Home

THƯ NGỎ

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Trần Mộng Tú: Niềm Vui Năm Mới


Con bà là người của một đất khác tới đánh nhau với chúng tôi. 
Nhưng khi anh ấy chết trên đất này anh ấy là con của chúng tôi.


Thật ra cái niềm vui này bắt đầu từ cuối tháng 10 năm ngoái. Nó giống như một hạt giống được gieo xuống mặt đất lúc còn mùa thu, chờ mùa xuân đến sẽ nẩy mầm.

Giống như một người nhà nông, chăm chăm hướng về cánh đồng, tôi mở cả ngũ quan ra chờ cái mầm xanh bé tí chui lên khỏi mặt đất trong dịp xuân về. Mặt đất Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Cỏ sẽ xanh, hoa sẽ mọc, những người hy sinh mạng mình cho đất nước sẽ lại được mồ yên, mả đẹp như xưa.

Tháng 10 năm ngoái ( 10/2017) Hội VAF (Vietnamese American Foundation - Hội Người Mỹ gốc Việt) đã vận động được chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận với chính phủ Việt Nam cho chính thức trùng tu lại nghĩa trang quân đội Biên Hòa.

Bản tin trong báo Người Việt viết:
“Sau nhiều năm vận động chính giới và chính phủ Hoa Kỳ can thiệp về vấn đề trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, với kết quả được 19 dân biểu Hạ Viện đồng thuận gửi văn thư yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ủng hộ Vietnamese American Foundation (VAF).”

Như tất cả những người Việt Nam Cộng Hòa bỏ nước chạy Cộng Sản ngày 30/4, thất tán mười phương. Ai ai cũng vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại. Chúng ta nhìn thành phố, nhìn khu xóm, nhìn ngôi nhà thân yêu, đang bốc cháy hay đang bị người khác chiếm đoạt. Rất nhiều người trong chúng ta còn ngoái đầu nhìn lại những nấm mồ. Những nghĩa trang chôn cất người thân yêu rồi đây sẽ bị tàn phá theo thời gian, sẽ thành những nấm mồ vô chủ. Đau đớn nhất là những nấm mồ tử sĩ. Vì chúng ta biết ngay cả những người lính quốc gia đã chết rồi, họ vẫn bị coi là kẻ thù truyền kiếp của Cộng Sản.

 Điều đó không sai, cả mấy chục năm sau, mỗi khi nhắc đến những người Cộng Hòa còn sống sót thì họ gọi là “Ngụy” và những người trong quân ngũ thì gọi là “Lính Ngụy”.

Những ngôi mộ lính ngụy vẫn không được phép chính thức săn sóc, trùng tu.

Nhà nước Cộng Sản mở cửa ra đón người Việt hải ngoại về, nhưng vẫn làm khó khăn cho những người về viếng và trùng tu mộ tử sĩ.

Chiến tranh là một cái gì xấu xí và vô nhân. Nhưng khi đã tàn cuộc chiến rồi mới nhìn rõ được cái “tâm” con người đối xử với nhau như thế nào. Cái tâm của người thắng đối với kẻ thua.

Trong một lần chúng tôi du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ, người hướng dẫn đưa đi qua một nghĩa trang và kể cho nghe về một câu chuyện lịch sử chiến tranh:

Trong nghĩa trang Lone Pine Cemetery ở Gallipoli thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), một nước theo đạo Hồi, nghĩa trang được lập ra để chôn chung những lính liên quân Úc, Anh, Tân Tây Lan đã đánh nhau với quân Thổ trong Đệ I Thế Chiến và đã tử trận tại đây, nghĩa trang này đã chôn cả ngàn quân vừa liên quân vừa Thổ quân. Vị Tổng Thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ (từng là Tướng chỉ huy những trận đánh) Mustafa Kemal Ataturk người đã có cái “tâm” gửi một thông điệp cho tất cả những quân nhân hy sinh trên đất Thổ trong cuộc chiến giữa Thổ và liên quân Úc, Anh, Tân Tây Lan. Đối với ông mỗi người lính ra trận ở bất cứ phía bên nào cũng là một người anh hùng.

Those heroes that shed their blood and lost their lives….. You are now lying in the soil of a friendly country. Therefore rest in peace.There is no difference between the Johnnies and the Mehmets to us where they lie side by side in this country of ours. You, the mothers, who sent their sons from far away countries, wipe away your tears. Your sons are now lying in our bosom and are in peace . After having lost their lives on this land, they have become our sons as well.


(Johnnies: liên quân: Anh, Úc, Tân Tây Lan
Mehmets: lính Thổ Nhĩ Kỳ. )
Những người anh hùng đó
Máu chàng đã chẩy xuống
Xin hãy nằm xuống đây
Mảnh đất thân thiện này

Xin hãy nằm cạnh nhau
Đừng đi đâu về đâu

Dù chàng là ai nữa
Lính của phía bên nào
Chàng là lính Liên Quân
Hay một người lính Thổ
Chàng đã nằm xuống đây
Đã nằm trong đất này
Mặt đất đầy thân thiện
Đừng đi đâu về đâu

Những người mẹ xa xôi
Xin lau dòng lệ chẩy
Con bà đã tới đây
Con bà đã nằm xuống
Thân trong ngực đất này

Đất đã mở vòng tay
Ôm con vào lòng đất
Mặt đất thân thiện này
Con bà sau khi mất
đã thành con chúng tôi. (tmt dịch) 

Ôi “cái tâm” của vị Tướng này đẹp đến thế nào mới thốt ra những lời vàng ngọc như thế. Cho đến bây giờ bất cứ ai được đọc hay nghe những lời này  cũng nao nao trong lòng khó cầm được nước mắt.
Ở trên đất nước Việt Nam. Người miền Nam người miền Bắc đánh nhau, cùng chết, nhưng không bao giờ được chôn cùng nhau. Những ngôi mộ của anh hùng miền Nam thì điêu tàn hoang phế và những người lính Việt Nam cộng Hòa còn sống hay đã chết đều được gọi là “Lính Ngụy”.

Mùa Xuân đang tới, với những lời hứa hẹn tốt đẹp giữa hội VAF và những quan chức trong nước, với sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ, chúng ta hy vọng nghĩa trang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa được chính thức trùng tu trong một ngày rất gần. Những anh hùng tử sĩ này đáng được tôn trọng vì họ đã đổ máu và hy sinh mạng sống cho chính đất nước mình.

Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng những nấm mộ trắng toát, hàng tiếp hàng, những mảng cỏ xanh non, những bụi hoa nho nhỏ và mùi khói nhang bay thơm ngát lẫn trong gió xuân.

HÌNH- Sông Thạch Hãn-Quảng Trị

Đêm qua tôi đã có một giấc mơ thật đẹp. Tôi nằm mơ thấy mình đi bộ bên một dòng sông vào sáng Mồng Một Tết, tôi đã dừng lại trước một tấm bia Tưởng Niệm dựng giữa khu đẹp nhất của bờ sông đó, đọc được:

“Nước trong sông Thạch Hãn này đã một thời hòa chung dòng máu của những anh hùng Nam Bắc.”

Ôi, đất nước Việt thân yêu của tôi, những dòng sông lịch sử của tôi!

Ôi, những anh hùng tử sĩ của cả hai miền Nam Bắc đã hy sinh cho đất nước này.

­­­­­­
tmt

 Xuân Mậu Tuất-2018

(*) Dù không được chính thức cho phép, nhưng với sự cố gắng của hội VAF trong số 16,000 mộ quân nhân chôn cất ở NTQĐ Biên Hòa, hội và một số tư nhân đã trùng tu được gần 6000 ngôi mộ trong thời gian hơn 2 năm (Tháng 5/2014 tới tháng 12/2016).

1 nhận xét:

  1. Bài viết hay và cảm động quá.
    Tôi đã đi du lịch nhiều lần. Tới đó, mới thấy công ơn của Ngài Mustafa Kemal. Một trong những công lớn nhất là giải phóng phụ nữ. Họ không phải trùm khăn, che mặt, thậm chí mặc áo "bao bố" như các nước theo Đạo Hồi khác, mà Ngài còn cấm công chức không được trùm, che, mặc những thứ đó, sinh viên đại học cũng vậy. Ta thấy cái bén nhạy của ông ở đây: sinh viên đại học. Và hậu quả là TNK là một đất nước tươi vui với vô số người đẹp trong nắng đẹp. Tiếc rằng ngày nay một số dân biểu đàn bà bắt đầu trùm khăn trong Toà nhà quốc hội để kiếm phiếu. Phu nhân của tổng thống đương nhiệm cũng vậy. Atatur: Cha già dân tộc là tước hiệu xứng đáng dành cho Ngài. Người dân ở đó, kể cả tài xế taxi, nói về Ngài với tất cả kính + mến.
    Kể thêm: Có lần nhà tôi đánh mất một túi xách chứa Ipad, Iphone và thẻ nhà băng ở bãi đậu taxi, vì nhiều đồ quá, và trời tối, túi nhỏ lại đen. Khi đến khách sạn báo cho nhân viên; nviên báo ngay cho cảnh sát phi trường. Sáng sau, được tin là túi đã được giao lại cho cảnh sát phi trường. Chúng tôi bắt xe lên phi trường, nhà tôi được hướng dẫn đến phòng giữ đồ mất lấy lại túi xách tay, nhưng thẻ nhà băng cũng trong túi lại được cảnh sát giữ riêng. Thật là cẩn trọng. Mọi người đều niềm nở, kể cả anh cảnh sát mặt sắt đen sì.
    Và những ứng xử của Tổng thống THK với Mĩ, Nga thật khôn ngoan, đầy uy quyền của một người lãnh đạo.
    Chúng tôi sẽ lại du lịch đến đất nước tươi đẹp ấy Tháng Năm nắng đẹp này.

    Trả lờiXóa