Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

CÔ-LIÊU và Cô PHƯƠNG-THẢO: ngày TẾT và lý tưởng cuộc đời *


Giữa dòng thi gian đồng-tính xuôi chảy triền-miên, mấy ngày lễ Tết rờ-rỡ hiện lên như những hoa lê trắng điểm đồng cỏ xanh tươi kéo tận chân trời.
Tết không là điều ngẫu hứng, không phải là sự đặt bày. Tết là sáng-kiến của người, nhưng lý cao-minh về sự cấu tạo hiện-tượng mùa xuân chính là huyền cơ tạo-hóa. Ý nghĩa ngày Tết là cố gắng của loài người hòa mình với nhịp vận-hành linh-diệu bao trùm vũ trụ. Lâu đời quan sát thiên nhiên, trước những hiện tượng định kỳ báo hiệu xuân về như cỏ đâm chồi, cây nẩy lộc, tiết trời hòa dịu, êm đềm, con người long trọng lập nên nghi-lễ đón mừng sự sống phục-hồi sau những ngày Đông tê liệt. Vâng theo Dịch-lý, người xưa đến kỳ Đông chí (1) khép chặt hiệu buôn, đóng kín cửa hàng, mọi việc tuần hành hoãn lại, để cho mọi người an-ngh dưỡng chút dương khí hồi-sinh. Thậm chí y-khoa cũng phải kiêng dùng những phương thuốc mạnh sợ làm tổn hao sinh-lực. Sau ngày Đông chí, quẻ Phục (2) với năm gạch đứt biểu hiệu lẽ âm và một gạch liền biểu hiệu lẽ dương tiêu biểu rõ ràng dương khí bắt đầu trở lại. Cho đến ngày nay, khoa học vẫn chưa giải thích tận-tường vì sao mỗi độ xuân sang, muôn loài lại thêm sức sống khác thường, thậm chí gan cá thu kia, vào đúng dịp xuân, chất dầu mới thêm sinh-tố?

Tuy nhiên, ý.nghĩa ngày tết không chỉ lả sự thụ động trong vòng nghi lễ đầu năm với những phản ứng giản đơn của người trước sự vận hành tạo hóa. Hơn thế, ngày tết Đông phương có một phong-thể tinh-thần đặc biệt mà người Tây phương, nếu chỉ nhìn bằng quan-điểm hình thức, thì thực khó lòng cảm hiểu sâu xa. Phong thể tinh-thần đặc-biệt là đem cái lẽ hồi sinh tạo-vật nói lẽ hồi sinh cuộc đời, mượn cái lý tưởng thiên-nhiên tươi tốt màu xuân nói đến lý-tưởng xã-hội muôn đời khát-vọng.
Thoát-ly khỏi những khuôn sáo, lễ-nghi, bày-biện, trang hoàng, ngày Tết biểu hiện hình ảnh của một cuộc sống tương-lai, cuộc sống hiếu hòa, tươi đẹp, tương phản hoàn toàn với những xô bồ, phiền-tạp hằng ngày. Ngày tết che đi đói khổ, giấu bớt bần cùng, tạm gác bạn thù, tưởng quên phân cách. Những người thiếu thốn quanh năm cố may lấy chiếc áo lành. Vẻ mặt suốt ngày cau có giờ đây đã biết nhoẻn cười. Đối xử buông tuồng nhường cho lễ-nghi trang nhã, độc ác gian tham nhường cho phúc-hậu, thuần-lương. Có nhiều khuôn mặt tối tăm tưởng như bắt đầu hừng sáng, có những cuộc đời cô độc tưởng như đã biết reo vui. Cụ già gặp niềm tôn kính, trẻ nhỏ được sự khoe-khoang, và cô gái bé quanh năm bốn tường bếp núc giam mình chặt chẽ, giờ đây tìm được thảnh thơi.
Phải chăng ba ngày lễ tết là cái hình ảnh tinh vi, thu gọn của một cuộc đời lý tưởng mà mỗi chúng ta khao khát không nguôi ? Phải chăng, giữa lúc các dân tộc khác đi tìm ngày mai mơ ước ở ngoài cảnh thực, — Nát-Bàn hay chốn Thiên Đường thì dân tộc ta đi cố dựng lên một cái mô-hình Bồng-Lai rất thực giữa những tầm thường, ti tiện hằng ngày ?
Kể ra, giữa bao thống khổ, day dứt làm cho thần kinh thác loạn trong những nhịp sống điên cuồng, con người tìm đến cái Tết như tìm một sự an ủi cao siêu, bắt gặp cái Tết như gặp một điều nhắc nhở, nhắc nhở rằng điều Thiện, Mỹ vẫn xây dựng được giữa chốn trần gian.
Có lẽ hình ảnh tuyệt vời của một ngày mai lý tưởng nằm trong lễ Tết đã bị bao đời làm cho hoen ố, tiêu điều. Nhưng gạt bỏ đi những cái phong tục lỗi thời, nhng câu chúc tụng giả dối, và những phung phí xa hoa, và những lễ nghi phức tạp, thì cái nội dung của Tết vẫn còn là một phát-kiến lỗi lạc ca những người xưa tha thiết sự đời.
Chỉ có khi nào, bằng cái ý thức xã hội tiến bộ, bằng những nỗ lực vinh quang, con người đã thực hiện được ngay giữa trần gian cuộc sống yên lành, tươi đẹp, họa chăng ngày Tết mới mất hẳn đi tính chất lý tưởng xa vời để tự xóa bỏ trước cái hình ảnh rực rỡ của một thực tế mà mình chỉ là chiếc bóng vụng về, mờ nhạt. 
CÔ-LIÊU CÔ PHƯƠNG-THẢO


* Trích từ tạp chí Bách Khoa số 98 Tết Tân Sửu 1961.
(l) Đông chí nhằm vào 22, 23 tháng chạp Dương-Lịch.

(2) Quẻ Phục,






1 nhận xét:

  1. Không ngờ Tết lại có cái gốc sâu xa đến như thế. Lại viết bằng văn biền ngẫu: đối xứng, nhịp nhàn: như một bài phú. Khá khen người viết! Thiện thay người chọn!

    Trả lờiXóa