Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018
Trần Doãn Nho: Tạp ghi tháng Tư: vết thương
Anh ạ! Tháng Tư mềm nắng lụa
hoa táo hoa lê nở trắng vườn
quê nhà hun hút sau trùng núi
em mở lòng xem lại vết thương
quê nhà hun hút sau trùng núi
em mở lòng xem lại vết thương
(thơ Trần Mộng Tú)
Chạy
Trong đời tôi, tính ra, tôi trải qua …bốn lần chạy. Mỗi lần
chạy là một kinh nghiệmrất riêng.
Lần đầu tiên, thời điểm 1945-1946, tôi chạy giặc với tư cách
là…một cậu bé con. Thay vì chạy và đi, thì tôi được gánh. Tôi một đầu, ngồi
trong thúng. Đầu kia là một ít gạo và đồ đạc. Cứ thế, mẹ, chị và anh tôi thay
nhau gánh, theo đoàn người, tản cư về một nơi vô định. Đêm tìm chỗ nghỉ chân,
ngày lại đi, cuối cùng, dừng chân ở ngôi đình hoang thuộc một cái làng xơ xác, vắng
hoe, nơi mà chính dân làng cũng… chạy giặc, chỉ còn lơ thơ mấy ông bà già ở lại
giữ nhà.
Hơn hai mươi năm sau, chạy giặc Mậu Thân. Cả gia đình tôi
dắt díu nhau, không chỉ chạy, mà là chui, rúc, lăn, trốn từ vùng bộ đội Cộng Sản
chiếm đóng về vùng quốc gia. Đoạn đường không dài, chỉ 5, 7 cây số nhưng là một
biên giới sinh tử. Thật may mắn cho tôi và gia đình! Những ai không chạy thoát được
nơi Cộng Sản chiếm, đã phải phải sống trong nỗi kinh hoàng của cuộc thảm sát Mậu
Thân.
Bốn năm sau, mùa hè đỏ lửa 1972. Kinh nghiệm Mậu Thân đã
mang cả Huế ra đi. Ngay lập tức. Không chần chừ. Không đắn đo. Không tiếc nuối.
Khi nghe tin bộ đội Cộng Sản vượt sông Bến Hải, là Huế đã bắt đầu chạy. Hối hả
chạy, bằng mọi cách, mọi giá. Mang được gì thì mang, không mang được thì bỏ lại.
Chỉ trừ các cơ quan quân sự và cơ quan nhà nước với một số nhân viên nòng cốt là
làm việc, còn tất cả đều đóng cửa. Mà ngay những cơ quan mở cửa, nhân viên cũng
chẳng có bao nhiêu, vì hầu hết đều phải lo mang gia đình đi trước đã. Chỉ trong
vòng chưa tới một tuần lễ, Huế trống rỗng. Như một phép lạ.
Sau khi đưa được gia đình vào Đà Nẵng, tôi trở lại Huế.
Chao ôi! Tôi chưa bao giờ chứng kiến một Huế lạ lùng dường ấy. Tôi chạy quanh
Huế. Nhà bỏ. Đường không. Chợ trống. Phố lặng. Chỉ có những con ve Huế vô tâm,
hoàn toàn chẳng biết gì đến nhân tình thế thái, cứ hát! Gió cũng thế, phất phơ.
Nắng cũng thế, rực rỡ. Phượng cũng thế, nở đỏ. Thành quách hoang tàn ẩn nhẫn,
phơi mình dưới nắng, nằm im trong cái trống vắng lạ lùng, bất ngờ ngàn năm một
thuở. Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng… cửa đóng, để lại
những vỉa hè câm, ngơ ngẩn. Đâu rồi những khăn, những áo rộn ràng. Đâu rồi hơi
người, hơi tóc. Chợ Đông Ba ủ rũ. Sông Hương sượng sùng. Cố nhìn, cố tìm, nhưng
chẳng thấy gì. Ngay cả những người hành khất, những kẻ vô gia cư cũng biến mất.
Trước đây, khi Huế tranh đấu, thành phố bị giới nghiêm, còn có cảnh “Người già
co ro, chiều thiu thiu ngủ…em bé lõa lồ, khóc tuổi thơđi” (TCS), lần này …nothing và nobody. Chỉ còn những con chó vô chủ chạy rong. Và bụi bay vô tình.
Thỉnh thoảng mới thấy bóng một chiếc xe lính chạy ngang, tiếng máy nổ nghe đơn độc
và lạnh lùng. Toàn khu Thành Nội im ắng rợn người, chạy xe vào, tưởng chừng như
đang đi vào một khu lăng tẩm bỏ hoang.
thành phố bồng bế
nhau
vứt cả rực rỡ hè mới
chớm
rùng rùng bỏ chạy
đi đâu?
không biết đi đâu
miễn là xuôi Nam
để lại một cõi lặng
không gian rỗng
sàn diễn trống trơn
những con chó mất
chủ chạy rất tự do
và vô vọng
hàng phượng lạc
loài
chấp chới bay
gió nắng rong chơi
vòng vèo quanh nội thành ấm ức
Yên, Huế rộn rã trở về.
Nhưng rồi, ba năm sau, 1975, chưa hoàn hồn, Huế lại chạy.
Đúng hơn, cả miền Nam chạy. Từ đầu tháng Ba, dân đã chạy. Bất cứ chỗ nào nghe
quân đội Cộng Sản sắp tiến vào là chạy. Từ cao nguyên chạy về đồng bằng, từ bắc
chạy vào nam, từ các nơi chạy về Sài Gòn, từ đất liền chạy ra biển, từ Việt Nam
chạy ra nước ngoài. Không hề có cảnh “từ bắc vô nam nối liền nắm tay” như Trịnh
Công Sơn đã từng mơ mộng ngày nào! Chạy. Hễ còn chạy được là chạy. Đi bộ, đi
xe, đi thuyền, đi tàu, đi máy bay, đi, đi, đi, đi đâu, miễn là thoát khỏi Cộng
Sản. Chạy: biết bao thảm cảnh, nhất là thảm cảnh thuyền nhân rúng động thế giới.
Chạy: một cuộc “bỏ phiếu bằng chân” vô tiền khoáng hậu.
Lần này, ra đi, trong thâm tâm, ai cũng đau đớn nghĩ rằng:
Huế sẽ mất vào tay Cộng Sản. Thành thử, chạy là chạy… luôn, không bao giờ trở lại.
Là bỏ Huế. Bỏ Huế! Chao ôi, hai chữ “bỏ Huế” nghe như nhát dao đâm ngay giữa trái
tim. Nhưng làm sao được. Đành thôi, Huế ơi. Trong tâm trạng đó, vừa đưa được
gia đình vào Đà Nẵng, tôi vội chạy Honda quay trở ra Huế. Nhưng không kịp nữa rồi!
Đến đèo Phước Tượng, quốc lộ I bị cắt, đành phải theo đoàn người, trở ngược
vào.Vài ngày sau, Huế mất. Ở Đà Nẵng chỉ được mấy hôm, ngày 29 tháng 3, thành
phố lại được lệnh …bỏ. Đà Nẵng chật ních người của hai thành phố ở hai bên đèo
Hải Vân, hoảng loạn. Kẻ xuôi, người ngược, hớt hơ hớt hải. Người tìm cách chạy
vào phi trường, người thì lên đường tiếp tục xuôi Nam, người lại chạy ra biển.
(Trên đèo Hải Vân. Hình: Internet)
Đến chiều tối, thấy thiên hạ rùng rùng đi, thế là dắt díu
nhau đi, ra bờ biển Tiên Sa. Đêm đó, cà nhà túm tụm lại một chỗ, đợi. Đạn pháo
Cộng Sản từ trên núi liên tục pháo kích, nhằm khủng bố người di tản ở bến cảng.
Đạn rơi bên trái, bên phải, rơi trước, rơi sau. Bên này nổ, bên kia lại nổ. Tiếng
người la, kêu khóc rầm trời. May sao, hầu hết đạn đều rơi xuống… nước. Nhờ thế
mà dân chạy giặc tránh khỏi một cuộc tắm máu. Đến khuya, không hiểu sao, pháo ngưng.
Một chiếc xà lang quân đội từ ngoài khơi xa, ghé vào. Lên, bươn bả lên. Hàng ngàn
người chồng chất trong lòng chiếc xà lang nhỏ hẹp, chỉ chứa nhiều lắm là vài trăm
người. Ra khơi. Tại đây, một chiến hạm của hải quân VNCH đang đợi. Người ta bắt
hai dây cáp nối lên boong tàu. Từng người, từng người vịn hai sợi dây, lần lượt
leo qua như đi xiếc. Khá nhiều người trật tay, rơi xuống nước, mất tích. Nhịn đói,
chịu khát hai ngày thì tàu cập bến Cam Ranh. Hú hồn. Tin cho biết: chuyến xà
lang đi sau không có tàu nào vớt, vật vờ ngoài biển, sau cũng tấp vào Cam Ranh, nhưng không còn ai
sống sót.
(Vớt người.
Hình: Internet)
Hai ngày sau, vừa tìm được nhà người bà con để tá túc thì
nghe Cam Ranh sắp mất. Lại chạy. Nghe có tàu chở hàng Mỹ đậu ngoài khơi, dắt díu
nhau ra bến cảng. Còn bao nhiêu tiền trút hết để được chủ nhân một chiếc ghe nhỏ nhận lời. Đưa được mẹ tôi và
mấy đứa em vợ lên ghe, thì súng nổ loạn trên bến. Người ta giành giựt ghe, bắn
nhau. Chủ ghe sợ quá bèn cho nổ máy chạy. Tôi nhảy vội lên, ngoái lui, đưa hai
tay kéo bà vợ (lúc đó đang mang thai đứa con đầu lòng), thì… chiếc ghe tách bến.
Hai bàn tay chỉ cách nhau chừng vài tấc, cố với nhau mà đành chịu. Tuyệt vọng,
nàng đưa tay ngoắc, còn tôi đứng sững đầu mủi ghe nhìn nàng và hai đứa em trên
bờ, lại nhìn mẹ và mấy đứa em khác ngồi trong ghe, bất lực. Bóng những người thân
yêu mờ dần trên bến. Não lòng hết biết!
Chiếc tàu chở hàng Mỹ lớn như một dãy cao ốc 9, 10 tầng. Dưới
nước, ghe lớn ghe nhỏ vây quanh. Từ trên boong, người ta thả những tấm lưới lớn
xuống để vớt người. Tôi đưa các đứa em lần lượt lên lưới. Không đủ chỗ, nên tôi
và mẹ tôi đợi lần tới. Nhưng tàu quá đầy, họ ngừng bốc. Trong lúc vô kế khả thi,
hai mẹ con đành liều mạng, níu những bậc thang bên sườn tàu, leo lên, cầu may. Ơn
trời! Thế mà cả hai mẹ con đều lên đến boong tàu. Thú thật, tôi không biết sức
mạnh nào đã khiến cho bà già 65 tuổi có thể thực hiện được một chuyện phi thường
dường ấy! Từ trên nhìn xuống, người người vẫn còn chen nhau, cố leo, leo… Có
người bám được. Có người rơi xuống. Trên mặt nước, đây đó, những chiếc đầu ngoi
lên, chìm xuống… Cảnh ngoài hòa cùng nỗi riêng đau đáu khiến tôi trơ cứng, đứng
lặng nhìn trời, mất hết cảm giác.
Tàu mang cả mấy chục ngàn người, cập đảo Phú Quốc. Chúng
tôi được chuyển vào ở trong một trại tù binh, nơi trước đây giam giữ cán binh Cộng
Sản bị bắt. Ở đó 10 ngày, tôi tìm đường theo tàu hải quân đưa gia đình về Vũng Tàu.
Và từ đó, lên Sài Gòn.
Một chuyến chạy dài, quá dài, gần như đi vòng hết nửa đất
nước.
Sau này, tôi còn một lần chạy nữa, lần thứ năm: đi Mỹ. Dù
đi có giấy tờ, có phép, đi bằng máy bay, nhưng thực chất vẫn là: Chạy.
Mà bây giờ, người Việt Nam, kể cả cán bộ Cộng Sản và con
cái họ, vẫn còn Chạy. Qua hình thức…chain
migration.
Chạy! Chẳng ai muốn bỏ đất nước mình.
Chạy! Khước từ một chế độ.
Khoa Hữu: Sự yên lặng của cát bụi.
Khi chạy đến Sài Gòn thì Sài Gòn đang hấp hối.
Chiều 29 tháng Tư/1975, tôi cùng với một người bạn, anh
Ng.Ư, rủ nhau lái Honda chạy quanh thành phố, xem “Sài Gòn của mình” lần cuối. Đông
đúc, vội vã, hớt hơ hớt hải, Sài Gòn tan tác như đàn gà con mất mẹ. Gần tối, chúng
tôi chạy ngang Dinh Độc Lập. Đậu xe bên lề đường, gần góc đường Hồng Thập Tự, tôi
bâng khuâng, đau đớn nhìn quanh khu vực, nơi đã từng là cơ quan đầu não của nhà
nước Việt Nam Cộng Hòa.
dinh Ðộc Lập úa
như phế tích âm thầm
góc đường Hồng Thập Tự - Công Lý
toán lính nhảy dù ngồi ăn cơm
lá rơi trên tấm poncho
lá rơi trên ga-men
lá rơi thảng thốt
chiếc áo trận nhòe
ngậm ngùi lịch sử
lá rơi, rơi
mải miết như đùa
như trò chơi
như mơ như thực
cuộc phế hưng bủn rủn phận người.
Chao ôi, những
người lính! Trong lúc cả miền Nam chạy thục mạng, chạy hớt hải, chạy trối chết…
thì nơi đây, vào những giây phút cuối cùng của cuộc chiến, những người lính nhảy
dù này vẫn cứ làm nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, như … bình thường. Cũng như tôi,
nhất định họ biết rằng Sài Gòn sắp mất. Nhưng họ vẫn ở đó, cầm súng canh gác. Tôi
bước tới, muốn làm một cử chỉ biết ơn, nhưng anh bạn tôi cản lại. Tôi vẫy tay.
Một người lính vẫy tay lại. Trong nhá nhem tối, nhìn nhau ngậm ngùi. Đọc lịch sử,
những tưởng chuyện phế hưng chỉ là của
ai đó, thế mà bây giờ, mình ở trong cuộc!
Những người lính
hôm đó, số phận họbây giờ ra sao, ai còn ai mất?!
Ta làm thơ gửi thằng
cầm súng
hơn triệu thằng bỏ
súng đi đâu
đưa đến quê người đời
lận đận
ta quê nhà nhức vết thương sâu
Đó là bốn câu thơ của Khoa Hữu, người
lính, người thơ. Trong số rất nhiều thơ của Khoa Hữu đăng rải rác ở nhiều tạp
chí văn học hải ngoại, tôi nhớ nhất là bài “Sự im lặng của cát bụi”. Nó buồn. Nó
đau. Nó lính. Rất lính. Nó chứa chất một nỗi bi phẫn mà chỉ những người đã từng gắn bó cách này hay cách khác với một
chế độ --dù còn bất toàn, nhưng đáng yêu-- như chúng tôi, mới thấy thấm thía. Bài
thơ khá dài, đến 27 đoạn. Xin trích lại một số đoạn:
(…)
Tháng hạ trong thịt
xương ngấm độc
bước hưng vong điểm
mặt da vàng
lại một nửa lưu tù
rừng bắc
nửa còn theo sóng
vượt biển nam
Dọc mùa thu oan hồn
xác lá
tro bụi bay ám khói
vừng trăng
đường tên mới, ta,
người cũng lạ
lời dáo gươm dậy
cõi đất bằng
(…)
chiếc nón sắt quên
đời lăn lóc
lỗ đạn tròn khoét vết
đau thương
người lính sau theo
người lính trước
đất vô danh cây cỏ
vô hồn
(…)
Pháo lấp Khe Sanh,
cắt đường Chín
những hung tin
không kịp báo về
gió Hạ Lào cuốn cờ
tưởng niệm
đá Trường Sơn đứng
sững như mê
(…)
Cây súng trận trả về
hậu cứ
phòng xác Tổng Y Viện
lạnh nằm
tấm ảnh bóc từ quân
bạ cũ
dán lên tường hẹn
chuyến lại thăm
Người đi tủi giấc
mơ kinh sử
một hồn trăng treo
bóng giang đầu
gió Sài Gòn tăng
mùi thế sự
nửa đời ta đắm nước
sông sâu
Ngày đi hiến máu
cho An Lộc
lính cũ đâu còn,
lính mới quen
vào đất chết buồn
vui cũng hết
bước chân ta cày xới
đất lên
Đàn quạ đói kêu trời
độc địa
lũ chó hoang tha miếng
mồi người
đứa chết ba ngày mắt
vẫn mở
đứa sống ba tuần thịt
đã ôi
(…)
Đất ấy của ta, ta còn hiểu
đồng đội của ta, ta còn đau
giấy mực đời chép ra, ví thiếu
Thật thấm thía vết thương tháng Tư!
Sau tháng 4/75, Khoa Hữu ở lại.
Khoa Hữu nói về chiến tranh bằng cái ưu uất của một người
bại trận: tan rã, mất mát, bi phẫn.
Lính, bên này hay bên kia, gánh chịu mọi oan khiên lịch sử.
Thắng, oan khiên là nỗi buồn cũ.
Bại, oan khiên thành oan trái mới.
Oan trái, một im lặng bất tuyệt: sự im lặng của cát bụi!
Khoa Hữu mất tháng 4/2012. Sáu năm.
Và Sài Gòn mất, bốn mươi ba năm. Vết thương, qua bao đổi
thay, vẫn còn mưng mủ!
Trần Doãn Nho