Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Hà Kỳ Lam: VÀI CHẶNG ĐƯỜNG ÂU CHÂU




Chúng tôi vừa trở lại Paris đầu tháng Ba năm nay. Chẳng phải vì có duyên với thành phố một thời được mệnh danh kinh đô ánh sáng, cũng chẳng phải vì lưu luyến con sông Seine với nhiều cầu bắt ngang hay tương tư tháp Eiffel ngạo nghễ mà duyên dáng. Chỉ vì ở Paris vợ tôi có người bà con sẵn sàng phối hợp du lịch, và sẵn sàng cho chúng tôi tá túc vô điều kiện. Paris đã trở thành bàn đạp du lịch của chúng tôi.

Hai lần trước ghé Paris chúng tôi đã có dịp ngồi xe hơi xuyên miền Nam Pháp sang tận Tây Ban Nha. Lần này chúng tôi đi xuyên miền Bắc Pháp sang Bỉ và Hòa Lan. Và lần này chúng tôi còn có hai dịp đặc biệt nữa: được đi thử tuyến đường Ba Lê - Luân Đôn bằng xe lửa xuyên biển Manche và được gặp gỡ vài văn hữu tại Paris. Với bấy nhiêu sự việc trong một tuần ở Pháp thật cũng hơi “nhiều”, nhưng rất vui.


Amsterdam, cõi mơ hồ trong trí tưởng

Từ Paris chúng tôi theo xa lộ A1 (hay E15, xa lộ liên quốc gia) rồi E19, E 311, E35 đến thủ đô Amsterdam của Hòa Lan (thủ đô trên danh nghĩa, thủ đô thật sự là La Haye). Hành trình dài bảy tiếng đồng hồ xe hơi. Những xa lộ Pháp thường mang hai tên, ví dụ A1 kèm theo E15. Điều đó để chỉ rằng đường A1 của Pháp trùng với đường liên Âu châu mang tên E15. Như vậy xa lộ mang chữ E là xa lộ xuyên Âu.

Ngày nhỏ, Amsterdam nằm trong trí tưởng tôi qua những gì mình đã đọc. Đó là nhân vật anh hùng Richard Granville trong một tiểu thuyết của Daphné du Maurier thích nhìn mưa rơi từ một khung cửa sổ lưu vong buồn bã; đó là căn gác mà cô bé Anne Frank mệnh yểu đã để lại những trang nhật ký nổi tiếng. Nhưng tất cả thuộc về một Amsterdam nào đó, chứ chẳng phải những gì tôi nhìn thấy bây giờ. Dĩ nhiên người ta thường đi du lịch mang theo một mớ hoài niệm hỗn độn, chắp nối, không thực. Trời Amsterdam hôm đó không có mưa buồn rả rích như ngày xưa tôi đọc du Maurier, và phố phường Amsterdam không đầy lính Đức soi bói, dòm ngó, đe dọa như thời gia đình Do Thái đáng thương kia ẩn mình trên căn gác ngục tù nào quanh đây.

Amsterdam khá thơ mộng với những đoạn sông đào lượn khúc trong thành phố. Không rõ Venise của Ý thì sao, tôi nghĩ chưa có nơi nào nhiều sông nước như Amsterdam. Đường phố ở đây xây theo mô hình những vòng tròn đồng tâm, và những con sông đào cũng chạy theo những vòng đồng tâm nốt, cứ cách khoảng lại cắt các đường phố thuộc trục thẳng góc để cho các cây cầu có lý do hiện hữu. Cho nên quí vị đừng ngạc nhiên khi biết Amsterdam có vào khoảng trên sáu trăm cầu! Nếu xét đặc điểm địa dư của thành phố nầy ta sẽ bớt ngỡ ngàng: Amsterdam tọa lạc trên chín mươi hòn đảo. Thảo nào từ hồi bé tôi đã nghe nói những kỷ sư thủy văn gỏi nhất thế giới phải là những người Hòa Lan.

Nhân nói về sông nước ở Amsterdam xin quí vị cho phép tôi tản mạn một chút về những nhà bè (house-boats). Nói chung ở Hòa Lan có rất nhiều nhà bè dọc theo sông hồ như là nhà thứ hai, để nghỉ mát, giải trí. Nhưng riêng ở Amsterdam nhà bè là nhà ở thật sự, nhất là sau Thế Chiến Thứ Hai nạn khan hiếm nhà cửa ở đây rất trầm trọng, và nhà bè sinh sôi nẩy nở để giải quyết phần nào vấn đề gia cư. Bây giờ thì không còn tình trạng thiếu nhà nữa nhưng một số người vẫn thích “sống lênh đênh” hơn là đóng đô trên đất liền, một phần vì yếu tố tài chánh, một phần vì máu phóng túng, nghệ sĩ. Tôi đã thấy dọc theo bờ sông trong thành phố nhiều dãy nhà bè thật ngoạn mục.

Đi xe hơi ở đây là một điều vất vả, vì chỗ đậu xe khó tìm, và sự kiểm soát lưu thông khá nghiêm nhặt: đậu trái phép là xe bị xiềng ngay. Tôi không biết có thành phố nào ở Âu châu nhiều xe đạp hơn Amsterdam. Xe đạp có lẽ làm vua đường phố ở đây; chúng đi chung đường với xe hơi, chúng lại có đường dành riêng. Theo một con số ước lượng gần đây, vào khoảng ba phần tư cư dân Amsterdam dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển hằng ngày. Và tôi cũng không biết có thành phố Âu châu nào khác mà một vài luật lệ phóng túng hơn ở Amsterdam. Ở đây không cấm hút xách xì ke. Ở đây cho tự do bày bán thân thể! “Bày bán” là một từ ngữ không ngoa đâu: các cô, trên người chỉ một mảnh vải rất thưa che cho có lệ cái chỗ kín của thân thể - lại cố ý lấy vải thưa che mắt thánh - cứ ngồi trong phòng kiếng, hay ở khung cửa kiếng, để người qua kẻ lại trên hè phố chiêm ngưỡng, hay window shop; chịu cô nào thì cứ “chỉ định” và dắt nhau vào chốn thiên thai ở các phòng đằng sau. Tiện đây xin mách nhỏ: bạn nào còn “ham vui”, đi du lịch Amsterdam chớ lỡ dại rủ rê vợ nhà đi theo, để rãnh tay rãnh chân mà lo việc của mình!

Bruxelles, Tân Cổ Giao Duyên

Từ Paris đến Bruxelles mất khoảng ba giờ lái xe. Chúng tôi cũng theo lộ trình đi Hòa Lan nhưng đến nửa đường thì rẽ vào Bruxelles. Đây là thủ đô của vương quốc Bỉ. Tôi không rành về lịch sử xứ nầy, chỉ biết đại khái Bỉ là một nước nhỏ nhất Âu châu, và dân chúng phân nửa nói tiếng Hòa Lan, phân nửa nói tiếng Pháp. Bruxelles khá lớn, với các đại lộ rộng, xe cộ như mắc cửi. Đây cũng là nơi bộ tư lệnh của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trú đóng.

Một đặc điểm của Bruxelles là nó dung nạp tân và cổ. Bạn vừa ngước mắt chiêm ngưỡng những dinh thự xưa cả năm sáu trăm năm, thì một lát sau bạn lại nhìn mõi cả cổ những kiến trúc tân kỳ.

Nhưng Bruxelles tuy thế mà không để lại trong tôi một ấn tượng gì rõ nét bằng thành phố cổ Brugge, mà chúng tôi đã dừng chân trước đó, theo sự mách bảo của người bà con hướng dẫn viên, “thành phố này mới đáng xem.” Quả đúng như vậy. Tôi nhìn những công trình còn lại từ thời Trung Cổ mà tự hỏi làm sao con người có thể xây cất những công thự nguy nga, đồ sộ và vững chác như thế cách đây năm bảy trăm năm. Đó là quãng trường Chợ Cũ nổi tiếng với hệ thống bốn mươi bảy cái chuông trên tháp cao, nơi cách đây nhiều thế kỷ từng tấp nập thương nhân từ khắp các nẻo đường Âu châu. Đó là Tòa Thị Chính với kiến trúc gothic thể hiện trong những đường vòng cung cổ kính và uy nghi. Đó là Thánh Đường Basilica of the Holy Blood, nơi gìn giữ chiếc quan tài bằng vàng nổi tiếng vì có chứa mấy giọt máu của đấng Christ được mang về từ Jerusalem năm 1150. Và còn biết bao di tích nữa.

Ba Lê - Luân Đôn: xe lửa Eurostar

Từ Paris đi Luân Đôn theo ngã bến phà Le Havre - Portsmouth phải mất năm tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển. Nếu theo lộ trình Pas-de-Calais - Dover thì thời gian trên phà khoảng ba tiếng. Đó là chưa tính thời gian di chuyển bằng xe hơi từ Paris đến Le Havre (một giờ) và từ Paris đến Pas-de-Calais (hơn hai tiếng), và thì giờ di chuyển từ Portsmouth và từ Dover vào Luân Đôn. Lần nầy chúng tôi được nếm thử xe lửa nối hai thủ đô: xe lửa Eurostar. Với phương tiện giao thông này chỉ mất ba tiếng đồng hồ từ ga Paris Bắc đến ga Waterloo, Luân Đôn. Nghe nói khi đoạn nối phía Anh Quốc hoàn thành vào năm 1998 thời gian xuyên biển chỉ còn hai giờ. Đường hầm qua biển Manche do hai nước Pháp, Anh khởi công thực hiện chung năm 1987, và khánh thành vào ngày 6-5-1994. Quyền khai thác xe lửa Euostar, xe lửa hành khách nối Paris, Calais-Fréthun, Luân Đôn, Bruxelles, và Amsterdam thuộc công ty liên doanh Anh-Pháp-Bỉ. Tôi nghe nói xe lửa Âu châu tuyệt vời nhất thế giới. Tôi nghe nói về xe lửa huyền thoại TGV (train à grande vitesse) của Pháp từ lâu, nay được ngồi trong một toa của Eurostar tôi thấy tin được những gì mình nghe trước đây, vì được biết Eurostar hầu như rập khuôn TGV, chỉ biến cải để đáp ứng với ba điện thế (voltage) khác nhau trên lộ trình chạy. Ngồi trong Eurostar bạn không biết xe chạy lúc nào, dừng lúc nào, nếu không nhìn ra bên ngoài; bạn không nghe tiếng bánh sắc nghiến đường rầy; tất cả im phăng phắc. Bạn đi từ toa này sang toa khác thì cửa tự động mở cho bạn, giống như tiện nghi trong các phòng ốc trên mặt đất; duy lúc xe vào đường hầm xuyên biển thì cửa hết tự động, nhưng bạn có thể dùng tay đẩy nhẹ để mở. Vận tốc trên phần đất Pháp là 200 miles/giờ và lúc vào đất Anh là 100 miles/giờ, có lẽ vì đường sắt bên Anh chưa đạt tiêu chuẩn cho xe lửa TGV của Pháp. Còn TGV của Pháp hiện nay đạt tới vận tốc trên 300 miles/giờ.

Hành khách hoàn tất thủ tục quan thuế, hành lý trước khi lên tàu, nhưng thủ tục giấy tờ thông hành, chiếu khán được giới chức hữu quan thi hành trên tàu. Chẳng hạn, còn một khoảng thời gian nào đó trước khi xe lửa đến Luân Đôn, nhân viên di trú Anh sẽ đi từng hàng ghế xem giấy từng hành khách, và ngược lại, sắp vào ga Paris Bắc thì nhân viên Pháp làm công việc tương tự. Ga Paris Bắc! Tôi đã nói đến tên ga này hai lần từ nảy giờ, và chắc có vài độc giả đã thắc mắc: vậy có ga Paris Nam không, hoặc giả Paris có bao nhiêu ga xe lửa? Paris có sáu ga chính. Tôi sẽ không làm một bảng liệt kê các ga để quí độc giả mõi mắt và mất thì giờ vô ích, mà chỉ nêu hai ga có liên quan ít nhiều với bài viết này. Đó là ga Paris Bắc dành cho các chuyến tàu đi và đến thuộc mạn Bắc, gồm Anh, Hòa Lan, Bỉ, Đan Mạch, Đức, và ga Lyon phục vụ các tuyến đường Đông Nam, trong đó có vùng Côte d’Azur, Provence, và đến tận Genève, Lausanne, Ý.

    Ga Lyon đèn vàng

    Cầm tay em muốn khóc

    Nói chi cũng muộn màng

Tôi có thể đoan quyết với quí vị rằng nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã tiễn người yêu về miền Nam - Provence chăng? - chứ không về miền Bắc!

Luân Đôn và Dịch Vụ Ngoạn Cảnh “Nhảy Lên Nhảy Xuống”

Người viết sẽ không bắt độc giả chịu cái cực hình nghe tả cảnh thủ đô Anh quốc, mà chỉ muốn tường trình hầu quí vị cái dịch vụ gọi là hop-on hop-off service! Đây là dịch vụ khá tiện lợi để du khách ngoạn cảnh Luân Đôn: ngồi trên xe buýt hai tầng chạy qua các phố Luân Đôn. Xe này chỉ chạy qua các nơi đáng xem của thủ đô Anh, như khu Westminster Abbey, Westminster Cathedral, điện Buckingham, v.v. nhưng tại sao lại “nhảy lên nhảy xuống”? Xin thưa: quí vị chỉ mua một vé xe buýt này, rồi đến chỗ nào quí vị thích nấn ná lâu hơn để tìm tòi, nghiên cứu, ghi chép vân vân và vân vân thì cứ việc nhảy xuống; chán rồi thì chờ chuyến xe kế tiếp đến - với điều kiện là cùng một hãng xe và cùng trong ngày đó - ta lại nhảy lên tiếp tục chương trình du ngoạn. “Nguyên lý” là như thế, và kẻ viết bài này đã thực hành, mà khổ nỗi mới thực hành lần đầu đã bị tổ trác! Số là chúng tôi mua vé của hãng London Coaches ngay khi xuống xe lửa tại ga Waterloo rồi phon phon ngồi xe xem quang cảnh phố phường. Chúng tôi đã nhảy xuống tại khu vườn gần điện Buckingham vì thấy phong cảnh đáng chụp hình. Thế rồi, lang thang đây đó, đến chiều chúng tôi lại đến một trạm đón xe của hãng London Coaches để về ga Waterloo. Chờ mãi không thấy chiếc nào nhận cho chúng tôi lên. Hỏi ra mới vỡ lẽ: sau 2giờ 30 xe của “hãng chúng tôi” không di chuyển vào Waterloo! “Bóng chiều đã ngã dặm về còn xa”, chúng tôi vội đón taxi về ga xe lửa cho kịp chuyến tàu đi Paris. Chẳng có gì phiền hà cả, vì có dịp biết taxi Luân Đôn: đó là những chiếc xe sơn đen, kiểu giống hệt chiếc xe tổng thống Roosevelt đi ngày xưa.

Khu La Tinh, Vườn Lục Xâm Bảo

Về Paris thì có quá nhiều nơi để nhắc tới, thế nhưng giờ đây, để nhớ lại vài ấn tượng về thủ đô đó, tôi chỉ có hai nơi để kể với quí vị, vì chúng để lại trong tôi những ấn tượng rõ nét hơn các nơi khác. Đó là vườn Lục Xâm Bảo và Khu La Tinh. Tôi đã đứng bên ngoài hàng rào nhìn vào khu vườn Luxembourg. Cũng những ghế đá, những lối đi, những lùm cây như bao công viên nơi này, nơi kia trên thế giới, nhưng tôi đang nhìn nó bằng ký ức, bằng tưởng tượng, và bằng hoài cảm nên vẫn cảm thấy một cái gì, như một xao xuyến, một bồi hồi. Tiếc rằng đây là giữa tháng Ba, còn đầy dư vị mùa đông, chứ phải chi đầu tháng Mười để tôi được dịp thấy khu vườn “hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết” như Anatole France đã tả! Và lạ thật, vì duyên cớ gì mà thu Paris đã khiến hơn một người nói về nó. Cung Trầm Tưởng thì:

    Mùa thu âm thầm

    Bên vườn Lục Xâm

    Ngồi quen ghế đá

    Không em buốt giá từ tâm

Và thầy Nguyên Sa[1] thì:

    Mai tôi sẽ đi

    Dù hôm nay đang vào thu

    Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù

    Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc

    Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa

Và như vậy tôi đã đứng bên vườn Luxembourg mà nhớ đến người xưa, đến người mình đã biết, và đến người mình biết danh nhưng chưa một lần gặp gỡ.

Khu La Tinh (quartier latin), cái xóm học - tôi lại mượn chữ của Cung Trầm Tưởng - một thời mê hoặc quả tim mới lớn của tôi qua thi ca đang trãi ra trước mắt đấy. Nó nằm về tả ngạn sông Seine và xúm xít quanh đại lộ Saint-Michel. Quán cà phê, tiệm sách báo, tiệm ăn, cửa hàng tạp hóa, phòng trọ, tất cả với giá bình dân vừa với túi tiền sinh viên nghèo. Nói đến phòng trọ, tôi xin ghi lại một sự kiện tuy rất cá nhân, nhưng hy vọng không đến nỗi nhàm chán với quý độc giả. Số là do một bức thư cũ của bố tôi viết năm 1925 từ Khu La Tinh, và mới đây được một người họ hàng từ Việt Nam gửi lại cho tôi làm vật gia bảo, tôi được biết địa chỉ người cha xưa đã trọ học cách nay trên nửa thế kỷ: số 15 đường Sommerard. Tôi đã bồi hồi đứng trước căn nhà đó. Vẫn con số 15, vẫn tên đường Sommerard, và cả dãy phố là kiến trúc cổ. Tôi nhìn vào thì thấy nó ăn thông với căn nhà bên tay phải làm thành khách sạn có tên Home Latin. Tôi nghĩ, thời bố tôi dùi mài kinh sử nơi đây thì căn nhà đã là phòng trọ cho sinh viên mướn.  Từ đây đến đại học lâu đời và lừng danh Sorbonne rất gần, có thể cuốc bộ. Câu chuyện chỉ có thế, và Paris đối với tôi có một nghĩa lý đặt biệt hơn những nơi khác tôi đã đi qua. Tên gọi “Khu La Tinh” do văn hào kiêm học giả Pháp Francois Rabelais hồi thế kỷ thứ 16 đặt, vì hồi xưa ở đây sinh viên và giáo sư thường nói tiếng La Tinh trong lớp học và ngoài phố. Và như vậy chúng ta biết Khu La Tinh là nơi học hành của Paris. Vườn Luxembourg cũng không xa lắm. Nhìn từng cặp trai gái trẻ chụm đầu trò chuyện bên những ly bia, rượu, hay tách cà phê, trong khói thuốc mờ ảo vờn quanh, tôi cố nghĩ đến những mối tình sinh viên sớm nở tối tàn như tôi đã đọc ở đâu đó, ngày mới lớn. Tôi cười thầm, nhớ lại ngày xưa ở bên nhà sao mình thèm được làm một sinh viên du học nghèo trong quartier latin thế! Tôi thấy thích những con hẽm trung cổ ở đây, nơi để đi bộ nhàn nhã về đêm; tiệm quán san sát khiến con đường rực sáng, vui nhộn. Chị Bích Xuân đã cố ý cho tôi xem cái sinh hoạt của khu này về đêm. Tôi không nghĩ có thể tìm thấy quang cảnh phố đêm như thế nầy ở nơi nào bên Mỹ. Tôi đã liên tưởng đến South Street ở Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, nhưng không thể sánh được. Người ta cần những con đường từ xưa để lại đã đành, người ta còn cần cái truyền thống, cái di sản văn hóa nữa. Một chi tiết thú vị tôi chưa từng được nghe kể trước đây bao giờ: Bích Xuân đã chỉ cho tôi thấy những mảnh vỡ của đĩa trên nền nhà các tiệm ăn. Quái, sao tiệm nào cũng đầy mảnh đĩa vỡ? Nhà thơ Bích Xuân cho biết đó là dấu hiệu tiệm phát đạt. Tôi không dám nói ngôn ngữ nhà thơ mơ hồ quá, nhưng tôi phải hiểu thế nào đây. Thật sự tiệm đắt khách đến nỗi thu dọn gấp gáp, sẩy tay làm chén đĩa rơi xuống nền, hay chủ nhân cố ý đập vỡ chén đĩa để câu khách, hoặc giả đó là một tập tục có phần nào dị đoan? Có điều tôi xin nói thêm là những mảnh vỡ rất đồng dạng, tức nhỏ và khá đều, không giống những tô chén “bất chợt” bị vỡ, có mảnh lớn, mảnh nhỏ. Thôi, để độc giả viết thư qua Pháp hỏi thẳng nữ sĩ Bích Xuân thì tiện hơn!

Duyên Văn Tự

Cái gạch nối giữa Nhóm Duyên Văn chúng tôi với vài cây bút bên trời Âu chính là bác sĩ Lê Văn Lân, con chim đầu đàn của Nhóm. Vì thế chúng tôi mới có dịp gặp gỡ chị Bích Xuân, một nhà thơ và một nghệ sĩ amateur quen thuộc trong giới người Việt viết lách tại Paris. Bích Xuân thân tình, cởi mở như đã quen nhau tự bao giờ, làm chúng tôi thấy dễ chịu, thoãi mái trong buổi chiều sơ ngộ tại nhà hàng Nắng Mới ở quận 13 Paris, mà tại đây cũng qua Chị chúng tôi đã được hân hạnh gặp anh chị Từ Nguyên (chủ tịch Văn Bút Âu châu), anh Tô Vũ, nhà báo, bác sĩ Trần Đại Sỹ, tác giả những thiên tiểu thuyết lịch sử mang nhiều hơi hướm võ hiệp kỳ tình từng làm độc giả say mê như Anh Hùng Lĩnh-Nam, Động-Đình hồ ngoại sử, Cẩm Khê di hận, Anh hùng Tiêu-sơn, và nhiều nữa.

Chúng tôi thấy tên Bích Xuân trước đây qua những bài báo tường thuật các buổi ra mắt sách của chị tại Mỹ, và năm ngoái được đọc thơ chị qua thi tập “Chàng” mà chị gửi tặng. Chị làm thơ, ngâm thơ, ca nhạc mới, hát dân ca ba miền, chơi tây ban cầm. Trong giới văn nghệ sĩ ở Paris người ta vẫn nói đến hai khuôn mặt, Thụy Khanh và Bích Xuân; người trước là đàn chị, người sau là đàn em kế tục, vì cả hai đều đẹp, đa năng. Được biết tháng Sáu sắp đến Bích Xuân sẽ làm một vòng Mỹ du để ra mắt thi phẩm thứ ba của chị, “Bao Giờ Anh Đi”, và chặng đầu sẽ là Philadelphia, và do Nhóm Duyên Văn bảo trợ.

Anh chị Từ Nguyên vừa làm văn nghệ vừa làm thương mại. Anh chị có một quán ăn ở Paris. Tôi cứ tiếc hùi hụi là không đủ thì giờ viếng nhà hàng anh chị. Anh Từ Nguyên hiện là chủ tịch Văn Bút Âu châu, và cũng thuộc nhóm chủ trương tạp chí Thế Kỷ 21. Trong giai đoạn rối rắm hiện nay của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, trung tâm Âu châu có vẻ đang án binh bất động để chờ xem ... Khi tôi đang viết mấy giòng này thì có lẽ anh chị Từ Nguyên đang bách bộ trên vĩa hè New York cũng nên, vì theo thư anh viết cách nay vài tuần thì thời gian này, đầu tháng Năm, anh chị tới Mỹ. Và chúng tôi vẫn chờ cú điện thoại của anh.

Gặp gỡ anh Tô Vũ là một bất ngờ lý thú cho chúng tôi. Thứ nhất, anh có người em ruột ở cùng một thành phố vối chúng tôi bên Mỹ, một người quen biết với chúng tôi từ lâu. Cái lý thú thứ hai là anh Tô Vũ, người Bắc Kỳ chính hiệu, lại thuộc nằm lòng những nẻo đường Kỳ Lam, Bảo An, Xuân Đài! Quí vị thử nghĩ, không thú vị sao được, giữa Paris xa lạ ai ngờ cũng có người từng chia sẻ những con đường làng rợp bóng tre xanh của quê hương mình. Cám ơn anh Tô Vũ về một thoáng quê xưa.

Anh Trần Đại Sỹ luôn luôn sôi nổi trong mọi câu chuyện; ai đã có dịp chuyện trò với anh sẽ có cảm tưởng anh không bao giờ hết chuyện. Có lẽ điều này dự phần ít nhiều vào năng lực sáng tác của anh chăng? Mọi người đều thích thú với căn bản sử liệu của tác giả những pho lịch sử tiểu thuyết. Tôi có nói rằng nhà văn mà mình nể phục nhịp độ sáng tác là Jack London với một nghìn chữ mỗi ngày, thì anh cho biết anh viết khoảng mười trang một ngày. Có lẽ một bên tám lạng, một bên nửa cân.

Trong khung cảnh khang trang, dễ chịu của tiệm Nắng Mới, chúng tôi nói về “đủ thứ chuyện”. Nhà văn Duyên Anh vừa nằm xuống ở Paris, một sự kiện không thể thiếu trong chương trình nghị sự của chúng tôi. Trước 1975 tôi đọc Duyên Anh nhiều, và cái ấn tượng mạnh nhất ông để lại trong tôi là Duyên Anh là nhà văn tuyệt vời của tuổi thơ. Mọi người đều chia sẻ với tôi điều đó. Rồi anh Trần Đại Sỹ buông một câu ngậm ngùi, “những chai rượu của tôi chỉ có nó uống.” Lúc đó tôi có trong đầu câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến nhưng không nói ra, và giờ đây cũng không viết ra làm gì, vì quí vị hẳn thừa biết.

Tóm lại, chúng tôi rất vui với những nơi mình đã đến, với những người mình đã hân hạnh gặp gỡ. Duy còn thiếu một chút trong lòng: chưa có duyên gặp nhà văn Hồ Trường An. Thời gian Âu du của chúng tôi rơi vào lúc anh vừa chịu tang thân mẫu (qua đời tại Việt Nam) cho nên anh chẳng có hứng thú lên Paris. Anh ở Troyes, cách Paris một giờ xe hơi. Tôi có gọi điện thoại thăm hỏi anh. Với giọng miền Nam vồn vã, nhanh và gọn, anh ân cần đề nghị, “anh muốn đi đâu, muốn gặp ai, cứ nói Bích Xuân. Cô ấy có khả năng tổ chức mọi thứ.” Gớm, Bích Xuân được tín nhiệm quá.

Hy vọng sẽ có dịp gặp anh Hồ Trường An, và nhiều vị nữa bên trời Âu một ngày không xa.

Ngày 5-5-1997

Hà Kỳ Lam






[1] Kẻ viết bài này từng là học trò của Thấy Nguyên Sa Trần Bích Lan tại trường Chu văn An (Sài Gòn) năm 1960


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét