Người ta bình
phẩm những tác phẩm, những văn bản, người ta suy nghĩ về một bài thơ, một vở kịch,
một nhân vật… Về --giới từ này cho thấy
người ta đang tạo ra một bài văn thứ hai, người ta quan sát, bình luận, đánh
giá và người ta tạm đưa ra một phán quyết tương đối về công trình chữ nghĩa nào
đó.
Như vậy phê
bình có ba bước: diễn tả ra những gì mình biết, bình phẩm và định giá.
Có những nhà
phê bình văn học chuyên nghiệp, cũng có những nhà phê bình tài tử vì tuy không
được đào tạo trường lớp nhưng được soi sáng thiên bẩm hay vì nhờ đọc nhiều tác
phẩm qua nhiều năm. Các phê bình tài tử này bình luận về các tác phẩmvăn chương
trong những lúc trà dư tửu hậu với bạn bè hoặc những khi êm ả một mình đọc một
tác phẩm và tự đâu đâu những ý tưởng về tác phẩm nổi lên trong đầu, chạy rần rần
trong huyết quản và đôi khi khơi cửa tuyến lệ, thốt thành lời tán thán.*
Hoàng Quân
tên thật là Hoàng Thị Ngọc Thuý. Gia đình người Huế. Sống ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng,
Sài Gòn. Từ 1982, định cư ở Đức, tốt nghiệp ngành Chính trị Kinh Doanh. Và từ
đó công tác và làm việc trên 30 nước Á, Âu, Phi Châu.
Đa số những
truyện của Hoàng Quân nói về những ngày ở quê nhà xứ Việt, những ngày ở Đức và
về các chuyến công tác; nhiều nhất là về các chuyến đi làm việc cho các cơ quan
tài chánh.
Có nhà phê
bình (quên tên) nói rằng: Độc giả bỏ tiền ra để mua cái tưởng tượng của quý ông
quý bà nhà văn, chứ không phải để mua cái chuyện đời của quý vị. Xin đừng bê
vào sách những chuyện loại đó.
Ông nói thế e
hơi quá.
Trong văn
chương thế giới có nhiều người đã làm như thế và đã làm một cách thành công.
Văn chương Việt Nam cũng vậy. Nguyên xi hoặc một phần.
Thì mới đây
thôi, chúng ta có Nguyễn Lê Hồng Hưng trên tờ Thế Kỷ 21 những năm trước và DĐTK
ngày nay, đã cho chúng ta những truyện ngắn hấp dẫn, đầy nghệ thuật dựa trên những
chuyến hải hành khắp thế giới của ông như một đầu bếp. Chuyện thực mà được nhỏ
vào đó một chút tình: tình yêu trai gái, tình hoài hương, lòng thương đồng bào
mình và một chút chăm chút kỹ thuật thì cũng hay chẳng kém gì chuyện hoàn toàn
hư cấu. Mà thực ra chẳng có truyện nào hư cấu trăm phần trăm cũng như chẳng có
gì sinh ra từ hư vô. Gì thì gì, rưới tình vừa đủ (thế nào là đủ, mỗi tác giả
châm chước khác nhau), viết cho khéo (mỗi tác giả có một kiểu khéo riêng), thì
Tình và Kỹ sẽ nâng những sự kiện khô khan thành những trang truyện cảm động
lòng người.
Tương tự với
Hoàng Quân.
Bây giờ chúng
ta thử điểm qua một số truyện tiêu biểu trong tập truyện Bông hoa trên phím đàn (12 truyện) và Nhớ tiếng à ơi (15 truyện) và Đứng
Ngẩn Trông Vời
(không rõ bao nhiêu truyện, sẽ xuất bản năm 2018) của
Hoàng Quân.
Đề tài của những truyện ngắn trong
3 tập trên thì đa dạng nhưng tôi chỉ đề cập đến 9 truyện được xếp vào những đề
tài chính: Yêu tiếng Việt, Tình xưa, Nỗ lực vươn lên.
1.
Yêu Tiếng Việt.
§ Truyện Nhớ
tiếng à ơi, Yêu lời mẹ ru và Khu Vườn Quốc Văn
Trong truyện NTAƠ, tác giả kể về một chuyến
công tác cho ngân hàng mình, ở Istanbul, thành phố liêu trai, thơ mộng, nằm trải
dài qua hai châu Âu – Á, cách nhau bởi eo biển Bosphoros. Có một đêm là đêm
trăng.“Ngồi bên bờ sông bên này, nhìn qua
bên kia là châu Á, lục địa quê nhà tôi. Tưởng tượng nếu cứ nhắm phía đông đi miết,
là tới nhà. Trăng mười bốn sáng vằng vặc. Ánh trăng trải dài bàng bạc trên mặt
nước. Nhớ ngày xưa còn nhỏ, tôi thích chạy theo trăng. Ngước mặt nhìn trăng,
mình bước chậm, trăng kiên nhẫn đi theo, mình chạy nhanh, trăng cuống quít cho
kịp.” Quê nhà ấy có gì? Thưa có cha, có mẹ, có bạn bè, có những ngày gian
khổ nhưng cũng có những ngày hạnh phúc, những điều tuyệt diệu. Một trong những điều
tuyệt diệu đó là được học chương trình Việt văn, đệ nhất cấp (lớp 6 – lớp 9) với
những cô giáo đẹp đẽ như những bài thơ, áng văn cô dạy, những thầy giáo độc đáo,
đầy cá tính mà yêu văn chương Việt, uyên bác văn chương Việt và truyền lại cho
học sinh cái đẹp đẽ, nét thâm thuý của chữ nghĩa Việt từ ca dao cho đến Cao Bá
Quát (YLMR). Quê nhà ấy, tiếng Việt ấy lại theo Thi qua Đức, rồi đến lượt Thi lại
mớm cho con (trai) mình với những câu ca dao, những bài thơ mộc mạc về bà ngoại,
về mái trường, về quốc sử Việt và về những cái chẳng là gì cả: Con
mèo con chó có lông/ Bụi tre có mắt nồi đồng có quai; Em
tôi buồn ngủ buồn nghê/ Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà nhưng cũng có những câu về luân lý ngàn đời: “Ăn
quả nhớ kẻ trồng cây”, (nhưng bị Bê không đồng ý: ”Con ăn quả nhớ công Ba Mẹ đi chợ. Ba Mẹ trả tiền là trả công cho người
trồng cây rồi.”) (KVQV) Ôi, cái tình mẹ vất vả làm ăn nuôi con, thương yêu bú
mớm cho con, nhưng cũng cần mẫn, tha thiết biết bao truyền cho con dòng sữa tiếng
Việt!
Cho nên, không lạ gì giữa đám đông những nhà
tài chánh giỏi giang, lịch lãm Âu Châu nói tiếng Anh, tiếng Đức, nhân vật nữ
Thi bỗng thèm có người nói tiếng Việt với mình. “Quay qua bên trái nghe xuýt xoa fantastic. Quay bên phải nghe magnifique.
Tôi ngồi giữa cũng muốn buột miệng: tuyệt vời. Tôi muốn được trầm trồ trong tiếng
Việt thân yêu của mình. Bỗng dưng tôi thèm nói, thèm nghe tiếng Việt kinh khủng.”
May có xếp lớn muốn cho Thi hưởng được cái thú tha hương ngộ cố tri, nên đã
giới thiệu một kiểm soát viên dự án Pierre, người Pháp, gốc Việt nhưng khi gặp
thì:
“Tôi
nghĩ, không cần phải ngại xếp mà nói tiếng Anh với nhau, tuôn ngay một tràng:
- Chào anh Pierre. Mới
nghe xếp kể về anh đó.
Pierre bỗng lộ vẻ bối rối:
- Sorry, I cannot speak Vietnamese.”
Hụt hững, càng cô đơn hơn, cô đơn ngôn ngữ.
Nhưng, Pierre:
“- Thi ơi, come here. (…)
Đám bạn đồng nghiệp
lao nhao:
- Ơi nghĩa là gì?
Tôi chậm rãi giải
thích:
- Ơi là tiếng đệm,
tách riêng không có nghĩa cụ thể. Nhưng khi đi chung với chữ khác, nhất là với
đại danh từ, hoặc tên riêng, đôi khi lại là tất cả.
Đám đồng nghiệp cười
thích thú, kêu nhau ơi ới, Sweetheart ơi, Liebling ơi… Mặc không khí ồn ào
chung quanh, tôi ngồi im, tưởng tượng như được nghe: “Em ơi, bé ơi, cưng ơi!”
Ui chao, nếu thọ đến trăm tuổi, tôi vẫn xao xuyến tâm hồn, khi nghe những tiếng
à ơi của tiếng nước tôi.”
Yêu tiếng nước chúng ta đến thế là cùng. Xót
cho một nền văn minh với văn chương Việt đẹp đẽ đang nở rộ từ trong mái trường
thủa ấy bị bóp nghẹt bởi những giây gai chủ nghĩa. Câu nói nổi tiếng của Phạm
Quỳnh “Tiếng Việt còn, nước Việt còn” nghe như thấp thoáng trong ba truyện trên
của Hoàng Quân.
Nơi truyện YLMR người ta còn thấy người mẹ giáo
dục nhân cách con mình qua ngôn ngữ Việt và thấy cả niềm vui thấm đượm trong những
lúc dạy con như thế. Tiếng Việt và nói rộng ra văn chương Việt vốn ẩn chứa niềm
vui bởi đặc tính kỳ diệu của chúng. Ai thấy, ai nghe điều kỳ diệu mà không vui?
Người ta cảm thấy người mẹ ấy mang thời thơ ấu hạnh phúc ngôn ngữ của mình ướp
lấy đời con mình.
2.
Tình xưa
§ Truyện Mía và Phượng Xưa
(M). Bạn bè đồng nghiệp của Thi, những người
giàu có, sang trọng thao thao về những món ăn chơi, ví dụ nghệ thuật nếm rượu,
chiếm gần hết truyện. Toàn những chuyện không chút chi thơ mộng, gây chán,
nhưng khi gần cuối truyện,bất ngờ, hiện ra cái cổ tay của người con gái: Cổ tay em tròn như lóng mía, anh về thèm ngọt
hết mấy năm: Chỉ mấy dòng thôi cũng đủ mở rộng cánh cửa cho người đọc thấy
một mối tình nhỏ bé, ngọt ngào quê hương cũ. Quê nghèo. Lóng mía sao bằng những
chai rượu mắc tiền nơi khách sạn cao sang trời Tây. Vậy mà không bằng.
“Tưởng như đang ngồi
trong lớp vào những giờ chính trị nhàm chán khô khan thuở làm sinh viên ở quê
nhà. Cũng chẳng thể đổ tội cho trở ngại ngôn ngữ. Tiếng Anh, tiếng Đức tôi có rủng
rỉnh trong túi xem ra dư xài. Vậy mà tôi cứ luôn cảm thấy thiêu thiếu những điều
nào đó, thật mơ hồ nhưng rất cần thiết. Không biết làm gì, tôi đưa tay vọc vọc
dây đồng hồ.
Marcel bỗng nói:
- Cổ tay của Thi gặp vấn
đề với dây đồng hồ há!
Tôi cười cười:
- Không, ngược lại chứ.
Dây đồng hồ gặp rắc rối chứ không phải tôi.
Barbara góp chuyện:
- Cổ tay của Thi nhỏ
nhưng mà tròn. Mình thấy ngồ ngộ.
…Chợt nhớ câu thơ người
bạn xưa ngâm nga: Cổ
tay em tròn như lóng mía, anh về thèm ngọt hết mấy năm. “
(PX) Đi đâu thì đi tác giả vẫn mang theo trong
mình quê hương, mối tình quê cũ thủa học trò. Chỉ cần một tín hiệu nhỏ, tình lại
tràn về. Chàng lại hiện về, chàng học trò năm ấy. Phượng tím Nam Phi khơi ngòi
say sưa về chàng, về một thời với chàng nơi quê cũ. Viết nhiều về chàng mà
không làm người đọc không chán vì lối văn dí dỏm, tinh nghịch như thể tác giả
hoá thân thành nàng nữ sinh năm xưa ấy. Thành phố thơ mộng mà Thi phải vùi đầu
với những việc không lên quan gì tới phượng tím. Một cú điện thoại từ Việt Nam
của chàng Nguyên, Nguyên Quảng Ngãi phượng hồng, chỉ trong mấy phút (vì còn bận),
đã đưa Thi về những ngày còn đi học. Những chuyện nghịch ngợm mà trong đó đã
mai phục những hạt giống tình yêu. Làm hè Johannesburg phượng tím nhớ hạ phượng
hồng Quảng Ngãi.
Và rồi như trong bao mối tình cũ khác, ngậm
ngùi lại man mác trong từng trang truyện dù tác giả vẫn cố kìm giữ ngòi bút
mình.
“Bỗng nhiên, mắt tôi như reo lên mừng rỡ, khi thấy những tàng hoa màu
tím, như ngợp trời, điểm ít lá xanh, thật đẹp. Tôi vội đổi đề tài:
-Moffat (Mô-Phật), mấy cây hoa màu tím là hoa gì xinh quá vậy?
Mô-Phật vui vẻ:
- Jacaranda đó cô ạ. Hoa mùa hè đấy.
Tôi liên tưởng đến phượng hồng, hoa học trò của Việt Nam. Tai tôi nghe
lan man những lời cắt nghĩa của Mô-Phật. Nhưng trí tôi lại bâng khuâng, lãng
đãng đâu đâu với những câu hát… những chiếc giỏ xe chở đầy hoa
phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu… Qua
nhiều ngõ phố, những hàng phượng tím hai bên đường như chụm đầu tình tự với
nhau.”(…)
“Cảm giác mang mang, bâng khuâng, khó tả trong hồn. Hoàng hôn ở thành phố
Johannesburg của Nam Phi, lục địa xa lắc quê nhà, tôi đang chầm chậm những bước
lần qua lối xưa, tìm về ký ức của mấy chục năm trước.”
Nỗ lực vươn lên
§ Truyện Nhật
ký màu tím, Người cày có ruộng, Giấc Mơ Thực Vật và Madrid Du Học Ký
Trong nhiều truyện
của ba tập trên, mà tiêu biểu là truyện NKMT, tác giả kể nhiều về chuyện học,
chuyện chăm học, hăng hái học, học chữ nghĩa lại còn học đàn, về hai đấng sinh
thành luôn tìm cách cho con đi học dù nhà bị tịch thu, cha bị đi ”học tập cải tạo”.
Người ta cảm thấy rằng tác giả chưa ra khỏi được thủa ấu thơ khó khăn, chưa
thoát khỏi những đau khổ của cha mẹ mình phải chịu. Những ký ức ấy được cất giấu,
ướp dầu thơm và rồi khi có dịp được viết ra với tất cả trìu mến như những thánh
tích đời mình. Và
về những ngày tháng qua Đức, định cư ở Đức với lòng
ham học, nỗ lực vươn lên cho tới khi tốt nghiệp. Khi tốt nghiệp, có việc làm, rồi
mất việc, xin việc chỗ này, chỗ nọ, mệt mỏi như người tá điền đi cày lơi khơi vô
vọng và cuối cùng hân hoan như khi ông ta được phát ruộng như trong NCCR. Truyện
này được kể thật tỉ mỉ, dàn dựng khéo, đều, tạo nên tác dụng hồi hộp và cuối
cùng làm cho người đọc cũng thở phào nhẹ nhõm như nhân vật khi nhân vật Thi nhận
được việc lại.
Trong GMTV lại
là những âu lo khi có tin rỉ tai là hãng sẽ cắt bớt nhân viên. Mà cắt thật. Rồi
sao? Michelle, kiều nữ, nhân viên tài chánh giỏi giang, người Pháp, sau khi bị
mất việc, chấp nhận làm cây tầm gởi. ”Chị Thi ơi, còn điều cuối muốn nói với chị: Last but not least, em sẽ lập gia đình vào mùa xuân tới. Em sẽ
không kiếm việc làm. Vì có người tình nguyện nuôi em. Chắc chị rất ngạc nhiên hả.
Em sẽ làm cánh hoa tầm gửi, em sẽ bám vào cây đại thụ Francois.” Còn Thi, nàng cũng mệt quá rồi nhưng nàng lại không muốn làm
cây tầm gởi cho khoẻ, bám vào một cây cổ thụ cho đến mãn đời, nàng có những suy
nghĩ dẫn tới một quyết định khác, những suy nghĩ và quyết định đó chẳng qua là
một bước tiếp đương nhiên của một quá trình cố gắng học, học, học, dù bao khó
khăn ở quê nhà.
Tác giả chắc chắn không muốn làm truyện cổ võ luân lý giáo
khoa thư mà chỉ biết
kể ra như chúng đã từng xảy ra, và đã tài tình kể, kể tỉ mỉ, khi lo ra lo, khi
diễu vẫn cứ diễu được với ngòi bút của mình. Một bức tranh đa dạng về cảnh, về
lòng người, về cách ứng xử của người được vẽ ra một cách sắc sảo.
Nơi MDHK, lại là một chuyện ham học khác. Nhân vật Thi,
nhân thất nghiệp, lại được hãng tài trợ bồi dưỡng kiến thức. Thi chọn đi học tiếng
Tây Ban Nha ở Madrid. Lại là một truyện rất hay khác. Hay ở chỗ tả lại được những
người Tây Ban Nha đặc thù, những
cảnh trí ở Marid sắc nét và nhất là chuyện học tiếng TBN. Tác giả khéo trải,
khéo gắn những từ ngữ mới học vào những cảnh trí khác nhau, làm cho người đọc
xem một bức tranh thêu những mảng sống ở Madrid với những mũi thêu lăn tăn mà duyên
dáng là những từ vựng TBN mà Thi mới học được.
Nói chung về cái khéo trong truyện của Hoàng Quân là ở chỗ
điều hoà rất nhiều chi tiết vào một truyện mà không làm độc giả mệt, viết duyên
dáng, giữ chừng mực không sa đà, sướt mướt trong ngôn ngữ và tạo được sự gay cấn
cho tới kết truyện.
Về nội dung như đã nói trên đây là những hoài niệm về những
ngày tháng ở Việt Nam và về những điều đáng nhớ trong nghề nghiệp của mình.
Văn của Hoàng Quân sẽ hay hơn nữa, nếu một số đoạn được viết
gọn lại, mười câu thành hai, ba câu là đủ; nếu bớt trích thơ, trích lời ca khúc
và thay vào đó lời của chính tác giả mà kẻ viết bài này sau khi đọc ra được mạch văn của tác giả, biết chắc
chắn tác giả sẽ viết hay như các nhà thơ, các nhạc sĩ được trích dẫn, có khi hay hơn vì ai mà biết được
thần nghệ thuật sẽ dìu hồn Hoàng Quân về đâu.
Oslo, 9.1.2018
*Dựa theo
Patrick Sultan : Cours sur la critique
littéraire, internet.