Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Ngự Thuyết: Oregon (Phần 1)



Gởi NTH, LVT
Lại có dịp thăm Oregon. Đúng ra, thăm Portland, thủ phủ của Oregon và một số vùng phụ cận. Hay đúng hơn nữa, có hai người bạn ở đó, Nguyễn Trung Hối và Lưu Văn Thăng, thì hãy thăm người trước, rồi thăm chốn cũ sau. Oregon! Oregon! Nước Mỹ mênh mông. Trở lại một tiểu bang rất xa nơi mình sinh sống, mà mình đã từng đến, cũng thấy dậy lên trong lòng ít nhiều nôn nao, háo hức. Như sắp gặp lại người bạn thuở thiếu thời. Như sắp được nghe lại tiếng rao “Phở, Phở” trong đêm khuya.  
Thế là đã gần 20 năm mới trở lại nơi này. Oregon có già đi hay không hay là vẫn thế, khó biết quá, nhưng hai người bạn của tôi, cũng như tôi, đã “sa sút” nhiều lắm. Nguyễn Trung Hối từng chủ trương Tập San Chủ Đề trước 1975 tại Sài Gòn, qua Mỹ tỵ nạn vẫn nỗ lực cho tái tục Chủ Đề được trên mười mấy số, nay đã tỏ ra mệt mỏi, không còn muốn theo đuổi giấc mơ vá trời, lấp biển bằng văn chương, chữ nghĩa. Lưu Văn Thăng, tốt nghiệp trường đào tạo Sỹ Quan Không Quân tại Salon, Pháp, chàng thanh niên hào hoa ấy hẳn đã từng “tung cánh” bay đến nhiều chân trời xa lạ, nay bằng lòng làm một ông già cùng vợ ngày qua tháng lại chăm sóc khu vườn nhà xanh mướt trồng nhiều loại hoa quả của quê xưa. Các thứ rau xanh, bầu, bí, mồng tơi, nhiếp cá, húng quế, húng lủi, ớt ... Tôi hỏi đùa, Tươi tốt như thế kia chắc bán được giá lắm đó. Trả lời, Sức mấy, cho mà người ta còn bắt phải mang đến tận nhà.

Ăn uống nhiều và ngon, ăn không hết, lúc giã từ mang theo. Có cả cái bánh ngọt tráng miệng với hàng chữ nổi bằng kem: Welcome to Oregon. Ai cũng đề nghị cắt cho một lát thật mỏng. Già, sợ đường. Thành ra mọi người chia nhau không hết một phần tư chiếc bánh.
Trò chuyện như không bao giờ dứt. Hối hồi tưởng thời trẻ. Nhắc nhở một số kỷ niệm với những bạn làm thơ, viết văn, viết báo. Nhắc lại cuộc viếng thăm bạn bè tại Canada và buổi dạ hội của Hội Đồng Hương Vĩnh Châu, một bang hội của người Việt gốc Hoa. Vĩnh Châu là một xã thuộc tỉnh Bạc Liêu. Thăng thì kỷ niệm thời Trung Học ở Huế, nào đạp xe đạp dạo quanh Hoàng Thành, thăm các lăng tẩm, núi đồi, nào rủ nhau mạo hiểm bơi quanh Cồn Hến trên sông Hương, nào bãi Thuận An cát trắng và mịn, bơi ra xa, nước xanh biếc, bơi trở lại bãi, chạy đuổi theo đám còng còng xe cát. Tuổi niên thiếu trong trắng, hồn nhiên. Và cả ba người bạn đu đồng ý rằng Huế sướng thiệt. Muốn lên non, xuống biển, chỉ một cái búng tay là “dông” đi ngay.  
Nhân nhắc đến biển, nghĩ đến các biến cố tại Biển Đông, và mới đây vụ ba đặc khu mà chính quyền trong nước định ký kết với Trung Quốc. Hay đã ký kết rồi? Cũng nhân đấy, Thăng kể lại một câu chuyện về đứa con gái của mình. Đứa con vừa được học bổng của Tổng Thống Hoa Kỳ, thì sau đó chẳng bao lâu nhận được thư của một tổ chức người Mỹ gốc Hoa hỏi thăm: Cô họ Lưu chắc hẳn có gốc Tàu. Thăng trả lời thay con: Chúng tôi hoàn toàn Việt Nam. Mặc dù vậy, tổ chức ấy vẫn gởi giấy mời dự tiệc kèm theo 100 đô la gọi là tiền khen thưởng.
Quả thật người Tàu rất quý mến và nâng đỡ đồng hương của họ. Hoặc đối với những ai không phải là đồng hương mà có tài và có một mối quan hệ nào đó dù mơ hồ, mong manh, họ cũng không ngần ngại kết thân. Cho nên tại đất Mỹ này, cũng như tại nhiều nước khác trên khắp thế giới, người Tàu luôn luôn tương trợ nhau và phát triển nhanh chóng. Đấy là điều đáng khen. Và nó thuộc vào lãnh vực tư trên cơ sở  tương quan giữa cá nhân với cá nhân, hay hội đoàn này đối với hội đoàn khác.
Nhưng trên phương diện quốc gia, quốc tế, vấn đề không đơn giản. Chẳng hạn một nước nhỏ phải hết sức cảnh giác khi được một nước lớn tìm cách kết thân, mua chuộc, nhất là khi nước lớn ấy là Trung Quốc, một nước khổng lồ mang đầy tham vọng bành trướng, và xâm lăng. Nước ta không may nằm cạnh cường quốc hung hăng đó, cho nên tổ tiên ta đã phải đổ biết bao nhiêu xương máu mới dành lại độc lập sau hơn 1000 năm nô lệ.
Tuy nhiên câu nói “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” dễ gây ngộ nhận. Đúng ra, cái ách nô lệ ấy vẫn nhiều lần bị đập tan. Từ năm 111 trước Tây lịch đến năm 939 sau Tây lịch khi Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán mở ra thời kỳ độc lập lâu dài, tổ tiên ta đã nhiều lần nổi lên đánh dẹp quân xâm lăng, khơi dậy và duy trì tinh thần yêu nước sâu xa và bất khuất, tạo nên một ngọn lửa thiêng cháy mãi mãi trong lòng dân tộc. Nếu không có những cuộc nổi dậy ấy, có lẽ nước ta đã vĩnh viễn bị Tàu đồng hóa. Những trang sử vẻ vang vẫn còn đó để hậu thế soi vào.
Năm 40 Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, hạ được 65 thành trì. Hai Bà làm vua được 3 năm thì mất vào tay danh tướng Tàu Mã Viện.
Tiếp đến Bà Triệu khởi binh chống quân Ngô (Thời Tam Quốc) vào năm 248. Cầm cự được 5, 6 tháng, thế cùng lực tận, Bà tự vận lúc mới 23 tuổi.
Năm 544, Lý Bôn chống quân nhà Lương, xưng là Nam Việt Đế tức Lý Nam Đế. Sau mấy lần thất trận, Lý Nam Đế trao binh quyền cho Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục tiếp nối cuộc chống xâm lăng, lấy danh hiệu là Triệu Việt Vương năm 548. Về sau Lý Phật Tử tranh quyền của Triệu Việt Vương, xưng đế hiệu là Hậu Lý Nam Đế, làm vua được 9 năm thì bị mất vào tay nhà nhà Tùy.
Vào thời Đường Huyền Tôn bên Tàu, Mai Thúc Loan gốc người Thiên Lộc thuộc Hà Tĩnh bây giờ khởi binh đánh Tàu vào năm 722, xây thành đắp lũy, xưng là hoàng đế tục gọi là Mai Hắc Đế. Thế yếu, chống không nổi, bỏ thành chạy, sau một thời gian thì mất.
Vào thời Ngũ Đại bên Tàu (907-959) họ Khúc với Khúc Thừa Dụ (906-907), con là Khúc Hạo (907-917), cháu là Khúc Thừa Mỹ (917-923), gốc ở Hải Dương bây giờ, kế tiếp nhau dấy nghiệp, khôi phục nền tự chủ. Năm 923 Khúc Thừa Mỹ thua trận bị bắt. Năm 931 một tướng của Khúc Hạo ngày trước là Dương Diên Nghệ nổi lên đánh Tàu, tự xưng là Tiết Độ Sứ. Được 6 năm, Dương Diên Nghệ bị nha tướng là Kiều Công Tiện giết chết, cướp lấy quyền hành. Chẳng bao lâu, một tướng của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền, người làng Đường Lâm nay thuộc tỉnh Sơn Tây, cử binh đánh Kiều Công Tiện để báo thù cho chúa. Kiều Công Tiện cầu cứu quân Nam Hán. Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng, bắt sống Thái Tử Hoằng Tháo, lập nên nhà Ngô, mở ra một thời đại tự chủ kéo dài đến hơn 8 thế kỷ cho đến khi quân Pháp chiếm lấy nước ta.
Những thời kỳ vừa nêu trên được các nhà viết sử gọi là thời Bắc thuộc.
Trong thời đại nước ta được tự chủ, tuy nhiên, Tàu vẫn nhiều lần xua quân sang xâm lăng, và bị đánh cho tan tành, ngoại trừ thời gian 13 năm từ năm 1414 đến năm 1427 quân nhà Minh sau khi diệt nhà Hồ và nhà Hậu Trần, thiết lập nền đô hộ trên đất nước ta.
Sử còn ghi chép những chiến công lừng lẫy: Ngô Quyền diệt quân Nam Hán năm 938 như đã nói; Lê Đại Hành đánh bại quân nhà Tống năm 981; Lý Thường Kiệt, Tôn Đản dẹp tan quân nhà Tống năm 1075, 1076; Trần Hưng Đạo trên 30 năm ba lần đẩy lui quân Nguyên Mông - đoàn quân từng dày xéo và chinh phục các vùng Bắc Âu, Nga, Cận Đông, Tàu - vào các năm 1257, 1284 - 85, 1287 – 88; Lê Lợi 10 năm chống quân Minh từ năm 1418 đến năm 1427 khôi phục lại giang sơn; và gần đây nhất vua Quang Trung đại phá quân Thanh đầu mùa xuân năm 1789.
Nhớ lại những trang sử đó, ta không khỏi bồi hồi xúc động. Lòng biết ơn và kính yêu tổ tiên dâng lên dào dạt. Đồng thời, dù vô tình đến mấy đi nữa, ta cũng nhận ra ngay một thông điệp vô cùng quan trọng mà tổ tiên đã để lại. Đó là phải hết sức cảnh giác trước những toan tính, dòm ngó, xâm lăng của kẻ thù phương Bắc.           
Nay quả thực Tàu lại manh tâm thôn tính Việt Nam. Bằng nhiều cách. Bằng vũ lực, đã lấn chiếm một phần lãnh thổ, và biển, đảo. Bằng cách xâm thực như tằm ăn dâu. Bằng thiết lập những đặc khu kinh tế – do khéo mua chuộc, hối lộ, hầu hết các vụ thầu đặc khu kinh tế đều rơi vào tay người Tàu. Nhiều chuyên gia về kinh tế khuyến cáo rằng cơ cấu đặc khu kinh tế không còn thích hợp với thời đại toàn cầu hóa hiện nay nữa. Vậy mà người Tàu nhất quyết lập những đặc khu ấy. Tại sao? Tại vì họ có nhu cầu bức thiết của họ. Từ những đặc khu, họ có thể tiến hành việc di dân dễ dàng hơn nhiều, nhằm giải quyết nạn nhân mãn của họ, một nước đông dân nhất thế giới, trên 1 tỷ 400 triệu người. Và như một hệ luận, họ sẽ nỗ lực đồng hóa và xóa bỏ tên nước ta trên bản đồ thế giới. 
Giang sơn của ta đang bị xâu xé rách nát nhiều nơi. Thế mà tại sao chánh quyền trong nước còn đưa ra thêm dự thảo luật về 3 đặc khu kinh tế kéo dài 99 năm, những khu vực mang tầm chiến lược nghiêm trọng bao trùm giải đất chữ S từ Bắc qua Trung xuống Nam?
Trên mạng News – Asia & Pacific Edition của Trung Quốc có tin như sau:
12 bln USD needed to build special economic zone in northern Vietnam. 2016 Dec. 9 (Xin hua)
(Tạm dịch: Cần 12 tỷ đô la Mỹ để xây dựng đặc khu kinh tế tại bắc Việt Nam. Tháng 12, 2016 – Xin hua). Xin lưu ý thông tin này xuất hiện từ tháng 12 năm 2016.  
Sau khi trình bày những chi tiết như sân bay, đường sá, sòng bài v.v... đang được xây dựng tại Đặc Khu Vân Đồn - riêng sân bay và đường sá có thể đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018 - bài báo viết tiếp:
The Vietnamese government has just agreed in principal that three special economic zones will be built nationwide, including Van Don in northern Quang Ninh province, Van Phong in central Khanh Hoa province, and Phu Quoc in southern Kien Giang province. Editor Lu Hui.
(Tạm dịch: Chính Quyền Việt Nam vừa thỏa thuận trên nguyên tắc rằng ba đặc khu kinh tế sẽ được thiết lập trên toàn quốc gồm có Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh miền bắc, Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa miền trung, và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang miền nam. Chủ biên Lu Hui). 
Một số điều khoản trong luật đặc khu còn cho phép người nước ngoài (ở đây, trước sau gì cũng sẽ là người Tàu) mua bán, chuyển nhượng tài sản trong đặc khu, lập tòa án riêng để  xét xử công dân của họ v.v... Như vậy, trên danh nghĩa là đặc khu, nhưng trên thực tế là tô giới, nhượng địa.
Tại sao chính quyền Việt Nam bất cẩn đến thế, vô cảm đến thế, lạnh lùng đến thế? Tại sao đảng và nhà nước dám tự xem là chủ nhân ông của đất nước tổ tiên để lại, tự tiện cắt đất cho thuê không cần ý kiến người dân, đối xử với 90 triệu dân như đàn cừu non? Những hành động đó đi ngược lại quyền lợi của tổ quốc. Vô hình trung, họ trở thành kẻ phản quốc.
Không những thế, Quốc Hội còn được chỉ thị biểu quyết thông qua dự luật vào ngày 15/6/2018, tức là 1 ngày sau ngày khai mạc giải Túc Cầu Thế Giới tại nước Nga, một biến cố thể thao trọng đại mà cả thế giới đều nóng lòng chờ đợi, mà người dân Việt Nam, vốn ghiền môn đá banh, sẽ say sưa quên cả ăn cả ngủ theo dõi trên truyền thanh, truyền hình, báo chí. Trùng hợp chăng, hay là do những toan tính thâm độc nhằm đánh lạc hướng mối quan tâm của dân chúng, có vậy dự luật mới được thông qua êm thắm, nhanh chóng?
Trước nguy cơ mất nước, người dân đã vùng lên phản đối. Hàng trăm ngàn người từ bắc chí nam rầm rộ biểu tình, một việc chưa từng xẩy ra tại Việt Nam dưới chế độ độc tài toàn trị. Nhà nước buộc lòng phải nhượng bộ, nhưng họ chỉ tuyên bố hoãn lại việc thông qua dự luật cho kỳ họp kế tiếp của Quốc Hội. Vì thế biểu tình tiếp tục diễn ra. Lần này những cuộc biểu tình bị đàn áp thật khủng khiếp. Cảnh sát cơ động thẳng tay bắt bớ, giam giữ, đánh đập người dân, vũ khí trang bị tận răng. Xe bọc thép kéo ra đầy đường.   
Sẽ có đổ máu? Như tại những nước Đông Âu khi Liên Xô sắp tan rã. Như tại Thiên An Môn bên Tàu năm 1989. Hay là trong hàng ngũ Cộng Sản Việt Nam vẫn có người thức tỉnh, yêu nước, đứng về phía người dân chống lại những nhóm lợi ích, tham ô, đang tâm dâng tổ quốc cho ngoại bang. Và nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ được thỏa mãn. Và chế độ hiện tại sẽ được thay thế.
Chưa ai có thể tiên đoán tình hình nước nhà sẽ ngã ngũ ra sao. Có một điều chắc chắn là dân ta, với đa số thầm lặng, không phải là đàn cừu non như nhà cầm quyền lầm tưởng. Khi tổ quốc lâm nguy, toàn dân sẽ lắng nghe tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, noi theo những tấm gương cao cả của tổ tiên, đứng lên đánh đuổi thù trong, giặc ngoài, cứu nước, giữ nước. 
(Còn tiếp)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét