Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017
Ngô Nhân Dụng: Tập Cận Bình lên nguy hiểm hơn
Khi còn sống,
Đặng Tiểu Bình rút kinh nghiệm thời Mao Trạch Đông đầy hỗn loạn, đã lập ra các
thủ tục có trật tự trong việc truyền ngôi. Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã
theo đúng quy tắc thừa kế đó, mỗi người nắm quyền hai nhiệm kỳ, năm 2012 truyền
đến Tập Cận Bình.
Đại hội 19 của
đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể thay đổi chính sách này. Tập Cận Bình đang chuẩn
bị sẽ nắm quyền mạnh hơn Giang và Hồ. Đại hội có thể suy tôn họ Tập như một nhà
tư tưởng, thừa kế Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tập có thể sửa cương lĩnh để
tiếp tục lãnh đạo đảng, sau khi hết hai nhiệm kỳ, năm 2022.
Tập Cận Bình
củng cố quyền hành là một mối lo cho những nước láng giềng, đặc biệt là nước
ta. Vì Tập phải muốn chứng tỏ cho dân chúng thấy mình có công trạng ngang với họ
Mao. Chính sách của Mao là suy tôn cá nhân, độc tài tàn khốc; còn bên ngoài thì
bành trướng cương thổ, lũng đoạn lân bang. Muốn xứng đáng kế thừa Mao trong việc
mở rộng biên cương, Tập sẽ xưng hùng xưng bá trên khắp thế giới, nhưng có thể
chọn một bước đầu dễ dàng nhất, là bành trướng mạnh hơn trong vùng Biển Đông nước
ta.
Từ hơn một
năm qua, Tập Cận Bình đã trù bị để được suy tôn như một lý thuyết gia của Cộng
Sản Trung Quốc. Các lãnh tụ cộng sản thường không dám mơ ước điều này vì rất sợ
được so sánh với họ Mao và họ Đặng. Hồ Chí Minh khi mới ngoài 60 tuổi, được một
nhà báo Pháp hỏi tại sao không viết sách lý luận, đã trả lời rằng tất cả những
điều gì cần viết thì đã có Mao chủ tịch viết hết rồi! Óc sợ hãi đó vẫn đè nặng
nước Tàu.
Tư tưởng
MaoTrạch Đông được coi là kim chỉ nam của Cộng Sản Trung Quốc từ năm 1945. Đến
năm 1997 Trung Cộng mới ghi thêm vào cương lĩnh “Học thuyết Đặng Tiểu Bình” như
một đường lối kinh tế sau khi ông ta qua đời. Khi cầm quyền, Giang Trạch Dân đã
đưa ra thuyết “Ba đại biểu” về vai trò của đảng; khẩu hiệu này được ghi vào
cương lĩnh Trung Cộng năm 2002, khi Giang về hưu. Hồ Cẩm Đào cũng viết về “Đường
lối phát triển khoa học” và cũng được ghi vào cương lĩnh năm 2007. Nhưng cả hai
người, Giang và Hồ không được ghi tên như là chủ nhân của các khẩu hiệu đó.
Bây giờ, Tập
Cận Bình muốn một địa vị cao hơn cả Giang và Hồ. Ông đã cho in những tuyển tập
các bài diễn văn của mình, chắc chắn do cán bộ cấp dưới viết vì trong địa vị của
ông không thể nào có thời giờ gọt dũa câu văn. Nhưng đàn em đã tổ chức những
chiến dịch học tập các tư tưởng của họ Tập, được gọi là “Lưỡng Học Nhất Tố Học”
(Học thuyết Hai Học, Một Làm). Họ tổ chức cả những cuộc viếng thăm ngôi làng
nơi họ Tập phải đi lao động trong thời Cách Mạng Văn Hóa, từ 1969 đến 1975. Đường
lối suy tôn cá nhân lãnh tụ này ít thấy sau thời Mao Trạch Đông. Gần đây, sinh
viên các đại học đã phải dự các buổi học tập chủ nghĩa Mác Lenin, nhưng trong
đó cũng được học các bài diễn văn của Tập.
Tháng Tư vừa
qua, báo Nhân Dân Luận Đàn đã đăng kết quả một cuộc “trưng cầu ý kiến” độc giả,
12,000 người, cho thấy 82% đồng ý rằng tư tưởng trị quốc của Tập Cận Bình là một
“chỉ nam hành động mới” cho cả đảng Cộng Sản. Quách Kiện Ninh (Guo Jianning), một
giáo sư Mác Xít của Đại Học Bắc Kinh nổi tiếng, nói việc học tập tư tưởng của họ
Tập là một nhiệm vụ quan trọng nhất trong học giới Trung Quốc!
Trước khi đại
hội 19 khai mạc ngày 19 Tháng Mười, mọi người đã tin chắc “tư tưởng” hoặc “học
thuyết” của Tập Cận Bình sẽ được ghi thêm vào cương lĩnh. Nhưng chưa ai có thể
đoán rằng, tên của Tập Cận Bình có được ghi hay không. Mọi người sẽ biết sau
ngày 11 Tháng Mười, có cuộc họp trù bị của 205 thành viên Trung Ương Đảng Trung
Cộng. Nếu họ quyết định sẽ ghi tên thì họ Tập sẽ lên ngôi vị tôn quý trong đảng,
chỉ đứng sau Mao và Đặng.
Năm ngoái,
Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản đã suy tôn Tập Cận Bình với danh hiệu
“Lãnh đạo cốt lõi” hay “Lãnh đạo hạt nhân,” (Hạch tâm lãnh đạo). Danh từ này được
Đặng Tiểu Bình dùng lần đầu tiên năm 1989, khi nói về Mao Trạch Đông và chính
mình, sau đó ban cho cả Giang Trạch Dân. Thời Hồ Cẩm Đào, ông ta chỉ được gọi
là tổng bí thư thôi, vì lúc đó “hạt nhân” họ Giang vẫn còn sống. Trong thực tế,
đảng Trung Cộng không dùng chữ “lãnh tụ” để gọi Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân
hay Hồ Cẩm Đào. Bây giờ, Tập Cận Bình cũng được gọi bằng danh hiệu Hạt Nhân,
sau khi đã thanh trừng hầu hết các tay chân của họ Giang và họ Hồ. Và trong một
cuộc diễn binh mùa Hè năm 2017, Tập Cận Bình là người duy nhất đứng ra duyệt binh,
không có những tay lãnh đạo khác như thường lệ. Khi giới thiệu họ Tập, vị tướng
chỉ huy đã gọi ông ta là “lãnh tụ,” một danh hiệu không được dùng nữa, sau thời
Mao Trạch Đông.
Ngay từ khi
lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đã nhận tất cả các chức vụ chỉ huy trong đảng,
nhà nước, quân đội, mà hai người tiền nhiệm không ai được nắm hết. Ông ta còn đặt
ra thêm nhiều tổ chức mới về kinh tế, quân sự, cải tổ, chống tham nhũng, vân
vân, để chính mình đóng vai chủ tịch. Năm 2012, ông lập ra Trung Tâm Liên Hợp
Tác Chiến, một ủy ban đứng trên cả bộ quốc phòng, và tất nhiên ông đóng vai tổng
chỉ huy.
Một chiến dịch
đã được tung lên năm nay để ca ngợi tài ngoại giao của Tập Cận Bình. Đài truyền
hình quốc gia đã chiếu chương trình sáu phần với đề tài tư tưởng ngoại giao Tập
Cận Bình, nhan đề là “Ngoại giao đại cường quốc.” Ông được coi là một người
lãnh đạo thế giới, nâng địa vị nước Tàu lên ngang hàng với Mỹ. Chuyến đi thăm Mỹ
được ông Donald Trump trải thảm đỏ đón chào đầu năm 2017 tại khu nghỉ Hè
Mar-a-Lago, Florida. Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị (Wang Yi) ca tụng tư tưởng
sâu xa về ngoại giao của Tập Cận Bình vượt lên trên các lý thuyết ngoại giao
bao thế kỷ của Tây phương!
Đại hội đảng
kỳ 19 của Trung Cộng sẽ nhấn mạnh đến công trình tái lập địa vị Trung Quốc trên
thế giới của Tập Cận Bình, người sáng tạo khẩu hiệu “Giấc Mộng Trung Quốc.” Báo
đài của đảng đã bắt đầu chiến dịch này. Những ý kiến được nêu ra, đại khái: Mao
chủ tịch đã giúp dân tộc Hán đứng dậy, nếu không thì chúng ta còn bị người ta đạp
đầu đạp cổ. Đồng chí Đặng Tiểu Bình đã đưa Trung Quốc nên cảnh giàu có. Giờ
đây, Trung Quốc cần phải mạnh hơn; và tất cả mọi người Trung Hoa đều biết, đó
là nhờ công đồng chí Tập Cận Bình!
Khi được suy
tôn làm hạch tâm lãnh đạo, vai trò Tập Cận Bình sẽ không còn bị ràng buộc bởi
các “thói tục bình thường” như hạn chế nắm quyền hai nhiệm kỳ nữa. Trong mấy
năm tới Tập sẽ chuẩn bị thay đổi, xóa bỏ các quy tắc kế thừa bất thành văn do Đặng
Tiểu Bình đặt ra, đã áp dụng từ hơn một phần tư thế kỷ qua. Tập Cận Bình sẽ trở
thành một lãnh tụ độc tôn. Ông có thể làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba, cầm quyền
lâu hơn cả Vladimir Putin lẫn Donald Trump! Muốn vậy, phải củng cố thêm quyền
hành, tạo thêm hào quang tăng uy tín cho mình.
Trong mấy năm
tới kinh tế Trung Quốc sẽ trải qua một thời gian trì trệ vì không thể cải tổ
nhanh chóng. Để cho dân chúng quên mối lo đời sống vật chất, Tập Cận Bình sẽ phải
trổ tài “ngoại giao bành trướng” của mình. Biển Đông sẽ là nơi họ Tập có thể
dương oai.
Đây là mối lo
của mọi người Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam phải chọn con đường ngoại giao cứng
rắn hơn với Trung Cộng. Phải báo trước cho Tập Cận Bình biết rằng không nên đẩy
dân tộc Việt đến bước đường cùng!