Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018
Trần Văn Nam: Chất thơ và thi hóa*
Nhà văn Trần Văn Nam (Ảnh: Uyên Nguyên)
Chất thơ là cái có sẵn, thi sĩ sẽ làm nó hiển
hiện ra trong dáng vẻ đã phơi bày, hay khai quật lên khi chất thơ vốn ẩn dấu.
Thi hóa là làm thành thơ từ cái không có sẵn chất thơ.
Trước hết, ta đề cập đến chất thơ lồ lộ
phơi bày. Theo khuynh hướng thời đại mới, người ta sáng tạo thêm nhiều chất
thơ, có chất thơ thô bạo, có chất thơ trần trụi đời sống không cần mơ mộng, có
chất thơ dục tính không cần lãng mạn tình yêu. Và theo khuynh hướng chính trị,
có chất thơ chiến đấu, có chất thơ xã hội tính, có chất thơ lao động sản xuất...
Nhưng chất thơ trong nghĩa cổ điển của nó gắn liền với mỹ cảm hay tình cảm. Thơ
T.T.Kh. có chất thơ thiên về tình cảm. Thơ Huy Cận tiền chiến có chất thơ thiên
về mỹ cảm. Thơ Hàn Mặc Tử có chất thơ mỹ cảm phối hợp với thần cảm. Những phân
biệt “thiên về” trên đây xét theo khía cạnh chênh chếch độ nghiêng nặng nhẹ mà
thôi, vì thực ra trong thơ các thi sĩ nổi danh đều có ít nhiều mỹ cảm, tình cảm,
thần cảm, thiền cảm... Nhưng chất thơ sẵn tính lồ lộ phơi bày thì đã có quá nhiều
nhà thơ Đông Tây Kim Cổ nói đến rồi. Muốn nói đến nữa, ta phải viết làm sao khác hẳn họ, phải độc đáo chưa ai từng
nghĩ ra. Ví dụ “lá vàng rụng”, chất thơ phơi bày đó đã gợi hứng cho biết bao
nhiêu thi sĩ rồi. Thi tính vô địch có lẽ dành cho một bài thơ Đường với tứ thơ
khi nghe thấy một chiếc lá vàng rơi thì mọi người đều biết là mùa thu đã đến:
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.
Thi sĩ tài ba như Tản Đà mà đôi khi cũng dẫm
vào lối mòn rất cũ trong thơ Cổ
Nhân: “lá vàng lá hồng” trong thơ của ông chỉ bay từ
tường Bắc lá bay sang, với tứ thơ xưa về sự hờ hững, sự tàn tạ. Cho nên ta cần cố gắng độc đáo khi hứng cảm với chất
thơ phơi bày trong trời đất. Và đây cũng là một chất thơ lồ lộ: “Chuyến Tàu Xe
Lửa” trong thơ Tế Hanh với khói tàu nghẹn ngào, với hồi còi nức nở, một tứ thơ
vô địch về nỗi chia ly:
Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi réo kẻ về
Hình ảnh ấy độc đáo, riêng của Tế Hanh,
không như “Tàu Đêm Năm Cũ” của nhạc sĩ Trúc Phương, một chuyến tàu chung chung, vẫn cứ
khởi hành như đã chạy từ xưa cho đến nay. Bản nhạc hay nhờ âm điệu buồn của thời
chinh chiến.
Nếu kể ra thì còn không biết bao nhiêu là
chất thơ vốn đã phơi bày, một kho vô tận cho người trần thế. Vì vậy ta nên sớm
đề cập đến chất thơ vốn còn ẩn dấu, cần có người khám phá thì mới thấy. Nó ở mặt
chìm như quặng mỏ nằm sâu dưới lòng đất. Chìm, vẫn là của quý, không cần thi
hóa. Khai quật lên, trục nó ra ở dưới lớp sần sùi. Có ai ngờ một biển nước ngọt
mênh mông dưới đáy sâu của sa mạc Sahara. Tươi mát dưới cái nóng bức đương
nhiên là chất thơ, hoang vắng dưới tầng náo nhiệt lại còn thơ hơn nữa, chẳng hạn
như phố xá Sài Gòn mà nhà văn Mai Thảo khám phá chẳng bao lâu khi mới đến vào
năm 1954: “Tiếng xe lăn ban ngày động
cơ át mất, ban đêm nổi lên lọc cọc, mồn một trên mặt nhựa là tiếng đêm thân thuộc
nhất của tất cả những người Sài Gòn. Con ngựa già yếu, ngọn đèn lắc lư, khung
xe cồng kềnh,
thành phố tráng lệ xa hoa khởi đầu bằng một hình ảnh dân tộc thuần túy”.
Ta không biết do ý trùng hợp hay do một
liên tưởng sau đó mà trong tập thơ “Hóa Thân” (xuất bản năm 1964) của Viên Linh cũng thấy lai
vãng rải rác hình bóng xe thổ mộ với những con đường “Mã Lộ” (truyện dài, 1969)
từ ngoại ô thành phố Sài Gòn. Không riêng gì Mai Thảo mà là các nhà văn thơ gốc
Bắc di cư 1954, cũng đều thấy cái đẹp ánh lên của thành phố Sài Gòn ban đêm, tương
phản với ban ngày nóng bức:
Buổi
chiều vào chật khoang xe.
Đèn
thắp lên.
Tiếng
máy nổ bỗng thành tiếng cười dài.
Mưa
xuống bên ngoài cửa sổ
Những
bàn tay níu lấy vòng sắt lạnh
Mỗi
ngày chúng ta đứng bên nhau không quen nhau
(Một Chỗ Trên Ô Tô Buýt - Thanh Tâm Tuyền)
Cho
ta đi giữa phố rộng cây cao, những vườn hoa đóng cửa, nhìn những lá cành run rẩy
mà nghe hồn thảo mộc thấm vào xương. Sao chỉ về đây nằm gối đầu lên giòng sông
lớn giang tay dài đại lộ mà nghe Kinh thành thổi hơi buồn Trompette ban đêm. (Thơ Nguyên Sa)
Khi
buổi chiều rụng xuống,
lũ cột đèn đứng lên
Con
phố này nỗi đau buồn bật sáng
(Thơ Trần Dạ Từ)
Cây rủ bóng tối đi đo
Buồn
thanh niên đứng co ro phố dài
(Thơ Viên Linh)
Thành phố đêm mang nét sầu hoang phế
Thùng rác, cột đèn, chó đói và anh.
(Thơ Thái Thủy)
Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Ta đi tìm những phố không đèn
(Thơ Đinh Hùng)
Những nhà văn thơ gốc Bắc đã trú ngụ ở Sài
Gòn trước năm 1954 như Nguyễn Bính, Thanh Nam, không thấy làm nổi bật vẻ đẹp hoang phế
hay thuần túy dân tộc của Sài Gòn ban đêm tương phản với ban ngày, chỉ thấy nói đến bối cảnh ăn chơi ở các vũ trường,
cờ bạc ở các sòng bài Kim Chung, Đại Thế Giới, hay chỉ cay đắng với cảnh với tình đời nơi sầu xứ :
“Hai ta lưu lạc phương Nam này.
Đã mấy mùa qua én
nhạn bay...”
Các nhà văn nhà thơ miền Nam thì chỉ thấy
cái đẹp ở những
nơi thật xa Sài Gòn, tận vùng Rạch Giá (như nhà thơ Kiên Giang), hoặc chỉ gợi
nhớ cái đẹp lịch sử tính thời khai hoang ở miền Tây Nam Bộ (như với nhà văn Sơn Nam) hay ở miền Đông Nam phần (như
với nhà văn Bình Nguyên Lộc), hay chỉ cực tả cái đẹp tinh tế hiu quạnh nơi quê
nhà Bình Định như trong các tập truyện của nhà văn Võ Phiến (Thác Đổ Sau Nhà - Đêm
Xuân Trăng Sáng). Có lấy bối cảnh Sài Gòn như bà Tùng Long, Dương Hà, Ngọc
Linh, thì cũng để lồng vào đó chủ đích là chuyện tình ngang trái, với xã hội
tính của những tranh chấp cũ mòn. Bài này chỉ cốt yếu nói về thi tính.
Khi ra ngoài hải ngoại, không kể các thành
phố xứ lạnh
có chất thơ
phơi bày (Lá rụng, tuyết bay, co ro áo ấm đi ngoài phố...). Như đã nói ở phần đầu: hứng cảm về chất thơ phơi bày phải rất
độc đáo hầu tránh đường mòn khuôn sáo. Ta thử kể đến những thành phố kỹ nghệ, điển hình như
Los Angeles, thì không còn chất thơ phơi bày hay chất thơ ẩn dấu. Bây giờ vai
trò thi hóa mới là cần thiết, nghĩa là làm thành thơ từ cái không có sẵn chất
thơ, nghĩa là thăng hoa thực tế. Ban ngày hay ban đêm đều nhộn nhịp sáng trưng.
Có con sông đi ngang thì gần như quanh năm cạn nước, mà khi mưa bão nước mới ào
ào kéo nhanh ra biển, không có dịp thả chiếc cần câu nhàn tản. Cũng có những
người vô gia cư dưới cột đèn mà dường như không là những nhân vật dã sử của dân tộc (có lẽ là nhân
vật dã sử của những dân tộc khác).
Vì vậy đôi khi ta phải thi hóa, đem tâm hồn
Đông Phương phủ trùm lên kỹ nghệ tính, đem thi tính sáng tạo phủ trùm lên văn
minh quy hoạch phẳng phiu. Thi hóa cảnh vật đời thường nơi thành phố kỹ nghệ, bao hàm trong
đó là ý hướng đưa chất thơ vào cảnh vật đô-thị-hóa.
Nhưng có một điều ta cần lưu ý, thi hóa những
cái không có sẵn chất thơ như vậy rất dễ rơi vào hài tính. Chủ đích là nghệ thuật,
không phải để viết ra những điều lạ lùng.
* (Trích từ quyển “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học
Miền Nam - Phân Định Thi Ca Hải Ngoại”. Tác giả xuất bản 2006)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét