mozart trên giường hấp hối thổ lộ có người đầu độc mình.
Song le nhiều học giả về Mozart cho rằng lời lẽ của bà Constanze trên vô căn cứ vì chính bà nuôi nhiều tham vọng đã gài bẫy cho Mozart phải cưới mình vì lỡ ăn nằm mang thai. Bà là một phụ nữ ích kỷ, hám lợi ti tiện bòn xẻn từ xu nhỏ nên mới tạo dựng đủ chuyện bi thảm với hy vọng lãnh trợ cấp từ Hoàng đế Joseph II Áo quốc. Mặc dù về sau đã tái giá nhưng bà không lấy tên chồng sau mục đích để kiếm chác huê lợi từ những buổi trình diễn về nhạc của người chồng quá cố. Trước đám khán giả hâm mộ, bà vẽ vời kể bao nhiêu chuyện về Mozart, chuyện càng tô vẽ  thì thiên hạ càng chú ý.
Phần ông Antonio Salieri đã cải chính không hề có âm mưu chống Mozart  hay liên quan đến cái chết của ông này. Tuy nhiên vào cuối cuộc đời, Salieri bị suy sụp thần kinh khiến ông phải ra vô bệnh viện, trong những lúc này, ông lại thường có những lời phát ngôn động trời. Một phần vì những lời cáo buộc của Constanz Mozart, một phần vì bị ám ảnh với mặc cảm phạm tội đã ghen tức về nghề nghiệp trong triều đình nên từng loan truyền đàm tiếu về Mozart nên Salieri lại tuyên bố đã giết Mozart nhưng một khi hoàn tỉnh thì ông lại rút lời. Giả thuyết và sự suy lão của Salieri  đã được Peter Shaffer dùng làm nền tảng dựng thành vở kịch và cuốn phim “Amadeus” theo đó thì Mozart chắc không bao giờ coi Salieri là kẻ thù vì trong những thư từ Mozart nói đến Salieri một cách nồng nhiệt nhất và lại còn nhờ ông này bảo trợ cho một người con của mình.
Nếu đầu lâu Mozart linh thiêng biết nói!
Vào 1801, ban quản trị nghĩa địa hương thôn St Marx ra lệnh lô đất hạng ba phải đào xới, lô này là nơi Mozart và 15- 20 nguời khác được chôn. Đây là thủ tục tự động cứ 10 năm lại giải toả để chôn người mới. Nghĩa địa này, lập năm 1784 chỉ có chỗ cho 7000 huyệt mộ và chỗ trống là một quan tâm hàng đầu. Hài cốt của những người giàu được rửa sạch và để trong một nhà mồ với tên họ ghi cẩn thận trên những sọ trong khi đám dân nghèo thì  hài cốt đào lên bị nghiền ra, và chôn lại tại Nghĩa trang trung ương Vienna hay tùy tiện xử trí.
 Mộ của Mozart được ông Joseph Rothmayer mở ra, ông này chính là người đào huyệt và ông câu của nhà thờ vào 10 năm trước đã chôn Mozart. Rothmayer nói ông biết trước số phận chung cuộc về sọ của Mozart sẽ ra sao nên lấy giây thép buộc quanh cổ của hài cốt để sau này phân biệt nó với hài cốt người khác; do biết rõ chỗ để mới của hài cốt Mozart nên ông tìm lại và cất giấu riêng cái sọ khỏi bị nghiền. Joseph Rothmayer giao sọ cho người bạn là Joseph Radschopf, người này lại giao cho người bạn là Jacob Hyrtl vào năm 1842. Khi Hyrtl chết vào 1868, người em Joseph thừa hưởng sọ này. Joseph là một cốt tướng gia ở Vienna. Khi ông chết, vợ ông giữ kỹ sọ cho đến khi bà chết vào năm 1901. Rồi sọ lại được chuyển vào Viện Quốc Tế Mozart của tỉnh Salzburg vào năm 1902 cho đến năm 1955 để triển lãm cho công chúng coi. Cái sọ thường gây một cảm giác ghê rợn cho nhân viên làm việc tại Viện. Họ thường kháo nhau về nhiều hiện tượng lạ phát ra từ cái sọ như từng nghe tiếng nhạc cũng như tiếng kêu la từ đó. Người ta cũng đồn rằng những người giữ sọ của Mozart lúc trước cũng từng gập những hiện tượng như vậy, do đó cái sọ Mozart mới bị đẩy vô nằm ở  viện bảo tàng này.
Kể từ khi sọ xuất hiện, các bác sĩ y khoa và sử gia đã làm nhiều giảo nhiệm luật y hy vọng là xác định vì sao Mozart chết hay là làm rõ lai lịch của nó. Người ta bèn đem những hình ảnh của chiếc sọ ráp chồng lên những tấm hình chân dung cùng kích thước của Mozart để làm nổi bật những sự tương đồng hay dị biệt về những đặc điểm răng và sọ. Những sự khảo sát như vậy thường xác nhận là sọ này chính là sọ của Mozart. Một toán chuyên gia luật y Pháp sau khi khám sọ để tìm kiếm những dấu hiệu về bệnh lý mà Mozart hồi sinh tiền nghi đã mắc phải đã khám phá nhiều vết máu bầm mà họ tin là có thể giải thích chứng trầm cảm và chóng mặt của Mozart. Dù những phát hiện trên không bắt buộc viện Mozart phải chấp nhận nhưng sự hiện hữu của cái sọ đã gây nhiều tranh cãi nên tạo ra cho viện vấn đề trách nhiệm đạo lý nan giải là phải phối kiểm kỹ hơn.
Một người bảo quản hồ sơ là Walter Brauneis của Văn phòng Bảo tồn Di tích Lịch Sử Áo quốc bỏ công ra tìm kiếm lại những tài liệu y khoa chính thức về cái chết của Mozart để phát hiện những sai biệt giữa các dữ  kiện. Giấy của bác sĩ nói rõ chi tiết về tình trạng răng nói rằng Mozart chỉ có bảy chiếc răng, còn bao nhiêu răng khác đều rụng hết, trong khi cái sọ ở Salzburg coi lại thì có 11 chiếc răng. Những người tin rằng sọ này đúng là sọ của Mozart lại phản bác là bác sĩ chỉ đếm những chiếc răng lành mạnh mà không đếm những răng hư thối, vả lại thì xương hàm dưới cũng đâu còn dính vào sọ nữa.
Giả thuyết về cái chết của Mozart do đầu độc cũng không đứng vững vì Mozart không phải ngủ một đêm rồi sáng chết mà đau bệnh dầm dề nhiều tuần có vợ và em săn sóc. Về nguyên do bệnh lý cũng khó xác định nếu dựa vào hồ sơ y khoa vì vào thời đại của Mozart chuyện các bác sĩ ghi chép giấy tờ rất tồi tệ lạo thảo nhất là đối với những người nghèo thì  rất sơ sài, thiếu sót và mỗi người mỗi khác. Một điều phỏng đoán tương đối đúng nhất là Mozart chết vì một chứng bệnh nhiễm trầm trọng và lại càng gia trọng vì sự điều trị tồi tệ cọng thêm những lần rút máu.
Cuối cùng chỉ có khảo nghiệm phân tích DNA mới dẹp yên những sự tranh luận, tuy nhiên lại vấp phải vấn đề là tất cả những đứa con của Mozart đều vô tự, chết không để cháu chắt. Con đường đối cùng về khảo nghiệm DNA là khai quật mồ mả của cha mẹ của Mozart. Đây chính là việc  mà người ta đang tiến hành sau nhiều năm vận động xin giấy phép với nhà chức trách theo như tin thời sự loan ra vào ngày 4 tháng 11 năm 2004, với hy vọng sẽ có kết quả vào năm sau. 
Đời cao danh vọng, thác lại lang thang?
Nhìn lại cái chết của Mozart sau một cuộc sống tuyệt đỉnh vinh quang rồi ngụp chìm trong nghèo nàn bệnh tật, người ta thấy một màn dày dệt với bao nhiêu huyền thoại cực kỳ rối rắm chung qui chỉ vì Mozart là một thiên tài mệnh bạc!
Cũng như nhiều danh nhân khác như Descartes, Voltaire, Haydyn... những tưởng chết đi là mồ yên mả đẹp nhưng oái oăm thay, cái danh tiếng của họ đã trở thành một hệ lụy khiến cái xương sọ của họ không những bị đào trộm còn bị phiêu lưu chuyển tay này sang tay khác một cách điêu linh như là những món đồ sưu tập của hậu thế.
May mà đầu lâu những danh nhân ở Tây phương không linh thiêng biết nói, nếu nói được thì oan hồn của chúng đâu có để người sống yên như chuyện quỉ hiện hình lên đòi mạng trong các tích ma ở Á Đông!