Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Hạ Long Bụt sĩ LVV: TRỜI CÓ MẮT


Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn-Chùa Dâu.

TRỜI CÓ MẮT

Nếu tôi là Bồ Tát
vượt trên Thiện với Ác
thiền hành qua cầu vồng
quán hai trụ sắc không

Tôi sẽ đến Afghanistan
tụng kinh Bát nhã
dưới vết chân Bụt
bụi đá tan tành sót lại vách hang


Tôi sẽ bay giữa hai ngọn tháp Nữu Ước
ngược chiều thời gian thế tục
thổi ba ngàn hồn phách
về quốc độ hoa sen

bệnh loài người ghét với ghen
ngọn lửa bùng bùng cổ họng Dạ Xoa
có kẻ nhân danh Thượng đế
bắt dân lành xuống Địa ngục với ma !

Nếu tôi là Bồ tát
chín tầng Trời cầu Đại Thánh Tề Thiên
mượn cặp Chiếu Yêu Kính
luyện nhãn quan phân biệt Quỷ với Tiên
Không thuyết pháp ở đây
ngang nhiên theo vua Trần đi chân đất
vào hang hùm chiêu dụ bọn mê tâm
đại hùng đại lực ưu tiên chuyển hóa
lớp đọa đày ngạ quỷ súc sinh

Bàn thiện pháp ở đất lành rất dễ
vào động Taliban khó tụng một câu kinh
mấy triệu hòn đá ném không trúng lỗ rốn Bồ tát
bậc chân tu không thuyết pháp vì danh!

Bồ tát không ưa chiến tranh
quay mặt diện bích
nhưng loài người, rồng- rắn, có lằn ranh!

Nếu làm Bồ tát
tôi xin làm Hộ pháp đánh quân Nguyên
túi hồ lô leo Hy Mã Lạp Sơn gõ đá đọc kinh giải phiền
bên suối giải oan dạo đàn Càn Thát
  tôi xin nhập vào lưỡi gươm Sát Thát
  rạch ngang thiện ác phân minh

  Trái đất hỏa mù, dân lành không nơi nương tựa
  vượt nhị biên, chốn Cực Lạc cao xa,
trên thế gian mập mờ khôn với dại
pháp nơi đây giữa mạt pháp Ta bà!
Trước rắn độc, chưa bàn ngày nhập thất
trước quỷ ma, khoan hí luận hợp hòa
hãy chuyển hóa Sa tăng, 
đóng dấu pháp luân gửi chúng về Địa ngục
hay phó mặc Sa tăng ném nhân mạng vào lửa chẳng tha?

Thế gian này, đợi dăm ba Bồ tát
nhưng dân oan cần vô lượng hiệp sĩ anh hào
hãy dứt lông chân ba triệu sinh linh Việt
Om mani, om mani
hóa thân thành ba triệu Thế Thiên hành đạo uy nghi
Thiên thủ thiên nhãn
Om mani om mani.

Phật Pháp Trị Liệu Pháp

Hạ Long Bụt sĩ LVV

Đức Phật từng nói : như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, đạo ta chỉ có một vị là diệt khổ. Sinh, Lão, Bệnh, Tử là khổ, khổ thể xác và khổ tinh thần, cái khổ toàn diện thân tâm, khổ khách quan, khổ chủ quan “một mình mình biết, một mình mình hay”. Những nỗi khổ đau có thể trở thành tâm bệnh nên đạo diệt khổ là một phương thuốc trị liệu trên tầm mức  rất cao, như Bác sĩ thần kinh Carl Jung đã viết : “ Tôi đến với thế giới tư tưởng Phật giáo, không phải vì tìm hiểu lịch sử tôn giáo, không phải vì nghiên cứu triết lý, mà chính vì lợi ích cho nghề nghiệp y sĩ... Nhiệm vụ của tôi là chữa bệnh khổ tâm não, vì thế tôi phải làm quen với lối nhìn và phương pháp của bậc vạn thế sư biểu nhân loại... Nếu như vậy, là một bác sĩ, tôi xác nhận những giảng dạy của nhà Phật đã giúp tôi và kích thích tôi hết sức lớn lao, thì cũng chỉ là noi theo con đường đã vạch ra từ hơn hai ngàn năm trong dòng tư tưởng nhân loại ” (It was neither the history of religion nor the study of philosophy that first drew me to world of Buddhist thought, but my professional interest as a doctor. My task was the treatment of psychic suffering, and it was this that impelled me to became acquainted with the views and methods of that great teacher of humanity... So if, as a doctor, I acknowledge the immense help and stimulation I have received from the Buddhist teachings, I am following a line which can be traced back some two thousand years in the history of human thought.)

Bác sĩ Carl Jung đã học hỏi và áp dụng Phật pháp ở những điểm nào trong việc chữa trị tâm bệnh ? Ông nhận định :
Có những loại tâm bệnh không thể chữa trực tiếp, đòi hỏi cả bệnh nhân lẫn bác sĩ một thái độ nào đó đối với bản chất bất khả trị của bệnh... một thái độ tinh thần của tín ngưỡng hay tin tưởng triết lý. Về mặt này, nghiên cứu kinh sách Phật giáo đã giúp tôi rất nhiều, vì nó luyện cách quan sát nỗi khổ đau một cách khách quan và nhìn nguồn căn khổ một cách phổ quát hơn (...there are many deseases and states of suffering which, not being susceptible of a direct cure, demand from both patient and doctor some kind of attitude to their irremediable nature...They call for a kind of moral attitude such as is provided by religious faith or a philosophical belief. In this respect the study of Buddhist literature was of great help to me, since it trains one to observe suffering objectively and to take a universal view of its causes.).

Carl Jung nhận từ Phật pháp phương pháp quán chiếu, tỉnh thức gỡ rối khổ đau, một phương pháp dùng tâm thức lý trí theo gương Đức Phật quán chiếu Tứ diệu đế, đưa tâm thức vượt màn vô minh sắc giới vọng tưởng (Buddha was able to extricate his consciousness from the snares of the ten thousand things, and to rescue his feelings from the entanglements of emotion and illusion... the spirit of Buddhism with its remarkedly rational attitude) .

Về điểm này Carl Jung bàn rộng thêm : không hiểu nguồn đau thì nỗi đau sẽ tăng thêm, ngược lại nếu ta hiểu tại sao, từ đâu, thì sẽ chịu đựng được hơn. Một nhãn quan tôn giáo hay triết lý về nhân gian sẽ giúp người bệnh ít nhất có được phương pháp tâm lý chữa trị hàn gắn nếu không muốn nói là cứu độ (Suffering that is not understood is hard to bear, while on the other hand it is often astounding to see how much a person can endure when he understands the why and the wherefore... psychic methods of healing if not of salvation.).  Sau Đệ Nhị Thế Chiến, một Bác sĩ Thần Kinh Do Thái, Victor Frankle, khi ngồi tù Đức Quốc Xã, cũng đã nghĩ và dùng Lý Trị Pháp -Logotherapy- làm phương pháp trị liệu dựa trên lý trí, giúp bệnh nhân suy xét hơn thiệt, hợp tình hợp lý, bám vào lẽ sống để vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần.

Có lẽ trong môi trường Âu châu Thiên Chúa Giáo, Carl Jung đã phải minh định : nếu lòng tin Thiên Chúa không chữa được tâm bệnh thì có lấy phương pháp trị liệu từ Phật pháp cũng không có gì là lạ (If a Christian  insists so much on his faith when it does not even help him to ward off a neurosis, then his faith is vain, and it is better to accept humbly what he needs no matter where he finds it, if only it helps). Từ cổ xưa, người thày thuốc đã tìm loại thuốc trị bá bệnh - panacea, medicina catholica, bất kỳ loại nào, miễn là hiệu quả, chiều hướng cổ truyền này rất gần với tôn giáo triết lý Đông phương. Jung đặc biệt nhấn mạnh : Đức Phật đã phát huy cực đại tâm thức để diệt khổ đau (deliverance from suffering through the maximum development of consciousness), một bậc Đại Y Sư, Đại Điều Ngự, chỉ nẻo cứu độ nhân thế.

Là một bác sĩ chuyên trị thần kinh, Jung đã dùng phép thôi miên khởi dẫn người bệnh phát hiện tâm ý một cách tự nhiên thích ứng với bản tính người bệnh, đào sâu vô thức, siêu thức, ý thức cọng thể (collective unconscious), sơ mẫu (archetype)... là những cấu trúc tâm thức của con người toàn diện mà tâm lý học Ấn, Phật đã đào rất sâu, trong khi Thiên Chúa Giáo dường như bỏ quên (all those psychic factors which Christian philosophy left unsatisfied). Vi Diệu Pháp-Abhidharma, phương pháp quan sát tâm, thiền định, chính là Tâm Lí thực nghiệm mà sau này, khoa Tâm Lí học tây phương đã khảo sát vậy.

Kinh Phật được dịch sang ngôn ngữ Âu châu đầu tiên ở Anh, Đức, từ thế kỷ XVIII, Will Durant trong tập Gia Tài Đông Phương Của Chúng Ta -Our Oriental Heritage- đã kể thời ấy trí thức Đức say mê đọc sách triết lý đạo học Đông phương đến nỗi Goethe ngồi trên sàn gác đọc sách Triết lý Trung Hoa quên cả dưới đường đang bắn nhau loạn lạc, JJ Rousseau có thể đã lấy Lão Trang vào học thuyết Tự Nhiên lassez faire, Voltaire  đã đọc và khâm phục Khổng Mạnh.

Nhìn chung, ba nguồn văn hóa lớn của nhân loại: Âu châu, Ấn, Trung Hoa, thì Âu châu nghiêng về Luận lý khoa học tự nhiên, Ấn nghiêng về Tâm lý và Trung hoa nghiêng về Đức lý xã hội.
Phật giáo từ môi trường thâm sâu nội tâm, vạn pháp duy tâm tạo, đã nhìn tâm địa con người như vũ trụ tam thiên đại thiên thế giới tụ rồi tán, thành hoại tiêu trưởng biến dịch vô thường như Dịch lý, vì thế mới có dung thông giữa Phật Nho Đạo, mới có cả một Phật Dịch Kinh BuddhistI Ching do sư  Chih hsu Ou-i  (1599- 1655) soạn ra ở thế kỷ XVII (giải thích hào 1 tới 30 như diễn trình tỉnh thức giác ngộ, hào 31 tới 64 như diễn trình tu tỉnh thích ứng với cảnh ngộ và hành sử tùy nghi khế cơ nhi tác.) Ngôn ngữ Ấn- Phật giầu về tâm lý học đến nỗi nếu Anh ngữ có một danh từ tâm lý, Hy Lạp có bốn, thì Sanskrit có tới 40 từ! (Triết lý Đối chiếu Nguyễn Đăng Thục tr 35), từ ngữ Tàng thức của nhà Phật biết đâu chẳng là gốc của tiềm thức, vô thức trong Phân tâm học Freud, Jung ?

Nếu Carl Jung đã có công phu tìm tòi và áp dụng Phật pháp từ đầu thế kỷ 20 thì từ hậu bán thế kỷ 20 cho tới hiện tại, công trình liên tục của Suzuki và các nhà sư Tây Tạng đã mở rộng đường vào Phật pháp và Thiền khắp thế giới, với chính kiến sát gần với Thiền đạo hơn. John Welwood, tác giả cuốn “Tiến tới một Tâm lý học Tỉnh thức” (Toward a Psychology of Awakening- Shamhala 2002) cho rằng Carl Jung hãy còn nhìn Thiền như một công cụ đi vào vô thức, coi vô thức như một thực thể tách biệt khỏi toàn thể con người, trong khi cốt tủy của Thiền là phá vỡ nhị biên, vượt khỏi biên cương Thức và Vô Thức, một chứng nghiệm chuyển hóa bất nhị ( ...the aim of Zen is the breaking up of the dualistic structure of consciousness and unconsciousness- trích lời R.DeMartino,... a nondualistic experience...p. 59).  Một Bác sĩ thần kinh khác, Mark Epstein, trong tập Đi Vào Hiện Hữu - Đạo Phật và Con đường chuyển hóa (Going on Being-Buddhism and the Way of Change- N.Y. 2001) đã áp dụng Phật pháp vào cách chữa bệnh tâm thần, dùng Phật pháp để chuyển hóa con bệnh, chẳng những người Bác sĩ chữa trị phải nhìn thấy tâm lý con bệnh mà còn phải quán chiếu cả tâm linh nữa (individuality of psyche and spirit). Trong khoảng nửa thế kỷ nay, Phật pháp và Thiền đã lan tỏa khắp thế giới, Tây Tạng và Nam Việt Nam mất đất nhưng, dường như có định luật bù trừ của Tạo Hóa, Phật pháp lại khế cơ gieo trồng trên đất khác, lan rộng và lan sâu vào những nền văn hóa đa tạp phương Tây, phải chăng khi Phật tịch diệt, lưng dựa vào Đông, mặt hướng về Tây, là có thiên nhãn viễn kiến ấy ?

Hiện tại, số người mắc bệnh thần kinh tâm trí (neurosispsychosis) lên đến hàng triệu. Riêng một loại bệnh Lo Âu (anxiety disorders) cũng lên tới 5% hay 12 triệu người trên nước Mỹ, bệnh điên (schizophrenia, phân ý) 3 triệu người điên khùng rồ dại, tính cả thế giới thì từ 1% tới 2% hay hơn trăm triệu người điên ! Tờ New York Times ước lượng nếu chỉ chữa trị một nửa số bệnh tâm thần ở Mỹ thôi, cũng mất khoảng 75 tỷ Mỷ kim! Tài liệu khác ước lượng 103.7 tỷ và riêng bệnh điên phân ý tốn 22.7 tỷ! Số thuốc trị lo âu buồn nản (antidepressants) ngày một tăng nhằm đáp ứng với căn bệnh thời đại, riêng thuốc Prozac trị phiền muộn, phổ biến đến nỗi được bán như thuốc ngoài chợ, mỗi năm thu cả trăm triệu!

Nhân loại sống giữa bể khổ, địa ngục ngay trên mặt đất, và địa ngục chẳng phải từ đâu mang đến, địa ngục do chính ma chướng trong lòng tạo ra, con ma của người này ám cái tôi của người kia, và con quỷ của người kia ám cái ngã của người khác... vòng hệ lụy bất tận “l’enfer c’est les autres” – địa ngục là kẻ khác - lời than của J.P. Sartre có thể áp dụng cho chính ông : chính khẩu nghiệp ma ám chấp kiến, nay mồm loa mép giải bênh tả dèm hữu, chửi rủa đối lập, mai lên đường xuống đường bênh thuyền nhân tỵ nạn... đã đóng vai lợn què chữa bệnh lợn lành, để cả hai khập khiễng đi về địa ngục trong cuộc “nhân sinh thị bi kịch, càn khôn nhất hý trường” ! Nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả Vang Bóng Một Thời, đã dùng cụm từ họ Sợ để chỉ mối lo âu sợ sệt triền miên của con người hèn yếu trước chánh quyền hà chính mãnh ư hổ hay rõ hơn : chân lý ở đầu nòng súng, họ Sợ nói lên tất cả tâm bệnh thống khổ xuất phát từ sợ sệt  fear- hay lo âu  -anxiety- , sự căng thẳng tâm trí stress-, đưa tới tình trạng hoảng sợ tới phát bệnh (generalized anxiety with panicattacks).

Hạ Long Bụt sĩ
(trích HIỀN NHƯ BỤT sẽ xb 2020 khi các vì sao chuyển hoá thế gian như Uranus, Jupiter, Mercury, Saturn…hội tụ)