Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018
Trần Doãn Nho: Tạp ghi tháng hai: Muốn quên, nhưng không thể quên!
Nguyễn Quý Ðức: Năm mươi năm sau nhìn lại…
Đó là tựa đề một bài viết của Nguyễn Quý Đức đăng trên tạp chí Smithsonian (Washington DC) số tháng 1&2/2018, nguyên văn, “Revisiting Vietnam 50 Years After the Tet Offensive” (Nhìn lại Việt Nam 50 năm sau Cuộc Tổng Tấn Công Tết).[1] Qua bài viết, Đức kể lại câu chuyện gia đình trong bối cảnh của một cuộc vi phạm thỏa ước ngừng bắn trắng trợn nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đưa đến một vụ thảm sát lớn nhất trong lịch sử dân tộc: thảm sát Mậu Thân.
Đó là tựa đề một bài viết của Nguyễn Quý Đức đăng trên tạp chí Smithsonian (Washington DC) số tháng 1&2/2018, nguyên văn, “Revisiting Vietnam 50 Years After the Tet Offensive” (Nhìn lại Việt Nam 50 năm sau Cuộc Tổng Tấn Công Tết).[1] Qua bài viết, Đức kể lại câu chuyện gia đình trong bối cảnh của một cuộc vi phạm thỏa ước ngừng bắn trắng trợn nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đưa đến một vụ thảm sát lớn nhất trong lịch sử dân tộc: thảm sát Mậu Thân.
Nguyễn Quý Đức là con của một
công chức cao cấp của VNCH. Tết năm 1968, gia đình anh từ Đà Nẳng ra Huế ăn Tết.
Lúc đó, anh mới chỉ là cậu bé 9 tuổi. Cậu bé Đức chứng kiến cảnh bộ đội vào nhà
khách nơi gia đình ở, bắt cha cậu. “Tôi
leo lên giường và cố nhìn ra ngoài. Đám lính bộ đội đã bắt những người đàn ông
sắp thành hàng và trói khuỷu tay họ sau lưng. Một lúc sau, họ dẫn giải những
người đàn ông đi. Tôi nhìn thấy cha tôi trong đó.” Sau khi Cộng quân rút
lui, gia đình Đức trở lại Đà Nẵng, sống một cơn khủng khoảng nặng nề: không
cách gì tìm ra tông tích của người cha, cũng không biết ông sống chết ra sao.
Khi nghe tin khai quật những bãi chôn tập thể, mẹ Đức về Huế mong tìm xác chồng,
nhưng bà quá “khiếp hãi khi nhìn thấy những
thây ma thối rữa và đầy thương tật,” nên không trở lại nữa. Cậu bé Đức “lớn lên không hẳn như một đứa trẻ mồ côi:
Trong khi những gia đình khác đã chôn cất người thân của họ, lập bàn thờ và đã
phần nào khép lại nỗi buồn, thì gia đình tôi vẫn sống trong nỗi đau thầm không
giấu giếm này (open secret).”
Mãi đến 5 năm sau khi hiệp định
Paris được ký kết và hai bên trao trả tù binh, gia đình anh mới biết tin là cha
còn sống nhưng bị đày ải ở một trại tù nào rất xa ở vùng biên giới Trung Quốc.
Ông được thả về năm 1980 và được cho phép qua Hoa Kỳ định cư. Gặp lại nhau sau
16 năm xa cách, hai cha con nói chuyện với nhau về quá khứ, nhưng “không bao giờ nói về năm 1968” vì điều đó
quá nặng nề. Ông đọc sách, xem phim và cho in một tập thơ mà ông đã làm khi bị
giam cầm, với một nhóm từ được dùng như lời đề tựa: “Tôi đau khổ, vậy tôi hiện
hữu” (I suffer, therefore I am). Sáu năm khi ông mất vào năm 2000, Nguyễn Quý Đức,
có lẽ để hòa giải với chính mình, nên về kinh doanh tại Hà Nội, nơi mà những kẻ
bắt cha anh đã chỉ huy cuộc chiến. Dù đau đớn, nhưng câu chuyện gia đình anh có
lẽ là một câu chuyện may mắn nhất, “có hậu” nhất của một gia đình có nạn nhân bị
Cộng Sản bắt năm 1968.
Nhìn lại thời kỳ đó, Nguyễn Quý
Đức cho rằng cuộc chiến tranh vừa qua là chiến tranh Mỹ và Chiến Tranh Lạnh đã
góp phần lớn tạo nên nó. Nhưng,
“cuộc Tổng Tấn Công Tết và 1968 là
cuộc chiến của chúng ta: Người Việt chúng ta đã giết lẫn nhau.”Ấy thế mà ở
Việt Nam hiện nay, biến cố 1968 được mô tả như một chiến công anh hùng, và bộ
máy tuyên truyền nhà nước cứ vài năm một lần vẫn cứ tiếp tục tăng tốc ca ngợi
nó. “Nhưng về cuộc tàn sát hàng ngàn người
dân Huế thì sao? Không một lời,” theo anh. Huế bây giờ rất nhiều khách du lịch.
Họ viếng thăm lăng tẩm, hoàng thành, đền đài miếu mạo. “Hướng dẫn viên du lịch nói với họ về quá khứ, nhưng họ làm như không biết
những lỗ đạn chọc thủng những bức tường thành
bên trong Hoàng Thành và ở khắp nơi. Không có du khách nào được dẫn đi xem những
khu mộ tàn sát tập thể y như họ được dẫn đi thăm những “cánh đồng chết”nổi tiếng
của Khmer Đỏ ở Cam Bốt.” Đã 50 năm rồi, trong khi cuộc thảm sát Mậu Thân
không thể thoát khỏi ký ức của anh và của người dân Huế, thì vẫn bị nhà nước Cộng
Sản che giấu, mà anh gọi là một “sự im lặng
toàn quốc về biến cố 1968” (The national silence about 1968) và tự hỏi chẳng
biết bao giờ sự im lặng đó mới được giở bỏ.
Mấy năm trước đây, theo Nguyễn
QuýĐức, một nhóm phóng viên truyền hình Pháp-Đức đến nhà anh ở Hà Nội để phỏng
vấn về tình hình hậu chiến ở Việt Nam, đi kèm có một viên chức của bộ ngoại
giao Việt Nam. Khi câu chuyện đề cập đến những vấn đề liên quan đến vụ Tổng Tấn
Công Tết, thì viên chức đó ngắt lời, cấm không được bàn về đề tài này, thậm chí
không được nhắc đến, nếu không bà ta sẽ không cho phép cuộc phỏng vấn được tiếp
tục. Anh tức giận nhưng cố gắng thương lượng với bà. Cuối cùng, anh cũng được
trao đổi đôi điều với nhóm truyền hình. Nhưng cuộc phỏng vấn ấy không hề được
chiếu ở bất cứ đâu ở Việt Nam. Hoàn toàn im lặng.
Nguyễn QuýĐức không im lặng.
Anh viết. Thay vì viết để “vinh danh một
phiên bản lịch sử do những người còn sống, những người chiến thắng viết,”
như bà nhân viên bộ ngoại giao muốn, anh viết lên là để “vinh danh những người đã chết và tưởng niệm họ,” như lời khuyên của
một nhà văn quen, Bảo Ninh.
Năm mươi năm nhìn lại, làm sao
quên:
Lắng nghe: trong chòm
lá, tiếng gió
Quanh đây còn tiếng oan hồn nỉ non,
Quanh đây còn tiếng oan hồn nỉ non.
Em học cách cầu nguyện
với những hạt tràng thơm. Anh vẫn sống
với mùi hương nhang
đốt trong một ngàn tang lễ
hè năm đó ở Huế.
(Ngôn từ/thơ Nguyễn Quý Đức)[2]
Lá cờ
Nguyễn Quý Đức ở phía nam sông
Hương. Tôi ở phía bắc sông Hương, trong Thành Nội. Tôi rủi hơn Nguyễn Quý Đức,
và cũng may hơn anh vì bị/ và được ở trong… khu chiến trường. Sáng mồng 2 Tết,
sau một đêm kinh hoàng vì nghe tiếng súng nổ vang rền khắp nơi và tiếng hô xung
phong từ cửa thành (cửa Hữu), tôi thức dậy, vô cùng hoang mang. Mở cửa bước ra
ngoài, đứng ở góc vườn trước nhà, nhìn về hướng đông, tôi thực sự kinh hoàng.
Khuất sau mấy đọt tre, trên ngọn Kỳ Đài vươn cao trong bầu trời thấp xám, là lá
cờ! Không phải là lá cờ thân quen vẫn nhìn thấy hàng ngày mà là một lá cờ lạ, lạ
hoắc: cờ Mặt Trận Giải Phóng.
Thôi rồi, Việt Cộng đã chiếm Huế!
Lá cờ không tung bay theo gió mà vướng víu
quanh cột cờ, rủ xuống,
thảm hại. Như cờ tang. Vì trời không có gió? Vì vướng víu cái gì? Không rõ. Suốt
hai mươi sáu ngày trên ngọn Kỳ Đài, lá cờ vẫn như thế, ủ rũ. Bầu trời mênh
mông, nặng, tủi hờn. Mùa xuân thảng thốt, vỡ. Lá cờ làm cho cái không khí vốn
đã ảm đạm, lại còn tan tác, ảm đạm thêm.
Tôi bước đikhông thấy phố, không thấy
nhàchỉ thấy mưa sa trên màu
cờ đỏđất nước khó khăn này
sao không thấm được vào thơ
Lời
thơ của Trần Dần mô tả cảnh quan đâu đó ở miền Bắc (hay chỉ là cách nói hình tượng
của nhà thơ), đột nhiên trở thành hiện thực một cách lạ lùng: cờ đỏ ở Huế!
Huế không phố, không nhà. Không nắng, không
trăng, không hoa, không mứt bánh, không hột dưa, không tổ tiên, ông bà, không
truyền thống. Không gì cả. Không có tiếng cười, đã hẳn - mà tiếng khóc cũng
không. Chỉ có tiếng súng nổ và một sự lặng lẽ đến rợn người. Huế rơi vào trạng
thái âm bản. Người người đi đi, đứng đứng như
những bóng ma. Chợt gặp nhau, ai cũng tưởng ai đang từ cõi chết trở về.
Mây, một khối màu chì đông cứng trên bầu trời xám đặc. Lạnh. Mưa, thỉnh thoảng, nhỏ, hãi sợ. Cỏ cây
rưng rưng. Uất, nghẹn. Ngoài tiếng súng, thành phố mất đi tiếng động cuộc đời. Mọi
thứ thin thít im, tự thu mình vào bên trong, khe khẽ, rón rén, ngập ngừng. Không
ai giúp gì được ai. Mình cũng chẳng giúp gì được chính mình. Sợ. Nỗi sợ còn ghê
gớm hơn cả cái chết.
May và rủi
Khu vực tôi ở nằm phía tây nam Thành Nội, chỉ
có bộ đội chính quy, toàn là dân Bắc, lo canh gác, đào hầm đào hố sẵn sàng chiến
đấu. Anh cả tôi, cảnh sát, tôi và hai người lính tiểu khu thuộc một đơn vị gác
cửa thành bị Cộng quân đánh bật khuya mồng Một, trốn trong nhà, thấp thỏm đứng,
ngồi, lòng như lửa đốt. Cái lạ là, đám lính bộ đội chỉ ở bên ngoài, không ai vào
nhà dân. Hôm sau, thấy êm êm, hai người lính xin hai bộ áo quần dân sự, luồn
lách qua các vườn cây, trốn đi. Anh tôi và tôi cũng không dám ở trong nhà. Đêm,
đi ngủ nhà khác, ngày, tạt về nhà ăn vội ăn vàng rồi lại đi, loanh quanh nơi mấy
nhà bà con, nghe ngóng. Không khí lạnh ngắt. Đường vắng tanh. Thỉnh thoảng, có
vài bộ đội gánh thương binh đi ngang. Đến mồng Bốn, đạn pháo hai bên vang rền
đây đó, khi ngày, lúc đêm, khi nhiều lúc ít. Không có hầm, cả nhà chui đại xuống
giường, phản ẩn nấp, vừa niệm Phật vừa run. Hết tiếng nổ, chui ra. Đợi yên, lẻn
qua nhà bên, hỏi han. Nghe chị Dách nhà phía bên kia đường bị miểng đạn văng
khi đi tiểu, chết. Nghe xóm sau, nhiều người trong một gia đình mới đến ngụ cư
bị thương vì pháo rơi ngay cửa hầm. Nghe dưới khu cống Vĩnh Lợi cũng có người
chết. Nghe phía sau hồ Xã Tắc có người bị thương. Cứ thế…, ngày nào cũng nghe
tin xấu. Nhưng nhà ai nấy lo, sụt sùi, lặng lẽ, câm nín.
Rủi, nhưng sau này mới biết là may. Đang là
chiến trường tranh chấp, nên không có du kích địa phương, không có bóng dáng của
các thành phần sinh viên học sinh nhảy núi trở về. Chưa có chuyện lùng sục, mời
đi làm việc hay trình diện để rồi…vĩnh viễn nằm trong những hố chôn tập thể.
Một
tuần sau, buổi sáng, bỗng nghe tiếng loa từ khu Quân Cụ, cách nhà chừng ba, bốn
cây số, vang lên. Thì ra, quân đội VNCH còn giữ được đồn Mang Cá, khu Tịnh Tâm,
phi trường Thành Nội, khu Tây Linh, khu chợ Cầu Kho, tất cả khoảng một phần tư
khu vực nội thành. Thế là, cả nhà vội vàng dắt díu nhau băng từ vườn nhà này
qua vườn nhà khác, đạn pháo, mặc, súng nổ, mặc. Nấp, chun, lủi, bước, chạy hướng
về phía có tiếng loa. Vừa đến khu hồ Tịnh Tâm, thấy bóng những người lính VNCH canh
gác chỗ này chỗ nọ, vẫy tay giục chúng tôi đi tiếp, mừng, thấy mình sống lại. Gia
đình tôi ở tạm trong nhà một người quen. Dân ở các vùng khác trong Thành Nội cũng
tìm cách thoát về đây. Cư dân Cầu Kho, Mang Cá hào phóng tiếp nhận hết, lạ cũng
như quen. Nhà nào cũng đầy người. Chia xẻ nhau cái ăn, cái mặc, không ai tiếc
ai cái gì.
Vài
ngày sau, trong lúc lang thang giữa một con đường hẻm gần hồ Tịnh Tâm, tôi tình
cờ gặp người bạn học thân từ cửa Đông Ba vừa chạy lên. Anh bạn đứng sửng nhìn
tôi, hỏi:
-
Mày còn đó à? Có phải mày là T. không?
-
Ừ, tau đây chứ còn ai. Đúng mày là U. phải không?
-
Tau đây. Vậy mà tau tưởng mày là ma hiện về.
Ở vùng tau, tụi nó về, đi kiếm mày quá trời. Thằng S. ép tau phải chỉ
nhà mày cho được. Kẹt quá, tau tìm đường tẩu.
Hai
đứa ôm nhau, im lặng tận hưởng niềm vui của những người sống sót.
Suốt thời gian chiến sự, trong lúc các trận
đánh ác liệt diễn ra cách đó không bao xa (ở Đại Nội, cửa Thượng Tứ, cửa Đông
Ba, khu Tây Lộc, khu Tri Vụ), ở đây chợ vẫn mở, quán cà phê vẫn mở, mua mua bán
bán. Khi có bất cứ đơn vị quân đội VNCH hay quân đội Mỹ từ trong đồn Mang Cá tiến
ra đi hành quân giải tỏa, là dân lại ùa ra, chào đón, hỏi han, cổ võ. Dẫu vậy,
tình hình vẫn rất căng thẳng. Việt Cộng pháo kích thường xuyên, thỉnh thoảng rơi
vào nhà dân, khiến nhiều người chết thảm. Anh Thọ, bạn tôi, mất một lần cả mẹ và
em gái khi đạn pháo 22 ly của Cộng Sản rơi ngay ngôi nhà tạm trú, giết hơn chục
người; anh Tuệ, cũng bạn tôi, mất người vợ trẻ mới cưới hơn năm vừa có con đầu
lòng, vì trúng đạn khi chị đang đi bộ trên một con đường hẻm. Không biết làm gì
hơn, thân nhân đành bó chiếu chôn cất người thân bên vệ đường và dọc theo bờ hồ
Tịnh Tâm.
Khu Mang Cá và chợ Cầu Kho bỗng nhiên hình
thành một Huế khác, bấp bênh, căng thẳng,hy vọng và chờ đợi.
Cho đến cuối tháng Giêng.
Về nhà
Vừa mới nghe đài phát thanh
loan tin Việt Cộng rút đi, trong lúc ai cũng đang chờ lệnh, tôi nóng ruột, vội
vàng cùng bà chị trở về thăm nhà. Đường còn vắng tanh. Khi đến đường Lê Huân, cách
nhà chừng hai cây số, thấy có xác bộ đội. Từ đó trở lên phía thành, nhất là trên
các con đường quanh quanh phường Tri Vụ, Thuận Cát, khu Cầu Đất, khu cống Vĩnh
Lợi, vùng Tây Lộc, khu phi trường, vân vân, nơi diễn ra những trận đánh vô cùng
ác liệt, xác bộ đội nằm rải rác khắp nơi, chỗ một, hai xác, chỗ thì mười, mười
mấy xác nằm vắt lên nhau. Có đến hàng trăm. Nhiều xác đã trương phình. Mùi hôi
bốc lên nghẹt thở. Hai chị em nhắm mắt, bịt mũi mà đi. Ngay trước cửa ngõ nhà tôi,
3, 4 xác bộ đội nằm vắt vẻo bên hàng chìa tàu. May mà trong vườn cũng như trong
nhà, không thấy có xác nào. Những đứa con miền Bắc nằm lại trên những con đường
xa lạ xứ Huế, trông khuôn mặt ai cũng còn rất trẻ.
Vào lúc cuối đời, Chế Lan Viên,
nhà thơ suốt đời trung kiên với đảng Cộng Sản, viết:
Mậu Thân 2000 người
xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi.
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ…
Ca tụng người không tiếc
mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười (Ai? Tôi)[3]
Chế Lan Viên chỉ nói về bi kịch bộ
đội, không hề biết đến bi kịch Huế! Nhưng dù sao, so với những người nhảy núi
trở về Huế tìm cách chối là mình không hề cầm súng bắn giết một ai, chỉ đọc
tuyên ngôn và làm công tác dân vận, Chế Lan Viên cũng còn “nhất điểm lương
tâm”, nhận phần trách nhiệm về mình. Thảm sát Mậu Thân phải xuất phát từ một Chính
Sách và chính sách được thi hành bởi một “Guồng Máy”. Ai ở trong guồng máy thì
phải quay đều quay đều, gánh lấy trách nhiệm, dù có cầm súng giết người hay
không, không thể phủi tay đổ lỗi cho người khác.[4]
Hầu hết khu vực tôi, nhà cửa,
vườn tược tan hoang. Căn nhà tôi bị phá hủy hoàn toàn, vết đạn lỗ chỗ khắp nơi.
Cây cối trong vườn bị bom đạn cày xới tơi tả. Hai cây nhãn cổ thụ trái rất ngon
vốn là một nguồn lợi mà mẹ tôi dùng để nuôi tôi đi học, trốc gốc, cành nhánh gãy
đổ bịt hết lối đi. Hầm hố khắp nơi trong vuờn, kể cả một cái hầm dài đào dọc
theo và xuyên dưới thềm nhà.
Vừa bước vào thềm, đang ngậm ngùi
nhìn đống gạch vụn, chợt một tiếng hô lớn vang lên,“Đứng lại, giơ tay lên.” Tôi
rụng rời tay chân, đứng sững, run rẩy đưa hai tay lên trời. Từ sau bức tường nhà
đổ nát, hai lính Thủy Quân Lục Chiến xuất hiện. Hoàn hồn, thế mà cứ tưởng là Việt
Cộng! Họ chĩa súng vào hai chị em, mặt mày căng thẳng. Một người tiến lại, “Đứng
yên, không được nhúc nhích.” Anh ta sờ nắn khắp người tôi, rồi bảo, “Xắn quần lên,
cởi dép ra.” Tôi làm theo. Anh ta xem kỹ ống chân và bàn chân tôi. Sau đó, hỏi,
giọng hơi có chút thân thiện:
Ở đâu đến, vào đây làm gì?
Dạ, đây là nhà tôi. Chúng tôi lánh
nạn ở Mang Cá, nghe tin Việt Cộng rút đi, nên vội về xem nhà cửa ra sao.
Chắc không?
Dạ chắc.
Trước làm gì?
Sinh viên.
Lại sinh viên, sinh viên! Còn đây
là ai?
Dạ, chị ruột.
Giấy tờ đâu, đưa xem.
Chúng tôi đưa giấy căn cước.
Xem xong, người lính bảo:
Được, tôi tin cậu. Chân này không
phải là chân đi dép râu. May cho cậu đấy, lớ xớ gặp người khác là đi đời. Đây vẫn
còn là vùng chiến trường, chưa được phép vào, biết chưa? Bọn du kích và bọn
sinh viên học sinh nằm vùng vẫn còn lẩn quất đâu đây, phải thanh toán trước khi
cho đồng bào về nhà.
Hú hồn! Hai chị em chỉ biết lí
nhí cám ơn rồi vội vàng rời nhà, lòng vẫn chưa nguôi kinh khiếp.
*
Quân Cộng Sản rút đi rồi, để lại
một Huế ngổn ngang, tang thương, rách nát. Thành quách tan hoang, người người ngơ
ngác. Người gặp người mà vẫn tưởng như đang còn ở trong giấc mơ. Dắt díu nhau từ
chỗ tạm trú về nhà cũ, biết là còn sống, biết là mình may mắn, nhưng cõi lòng
ai cũng vỡ nát, vụn vằn, đờ đẫn. Những câu hỏi ném vào nhau, thổn thức. Ai còn?
Ai mất? Chồng đâu? Con đâu? Chị đâu? Em đâu? Bạn đâu? Thầy đâu? Học trò đâu?
Chao ôi, Huế đã làm gì nên tội mà ra nông nỗi này!
Năm mươi năm rồi! Bây giờ Huế đã
khác, tất nhiên. Vết tích cuộc chiến năm xưa cũng như cái chết tức tưởi của hàng
ngàn người tưởng như đã biến mất sau lớp bụi thời gian và nỗ lực không ngừng
nghỉ của nhà cầm quyền Cộng Sản nhằm xóa nhòa nó. Không! Hàng năm, cứ đến Tết,
trong lúc bộ máy tuyên truyền nhà nước vẫn, nói như Nguyễn Quý Đức, “tiếp tục tăng
tốc ca ngợi chiến công,” thì có hàng ngàn gia đình vẫn âm thầm cúng kiến và đau
xót nhớ đến cái chết thảm của cha, của anh, của con, của em mình. Không bao giờ
nguôi. Không gì làm nguôi. Không ai làm nguôi. Di luỵ Mậu Thân mãi mãi còn đó. Là
oan trái Huế. Cũng là oan trái Việt Nam. Oan trái cần được giải oan. Đó là lẽ Đất
Trời. Ngày nào oan chưa được giải thì mọi chính sách, mọi thủ đoạn tuyên truyền,
mọi chạy tội, mọi đổ lỗi, dù trên bình diện cá nhân hay nhà nước, đều chỉ là nước
đổ lá môn, nếu không muốn nói là làm cho oan trái càng thêm oan trái.[5]
TDN
[1]Xem
ở:https://www.smithsonianmag.com/history/revisiting-vietnam-50-years-after-tet-offensive-180967501/
[2]
Xem: http://damau.org/archives/9797
[3]Rút trong sổ tay Thơ, tập
5. Nguồn: Chế Lan Viên toàn tập, Nxb Văn học, 2002 (do Vũ Thị
Thường sưu tầm và biên soạn).
Xem:
http://www.thivien.net/Ch%E1%BA%BF-Lan-Vi%C3%AAn/Ai-T%C3%B4i/poem-WyG1Cf5msDImxRJZJx-3Ug
[4]Xem thêm: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói về việc tìm mộ Vua
Quang Trung và vai trò của bản thân trong Tết Mậu Thân ở Huế
[5] Xem thêm: Chiến dịch Mậu Thân 1968 và sự thật về nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường,
http://danviet.vn/van-hoa/chien-dich-mau-than-1968-va-su-that-ve-nha-tho-hoang-phu-ngoc-tuong-842147.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Lạ ! Sao dân Huế ko mang ra Tòa án quốc tế kiện ?
Trả lờiXóa