Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017
Thụy My/Thanh Phương/RFI: Hội Đồng Bảo An chuẩn bị họp về hồ sơ Rohingya
Người Rohingya chờ được phân phát hàng viện trợ
tại Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 24/09/2017 -- REUTERS
Hội Đồng Bảo An sẽ họp vào thứ Năm 28/09/2017 để nêu ra vấn đề bạo lực tại Miến Điện và cuộc khủng hoảng liên quan đến người thiểu số Rohingya. Một nhà ngoại giao giấu tên hôm qua 25/9 cho biết như trên.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sẽ phát biểu trước Hội Đồng nhân dịp này.
Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên án nạn « thanh lọc chủng tộc » tại Miến Điện. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần rồi thậm chí còn gọi là « diệt chủng », trong khi đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdodan nói về nạn « Phật giáo khủng bố». Bảy nước gồm Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Ai Cập, Kazachstan, Sénégal đã đề nghị Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ này.
Nhiều chiến dịch quân sự đã được tiến hành tại miền tây Miến Điện, được chính quyền biện minh là để đối phó với bạo động của những người Hồi giáo cực đoan. Bị quân chính phủ đàn áp, hàng trăm ngàn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina nói có 800.000 người Rohingya tị nạn hiện nay, và tuần trước trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc bà đã đòi hỏi thành lập một « phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện », và một « khu vực an toàn » tại nước này.
Bị quá tải trước lượng người tị nạn đông đảo, chính quyền Bangladesh hôm nay đã cho phép 30 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động tại vùng Cox’s Bazar, nơi có 435.000 người Rohingya chạy sang từ cuối tháng Tám, chủ yếu là trợ giúp y tế, xây dựng lều trại. Tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men tại các trại tị nạn gây lo ngại xảy ra dịch tả hay dịch sởi. Cho đến nay Bangladesh chỉ cho 4 tổ chức quốc tế hoạt động nhân đạo trên lãnh thổ quốc gia.
Sắc tộc thiểu số Rohingya có khoảng 1,1 triệu người từ nhiều năm qua bị phân biệt đối xử tại Miến Điện, không có quyền công dân. Lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã bị quốc tế gây áp lực từ vài tuần qua về vấn đề người Rohingya. Thứ Ba tuần trước, bà khẳng định Miến Điện sẵn sàng tổ chức hồi hương cho trên 400.000 người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh.
Thanh Phương?RFI: Khủng hoảng Rohingya gây bất hòa trong ASEAN
Biểu tình trước sứ quán Miến Điện tại Kuala Lumpur, Malaysia,
phản đối các hành động ngược đãi người Rohingya tại Miến Điện
-- REUTERS
Cuộc khủng hoảng về người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện bắt đầu gây bất hòa giữa các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, một khối mà cho tới nay vẫn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Sự rạn nứt này được thể hiện qua việc Malaysia hôm Chủ nhật, 24/09/2017, đã phản bác một bản tuyên bố của Philippines, chủ tịch luân phiên của ASEAN. Theo quan điểm của Kuala Lumpur, tuyên bố của chủ tịch ASEAN không trình bày đúng “thực tế của tình hình” và không xác định rõ ràng người Rohingya Hồi giáo là một trong những cộng đồng gánh chịu hậu quả của bạo lực tại Miến Điện, quốc gia có đa số dân là người Phật giáo.
Cho tới nay, chính quyền Miến Điện vẫn dứt khoát không sử dụng từ “Rohingya”, cho rằng người Hồi giáo ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện, không phải là một sắc tộc thiểu số của nước này, mà chỉ là những người nhập cư trái phép từ Bangladesh.
Kể từ khi một nhóm vũ trang Rohingya tấn công các đồn biên phòng của Miến Điện ngày 25/08, và quân đội Miến Điện mở chiến dịch trả đũa, hơn 400 người đã thiệt mạng và 430 000 người Rohingya đã vượt biên sang lánh nạn ở Bangladesh. Liên Hiệp Quốc đã lên án “một cuộc thanh lọc sắc tộc” ở Miến Điện.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức ASEAN buộc phải lên tiếng. Theo các nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Philippines và chính phủ Malaysia, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, các nhà ngoại giao cao cấp và các ngoại trưởng ASEAN đã có thảo luận về nội dung bản tuyên bố của chủ tịch ASEAN trước khi bản tuyên bố này được công bố. Nhưng theo lời hai quan chức chính phủ Malaysia, các ngoại trưởng ASEAN đã không đạt được đồng thuận về hồ sơ này. Một trong hai quan chức nói trên cho biết tuyên bố của chủ tịch ASEAN “không phản ánh những quan ngại” của phía Malaysia về cuộc khủng hoảng Rohingya. Bản tuyên bố này lên án các vụ tấn công vào lực lượng an ninh Miến Điện và lên án “mọi hành động bạo lực gây thiệt hại tính mạng thường dân, phá hủy nhà cửa và khiến nhiều người dân phải tản cư”.
Trước đây, Kuala Lumpur đã từng phản bác một tuyên bố tương tự về khủng hoảng Rohingya, nhưng không ai ngờ là Malaysia hôm Chủ nhật vừa qua lại phản ứng như vậy, bởi vì nguyên tắc hoạt động của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Ngoại trưởng Anifah Aman của Malaysia, quốc gia có đa số dân là Hồi giáo, hôm Chủ nhật đã yêu cầu Miến Điện phải chấm dứt “những hành động tàn bạo” đã gây ra “thảm họa nhân đạo quy mô lớn”. Tuyên bố của ngoại trưởng Malaysia cho rằng Miến Điện “phải tìm ra những giải pháp dài hạn và vững chắc cho gốc rễ của xung đột”, ám chỉ là phải giải quyết vấn đề người Rohingya.
Khủng hoảng Rohingya trong thời gian qua đã khiến dư luận Malaysia, nơi có đa số dân là Hồi giáo, rất bất bình, nhiều người đã xuống đường để lên án Miến Điện và ủng hộ người Rohingya. Bộ Ngoại Giao Malaysia đã từng triệu đại sứ Miến Điện lên để bày tỏ bất bình về sự ngược đãi người Rohingya. Không chỉ có Malaysia, mà Indonesia, quốc gia khác có đa số dân là Hồi giáo, cũng đã có phản ứng mạnh về khủng hoảng Rohingya. Trong tháng này, tổng thống Jokowi Widodo đã mở họp báo đột xuất vào một ngày Chủ nhật để lên án những bạo lực nhắm vào người Rohingya, đồng thời thông báo đã cử ngoại trưởng đến gặp lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Khủng hoảng Rohingya có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực của ASEAN trong nhiều năm qua để đưa Miến Điện hội nhập hoàn toàn vào khối này. Khủng hoảng ở Miến Điện cũng đang làm rạn nứt thêm nền tảng vốn không mấy vững chắc của ASEAN, trong khi khối này đã bất đồng sâu đậm về vấn đề Biển Đông và nói chung là về đối sách trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.