Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017
Nguyễn Hiền: Con đường xuyên Úc
Viết trong thời điểm 1 AUD = 0,77
USD = 0,67 € = 17,2k VND
Mười lăm năm trước, trong một
chuyến du lịch Úc châu, khi lái xe trên con đường nổi tiếng Great Ocean
Road dọc bờ biển, từ Melbourne tới Adelaide, tôi đã nhủ thầm trong
bụng là sẽ có một ngày nào đó, trở lại Úc và đi từ bờ đông sang
bờ tây bằng những phương tiện đường bộ. Đây cũng là giấc mơ của
nhiều người Úc.
Bao năm qua đi, nhưng ước muốn này
trong tôi không hề giảm. Tôi biết một chuyến đi dài ngày, qua những
vùng đất khác nhau, trong đó có vùng sa mạc khô cằn là chuyện không
đơn giản với một người ở Âu châu, lái xe bên tay mặt. Tìm một người
chịu (hay thích) đồng hành trong một cuộc du lịch như trên không phải
dễ. Tới lúc tôi nghĩ chỉ còn cách tự đi một mình, nhân dịp qua Úc
có chuyện riêng, thì gặp một dịp may bất ngờ. Đó là sự tán đồng
của người em cột chèo Peter, người Úc, sống tại Adelaide.
Bất ngờ vì tôi hoàn toàn không
nghĩ tới. Peter vai em, nhưng đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thêm vào
đó, mấy năm trước ông đã phải thay hai bộ khớp xương hông. Năm 1973
Peter cùng bạn đã lái xe từ Perth về nhà ở Adelaide theo đường xa lộ,
và cho tới nay ông vẫn muốn đi lại con đường này một cách thong thả,
mặc dù hiện nay thường phải dùng máy thở khi ngủ. Cũng như phần lớn
người Úc, Peter là người biết lo lắng, khi đã nhận lời là lo chuẩn
bị mọi thứ, từ xe cộ, đồ ăn thức uống cho tới tài liệu chỉ dẫn
những nơi cần xem và chỗ nghỉ ngủ. Tuy thế, theo như ông nói “không có
gì đáng lo. Cứ qua đi, rồi mình tính.”. Nhân có việc riêng, Peter sẽ
đến Melbourne để cùng khởi hành. Và theo như phong tục Úc, chúng tôi
đồng ý phương thức chi phí chia đôi một cách sòng phẳng.
Melbourne
Xuống phi cơ một buổi sáng giữa
tháng 4/1917, tôi chạm mặt với một Melbourne thực tế, khác với hình
ảnh tôi có trong đầu. Nét rõ nhất, trong mắt tôi, là Melbourne ngày
nay đã trở thành một thành phố hỗn tạp và hỗn độn với nhiều sắc
dân ngoại quốc đến lập nghiệp, du khách chen chúc, người vô gia cư ngủ
tràn lan trong khu trung tâm thành phố. Rất nhiều người – nam lẫn nữ,
kể cả người da trắng – xâm vẽ kín một cánh tay hay một bên đùi. Vật
giá, đồ ăn thức uống mắc hơn Hoa Kỳ thì không nói gì, nhưng bây giờ
có lẽ giá sinh hoạt ở đây còn mắc hơn Âu châu, do bởi kinh tế Úc chưa
nếm mùi suy trầm kể từ 1991. Điều người dân nơi đây thường bàn tán,
là thị trường địa ốc đang lên cơn sốt chưa từng thấy do dân đầu tư từ
Trung Quốc – và cả Việt
Nam theo như người ta đồn đại, đang tung tiền vào, một hình thức khôn
khéo để đưa người nhập cư Úc hoặc mưu đồ tẩu tán tài sản.
Nhưng Melbourne vẫn còn một số
nét dễ thương của nó. Cũng như nhiều thành phố trên toàn nước Úc,
phần lớn các viện bảo tàng miễn phí. Phương tiện chuyên chở công
cộng khá tốt, đi xe bus xe lửa trong khu trung tâm không phải mua vé.
Buổi chiều có những màn trình diễn của nghệ nhân trên đường phố,
những người có thể qua mặt các ứng cử viên về khoản nói và hứa
rất nhiều nhưng làm rất ít.
Những người muốn ngắm nhìn các
tác phẩm của những nghệ sĩ đường phố có thể bỏ qua khu Bourke Mall
xa hoa để bước vào những con đường nổi tiếng thế giới như Hosier Lane,
Union Lane... cách đó chỉ vài trăm thước, dầy đặc những bức vẽ trên
tường. Thế nhưng rất ít người Việt biết đến tên Cyril Kongo Phan, một
nghệ sĩ hàng đầu trong giới Street Art, hiện đang sống tại miền nam
nước Pháp.
Hosier
Lane, Melbourne
Melbourne có những khu tập trung
sinh hoạt của một số cộng đồng người ngoại quốc như Trung Hoa, Ý, Hy
Lạp... và đương nhiên Việt Nam, với ba khu chính: Richmond. Springvale và
Footscray. Ngoài phở từ lâu đã thành món phổ thông, hiện nay món bánh
mì thịt được ưa chuộng, vì vừa rẻ vừa ngon vừa bổ dưỡng. Người
Việt ở Melbourne ngoài báo phát không còn có báo bán: Tivi Tuần San
và Báo Victoria. Sự tham chiến của Úc tại Việt Nam cũng được ghi dấu
bằng một góc triển lãm trong khuôn viên Đài Tưởng Nhớ Các Quân Nhân
Victoria đã tham gia các trận đại chiến (tổng cộng hơn 40.000 người).
Chợ
Bến Thành trong khu Richmond, Melbourne
Từ Melbourne tới Adelaide
Khách du lịch đến Melbourne khó
có thể bỏ qua con đường nối tiếng của Úc, Great Ocean Road, dài hơn
240km, uốn lượn theo bờ biển phía nam tiểu bang Victoria, là một phần
của tuyến đường Melbourne - Adelaide, để ngắm biển và tìm gấu koala
trong những khu rừng dọc đường đi. Nhưng chúng tôi đã bỏ qua con đường
này vì cả hai đã từng biết qua. Chúng tôi chọn con đường xa lộ chạy
xuyên qua những rừng cây khuynh diệp được trồng để khai thác gỗ và
tinh dầu. Những khu rừng được trồng thật dầy, con bò chắc chui không
lọt, với mục đích kích thích cho cây vươn lên cao tối đa với thân thẳng tắp như cột điện. Sau
vài chục năm, rừng được đốn tỉa thưa ra, một số cây bị hạ, số còn
lại chờ đợt hai.
Cho dù đi đường biển hay đường
rừng, thị trấn Mount Gambier nằm giữa Melbourne và Adelaide thường được
chọn làm nơi nghỉ chân của dân đi đường dài. Sinh hoạt trong thị trấn
này mang rõ nét một nơi trú qua đêm: khách sạn dài dài hai bên đường,
gamehouse nằm chình ình ngay góc phố chính và những quán ăn vội vã.
Mount Gambier có hồ Blue Lake vốn là miệng núi lửa, đặc điểm của hồ
là mỗi năm vào mùa hè nước hồ từ xám đen chuyển sang màu xanh dương
trong vài ngày, một hiện tượng chưa có lời giải thích thỏa đáng. Vì
đi trái mùa, nếu cố lái xe lên xem cũng hoài công, cho nên chúng tôi
cho qua mục này, và bỏ luôn cả mấy cái động thạch nhũ gần đó. Lý
do đơn giản: Rượu nho vùng Nam Úc hấp dẫn chúng tôi hơn.
Tiếu bang South Australia nổi tiếng
về rượu nho. Đến Úc, tôi ngạc nhiên về sự phong phú của rượu nho.
Người Úc thích loại shiraz do vị đậm đà dễ bắt mồi. Rời Mount
Gambier, chúng tôi bắt hướng Penola, để “duyệt” qua con đường rượu nho
của vùng Coonawarra. Thấy tôi có ý thăm vườn nho của những thương hiệu
quen, Peter can ngăn và nói rằng muốn thương hiệu quen thì ra tiệm rượu
mà mua, rẻ hơn vì họ thường bán bớt giá. Tôi thì chỉ muốn chắc ăn,
không thích chơi trò gambling. Tuy nhiên, sau khi ghé gần chục nơi có
bảng “cellar door sale”, mỗi nơi thử vài “shot”, tôi phải công nhận Peter
có lý. Và thế là khi tới Adelaide chúng tôi đã có thêm “thức uống”
ban tối dành cho những ngày kế tiếp. Tôi thì lo thủ mấy cục “sạc”,
những thứ phụ tùng hiện đại thật rắc rối.
Adelaide
Thủ phủ của tiểu bang Nam Úc,
Adelaide, là thành phố đông dân thứ năm của Úc. Trong giai đoạn phát
triển, Adelaide được tổ chức ngăn nắp, trật tự. Adelaide đi trước trong
một số lãnh vực như tái chế bao bì, bảo vệ môi trường, phát triển
đô thị v.v... Thành phố vì vậy đã có được hệ thống xe bus chạy trong
rãnh O-bahn độc đáo, lấy từ kinh nghiệm của thành phố Essen của Đức,
một ý kiến đi trước xe hơi Google tự lái nhiều thập niên. Đường O-bahn
chạy từ khu trung tâm thành phố tới ba khu tân lập. Là con đường riêng,
nằm trong rãnh với hai bờ thành là đường dẫn, xe bus khi vào đây sẽ
“bung càng” tựa vào hai bờ, không cần phải bẻ lái và có thể đạt
vận tốc tới 80km/giờ, với mật độ xe 5 - 10 giây đồng hồ một chiếc,
rất an toàn. Khó có nơi nào trên thế giới hội đủ mọi điều kiện để
có thể thiết lập một hệ thống đường giao thông tương tự.
Mối đe dọa lớn nhất của tiểu
bang sống nhờ trái cây tôm cá này là con ruồi giấm, tiếng Anh là
fruit fly. Fruit fly, do sinh sản nhanh lại khó trị, chúng có thể phá
sạch những vườn ớt, cà chua, nhất là những vườn nho quý giá. Sự
kiểm soát thực phẩm nhập vào Nam Úc rất gắt gao, còn đi thăm vườn
nho thì bạn không được tự ý bước vào trong khu vực trồng.
Hơn nhiều thành phố khác, Adelaide
có tới hai tuyến đường xe bus miễn phí circle 98 và circle 99 vòng
quanh thành phố, đi giáp vòng mất hơn một tiếng, qua những nơi buôn
bán xa hoa Rundle Mall, ngôi chợ Trung Tâm rộn rịp với Chinatown kế bên
ngập ngụa mùi ngũ vị hương, qua những khu đại học, những công viên
rộng và sân golf của thành phố, vườn thảo mộc nằm kề bên sở thú có
cặp gấu panda WangWang và FuNi sắp tới hạn phải trả lại cho Trung
Quốc mà vẫn chưa chịu có bầu, rồi Viện Bảo Tàng Nam Úc, mà họ rất
hãnh diện sở hữu bộ sưu tập về rượu nho lớn nhất Nam Bán Cầu.
Người Việt ở Adelaide, do số ít,
lại không tập trung đông đảo, nên không có sinh hoạt tấp nập như ở
Melbourne. Người Việt tị nạn ở Adelaide phải bấm bụng sống chung với
khá đông du sinh Việt Nam. Khu Hanson và Arndale có thể coi là khu chợ
Việt, với chợ Thuận Phát và phở Minh mà người Việt nào ở Adelaide
cũng từng một lần ghé qua. Có những tờ báo miễn phí như Nam Úc
Tuần báo hay Adelaide Tuần báo, nhưng cũng như những tờ báo Việt
khác, tình trạng chung là bài trên báo phần lớn là những cóp nhặt
từ internet, rải rác đây đó là bài dịch từ báo địa phương. Những
người làm báo Việt hải ngoại dường như ngày càng có ít tiếp cận
trực tiếp với xã hội Việt Nam, trong khi nhu cầu tìm hiểu ngày càng
tăng.
Vùng Adelaide, ngoài những loại
hạt dẻ rất bùi rụng đầy trên đồi vào cuối hè và rượu nho từ thung
lũng Barossa hay McLaren Vale, còn có một nơi độc đáo, đó là làng
Hahndorf, nơi cộng đồng người Đức tới định cư từ đầu thế kỷ 20. Nơi
đây nhiều ngôi nhà vẫn giữ kiến trúc kiểu Nhật Nhĩ Man, có nhiều
tiệm bán sản phẩm Đức, wurst và käse, tiệm ăn có gebraten hahn cùng
kartoffel và cả sauerkraut v.v... Tôi liên tưởng tới những người Việt ly
hương, ăn quả cà pháo hay cắn con khô sặc mà tưởng nhớ đến ngày
xưa...
Trong những ngày lưu lại Adelaide
chuẩn bị đi tiếp, tôi may mắn được ông bà Kym và Tina, chủ trại chăn
nuôi gần nơi làng Goolwa ở cửa sông Murray phía nam Adelaide, cho trú
ngụ hai ngày. Hai ông bà dưỡng già bằng cách mua một thửa đất hơn
trăm mẫu nơi hẻo lánh, nuôi vài trăm con bò thả rong, buổi chiều nhìn
kangaroo nhảy trong đồng và đàn két trắng gallah bay từng cặp trên
trời. Nhờ ông bà, tôi được biết một số sinh hoạt trong trại, đi chợ
bán nông phẩm trong làng và xem buổi đấu giá đồ cũ, mà hai ông bà
hí hửng mua được chiếc sofa kéo ra thành giường ngủ còn mới, với
giá quá hời: chỉ có hai đô la, vì rao hoài chẳng có ai để mắt tới.
Bán
đấu giá đồ cũ - Goolwa. Mỗi “tụ” sẽ được rao bán
với giá khởi đầu tối thiểu 2 AUD.
với giá khởi đầu tối thiểu 2 AUD.
Từ Adelaide tới Ceduna: Bán đảo
Eyre
Sau khi cụ bị một số đồ ăn thức
uống phòng hờ, chúng tôi lên đường nhắm hướng tây. Qua Gawler với
những nông trại trồng cà chua, dưa leo mà một số người Việt tị nạn
đầu tiên ở Úc đã làm giàu nhờ nhanh lẹ chuyển sang lãnh vực canh
nông, giờ đây chúng tôi bắt đầu đi vào bán đảo Eyre của Nam Úc. Với
chiều dài bờ biển hơn 2000km (tương đương chiều dài bờ biển Việt Nam),
bán đảo này là một vùng trù phú, nhờ ngư nghiệp và nông nghiệp.
Dọc đường có nhiều vựa lúa khổng lồ cao hơn 20m, phần lớn của công
ty Viterra. Có những công ty chuyên làm các công việc đồng áng, chỉ
cần lấy hẹn là tới ngày đó họ chở máy tới. Máy cày, bừa, gieo
hạt... giờ đây không cần người lái mà có thể cho chạy tự động nhờ
hệ thống định vị GPS. Thêm vào đó, họ có thể cho nhiều máy chạy
song hành nhau, mỗi máy bao giàn một đường cả chục thước bề ngang.
Cái lợi nhất là nó có thể “làm ngày không ̣đủ, tranh thủ làm đêm”,
tức chạy 24/24. Nếu làm như kiểu Việt Nam thì cày chưa tới cuối
ruộng, đầu ruộng đã gặt rồi. Nông dân Úc thời nay có thể thắt
cà-vạt đi dự những hội nghị nông gia, tham gia đấu giá hay họp bàn
việc canh tác. Ruộng bao la nhưng không thấy nông cụ. Tuy thế, đời sống
của họ chưa chắc đã sung túc hơn xưa vì chi phí do những chuyện đâu
đâu như thuế má, bảo hiểm, thương lái... luôn thúc sau đít, bất kể
trúng mùa hay thất mùa.
Vựa
lúa mì trên bán đảo Eyre
Bán đảo Eyre hình chữ V, với
hàng chục cảng và vịnh lớn nhỏ, bắt đầu từ cảng Germein, nơi có
chiếc cầu tàu 1,5km dài nhất Nam Úc, và chấm dứt nơi thành phố
Ceduna. Sinh hoạt bến cảng và phố biển đại loại như nhau, du khách
tới vùng này ngoài thú hứng gió biển hay tắm (đặc biệt nước biển
vùng này có độ mặn thấp, tắm không bị rít), còn có thể chơi nhũng
môn thế thao như trượt nước, lướt sóng, bay bằng dù hay phóng ca-nô,
hoặc tham gia những trò giải trí đặc biệt của vùng như lặn xem mực
nang khổng lồ –
giant cuttlefish, bơi cùng cá heo hay lên tàu ra khơi xem lũ hải sư (sea lion) đùa giỡn. Dân làm ăn hay “du
khách” đến có mục đích – trong nhóm này có nhiều người Việt – thì
họ kéo theo tàu cá, trên xe có trang bị đồ nghề đánh bắt.
Nói là “đại loại như nhau”, nhưng
khi đi sâu thêm, mỗi nơi có một vẻ riêng của nó. Tại Port Augusta, khi
xưa mỗi năm vào đầu mùa thu mực nang khổng lồ quần tụ về đây sinh
sản, có tới 250.000 con. Nhưng những năm gần đây tự dưng chúng biến
mất dần, chỉ còn chưa tới 100.000 con, hiện nay người ta đang cấm đánh
bắt gắt gao. Port Lincoln có khu rừng ngập mặn rất lớn, là trung tâm
tôm cá của Nam Úc, và được mệnh danh là “thủ đô cá ngừ của toàn
thế giới”. Tại vùng này người ta dùng trực thăng có gắn sonar dò
tìm cá ngừ đại dương, bủa lưới kéo về trạm ngoài biển, rồi kêu mối
lái Nhật Bản tới chứng nhận đúng là cá còn sống trước khi “thịt”
và chở ngay món hải sản đắt giá này tới các tiệm ăn... tại Nhật,
vì dân Úc không hảo món cá sống sashimi lắm.
Coffin Bay cung cấp loại hào rất
béo nổi tiếng thế giới nhưng chúng cũng có cái giá của nó, đang
nằm trên trời. Vùng này có khu lâm viên quốc gia được dân “bụi” ưa
thích. Trên nguyên tắc, bạn phải liên lạc với cơ quan quản lý và được
chỉ định khu đất cắm trại. Nhưng dân “bụi” thì thích đâu cắm đó. Khi
bạn tới nơi, có thể đất đã bị “cắm dùi”, điện thoại di động trong
rừng coi như vất đi, hoặc giả nếu bạn may mắn có gọi được, thì ai
giải quyết giữa nơi đồng không mông quạnh này đây?
Từ Ceduna tới Balladonia: Vùng sa
mạc
Giờ đây chúng tôi đang đi trên xa
lộ Eyre, khúc đường nơi đây rất tốt, vì khi làm không ai muốn sau vài
năm phải tu bổ lại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng
này. Qua những cánh đồng lúa mì rộng bao la không thấy bờ, làng
Penong với những trại chăn nuôi có hàng ngàn con bò đen Angus và cừu
thả rong – cũng có nơi nuôi nai, chúng tôi đến Yalata, bắt đầu vào
vùng đất của thổ dân Aboriginals. Nơi đây chỉ còn những khu rừng khuynh
diệp trải dài mút mắt.
Yulata nằm cách biển không xa, nơi
đây có địa danh Head of Bight, tức đầu vòng cung bờ biển mạn nam Úc châu,
là một trong ít điểm hiếm hoi trên thế giới bạn có thể đứng trên bờ
để quan sát cá voi. Tại Head of Bight, chúng tạt vào đây sinh sản và
nuôi con vào mùa thu, để hết đông thì xuống vùng biển lạnh Nam cực.
Chúng tôi gặp may – tuy là cái may đã được báo trước, khi nghỉ chân ở
Ceduna. Nơi đầu thị trấn Ceduna có người đã ghi trên bảng là họ phát
hiện được hai con cá voi tại Head of Bight. Quả thực, khi xuống tới
bãi, chúng tôi đã có dịp thử tài chụp hình hai mẹ con đang nhấp nhô
trong sóng, chỉ cách bờ chừng 200m. Lần đầu tiên trong đời được nghe
tận tai thấy tận mắt tiếng gió rít như còi và chùm hơi nước phụt
lên mịt mù trong khoảng khắc vài giây khi chúng trồi lên thở, thật
hồi hộp chen lẫn phấn khích. Tên chung là cá voi, nhưng có tới chục
loại khác nhau, cá voi vùng này không có chiếc đầu bự như ta thường
thấy trong sách.
Cá
voi bơi trong vịnh Head of Bight
Nhưng rồi chúng tôi lại phải đi
tiếp sau khi có được mấy chục tấm hình “chẳng ưng ý chút nào”. Vừa
rời Yalata một đỗi, cánh rừng khuynh diệp tự dưng mất biến, dấu hiệu
thiên nhiên cho biết chúng tôi đã vào trong “Vùng Đất Phẳng Không Cây”,
Nullus Arbor từ tiếng La-tinh đã trở thành địa danh Nullarbor Plain.
Thực ra, toàn vùng là một phiến đá vôi lớn nhất thế giới, rộng hơn
nửa nước Việt Nam. Do tính kiềm, chỉ có những bụi cây gai Spinifex
còi cọc là còn ráng mọc được. Cách nay nửa thế kỷ, ai vượt được
chặng đường khô hạn dài hơn một ngàn cây số này có thể vỗ ngực tự
hào đã lập được thành tích. Ngày nay, tuy đã có đường bộ và đường
xe lửa chạy xuyên qua, nhưng xe cộ thưa vắng, những trạm đổ xăng cách
nhau vài trăm cây số trong những thị trấn đìu hiu chỉ có caravan park
với dãy cabins. Những nơi nghỉ qua đêm này thường có làm một sân golf
sơ sài. Trên chặng đường dài hơn 1300km, từ Ceduna tới Kalgoorlie-Boulder
có hơn chục sân golf 18 lỗ kiểu này, ai đã “duyệt” qua bằng đó sân
golf có thể vỗ ngực khoe thành tích qua một serie hình.
Nếu không có việc cần kíp thì
chẳng ai muốn lái xe trên quãng đường hoang vắng này từ lúc chạng
vạng tối cho tới khi mặt trời sắp ló dạng, là khoảng thời gian thú
rừng hay băng qua đường. Người thích hình lưu niệm thường chụp tấm
hình đứng dưới tấm bảng cảnh báo độc nhất vô nhị của Úc “NEXT 96
km” với logo ba con thú: lạc đà, kangaroo và con wombat, một loại thú
có túi mập ụt ịt nửa giống gấu nửa giống heo.
Lạc đà là do khi xưa lúc Úc phát triển đường xá họ mướn dân
Afghanistan tới làm việc nơi vùng sa mạc, cùng với đàn lạc đà của
họ làm phương tiện vận tải hàng hóa vật liệu xây cất tới và chở
len về. Khi làm xong, họ bỏ cả vật dụng và lạc đà lại, giờ đây
chúng trở thành thú hoang rất dữ và khó trị, có tới hơn nửa triệu
con lang thang trong sa mạc. Ai bắn được và cắt đuôi làm bằng chứng
thì sẽ được chính phủ trả cho một số tiền. Tuy nhiên, trong suốt vùng Nullarbor Plain,
logo trên bảng cảnh báo thay đổi từ chặng: ngoài ba con thú kể trên
còn có đà điểu emu, nai, rồi bò cừu, ngựa..., đi thêm nữa, qua khỏi
vùng hoang mạc này thì có vịt trời, rắn, bọ cạp và cả chuột
bandicoot. Đoạn nổi danh “NEXT 96 km” tìm đỏ mắt cả hai bên
đường chỉ thấy duy nhất một chú wombat nằm quay lơ. Đoạn kế đó thì
hỡi ôi! Chỉ nhìn dọc bờ đường thôi cũng chẳng thế đếm hết số
kangaroo bất hạnh, nói chi tới số còn cố lết được vào bụi. Có xác
đã rữa, chỉ còn lớp da lép xẹp. Có xác mới nguyên như vừa xảy ra
đêm rồi. Bu quanh là lũ quạ đen dạn dĩ thi nhau rỉa rói, xe hơi bóp
kèn chạy tới sát một bên mới chịu bay vụt lên. Tiếng kêu quạ, quạ,
quà... trong cảnh hoang vu nghe buồn làm sao.
Qua
chặng “Next 96km”, giờ đây chúng tôi băng qua ranh giới giữa hai tiểu
bang Nam Úc và Tây Úc, được đánh dấu bằng chú kangaroo Rooey 11 đứng
làm “thần canh cửa” và trạm kiểm soát thực phẩm cạnh đó. Lại một
màn soát các túi hành lý trên xe, mọi thứ rau trái tươi bị vất hết.
Thật đau bụng khi biết rằng trong sa mạc những thứ này rất mắc. Thầm
nghĩ nếu ở Việt Nam thì chắc tại trạm biên giới có nạn “lót tay”,
hay màn chửi thề là nhà nước cấu kết với các tiệm thực phẩm trong
sa mạc.
Bức tượng chú kangaroo Rooey 11 (trái)
và di tích
trạm điện tín Eucla (phải)
Qua
biên giới này, gần như xe nào cũng ghé vô làng Eucla ngay đó để châm
cho đầy bình xăng – vì biết rằng càng đi thêm
càng bi đát, và nếu cần thì ngủ lại, như chúng tôi, vì xe không có
cản phía trước, lỡ đụng phải chú kangaroo nào đó là có cơ nằm
đường. Còn nếu vô ý tông phải lạc đà hay emu thì người cũng vô bệnh
viện. Tại Eucla chờ mua xăng như chờ mua nhu yếu phẩm, máy bơm đã chậm
mà nhân viên bán hàng còn chậm hơn, mình cần họ chớ họ đâu cần
mình. Eucla có di tích trạm điện tín khá hấp dẫn du khách. Khi xưa
trạm này là nơi liên lạc duy nhất của vùng Tây Úc với phần còn lại
của thế giới, nhưng giờ đây chỉ còn sót lại những bờ tường đổ nát.
Vừa
vặn lui đồng hồ 45 phút, chạy thêm hơn 200km nữa tới Caiguna, lại vặn
lui thêm 45 phút nữa. Xứ Úc kỳ quái, chia múi giờ lẻ. Xét theo thiên
nhiên thì hợp lý, nhưng chắc chắn nó gây nhiều phiền toái trong sinh
hoạt hàng ngày.
Rời làng Caiguna, chúng tôi vào
khúc xa lộ nổi tiếng thế giới: đoạn đường dài 146,6km thẳng bót
không một khúc quanh. Nổi tiếng cũng vì đây là một thử thách: đường
rất vắng xe, do đó nếu trời nắng gắt bạn rất dễ ngủ gục và thế
là đi thẳng lên thiên đàng hay xuống địa ngục hồi nào không hay. Tuy
nhiên, thực tế không như vậy. Có lẽ một phần do phấn khích khiến tôi
tỉnh ngủ, phần khác là do con đường tuy thẳng nhưng khá gập ghềnh,
và gió tạt mạnh khiến xe lắc lư liên tục. Do đó, sợ nhất không phải
sợ mình ngủ gục mà sợ người lái xe chạy ngược chiều ngủ gục hay
chao tay lái trên con đường tương đối hẹp, thì đó là phận số. Chạy xe
trên đường này đôi khi thấy ảo giác, đường chân trời dường như biến
mất, do nắng lóa.
Đoạn
xa lộ thẳng dài nhất nước Úc
Cuối chặng xa lộ này là làng
Balladonia, tới đây chúng tôi thở phào nhẹ nhõm: bắt đầu vào nơi có
dân cư. Cứ tưởng là khỏe, nhưng làng này vẫn còn hoang vắng lắm. Một
trái táo trong tiệm đề giá 2 AUD. Nước phải chở từ thị trấn Norseman
cách đó 200km tới. Dường như người
qua đây vẫn chưa hoàn hồn nên chạy luôn. Nếu năm 1979 trạm thí nghiệm
không gian Skylab không “tình cờ” rơi xuống vùng này thì chẳng ai biết
tới địa danh Balladonia. Đương nhiên người ta ̣đã xây một viện bảo tàng
lịch sử của làng, trong đó có một khu dành riêng cho Skylab với các
mảnh vỡ thu lượm được, vào xem miễn phí, nhưng nó lại nằm khuất bên
cạnh quán ăn duy nhất trong làng, nên ít người biết.
Điều đáng ghi nhận trong vùng sa
mạc này là tại mỗi nơi nghỉ chân đều có hai cabin điện thoại công
cộng của hãng Telstra có thể gọi hay gởi tin nhắn bằng tiền xu. Mọi
liên lạc đều phải trông cậy vào chiếc điện thoại. Nhiều cơ sở nhỏ
có cách tự sinh tồn nhờ một bồn chứa nước đặt sau nhà và trên nóc
có gắn những tấm thu năng lượng mặt trời cung cấp đủ điện tiêu dùng.
(Còn
tiếp một kỳ)