Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018
Song Thao: Pháo Tết
Tết có chi vui?
Ngày nhỏ thích tết vì được nghỉ học, ăn bánh chưng bánh tét, mứt và đốt pháo. Về
già chẳng còn phải học hành, ăn chẳng được nhiều, mứt nhiều chất ngọt sợ bệnh,
cái thích hầu như chỉ thu gọn lại còn có một thứ: pháo! Tôi mê pháo. Pháo có
hai thứ tôi thích: tiếng nổ và mùi pháo. Hồi nhỏ thích tiếng nổ, bây giờ cảm
mùi pháo. Đó là cái mùi khó diễn tả, chẳng khét mà cũng chẳng ngai ngái, chỉ thấy
một mùi thơm rất tết.
Chuyện pháo và
tuổi thơ là chuyện tới bây giờ tôi vẫn không quên được. Sao tiếng pháo hồi đó
quyến rũ làm sao. Nghe tiếng nổ là ba chân bốn cẳng chạy tới. Hiện trường mờ mịt
khói. Trẻ em vây quanh vòng trong vòng ngoài. Những ánh lửa nhoang nhoáng trước
những cặp mắt đang nhắm chỗ để sửa soạn a-la-sô xông vào. Khi những ánh lửa vừa
tàn, tràng pháo đã cụt ngủn tới đầu cây sào, chúng tôi chen vào kiếm những chiếc
pháo chưa banh càng. Đứa nọ đẩy đứa kia, mồm miệng la choi chói, tiếng chửi thề
bay lả tả, hai tay vội lượm những đám giấy khét lẹt, rũ rũ ra coi có chiếc pháo
nào lẩn ở phía trong không. Tuổi trẻ thế hệ chúng tôi hầu như đứa nào cũng có
kinh nghiệm cướp pháo như vậy. Tìm những…đồng chí đồng rận thời cướp pháo ngày
xưa không khó. Nhảy vào internet, tôi tìm ngay được người đồng hội đồng thuyền
nơi tác giả Đỗ Ngọc Trang: “Tôi nhớ thủa tôi còn nhỏ ở Cầu Kè, Trà
Vinh. Vào ngày Tết, nhóm “nít ranh” chúng tôi tụ năm tụ ba ở ngoài đường. Hễ
nghe thấy tiếng pháo nổ ở nơi nào là chúng tôi chạy thục mạng tới chỗ đó, rồi
đợi vừa lúc tràng pháo nổ hết là à-lát-sô nhào vô lượm pháo thối và pháo tịt
ngòi. Ấy thế mà có tên vớ được quả pháo đại chưa nổ. Cả bọn vừa dành nhau, vừa
la hét om sòm. Sau đó chúng tôi kéo nhau đến một góc phố, moi chiến lợi phẩm
trong túi ra, sửa lại ngòi pháo, rồi đốt. Tôi nhớ có anh lớn biểu diễn cầm cái
pháo bằng hai ngón tay cho nó nổ. Tiếng nổ vang trời, khói bay xanh lè, nhưng
tay anh vẫn không sao. Tôi dại dột bắt chước làm như vậy mà bị sưng bàn tay.
Sau này tôi tự khám phá ra cái mánh là phải cầm ở tận đít quả pháo thì pháo nổ
trăm lần cũng chả hề hấn chi. Lại có mấy anh lớn ở xóm đạo tụ nhau ngồi rình
bên vỉa hè. Khi mấy cô từ nhà thờ ra về, đi ngang qua, mấy ảnh ném pháo ra
đường khiến các cô vừa nhảy tưng tửng, vừa kêu Chúa oai oái. Các anh được dịp
ôm bụng cười lăn lộn”.
Dùng pháo để chọc
gái cũng là chiêu trò phổ biến của chúng tôi khi đã đạt tuổi teen. Nơi hành hiệp thường là những buổi
đi dạo chợ tết. Thấy mấy cô gái áo dài trắng tinh dắt díu nhau đi, chúng tôi
gây tiếng nổ làm văng mối thân tình cái một. Họ bỏ tay nắm, chạy mỗi cô một ngả,
mặt mày xanh lè cắt không ra một giọt máu. Nhưng dùng pháo nổ như tác giả Đỗ Ngọc
Trang kể là hạng xoàng. Đây là chiêu rất lích ca lích kích vì phải đánh diêm hoặc
bật hộp quẹt lấy lửa, dí ngòi pháo cho bén lửa rồi mới tung vào chân các nường.
Mất biết bao thời gian, có khi đối tượng đã đi xa mất tiêu. Bọn tôi ngày đó
chơi thứ pháo tiện lợi hơn nhiều. Đó là pháo ném. Viên pháo hình vuông, gói bằng
giấy màu như những thanh ô mai cam thảo trông rất vô tội. Trong viên pháo có nhổi
thuốc nổ và những viên sỏi nhỏ. Trông thấy đám con gái tới gần, chúng tôi chỉ cần
móc túi, lấy viên pháo ra, ném mạnh xuống đường là pháo nổ. Đối phương bị bất
ngờ vùng chạy, mặt xanh nanh vàng, hớt ha hớt hải, khiến chúng tôi khoái chí tử
vì chiến công khá quang vinh của mình.
Ngồi nghĩ lại lối
nghịch ngợm với pháo ngày đó thấy lũ trẻ chúng tôi thật…dã man. Lỡ trong đám
thanh xuân đó có cô bị bệnh nhát, ngất xỉu tại hiện trường, hoặc trầm trọng hơn
có cô bị bệnh tim nằm lăn quay ra đó thì sao. Bây giờ, tính tình cẩn thận hơn
nên mới đặt giả thuyết chứ ngày đó chơi là chơi, đâu có lường trước hậu quả. Ngộ
một cái là chẳng có nàng nào bị lâm vào cảnh phải leo xe ò e về bệnh viện. Con
gái ngày đó đều thuộc loại chì chăng? Chắc vậy! Chúng tôi ngày đó cũng là hạng
cao thủ tất cả vì chẳng có tên nào bị phú lít tóm cổ mang về bót cho phụ huynh
tới nhận về sau một bài giảng luân lý rất khó chịu.
Có điều lối đốt
pháo của chúng tôi không đúng sách vở. Pháo không phải là thứ để nghịch ngợm mà
là thứ có…lễ nghĩa đàng hoàng. Ngày tết, người ta không đốt pháo khơi khơi cho
vui mà có mục đích rất nghiêm chỉnh. Đó là nghi lễ đón năm mới, rước tổ tiên về
quây quần với con cháu trong những ngày đầu xuân. Tác giả Hoàng Công Danh nhắc
lại nghi lễ này: “Đêm
giao thừa trời tối như bưng, nhà nhà treo pháo trên những cây cao, phong pháo
dài ngoẵng dõng xuống như cái lưỡi thè liếm vào đất mơn man xuân. Phút chuyển
khắc, hướng đông hướng tây, xóm trên xóm dưới thi nhau pháo nổ. Việc châm lửa
đốt pháo thường do người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thực hiện. Ông nội năm
nào cũng chít áo đóng khăn từ sớm, đi quanh mấy vòng như để quấy lên cái không
khí mùa xuân. Ông đi ra ngõ, tôi đoán chắc ông đi rước tổ tiên về ăn Tết cùng
cả nhà. Dạo xong ông tới chỗ cây mít trước nhà, ở đó phong pháo đã móc sẵn từ đầu
hôm, ông châm lửa vào và pháo nổ lên những tiếng “Tết! Tết!”.
Tết phải có pháo. Cũng như phải có bánh chưng. Thiếu chúng, tết không
còn là tết. Nguyễn Công Trứ đã vịnh Tết bằng bốn câu thơ:
Bánh chưng chất
chặt chừng hai chiếc,
Rượu thuốc ngâm đầy
độ nửa siêu.
Trừ tịch kêu vang
ba tiếng pháo,
Nguyên tiêu cao
ngất một cành tiêu!
Pháo đón tổ tiên
nhưng pháo cũng còn dùng để trừ khử tà ma. Ngày xưa niềm tin của con người còn
mông muội, quanh cuộc sống luôn có những bóng dáng của ma quỷ quấy phá con người.
Bất cứ một biến cố thiên nhiên nào như mưa, bão, gió cũng có một quỷ thần bảo
kê. Vị thần chịu trách nhiệm trong đêm trừ tịch là vợ chồng Na Á. Hai vị thần
này rất tàn ác và hung dữ. Ngon lành là vậy nhưng họ có một nhược điểm. Đó là rất
sợ ánh sáng và tiếng nổ. Hai vị thần ác này thường bị các thần thiện chuyên bảo
vệ dân lành trấn áp. Mỗi năm, khi giao mùa trong đêm trừ tịch, các vị thần thiện
phải về trời chầu Ngọc Hoàng nên hai vợ chồng Na Á mặc sức phá phách, tác oai
tác quái, nhũng nhiễu dân gian, gây nên không biết bao nhiêu sóng gió. Các vị
thần thiện thương dân gian, muốn tiếp tục bảo vệ họ, nhưng không thể kháng được
lệnh về chầu Ngọc Hoàng. Họ ra đi mà bụng không yên. Các vị thần thiện nghĩ ra
được một kế sách để ngăn vợ chồng Na Á lộng hành trong những ngày họ phải về trời:
thắp nhiều đèn và đốt pháo gây tiếng động để xua đuổi vợ chồng Na Á không cho
chúng tác oai tác quái. Vậy nên mới có vụ đốt pháo, thắp sáng trong đêm trừ tịch.
Pháo của những
ngày mông muội khi quỷ thần còn hoành hành đó không thể là thứ pháo chúng ta đốt
ngày nay. Bởi vì pháo chỉ được một đầu bếp Trung Hoa gặp hên phát minh ra cách
đây khoảng hai ngàn năm khi ông này tình cờ trộn than, lưu huỳnh và diêm trắng
vào với nhau và nén trong một ống tre. Các vật liệu trên đều là những thứ có sẵn
trong bếp vào thời đó. Một giả thuyết khác
cho rằng ông tổ sáng chế ra pháo là đạo sĩ Lý Điền, sống vào thời nhà Tống
(960-1279) phát minh ra khoảng chỉ một ngàn năm trước đây.
Các học giả Tây
phương đều cho rằng Trung Hoa là nước phát minh ra thuốc súng, cũng là vật liệu
làm pháo. Nhưng học giả Đào Duy Anh phản bác lại, cho rằng khi người Mông Cổ
sang chiếm Âu châu, người Âu châu mới biết thuốc súng từ đó.
Nhưng một số tài
liệu Trung Hoa lại cho rằng chính người Việt Nam mới là tác giả của thuốc súng.
Họ cho biết quân đội Trung Hoa trước đời Minh Thành Tổ, từ năm 1403 đến 1427,
không hề có pháo binh. Tới khi Minh Thành Tổ mang quân qua chiếm Việt Nam, bắt
được Hồ Quý Ly, mới học được cách chế thuốc súng. Từ đó quân đội Trung Hoa mới
có binh chủng Thần Cơ Doanh, tức là pháo binh. Sách Cô Thụ Biều Đàm của Trung
Hoa chép: “Lê Trừng, con của Hồ Quý Ly, được nhà Minh cho làm Thượng Thư bộ Hộ
để chế tạo súng cho nhà Minh. Minh Sử cũng chép Lê Trừng từng làm binh bộ thượng
thư. Sách Thù Vực Chu Tư Lục, cũng của Trung Hoa, chép rằng Lê Trừng, em của Hồ
Hán Thương, tiến dâng cách thức chế tạo thần sang, được vua Minh phong cho làm
quan.
Vậy là pháo chỉ
có từ sau này, còn thời mung lung của huyền sử, chỉ có thứ pháo gọi là pháo đất.
Đây là một loại pháo cổ làm bằng đất, tương truyền là được làm từ thời Hai Bà
Trưng. Người ta lấy đất sét, nặn thành một cái nồi trống miệng. Nồi đất này được
người ta hè nhau tung lên cao cho rơi xuống đất. Hơi nén trong nồi phá vỡ đáy nồi
phát ra tiếng nổ. Vậy là chẳng cần thuốc nổ chi cả. Ngày nay tại vùng Hải
Dương, Bắc Việt, vẫn còn những cuộc thi pháo đất trong lễ hội ngày xuân.
Thời chúng ta sống,
quỷ thần đã mất dạng nhưng chúng ta vẫn đốt pháo trong giờ khắc giao mùa giữa
năm cũ và năm mới. Để mừng xuân! Năm 2010, trong dịp tới Cali ăn tết, tôi có tới
chùa Điều Ngự đón giao thừa. Chưa bao giờ tôi được thấy một dây pháo dài như vậy.
Ba con ngựa sắt xếp nối tiếp nhau phủ đầy pháo hồng. Pháo giăng giăng dây lên
dây xuống. Đúng giao thừa pháo nổ. Sẵn máy quay video trên tay, tôi quay suốt thời gian pháo nổ. Mười ba phút rưỡi
tất cả. Pháo nổ liên tục không ngừng nghỉ, khói bay mù trời. Ban hợp ca trên
sân khấu hát bài “ Ly Rượu Mừng” giữa tiếng pháo. Hát đi hát lại không biết bao
nhiêu lần mà pháo vẫn chưa ngừng nổ. Tôi lo cho các ca sĩ Asia trên sân khấu.
Khói mù mịt che lấp ban hợp ca. Lỡ có ca sĩ nào mở miệng ra mà đớp phải khói thì
hát hổng chi nổi. Nhưng với tôi, bữa đó tôi đã no mùi tết mà tôi hằng ao ước được
ngửi lại.
Chuyện làm pháo
của tôi là có thật. Khi đó là vào cuối thập niên 1950, thiên hạ sống trong cảnh
thanh bình, chiến tranh còn như tiếng pháo đẹt, đời sống ổn định và dễ chịu nên
tết đến dân chúng đốt pháo như điên. Thường thì tới những ngày cận tết, tìm mỏi
mắt không ra một bánh pháo để đì đùng với thiên hạ. Đúng lúc thịnh hành của
pháo, ông anh họ tôi rủ gia đình tôi chung vốn làm pháo. Vậy là cả nhà tôi đổ
xô vào pháo. Người thì đi tìm mua các vật liệu, người tổ chức thuê người làm,
người liên lạc xin giấy phép. Tôi đốc thúc công việc, chạy long tóc gáy từ Sài
Gòn tới Xóm Mới (?), nơi có cộng đồng người Bắc di cư biết nghề pháo. Trời Sài
Gòn nắng chang chang trong mấy tháng trước tết đã nhuộm tôi thành một
tên…Maroc! Từ một tay mơ chẳng biết chi, tôi trở thành chuyên viên chất nổ! Nghề
pháo lắm công phu. Từ cuộn giấy, cắt pháo, vào ngòi, tôi đều thông thạo. Hồi đó
hãng sản xuất của gia đình tôi chỉ chế tạo những bánh pháo dài khoảng hai trăm
viên pháo. Có thứ pháo rẻ tiền cuộn bằng giấy báo ở trong, chỉ bao một lớp giấy
hồng phía bên ngoài. Có thứ pháo đắt tiền hơn gọi là pháo toàn hồng, từ trong tới
ngoài toàn dùng giấy nhuộm hồng. Khi đốt, pháo tung ra toàn một màu hồng rất đẹp
mắt. Công đoạn nguy hiểm nhất là khi nhồi thuốc. Những viên pháo đã được cuộn,
vào ngòi, xiết chặt ở đầu ngòi, được xếp thành hình vuông, phần đuôi pháo chổng
lên, bày ra những lỗ hổng đều tăm tắp. Người ta dùng một tờ giấy vuông vức khổ
lớn dán kín trên phần các đuôi pháo này. Sau đó đục lỗ trên từng đuôi pháo, bày
ra những lỗ hổng như một tổ ong có mặt bằng phẳng trơn tru. Thuốc pháo sẽ được
nhồi vào những lỗ này.
Khi các chất tạo
thành thuốc pháo đã được trộn lẫn với nhau, hỗn hợp này rất nguy hiểm, có thể nổ
bất cứ lúc nào. Vì vậy, để tránh nguy hiểm, việc nhồi thuốc pháo không được làm
trong nhà mà làm tại những túp lều sơ sài ngoài đồng trống. Thuốc pháo được trải
đều trên tờ giấy tổ ong có những lỗ thông xuống ruột viên pháo. Thợ làm pháo
dùng một bàn chải thật mềm, nhẹ nhàng xoa đều thuốc cho thâm nhập xuống những
chiếc lỗ vào thân pháo. Nếu chạm mạnh thuốc sẽ nổ. Đã có nhiều vụ nổ cháy tan lều
xảy ra khi thợ sơ ý làm mạnh tay. Khi thuốc pháo đã được nhồi xuống đầy đủ
trong từng viên pháo, thợ mới dùng đất sét bít các lỗ đuôi pháo này lại, để
khô, tháo ra thành từng viên. Lúc này viên pháo đã hoàn chỉnh, có thuốc trong bụng
viên pháo, thợ mới tết thành từng bánh pháo, cho vào hộp, dán nhãn, bán ra thị
trường.
Điều gia đình
tôi không ngờ là vì pháo rất hút vào năm trước, càng cận tết, giá pháo
càng…thăng thiên, dân buôn pháo vớ bộn tiền. Thấy ngon ăn, năm nay nhiều người
đổ xô ra buôn pháo. Cung nhiều hơn cầu, càng cận tết giá pháo càng xuống
như…pháo xì! Những ngày cuối năm, pháo còn đầy kho, chúng tôi vội bán tháo bán
chạy. Cả nhà chia ra bán rong tại các khu chợ. Tôi trấn nơi chợ Bến Thành. Lúc
đó tôi còn là sinh viên Văn Khoa. Trường nằm trên khu Khám Lớn cũ, đường Nguyễn
Trung Trực, chỉ cách chợ Bến Thành đúng có một block. Rất có nhiều khả năng gặp các bạn học. Tôi chụp chiếc mũ gần
kín mặt, đứng rao hàng bán pháo bên ngoài chợ, người đi chợ tết đông như trảy hội,
vừa bán vừa nhìn láo liên chung quanh, thấy khuôn mặt quen là cúi xuống, ngưng
rao hàng. May được ông thần pháo thương, trưa ba mươi tết, bán đồ bán tháo được
hết số pháo. Không lời nhưng cũng không lỗ. Lỗ nhất là công khó của cả nhà
trong mấy tháng trở thành công cốc!
Ngày nay, nhìn
những bánh pháo, tôi vẫn thấy như gặp được người thân. Việt Nam đã cấm đốt pháo
từ năm 1995 tới nay. Tiếng pháo không còn trên quê hương. Nơi tôi ngụ cư ngày
nay cũng không có tiếng pháo. Kể ra cũng
có đấy chứ, nhưng là thứ pháo điện xoẹt xoẹt giả dối, tiếng kêu tách tách như
đuổi ruồi. Mùi pháo thì chịu. Muốn ngửi được cái mùi ngai ngái thơm thơm thân
thuộc, người ta phải tới vùng thủ đô của người Việt tỵ nạn. Tôi đã tới và đã được
ngửi. Nước mắt chỉ chực chờ nơi khóe mắt, tôi cố kìm nỗi xúc động của người được
thấy lại quê hương.
11/2017
Website:
www.songthao.com
(Trích trong cuốn Phiếm 20 đã phát hành)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét