Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017
Trangđài Glassey-Trầnguyễn: con đường MẶC LÂM trong tuyển tập “Bàng Bạc Gấm Hoa"
LTS: Đây là phần phát biểu của tác giả trong chương trình ra mắt sách “Bàng Bạc Gấm Hoa" của cựu phóng viên Mặc Lâm, Đài Á Châu Tự Do, tại phòng sinh hoạt Việt Báo chiều ngày 4 tháng Sáu, 2017.
Xin trân trọng
kính chào Quý vị,
Kính thưa Quý vị,
Kính thưa Quý vị,
Hôm nay,
Trangđài xin phép phá lệ, mở một cuộc thăm dò ý kiến trước khi phát biểu. Ở đời,
không phải lúc nào mình cũng có được điều mình muốn. Nhưng hôm nay thì quý vị
muốn gì được nấy. Chúng ta đang sống trong thời đại có tính di động cao, nên
Trangđài mời quý vị chọn một phương tiện di chuyển theo ý của mình. Có sáu chọn
lựa sau đây:
phi thuyền
không gian 2 chỗ ngồi,
máy bay
không người lái,
tàu hoả cao
tốc TGV ở Châu Âu,
xe hơi chạy
bằng điện, và xe có thể tự sạc năng lượng khi có nắng,
xe đạp đòn
gánh,
xe lô canh
chưn, nghĩa là đi bộ.
Để kết quả
thăm dò được chính xác, xin quý vị chỉ chọn một phương tiện thôi.
Xin hỏi, quý
vị nào chọn phi thuyền không gian 2 chỗ ngồi?
→ Không có ai giơ tay
lên hết, vậy là không có ai có mộng làm phi hành gia.
Có quý vị
nào chọn máy bay không người lái không?
Cũng không
có ai hết. Chắc quý vị còn sợ không biết có an toàn không.
Xin hỏi quý
vị nào chọn tàu hoả cao tốc TGV?
→ Cũng lại
không có ai. Dân Châu Âu thích đi xe này vì tiết kiệm được nhiều thời gian.
Quý vị nào
chọn xe hơi chạy bằng điện biết tự sạc năng lượng khi có nắng? Xin ghi chú là
xe này nghe ra thì rất tiện ích, nhưng chưa thấy ai chế tạo.
→ A! Có tới
7 vị! Xe này giúp bảo vệ môi trường. Nếu quý vị chọn xe này thì quý vị là những
người hỗ trợ tích cực cho Hiệp định Paris về Thay đổi khí hậu.
Kế tiếp, xin
hỏi quý vị nào chọn xe đạp đòn gánh? Xe này ngày xưa ở Việt Nam rất tiện vì người
ta có thể chở thêm một người ngồi ở đòn gánh, hoặc để đồ đạc ở đó để chở đi.
→ Không có ai chọn xe này.
Cuối cùng là
xe lô canh chưn.
→ Có đến 11
vị chọn phương tiện này.
Quý vị nào
nãy giờ vẫn còn phân vân chưa biết chọn cái nào, thì sẽ được hưởng quy chế tỵ nạn
để định cư vô thời hạn tại Việt Báo. Xin quý vị vui lòng gặp Nhà văn Nhã Ca
ngay bây giờ để làm giấy tờ nhập cư.
Kính thưa
quý vị, theo kết quả thống kê, thì phần lớn quý vị đã chọn phương tiện di chuyển
sơ khai mà phổ biến nhất của con người qua mọi thời đại. Không chỉ quý vị thích
đi bộ, mà hôm nay, tại phòng sinh hoạt Việt Báo, tất cả chúng ta cùng đi chung
một con đường, con đường mang tên Mặc Lâm.
Tôi sinh sau
30 tháng Tư 1975. Khi lớn lên, tôi hay nghe người lớn trong nhà nhắc đến những
con đường của Sài Gòn ngày xưa. Tôi thích ý nghĩa và âm thanh của những con đường
này: Tự Do, Duy Tân, Hiền Vương, Nguyễn Đình Chiểu, Petrus Ký, Trương Công Định,
và nhiều nữa. Những con đường của quá khứ, mang dáng dấp lịch sử dân tộc, của
những kỷ niệm khôn nguôi cho thế hệ ông bà cha mẹ tôi. Như những dòng đầu tiên
trong bài “Trả Lại Em Yêu" của Phạm Duy:
Trả lại em
yêu, khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
Những con đường
đó, tôi sẽ không bao giờ được đặt chân lên, vì chúng đã bị đổi tên và đã bị
thay hình đổi dạng. Nên đôi khi, đối với những người Việt đang sinh sống ở một
đất nước tân tiến như Hoa Kỳ, chỉ cần có người nhắc đến hai chữ ‘con đường,'
thì hai âm thanh ấy lại mang đến nhiều hình ảnh, nhiều cảm xúc cho những ai vẫn
còn nặng lòng với quê hương. Gần đây, Little Saigon lại có con đường mang tên
song ngữ ‘Bolsa Avenue - Đại Lộ Trần Hưng Đạo.’ Tên đường ấy là một gạch nối,
giúp cho tâm thức người Việt hải ngoại được liền mạch phần nào, để chúng ta thấy
mình gần hơn với quê cha đất tổ, dù vẫn sống xa xứ. Và cũng có những con đường
chỉ có thể đi bằng tâm cảm, bằng nhận thức, cũng đưa chúng ta về gần hơn với cội
nguồn.
Như con đường
Mặc Lâm.
Hồi tháng Ba,
tôi bắt đầu đi trên con đường này một mình khi tác giả nhờ tôi viết Lời Bạt cho
tuyển tập “Bàng Bạc Gấm Hoa,” và tôi đã gặp nhiều khó khăn khi viết. Thứ nhất,
là vì tôi chưa gặp tác giả bao giờ và không biết gì về ông ngoài chương trình
Văn Học Nghệ Thuật trên Đài Á Châu Tự Do. Có lẽ tác giả quen nhiều, biết rộng,
nhưng nhờ tôi vì lý do này: bởi vì tôi không biết tác giả, nên có thể nhận xét
của tôi sẽ thêm phần khách quan, bên cạnh cái chủ quan đương nhiên phải có.
Thứ hai,
trong hơn hai thập niên qua, tôi kết hợp phương pháp lịch sử truyền khẩu và
nghiên cứu trực tiếp trong ngành nhân chủng học - tiếng Anh gọi là ethnography
- để nghiên cứu về cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi luôn quan tâm đến kinh
nghiệm cá nhân khi viết về một đề tài nào đó. Nhưng nhà báo Mặc Lâm là người ít
nói. Ngoài 35 bài viết trong tuyển tập “Bàng Bạc Gấm Hoa,” ông đã không cho tôi
biết gì về kinh nghiệm sống của ông, để cho phép tôi làm tròn cái công việc khó
khăn là viết những lời cuối cùng cho tập sách. Lời Bạt là cú dứt trong quyển
sách: viết sao cho vừa cô đọng mà đầy đủ, vừa tránh lập lại nội dung của cuốn
sách nhưng đưa ra được giá trị của tác phẩm. Lời Bạt cần phải là lời mời gọi để
người đọc trở lại với cuốn sách và đọc lại lần thứ hai, thứ ba, vv.
Còn một khó
khăn thứ ba mà tôi may mắn không được biết cho đến khi tôi đã nộp bài cho tác
giả Mặc Lâm, đó là việc Nhà văn Phạm Phú Minh viết lời ngỏ. Như quý vị vẫn biết,
trên đời này có cái gì hay thì Chú Minh đã nói hết rồi, nên nếu ai bảo với tôi
là Chú Minh mở đầu, còn tôi bao chót, thì tôi sẽ bỏ chạy. Hôm nay thì tôi không
chạy thoát được, vì có tác giả Mặc Lâm đứng ở cửa.
Nhưng thật
ra, khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ đề tài đa dạng của tuyển tập và nội dung sâu sắc
của từng bài viết. Một khi đã đồng hành với tác giả qua 35 bài viết, người đọc
được cuốn trôi vào vũ trụ bao la của văn hoá, sáng tạo, nghệ thuật - một vũ trụ
được phác hoạ bằng thư pháp. Tác-giả-Ông-đồ đã chọn những đường nét tiêu biểu để
diễn đạt những đề tài phức tạp. Ông đã vận khí để mỗi nét vẽ truyền đi sóng âm,
thành những cái dùi, đánh vào trống lòng người đọc. Ông đã vận tâm đưa trí huệ
vào độ đậm nhạt, để mỗi nét mực toát lên sự hoà hợp chuẩn mực trong bàn tay một
ông đồ khéo tay và khó tính. Chính những nét mực mỏng cho thấy bản lĩnh và tài
hoa của người vung cọ.
Bốn chương
trong tuyển tập này là sự phân chia uyển chuyển cho những hành trình sáng tạo
linh động. Người đọc không bắt buộc phải theo từng chương, đi gặp “Tác giả, tác
phẩm,” rồi lội ngược dòng tìm về cội nguồn “Văn hoá dân gian,” trước khi đắm
mình vào biển “Sắc màu cuộc sống” và “Nét đẹp Việt Nam.” Mỗi cuốn sách đều cần
một cấu trúc nhất định nào đó. Tác giả đã ‘tuân thủ' luật này. Theo tôi, các
bài viết trong tuyển tập có thể được đọc theo sự sắp xếp của tác giả, và cũng
có thể được đọc đan xuyên nhau.
Văn hoá,
sáng tạo, nghệ thuật là những phạm trù không có biên giới. “Bàng bạc.” Điều này
được thể hiện rõ trong tuyển tập, không chỉ qua nội dung, mà từ cách thực hiện.
Mỗi bài viết là một hành trình sáng tạo với hai lộ trình song song: con đường
sáng tạo thứ nhất là từ văn hoá Việt Nam hay của một văn nghệ sĩ; và con đường
sáng tạo thứ hai là của tác giả Mặc Lâm. Như những dòng tơ lụa, dệt nên “Gấm
hoa.” Tất cả những con đường trong tuyển tập này đều đi về một miền: Việt Nam;
cùng chảy thành một dòng: gấm hoa. Chữ ‘bàng bạc' gợi lên nhiều ý nghĩa. Bàng bạc,
như ánh sáng nhẹ nhàng lan toả, một thứ ánh sáng dịu và thanh, vừa cho người ta
thấy đủ cái đẹp, vừa bắt người ta nhìn kỹ hơn cái lung linh huyền ảo. Bàng bạc,
như một hình ảnh xa xôi, trong thao thức, trong tâm tưởng. Như cái bàng bạc của
‘áo ai trắng quá nhìn không ra' (Hàn Mặc Tử), của ký ức, tâm thức, tiềm thức.
Bàng bạc. Vì ở thế kỷ 21, kỹ thuật truyền thông đã đưa con đường Mặc Lâm đi khắp
nẻo thế giới, qua chương trình Văn Học Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do trong gần
10 năm qua. Bàng bạc. Vì con đường ấy đi
từ Việt Nam ra thế giới, từ hải ngoại về lại Việt Nam.
Con đường Mặc
Lâm khởi đi từ quá khứ, đẩy lối về tương lai. Con đường ấy bước song song cùng
những hành trình sáng tạo của dân tộc và của một số người làm sáng tạo. Những
hành trình ngan ngát hương da Vàng, toả về phía trước. Chính bản thân tác giả,
qua công việc truyền thông, cũng đi nhiều nơi, nên cái nhìn của ông cũng phản
ánh những cọ xát văn hoá ông cảm nhận trên hành trình đa tuyến của mình. Nhận
thức của ông, do đó, được sắc bén, tinh tế, mẫn cảm, và bao dung.
Đi hết con
đường Mặc Lâm trong tuyển tập này, người đọc sẽ về đến một miền của Việt Nam
gấm hoa - một Việt Nam mà tác giả đã yêu, đã trân trọng ôm ấp, đã tin tưởng
phó trao qua từng câu từng ý trong mỗi bài viết. Và từ con đường ngút ngàn
tư tưởng và nhận thức ấy, người đọc mặc nhiên đi lạc vào thiền giới, lạc vào rừng
cây trầm mặc, sẽ nghe được thinh không, thấy được hình tướng của gió, và chạm tới
cõi vô hình. Và con đường Mặc Lâm đã là công án vô tận đối với tôi cho đến hôm
nay.
Gấm hoa óng
ánh trời xa, bàng bạc chốn người. Những thế hệ ngoại biên sinh trưởng ở ngoài
Việt Nam – những thế hệ có những quê hương dọc dài khắp thế giới, cũng như những
thế hệ trẻ trong nước, sẽ cám ơn tác giả đã chỉ cho họ một trong những con đường
gấm hoa đi vào văn hoá Việt Nam. Và con đường này chỉ mới là sự bắt đầu. Bởi
vì, văn hoá là một sự biến đổi không ngừng, được tái thể hiện và tái định nghĩa
với những hình thức diễn đạt mới, những tư duy mới, những nhận thức mới đến từ
chính kinh nghiệm sống và sự kết hợp với tư tưởng đương đại.
Do đó, cái tựa
“Bàng Bạc Gấm Hoa" là một chọn lựa thật thích hợp, vì nó giúp ta liên tưởng
đến một quá trình nối dài của con đường văn hoá Việt Nam, không bị giới hạn bởi
hôm qua, hôm nay, hay ngày mai, mà nối dài vô tận, được sàng lọc, tô tỉa, gọt
dũa qua từng thế hệ, từng giai đoạn lịch sử, từng miền đất quê hương. ‘Gấm Hoa’
trong tuyển tập này là một mảng văn hoá Việt Nam, được dệt nên từ những nét
thêu đường chỉ khác nhau, hợp thành một tổng thể linh động, uyển chuyển, gõ nhịp
lên mỗi chiều kích của trái tim khối óc người đọc qua từng đề tài riêng biệt mà
chảy ‘Bàng Bạc’ trong dòng tâm thức da Vàng.
Kính thưa
Quý vị,
Chúng ta
đang sống trong thời đại khai phóng của thông tin đa chiều, của toàn cầu hoá,
và của những cuộc thám hiểm đi tìm miền đất di dân mới trên Hỏa tinh. Ở một thời
đại như thế, những con đường mòn trên mặt đất tưởng chừng sẽ mang lấy kiếp huyền
thoại, một hình bóng xa xôi.
Nhưng không
hẳn như vậy. Trong đời sống hằng ngày, những con đường mòn của cõi người vẫn là
điểm nối của những sinh hoạt muôn thưở, dắt người ta đi về giữa muôn trùng hợp
tan, sinh tử. Và con đường vẫn là biểu tượng của những hành trình bất biến
trong kiếp nhân sinh, một tín hiệu cốt lõi trong sự hiện hữu của loài người.
Trong tuyển
tập đa dạng “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tác giả Mặc Lâm vạch ra một con đường mòn tưởng
thân quen, mà lại khai phóng, tưởng gần gũi, mà thật vời vợi. Một con đường của
cõi văn hoá, sáng tạo Việt Nam. Con đường Mặc Lâm. Con đường ấy gửi đi những
tín hiệu từ tiềm thức, bung những thước lụa sáng tạo, tủa đi những biểu đạt tim
óc. Con đường ấy chỉ là khởi điểm, hướng độc giả đến những vùng
trời văn hóa Việt Nam miên trường từ muôn thưở.
Độc giả sẽ
chịu nhiều thiệt thòi khi đọc quyển sách này, vì gặp nhiều cái không: không
nghe tiếng nói của người thực hiện chương trình, không nghe phần trả lời của những
người được phỏng vấn, không nghe được những âm thanh khác như những bài hát hay
phần đọc thơ có thể có trong các chương trình, không được nhìn thấy những hình ảnh
đi kèm các chương trình, không có cái cảm giác hứng thú hằng tuần khi chờ đợi để
đón nghe chương trình Văn Học Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do.
Nhưng được
cũng là mất, mất mà lại được. Chính những cái không này sẽ dẫn độc giả về một
cõi Không thanh tịnh, để đọc những dòng chữ trong “Bàng Bạc Gấm Hoa” bằng chính
cái tâm nguyên, cái vô động của riêng mình. Và cho dù độc giả đã nghe một
chương trình trực tiếp trên Đài RFA trước đây, khi đọc lại bài viết trên giấy,
cái cõi Không sẽ giúp cho độc giả nghe được tâm thức mình đọc lên chữ nghĩa của
con đường Mặc Lâm, vang vang hoa gấm.
Khi quý vị cất
bước trên con đường Mặc Lâm, thì chính quý vị cũng góp phần giúp cho con đường
đó làm được công việc của nó: là đưa chúng ta về gần hơn với quê hương gấm hoa,
văn hoá cội nguồn.
Xin kính
chúc quý vị một chuyến đi thú vị trên con đường Mặc Lâm.
Xin trân trọng
kính chào quý vị.