Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017
Nguyễn Lê Hồng Hưng: Trên Bờ Dưới Biển
Năm nay mùa đông tới
sớm và thời tiết lạnh hơn mọi năm, mới tháng một mà dọc theo bờ biển phía Bắc
nước Nga băng dầy lên gần cả thước. Những tàu buôn ra, vào hải cảng phải chờ đủ
một đoàn rồi nhờ hạm phá băng chạy trước dẫn đường.
Chiếc Elisabeth rời
cảng St.Petersburg hồi khuya, bây giờ đã ra tới lằn nước xanh và hướng về kinh đào
Kill để vào hải cảng Hamburg.
Sau bữa ăn trưa thủy
thủ đã rút hết vô phòng, ngoài boong vắng ngắt. Công việc buổi sáng của đầu đếp
coi như đã xong. Tôi lên phòng tắm rửa và chuẩn bị nghỉ trưa. Tôi có thói quen
mỗi khi lên giường nằm thì phải đọc cái gì đó. Lay quay tìm trong chồng sách báo
nhưng toàn những cái đã đọc hết rồi. Mới nhớ hôm ở St. Petersburg tôi có lên
internetcafe tải mấy bài trên mạng, còn giữ trong mp3 chưa in ra giấy. Tôi tháo giây đeo lấy chiếc
máy nhỏ ra, bỏ máy vô túi rồi đi lên phòng lái.
Jannet ngồi trên
ghế lái bên trái, Viktor đứng cạnh bên ghế tay phải, thấy tôi lên hai đứa chào
một lượt. Viktor vẫn chăm chú ngó về phía trước, tay cầm chặt cần lái điều khiển
con tàu. Tôi nhìn xuống boong tàu và đảo mắt ngó mông lung ra vùng biển trước,
những cơn giông giật kèm theo sương tuyết lướt qua, dán lại đông đặc một lớp mỏng
trắng trên nóc những containers, không gian mù mờ, mặt biển mơ màng như chứa
chan một nỗi buồn lạnh lẽo.
Tôi đi lại phòng
vi tính gắn mp3 vô và bấm chuột in bài. Viktor định hướng con tàu xong. Nó gài
lái tự động rồi đi qua lấy bình cà phê rót ra mời tôi. Jannet cũng rời ghế lái đi
qua đứng cạnh bên, chờ tôi in xong rồi chỉ vô mấy dấu nhạc trong cửa sổ vi tính
và hỏi nhạc gì. Tôi nói nhạc Việt Nam. Nó liền đi xuống phòng lấy mp3 của nó lên
và hỏi xin copy mấy bản nhạc. Tôi đứng dậy giao máy cho nó và sắp xếp lại giấy
tờ mới vừa in. Viktor tới cầm lên một tờ khôi hài lẩm bẩm đọc vài câu rồi để xuống,
lắc đầu:
– Tui hổng hiểu gì
hết.
Tôi nói:
– Muốn hiểu thì mầy
phải học.
– Tiếng Việt khó
thấy mồ.
– Tiếng Nga còn
khó hơn.
Viktor chỉ hừ một
cái rồi nói:
– Tui muốn quên hết
nhưng không quên được.
– Nếu quên hết rồi
khi về nước mầy nói tiếng gì.
– Ukrainia cũng có
tiếng riêng.
– Tao nghe nói tiếng
Ukrainia và tiếng Nga cũng na ná như nhau, tuy nhiên biết thêm một ngoại ngữ
thì cũng tốt.
Jannet ngồi bên ngứa
miệng xía vào:
– Viktor còn giận mấy thằng Nga ở St.
Petersburg.
Tôi vừa bấm kim kẹp
lại giấy tờ vừa nói với Jannet:
– Sao lại giận, sáng
hôm kia tao thấy cảnh sát chở nó với Ivan xuống tàu mà.
Jannet chưa kịp nói
gì, thì Viktor đính chánh:
– Họ chở tụi tui
xuống tàu lấy tiền chuộc giấy tờ.
– Giấy tờ gì mà phải
chuộc?
– Ông hổng biết gì
hết à?
– Tao tưởng tụi mầy
bạn bè với cảnh sát, đi chơi trễ được họ chở về, chớ có biết khỉ gì đâu.
Viktor cười thành
tiếng:
– Tui với Ivan bị
du đãng chận đánh và lấy hết giấy tờ, tiền bạc. Tụi tui đi báo cảnh sát, họ kêu
đưa tiền chuộc, lúc đó trong túi còn tiền đâu, nên tụi tui kêu họ chở xuống tàu
lấy.
– Cảnh sát làm trung gian cho tụi du đãng à?
– Chắc là vậy.
– Chậc, ở Nga dạo
nầy phức tạp quá.
Nghe tôi phán một
câu trúng ý, nó nói ngay:
– Đúng rồi, thời Cộng
Sản đâu có như vầy.
Viktor cũng như một
số người đã sống trong thời nước Nga còn là Xã Hội Chủ Nghĩa, nên nó thường hay
tiếc nuối cái thời mà ai cũng có ăn, có mặc giống như nhau, cũng không có trộm
cắp, cướp của giết người xảy ra và nhiều tội ác như bây giờ...
– Nhưng...
Thấy tôi ngập ngừng,
tưởng tôi bí, nó đắc ý nhướng mắt hỏi như thách thức:
– Nhưng sao?
– Nhưng mấy quốc
gia mới tập sự làm tư bản đều là vậy hết.
– Cái gì, ông nói
mới tập sự nghĩa là sao?
– Nghĩa là những quốc
gia trước kia theo chủ nghĩa Cộng Sản, nay mới tập sự làm tư bản, thì những kẻ
có chức có quyền thường hay bao che bọn Mafia và du đãng. Cách đây mấy năm đám
đầu trọc ở St.Petersburg đâm một sinh
viên Việt Nam chết. Khi ra toà, bọn giết người được toà án tha bổng. Còn ở những
nước tư bản lâu đời, người làm chánh quyền, dù cho là tổng thống đi nữa, hễ có
liên hệ với bọn Mafia hay làm chuyện phi pháp thì sẽ bị truy tố ra toà.
Nghe tôi giải
thích Viktor cười khằng khặc:
– Đúng rồi ở nước
tui cũng vậy, ăn cướp, giựt dọc, buôn ma túy, bán phụ nữ và đĩ điếm... đều được
bao che.
– Mới đây tao nghe
một sinh viên Việt Nam bị đâm chết ở Mockba. Và tuần trước trong một tỉnh nào đó
ở Nga cũng có một người Việt bị người bản xứ giết chết tại nhà. Tao nghĩ rồi mọi
chuyện cũng bị toà án xử cho qua thôi, dân ăn nhờ ở đậu khổ lắm mầy ơi.
– Nghe nói mafia Việt Nam ở Nga dữ tợn lắm mà.
– Mafia thì làm sao du đãng dám đụng tới, đằng nầy
sinh viên du học và dân thường.
– Dân Nga kỳ thị
người ngoại quốc chớ không riêng gì dân Việt Nam đâu.
– Thật ra thì dân
Nga rất tốt, cho tới giờ tao vẫn còn quí trọng dân nước nầy. Nghĩ cho cùng cũng
tại vì một số người Việt Nam sang Nga làm nhiều chuyện phi pháp nên mới liên luỵ
tới những người lương thiện.
– Nhưng, dù sao ở
Nga còn đỡ hơn ở Mỹ.
– Đỡ chỗ nào?
– Ở Mỹ mua bán
súng đạn tự do, du đãng Mỹ chơi súng chết người hàng loạt, ở Nga chơi dao chết
người lẻ tẻ.
– Không riêng gì nước Nga hay nước Mỹ, tao
nghĩ, nếu ở Nga được tự do mua bán súng, đạn tao chắc rằng ngày nào cũng có hàng
loạt người dân Nga bị ăn đạn.
– Ông nghĩ vậy
sao?
– Kinh tế suy thoái
khắp nơi làm con người ta mất quân bình nên sanh ra đố kị, hận thù. Lòng thù hận
làm cho tánh khí con người mỗi lúc một hung hăng... đụng chuyện thì có dao chơi
dao, có súng chơi súng, giết chết nhiều chừng nào khoái chừng nấy.
Viktor gật gù:
– Ông tưởng tượng
nhiều quá, tui chưa bao giờ nghĩ như ông.
– Tao cần gì phải tưởng
tượng, chuyện giết người xảy ra như cơm bữa, khắp nơi trên thế giới người đui cũng
nghe, người điếc cũng thấy mầy còn nghĩ ra cái gì nữa.
– Ha ha...
Chợt Viktor nhìn
ra phía trước, thấy con tàu đã đi vào khối sương mù dầy đặc, nó bèn đi lại leo
lên ghế lái, mắt chăm chú ngó vào rada, tay cầm chặt cần điều khiển...
Cùng lúc tôi nghe âm
thanh phát ra từ mấy chiếc loa trên trần mui, giọng hát ngọt ngào của một nữ ca
sĩ Việt Nam: “Xuân đến rồi ngàn hoa thắm
muôn nơi, xuân hé nở, bé thơ vang tiếng cười...” Tôi day lại thấy Jannet vừa
đi, vừa nhún, vừa lắc cái thân hình đồ sộ của nó theo điệu cha cha cha... Tới
trước mặt tôi nó chìa cái máy mp3 ra trả và hỏi tôi ý nghĩa của bản nhạc. Tôi
nói đó là nhạc Xuân. Nó à lên một tiếng:
– Tết Việt Nam sắp tới rồi phải không?
Nhẩm tính ngày tháng
rồi mới nhớ ra, tôi ngước lên nói với Jannet:
– Còn hai ngày nữa.
Nếu nó không hỏi
thì tôi đã quên luôn cái tết truyền thống Việt Nam rồi. Mấy năm về trước mỗi
khi gần tết Nguyên Đán tôi hay kể về tập tục Tết Việt Nam cho đám thủy thủ nghe.
Có dịp tàu ghé những cảng gần tiệm Tàu hoặc gần chợ Việt, tôi lên mua bánh mứt đem
xuống đãi cả tàu ăn trong giờ uống cà phê và ngày mùng một tôi dọn một bữa ăn đặc
biệt. Nhứt là đám In Đô, kể cả những người theo đạo Hồi, cũng rất thích cái món
thịt heo kho trứng, cái món ăn truyền thống vào mấy ngày Tết của miền nam Việt
Nam. Tuy nhiên làm vài lần tôi mới nhận ra, thật tình thì tết nhứt ở trong lòng
tôi thôi, chớ mấy người chung quanh thì chẳng ai màng tới. Từ đó trở đi có biết
tết đến tôi cũng lờ cho qua. Tôi đưa mắt ngó ra ngoài, Tết nhứt gì mà sương mù
đầy đặc và lạnh thấu xương, thà Jannet đừng hỏi tới còn hay hơn. Tôi không muốn
nói chuyện tết nhứt giữa lúc lòng tôi đương ray rứt. Tôi chào hai đứa và cầm mấy
bài báo vừa in xong đi về phòng.
Không hiểu sao
trong lòng tôi bồn chồn, đầu óc như đông đặc, mở cửa sổ ra thì lạnh, đóng cửa lại
thì bực bội, lên giường nằm không ngủ được, đọc chữ không vô... Tôi gắn cặp loa
nhỏ vô tai, mở mp3 nghe chương trình phát thanh mấy ngày trước mà tôi tải xuống
từ trên mạng, nhờ âm thanh ồn ào giúp tôi nằm yên được một lát. Đương thiu thiu
ngủ chợt nghe xướng ngôn viên đọc tới một đoạn tin, cảnh sát Tiệp vừa tra tấn đến
chết một phạm nhân người Việt. Tôi tỉnh ngủ và bật dậy như chiếc lò xo bung. Hít
vô thiệt sâu, thở ra một cái thiệt dài, ấy vậy mà ngực vẫn còn nghèn nghẹn. Nhìn
đồng hồ thì đã tới giờ làm việc. Mất toi một buổi trưa, chẳng nghỉ ngơi được gì
hết.
Tục ngữ Việt Nam có
câu: “Bần cùng sanh đạo tặc”. Nhưng tôi
biết trong thời buổi nầy, ở nước Việt Nam, chỉ có bọn người khá giả, họ có thể
bỏ ra hàng chục ngàn đô la Mỹ để được đi ra nước ngoài, nếu biện minh rằng họ không
biết gì mới bỏ tiền ra đi thì cũng không đúng. Trước khi lên đường, họ biết những
đường dây trồng cần sa, buôn bán phụ nữ, ma tuý xì ke, thuốc lá... Một số có chức
có quyền như đại sứ quán và phi công là những nghề sang trọng, thuộc loại trí
thức. Hơn thế nữa, họ đại diện nhân cách cho cả quốc gia mà vẫn buôn lậu, thông
đồng bọn rửa tiền và trộm cắp... Tánh người tham lam, biết chuyện bất lương là phi
pháp nhưng vẫn làm đến đổi lớp đi tù, lớp chết tức tưởi và chết nơi đầu đường
xoá chợ... Những người nầy làm sao bảo họ vì bần cùng rồi sanh đạo tặc được. Chỉ
tội cho những người bần cùng hiện nay bị đám buôn người đưa đi làm nô lệ khắp nơi,
bị đè đầu cưỡi cổ, những người đáng thương họ không bao giờ trở thành đạo tặc được.
Tôi không muốn nghe thêm gì nữa, bấm tắt máy và tháo cặp loa nhỏ xíu trên hai
tai ra thẩy lên bàn và bước vô phòng tắm, rửa mặt, chải tóc, thay áo quần rồi mở
cửa đi ra ngoài.
Vừa xuống tới phòng
bếp thì đã thấy ông Luis tay cầm cái tách và bịch trà đi vô khoe với tôi:
– Trà nầy của thuyền trưởng cho tao.
Tôi nhìn trên nhãn hiệu bao trà thấy đề trà ướp nhiều loại trái cây, tôi
nói:
– Trà của thuyền
trưởng cho thì chắc chắn là ngon hơn trà trên tàu rồi.
– Nhưng của ông
Af. chớ không phải của tên thuyền trưởng keo kiệt nầy đâu.
– Sao?
Mặt khinh khỉnh,
cười khằng khặc nói tiếp:
– Thuyền trưởng giống
y con nít.
Tôi day qua, từ tốn
nói:
– Gần ba mươi năm
trước, lần đầuo xuống tàu tập sự,
tui được nhiều thuyền trưởng và thuyền viên thương mến, trong đó có ông, tận
tình giúp đỡ. Lúc đó tui thấy nhân cách thuyền trưởng và thuyền viên rất cao, cũng
nhờ vậy mà tui mới yên tâm sống với nghề thủy thủ cho tới hôm nay.
Nghe tôi nói chuyện
ân nghĩa, ông tươi cười:
– Đó là thời lớp
trước, cái thời nhiều người hải hành vì thích phiêu lưu, ngày nay cả đám kéo theo
tàu vì muốn kiếm tiền, khiếm ăn nên phần đông bần tiện và hống hách chẳng ra gì.
– Ờ nghe ông nói
tui mới để ý, nhiều thủy thủ trẻ ngày nay, đi suốt mấy tháng trời mà hổng dám léo
hánh lên bờ, hỏi ra thì nó đưa ngón tay cái ra chà chà vô ngón trỏ và nói tốn
tiền lắm. À, nhưng tụi mình cũng đi vì tiền, vì miếng cơm manh áo vậy thôi.
– Đành vậy, nhưng
lúc đó tao chọn nghề nầy vì thích phiêu lưu.
– Cũng có lý, nhưng
thuyền trưởng làm gì mà ông bực bội vậy?
– Chuyện của mầy đó,
chỉ miếng bánh kem mà nó đi điều tra trong đám thuyền viên coi thằng nào, con
nào đã ăn phần bánh của nó.
Ba cái chuyện nhỏ
mọn chẳng ra gì, nếu ông Luis không nhắc thì tôi đã quên rồi. Số là lúc sửa soạn
bữa ăn, tôi chăm chú sắp xếp thức ăn vô dĩa chợt nghe viên thuyền trưởng chưởi
thề phía sau lưng, tiếp theo là câu hỏi:
– Bếp, chuyện gì
đã xảy ra?
Tưởng ông ta giỡn chơi nên ngó lên và hỏi lại:
– Chuyện gì là
chuyện gì?
– Bánh kem đâu?
À! Tôi chợt nhớ
ra, hồi sáng tôi cắt bánh kem chia mỗi người một phần và sắp ra hai dĩa, để bên
phòng thuỷ thủ một dĩa và phòng officers một dĩa. Sau giờ cà phê tôi dọn dẹp ly
tách thì đã thấy hai dĩa bánh hết sạch. Tôi day lại nói:
– Xin lỗi, hết rồi.
Chợt nghe ông chưởi
thề thêm một cái với giọng bực tức, mặt mày ông nhăn nhó trông rất buồn cười:
– Ông hổng ăn bánh
sao?
– Hông, tao hổng
có miếng nào hết.
Coi mòi nói chuyện
như người lớn không được nữa nên tôi nghiêm giọng nói theo lối dụ dỗ con nít:
– Miếng bánh nhỏ
xíu đâu có gì, tuần sau tôi bù cho ông hai miếng lớn hơn, giờ nầy là giờ là ăn
trưa, hôm hay có món bít tết sốt tiêu xanh cũng khá hấp dẫn.
– Tui muốn bánh
kem ngay bây giờ.
Bực mình tôi sẵn
giọng:
– Tui nói hết rồi, nếu ông muốn thì kêu mấy thằng
thuyền viên ói ra cho ông ăn.
– Ông nói tui vậy hả?
– Thuyền trưởng mà
vậy sao?!
Thấy tôi sắp nổi nóng
phang lại, ông nín lặng day lưng đi qua phòng ăn. Thực đơn cho bữa chủ nhựt đặc
biệt hơn ngày thường, nhưng mặt mày thuyền trưởng nhăn nhó giống như cái âm hộ
bà già làm cho những người trong bàn ăn không còn lòng dạ nào thưởng thức món
xúp gà, bít tết xốt tiêu xanh, sà lách trộn mayonaise, khoai tây chiên giòn và
món kem dâu tráng miệng mà tôi mất công thực hiện hết cả buổi sáng. Vì miếng ăn
gây lộn thậm chí đánh nhau trên tàu thỉnh thoảng cũng có, nhưng chuyện xảy ra với
thuyền viên thì sẽ được im xuôi liền sau đó. Đằng này nó xảy ra với thuyền trưởng
nên còn âm ỉ từ khôi hài cho tới lôi thôi.
Tưởng như vậy là yên
nhưng không ngờ sau bữa ăn, ông hạch hỏi thằng Labang gì đó, nó đổ thừa thằng
Erwin ăn bánh của ông. Vậy thì Erwin tức giận xách dao rượt Labang chạy lòng vòng
ngoài boong, không nhờ thuyền phó can ngăn thì Erwin đâm Labang một dao lòi phèo
rồi. Bây giờ tới phiên ông Luis, không hiểu chuyện gì, nhưng tôi cũng hổng muốn
nghe ba cái chuyện tầm phào, tôi nói:
– Ba cái chuyện ruồi
bu đó đâu có dính dáng gì tới tui.
– Tao nghĩ mầy biết
ai ăn bánh của nó chớ.
– Biết rồi sao, hổng
biết rồi sao?
– Mầy không chỉ ra
làm bây giờ nó nghi ngờ Viktor và Ivan ăn bánh.
– Rồi nó làm gì
hai đứa?
– Bú cu tụi nó chớ
làm gì.
– Ha ha... không
ăn được bánh thì bú cu trừ, chuyện nầy cũng hổng dính dáng gì tới ông, bỏ phứt
qua cho rồi.
Ông Luis vừa cười
ha hả vừa đi vô bếp bấm nút ấm điện nấu nước, trong lúc chờ nước sôi ông day
ngang báo cho tôi biết, tàu ghé Hamburg ông sẽ về.
– Ờ mấy tháng trời,
chỉ chờ có ngày nầy, về đưa bà đi chơi đây đó cho khuây khoả.
– Tao không bao giờ
đi chơi hết.
– Xứ ông có nhiều
chỗ nghỉ ngơi lắm mà.
– Tao hổng thích
chỗ đông người.
– Thì đi chỗ ít người,
hơn nữa mùa nầy ở Tây Ban Nha đâu còn dân du lịch nữa.
Tự dưng ông nói một
hơi:
– Tao rất ghét dân
du lịch, nhứt là mấy tháng hè, tự nhiên cả đám xuống bãi biển lột quần, áo nằm
phơi giống y như cá nược bị môi trường nước ô nhiễm chết nằm sắp lớp trên bãi
biển.
– Nếu ông không
thích biển trần truồng thì tìm nơi có bận quần áo hoặc vô rừng, lên núi...
– Nhưng tao hổng
thích đi.
Nhìn cái mặt đầy
nhục dục của ông, vậy mà hễ mở miệng ra là giảng luân lý. Tôi không muốn nghe
tiếp nên chận:
– Ô kê, ô kê, hổng thích thì thôi, nhưng ai xuống
thay ông?
– Thằng In Đô
khùng.
– In đô thì In đô
còn In đô khùng nữa.
Định bỏ qua nhưng
khi nghĩ tới lớp da sần sùi và trốc mốc như da rắng lột trên thân thể khô héo,
mặt mũi tối hù của ông, tôi lắc đầu:
– Trên trời thì có
thượng đế là người thông minh nhứt, còn dưới trần gian người thông minh nhứt là
ai ông biết không?
– Ai?
– Là mấy người khùng.
Tôi nói một đàng, ông
hiểu một nẻo nên nói sang đề tài khác:
– Đúng rồi, mầy
cũng biết thằng Sidabalok không bình thường mà, thuyền phó kêu nó đục sét sơn
boong tàu thì nó sơn container, kêu bắt
thang hoa tiêu bên phải thì nó bắt bên trái...
Ông vừa kể xấu thằng
Sidabalok vừa cười khằng khặc làm rung rinh cả hàm râu quai nón. Thật ra thì Sidabalok
thiệt thà chớ không đần độn, chuyến trước nó mới tập sự lại không thông tiếng Anh,
người ta kêu một đàng nó hiểu lầm rồi làm một nẻo. Là ma mới nên chưa thạo việc,
làm một vài chuyến thì ai cũng như ai. Tôi cười châm chọc:
– A ha, một thằng
khùng xuống thay cho ông già bệ rạc và lẩm cẩm thì có khác gì nhau.
Ông day ngang tỏ
thái độ:
– Mầy là cái dương
vật.
– Chỉ có những người
ngu ngốc mới tự cao tự đại, coi thiên hạ là cái dương vật.
– Mầy ngu ngốc mới
nói tao bệ rạc và lẩm cẩm.
– Ô kê, vậy ông là
một ông già khoẻ mạnh và thông minh nhứt trần gian.
Nước sôi, ông chế
nước pha trà, trong lúc ông cầm sợi giây giựt giựt cho trà mau tan và ngẫm nghĩ
sao đó, chợt ông ngước lên nhìn tôi cự nự:
– Mầy nói xỏ tao hả.
– Nói xỏ ông làm
gì, ông lên phòng soi gương lại cái bản mặt ông coi, nó tối như đêm không
trăng, đã vậy mà cứ kiếm chuyện nói xấu tụi In Đô. Tui cho ông biết, ở bên In
Đô rất nhiều phù thủy có ma thuật làm ra bùa ngải hại người và dược sĩ chế được
thuốc cực độc có thể giết chết người trong tích tắc và còn loại có thuốc liệt
dương. Ông mà ăn nói không thận trọng có ngày bị họ cho ăn thuốc liệt dương thì
ông với bà hết đường hưởng thụ.
– Ha ha.. arse hole!
– Hết dương vật tới
hậu môn, tui nói thiệt ông đừng buồn, ông mở miệng ra thì đã nghe mùi ống cống
rồi, uống trà trái cây của thuyền thưởng tặng ông để cho cái miệng thúi được thơm
tho.
Ông bưng tách trà
vừa bước ra ngoài miệng vừa lẩm bẩm chưởi tục. Hơn hai mươi năm quen biết, tôi
với ông san sẻ với nhau nhiều chuyện vui buồn, nhưng ít khi nào giữa tôi và ông
có một cuộc chuyện trò nghe cho được thuận tai. Tuy nhiên hễ trên tàu có tin tức
mới lạ hoặc có chuyện bực mình thì thế nào ông cũng tìm tôi để tâm sự.
Sau bảy giờ tàu vượt
một trăm hải lý, băng ngang kinh Kill và đã vào đập Brunsbutel.
Những ngày mùa hè
nhiều bầy chim nho nhỏ đủ màu sắc tản mát trên mấy tán rừng dọc theo hai bờ
kinh để tìm ăn trái chín. Cuối thu chúng tụ tập lại từng bầy bay rợp bóng bên vàm
kinh, chừng như muốn chuẩn bị cho một cuộc hành trình dài. Chắc có lẽ giờ nầy đàn
chim nho nhỏ ấy đã bay hết về phương Nam tìm nắng ấm và trái ngọt cây lành. Không
biết chúng có bị đàn chim bản địa kì thị rồi cắn mổ, chưởi bới với nhau giống
như loài người không. Nơi đây còn lại chim nhàn trắng, đẹp và hiền lành. Loài
nhàn thích hợp với thời tiết bốn mùa và chịu được cảnh rừng cây trơ cành và băng,
tuyết của mùa đông. Chúng ung dung tự tại bay trên mặt biển săn mồi lúc trời im
gió. Mỗi khi mưa, không bay ra khơi săn mồi được, chúng tụ tập bên vàm sông và
trong dòng kinh hoặc bay từng bầy theo sau lái con tàu. Loài chim nhàn rất tinh
mắt, thấy tôi đem bánh mì ra boong, tức thì vài con dạn dĩ bay xà xuống thiệt
nhanh, mổ lấy bánh trên tay tôi rồi tung cánh lên không trong nháy mắt. Tôi liệng
bánh ra bao nhiêu chúng sớt hết bấy nhiêu, không rớt xuống nước một miếng. Ông
Luis thấy vui mắt bèn đi tới xin vài lát bánh rồi bẻ ra từng miếng nhỏ liệng
cho chim... Từ lúc tàu đậu cho tới tàu ra khỏi đập tôi với ông Luis cho bầy
chim nhàn ăn hết hai ổ sandwiches.
Tàu chạy trên dòng
sông Elbe, còn ba giờ đồng hồ nữa sẽ tới cảng Hamburg. Tôi với ông Luis đứng nhìn
bầy nhàn bay theo sau lái và nhiều con tàu ngược xuôi trên dòng sông. Viên thợ
máy áo quần bảnh bao từ trong đi ra đứng cạnh bên trông thảnh thơi lắm. Tôi hỏi:
– Hôm nay làm gì mà
mầy ăn bận tươm tất quá vậy.
Miệng cười chua chát
với vẻ khinh đời, hắn nói:
– Tàu ghé cảng tui
về.
– Ủa, sao hông nghe nói.
– Công ty mới e mail cho tui hồi nãy.
– Ai xuống thay mầy
vậy?
– Tên Ukrainia nào
đó tui cũng hổng biết.
Ông Luis chen vào:
– Tương lai
officers toàn là người Ukrainia.
Viên thợ máy đổi nét
mặt nghiêm trọng:
– Thì vậy, tui về
rồi máy móc sẽ hư hao và phòng máy sẽ lộn xộn hết cho mà coi.
Tôi cười nói:
– Hơi đâu mà lo,
không có mầy tàu vẫn chạy mà.
Tên thợ máy quay đi,
ông Luis le lưỡi và đưa ngón tay giữa theo sau lưng làm giấu tục. Tôi nói:
– Những người có
thu nhập cao vẫn hay ganh tị và tự cao tự đại nhưng tư chất lại thấp hèn.
Ông cao giọng:
– Tao biết nhiều
thuyền trưởng, thợ máy, thủy thủ đoàn lớp về hưu, lớp bịnh, lớp chết... nhưng tàu
bè vẫn chạy ào ào đầy biển chớ có đậu lại ngày nào đâu. Nó là cái dương vật gì
mà bày đặt làm phách.
Tôi nhìn ông cười
tán đồng:
– Ha ha...Thú thật,
quen biết nhau mấy chục năm, đây là lần đầu tiên nghe ông nói một câu thật là
chí lý.
Nghe tôi khen ông ễnh
cái ngực, hỉnh cái mũi ra chiều đắc ý. Tôi đưa mắt nhìn những con tàu ngược xuôi
giữa dòng sông Elbe. Chợt nhiên nghĩ tới biết bao con tàu và thủy thủ đoàn của
hàng trăm năm về trước, những người hải hồ vì lý tưởng, nay hồn ở nơi đâu.
Stokholm 2009-01-28
Nguyễn Lê Hồng Hưng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét