Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017
Trần Hữu Thục: Đi vào thế giới ca từ Trịnh Công Sơn (Tiếp theo và hết)
Khát vọng hòa bình
Cần ghi
nhận, hầu hết những hô hào đó không phải là hô hào chém giết, mà là hô hào
chiến đấu cho hòa bình. TCS vẽ vời ra hình ảnh một đất nước sau chiến tranh rất
huy hoàng, như một bức hoành tráng với cảnh triệu người đổ ra phố phường, say
sưa ca hát, tay bắt mặt mừng, lòng căm thù “chìm sâu”, biến mất, không còn nhà
tù, nhân dân thoát cùm gông. Hãy nghe ông tưởng tượng một đất nước Việt Nam
không còn hận thù:
Đạn bom ơi, lòng tham ơi, khí giới nào diệt
nổi dân ta
Việt Nam ơi bừng cơn mơ, cho mắt nhìn sạch
tan căm thù
Trong
một đất nước như thế, mặt đất sẽ “rung rinh bước triệu người, phá ngục tù đi
dựng ngày mới”, với cảnh:
Ta sẽ chiếm trăm công trường, ta xây nên
nghìn phố hòa bình
và:
Thuyền ngược xuôi trăm ghe chèo con nước lớn
Con
người thực hiện được giấc mơ phục sinh:
Tìm lại thanh xuân cho chị hồng đôi má
Tìm lại đôi vai em về gánh xuân nồng
Tìm lại thơ ngây cho một bầy em bé
Tìm lại đôi chân cho người lính trở về
Một
trong những hình ảnh (và có thể là nỗi ám ảnh) của TCS là mặt trời. Tương lai
tươi sáng đồng nghĩa với mặt trời:
- Bao nhiêu năm nhục nhằn đã qua
Hôm
nay thấy mặt trời rực sáng
- Trên cánh đồng hòa bình này
Mặt
trời yên vui lên đỏ chói
TCS cụ
thể hóa khung cảnh hòa bình bằng nhiều chi tiết rất cụ thể:
Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao
Vác những cây rừng to về nơi đây ta xây dựng
nhà
Một đất
nước phát triển:
Trường học dựng mọi nơi...
Bệnh viện đầy niềm tin
Chợ người về càng đông
Nông
nghiệp phát triển:
Đời dân ta cần lao, mồ hôi đã thắm trong
ruộng sâu
Ngày mai đây rừng hoang thành bãi lúa quyết
nuôi dân nghèo
Và giấc
mơ này thì thật “vô tiền khoáng hậu”:
Đường đi đến những nơi lao tù
Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ
Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no
Một đất
nước phát triển, không có lao tù,nhân dân no ấm, trời ơi, có giấc mơ nào đẹp
hơn thế!
Và thực
tế lịch sử mấy chục năm không chiến tranh vừa qua dưới chế độ Cộng Sản cho
thấy, chẳng có giấc mơ nào viễn vông hơn thế! Chiếm xong miền Nam, điều đầu
tiên người Cộng Sản làm là lập hàng ngàn trại tù. Trường không thấy xây thêm.
Chợ thì dẹp. Và suốt bao nhiêu năm, dân ta vẫn cày bừa vô cùng gian khổ trong
thời bình, mà chẳng đủ ăn. Đến nỗi phải liều chết trốn ra nước ngoài. Cả mấy
triệu người!
Ước mơ
và hiện thực quả là muôn trùng xa cách.
“Ta
Phải Thấy Mặt Trời” và “Xin Mặt Trời Ngủ
Yên”
Trong
những bài ca trích dẫn trên, nhiều đoạn chẳng khác gì một một hồi trống thúc
quân. TCS kêu gọi mọi người xuống đường, đứng dậy, tiến lên. Y như một chiến
sĩ xung kích, sẵn sàng lao đầu vào kẻ
thù. Vâng, những nhạc khúc trên “rất” TCS mà lại cũng có cái vẻ rất “không”
TCS. Chúng không trở thành phổ thông như những bài tình ca và thân phận ca. Và
đặc biệt nhất là, chúng không che dấu được con người thật của TCS, chất nhạc
thật của ông. Đó là giòng nước mắt, là nỗi ưu tư nhân thế, là tâm trạng đớn đau
cùng cực của thân phận nhỏ bé, yếu hèn. Là hạt bụi, là nỗi khắc khoải siêu hình
miên viễn trước cuộc nhân sinh. Tất cả tâm trạng đó gói trọn trong tập “Thần
Thoại Quê Hương Tình Yêu Và Thân Phận” sáng tác cùng lúc với “Kinh Việt Nam” và
“Ta Phải Thấy Mặt Trời”. Ở đây, TCS cũng kêu, la, gào thật nhưng kêu, la, gào
để “xin”, để “ru”, để than thở. Trong lúc ông hô “ta phải thấy mặt trời” thì đồng thời
lại van vỉ:
Mặt trời đã ngủ yên
Xin mặt trời hãy ngủ yên
Mặt
trời không còn sáng chói nữa:
Cúi xuống cho bóng đổ dài cho xót xa mặt trời
TCS xin
đủ thứ: xin tình yêu, xin lại cuộc đời, xin chuyện tình, xin nguyên vẹn hình
hài, xin yên phận này thôi. Trong lúc bên kia ông giục giã, thúc bách hãy vung
cao biểu ngữ, thì ở đây:
Giọt nước mắt quê hương ôi còn chảy miên man
ôi giòng nước mắt chảy hoài giòng nước mắt
đời đời...
Thân
phận con người quá nhỏ nhoi, bất lực. Ở đây, ta chẳng thấy cảnh người đi như
nước qua đê, mà là:
Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù
Người nằm yên không kêu than chết trên căn
phần
...Người đứng đó như trăm năm vết thương chưa
mờ
Ở đây,
người mẹ không còn cười sau lũy tre nắng qua đầy sân, mà là hình tượng của một
nỗi buồn bất tuyệt:
Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại
quê hương
Một
khung cảnh hoang liêu như thuở tạo thiên lập địa:
Sau chinh chiến ôi quê hương thần thoại
thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu
trai
Còn có ai trên cuộc đời
Ôi nhân loại còn người và tôi thôi
rồi lang thang như mây trời...
TCS
giải thích máu đổ một cách khác. Chẳng phải “máu như sông trôi thành nguồn”, hoặc “từng
giọt máu che mặt trời soi quanh đời u tối”, mà:
Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra
ngoài
Nhuộm đất này nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay
Hạt mầm
trót vay! Máu đổ chỉ là một hình thức trả nợ. Cũng như tin buồn không phải chỉ
từ quê hương chiến tranh, loạn lạc, ly tán, mà là từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp
người.
Rốt
cuộc, TCS đã phải trở về với chính căn phần, với thực chất của mình, một kẻ suy
gẫm về nỗi cô đơn, một tên hát rong suốt đời lang thang, buồn bã. Những hô hào
và reo hò của ông chỉ là “vui gượng kẻo
mà”. Chiến tranh, rốt cuộc, là bi kịch nhân sinh, như mọi bi kịch khác. Bởi thế
mà, mặc cho có những lúc ông tở mở reo hò, thì dù có hòa bình hay không, thân
phận con người vẫn thế. Vẫn là một thân tượng buồn!
Sự nghiệp của TCS, dù muốn dù
không, không thể thoát ra khỏi cái thân tượng buồn trăm năm đó.
Nhân sinh ca – mấy hình tượng chính
Như đã
trình bày ở phần trên, tôi gọi chung những bài
tình ca và thân phận ca TCS là nhân sinh ca. Ta có thể tổng quát hóa các
hình tượng chính trong nhân sinh ca của TCS như sau:
Em là
ngôi vị để chỉ người tình. Có thể là một
người tình cụ thể (như Diễm, Lộc...) mà cũng có thể là người tình tưởng tượng.
Và cũng có thể chỉ là một khái niệm, một bóng dáng, một hình ảnh, một sản phẩm
thuần túy tưởng tượng. Nhưng đàng nào thì cũng là một người nữ.
Tôi là
chủ thể, là tự ngã. Có khi Tôi trở thành Ta. Trong hầu hết ca khúc, cái Tôi đây
không chỉ riêng một TCS cụ thể với những hoàn cảnh cụ thể riêng biệt, mà là một
thân thế, một hiện sinh, một số kiếp. Cõi
thế (hay “cõi đời” hay “một cõi đi về”) có thể là người đời hay đời
người hay những đối vật gần gũi tham dự trong kiếp hiện sinh, tồn tại bên cạnh
mỗi người, bên cạnh cái Em, bên cạnh cái Tôi, trong cái Em, trong cái Tôi hoặc
tạo thành cái Em, cái Tôi: giòng sông, ánh nắng, con trăng, bông hoa, con
đường, góc phố với những liên hệ xa gần với Em, với Tôi, với người đời và đời
người. Cõi thế, như thế, là nơi chứa chấp Em và Tôi và người đời như những thân phận. Thành thử,
ta không ngạc nhiên khi thì TCS ru Tôi, rồi ru Ta, rồi ru đời, rồi ru người.
Tương
quan giữa Em và Tôi tạo thành cái được gọi là tình yêu, nỗi nhớ, sự tiếc nuối,
nỗi buồn, sự mất mát, lòng mong ước và là nguồn cảm hứng bất tuyệt cho những
bản tình ca Trịnh Công Sơn.
Tương
quan giữa Tôi và Cõi thế tạo nên cái mà Trịnh Công Sơn gọi là “một cõi đi về”,
là nguồn gốc của mọi bi kịch, của thân phận, là nỗi tuyệt vọng không cùng, đeo
đẳng gần suốt sự nghiệp và cuộc đời của ông. Có những giai đoạn, tương quan đó
trở nên “bất bình thường”, TCS bị “vong thân”, nghĩa là bị ném ra khỏi cái Tôi
cố hữu. Tôi biến thành cái Ta, thành cái Chúng Ta. Đó là cái Tôi trong một số
bài của “Ca Khúc Da Vàng”, của hai tập “Kinh Việt Nam” và “Ta Phải Thấy Mặt
Trời”, tóm lại là cái Tôi đặc biệt trong những bài ca nói về chiến tranh, về
cuộc tranh đấu cho hòa bình, về mơ ước xây dựng lại đất nước, vân vân. Đó cũng
là cái Tôi của giai đoạn sau này khi sống dưới chế độ Cộng Sản. Giai đoạn
trước, những lời tâm sự biến thành những lời than van, gào thét, lên án và
những mơ ước rực rỡ nhưng viễn vông. Giai đoạn sau thì cái Tôi trở thành cái Ta
hoặc biến mất trong cái Ta chỉ để... “sống còn”.
Để sống
còn, TCS phải làm nhạc tuyên truyền, một loại nhạc phi-TCS. Cái trước nghe còn
có chút gì là của TCS, cái sau hoàn toàn
vong thân, biến tính. Để hiểu cái tính cách “sống còn” này của TCS, có lẽ không
có gì cụ thể thể hơn là đọc trích đoạn sau đây của Nguyễn Duy, một nhà thơ
trong nước, khen TCS vào năm 1987: “Một
số ca khúc mới của TCS, sáng tác từ cảm hứng trước hiện thực mới, đã được công
chúng lan truyền rộng rãi, trong đó, bài “Em Ở nông trường, em ra biên
giới”(1978) được đáng kể là cái mốc đánh dấu chặng đường mới của anh. Anh đã
thật sự “bắt” vào mạch đời sống hiện
thực mà vẫn giữ được cái giọng riêng, cái bản sắc tươi sáng. Một vài năm trước
1975, anh hơi sa đà vào mạch thiền, bắt đầu có dấu hiệu lẩn quẩn (...). Chính
hiện thực đời sống đã giúp anh “trẻ lại”, anh đi nhiều, sáng tác và hát, ở nhà
trường, công trường, nông trường, ở các tụ điểm sinh hoạt xã hội của thanh
niên, sinh viên và trí thức thành phố, lên biên giới, ra biển khơi, vào tận
bưng biền Đồng Tháp Mười. (...). Với anh, có thể kể ra hàng loạt những bài hát
được nhiều người ưa thích “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Chiều trên quê hương
tôi”, “Huyền thoại mẹ”, các bài hát trong phim “Pho tượng”, phim “Y võ dưỡng
sinh”v.v...đều là những bài nhạc và lời tương sinh như xác với hồn, những chi
tiết hiện thực đời sống được nâng lên trong xu hướng vươn tới cái đẹp lâu bền.”[1]
Giọng
điệu Nguyễn Duy nghe ra đậm mùi nghị quyết, khen một kẻ tân tòng, chắc cũng
giúp được TCS trong giai đoạn xoay sở để “sống còn” này.[2]
Bao nhiêu nhân tài miền Bắc đã bị vùi dập vì phải sống bằng nghị quyết, bây giờ
lại đến TCS, than ôi!
Mà
thôi, nói lắm thêm rầu!
*
Dẫu
sao, sau này, có lẽ chính vì nhận ra cái tính chất giai đoạn, tính chất “bất
bình thường” của chúng mà trong tuyển tập “Những Bài Ca Không Năm Tháng” của
ông không có những bài ca tuyệt hay về chiến tranh và mơ ước về hòa bình, lại
càng không có một số bài ca được sáng tác với mục đích “sống còn” này. Có lẽ
chỉ trừ bài “Em Ra Đi Nơi Này Vẫn Thế”, tuy phảng phất hơi hướm tuyên truyền,
nhưng vẫn là một bài đầy chất tâm sự. Phải chăng TCS đã xem chúng như là những
bài ca “có năm tháng”, không thể hiện đúng ý hướng của ông là “Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với
cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng và cũng là
một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối
với buổi chia lìa (một ngày nào đó) cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia xẻ
những buồn vui cùng mọi người.”[3]
Cũng không có cả “Nối Vòng Tay Lớn”, bài hát đã để lại một kỷ niệm cay đắng cho
những người miền Nam yêu mến ông.
Bùi Bảo
Trúc, trong một bài viết khá công phu về Trịnh Công Sơn, đã nhận định: “...nhìn lại những nhạc phẩm mà người ta được
nghe của ông, thì tình yêu là ám ảnh lớn hơn tất cả các đề tài khác của Trịnh
Công Sơn”. Bởi thế, theo ông, “Trịnh
Công Sơn, thủy chung vẫn chỉ ở với nhạc tình. Bài ca đầu tiên và cuối cùng của
ông đều là những tình ca. Trong một chiều dài
một nửa thế kỷ sáng tác, từ những năm 1950 đến cuối thập niên 90, Trịnh
Công Sơn viết nhiều nhất vẫn là nhạc tình.”[4]
Nhạc
tình. Có thể là như thế. Nhưng tôi không cho rằng ám ảnh lớn nhất đối với TCS
là tình yêu, mà là thân phận con người, là cuộc hiện sinh. Dấu vết của ám ảnh
đó hầu như xuyên suốt trong gần như tất
cả nhạc phẩm của ông. Vâng, ông nói rất nhiều về tình yêu, nhắc nhở rất nhiều
về Em, về một (những) người nữ nào đó đi qua trong đời, về hẹn hò, về chia xa,
nhưng lúc nào cũng bàng bạc trong đó những khắc khoải không nguôi về phận
người. Tình yêu là mặt khác của bi kịch thân phận. Ta thấy rất rõ, qua tình ca
TCS, sự tuyệt vọng và mất mát không chỉ nằm trong chia lìa, ngăn cách hay bội
phản, mà nằm ngay trong bản chất của tình yêu.
Sự thất
bại trong tình yêu không phải tại Em (em bỏ đi, em chết, em phụ bạc, em vô
tình...) mà trong nhiều trường hợp là tại Tôi. Nỗi bi đát không cùng của Cõi
thế cũng xuất phát từ Tôi. Mà nói cho cùng cũng chẳng phải tại Tôi. Trong TCS,
ta thấy cái chia lìa nằm ngay trong gặp gỡ, cái đớn đau nằm ngay trong hạnh
phúc, cái khởi đầu nằm ngay lúc chung cuộc. Nghĩa là nằm trong tính “nhị
nguyên” của sự vật, trong tương quan Tôi – Em – Cõi thế. Trong những tình khúc
nổi tiếng nhất của ông, tính bi kịch đó xuất hiện khi tỏ khi mờ. Những hình
ảnh như ngàn năm, ngàn năm ru em muộn
phiền, tình như núi rừng cúi đầu, tiếng buồn rơi đều hay khái niệm đỉnh cao/vực
sâu hay hình tượng những đóa mong manh đưa ta vượt khỏi biên giới của thứ tình
yêu thuần túy thông thường, đến bến bờ của những suy gẫm nhân sinh, những khắc
khoải nhân thế. Các bài tình ca và thân phận ca nghe ra đều là nhân sinh ca.
Em:
Cái Em
xuất hiện khá nhiều trong ca từ, có lẽ tương đương, hoặc không thua mấy cái
Tôi, của TCS. Em dường như không có nhân dáng cụ thể gì đặc biệt. Qua một vài
ca khúc, thì Em có vẻ gầy (vai em gầy guộc nhỏ, trên vai gầy), bàn tay Em thì
có năm ngón (đương nhiên), xanh xao (bàn tay xanh xao đón ưu phiền) và ngón tay
Em cũng gầy (ngón tay em gầy nên mãi...) và cánh tay thì dài bất thường (dài
tay em mấy...), tóc Em cũng dài bất thường (tóc em trôi dài trôi mãi...), đôi
mắt thì buồn (nắng có buồn bằng đôi mắt em). Em đẹp (mi cong cỏ mượt, tay xanh
ngà ngọc). Tóm lại, Em nhỏ nhoi, mỏng mảnh, tiểu thư. Thực ra, Em chỉ là một
hình ảnh, và trong rất nhiều trường hợp, chỉ là một ý niệm mà TCS vay mượn để
nói lên cảm thức về Cõi thế và làm nổi bật cái Tôi.
Trước
hết, Em là người mà một ngày tình cờ biết
em, là ngày lạ lùng nhất trần gian. Em là hoa lá giữa thiên nhiên hiền hòa. Em là người mà Tôi muốn yêu em thật thà. Tôi xin năm ngón tay em thiên thần và Ru em ngồi yên nhé để Tôi tìm cuộc tình cho.
Chính vì thế mà Tôi đã yêu em bao ngày
nắng bao ngày mưa. Nhưng bất hạnh thay, trong tình yêu đã có nghìn trùng trên môi người tình, đã dấu nụ
tàn bên trong nụ hồn, có chớm lạnh lùng trên môi nồng nàn. Vì sao? Vì Em là
người luôn luôn xa cách:
- Em đi biền biệt muôn trùng quá
- Em đi bỏ lại dặm trường
Em lúc
nào cũng vội vàng:
Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội
Em chỉ là chiếc bóng chập chờn, thấp thoáng,
mong manh:
Một lần thấy bóng em qua nơi này một lần với
bóng tôi
Một ngày đã có em xa nơi này một ngày với
vắng tôi
Em gây
ra nỗi nhớ:
- Từng nỗi nhớ, trùng trùng nỗi nhớ
- Mong em qua bao nhiêu chiều, vòng tay đã
xanh xao nhiều
Em làm
cho cuộc tình bay đi, tan vỡ:
- Rồi tình cũng xa khơi, phiến sầu là tháng
ngày
- Cuối đời còn gì nữa đâu, đã tàn mộng mị
khát khao
Đôi khi con tim hò hẹn ngậm ngùi vì một ngày
mưa bắt đầu
Thế là:
Quanh em trăm năm khép lại
có còn ai mang hoa tươi về yêu dấu ngồi
Em đã
vĩnh viễn ra đi, em:
Bỏ trăm năm sau ngàn năm trước/Bỏ mặc tôi là
tôi là ai
Bỏ xa xôi yêu và gần gũi/Bỏ mặc tôi buồn giữa
cuộc vui
Vậy
thì:
Em là ai ? em là ai? Tôi tìm hạt bụi bay
trong cuộc đời
Có lúc,
TCS tự trả lời:
Em là tôi và tôi cũng là em
Tôi:
Tôi là
gì? Tôi là ai? Đó là ám ảnh lớn nhất và sâu thẳm nhất của TCS. Hầu như suốt
đời, ông chỉ loay hoay đi tìm bản lai diện mục của cái Tôi đơn giản mà huyền
hoặc đó. Tôi của TCS chẳng phải chỉ là cái chủ thể yêu đương, ngay cả trong
những bản tình ca có vẻ “tình ca” nhất. Cái Tôi đó rất lạ lùng: chưa vui đã
thấy buồn, chưa gần đã thấy xa, chưa đi đã thấy về, chưa sống đã thấy chết,
chưa yêu đã thấy mất. Tôi loanh quanh, thắc thỏm, nghi hoặc. Tôi nhạy cảm với
mọi vật, mọi sự: một chút gió, một chút nắng, một chiếc lá rơi, một cái nhìn.
Cái Tôi lo lắng chuyện một ngày cho đến chuyện trăm năm, ngàn năm. Cái Tôi đó
còn có một sở thích khá lạ lùng: Ru. Ru tình, ru đời, ru Ta, ru người, ru thế
giới và ru...Em. Cái Tôi than thở, la hét, kêu gào, hân hoan, xao xuyến. Lại có
lúc cái Tôi im lặng, thu vào bên trong, biến mình nhỏ lại và tan giữa thinh
không hoặc tan trong cội nguồn. Cái Tôi đó có lúc thật cuồng ngạo: Ta phải thấy
mặt trời (ghê chưa!). Cũng có lúc chỉ biết van xin: Xin mặt trời ngủ yên! (tội
chưa!)
Vậy
thì, Tôi không chỉ là một cá thể, lại càng không phải chỉ là cái Tôi-suy-tư.
Tôi rõ ràng là một thân phận, một số kiếp, một dấu hỏi bất tận, một tìm kiếm
không nguôi. “Hình dạng” cái Tôi như thế nào? Trước hết đó là một hạt bụi hóa
kiếp thân tôi để sau cùng tôi về làm cát bụi. Từ hạt bụi này đến hạt bụi kia,
Tôi là thực thể mỏi ngóng tin vui trong một tình hình hết sức tạm bợ:
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
Chỗ
trọ, buồn thay, cũng là chốn lưu đày:
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây
...Còn bao lâu tôi xa anh xa em xa tôi
Giữa
chốn đó:
Tôi như là người lạc trong đô thị một hôm đi
về biển khơi
Tôi như là người một hôm quay lại vì sao vẫn
cứ lạc loài
Tôi
sống giữa cuộc đời, giữa mọi người nhưng tuyệt đối cô đơn:
- Trời cao đất rộng một mình tôi đi, một mình
tôi đi
Trời
cao đất rộng, một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi
- Không còn ai, không còn ai,
Ta
trôi trong cuộc đời, không chờ không chờ ai...
Chính
từ cảm thức cô đơn ghê gớm đó mà Tôi khi thì như chim xa lạ, đứng nhìn những ngày qua khi thì là chút vết mực nhòe, khi thì như đá
nặng nề và nhiều lúc mơ hồ tưởng mình
là cơn gió. Bởi thế mà Tôi luôn luôn bất an:
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Mọi ước mơ hoàn toàn vô vọng:
Tôi như mọi người mong ngày sẽ tới
Nhưng khi về lại thu mình góc tối
Trong tôi rụng đầy bao nhiêu nụ cười
Có nói được gì những tiếng bi ai
Để rồi:
Hôm nay thức dậy, không còn thấy mặt trời
...Hôm nay thức dậy/Tôi ngẩn ngơ tôi
Hôm nay thức dậy/Mê mỏi thân tôi
Tôi là
một hiện hữu hoàn toàn bế tắc. Bởi thế mà Bao
nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai
ta đôi vầng nhật nguyệt dọi xuống trăm năm một cõi đi về. Rốt cuộc, Tôi là
một nghịch lý:
Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn một thành hai
Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ
Đấy!
Lỗi tại cái Tôi mọi đàng. Em yêu thương cũng là từ Tôi. Mà Em thú dữ cũng là từ
Tôi! Còn ai vào đó, hỡi ôi! Nhưng vĩnh viễn, Tôi vẫn là một dấu hỏi đầy nghiệt
ngã:
Tôi là ai mà còn khi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai...mà yêu quá đời này.
Tôi là
ai? Vâng, đó là một câu hỏi mà cho đến tận cuối đời, TCS vẫn không thể tìm ra
giải đáp.
Cõi thế:
Cõi thế
trong nhạc Trịnh Công Sơn được diễn tả ở nhiều cấp độ, nhiều hình tượng và
nhiều ý niệm khác nhau.
Trước
hết, đó là những vật và sự vật gần gũi
liên hệ trong đời sống hàng ngày,
từ đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
cho đến biển nhớ tên em gọi về; từ nắng thủy
tinh cho đến nắng khuya;
từ mặt trời vẫn ngủ yên cho đến mưa dưới chân ngà và một loài hoa chợt tím; từ con trăng là tên lãng du cho đến mặt đất ưu tư bỗng nở nụ cười; từ những đường phố mệt nhoài, hắt hiu cho
đến đường phố đầy tiếng chim; từ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng về Huế đường phượng bay mù không lối vào cho
đến Hà Nội xôn xao con đường, xôn xao lá;
từ những hàng cây xanh đón em áo lộng cho
đến những mặt đường nằm câm; từ ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì cho
đến có nắng vàng nghèo trên lối đi xa.
Cái thế giới gần gũi ấy phần đông đều có dáng dấp phố như Bửu Ý nhận xét: “Hình ảnh phố phô mình phân rải trong ca khúc
anh: phố xưa, phố hẹn, phố xôn xao, phố rộng, phố thênh thang, phố cao nguyên,
phố nọ, phố xa lạ... Phố như là nơi triển lãm của sự sống, một đại hội đời, một
nơi tập cư đủ mẫu người, một bãi thí nghiệm bao thế thái nhân tình làm thỏa
lòng con người nào muốn sưu tập con người.”[5]
Đó là
một cõi thế cụ thể. Cõi thế của TCS còn mở rộng ra trong không gian và thời
gian, một cõi thế trừu tượng, siêu thực và rộng, dài đến vô cùng. Đó là cõi thế
của nhật nguyệt trên cao, ta ngồi dưới
thấp, của một ngàn năm trước mây qua
mây qua...một ngàn năm nữa mây qua mây qua. Đó là cõi của bốn mùa thay lá, rồi mùa xuân không về mùa thu cũng ra đi,
cõi của đêm ngày u tịch, của trong xuân
thì đã thấy bóng trăm năm. Một cõi thế luôn luôn bất ổn, có đó mất đó vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ, của ngày nào vừa đến đã xa muôn trùng. Đó là
cõi trời cao đất rộng, một mình tôi đi...Đời từ vô tận một mình tôi về. Đó cũng
là cõi của một người về đỉnh cao một người về vực sâu, con diều rơi cho vực thẳm buồn theo. Đó là cõi của đá lăn, vết lăn trầm, của một vườn địa
đàng mù tăm mất dấu, một “paradise perdue” qua
khoang trời vắng chân mây địa đàng hay đêm
hồng địa đàng còn in dấu chân bước quen, chỉ còn bài ca
dao trên cồn đá...
Tóm
lại, dưới con mắt TCS, cõi đời là một cõi bao la ta về ngậm ngùi, trong đó:
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
buồn bã
hiu hắt:
Có những bạn bè xanh như người bệnh
Có tiếng cười và tiếng khóc mênh mông
Có những mặt người giữa phố hoang mang
vô
vọng:
Dưới ngọn đèn một bóng chim qua
Giữa đường đi một người đứng gọi
Có biết gì về ngày chưa tới
không
còn đấng cứu chuộc:
Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người
Ba hình
tượng Em, Tôi và Cõi thế trong ca từ TCS đều là hư huyễn vì bản chất của chúng
là nghịch lý. Tính cách nghịch lý này được TCS diễn tả hầu như xuyên suốt sự
nghiệp sáng tác của ông. Cao Huy Thuần đã phân tích rất chi ly và đặc sắc tính
cách này trong ca từ (mà ông gọi là nét nhạc):
“Đối nghịch là nét nhạc riêng của Trịnh Công
Sơn. Anh nói một điều rồi anh nói điều trái lại. Như nét hỏng nằm giữa toàn
bích. Bài hát này của anh đối nghịch với bài hát kia, lời một đối nghịch với
lời hai, câu sau nghịch với câu trước, thậm chí hai hình ảnh nghịch nhau trong
cùng một câu, trong vòng đôi ba chữ”
“Có một chút của cái này và một chút của cái
kia. Có một chút của cái này trong một chút của cái kia. Có một chút xuôi trong
ngược. Trăm năm trong xuân thì. Chân như trong hạt lệ”... “Trong nhớ đã có
quên, trong quên vẫn cứ nhớ, tưởng vơi mà đầy, trong con nước rút có hồng thủy
dâng lên.”[6]
Theo
tôi, đó là nét nhất quán trong cái nhìn của TCS về cuộc tồn sinh. Chính bản
thân ông đã diễn tả cái nhìn “nghịch lý” đó như sau:
“Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại
niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng...Và như thế, tôi đang yêu thương
cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.”[7]
Ở một
bài khác, TCS cho biết:
“Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn
đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai
cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ.”[8]
Vậy thì
đã rõ, TCS, trước sau vẫn là một người “duy lý”. Ông nói về tuyệt vọng, về hư
vô, về sự cô đơn, về Em, về Tôi, về Cõi thế trong tâm thức một người tỉnh táo,
chứ không phải trong tâm thức của một người điên mê tuyệt vọng như cô gái điên
thời chiến tranh. Hơn thế nữa, đôi khi
như một người ngoài cuộc, ông tỉnh táo ngắm nhìn và lý giải. Ở điểm này, tôi
(tác giả bài viết này, không phái cái Tôi của TCS) đồng ý với Võ Phiến khi ông
cho rằng TCS mới lớn lên đã thốt lời siêu thoát như một đạo sĩ đầu râu tóc bạc
chống gậy trúc dưới một chân núi nào. Một tác giả khác, Huỳnh Hữu Uỷ, nhận xét
Trịnh Công Sơn đã từng “lý giải tài tình
những u uất của kiếp người, nỗi hoang vu và mộng ảo nhân sinh trước thực tại
mênh mông, cùng lúc đặt con người đối đầu cả trước vận mệnh của lịch sử, anh cư
ngụ trong cuộc đời không phải chỉ như một thi sĩ ca hát cái đẹp mà còn là một
nhà hành giả sống cái ẩn dật bên trong.”[9]
Nghệ
thuật cũng là một cách lý giải đời sống. Thay vì dùng một chuỗi luận lý để tìm
cách chứng minh, thuyết phục, ở đây, TCS dùng từ ngữ và hình ảnh, biểu tượng để
...hát. Ông lập đi lập lại mãi cùng một số ý. Một thứ triết học nhẹ nhàng như
ca dao hay lời ru con, như anh phát biểu. Rõ ràng là tư tưởng Phật giáo và Lão
giáo, cả dưới dạng bình dân lẫn bác học, có một dấu ấn sâu đậm và tự nhiên
trong tâm thức ông. Mặt khác, cũng phải ghi nhận ảnh hưởng của những trào lưu
triết học thời thượng khá phổ biến hồi đó ở miền Nam - đặc biệt là hiện sinh -
lên ca từ của TCS. Các khái niệm về phi lý, hư vô, mỏi mệt... được ông đưa vào
ca từ một cách thoải mái.
Ngoài
ra, ông khai thác lối hợp âm, hợp vận đa dạng cọng với âm thanh phổ thông phụ
họa để đưa vào quần chúng. Ông sáng tạo nhiều ý tưởng và hình ảnh khá ngộ
nghĩnh, đôi khi vô nghĩa, nhưng lại tiềm ẩn nhiều ý nghĩa: tôi thu bóng tôi,
tôi thu tôi nhỏ lại. Nhiều khi tôi có cảm giác như TCS đùa cợt với chữ nghĩa, vì ông biết rõ bản
chất giới hạn của chúng. Ông mặc tình thao túng, vọc giỡn chúng. Khi thì ông
khai thác những hình ảnh đầy chất thơ, khi thì rặt cả chữ nghĩa bề bộn, làm
dáng (hư vô, ưu phiền...) khi thì nặng nề âm khí, khi thì nhẹ nhàng siêu thoát,
khi thì tinh nghịch, thơ ngây, đôi khi có vẻ như ông muốn trêu chọc, đánh lừa
cảm quan của chúng ta: Đừng tuyệt vọng tôi
ơi đừng tuyệt vọng.... Gì vậy? Thực ra, ông muốn đẩy nỗi tuyệt vọng đến tận
cùng của nó. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, bài ca trông như rất lạc quan,
nhưng để ý mà xem, chúng chỉ là một niềm vui “phải đạo”, vui cho có. Niềm vui
làm sao mà ta có thể chọn mỗi ngày, y như ta chọn áo chọn quần được.
Thử đọc (và nghe) một vài bản nhạc ưa thích
Biết Đâu Nguồn Cội (Nhịp 2/4, âm giai Đô trưởng, vừa, vui)
1. Em đi qua chuyến
đò thấy con trăng đang nằm ngủ
Con
sông là quán trọ và trăng tên lãng du
Em đi qua chuyến đò ối a con trăng còn trẻ
Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già
2. Em đi qua chuyến
đò ối a trăng nay đã già
Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra
Em đi qua chuyến đò, lắng nghe con sông nằm
kể
Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về
3. Em đi qua chuyến
đò ối a vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi
Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội
Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài
4. Tôi vui chơi giữa
đời ối a biết đâu nguồn cội
Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tối
Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đầu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại, làm mưa tan giữa trời
Bản
nhạc vui tươi nhí nhảnh nghe như một bản đồng dao. Hát tập thể, có thể vừa hát
vừa vỗ tay. Bài ca có bốn phiên khúc, hai phiên khúc đầu đề cập đến Trăng và
Sông. Hai phiên khúc sau đề cập đến Tôi và Em. Ba thực thể chính vẫn là Tôi –
Em - Cõi thế. Bài hát nêu lên hình tượng đối nghịch giữa Tôi/Em, chủ thể/đối
tượng, động/tĩnh, biến dịch/bất biến.
Nguyệt Ca (nhịp
2/4, âm giai Mi trưởng, nhẹ nhàng, trữ tình)
1. Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong
tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều
vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt
trời
Từ đêm khuya khi nắng sớm hay trong những cơn
mưa
từ bao
la em đã đến xua tan những nghi ngờ
Từ trăng xưa là nguyệt lòng tôi có đôi khi
tựa bông hoa vừa mọc hân hoan giây xuống thế
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp
ca
Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là.
2. Từ khi trăng là nguyệt, vườn xưa lá xanh
tươi
Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời
Từ bao la em đã đến hay em sẽ ra đi
Vườn năm xưa còn tiếng nói tôi nghe những đêm về
Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra
Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng
ngoài kia
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ.
3. Từ
trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la
Từ trăng kia vừa mọc trong tôi không trí nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt hôm nao chợt có lời
thưa
Rằng em thôi là nguyệt tôi như đứa bé dại khờ
Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi
Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai
lần về
Từ trăng thôi là nguyệt mỏi mê đá thôi lăn
Vườn năm xưa vừa mệt cây đam mê hết nhánh
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố
nhiều tên
Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình.



Bản
nhạc trữ tình, không nhí nhảnh như bản trên. Hát một mình. Vỗ tay theo không
hay nhưng thích thì vỗ tay... cũng được. Bài ca có ba đoạn, chứa hai ý chính:
Khi trăng là nguyệt (hay em là nguyệt), nghĩa là Em và Tôi gặp nhau, yêu nhau
thì...thế và khi trăng không còn là nguyệt (hay em không còn là nguyệt), nghĩa
là Em và Tôi xa nhau, thì ...thế. Bài ca nêu lên cái ý: cõi thế biến dịch theo tương quan giữa Em và Tôi và
tâm thức vui buồn của Tôi. Từ Tôi mà ra Cõi thế. Tướng tự tâm sinh.
Ta để
ý, trong một số bản nhạc, TCS hay đề cập đến trăng, đến mặt trời. Nhật-nguyệt
được xem như biểu tượng của vũ trụ, cõi thế:
- Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
- Nhật nguyệt trên cao ta ngồi dưới thấp
Đâu
cũng là trăng. Nhưng trăng trong “Biết Đâu Nguồn Cội” (BĐNC) có tính khách
quan. Nó nằm ngoài Tôi. Nó chỉ là một “tên lãng du”. Nhưng trăng trong “Nguyệt
Ca” (NC) gắn liền với Tôi. Nó tạo thành Cõi thế của Tôi. Nó tạo thành Tôi.
Trong BĐNC, trăng chỉ là một đối sánh với Em. Trong NC, trăng là nguyệt, là em,
và qua đó, trăng dính liền với Tôi, là điều kiện tồn tại của hiện sinh Tôi, trở
thành bản thân Tôi. Sự chuyển biến trăng - nguyệt - em thay đổi thân thế và cảm quan của Tôi. Bởi
thế mà trong BĐNC, Tôi rong chơi giữa đời. Còn trong NC, từ chỗ nghe đời vỗ về
tôi đến chỗ Tôi không trí nhớ để cuối cùng trở thành đứa bé dại khờ. Trong
BĐNC, Tôi sẵn sàng lăn theo gót hài để rồi làm mưa tan giữa trời. Còn trong NC,
Tôi lại bị phân thân trở thành đường phố nhiều tên để rốt cuộc đứng đó một
mình.
Thú vị
là ở chỗ, trong BĐNC, cái Tôi trông có vẻ siêu thoát, đầy cảm thức đạo sĩ,
trong lúc ở NC, cái Tôi có vẻ phiền trược, dính líu, vướng víu với đời. NC là
một thế giới đầy cảm tính, trong đó, Tôi và Em cọ xát nhau. Đó là thế giới của
là và thôi là, hiện hữu và phi hiện hữu. Tôi khoái lối sử dụng chữ nghĩa ở đây:
trăng – nguyệt – em. Một đánh tráo giữa danh và thực, giữa cái biểu tượng và
cái cụ thể. Trăng là nguyệt hay trăng là em? Em là nguyệt hay em là trăng?
Nguyệt là em hay nguyệt là trăng? Cái nào thiệt cái nào không thiệt? ...Thực ra
thì, ta cảm ngay trăng – nguyệt – em tuy ba mà là một. Ngôn, mà phá ngôn. Lời,
mà phá lời.
Cả hai
bài tuy khác nhau, nhưng hát lên, ta cảm nhận ngay chất “thiền ca” trong khí
hậu của bài hát. Nó nằm giữa những giòng chữ, ý nghĩa, hình ảnh và âm thanh. Và
đồng thời, nó nằm ngay ngoài chúng. Nhiều ý và hình ảnh xuất hiện thật bất ngờ,
bất ngờ đến nỗi, dù nghe đi nghe lại nhiều lần, chúng vẫn có vẻ như vừa mới bật
ra đâu đây, chừng một “sát na” trước. Và điều lạ hơn nữa, nó có vẻ như “bật” từ
trong ta mà ra, chứ không phải là từ TCS.
Và thêm một bài nữa
Định
chấm dứt bài viết ở phần trên, nhưng chợt vừa nghe thêm một bản nhạc trong một
cuốn băng do chính giọng TCS: bài “Ra Đồng Giữa Ngọ”. Bài hát này cũng nhịp
2/4, giòng nhạc vui tươi, nhí nhảnh, âm giai Fa trưởng. Bài này cũng có tính
cách đồng dao, đặc biệt không có Tôi mà cũng chẳng có Em. Chỉ có ba hình tượng:
thằng bé, con diều giấy và yêu tinh. Bài hát giản dị, lập đi lập lại một câu
chuyện vui. Giữa trưa đứng bóng, một thằng nhỏ (là Tôi, là anh, là em, là con
người) mang diều ra thả giữa đồng. Trong khi bay cao, con diều bỗng gặp một
khuôn mặt yêu tinh. Thay vì tranh chấp đấu đá, chúng cùng bay lên bay cao giữa
thinh không với nhau. Câu chuyện kết thúc đơn giản, rất đơn giản:
Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ
Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không.
...Tan trong cội nguồn.
Vâng,
tan giữa hư không. Cả thằng bé. Cả con diều. Cả khuôn mặt yêu tinh. Cả Em. Cả
Tôi. Cả Cõi thế. Tất nhiên, tất cả: tan trong cội nguồn.
07/2001
Trần Hữu Thục
(Tác Giả, Tác Phẩm và Sự Kiện, nxb Văn
Mới, California USA 2005)
[1] Nguyễn Duy, “Tôi thích làm vua” (1987), dẫn theo Hợp
Lưu 59, tháng 6 & 7/2001, tr. 63-64
2. Để hiểu cái tinh thần
“sống còn” này, xin trích một vài đoạn trong hai bài hát tiêu biểu thời kỳ
này là “Huyền Thoại Mẹ” và “Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới” (Cả hai bài đều
không có mặt trong Tuyển tập ”Những Bài Ca Không Năm Tháng”).
- “Huyền Thoại Mẹ”: Mẹ lội qua con suối/Dưới mưa bom không
ngại/Mẹ nhẹ nhàng đưa lối/Tiễn con qua núi đồi...Mẹ về đứng dưới mưa/Che từng
căn hầm nhỏ/Xoá sạch vết con về/Mẹ ngồi với cơn mưa... “Huyền Thoại Mẹ” này
viết theo kiểu văn công tuyên truyền, thiếu hẳn cái tha thiết và cảm xúc chân
thật của “Hát Cho Một Người Nằm Xuống”: Vùng
trời nào đó anh đã bay qua/Chỉ còn lại đây những sáng bao la/người tình rồi
quên , bạn bè rồi xa/Ôi tháng năm, những dấu chân là vết bụi mờ...
- “Em Ở Nông Trường, Em Ra
Biên Giới”: ...Xa nông trường ra biên giới, có đôi khi đi không trở lại/ Nhưng trong
lòng nghe tiếng nói, những gian nan sẽ đo lòng người/ Từ biên giới xa, chốn em
sương mù, rừng sâu tìm những lối mòn qua/Từng khi nắng mưa, lẫn đêm nằm nhớ màu
đất trời quen quá chốn quê nhà/Khi qua rừng, khi qua suối, thấy vui theo bước
chân đồng đội/Trong những ngày gian nguy ấy biết bao nhiêu những câu chuyện đời.
Cũng như trên, bài hát thuộc loại văn công tuyên truyền có mục đích cổ động
phong trào, đại loại như “Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo” hay “Bài Ca Năm Tấn”.
3. Trịnh Công Sơn, Lời
mở, Tuyển tập những bài ca không năm
tháng, tr. 4
4. Bùi Bảo Trúc, “Về Trịnh Công Sơn”, Văn, sđd, tr. 46
5. Bửu Ý, “Thay lời tựa”, Tuyển tập đd, tr. 6
6.Cao Huy Thuần, “Buồn bã với những môi hôn”, Thế Kỷ 21
số 146, 6/2000, tr. 60 & 61
7. Trịnh Công Sơn, “Nỗi lòng của tên tuyệt vọng”, Văn,
sđd, tr. 137
8. Trịnh Công Sơn, “Để bắt đầu một hồi ức”, Văn, sđd,
tr. 139
9. Huỳnh Hữu Ủy, Brochure
triễn lãm tranh Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn năm 1990 ở Sài Gòn, dẫn theo Hợp Lưu, sđd, tr. 71
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét