Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018
Nguyễn Tường Thiết: THÔNG TÍN BẠ Chu Văn An
Một lần cách đây mấy năm tôi đến thăm một người bạn ở
tiểu bang California. Bước vào phòng khách nhà bạn tôi ngạc nhiên thấy lù lù một
đống sách to để bừa bãi trên sàn. Anh bạn vội giải thích: “Tuổi tụi mình là
tuổi vứt sách đi chứ không phải ôm sách vào người. Tôi vừa khui cái hũ sách chất
từ mất chục năm nay ở trong garage. Cả mấy trăm cuốn sách và tạp chí bây giờ
phải lo thanh toán cho hết, cho thư viện một mớ, vứt đi một mớ, ông xem có cuốn
nào thích cứ tùy tiện mang về”.
Về nhà tôi thấy ông bạn có lý. Có bao nhiêu sách báo
mình để thối trong nhà kho, trong garage từ mấy chục năm nay không ngó ngàng
tới, giữ làm gì? Bây giờ mình còn chút sức khoẻ chứ để mai mốt bệnh hoạn ai là
nguời có thể bê nổi chồng sách nặng chịch này? Thế là tôi để cả môt nửa ngày để
thu dọn chiến trường. Và bất ngờ trong đám sách báo và giấy tờ cũ tôi bắt gặp
ra hai quyển Thông Tín Bạ, một quyển học bạ Trung Học Đệ I cấp của trường Quang
Trung Đà Lạt và một quyển học bạ Trung Học Đệ II cấp của trường Chu Văn An Sài
Gòn.
Tôi cất riêng hai cuốn Thông Tín Bạ ấy ra một nơi để
lưu giữ. Vừa ngạc nhiên vừa cảm động tôi giở trang đầu tiên của cuốn Học Bạ thứ
nhất. Bức ảnh tôi chụp năm học lớp Đệ Lục trông trẻ măng bên cạnh hàng chữ:
- Họ và tên học sinh: Nguyễn Tường Thiết
- Ngày sinh: 23 tháng 10 năm 1940
- Nơi sinh: Hà Nội
- Tên cha: Nguyễn Tường Tam
- Tên mẹ: Phạm Thị Liên
- Nghề nghiệp của cha mẹ: Văn sĩ
- Điạ chỉ của cha mẹ: 27 Phan đình Phùng Đà Lạt
Tôi giở từng trang hai cuốn Thông Tín Bạ trong đó ghi
tôi học lớp Đệ Lục (niên khoá 1955-56), Đệ Ngũ (niên khoá 1956-57) tại trường
Quang Trung Đà Lạt, và lớp Đệ Tứ (niên khoá 1957-58), Đệ Nhất (niên khoá
1959-60) tại trường Chu Văn An Sài Gòn.
Như vậy là sau lớp Đệ Ngũ tôi rời thành phố Đà Lạt về
Sài Gòn và xin chuyển về trường trung học Chu Văn An theo học lớp Đệ Tứ.
Trong hai cuốn Thông Tín Bạ mỗi niên khoá đều có ghi
điểm các bài thi Đệ I và Đệ II Lục Cá Nguyệt, với chữ ký kiểm nhận của phụ
huynh học sinh: Nhất Linh
Chính vì những chữ ký mang tên Nhất Linh này mà ngày
nay hai cuốn Thông Tín Bạ ấy trở nên vô giá đối với tôi.
*
Vào một buổi sáng mùa hè năm 1957, từ nhà tôi ở số 39
chợ An Đông tôi cuốc bộ đến trường trung học Chu Văn An, mang theo cuốn Thông
Tín Bạ của trường Quang Trung và đơn xin chuyển trường của ông cụ tôi. Ông cụ
dặn tôi phải gặp và đích thân trao tờ đơn cho ông hiệu trưởng Trần Văn Việt.
Thủa ấy tôi đã nghe nói đến ngôi trường danh tiếng này
nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nó tận mắt mặc dù biết là trường tọa lạc ở phiá
sau trường Petrus Ký không xa nhà tôi lắm. Từ nhà, tôi bước qua hồ tắm An Đông,
theo đường Hồng Bàng về hướng bùng binh Lý Thái Tổ. Khoảng một cây số, tôi rẽ
phải đường Trần Bình Trọng, rồi tức khắc băng ngang đường rẽ vào một đường hẻm
không có tên dẫn đến trường Chu Văn An. Tôi nhớ bên trái con hẻm này là một dẫy
nhà tôn, thấp, trước nhà có hàng cây dâm bụt mùa hè trổ hoa đỏ. Bên phải là một
sân banh khá rộng. Phía sau sân banh là một dẫy nhà rộng, một từng, lợp tôn.
Tôi nghe nói hình như đó là lớp học tạm dành cho nữ sinh lớp Đệ Nhất trường trung
học Trưng Vương, vì hồi đó cơ sở của trường này chưa hoàn tất.
Ở cuối đường hẻm này rẽ phải là trường Chu Văn An, rẽ
trái là Thư Viện Quốc Gia. Ngôi trường rộng ba từng quét vôi vàng. Thư viện và
ngôi trường nấp dưới bóng mát của nhiều cây đại thụ. Thật ra trường Chu Văn An
lúc đó là mượn tạm một phần cơ sở của trường trung học Petrus Ký.
Tôi nhìn ngôi
trường tương lai của mình mà lòng hồi hộp. Thú thật với các bạn hồi đó tôi thấy
ông hiệu trưởng Trần Văn Việt “to” lắm, “to” hơn ông cụ tôi nhiều. Vừa khớp vì
sắp sửa gặp ông lại vừa sợ làm ông phật ý. Chỉ vì cái tờ đơn do ông cụ tôi thảo
là một cái tờ đơn không giống ai. Hồi đó tôi đinh ninh rằng tất cả các đơn từ
đều phải theo một mẫu nhất định và phải viết một cách trịnh trọng. Mẫu đơn phải
là tờ giấy lớn, kẻ ô, với nhập đề đã thành khuôn mẫu: “Kính Gửi Ông Hiệu Trưởng..”.
Đằng này ông cụ tôi viết đơn trên một tờ giấy nhỏ, mỏng, kiểu như người ta viết
thư thường: “Thân gửi anh Trần Văn Việt”. Vì hồi đó tôi không biết ông Việt là
bạn của ông cụ nên tôi thấy cách nhập đề này có hơi “hỗn sược”. Rồi ở cuối tờ
đơn, trước chữ ký Nhất Linh, ông cụ chua địa chỉ của mình:
- THANH NGỌC ĐÌNH
- Suối Đa Mê. Cây số 27 Quốc Lộ số 1
- Xã Fim-Nôm, làng Phú Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng
Sau đó ông cụ lại vẽ căn nhà mang tên Thanh Ngọc Đình
với dòng suối Đa Mê ở đằng sau! Tôi hơi ngượng vì chưa bao giờ thấy một tờ đơn nào
có vẽ hình kỳ cục như thế.
Nhưng bây giờ nghĩ lại tôi tin rằng ông Việt quý tờ
đơn ấy lắm và chắc hẳn là ông đã cất giữ riêng làm kỷ niệm, chứ không lưu nó
trong hồ sơ học bạ của học sinh như cả ngàn các hồ sơ khác.
*
Ở một trang của cuốn Thông Tín Bạ Chu Văn An có ghi điểm
các bài thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt của lớp Đệ Tứ B1. Điểm số trung bình của tôi
là 12,45 và được xếp hạng thứ 11 trong số 61 học sinh của lớp. Môn học kém của tôi là môn Toán, xếp hạng 24, với lời phê
của giáo sư Quang Phong: “Học đều, chăm chỉ”. Môn khá nhất là môn Việt văn, xếp
hạng 1, với lời phê của giáo sư Lưu Trung Khảo: “ Rất xuất sắc. Tấn bộ nhiều.
Chăm chỉ, đứng đắn. Đáng khen.” Ở cuối trang có chữ ký Nhất Linh của ông cụ
tôi.
Nhìn trang Thông Tín Bạ này tôi nghĩ ngay đến một đoạn
văn tôi viết về kỷ niệm của tôi thời học lớp Đệ Tứ B1 với thầy Lưu Trung Khảo. Xin
ghi lại nguyên đoạn văn này trích trong hồi ký nhan đề “Mưa Đêm Cuối Năm” viết
về kỷ niệm của tôi với nhà văn Võ Phiến:
1958 – Bút danh Võ Phiến tôi nghe đầu tiên từ cửa
miệng thầy giáo tôi. Trong một chuyến du ngoạn ở Tây Ninh mười bẩy năm trước
đó. Năm ấy tôi học lớp Đệ Tứ trường trung học Chu Văn An Sài Gòn. Cái tuổi còn
mộng mơ. Giờ học tôi thường lơ đãng nhìn ngoài cửa sổ có cây phượng đại thụ
thòng xuống chi chít những quả đen dài queo quắt. Nhưng vị thầy trẻ tuổi dậy
môn Việt văn của chúng tôi lại cứ bắt tôi về với thực tế. Thực tế lại không hay
ho gì lắm. Những ngày hè nóng bức từ nhà xí sát cạnh lớp một mùi khai thoảng
nhẹ qua hoà vào những lời giảng thơ văn của thầy. Biết tôi là con một nhà văn
tên tuổi, thầy cứ chắc mẩm là tôi phải xuất sắc về môn học của mình. Thầy không
để tôi yên. Bình giảng thơ Nguyễn Công Trứ xong thầy cho chúng tôi 20 phút viết
phần dẫn nhập bài luận đề, thầy nói là sau đó thầy sẽ kêu tên một hai trò trong
lớp đọc to cho cả lớp nghe và cho điểm. Nói xong thầy liếc xéo về phía tôi. Tự
nhên tôi có linh cảm chắc chắn thầy sẽ kêu tên mình. Thế là trong lúc hai thằng
bạn chung bàn Đỗ Diễn Nhi và Tạ Huy Sáng ngồi thoải mái thì tôi hốt hoảng nặn
bút viết. Mà viết phải cho hay để khỏi mất mặt ông cụ. Tôi nhớ là mình mới đọc
có dăm câu: “Ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang trong nền thi giới nước ta...”
tức thì ở dưới “đám nhà lá” đã có tiếng trầm trồ khen hay! Cái đám vờ vĩnh đó
chúng khen xúi tôi để lần tới thầy lại tiếp tục gọi tên tôi nữa.
Cuối niên học, thầy Việt văn của chúng tôi hướng dẫn
lớp Đệ Tứ B1 đi du ngoạn Tây Ninh. Chúng tôi lên đầy một xe buýt. Đến Tây Ninh chúng tôi leo núi Bà Đen và thăm
thánh thất Cao Đài. Đó là chuyến du ngoạn duy nhất trong đời học sinh của tôi.
Ngày hôm ấy theo lịch trình thì xe buýt phải quay lại đón chúng tôi lúc hai giờ
trưa để về Sài Gòn nhưng không biết sao đến ba giờ cũng chưa thấy xe tới. Buổi
trưa trời hè nóng gay gắt. Tôi mệt đừ ngồi bệt xuống vỉa hè đường dưới bóng mát
hiếm hoi của hàng cây sao cao vút. Trên một khúc đường rộng đâm thẳng vào tòa
thánh thất mấy chục học sinh với đồng phục quần xanh áo trắng đứng ngồi tản mạn
từng đám. Bỗng thầy Việt văn lại gần, thầy ngồi xổm nói chuyện với tôi. Chúng
tôi nói về sinh hoạt văn nghệ. Hồi đó ông cụ tôi đang chủ trương nguyệt san Văn
Hóa Ngày Nay. Trong câu chuyện thầy vụt hỏi tôi: “Em đã đọc Mưa Đêm Cuối Năm
chưa?”. Tôi trả lời thầy là tôi chưa đọc. Thầy nói: “Em nên tìm đọc. Võ Phiến
viết hay lắm!”. Võ Phiến? Cái tên lạ hoắc!
*
Như trên đã nói tôi chỉ học có hai lớp ở trường Chu
Văn An: lớp Đệ Tứ B1 (niên khóa 1957-1958) và lớp Đệ Nhất B2 (niên khóa
1959-1960).
Như vậy thì lớp Đệ Tam và Đệ Nhị tôi học ở đâu?
Xin thưa: Tôi học nhẩy.
Hồi ấy đám học sinh chúng tôi có hai lối học nhẩy: một
là sau khi đậu bằng Trung Học Đệ I cấp, ban ngày tiếp tục học Đệ Tam Chu Văn An,
buổi tối học thêm Đệ Nhị để luyện thi Tú Tài I. Cách này an toàn vì không phải
bỏ trường. Tôi không theo cách ấy vì thấy trong một niên khóa mà học cả hai lớp
coi bộ vất vả quá. Tôi quyết định bỏ luôn trường Chu Văn An. Ra ngoài tôi theo
học Đệ Nhị trường tư thục Hoàng Việt ở đường Phan Đình Phùng.
Sở dĩ tôi học nhẩy vì tôi bị chê là dốt!
Tôi nhớ mãi mẩu đối thoại sau đây của một thằng bạn
cùng lớp Đệ Tứ. Năm 1958 tôi 18 tuổi. Biết tuổi tôi thằng bạn nhìn tôi bằng nửa
con mắt, hỏi: “18 tuổi sao mới học Đệ Tứ?” Tôi chống chế đổ lỗi tại phải tản cư
mất đi mấy năm học. Hắn nói: “Thôi đi cha nội! Dốt thì nói đại là dốt đi, bầy
đặt tản cư! Tản cư thì cả nước ai mà chẳng tản cư!”. Tuy tức nhưng tôi thấy hắn
có lý. Trong lớp Đệ Tứ có thiếu gì những thằng thua tôi 3, 4 tuổi. Một người em
họ tôi tên là Lê Mạnh Cương sinh năm 1944 mà học ngang lớp với tôi, vậy thì
đúng là mình dốt chứ còn gì?
Tuy lúc đó tôi không nói gì nhưng trong bụng tôi quyết
chí phải đậu Tú Tài trước nó. Nghĩ đến chuyện mình sẽ vào lại Chu Văn An học
lớp Đệ Nhất trong khi nó còn lẹt đẹt ở lớp Đệ Nhị mà trong bụng khoái trá.
Bây giờ cả tôi lẫn nó đều bước qua tuổi thất thập cổ
lai hy từ lâu, nghĩ lại chuyện cũ tôi thấy mình trẻ con quá! Nhưng đó là một
trong cả ngàn cái trẻ con mà bây giờ già rồi nghĩ lại tôi thấy chính nó làm nên
vẻ dễ thương và đáng yêu của tuổi trẻ.
*
Mùa hè năm nay tôi nhận được email từ nhóm bạn Chu Văn
An cho biết là nhóm sẽ thực hiện một tờ Đặc San CVA 57-60, dự trù phát hành vào
khoảng Tết Mậu Tuất sắp tới. Các anh kêu gọi đóng góp bài vở. Tôi nghĩ lứa CVA
57-60 bây giờ cũng đều trên 70 tuổi cả rồi, ra tờ đặc san lưu niệm là một ý
kiến hay và rất có thể đây là tờ đặc san CVA chót của nhóm, nên tôi cũng muốn
đóng góp một bài cho vui.
Tôi chọn ngay đề tài viết là cái Thông Tín Bạ Chu Văn
An mà tôi hiện có trong tay bởi một lý do duy nhất: tôi nghĩ tôi là một trong
số người rất hiếm hoi có được quyển Thông Tín Bạ này. Sau hơn nửa thế kỷ, trải
qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc mà bây giờ còn giữ được cái chứng tích
rõ ràng nhất của ngôi trường xưa là cái Thông Tín Bạ đã cũ nát, hiển nhiên đây là
một tài liệu rất hiếm quý.
Anh Lê Tất Luyện, một người bạn cùng lớp với tôi lớp
Đệ Tứ CVA, trong một bài viết về Lịch sử trường Chu Văn An có đăng hình bìa cái
Thông Tín Bạ của nhà trường. Anh Luyện là người đi du học bên Pháp từ lâu trước
năm 1975, sự kiện anh mang theo được cái Thông Tín Bạ sang Pháp và giữ nó được
cho tới nay là chuyện không lấy gì làm lạ vì Thông Tín Bạ có thể là một trong
số các hồ sơ phải nộp để có đủ điều kiện du học.
Nhưng tôi, không du học, mà chạy thoát khỏi Sài Gòn vào
đúng cái ngày tan hoang của đất nước 30 tháng Tư năm 1975. Trong cơn hốt hoảng và
khẩn cấp ấy chắc chắn tôi không có tâm và thì giờ đâu mà nghĩ tới việc ôm theo
mấy quyển Thông Tín Bạ, nhất là trong khi đó cần biết bao nhiêu thứ khác quan
trọng hơn nhiều phải mang theo.
Vì vậy câu hỏi tại sao hai quyển Thông Tín Bạ trường
Quang Trung Đà Lạt và trường Chu Văn An Sài Gòn lại nằm trong đống giấy tờ trong
cái garage nhà tôi từ hơn 40 chục năm nay với tôi bây giờ vẫn còn là một bí ẩn
chưa có lời giải đáp.
Nguyễn Tường ThiếtSeattle, mùa
Thu năm 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét