Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017
NGUYỄN DUY CHÍNH: CỤ GIÁO Ðể tưởng nhớ cụ giáo Ðặng Quí Tùy (1880-1976)
Năm lên đệ tam, sinh ngữ hai của tôi là Pháp
văn. Một ngôn ngữ mới bao giờ cũng cho mình nhiều tìm tòi thích thú. Thế nhưng hai giờ mỗi tuần ở trường Chu Văn An lại chỉ cho mình một số vốn
thật nhỏ nhoi. Bố tôi, tuy thông Pháp ngữ, nhưng hình như ông không thích và
cũng không có khiếu dạy
con, dẫu rằng ông đã chọn nghề “gõ đầu trẻ” gần hai mươi
năm. Cho nên tôi chỉ lò mò học lấy. Bỗng đâu, ông anh họ tôi đến rủ tôi đi học tiếng Pháp ở một ông cụ gần trong xóm. Nhà cụ nằm
trong một hãng nhôm lớn ngay sau nhà tôi, mà chủ nhân chính là ông con thứ ba của
cụ.
*
* *
Cụ giáo sinh năm 1880, cùng tuổi với ông nội của
cha tôi. Tính đến năm
tôi học cụ là năm 1963 thì cụ đã 83 tuổi, theo kiểu ta thì là 84. Cụ người mảnh
dẻ, đầu cạo trọc, để một bộ ria mép muối tiêu. Với tuổi cụ, phần lớn đã bạc hết tóc, râu cũng không còn nhiều sợi đen nhưng tóc râu cụ bạc cũng chưa nhiều lắm nên trông cụ người ta chỉ đoán độ già
70. Ðến mãi mười
mấy năm sau cụ cũng chẳng khác hồi đó mấy tí. Răng cụ nhuộm đen từ khi còn trẻ,
đến nay đã
ngả màu nâu như những cụ già nhà quê miền Bắc ta thường thấy và xem còn chắc lắm, chỉ khuyết một răng cửa hàm dưới. Cụ ít khi gắt gỏng, mỗi
khi cao hứng thường cười hà hà, sảng khoái và nhân từ.
Ở nhà cụ mặc áo cánh, quần lá tọa kiểu xưa. Ði đâu hay có chuyện gì
quan trọng, cụ vận quốc phục, áo trắng bên trong, áo gấm bên ngoài, chít khăn
nhiễu chữ nhân, chống ba toong. Cụ chống gậy chỉ để làm cảnh chứ còn khỏe, đi đứng
vẫn nhanh nhẹn không cần nương tựa vào đâu. Có lẽ vì thế mà cụ hay bỏ quên gậy mỗi khi đến nhà ai. Chính tôi cũng nhiều lần phải đem gậy sang trả cụ. Thường thì cụ
chỉ cầm một cây gậy tre để đuổi những con chó ở quanh vùng hay hỗn, thường sủa
vọng ra người đi đường. Cái gậy mây bịt bạc con cụ biếu chỉ để một xó nhà.
Một bên tai cụ nghễnh ngãng vì một đứa trẻ tinh nghịch ném một quả
pháo gần nơi cụ đứng vào một ngày tết đã lâu. Thành thử, nói chuyện với cụ phải nói to và chính cụ cũng
thành thói quen nói to hơn người thường. Mắt cụ còn tốt, đeo kính lão vẫn còn đọc
sách dễ dàng, mặc dù những cuốn sách giáo khoa ở Việt Nam lắm khi in rất cẩu thả.
*
* *
Khi chúng tôi đến xin nhập
môn thì cụ đang dạy một lớp học cho vài đứa cháu nội. Vì chỉ có một lớp nên cụ
dồn chung một buổi, trước sau cùng một chương trình. Những bài học cụ trích
trong một cuốn sách cũ mua đâu ở vỉa hè, dành cho học trò Trung học. Phương
pháp sư phạm thì vẫn như xưa, giống như thời cụ đi dạy cách đây mấy chục năm.
Thỉnh thoảng cụ cũng đem những bài trong các cuốn sách lớp dự bị, lớp đồng ấu của
Nha Học Chính Ðông Pháp mà cụ còn giữ. Thường thì cụ dịch một bài lecture, bắt
chia một số động từ, tập đặt câu theo “mẹo
tây” (tức là văn phạm) và khi cao hứng cụ cho dịch những câu ca dao hay một
bài văn cũ. Mới đầu thì người giỏi nhất là đứa cháu lớn của cụ, nhưng chỉ hai
tháng sau tôi đã qua mặt hắn một cách dễ dàng. Từ đó nó mừng ra mặt vì không
còn là đối tượng để cụ bắt trả lời mỗi khi gặp một vấn đề hóc búa. Nó lại có dịp kêu đau ốm nghỉ học
thường xuyên hơn. Căn cứ vào tôi, cụ dạy khó dần, chẳng khác chi chỉ có một đứa
học trò. Người khác cứ theo thế, hiểu hay không cụ cũng chẳng quan tâm. Hôm nào tôi mắc bận phải qua
xin phép nghỉ một buổi thì cụ thở dài thườn thượt, có khi cho cả lớp về. Tôi biến thành trưởng tràng một cách tự nhiên. Ba năm cuối của bậc trung học,
môn Pháp văn tôi bao giờ cũng đứng đầu lớp chính là nhờ công cụ giáo.
Tôi chỉ theo học cụ độ hai năm thì thấy đã đủ vốn để cho mình tự học
và tự đọc sách. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn sang thăm để nghe cụ kể chuyện
xưa. Mỗi khi có việc đi ngang nhà tôi, bao giờ cụ cũng vào chơi một lúc.
*
* *
Cụ bắt đầu sự nghiệp dạy học từ năm 19 tuổi, sau khi qua được một kỳ khảo hạch cho ngạch thông ngôn. Những năm đầu
của thế kỷ 20,
số người Việt biết tiếng tây còn ít lắm. Cụ bỏ chữ nho để theo chữ
Pháp, chẳng qua cũng chỉ để sinh nhai vì nhà nghèo chứ không vì một lý do nào
khác. Tuy nhiên, cụ lại chọn nghề dạy học, hết tỉnh
đông sang tỉnh đoài, từ miền xuôi đến mạn
ngược. Tôi cũng chẳng biết đã có
bao nhiều người
học cụ nhưng trong số người cụ nhắc đến có cả Á Nam Trần Tuấn Khải, một nhà thơ nổi tiếng và Ðặng đình Phúc, người đã hợp soạn với cụ
Trần Trọng Kim và Ðỗ Thận những cuốn sách giáo khoa cho Nha Học Chính Ðông Pháp
thời tiền chiến. Tính cả những lớp miễn phí cho trẻ con
chúng tôi sau khi về hưu, tới
khi cụ mất cụ đã dạy học gần 80 năm. Cứ hai mươi lăm năm là một thế hệ thì cụ làm thầy cho ba lớp người.
Cụ còn thuộc nhiều bài
văn cổ của người cùng thời, nhưng tôi không nhớ và cũng không ghi lại được bài
nào. Thật đáng tiếc vì khi
cụ mất đi, những kiến thức ấy
không còn tìm đâu được nữa. Mỗi thế hệ ra đi, cái vốn văn hóa nghèo nàn của chúng ta lại nghèo thêm một
chút. Ðến bây giờ,
những chương trình triệt hạ một cách qui mô của nhà cầm quyền lại càng làm cho gia tài Việt Nam thêm tả
tơi. Thật ngậm ngùi như bài “Ông Ðồ” của Vũ Ðình Liên:
Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ ?
Ðời sống của cụ tự nó đã là những bài học nên tôi không tìm đến cụ để nghe giảng về đạo đức hay chương cú. Có một thông cảm đặc
biệt nào giữa hai thầy trò, dẫu tuổi tác hai bên cách nhau gần bảy mươi năm. Sự
cảm nhận ấy thật đặc biệt nên hầu như trong đám học trò sau cùng, cụ chỉ thương
mến một
mình tôi. Có lẽ chính bản thân tôi một phần nhưng cũng có thể vì cái phong vị của
gia đình tôi, mộc mạc mà không chau chuốt, đạm bạc mà không luồn cúi khiến cụ thấy tương đồng nhiều hơn chăng. Chứ nếu như tôi cũng từ một khung cảnh đài các, xa
hoa như nhiều gia
đình khác chắc cụ không thấy gần gũi đâu ?
Mỗi lần sang thăm, cụ hay rót cho tôi một chén rượu thuốc, ngâm bằng
những vị thuốc cụ cắt lấy ở tiệm thuốc bắc. Một ly nhỏ bằng ngón tay cái mà thầy
trò cũng khề khà cả
buổi. Cụ hỏi việc nhà, việc nước và đến khi vui miệng cụ lại nhắc chuyện xưa, chuyện từ thời Tây mới sang.
Cũng từ những dật sự đó, tôi biết cụ sống rất đạm bạc, rất Việt Nam, và gìn giữ được thiên lương trong
khi nhiều người cùng lứa đam mê trác táng. Tuổi trẻ của cụ không có gì đội đá
vá trời, nhưng tránh được những sa ngã như cô đầu, thuốc phiện, rượu chè, bài bạc
... kể cũng là hiếm hoi. Cụ
cũng từng ngồi dạy tại nhiều đại gia, và nếu như muốn
xuất chính kiếm chút
công danh hẳn không khó khăn gì. Thế nhưng cụ chỉ giữ nghề dạy học. Chính cuộc đời giản dị và trong sạch ấy đã giữ cho cụ một
thân thể khỏe mạnh và một tuổi thọ hiếm có. Cụ thường điểm một câu pha trò để kết luận :
- Các anh ấy cứ bảo gầy như tôi thì thể nào cũng chết non. Thế mà chả anh nào sống được đến năm mươi. Rượu chè, thuốc phiện, cô đầu, bài bạc ... chả mấy chốc mà
rạc người. Ấy nó hại thế đấy anh
ạ!
Cười ha hả mấy tiếng, cụ trở lại nghiêm trang :
- Sách Luận Ngữ có câu : Học nhi
thời tập chi, bất diệc duyệt[1] hồ. Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ ![2] Cổ nhân nói có mấy khi sai hả
anh. Chữ lạc (樂) là vui
nhưng là cái vui từ bên ngoài, cho nên cũng còn đọc là nhạc nữa. Còn duyệt (悅) là vui từ bên trong, nên có bộ tâm đứng. Ở đời
nên chọn cái vui từ trong lòng chứ chọn cái vui từ bên ngoài thì hời hợt lắm. Mấy
đứa trẻ nhà này cứ thích đi xem phim ảnh, coi hát tuồng mà không chịu đọc sách,
học hành. Tôi nói mà chúng chẳng để vào tai, lại chê là ông hủ lậu. Anh có thì
giờ cũng nên xem sách vở thánh hiền !
*
* *
Năm tôi ra trường cụ vừa đúng chín mươi. Nghe tin, cụ sang chơi đem
cho tôi một bài thơ :
Thầy trò gặp gỡ chốc ba niên,[3] Nay đi hành chính chúc
bình yên. Mười năm đăng hỏa giời
nào phụ, Một hội công danh bước vẫn
liền. Phúc lộc xem nhà đương
có khoán, Ông cha tích đức để làm
duyên. Mong chóng vinh thăng
ngành chính thức, Rạng rỡ con nhà đẹp tổ
tiên. Giáo
thụ Ðặng Quí Tùy khánh hạ
Lời thơ của cụ mộc mạc, chân thật cứ tưởng như đứa học trò nhỏ đã
thành đạt vẻ vang lắm. Cụ lại cho tôi 500 đồng làm lộ phí. Năm trăm đối với cụ
là một món tiền to, vì
cụ sống giản dị, chẳng mấy khi nhận tiền của con. Tờ giấy bạc đó tôi giữ trong ví như một kỷ niệm, và nhiều lần túng tiền, tôi đã phải đem cầm nghĩa là trả tiền nhưng dặn nhà hàng giữ riêng để hôm sau đến chuộc lại.
Năm 1975, khi tôi chạy từ ngoài Trung về, cụ sang thăm. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cụ có sắc buồn và hỏi
nhiều về tình hình chiến sự các nơi. Cụ thở dài :
- Ðánh nhau mãi mà cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu !
Có thấy một cụ già gần trăm tuổi bùi ngùi giọt lệ, người ta mới cảm
thông được cái tàn nhẫn của cuộc chiến, thương tiếc xương
máu và công lao đã đổ ra trong hơn hai mươi năm mong giữ được một mảnh đất dung
thân. Bao nhiêu người Việt Nam thở dài trong những ngày cuối cùng, nhìn vận nước
như định mệnh bất hạnh của riêng mình trong khi những kẻ có thẩm quyền, đã hưởng thụ trên sự hi sinh thì chỉ tìm
cách chuyển tài sản, đưa gia đình chạy trốn.
Khi tiễn cụ ra về, hai thầy
trò đứng lại bên bụi trúc ngoài ngõ. Bụi trúc đó chính tay tôi trồng, mọc đẹp
và thẳng như những cây trúc trong tranh. Chỉ hiềm đó là loại trúc giấy, thành mỏng tanh nên không thể dùng vào việc gì
kể cả làm cần câu. Cụ giáo nhìn bụi trúc một hồi lâu. Cành lá ủ rũ cũng như người
đã lâu nay vun trồng nó. Không còn tiếng xào xạc của một buổi trưa êm ả. Trước khi bước đi, cụ nhìn tôi :
- Thầy thương cho anh sinh bất phùng thời !
Có lẽ cụ bước đi hơi nhanh để ngăn sự xúc động cho cả hai thầy trò.
Sau ngày Saigon thất thủ ít lâu, bụi tre của tôi cũng tự nhiên héo dần rồi chết, lá rụng hết chỉ còn trơ thân. Những thân cây vì không còn trĩu lá nên càng thẳng.
Tôi tưởng chừng như đó là anh hồn của những chiến sĩ, thà chết chứ
không khuất phục kẻ thù.
Khi tôi từ trại giam của Cộng Sản trở về, cụ giáo qua chơi thường hơn. Cụ vẫn hay hỏi han về thời cuộc, về những tin tức truyền tai lúc ấy là một phong trào ở Saigon. Cụ nói với tôi :
- Cái giống Việt Minh - cụ vẫn gọi Cộng Sản là Việt Minh - là nó ác lắm
đấy. Chính nó giết ông
Năm[4] nhà tôi chứ đâu. Chúng nó là
không cha, không mẹ, không thầy, không trò gì đâu. Tránh nó mãi mà cũng chẳng
xong. Tôi già rồi, nó có giết tôi cũng chẳng sợ, chỉ buồn cho các anh đang thuở tráng thời. Âu
cũng là trời chưa tựa dân mình nên mới xui ra cái cảnh này.
*
* *
Cuối năm 1976, một hôm đi chơi về, mẹ tôi bảo :
- Nghe cụ giáo mệt có cho người sang gọi con đấy !
Tôi nghe vậy biết chuyện
chẳng lành lật đật chạy qua. Ðến nơi, cụ nằm trên giường, chung quanh là con cháu và các gia đình lân
cận. Cụ vẫn mặc áo cánh, hai tay để trên ngực đang kể chuyện cho mọi người
nghe. Thấy tôi, cụ vẫy lại nhờ tôi đỡ dậy thay áo. Tôi mặc chiếc áo gấm, và tự tay đội khăn lên đầu cụ. Cụ nằm
xuống, cầm tay tôi mà bảo :
- Tôi nghe trong người thấy khác, chắc là sắp đi rồi đây nên gọi anh
qua để thầy trò gặp nhau lần cuối.
Nói xong cụ cười khà khà như thể nói đùa. Tôi không dám nói gì khác vì
biết cụ nói
thật, chỉ lùi lại khoanh tay đứng lẫn trong đám người vây quanh. Cụ tiếp tục câu chuyện đang dở dang, những chuyện từ
đời vua Khải Ðịnh là lúc cụ còn trẻ. Một lúc sau, cụ ngừng lại nói với chúng
tôi :
- Chết ở chân
rồi đấy. Anh Chính sờ chân tôi xem.
Giọng cụ bình thản như đang tìm một cảm giác mới. Tôi tiến đến cầm bàn chân thì chân đã hơi lạnh. Cụ không nói nữa, mỉm cười chờ đợi.
- Chết đến đầu gối rồi đấy.
Tôi sờ đầu gối thì thấy bắt đầu lạnh. Cứ như thế cụ chết từ chân lên dần đến bụng. Ðến khi
lên ngực, cụ biết đây là
giờ phút cuối cùng của cuộc đời nên mỉm cười nhìn quanh một lần chào mọi người
rồi bảo tôi :
- Thôi thầy đi đây. Anh ở lại cố làm được gì cho nhà, cho nước.
Căn phòng bỗng yên lặng nghe rõ cả tiếng ruồi muỗi vo ve. Tôi không ngăn nổi giọt lệ
nhưng cắn môi không dám khóc thành tiếng sợ kinh động giờ phút lâm chung thiêng liêng. Bàn tay cụ tôi cầm thấy
lạnh dần, đôi mắt từ từ khép lại như người đi vào giấc ngủ. Cái chết đến tự nhiên đẹp và cao quí. Cụ ra đi trong sự thảnh thơi về tâm hồn cũng như thể xác. Tuổi thọ của cụ
tròm trèm một trăm.
Tôi tiễn cụ bằng một đôi câu đối:
Lạc đạo an bần, đắc nguyện bách niên danh sư biểuTử nhi giả thọ[5], thành toàn lục giáp thụ nhân công.
樂道安貧得願百年名師表
死而者壽成全六甲授人功
死而者壽成全六甲授人功
Vui đạo mà an cảnh nghèo, thỏa nguyện cái tên
trăm năm là một bậc thầy
Chết mà được thọ như thế, hoàn thành được công lao trồng người hơn sáu giáp.
*
* *
Cho tới nay, gần hai mươi năm sau ngày cụ mất, mỗi lần cuối năm tôi lại
nhớ đến cụ, nhớ
những gì cụ dặn làm vốn mang theo trong đời, tìm niềm vui trong tâm hồn hơn là niềm vui vật chất. Cuộc đời cụ chỉ cho mà không
nhận, tận tụy và thương yêu mọi người. Suốt những năm gần cụ, tôi không bao giờ
nghe một lời oán trách ai. Tuy cụ không học rộng biết nhiều, bằng nọ cấp kia, chỉ là một cụ giáo già nhưng theo tôi, cuộc đời cụ
còn đẹp hơn nhiều người
khác. Sống đạm bạc, chất phác theo cái thiên lương sẵn có. Bao nhiêu người đã học
cụ, bao nhiêu người nhớ đến cụ,
tôi không biết. Thế nhưng chắc chắn là khi cụ gieo những hạt giống
tốt, hẳn phải mọc lên những cây tươi. Cụ vô danh như hàng triệu người Việt Nam
khác, nhưng trong lòng tôi cụ mãi mãi là một biểu tượng đẹp, của một loài hoa “bất dĩ vô nhân nhi bất phương”.[6]
[1]
Chữ sách cổ viết là thuyết nhưng phải đọc là duyệt và hiểu theo nghĩa
duyệt
[2] 學而時習之不亦說乎﹖有朋自遠方來不亦樂乎﹖Học mà được thực hành những điều
mình học, chẳng cũng vui sao? Có bạn từ xa đến
chơi, chẳng cũng vui sao?
[3] Thật
ra đến lúc đó, tôi đã là học trò cụ được bảy năm.
Hoặc cụ quên, hoặc vì đặt cho khỏi thất luật bằng trắc nên cụ đổi thành ba
[4] Con trai thứ năm của cụ, chết
thời chiến tranh Việt Pháp
[5]
tử nhi bất vong giả thọ (chết mà người ta không quên mới thực là thọ)
[6]
Chi lan sinh ư thâm lâm, bất dĩ vô nhân nhi bất phương. Quân tử tu đạo, bất vị
cùng khốn nhi cải tiết (Loài chi lan sinh ở trong rừng sâu, không
phải vì không có người mà không thơm. Ngưòi quân tử tu đạo, chẳng phải vì nghèo
khốn mà thay đổi khí tiết).