Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018
Phương Nghi: MỘT NGƯỜI CÓ TÊN LÀ THUỶ hay CÂU CHUYỆN PHÍA SAU CHÙA TỪ VÂN
Câu chuyện phía sau chùa Từ Vân là một
câu chuyện lạ lùng nhiều bí ẩn kéo dài một thời gian mà tôi không tìm được lời
giải thích. Đêm qua tôi
tình cờ đọc được một bài báo trên mạng (không hiểu cơ duyên nào đưa đẩy tôi tới
bài báo ấy) thì những uẩn khúc ngày đó mới được hé lộ từ từ. Thú thật tôi vừa đọc vừa run bắn cả người,
run y như cái hồi tôi cúi nhìn xuống cái lu nước phía sau chùa vậy... Cái lu ấy
- tạm gọi là lu - thật sự là cái thùng nhựa cao, to chùa mua về để chứa nước
thay vì lu đất như
loại thường dùng ở quê nhà. Cái lu có màu nâu đỏ như đất sét mà nước
thì sóng sánh như sắp trào ra ngoài, gợn thành từng vòng, từng vòng... Chao ôi,
tôi có thể nào quên được đâu... Mà, trời ơi, xin lỗi bà con, tôi vội vã quá mất
rồi, chưa chi đã đâm sầm vô chuyện lu nọ lu kia mà chưa ai biết tôi là ai, đến
chùa Từ Vân để làm gì, can dự thế nào đến những sự việc xảy ra ở đó...
Dạ, tên tôi là Ánh, một phụ nữ bình thường,
vô danh, chìm lỉm như hằng hà sa số những phụ nữ khác trên thế gian này. Phải nói là tính tình tôi rất khép kín.
Tôi sợ đám đông, sợ bàn tiệc, sợ những không gian ồn ào huyên náo bởi nó làm
cho tôi ngộp thở và tức ngực. Tôi hay tìm tới những nơi xa xôi, vắng vẻ, ít tiếng
động, càng ẩn khuất chừng nào càng tốt chừng đó. Bởi cái tính tình như vậy mà tôi tìm đến
chùa Từ Vân. Tôi xin vào làm công quả cho chùa, mỗi thứ năm hàng tuần. Có hai người cũng đến làm công quả như
tôi. Một bác đứng tuổi là bà Mười, một chị còn trẻ là cô Hoa. Lát nữa tôi sẽ
nói thêm về hai người này.
Chùa Từ Vân lúc ấy nhỏ xíu hà, sơ sài lắm
chớ không phải nguy nga hoành tráng như bây giờ đâu. Phía trước là chánh điện, phía sau là
nhà khách và nhà bếp, ngoài ra còn có một dãy phòng dành cho các sư và ni ngủ.
Các phòng này không đủ cho số lượng người ở trong chùa nên một số ni và những
người làm công quả phải ngủ dưới bếp. Ngoài ra còn một phòng nữa là phòng thờ
vong tức là nơi để cốt và bài vị của những người đã khuất
Thú thật khi làm công quả trên chùa tôi
không nề hà việc gì hết từ nấu nướng đến lau nhà, tưới cây, rửa chén. Có điều
tôi rất sợ khi phải quét dọn phòng thờ vong. Phòng này trước hết là không có cửa
sổ nên rất tối, kế nữa là tôi luôn có cảm giác là mắt người chết trên các bức ảnh
thường liếc theo tôi. Tôi nói với bà Mười ý nghĩ ấy thì bà bảo:" Cô không
được nói chuyện bậy bạ. Sư bà nghiêm cấm không cho ai thêu dệt những chuyện ma
quỉ trong chùa. Mình là người Phật tử phải lấy sức mạnh của trí huệ mà thắng tà
ma, có đâu lại sợ tà ma." Nghe bà Mười nghiêm khắc rầy như vậy tôi hết dám
hó hé nhưng thật sự tôi vẫn sợ lau chùi trong phòng thờ vong ghê lắm.
Bởi vì trong phòng thờ vong có tấm ảnh của
một cô gái còn rất trẻ và đẹp. Dưới hai rèm mi cong vút là mặt nước hồ thu gợn
nỗi buồn thăm thẳm xa xôi. Trên gương mặt phảng phất một nụ cười
hiu hắt, cười mà như mếu, cười mà ánh mắt như nhuốm cái màu trời ủ dột của những
ngày mây mù không có nắng. Nghe nói những người như vậy khổ lắm.
Tôi cúi đọc hàng chữ ngắn ngủi bên dưới tấm hình:" Phật tử Ngọc Bình. Mất
ngày ... năm Giáp Ngọ". Tôi hơi thấy làm lạ. Sao không có ngày sinh mà chỉ
có ngày mất và tên thật của cô gái cũng không thấy ghi ra. Tôi lại hỏi bà Mười.
Bà đáp:" Cô ấy không có thân nhân. Sau khi cô mất thì sư bà mới làm lễ qui
y cho cổ, cho pháp danh là Ngọc Bình". Tôi lại hỏi:" Cô ấy còn trẻ
quá mà sao chết vậy bà Mười? Tên thiệt cổ là gì vậy bà Mười?" Bà đáp: "Cổ tên thiệt là Thủy. Vì
sao chết thì tôi không biết. Sao cô hỏi nhiều quá vậy?"
Tôi tẻn tò làm thinh. Tại sao tôi lại
chú ý quá nhiều đến Thuỷ vậy không biết. Chắc tại cái đẹp và cái yểu mệnh tạo
nên một sự tương phản rất dữ dội, gây chấn động mạnh đến tâm lý của tôi chăng? Tôi không biết nữa. Có lẽ vậy. Tôi thắp
cho Thuỷ một nén nhang và lau khung ảnh cho thật sạch. Lúc bước ra khỏi phòng
thờ vong tôi bất chợt quay lại thì thấy hình như Thuỷ nhìn theo mình bằng đôi mắt
rất có hồn. Tôi lạnh rợn cả người. Sực nhớ đến lời bà Mười: "mình là người
Phật tử phải lấy sức mạnh của trí huệ mà thắng ma quỉ chứ tại sao lại sợ ma quỉ?" Và để trấn an tôi lẩm nhẩm đọc không ngừng : "Nam mô a di đà Phật. Nam mô a di
đà Phật...."
Có một lần tôi ngủ đêm lại chùa vì hôm
sau là buổi thuyết pháp lớn, số người tham dự rất đông nên khối lượng công việc
rất nhiều. Tối đó tôi ngồi trong bếp gọt khoai đến khuya lơ khuya lắc thì mệt
quá đứng dậy chuẩn bị đi ngủ. Tôi đến nhà tắm định vào đi tiểu thì nhà
tắm đã có người bên trong. Tôi ngần ngừ chưa biét tính sao. Phía sau chùa còn có một cái nhà tắm nữa
nhưng đi hơi xa mà trời thì tối đen thế này. Chờ một hồi không được tôi đành phải
đi ra cái nhà tắm ở xa kia.
Như đã nói ở phần đầu là chùa Từ Vân dạo
ấy đang trong tình trạng xây cất còn chưa xong. Xung quanh chùa là rừng cây lù
mù và những con đường khuất lấp trong cỏ không bước chân người lai
vãng. Cái phòng tắm sau chùa cũng là phòng tắm dã chiến, có một vòi nước cứ
rỉ rỉ ra, bên dưới kê cái lu nhựa để hứng. Bên trong nhà tắm là cái bóng đèn
tròn, không có công tắc mà chỉ có cái đồ cắm lòng thòng tòng teng dưới sợi dây
điện. Tôi đi loạng
choạng trên con đường đất nhấp nhô về hướng ấy trong cái màn sương trắng bao
la, huyền bí mà mỗi lùm cây ụ đất dường như có cái vẻ sống động như có linh hồn. Gần đến nơi tôi chợt nhìn thấy một người
trong nhà tắm vừa lách khỏi cửa bước ra, dáng thon thon đi ngoặc về phía khác rồi
biến đâu mất trong bóng tối mênh mông. Ai vậy? Tôi tự hỏi mà chẳng biết sao trả lời. Chắc chắn không phải bà Mười hoặc cô Hoa
vì hai người này đã ngủ, càng không phải ni hay sư vì tôi còn thoáng trông thấy
mái tóc buông xấp xãi. Khi về lại chùa tôi cứ thắc mắc không ngủ
được nhưng không dám nói với ai vì sợ bà Mười la rầy rằng tôi đã khơi gợi những
chuyện hoang đường. Sau đêm ấy được một tuần thì tôi xin nghỉ không đến làm
công quả nữa. Nguyên nhân
việc tôi xin nghỉ cũng là một sự bí mật chỉ mình tôi biết mà không dám hé răng
với ai bởi vì tôi đã trông thấy một cảnh tượng kinh khiếp trong cái nhà tắm ấy.
Thưa, tôi không nói ngoa đâu. Vào buổi
chiều hôm ấy thì bà Mười bảo tôi lấy nước trong cái lu ấy để tưới liếp rau mới
trồng. Tôi bước vào nhà tắm với cái xô nhựa và đồ múc nước cũng bằng nhựa. Tôi
còn nhớ rõ là tôi thấy nước tràn ra ngoài và cái vòi thì tiếp tục rỉ từng giọt
chách chách. Tôi bước đến, dợm đưa cái gáo nhựa múc nước cho vào xô thì trợt
chân té nhào. Tôi bấu vào thành lu lồm cồm ngồi dậy và đột nhiên tôi nhìn thấy
trên mặt nước sóng sánh bóng một đôi bàn chân đong đưa qua lại. Tôi kinh khiếp rụng rời buông tay té lăn
ra sàn nhà tắm và phải nói là tôi sợ đến không đứng lên được mà chỉ bò lết ra
khỏi nhà tắm, miệng ú ớ không nói được. Tay tôi bấu vào những bụi cây dại, vừa lết
vừa bò. Rốt cuộc thì tôi cũng lết vào được chùa trong, mình mẩy ướt nhẹp và lấm
lem đất cát. Tôi nói với mọi người rằng tôi bị té trong nhà tắm. Bà Mười đưa dầu
cho tôi bôi. Tôi lẳng lặng bôi những chỗ bầm trên tay, trên mặt và sau đó thì
quyết định xin nghỉ không đến nữa. Đôi bàn chân lủng lẳng- trời ơi- tôi
không thể nào quên cái bóng của một đôi bàn chân trần, lủng lẳng in hình trên mặt
nước sóng sánh ngày hôm đó được.
Năm
tháng trôi qua. Thời gian khoả lấp dần những chuyện lớn chuyện nhỏ trong đời. Có lúc tôi tưởng mình đã quên cái câu chuyện
phía sau chùa Từ Vân bởi vì nó nhỏ quá, vụn vặt quá. Thế nhưng không. Thỉnh thoảng
nó vụt qua tâm trí tôi như ngôi sao xẹt ngang bầu trời rồi biến mất tăm không dấu
vết trên cái nền đen của bí mật bao trùm. Tôi không nghĩ là mình đã lầm. Lạ quá.
Một đêm kia tôi tình cờ đọc một bài báo rất
cũ trên mạng. Thật ra đó không hẳn là bài báo mà là tin tức, viết lèo tèo vài
hàng rất ngắn. Thoắt nhìn cái tựa tôi đã rợn người. Mắt tôi căng ra chăm chú. Mẩu
tin được viết như thế này: "Một xác chết được phát hiện phía sau chùa Từ
Vân. Nạn nhân là nữ, khoảng 25 tuổi, không có giấy tờ tuỳ thân. Theo giảo nghiệm
ban đầu thì đây là một trường hợp tự sát chứ không phải mưu sát. Cơ quan chức
năng đang tiếp tục điều tra..." Tự nhiên hình ảnh cái lu nước trong nhà tắm
sau chùa hiện ra rõ mồn một trong tâm trí. Một ý nghĩ thôi thúc tôi ngay lúc ấy.
Tôi phải trở lại chùa Từ Vân để đào xới lại câu chuyện này, dù cho có thể nó đã
trở thành tro bụi hay thành cái gì cũng mặc. Tôi phải đi thôi
Chùa Từ Vân đã khác xưa nhiều lắm. Việc
xây cất đã xong. Chùa uy nghi đường bệ, sừng sững một toà kiến trúc oai phong
và kiêu hãnh. Tôi tưởng là
bước chân mình sẽ run run khi trở về trên lối cũ. Nhưng không. Giữa cái tấp nập của khách thập phương tôi
thấy mình đâm ra lạc lõng và lố bịch. Cái nhà tắm sau chùa không còn. Thay vào
đó là một dãy nhà gồm nhiều phòng, có thư viện, hội truờng để thuyết pháp và cả
nơi bán hàng lưu niệm. Tôi vào nhà bếp hỏi thăm bà Mười. Người ta
nói bà Mười không còn lên chùa nữa. Tôi hỏi thăm cô Hoa. Người ta nói cô đã xuất
gia, hiện đang tu ở chùa. Tôi mừng quá xin đến gặp cô. Trước mặt tôi bây giờ là
sư cô Huệ Chơn chứ không phải cái người mà tôi hay gọi là chị Hoa như dạo trước
Sư cô Huệ Chơn nhìn tôi tỏ vẻ mừng:
- Chào chị Ánh. Chị về thăm chùa đấy à?
Vừa nói cô vừa dắt tôi ra nhà khách châm
nước mời.
Tôi nói chuyện lung tung rời rạc chưa biết
phải lái vào câu chuyện kia như thế nào. Sau cùng tôi làm gan hỏi đại:
- Dạ, hình như chùa mình lúc trước có người
chết phải không cô?
Cô Huệ Chơn giật mình:
- Sao chị biết?
Tôi đáp:
- Con thấy trên báo.
Cô Huệ Chơn trầm ngâm:
- Chuyện lâu rồi. Dạo ấy sư bà không muốn
tiết lộ câu chuyện này vì sợ gây ra một làn sóng sợ hãi ảnh hưởng đến việc tu
hành và khách thập phương cũng không dám lui tới. Người chết là cô Thuỷ, một số
phận quá bi thảm. A di đà Phật... Xin Phật phò hộ cho vong linh cô ấy.
Cô Thuỷ đến chùa vào một đêm mưa gió, vừa
ướt lạnh vừa run lẩy bẩy. Cô ấy xin tá túc trong chùa vì không cha mẹ, không họ
hàng thân thích, đến cả một miếng giấy tuỳ thân cũng không có. Cô bảo là quê
nhà ở Cà Mau Trèm Trẹm gì đó nhờ người ta mai mối đưa qua đây theo diện hôn
nhân. Thế nhưng cái thằng vừa đem cô ấy qua đã bán cô cho một tên đầu trâu mặt
ngựa khác, còn gã thì biến mất không còn xuất hiện nữa. Gã thứ hai này còn ghê
rợn gấp trăm lần gã đầu tiên . Gã bắt Thuỷ phải hầu hạ phục dịch gã và phải đi
làm quần quật để đem tiền về cho gã rượu chè cờ bạc. Thuỷ chịu không nổi bỏ trốn
trên chùa. Gã kia lần ra manh mối tới bắt về. Gã nói nếu Thuỷ không về thì gã sẽ
tố cáo tình trạng bất hợp pháp của Thuỷ với Sở Di Trú và sớm muộn gì Thuỷ cũng
sẽ bị trục xuất về nước. Thuỷ uất ức quá. Cùng đường cô ấy treo cổ tự tử.
Tôi lặng cả người. Cuối cùng tôi hỏi:
-Thưa ...cô ấy treo cổ ở đâu ạ?
Sư cô đáp:
-Trong nhà tắm sau chùa. Khi phát hiện ra
thì quá muộn. Cái xác cứng
ngắc rồi. Không ai biết cô ấy họ tên đầy đủ là gì. Sư bà làm lễ cầu siêu và qui
y cho cô ấy. Tội nghiệp quá.
Tôi run run hỏi:
-Thưa... có phải cô ấy treo cổ trên lu nước?
-Đúng đó. Trên trần có thanh xà ngang, cô ấy
mắc sợi dây vào đó, treo cổ tòong teng trên lu nước.
Tôi choáng váng cả mặt mày. Mọi sự như phơi bày trước mắt. Cái xác chết
tòong teng trên lu nước nên đôi chân của xác chết mới in bóng xuống mặt nước
lăn tăn. A di đà Phật, xin đức Phật hộ trì cho chúng sinh, cho
linh hồn bạc mệnh này.
Câu chuyện của cô gái tên Thuỷ làm tôi buồn
rười rượi. Tôi nhớ tới
những gì mình đã nhìn thấy, từ cái dáng người lách ra khỏi cửa nhà tắm đi lẩn
vào bóng tối cho tới cái bóng của một đôi chân trần lủng lẳng trên mặt nước. Thật kinh khiếp mà cũng quá đau lòng.
Sư cô bỗng ngẩng lên nhìn tôi:
- Chị Ánh về chơi thăm chùa hay có gì
không? Chuyện người
chết đó có liên quan gì đến chị không?
Suýt chút nữa thì tôi đã bật ra những gì
mình chứng kiến nhưng kềm lại được. Tôi bảo:
- Dạ không. Tình cờ con đọc báo nên hỏi vậy
thôi.
Tôi lên phòng thờ vong thắp nhang cho Thuỷ.
Phòng ấy được xây to và cao hơn trước rất nhiều, bệ thờ khang trang, sáng sủa với
rất nhiều hũ tro cốt và ảnh của những người mới. Nào ai biết được sau mỗi tấm hình, mỗi bài
vị là cả một cuộc đời sóng gió hay thành đạt hay vô vị hay bạc phước hay chua
chát, đắng cay. Biển người
như biển cát ấy mà. Hạnh phúc hay bất hạnh của riêng từng người nào ai biết ai
hay. Hình Thuỷ được dời tuốt trên cao. Vẫn là hai rèm mi cong vút che lấy mặt
nước hồ thu bàng bạc nhuốm cái màu ủ dột của một ngày mây mù không có nắng. Tôi lặng lẽ nhìn vào đôi mắt như có hồn ấy
và ngạc nhiên khi thấy sự sợ hãi ngày trước biến đâu mất nhường chỗ cho một sự
thương cảm đến nghẹn ngào. Có một người đàn bà đứng tuổi chắc là người
làm công quả bước vào với cái xô và tấm giẻ lau. Tôi mỉm cười đứng xích qua một bên: "Bác
làm công quả à?" Bà ấy cười gật đầu xong hỏi lại: "Cô
lên cúng à? Người nhà của
cô là ai đâu?" Tôi lúng túng. Không lẽ tôi chỉ lên tấm
hình tuốt trên cao kia và nói là Thuỷ, một hồn ma không thân thuộc họ hàng mà
tôi chưa từng gặp, chỉ có những giao tiếp tâm linh. Bà ấy chờ một hồi thấy tôi không trả lời
thì thôi cũng chẳng buồn hỏi, lẳng lặng cắm cúi làm công việc của mình. Tôi đứng tần ngần nhìn bà lau chùi hỏi
chuyện vu vơ:
- Nghe nói chùa nhiều ma lắm hả bác?
Bà ấy đáp:
- Tôi chưa gặp bao giờ.
Tôi lại hỏi:
- Nghe nói sau chùa có người chết hả bác?
- Tôi không rõ trước đây như thế nào nhưng
từ hồi tôi vô làm tới giờ không thấy ai chết cả.
Rồi bà ấy hỏi:
- Vậy chớ cô đã gặp ma à?
Tôi như cái lò xo sắp bung ra nhưng vẫn kềm
lại được. Tôi nhìn bác ấy từ tốn bảo:
- Không. Chưa gặp bao giờ.
Nói xong tôi ngạc nhiên cho thái độ của
chính mình. Hình như tôi muốn giữ những chuyện riêng tư ấy cho chính mình chứ
không muốn thố lộ với ai. Nói ra chưa chắc có ai tin mà biết đâu lại
còn cười cợt và vùi dập bao điều mình trân quí.
Tôi lên chùa chào cô Huệ Chơn rồi thong thả
ra về. Mọi chuyện
đã xong. Xong rồi. Tôi có cảm giác như chính giây phút này Thuỷ mới thật sự ra
đi chứ từ trước tới giờ Thuỷ cứ vướng víu trong lòng tôi mãi. Xe tôi băng qua cổng tam quan, vượt qua
hai hàng cây bạch đàn, vượt qua một cái hồ rộng, từ từ xuống dốc. Một đàn chim
trong tàn cây chợt vỗ cánh bay vút về xa. Tôi có cảm giác là câu chuyện của
mình đã kết thúc và sự kết thúc ấy khiến tôi hài lòng. Tôi biết là không bao giờ
mình còn trở lại chùa Từ Vân nữa...
Viết xong ngày 23/6/2018