Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

ĐÀM TRUNG PHÁP • VĂN HỌC THẾ GIỚI: “L’ALBATROS” (CHARLES BAUDELAIRE)


Sinh ra và sống trọn cuộc đời tại Paris, Charles Baudelaire (1821-1867) tuy ngày nay được coi là một nhà thơ lớn của văn học Pháp mở đường khai lối cho trường phái tượng trưng (symbolisme), nhưng lúc sinh thời ông đã bị xã hội mệnh danh là một “nhà thơ đốn mạt” (poète maudit) vì hai lý do. Một là ông đã sống một cách buông thả và trác táng, say mê xác thịt, làm bạn với nha phiến, quịt nợ nhiều người, mắc bệnh hoa liễu, và từng tìm cách tự tử khi quá chán cuộc đời. Hai là ông đã dám viết về những lãnh vực gây nhiều tranh cãi hay cấm kỵ chưa phù hợp với nhân sinh quan thời đó – dùng ngôn ngữ tục tằn hay bạo tàn để nói về tình dục, đồng tính nữ (lesbianisme), sự giả dối, tệ trạng tham nhũng, tâm địa ích kỷ và tàn ác, và nhất là sự thiếu vắng cảm thức về cái đẹp và cái tốt lành trong con người. Vì thế mà sáu bài thơ rõ ràng mang tính chất “xúc phạm thuần phong mỹ tục” trong thi tập “Les Fleurs du Mal” (Ác Hoa) – xuất bản năm1857 – đã bị tòa án ra lệnh phải đục bỏ và còn phạt vạ tác giả 300 phật lăng về “tội” này. Vô cùng bực tức, thi hào Victor Hugo đã không những chỉ phản đối quyết định vô lối này của tòa án mà còn khen thơ Baudelaire đã phát sinh ra một “rùng mình mới” (un frisson nouveau) cho thi ca. Vậy mà phải đợi cho đến năm 1949 (sau khi Baudelaire đã qua đời được 82 năm) tòa án mới cho phép sáu bài thơ này được phổ biến! Ta có thể đoán rằng cái quyết định phạt cũng như cái quyết định cho hồi phục của tòa án nhiều phần có “Académie Française” (Hàn Lâm Viện Pháp) rất bảo thủ đứng sau lưng.


Bài thơ “L’Albatros” (Hải Âu) trong “Les Fleurs du Mal” của Baudelaire gồm 16 dòng, mỗi dòng là  một “alexandrine” gồm 12 âm tiết. Trong bài thơ chia làm 4 “strophes” (đoạn) này, Baudelaire đã gửi gấm tâm sự mình một cách thần kỳ. Tự so sánh mình với một con hải âu uy nghi đang bay lượn như một đồng hành thân thiện với một chiếc thuyền đi biển thì bị lũ thủy thủ ác độc cho vào bẫy để hành hạ vui chơi trên sàn thuyền. Lúc sa cơ biến thành trò đùa cho lũ ác nhân, con hải âu thấy mình bị làm trò hề tủi nhục. Tất cả là một hình ảnh đau lòng, cho thấy rõ sự khác biệt cho con chim biển lúc oai phong bay lượn thì như một “ông vua của trời xanh” (roi de l’azur) và lúc sa cơ thì cảm thấy mình “vụng về, xấu xí” (gauche, laid). Bốn dòng thơ cuối cùng đã xác định kinh nghiệm nghiệt ngã của con ó biển vô tội trong gọng kìm độc ác của loài người cũng chính là thân phận của Charles Baudelaire vậy. 

Nói cho rõ hơn, lúc hải âu bay bổng tượng trưng cho lúc nhà thơ đầy thi hứng để sáng tác trong tự do, và lúc hải âu đau khổ trong tay ác nhân tượng trưng cho lúc nhà thơ bị người đời xỉa xói và gọi mình là một “nhà thơ đốn mạt.”



Bút giả đã xem một số bài dịch “L’Albatros” sang tiếng Việt, nhưng đã lựa bản “phỏng dịch” của dịch giả Đào Hữu Dương, tìm thấy trong tuyển tập “Những Cánh Hoa Lòng” do cố đồng nghiệp Bùi Trọng Hợp xuất bản năm 1996 tại Québec, Canada. Mời quý bạn thưởng lãm bản chuyển sang Việt ngữ theo thể thơ lục bát rất chỉnh của dịch giả họ Đào:

Nhiều khi thủy thủ vui chơi
Lúc tàu lướt sóng biển khơi chập chùng
Bắt chim ó biển vẫy vùng
Bạn đường trầm lặng bay chung lối tầu

Vứt trên ván gỗ, hải âu
Xưa kia bay bổng khắp bầu trời xanh
Bây giờ thân thể tan tành
Cánh xòe vụng dại, nhục nhằn nằm trơ

Xưa kia lộng lẫy, đâu ngờ
Xấu xa khờ khạo, bây giờ là đây
Xúm nhau thủy thủ vui vầy
Nhại làm què quặt, lấy cây chọc đùa

“Thi nhân” cùng loại “chim Vua”
Coi thường cung nỏ, cợt đùa phong ba
Đến khi đày xuống bùn sa
Thế nhân diễu cợt, cánh xà thảm thương
(Đào Hữu Dương)

[ĐTP 18/02/2018]