Nhà văn Phạm Đình Trọng vừa gửi tới Bauxite Việt Nam bài viết “Về với dân” và cho biết: đây là bài ông nhận “đặt hàng” của BVN ngay khi có tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần (chiều 4/10/2013), nhưng vì một số lý do, hôm nay ông mới gửi đăng. Ngoài những nhận định cá nhân về con người và sự nghiệp của vị Tướng đã ra đi, nhà văn Phạm Đình Trọng, người từng có thời gian làm việc tại Ban Ký sự lịch sử quân sự, còn đề cập và phân tích về một vài nhân vật lịch sử hàng đầu có liên quan đến cuộc đời tướng Giáp. Tuy nhiên, từ đó, phần viết này lại mở ra những vấn đề rất lớn của lịch sử Việt Nam đương đại còn chưa được soi tỏ, đáng để tìm hiểu, mổ xẻ một cách khách quan, công bằng. Vì thế, mặc dù đã chính thức tuyên bố chấm dứt các bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ ngày 15/10/2013, hôm nay BVN xin giới thiệu bài “Về với dân” của nhà văn Phạm Đình Trọng như một ngoại lệ, tất nhiên, những gì nhà văn cung cấp được viết với bút pháp và quan điểm của ông. -- Bauxite Việt Nam
1. TÔI KHÔNG
HÁT ĐỒNG CA
Buổi tối cuối
cùng ở Hà Nội trong chuyến đi chớp nhoáng, tôi nhận được phone của Ban Biên tập Bauxite
Việt Nam báo tin đại tướng Võ Nguyên Giáp mất và đặt tôi viết bài. Có
đôi điều làm tôi đắn đo không thể viết ngay và viết xong tôi cũng không muốn gửi
ngay cho người đặt bài.
Dù Võ Nguyên
Giáp không vướng vào những sai lầm chính trị, không tham gia trực tiếp vào những
tội ác mà những người Cộng sản đã gây cho dân tộc Việt Nam trong những vụ tàn
sát đẫm máu như cải cách ruộng đất, hãm hại tinh hoa, trí tuệ Việt Nam như vụ
Nhân Văn Giai Phẩm, vụ Xét lại, gây hận thù sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam
như khi đẩy một bộ phận dân tộc Việt Nam ở miền Nam vào những trại tập trung khắc
nghiệt, dã man, nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn là người có công rất lớn, có thể coi
là công đầu, giúp chủ nghĩa Cộng sản chiến thắng và ngạo nghễ ngự trị trên đất
nước Việt Nam.
Khi chủ
nghĩa Cộng sản đã phơi bày những tội ác chống lại loài người, mang lại đau
thương chết chóc thê thảm cho dân tộc Việt Nam, phá nát đạo lí, văn hóa Việt
Nam, nhấn chìm dân tộc Việt Nam văn hiến lún sâu trong nghèo đói, lạc hậu,
trong bạo lực mất tính người và gây hận thù, chia rẽ, li tán sâu sắc trong lòng
dân tộc Việt Nam, khi những người Cộng sản lứa đàn em gần gũi của Võ Nguyên
Giáp như Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính… đã thấy rõ bản chất của học thuyết
Cộng sản, đã quyết liệt dấn thân vào cuộc chiến đấu đầy hi sinh mất mát để xóa
bỏ cái ác trên đất nước Việt Nam thân yêu thì Võ Nguyên Giáp vẫn trung thành với
Cộng sản, vẫn thành kính ngợi ca Đảng Cộng sản.
Khi những đồng
đội, những bạn chiến đấu thân thiết, gần gũi nhất của Võ Nguyên Giáp như Phó Chủ
nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Chánh Văn phòng Bộ Quốc
phòng, đại tá Lê Minh Nghĩa, Cục trưởng cục Tác chiến, đại tá Đỗ Đức Kiên, Cục
trưởng cục Tình báo, đại tá Lê Trọng Nghĩa, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân
dân, thượng tá Hoàng Thế Dũng… bị cái ác Cộng sản vu cho tội xét lại và bị hãm
hại đến thân tàn ma dại, khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng,
Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh khảng khái lên tiếng bảo vệ đồng đội, bảo vệ những
người lính trung thực bị hãm hại và bình thản chấp nhận bị hạ quân hàm, bị mất
các chức vụ và con người trung thực, nghĩa khí, lương thiện của Thứ trưởng Bộ
Quốc phòng Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh đã bộc lộ sáng chói, thì Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp im lặng giữ thân, giữ chức.
Viết về một
người như vậy, dù người đó đã góp thêm ánh hào quang cho trang sử Việt Nam giữ
nước cũng không thể không đắn đo.
Từ khi Tướng
Võ Nguyên Giáp nằm xuống liền có ngay một dàn đồng ca đông đảo hòa giọng ngợi
ca vị Tướng chiến trận. Cả một ngôi đền lừng lững đã được dựng lên trong không
gian tâm linh dân tộc và vị Tướng vừa nằm xuống trở thành vị Thánh trong ngôi đền
râm ran tiếng tụng niệm. Tôi đánh giá cao công tích của Tướng Giáp trong cầm
quân trận mạc nhưng tôi không phải là tín đồ rập đầu tụng niệm trong ngôi đền
kia, tôi không thể góp giọng trong dàn đồng ca kia. Dàn đồng ca cả triệu người
dù say sưa đến đâu cũng không thể ngân nga mãi. Tôi chờ sự yên tĩnh trở lại, chờ
sự thoát đồng trở về đời thực để được nói đôi điều thường tình của một người
phàm thế.
2. HAI VỊ TƯỚNG,
HAI SỐ PHẬN
Tháng Hai,
năm 1951, đại hội đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt
Nam. Ngoài chủ nghĩa Mác Lê nin, đại hội còn chính thức lấy tư tưởng Mao Trạch
Đông làm nền tảng tư tưởng của Đảng Lao động Việt Nam, đại hội đẩy dân tộc Việt
Nam yêu nước thương nòi vào cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu đánh vào chính dân
tộc Việt Nam, gieo rắc hận thù giai cấp trong lòng dân tộc Việt Nam, bắn giết,
tù đày chính nòi giống Việt Nam, hủy hoại tận gốc những giá trị văn hóa, đạo lí
Việt Nam. Trước khi có đại hội Đảng tai họa này, cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ
đơn thuần là cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành và giữ độc lập dân tộc, là
sự nối tiếp sự nghiệp cứu nước của Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Đinh
Công Tráng, Hoàng Hoa Thám...
“Hỡi đồng
bào toàn quốc!
Chúng ta
muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực
dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không!
Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không
chịu làm nô lệ...”
Lời kêu gọi
của vị thống soái cuộc kháng chiến đã nêu đúng bản chất khởi đầu của cuộc chiến
tranh Đông Dương 1946 – 1954. Không còn con đường nào khác, buộc phải tiến hành
cuộc kháng chiến giữ nước, cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc kháng chiến
chính nghĩa, thuận đạo lí đã thu hút, tập hợp được sức mạnh cả dân tộc Việt
Nam. Tài năng và khí phách Việt Nam được khai thác, phát huy cao nhất. Từ đó xuất
hiện những người lính anh dũng vô song và những nhà cầm quân lỗi lạc. Trong
hoàn cảnh lịch sử đó, trước đây Việt Nam đã có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,
Nguyễn Huệ, nay có Võ Nguyên Giáp và nhiều tướng tài khác.
Sau trận thắng
lớn đầu tiên, thu đông năm 1947, đánh tan cuộc hành quân đầy tham vọng của quân
viễn chinh Pháp nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Nam, ngày
20. 1. 1948, Chính phủ Việt Nam kháng chiến liền quyết định phong tướng cho những
nhà cầm quân vừa thắng trận, vừa để hoàn chỉnh về tổ chức của một Nhà nước có
quân đội được tổ chức chính qui, hiện đại, vừa để ghi nhận sự lớn mạnh của quân
đội kháng chiến. Mười một chỉ huy cấp cao của quân đội kháng chiến được phong
tướng. Một đại tướng: Võ Nguyên Giáp. Một trung tướng: Nguyễn Bình. Chín thiếu
tướng: Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Lê Hiến
Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình.
Trong mười một
vị tướng trên, trung tướng Nguyễn Bình là người ra đi đầu tiên, ông mất năm
1951, khi mới 45 tuổi và đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ra đi sau cùng. Cuộc
đời binh nghiệp ngắn ngủi nhất trong mười một vị tướng nhưng trung tướng Nguyễn
Bình cùng với đại tướng Võ Nguyên Giáp, người có cuộc đời binh nghiệp lâu dài
nhất là hai vị tướng để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử chiến tranh Việt
Nam và để lại tình cảm sâu nặng nhất trong lòng người dân Việt Nam. Cũng vì dấu
ấn sâu đậm hai vị tướng này để lại trong lịch sử và trong lòng dân, hai vị tướng
còn để lại cả bí ẩn về tai nạn cuộc đời mà lịch sử còn phải soi rọi, khám phá.
Có công lao
lớn với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Không một lần vướng sai lầm chính trị. Được
Chủ soái Hồ Chí Minh tuyệt đối tin tưởng, gửi gắm. Được tướng sĩ trong toàn
quân yêu quí coi là người anh cả của quân đội. Có sức mạnh của đội quân nhiều
công trạng đứng phía sau. Với sức mạnh quân đội và ưu thế chính trị cá nhân đó,
Võ Nguyên Giáp thừa sức thâu tóm quyền lực tuyệt đối trong tay nhưng ông không
có mưu đồ quyền lực. Không tham vọng quyền lực nhưng ông lại là nạn nhân của những
tham vọng quyền lực.
Sự lừng lẫy
của vị tướng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, sự nổi tiếng của vị tướng đánh
thắng đội quân hùng mạnh nhất thế giới làm cho thế giới chỉ biết có hai người
khi nhắc đến cuộc chiến tranh Việt Nam là: “Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Hồ Chí
Minh! Giáp! Giáp!” (tiếng hô của người dân nhiều nước trên thế giới trong những
cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam những năm bảy mươi, tám mươi, thế kỉ hai mươi). Vị
tướng lừng lẫy trong lịch sử và trong thời đại đó đã làm cho người có quyền lực
và háo danh, muốn để lại tên tuổi trong lịch sử chịu không nổi vì sợ bị lu mờ.
Có quyền lực trong tay, họ liền dùng quyền lực xóa bỏ cả lịch sử, xóa bỏ tên tuổi
tướng Giáp trong lịch sử. Suốt mấy chục năm trời tên tướng Giáp bị xóa khỏi
trang sử Điện Biên Phủ. Họ ngụy tạo ra hồ sơ Võ Nguyên Giáp là con nuôi chánh mật
thám Pháp, ngụy tạo ra vụ Sáu Sứ, một âm mưu đảo chính cung đình để ám sát con
người chính trị Võ Nguyên Giáp.
Nhắc đến vụ
việc cả hệ thống quyền lực ngang nhiên giết chết con người chính trị Võ Nguyên
Giáp, tôi lại nhớ đến vụ phục kích giết chết con người thể xác trung tướng Nguyễn
Bình.
Tên tuổi
trung tướng Nguyễn Bình những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ cũng
lừng lẫy như tên tuổi Võ Nguyên Giáp sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, sau
30.4.1975. Sau năm 1945, các tổ chức vũ trang của các giáo phái, của các tổ chức
chính trị ở Nam Bộ nhiều như nấm. Nguyễn Bình đã tập hợp, thống nhất các tổ chức
vũ trang này thành lực lượng kháng chiến chống Pháp và Nguyễn Bình trở thành vị
tư lệnh đầy quyền uy của Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Người dân Nam Bộ truyền miệng những
câu chuyện về sự ngang tàng, nghĩa khí, về sự xuất quỉ nhập thần của tướng Nguyễn
Bình và họ tham gia kháng chiến chống Pháp vì lòng yêu nước và vì thần tượng tướng
Nguyễn Bình chứ họ không hề biết đến những người Cộng sản.
Người đứng đầu
tổ chức Cộng sản ở Nam Bộ lúc đó chỉ là trưởng phòng dân quân không ai biết đến
trong Bộ Tư lệnh Nam Bộ của Tướng lừng danh Nguyễn Bình. Con người đó sau này
ra Hà Nội đứng đầu cả Đảng Lao động Việt Nam, con người luôn chứa chất trong
lòng tham vọng lớn về quyền lực và nỗi đố kị, tị hiềm không phải chỉ với riêng
tướng Giáp. Đội quân kháng chiến của tướng Nguyễn Bình đang lớn mạnh thì tướng
Bình được triệu tập ra Việt Bắc. Và những họng súng ở một ổ phục kích đã chờ
đón tướng Bình ngay trong chặng đường rừng đầu tiên. Lập tức ông phải nhận lấy
cái chết âm thầm đầy bí ẩn trong rừng sâu trên đất Campuchia!
3. KHẮC KHOẢI XUÂN MẬU THÂN 1968
Sau năm
1975, học xong khóa I trường Viết Văn Nguyễn Du, tôi có hai năm làm việc ở Ban
Kí Sự Lịch Sử Quân Sự thuộc Tổng Cục Chính Trị. Ban có nhiệm vụ hoàn thành bản
thảo bộ kí sự lịch sử “Trận Đánh Ba Mươi Năm” gồm 5 tập. Từ 1945 đến 1975, ba
mươi năm chiến tranh được chia ra làm năm giai đoạn, mỗi giai đoạn là một tập
sách. Gần ba mươi nhà văn, nhà báo quân đội chia làm năm nhóm, mỗi nhóm hoàn
thành một tập bản thảo. Tôi và nhà văn Đào Thắng được bổ sung về Ban ở giai đoạn
cuối và làm tập năm do nhà văn, thượng tá Nam Hà làm trưởng nhóm. Gặp gỡ các tướng
lĩnh, những người hoạch định các chiến dịch, những người chỉ huy những trận
đánh. Đọc hồi kí của các tướng lĩnh quân đội miền Bắc, quân đội miền Nam, quân
đội Mĩ. Sục vào các kho hồ sơ lưu trữ... Nguồn tư liệu gốc ngổn ngang đó cho
chúng tôi hình dung đầy đủ và chính xác từng chiến dịch từ cơn cớ ban đầu, đến
diễn biến ở bản doanh, diễn biến ở mặt trận và giá máu phải trả. Từ đó chúng
tôi cũng nhận ra những góc khuất của chiến tranh, những góc khuất của lòng người.
Người háo danh, háo quyền lực đã không tiếc máu xương của hàng triệu người lính
và dân lành để thỏa mãn sự háo danh đó.
Đầu năm
1967, Bí thư trung ương cục miền Nam, đại tướng Nguyễn Chí Thanh mới từ mặt trận
miền Nam trở ra Hà Nội đã cùng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Lao động Việt Nam Lê Duẩn hình thành ý tưởng Xuân Mậu Thân 1968 Tổng công kích,
Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định và chỉ đạo Cục Tác chiến Bộ Tổng
tham mưu làm kế hoạch thực hiện.
Trong mười một
ủy viên Bộ Chính trị, tướng Giáp là người duy nhất lên tiếng không đồng tình với
ý tưởng Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Xuân 1968. Theo ông sức mạnh chiến
tranh của quân Mĩ, quân đồng minh ở Nam Việt Nam và quân đội Sài Gòn đang trên
đỉnh cao với hơn nửa triệu quân Mĩ và quân đồng minh, gần một triệu quân Sài
Gòn. Chưa đủ thời gian thấm đòn chiến tranh nhân dân của ta, hơn nửa triệu quân
Mĩ với máy bay chuyển quân bay rợp trời, xe tăng dàn trận bò kín đất đang chủ động
mở những cuộc hành quân lớn đánh vào vùng đất quân giải phóng kiểm soát. Lúc đối
phương lực đang còn mạnh và thế đang lên mà dốc vốn vào tổng công kích trận cuối
cùng chỉ cháy túi, kiệt vốn, tự sát. Căn cứ quân nước ngoài không đặt trong
thành phố, thị xã. Đánh vào tất cả thành phố, thị xã, trung tâm hành chính đông
dân là nhằm vào người dân. Đẩy mức độ ác liệt của chiến tranh lên cao ngay
trong thành phố là mang chết chóc đến cho dân lành và dàn mỏng lực lượng ta ra
phơi mình trên địa hình trống trải, lạc lõng trong đường phố bàn cờ nhằng nhịt
sẽ bị tiêu diệt đến người lính cuối cùng, chỉ tự chuốc lấy thương vong lớn,
không thể có chiến thắng quyết định.
Thời điểm
này chỉ nên mở cuộc tập kích chiến lược: Bất ngờ đồng loạt đánh vào tất cả các
căn cứ quân Sài Gòn, quân Mĩ và đồng minh trên toàn miền Nam, cùng với tiêu hao
sinh lực là đánh mạnh vào tinh thần chiến đấu của đối phương, thúc đẩy phong
trào phản chiến của nhân dân Mĩ đòi Chính phủ đưa con em họ về nước, tạo ra bước
ngoặt về cục diện chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn, sức mạnh của đội
quân khổng lồ, sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của công sự phía đối phương được
phát huy thì ta phải thu quân bảo toàn lực lượng cho những chiến dịch đánh lớn
và quyết định tiếp theo.
Lí giải đúng
đắn đó của tướng Giáp chỉ là một ý kiến lẻ loi đã bị bỏ qua.
Tháng 6 năm
1967, dưới sự chủ trì của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, hội nghị trung ương 14, khóa
ba quyết định Tổng tiến công và Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968. Chiều 5. 7.
1967, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh được Chủ tịch Hồ Chí Minh
mời cơm trước hôm lên đường trở lại miền Nam triển khai chiến cuộc Xuân Mậu
Thân 1968. Từ bữa cơm đạm bạc, thân tình ở ngôi nhà sàn trong phủ Chủ tịch trở
về nhà riêng ở phố Lý Nam Đế, Bí thư Trung ương cục miền Nam rạo rực nghĩ đến
chiến thắng trong tầm tay. Niềm tin chiến thắng Xuân Mậu Thân mạnh đến nỗi suốt
đêm đó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh âm thầm vui sướng đến mất
ngủ. Quá phấn khích, rạng sáng ngày 6. 7. 1967, ông bị cơn nhồi máu cơ tim cướp
đi mạng sống.
Còn Bí thư
thứ nhất Lê Duẩn, đồng tác giả Tổng công kích Xuân Mậu Thân 1968, cũng có niềm
tin vững chắc vào chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 đến mức ông đã trù liệu cả việc
giành độc quyền chiến thắng, không cho những đối thủ chính trị được ghé tên,
chia phần chiến thắng của ông bằng cách không để Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp
có mặt ở trong nước trong suốt thời gian chuẩn bị và quá trình diễn ra chiến cuộc
Xuân Mậu Thân 1968. Không có mặt ở trong nước là không can dự gì vào chiến cuộc
Xuân Mậu Thân 1968. Chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 chỉ hoàn toàn từ Lê Duẩn, do
Lê Duẩn, của Lê Duẩn.
Từ 5. 9.
1967, Hồ Chí Minh cùng người thư kí riêng thân tín đã phải lẻ loi, âm thầm rời
đất nước sang Bắc Kinh nghỉ ngơi theo “quyết định của Bộ Chính trị và hội đồng
bác sĩ”! Gần bốn tháng sau, mãi đến 23. 12. 1967 Hồ Chí Minh mới được điện mời
về để tham dự cuộc họp Bộ Chính trị ngày 28. 12. 1967 và để đọc lời chúc Tết Mậu
Thân 1968 cho đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam ghi âm. Xong việc, ngày 2. 1.
1968 Hồ Chí Minh lại tất tả, lủi thủi lên máy bay sang Tàu.
Là Chủ tịch
đảng, Chủ tịch nước, có quê hương đất nước, có mấy chục triệu thần dân sùng bái
mà Tết Mậu Thân 1968 tuổi già Hồ Chí Minh phải đón Tết bằng bánh bao, cơm Tàu,
trong cô đơn, trong trống vắng lạnh lẽo nơi đất khách quê người như một kẻ thất
thế lưu vong, không người thân thích, không hoa đào mứt tết, không bánh chưng,
dưa hành. Đối xử như vậy với đương nhiệm Chủ tịch đảng, đương nhiệm Chủ tịch nước
lại đã ở tuổi 78, thật tệ bạc, tàn nhẫn và độc ác!
Lại nữa, với
âm mưu gì mà bố trí để một người già gần 80 tuổi đi chuyến bay vào đêm đông giá
rét? Rồi khi máy bay hạ cánh trong đêm thì người lái lâu năm thuộc đường băng
liền phát hiện ra đèn sân bay lệch mười lăm độ, máy bay phải lượn đến vòng thứ
hai vẫn không dám hạ cánh. Báo cho sân bay nhưng đèn dẫn đường hạ cánh vẫn
không thay đổi. Nếu là người lái chưa thuộc đường băng cứ hạ cánh theo đèn dẫn
thì máy bay đã trượt khỏi đường băng và nổ tung rồi. Nhờ người lái lão luyện
thuộc đường băng như thuộc đường ngõ xóm nhà mình nên cho máy bay hạ cánh theo
trí nhớ, nhờ thế máy bay mới an toàn, người đi chuyến bay đó là Hồ Chí Minh mới
còn mạng sống.
Không biết
trong toan tính giành độc quyền chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, Bí thư thứ nhất
Lê Duẩn có tính đến sự cố chuyến bay chở Hồ Chí Minh hạ cánh xuống sân bay Gia
Lâm đêm 23. 12. 1967 không nhỉ? Một sự cố nghiêm trọng như vậy mà cho chìm xuồng
lặng lẽ, không điều tra làm rõ cũng là điều rất không bình thường. Sự cố tày
đình đó do sơ xuất của những người quản lí, khai thác sân bay gây ra, tất sẽ được
tìm ra và truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn. Không được điều tra làm rõ, chỉ
có thể là sự cố được bí mật tạo dựng bởi quyền lực tối cao như từ trên trời rơi
xuống, không ai dám đụng đến, không thể khui ra, thôi đành cho qua!
Trong những
ngày Hồ Chí Minh sống khắc khoải cô đơn bên Tàu thì Võ Nguyên Giáp cũng phải ngậm
ngùi sống ở trời Tây Hungari hiu quạnh.
Chiến cuộc
Xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra đúng như những gì Võ Nguyện Giáp đã cảnh báo:
Mang chết chóc đến dân lành và đội quân ở rừng đánh vào thành phố, ở lại giữ
thành phố đã phải chịu tổn thất nặng nề nhất trong suốt cuộc chiến tranh ba
mươi năm.
Hai bên tham
chiến đã thỏa thuận ngừng chiến dịp Tết Nguyên đán để người dân được bình yên
ăn tết. Bội ước thỏa thuận, đúng giao thừa Tết Mậu Thân, đêm 31. 1. 1968 lịch
tây, đội quân ở rừng do Hà Nội chỉ huy, thực sự là đội quân miền Bắc, nổ súng
đánh vào tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bị bất ngờ,
quân miền Nam và đồng minh không kịp phản ứng, đành để mất nhiều khu vực trong
các thành phố, thị xã cho đội quân miền Bắc làm chủ. Tình thế này dẫn đến hai hậu
quả.
Một. Vùng
thành phố, thị xã do quân miền Bắc làm chủ trở thành nơi chiến sự ác liệt nhất,
nơi tập trung bom đạn của cả hai phía, nơi tắm máu dân lành. Thành phố Huế là
nơi quân miền Bắc ở lại lâu nhất, 28 ngày, cũng là nơi tang thương nhất. Hơn
116 000 ngôi nhà bị tàn phá, trong đó 9 776 ngôi nhà bị san bằng, 3 776 dân
lành bị bom đạn giao tranh giết chết. Đội quân từ rừng về coi những người dân
làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền Sài Gòn hoặc liên quan đến
chính quyền Sài Gòn đều là kẻ thù, là ác ôn phải loại bỏ. Chiến dịch diệt ác trừ
gian nhằm vào dân thường cũng diễn ra khốc liệt nhất ở khắp các thành phố, thị
xã.
Hai. Đội
quân miền Bắc đánh vào thành phố chỉ nhờ yếu tố bất ngờ mà giành được thắng lợi
ban đầu. Yếu tố bất ngờ không còn, đội quân đánh vào thành phố từ chủ động
thành bị động, phải lấy thế yếu, thế bị động, thế cô lập, bị bao vây, chia cắt,
phơi mình ra trên địa hình đường phố trống trải và lạ lẫm đương đầu với thế mạnh
áp đảo của đội quân miền Nam. Cố giữ các thành phố, thị xã, những trung tâm
hành chính để hòng dựng lên một chính quyền cách mạng thay thế chính quyền Sài
Gòn nhưng càng cố giữ thành phố, thị xã thì các thành phố, thị xã miền Nam càng
trở thành vực thẳm không đáy chôn vùi quân miền Bắc. Đơn vị sau thế chỗ đơn vị
trước đã bị xóa sổ nhưng đơn vị thế chỗ càng về sau quân số càng ít ỏi! Nhiều
đơn vị, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, cả du kích bị xóa sổ nhiều lần!
Nhiều đảng bộ, chi bộ hi sinh trắng không còn một đảng viên! Tết Mậu Thân 1968
là thảm họa người Việt giết người Việt với qui mô lớn nhất, quyết liệt nhất, mê
say nhất, tàn bạo nhất và số người bị giết lớn nhất, phải tính tới con số hàng
trăm ngàn mà bên bị tổn thất về người nặng nề nhất chính là đội quân dồn dập
đánh vào các thành phố, thị xã miền Nam dưới sự đôn đốc từ Hà Nội do sự háo
danh của người nhiều tham vọng quyền lực.
Lứa nhà văn
quân đội chúng tôi hình thành trong cuộc chiến tranh Nam Bắc được Tổng cục
Chính trị tập hợp về từ giữa năm 1976 đến mùa hè năm 1984 vẫn đang có mặt đông
đủ ở Vân Hồ Ba, Hà Nội. Và Vân Hồ Ba Hà Nội trở thành địa chỉ thường xuyên lui
tới của những người cầm bút đất kinh kì. Một buổi chiều muộn nhà văn Bùi Bình
Thi phóng xe máy từ nhà sáng tác Quảng Bá, Hồ Tây đến Vân Hồ Ba hấp tấp kể với
chúng tôi câu chuyện nhà văn vừa chứng kiến về người khởi xướng vụ tắm máu Tết
Mậu Thân 1968 chạy trốn, chối bỏ trách nhiệm trước người dân, trước lịch sử.
Sau một ngày
đóng cửa hì hục viết, trước bữa cơm chiều, các nhà văn đang ở trại sáng tác Quảng
Bá thường sang phòng nhà văn quân đội, đại tá Xuân Thiều tán chuyện đợi nhà bếp
mở cửa. Chiều nay vừa đủ mặt thì bỗng Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng người bảo vệ xuất
hiện ở cửa phòng. Từ đại hội lần thứ tư cuối năm 1976, Đảng Lao động Việt Nam
đã đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam và chức Bí thư thứ nhất đổi thành Tổng
Bí thư. Khu nhà nghỉ của cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản bên Hồ Tây, cách nhà
sáng tác của Hội Nhà văn dăm phút đi bộ. Tổng Bí thư Lê Duẩn đang nghỉ ở đó. Buổi
chiều ông đi dạo và ghé vào nhà sáng tác của các nhà văn. Các nhà văn đều là đảng
viên Cộng sản nhận ra Tổng Bí thư của mình liền nồng nhiệt đón tiếp. Tổng Bí
thư vui vẻ hỏi tên từng nhà văn. Nghe nhà văn Xuân Thiều tự giới thiệu là đại
tá, Tổng Bí thư tươi cười hỏi: Đại tá hỉ? Nhà văn đại tá hỉ? Tốt hỉ? Nghe nhà
văn Bùi Bình Thi xưng tên, ông bảo: À, à, Thi lãnh đạo Hội Nhà văn hỉ? Nhà văn
cao lớn Bùi Bình Thi có nước da ngăm ngăm đen, có khuôn mặt đầy đặn và hàng
lông mày rậm giống nhà văn Nguyễn Đình Thi vội cải chính: Dạ, thưa bác, cháu là
Bùi Bình Thi, không phải Tổng Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi ạ!
Trong không khí vui vẻ, nhà văn Xuân Thiều giãi bày: Thưa bác, tôi là Xuân Thiều,
đại tá, nhà văn quân đội. Tôi đang viết tiểu thuyết về Huế trong tổng tiến công
và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tôi thấy Tết Mậu Thân sáu tám ở Huế chết chóc nhiều
quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân
chết cũng nhiều… Mới nghe có thế, Tổng Bí thư đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát:
Ngu! Ngu! Đại tá mà ngu! … rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn.
Thực chất của
Tết Mậu Thân 1968 là vậy. Đến người chủ mưu khởi xướng ra chiến cuộc Xuân Mậu
Thân 1968 cũng co cẳng chạy trốn khi nghe nhắc đến Mậu Thân 1968 thì hàng năm
có nên tưng bừng kỉ niệm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 không nhỉ? Chiến tranh
đã qua lâu rồi. Cần thoát ra khỏi tuyên truyền tâm lí chiến, không thể coi chiến
cuộc Xuân Mậu Thân 1968, người Việt giết người Việt với qui mô lớn nhất, người
Việt bị giết chết nhiều nhất trong một chiến dịch, người Việt kề nòng súng vào
tai người Việt bắn ngay trên đường phố là chiến thắng của bất kì phía nào, của
bất kì ai.
Trở về với bản
thể con người, trở về với cội nguồn dân tộc để nhận ra rằng Xuân Mậu Thăn 1968
là mùa xuân tang tóc của dân tộc Việt Nam, là trang đau buồn của lịch sử Việt
Nam. Trang đau buồn đó cần ghi lên hàng đầu tên hai người. Một tên phải viết bằng
mực đen và một tên viết bằng mực đỏ. Tên viết bằng mực đỏ là Võ Nguyên Giáp. Dù
Võ Nguyên Giáp bị gạt ra bên lề chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 nhưng tiếng nói của
Võ Nguyên Giáp khi chiến cuộc Xuân Mậu Thân 1968 được soạn thảo, tiếng nói
không đưa chiến tranh chết chóc vào nơi tập trung dân cư, không đẩy mức độ ác
liệt của chiến tranh lên cao ngay trong thành phố, là tiếng nói của trái tim
Con Người, tiếng nói của dòng máu đỏ Việt Nam.
4. ĐƯỜNG VỀ
Bị xóa tên
khỏi trang sử Điện Biên Phủ mà ông đã viết lên. Bị đẩy vào vai bị can trong những
vụ án chính trị giả tạo. Kẻ làm những việc đó để chặn con đường chấp chính của
Võ Nguyên Giáp lại đã mở cho Võ Nguyên Giáp con đường trở về với dân. Đánh xong
giặc Ân, Thánh Gióng lại lên làm vua, lại xa dân trong ăn chơi hưởng lạc, lại đối
lập với dân trong bòn rút, bóc lột dân thì Thánh Gióng đâu có được dân thờ. Dân
gian truyền miệng câu chuyện đánh xong giặc, Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về Trời
là dân gian đã đưa Thánh Gióng trở về với dân, mãi mãi ở trong lòng dân. Nhờ thế
non nước Việt Nam đã có làng Phù Đổng nơi Thánh Gióng ra đời, lại có ngọn núi
Sóc linh thiêng, nơi Thánh Gióng về Trời, nơi Thánh Gióng về sống trong lòng
dân. Như làng Phù Đổng, như ngọn núi Sóc, Thánh Gióng sẽ còn mãi với non nước,
với lịch sử, với dân tộc Việt Nam.
Không trở về
Trời, Võ Nguyên Giáp trở về cuộc sống của người dân để nói tiếng nói của dân.
Võ Nguyên Giáp lên tiếng ngăn chặn việc phá hội trường Ba Đình. Ba lần Võ
Nguyên Giáp viết thư cho những người đang chấp chính đòi dừng dự án bô xít Tây
Nguyên. Chẳng có chức tước, danh vị, hàm cấp nào cao quí bằng được trở về với
dân. Vì thế mọi danh hiệu, mọi hàm cấp Anh hùng, Nguyên soái, Đại Nguyên soái
chẳng còn có giá trị gì với Võ Nguyên Giáp. Không bay về Trời. Không vào chỗ
dành riêng cho tầng lớp vua quan xa dân ở Mai Dịch, Võ Nguyên Giáp về với non
nước Việt Nam, về với dân gian Việt Nam ở doi đất bình dị ven biển Vũng Chùa,
Quảng Bình quê nhà.
Ra đời bởi học
thuyết sai trái, nhà nước Cộng sản Việt Nam phải tồn tại bằng dối trá. Với Nhà
nước Cộng sản Việt Nam dối trá đó, mỗi người dân ngay thẳng, lương thiện, chân
chính đều phải mang một nỗi oan khiên.
Nỗi oan
khiên bị cướp những giá trị tinh thần của con người văn hóa nhiều vô kể. Nỗi
oan khiên của người dân bị cướp của cải vật chất càng nhiều gấp bội. Người có tài,
có nhiều công lao đóng góp, có lòng dũng cảm và niềm say mê cống hiến thì bị gạt
ra, trở về hòa lẫn vào dân gian. Tài năng đành mai một. Ý chí cống hiến cũng
đành vất bỏ. Kẻ bất tài, hèn nhát, vô tích sự, không biết làm việc, chỉ có nỗi
thèm khát, tham lam của con người sinh vật, chỉ chăm chăm kiếm chác, mưu cầu
danh lợi cá nhân thì danh vị, chức tước đầy mình. Những kẻ như vậy ngày nay ở
chỗ nào cũng nhan nhản và Hồ Xuân Mãn, Bí thư tỉnh ủy, Anh hùng lực lượng vũ
trang, nhân vật gương mẫu, xuất sắc trong học tập đạo đức Hồ Chí Minh là một dẫn
chứng. Cả một thể chế dối trá đã tạo nên nhan nhản những Hồ Xuân Mãn cũng đã tạo
nên triệu triệu dân oan.
Cả một dân tộc
oan khiên và mất mát đã mở rộng lòng đón Võ Nguyên Giáp về với dân như một dân
oan vĩ đại trong lịch sử.
P. Đ. T.
Tác giả gửi
trực tiếp cho BVN.
Nguồn: Bauxite Việt Nam
Học Luật mà theo bọn vô luật thì trí tuệ khí phách ở đâu ?
Trả lờiXóaCần xét lại khả năng quân sự của ô Võ : bị De Lattre quét, 2 tướng Tầu ngồi chỉ huy ĐBPh, ko biết đánh Tanks tại Cao nguyên.... ô Bùi Tín có thể nhìn rõ hơn.