Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017
Trần Hoài Thư: Cây đa ở đường Phan Đình Phùng...
Tạp chí Bách Khoa là tạp chí định kỳ có mặt lâu và bền bỉ nhất của miền Nam. Với tất cả 426 số, phát
hành liên tục mỗi tháng 2 kỳ kéo dài từ
tháng 1 năm 1957 đến tháng 3 năm 1975 (18 năm).
Đây là một hiện tượng lạ, hiếm thấy trong làng báo định kỳ của miền Nam.
Lạ thứ nhất:
Bách Khoa là tờ báo tư nhân, không nhận
tài trợ như một số tạp chí cùng thời mà chỉ sống bằng những trang quảng cáo,
công sở và độc giả. Tờ Sáng Tạo
(1956-1961 bị gián đoạn một năm) do Mai Thảo làm chủ nhiệm, với nguồn tài trợ dồi dào của phòng thông tin Hoa
Kỳ, nhưng đã chết sau 5 năm có mặt. Tờ Hiện Đại do Nguyên Sa chủ trương cũng chịu
chung số phận chỉ 8 tháng trong năm 1960. Tờ Nghệ Thuật cũng vậy, mặc dù nhận nguồn
tài trợ dồi dào từ ngân quĩ quốc gia do phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đặc cấp
nhưng cũng chỉ có mặt trên văn đàn hai năm (1965-1966).
Lạ thứ hai:
Dù chiến cuộc càng ngày càng khốc liệt, đường sá bị gián đoạn, hệ thống phát
hành gặp khó khăn đến nỗi tuần báo Khởi
Hành, mặc dù số lượng phát hành lớn, quảng cáo nhiều, lương trả nhân viên tòa
soạn hậu hĩnh, nhưng cũng phải chết vì ảnh hưởng của chiến cuộc. Chỉ có tờ Văn
mới có mặt dài hơi, từ năm 1964 đến năm 1975, không bị gian đoạn. Nhưng một
trong lý do giúp cho sự dài hơi này là vì Văn có nhà in riêng.
Lạ thứ ba:
Tờ báo nhắm vào việc mở mang
kiến thức, thành phần độc giả thì kén chọn, có học. Bài vở thì phần lớn là
những đề tài ít hấp dẩn, khô khan.
Với những khó khăn trở ngại như vậy, thế mà tạp chí Bách
Khoa lại sống, và sống lâu nhất.
Câu hỏi ở đây là: lý do nào giúp tạp chí Bách Khoa trở thành một tờ báo sống
lâu nhất trong số các tạp chí định kỳ miền Nam ?
- Có một số người cho rằng sở
dĩ tờ Bách Khoa sống được là nhờ vào uy tin của chủ nhiệm Huỳnh văn Lang. Ông
Lang là giám đốc Viện Hối đoái, và cũng là một đảng viên cao cấp của đảng Cần
Lao bấy giờ. Chính nhờ cái uy tín này mà
Bách Khoa có rất nhiều quảng cáo hậu hĩnh của
các đại công ty, ngân hàng, khách
sạn, hãng thuốc lá, hãng bào chế. v.v....
Nhận xét trên dĩ nhiên là hợp lý, vì nguồn quảng cáo là nguồn cần thiết giúp
duy trì tờ báo. Nhưng nó chỉ là điều kiện ắt có nhưng không đủ. Bởi lẽ sau khi
ông chủ nhiệm Huỳnh văn Lang bị chính quyền mới bắt giam giữ nhiều lần vì tội
là đảng viên cao cấp của đảng Cần Lao,
thì trang quảng cáo càng ngày
càng ít dần, vậy mà tờ báo vẫn tiếp tục có mặt.
Ví dụ, BK số 100 phát hành ngày 1-3-1961 ( chủ nhiệm: Huỳnh văn Lang) có 27
quảng cáo.
BK số 350 phát hành tháng 8
năm 1971 (chủ nhiệm: Lê Ngộ Châu) chỉ có 8 quảng cáo !!!!
Vậy thì nhờ cái gì ?
Chính là nhờ ở sự đón nhận của độc giả.
Thứ nhất, tạp chí đã đáp ứng được nhu
cầu ham đọc, ham tìm hiểu của người đọc trung bình, chú trọng vào những vấn đề
có tính cách thời sự, rộng hơn là thời đại. Bài vở mang tính cách giáo dục để
mở mang kiến thức hơn là tranh luận. Chỉ có một bài của Nguyễn văn Trung đả
kích chủ trương của Sáng Tạo nhưng qua hình thức Thư ngỏ: Gửi anh em trong nhóm Sáng Tạo (Bách khoa số
94).
Để giúp cho bạn đọc thấy rõ hơn về những
đề tài mà Bách Khoa đăng tải, chúng tôi mượn mục lục số 100, như là một ví dụ
để minh chứng:
Nguyễn Hiến Lê: So sánh ngành xuất bản ở Pháp và ở Việt Nam hiện nay.
Hoàng Minh Tuynh: Hòa hoãn giữa Hiệp Chủng quốc và Liên Sô.
Phạm Hoàng: Quan hệ giữa kẻ trị và kẻ bị trị.
Bửu Kế: Cửa bể Thuận An.
Đoàn Thêm: Những giải thưởng
của Viện Hàn Lâm Pháp.
Nguyễn Hữu Phiếm: Tìm hiểu người thanh niên.
Doãn Văn: Có thể có chiến tranh vì ngộ nhận hay không ?
Ái Lan: làng báo miền Nam 45 năm về trước.
Cô Liêu: 12 tỷ năm trước đây, vũ trụ thế nào ?
Minh Đức: Đường về sa mạc (phóng sự).
Nguyễn Ngu í: Cuộc phỏng vấn
thứ hai của Bách Khoa.
Thu Thủy: Một kẻ hiến kế cho
Tây phương.
Nguyễn Ngu Í: Triển lãm và diễn thuyết nhân dịp 300 năm húy nhật giáo sĩ
Alexandre de Rhodes.
Bùi Thu Trinh: Đọc “ Những
lỗi thông thường trong thuật viết văn” của Nguyễn văn Hầu
Tràng Thiên: Đọc “Nàng Ái Cơ trong chậu ly” của Mộng Tuyết Thất Tiểu muội.
Bằng chứng là từ năm thứ 9,
Bách Khoa thêm vào hai chữ “thời đại” trên trang bìa. Mãi đến 4 năm sau, hai
chữ “thời đại” mới được rút ra.
Thứ hai là nhờ ở khả năng quản trị điều hành của ông Lê Ngộ
Châu.
Ông Lê Ngộ Châu có mặt ngay trong thời kỳ đầu tiên của Bách Khoa
như là một thư ký tòa soạn, Tên tuổi ông bị lu mờ. Ông không có tác phẩm xuất
bản cũng chẳng có một chức tước gì để người đọc nhớ. Ông chỉ được nhắc qua hồi
ký Huỳnh văn Lang, qua đó, tác giả đã đề cập lý do tại sao ông lại phải rời bỏ
chức chủ nhiệm:
...Và Bách
Khoa Tạp chí đã ra đời. Số 1 phát hành ngày 15 tháng 1 năm 1957, người viết
kiêm chủ nhiệm và chủ bút cho đến năm 1963 phải giao cho anh thư ký tòa soạn Lê
Ngộ Châu, vì bị chế độ ‘người lính cai trị’ bắt đi bắt lại ba bốn lần giam giữ
sau trước gần ba năm.”
(Ký Ức Huỳnh Văn Lang
tập 1, trang 624)
Cái khả năng này được một số nhà văn như
Nguyễn Hiến Lê, Túy Hồng kể lại. Chúng ta càng hiểu lý do tại sao ông Huỳnh văn
Lang lại tin tưởng vào người thư ký.
- Thẳng thắn phê bình
không sợ mất lòng.
Điển hình là lá thư của ông
Lê Ngộ Châu gởi nhà văn Võ Hồng đề nghị thay đổi tựa đề một truyện ngắn của nhà
văn Võ Hồng! Thư có đoạn viết:
... "Nỗi khổ tự tạo lấy" tôi định đăng vào
số 1/4 để gần vào mùa thi cho vui, anh
có đồng ý không? Nhưng cái tên tôi vẫn thấy chưa ổn. Nó có vẻ trúc trắc, khắc
khổ mà tôi tưởng chưa hợp với truyện. Nỗi khổ của nhân vật trong truyện có phải
tự hắn muốn tạo lấy đâu, anh nghĩ sao? Tôi góp ý với anh như vậy chứ tôi cũng
chẳng nghĩ gì khác đâu.
(thư gởi Võ Hồng) (1)
Nhà văn nữ Túy Hồng cũng đã kể
về "lối dạy đời" của ông Châu, không sợ làm mất lòng ai, ngay cả
những nhà văn phái nữ :
"..Trước năm 1975,
nguyệt san Bách Khoa có một tòa soạn với ghế xa-lông bọc nệm lót và trong
phòng trị sự còn kê thêm một máy may Singer. Nhà phê bình Lê Châu tức chủ
bút Lê Ngộ Châu, theo Lê Tất Điều, là người đọc bài vở để chọn đăng,
kỹ hơn các báo khác.
Các tác giả đến tòa soạn đưa
bài nghe được những câu như: “Về phía các tác giả nữ, Nguyễn Thị Vinh viết
“tới”, gần sự thật hơn, các nhân vật, nhất là các vai đàn bà trong truyện được
ghi đậm nét hơn, nói lên được lòng tốt và đức tính hiền lành của họ.”
… “Các nhà văn nữ tiếp theo … có lối viết mới hơn, kêu hơn, vào sâu
hơn trong vấn đề tình dục, nhưng vấp phải cái hỏng ở phần xây dựng nhân vật: họ
không vẽ được cái mặt và cái chân tướng của người đàn ông, nghĩa là không hiểu
tâm lý đàn ông. Trùng Dương khá nhất trong đám, tả người đàn ông ra đàn
ông khi đi đứng, lúc nói cười, lúc đưa điếu thuốc lên môi … Trong cách mô
tả này, Trùng Dương làm được việc hơn Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ
…Những người này đã chỉ cố nặn ra những hình người với những đường nét mờ,
những chân dung xa lạ ngay cả với chính họ. Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị
Thụy Vũ và v.v. … đã tự thuật, đã ca tụng cái “ta” nhiều quá nên trong
tác phẩm của họ âm thịnh dương suy.”
Lê Châu nói thêm : “Đổi đề
tài đi chứ! Tại sao nhân vật của Túy Hồng cứ phải là cô giáo? Tại
sao Thụy Vũ cứ chuyên viết về những cô gái bán snack bar". (2)
Nhưng không phải vì thế, mà
ông lại độc đoán như một số chủ bút
khác. Trái lại ở đây, ông Châu là một người chủ bút biết lắng nghe, và mong muốn được lắng nghe:
"Anh thấy các truyện trên BK thế nào, xin cứ phê
bình thẳng cánh nhé. Anh cứ cho biết ý kiến anh về các nhận xét mà anh thâu
lượm được. Tôi sẽ đăng 1 truyện nữa của Y Uyên "Con muỗi đêm nay"
trên BK 156 và truyện của Võ Phiến "Buổi chiều" vào số BK 157 (15/7)
.
Anh cho biết ý kiến nhé."
(Thư gởi Võ Hồng) (1)
Chúng tôi xin ghi lại ý kiến
của nhà văn Nguyễn Hiến Lê về vai trò và con người của ông Châu, để hiểu tại
sao một tờ báo có tiếng là khô khan, lại là tờ báo sống lâu nhất, nơi phát hiện
nhiều cây viết tài ba của nền văn học miền Nam. Đó là cái công có thật, đáng để
chúng ta kính nể và khâm phục, dù vị ấy chỉ là nguời luôn luôn ở trong bóng
tối:
" ông Châu làm việc rất
siêng, đọc hết mọi bài đã nhận được, đăng được hay không đều báo cho tác giả
biết. Ông nhận rằng, ông đã bỏ lầm một số bài rất khá. Tôi mến ông, vì ông có tinh thần trách nhiệm, làm việc đàng hoàng, biết cương quyết giữ vững chủ trương cả khi tờ báo
suy, biết xét người, xét văn và có tình với người cộng tác: ai gặp tai nạn gì
thì ông lại nhà thăm, tìm mọi cách giúp đỡ”. (Trích Hồi
ký Nguyễn Hiến Lê, trang 553).
_____
(1) (trích
thư gởi nhà văn Võ Hồng ngày 5-3-1963)
...Trả lời anh trễ quá, vì đã lười rồi cứ lười thêm
mãi, nên hôm nay mới viết thư cho anh được đây.
"Nỗi khổ tự tạo lấy" tôi định đăng vào số
1/4 để gần vào mùa thi cho vui, anh có
đồng ý không? Nhưng cái tên tôi vẫn thấy chưa ổn. Nó có vẻ trúc trắc, khắc khổ
mà tôi tưởng chưa hợp với truyện. Nỗi khổ của nhân vật trong truyện có phải tự
hắn muốn tạo lấy đâu, anh nghĩ sao? Tôi góp ý với anh như vậy chứ tôi cũng chẳng
nghĩ gì khác đâu.
Các truyện của anh đăng trên BK, tôi chỉ thấy
"Xuất hành đầu năm" là thực cảm động và chính tôi đọc lần đầu
cũng "rưng rưng nước mắt". Có
lẽ vì tôi cũng có mấy đứa nhỏ như trong truyện của anh chăng ?
......
"Mùa hoa soan" của anh tôi đã rao trên BK số
156 này. Truyện anh viết, tôi thấy thú lắm. Vui nhè nhẹ hay buồn nhè nhẹ. Có
người không thích anh, cho là anh "classique" hoặc "chừng
mực" quá, nhưng bọn trên dưới 40 như bọn tôi thì đọc anh như đọc Romain
Gary, thấy truyện nào cũng ấm áp như nắng đầu hè này.
Anh thấy các truyện trên BK thế nào, xin cứ phê bình
thẳng cánh nhé. Anh cứ cho biết ý kiến anh về các nhận xét mà anh thâu lượm
được. Tôi sẽ đăng 1 truyện nữa của Y Uyên "Con muỗi đêm nay" trên BK
156 và truyện của Võ Phiến "Buổi chiều" vào số BK 157 (15/7) . Anh
cho biết ý kiến nhé.
2) Trang mạng www.gio-o.com: Phỏng vấn nhà văn Túy
Hồng - Phụ nữ và văn chương.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét