Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017
Ngô Nhân Dụng: Ai sợ bom nguyên tử của Bắc Hàn?
Ngày 28
Tháng Bảy, Bắc Hàn thử hỏa tiễn liên lục địa có khả năng bắn bom nguyên tử sang
tới Los Angeles, Denver, và Chicago. Mười ngày sau, vẫn không thấy các thành phố
đó báo động! Có lẽ dân Mỹ không ai tin rằng chiến tranh hạch tâm có thể xảy ra?
Hay họ tin rằng nếu có chiến tranh thì Mỹ sẽ hủy diệt kho vũ khí nguyên tử của
Bắc Hàn ngay trong mấy phút đầu tiên?
Có lẽ dân Mỹ
còn bận rộn lo những chuyện khác! Bà hàng xóm của tôi dẫn con chó đi dạo buổi
sáng, tôi hỏi bà có biết coi tin tức về Kim Jong Un không? Bà hỏi: “Nó” là cái
gì vậy? Và quay xuống gọi tên con chó yêu quý: “Mina! Mina!” Quả thật, dân Mỹ
không mấy người để ý đến ông Kim Jong Un, vì còn lo chăm sóc 78 triệu con chó
và 86 triệu con mèo của họ!
Trong năm
2016, người Mỹ chi khoảng 16 tỷ đô la vào việc săn sóc sức khỏe cho những con
thú nuôi trong nhà: chó, mèo, chim chóc, khỉ, vân vân. Số tiền đó gần lớn bằng
Tổng Sản Lượng Nội Ðịa (GDP) của 25 triệu dân Bắc Hàn, xấp xỉ 17 tỷ – lớn bằng
3% GDP của 50 triệu dân Nam Hàn!
Dân Bắc Hàn
chắc chắn không ăn uống hết 17 tỷ GDP của nước họ, vì ông Kim Jong Un phải nuôi
nấng các đảng viên cộng sản, quân đội và sản xuất vũ khí đe dọa Mỹ! Dân Mỹ còn
chi tiêu hơn 28 tỷ mua thức ăn cho các con thú nuôi chơi (pet). Nếu kể thêm cả
các món phụ tùng, thuốc men nữa thì năm ngoái dân Mỹ xài 67 tỷ nuôi kỹ nghệ pet
(thống kê của hội sản xuất sản phẩm cho Pet, American Pet Products
Association). Dân Mỹ có lẽ chỉ thèm muốn một điều mà họ không được hưởng như
dân Bắc Hàn: Kể từ năm 1974, không ai phải đóng thuế!
Nếu có nhiều
người Mỹ quan tâm đến Bắc Hàn, đó là vì ông Donald Trump mới cảnh cáo Kim Jong
Un đừng mở miệng đe dọa đánh Mỹ nữa, nếu không tổng thống Mỹ sẽ “nổi giận” đáp
lại bằng “lửa;” như chưa ai thấy bao giờ!
Trong khi chờ
đợi ông Trump “nói là làm,” nước Mỹ và cả thế giới tạm hài lòng với những biện
pháp trừng phạt trong bản nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mới ban hành ngày Thứ Bảy
vừa qua. Ðiều đặc biệt được tổng thống Mỹ tán thán là cả Nga và Trung Cộng đều
tán thành.
Nhưng từ năm
2006 đến nay, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ban hành tám bản nghị quyết trừng
phạt Bắc Hàn tất cả. Trong thời gian đó cha con họ Kim đã làm gì, ai cũng biết!
Bản nghị quyết
mới tấn công mạnh hơn, đánh thẳng vào các nguồn ngoại tệ mà Kim Jong Un đang
thâu được. Các nước thành viên Liên Hiệp Quốc không được mua than đá, quặng sắt
và các hàng hóa khác của Bắc Hàn. Trong năm nay, Bắc Hàn có thể sẽ xuất cảng được
250 tỷ Mỹ kim sắt và quặng sắt, 295 tỷ hải sản, và 400 tỷ bán than đá. Các nước
cũng không được mướn công nhân “xuất khẩu lao động” của Bắc Hàn; không được đầu
tư chung các dự án mới với các xí nghiệp Bắc Hàn nữa. Những nước nào để cho
thương thuyền Bắc Hàn cập bến thì thuyền bè của họ sẽ bị cấm vào hải càng các
nước khác. Tổng cộng, mỗi năm Bắc Hàn sẽ mất một tỷ đô la, bằng một phần ba tổng
số tiền xuất cảng.
Nhưng ngay
sau khi Liên Hiệp Quốc làm bản nghị quyết trước, cuối năm 2016, ra lệnh hạn chế
mua than của Bắc Hàn mà không cấm hoàn toàn, thì Trung Cộng đã ký kết mà không
tuân hành rồi. Sau khi gặp Donald Trump, Tập Cận Bình ra lệnh ngưng nhập cảng
than từ Bắc Hàn, cắt một số nửa tiền Bắc Hàn thu được nhờ xuất cảng sang Trung
Quốc. Nhưng các hoạt động buôn lậu vẫn chuyển than qua biên giới! Sau đó chính
ông Trump tố cáo trong ba tháng đầu năm 2017 số tiền mua bán giữa Trung Cộng với
Bắc Hàn tăng 40% so với đầu năm 2016. Hai nước đã tránh né bằng cách chở than
đá qua một nước thứ ba; chưa kể những vụ buôn lậu qua biên giới.
Dù số than
bán giảm đi nhưng số bán quặng sắt lại tăng lên. Nếu Trung Cộng ngưng mua quặng
sắt thì Bắc Hàn sẽ mất mỗi tháng từ 10 đến 20 triệu Mỹ kim. Trong ba tháng đầu
năm 2017, nhờ xây dựng thêm, tổng số lượng quặng sắt Trung Quốc nhập cảng tăng
12%; nhưng số sắt mua của Bắc Hàn tăng gấp đôi. Trong nửa đầu năm 2017, giao
thương giữa Trung Cộng và Bắc Hàn đã tăng thêm 10.5%, theo thống kê của Bắc
Kinh.
Trong bản
nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc Trung Cộng không bị cấm bán dầu lửa cho Bắc
Hàn; mà ai cũng biết 70% năng lượng của Bắc Hàn lệ thuộc Trung Cộng. Từ năm
2014, Trung Cộng ngưng không công bố số dầu thô bán sang Bắc Hàn, để khỏi bị
nhòm ngó.
Một cách
khác Bắc Kinh giúp Bình Nhưỡng là chuyển ngân, các món tiền thâu nhờ xuất cảng.
Mỹ đã từng cấm các ngân hàng không được giao dịch với các ngân hàng liên hệ với
Bắc Hàn; nhưng không kiểm soát hết được. Bộ Tài Chánh Mỹ đã cấm vận ngân hàng
Ðan Ðông (9), nằm gần biên giới, ngân hàng này phát đạt nhờ cho vay và chuyển
tiền giữa Bắc Hàn với các nước khác. Trong ba năm từ 2014, tài sản của Dandong
đã tăng 70%.
Nhưng dù thế
giới có làm dữ tới đâu thì quyền lợi của Bắc Kinh vẫn là phải bảo vệ chế độ cộng
sản ở Bắc Hàn. Ðó là một vùng “trái độn” giữa Trung Quốc với các nước tư bản, Mỹ,
Nhật, Nam Hàn. Nếu Bình Nhưỡng sụp đổ thì Hàn Quốc sẽ thống nhất dưới một thể
chế do Nam Hàn chủ động. Một chế độ tự do dân chủ và thân Mỹ sẽ nằm sát biên giới
Trung Quốc. Vì vậy, chính phủ Mỹ khó trông cậy mà chờ khi nào Bắc Kinh sẽ dạy bảo
Bình Nhưỡng!
Ngay sau khi
Tổng Thống Trump lớn tiếng nói ông sẽ phẫn nộ và chơi lửa, Kim Jong Un cũng dọa
chuẩn bị bắn hỏa tiễn mang bom nguyên tử đánh đảo Guam! Hai người này đáng gọi
là kỳ phùng địch thủ trong đấu trường, dù họ chỉ khẩu chiến.
Những lời dọa
dẫm đó khó thực hiện!
Mỹ không thể
quyết định tấn công Bắc Hàn nếu chính các đồng minh như Nhật Bản, Nam Hàn không
đồng ý, vì hàng triệu dân nước họ sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Kim Jong Un
cũng không dám đụng tới Guam vì biết rằng khi Mỹ phản ứng thì chính Kim cũng mất
mạng.
Vậy trong thực
tế, Mỹ có thể làm gì?
Ðể tránh chiến
tranh xẩy ra ngoài ý muốn, ngoại trưởng Mỹ đã chính thức nói mục tiêu của nước
mình không phải là thay đổi chế độ ở Bắc Hàn – dù ông Trump dọa sẽ chơi lửa! Ðó
cũng là một cách trấn an Trung Cộng là Mỹ không theo đuổi lập một chế độ thân Mỹ
trên toàn thể bán đảo Cao Ly!
Nhưng trong
khi áp dụng nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc, phải tìm cách bảo đảm Cộng sản
Trung Quốc cũng tuân thủ các lệnh cấm vận trong đó! Mỹ có thể tạo áp lực với Bắc
Kinh nếu cộng tác với hai nước đồng minh trong vùng!
Nước Mỹ còn ở
quá xa cho các hỏa tiễn của Bắc Hàn bắn tới. Nhưng các nước gần nhất là Nhật Bản
và Nam Hàn mới thực lo ngại về cái tánh hung hăng và bất định của Kim Jong Un.
Chính phủ Mỹ có thể dùng sự kiện này “tương kế tựu kế” tạo thêm áp lực với
Trung Cộng.
Muốn thúc đẩy
ngân hàng phải theo đúng lệnh cấm vận, Mỹ có thể bắt đầu đàm phán với Nhật Bản
và Nam Hàn tăng cường mạng lưới phòng thủ chống hỏa tiễn, vì mối đe dọa mới của
Kim Jong Un trực tiếp trên các nước này. Hiện nay Bắc Kinh và Moscow đã lớn tiếng
phản đối hệ thống THAAD chống hỏa tiễn mà Mỹ đã đem qua Nam Hàn, hiện chưa bố
trí hết. Hai nước Nga, Tàu chắc chắn không muốn thấy những loại vũ khí tối tân
hơn được đem tới gần nước họ! Hơn nữa, Mỹ có thể biện hộ rằng giúp Nhật và Nam
Hàn tăng cường phòng thủ thì mới có thể ngăn không cho các nước này tự chế tạo
bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa! Với tiềm năng khoa học, kỹ thuật và nền kinh
tế thịnh vượng của họ, cả hai nước có thể chế bom nguyên tử trong vòng vài ba
năm.
Và đó là mối
lo lớn của Bắc Kinh!
Bộ trưởng Quốc
Phòng mới của Nhật Bản, ông Itsunori Onodera đã phản ứng mạnh về các hỏa tiễn mới
bắn của Bắc Hàn. Ông Itsunori, khi làm dân biểu, đã cầm đầu một ủy ban nghiên cứu
kế hoạch phòng thủ của Nhật Bản bằng cách gia tăng khả năng “đánh trước” để
ngăn nước khác tấn công. Ðây là một ý kiến rất táo bạo, trước đây là điều cấm kỵ,
vì Hiến Pháp Nhật cấm không được có vũ khí tấn công.
Nói mạnh hơn
nữa, ngày Thứ Hai, lãnh tụ đối lập ở Nam Hàn là ông Hong Joon-pyo, chủ tịch đảng
Hàn Quốc Tự Do, mới lên tiếng yêu cầu chính phủ thương thuyết, để cho phép Mỹ
đem “vũ khí nguyên tử chiến thuật” vào Nam Hàn.
Chắc chắn Bắc
Kinh sẽ phản đối dữ dội các ý kiến trên, nhưng Mỹ và hai nước đồng minh có thể
cãi rằng đó chỉ là những “biện pháp tự vệ!” Ðó là những tín hiệu cho Bắc Kinh
biết nếu họ không kiềm chế Kim Jong Un thì hậu quả sẽ khó lường! Bây giờ, đến
lượt Tập Cận Bình phải lo về những trái bom nguyên tử của Kim Jong Un. Chưa nổ,
nhưng chúng đã có thể gây ra các phản ứng dây chuyền!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét