Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017
Cổ-Lũy: Nhìn tới liên hệ Việt-Mỹ thời Tổng Thống Donald Trump
Bối cảnh: Nhân vật Donald
Trump
Ðã hai năm sau ngày ông Donald
Trump quyết định ra tranh cử cấp sơ bộ làm người đại diện đảng Cộng Hòa, đi qua
tuyển cử toàn quốc, rồi đắc cử một cách bất ngờ và làm tổng thống gần sáu
tháng; dân chúng trong và ngoài nước đã có dịp chứng kiến và biết thêm về ông ở
nhiều mặt. Ðáng buồn thay, những hiểu biết và nhận xét tiêu cực về cá nhân ông
và những gì ông nói và làm không thay đổi mấy. Những biện hộ yếu ớt về con người
ông, và gượng gạo, trâng tráo cho những phát ngôn, hành động của ông qua từng
giai đoạn không mấy hiệu quả và không đủ để thay đổi những cái nhìn và nhận định
ban đầu. Trước khi ông Trump đắc cử hầu hết giới truyền thông, nhất là những tờ
báo độc lập, đứng đắn, với lịch sử lâu dài và uy tín nghề nghiệp xứng đáng để nắm
“quyền thứ tư/fourth estate” đều lên tiếng chống đối ông. “Fourth estate,” tuy
không có trong Hiến Pháp nhưng có tác dụng “kiểm soát và quân bằng/checks and
balances” quyền lực của nhà nước với ba quyền về lập pháp, hành pháp và tư pháp
qui định rõ trong Hiến Pháp Mỹ.
Một thí dụ: Trước bầu cử nguyệt
san chính trị, xã hội, văn hóa The Atlantic Monthly ở miền Ðông với uy tín độc
lập đã lên tiếng triệt để chống đối ông Trumph – đây chỉ là lần thứ ba trong lịch
sử 160 năm tờ này thấy cần phải ủng hộ hay chống đối một ứng viên tống thống Mỹ.
Tờ Atlantic đưa ra lý do chính: khi nhậm chức ông Trump là tổng thống duy nhất
không có một chút kinh nghiệm và thành tích nào trong công quyền phục vụ dân
chúng (“public service,” từng ở trong quân đội hay đại diện dân chúng bầu ra).
Ông lại không có một tư cách hay khả năng nào để làm public service. Về mặt tri
thức dù tốt nghiệp ở Wharton School, University of Pennsylvania, ông không hiểu
biết gì mấy, chỉ biết nghe theo lời đồn đại về các âm mưu này nọ kiểu người
bình dân thất học; ông là “kẻ thù của những đối thoại dựa trên sự kiện chính
xác;” ông hoàn toàn mù tịt nhưng không chịu học hỏi về lịch sử, Hiến Pháp Mỹ,
và “có vẻ chẳng đọc sách báo nào hết.”
Mặt khác, ông Trump mở đầu sự
nghiệp chính trị với tố cáo bịa đặt về ông Barack Obama, tổng thống da màu đầu
tiên, là “không phải người Mỹ.” Ðây mang “mục đích rộng lớn hơn là khơi động sợ
hãi trong đám dân chúng da trắng” với giáo dục và lợi tức thấp, kỳ thị màu da,
chủng tộc, tôn giáo và coi thường phụ nữ. Ông Trump, cùng nhà “chiến lược”
Steve Bannon, thủ lợi bằng cách khai thác những lo lắng, hoang mang và sợ hãi về
“tương lai và vị trí trong kinh tế mới” của nhóm người trên – tuy nhỏ nhưng to
mồm, hung hăng và cho đến nay vẫn là thành phần “chủ lực/base” trung thành với
ông. Ông thiếu đầu óc quân bằng; với thành công về tiền bạc đâm ra “huênh
hoang, phách lác,” tự cao tự đại, nhưng lại kém tự tin về nhiều mặt và dễ bị
“chạm nọc;” hiểm độc nhưng trẻ con và cầu cạnh được tung hô hoặc nịnh bợ. Ông
Trump lại ngả theo khuynh hướng độc tài, độc đoán, tàn bạo, và công khai ngưỡng
mộ những lãnh tụ độc tài đứng trên luật pháp. Khi tranh cử ông từng nói dù có đứng
giữa phố đông đảo ở New York cầm súng bắn chết người ông cũng “không hề mất ủng
hộ của dân chúng,” và khuyến khích thành phần du thủ trong nhóm chủ lực “cứ
đánh sặc gạch người phản đối, tôi sẽ chi tiền luật sư.” Mới đây, trường Wharton
School khảo sát mức ngữ vựng, văn phạm và lối ăn nói của học trò cũ, rồi đặt
ông vào cấp tiểu học.
Sau gần nửa năm ông Trump tại
chức, nhật báo tiêu biểu miền Tây (khởi đầu năm 1881) với uy tín toàn quốc và
quốc tế The Los Angeles Times vẫn không thể chấp nhận ông vì một số lý do căn bản.
Sau suốt một tuần nêu những tiêu cực về ông tháng trước, tháng này tờ Times
công khai chống đối cả cá nhân lẫn những chính sách của ông, vì ông nói láo cứ
như thật, thay đổi lật lọng, tin theo đồn đại vô căn cứ và những nhóm tung tin
bịa đặt. Ông không tôn trọng những định chế căn bản về tự do dân chủ và nhân
quyền; thiếu trách nhiệm về những điều cẩn mật, coi nhẹ chữ tín. Tờ này khẳng định
việc ông đắc cử rồi làm tổng chỉ huy quân lực là “tệ hại cho đất nước,” và dù
“thiếu sót hiểu biết và kinh nghiệm sơ đẳng” ông không chịu học hỏi và cải thiện
sau nửa năm tại chức. Rồi đi đến kết luận dứt khoát: “Tờ báo trông đợi ngày ông
không còn là tổng thống nữa.”
Ông Trump và ngoại giao
Nhìn theo khoa xã hội học về
chính trị (political sociology) ông Trump như dính liền với nhiều danh từ chấm
dứt với “-ism,” để mô tả chủ nghĩa, khuynh hướng hoặc trường phái một người tin
theo. Giới truyền thông nghĩ, dù mù tịt ông theo “jingoism/chủ nghĩa quốc gia cực
đoan” với khẩu hiệu “America First/Nước Mỹ trước hết” hay “Make America Great
Again/Làm nước Mỹ vĩ đại như xưa.” Cả hai đều nhằm lôi cuốn nhóm ủng hộ chủ lực
với ý “isolationism/cô lập, mặc kệ nước ngoài,” “xenophobism/bài ngoại” chống
di dân, và “racism/kỳ thị” những gì khác với di dân Mỹ đầu tiên thuộc loại
“WASP” (White/da trắng, Anglo-Saxon/gốc Bắc và Tây Âu, Protestant/theo Tin
Lành). Ông đòi “law and order/an ninh, trật tự,” “trung thành” với cá nhân ông,
khuyến khích bạo hành và ngợi ca quân sự (militarism) hơn là dân chủ tự do,
nhân quyền. Tất cả yếu tố trên nằm trọn trong định nghĩa về “fascism/chủ nghĩa
phát-xít” để mô tả những nhà độc tài chuyên chế mị dân kiểu Hitler (Ðức),
Mussolini (Ý) và Franco (Tây Ban Nha).
Về mặt thực tế, ông là người
quen cạnh tranh “ráo riết, sát phạt và tráo trở” trong thị trường buôn bán địa ốc
và xây cất ở New York từ thời còn tập sự với người thân sinh, qua các đường lối
từ hợp pháp tới mánh khóe chẳng đạo đức, lẫn “không hẳn đúng luật/quasi-legal.”
Trong nghề nghiệp ông từng kiện cáo và bị kiện nhiều, thắng kiện và bị phạt vạ
cũng lắm; ông khoe là tỷ phú nhưng đã phá sản sáu lần – rồi đưa đủ lý do để giấu
nhẹm hồ sơ thuế lợi tức. Quá khứ làm ăn và thời gian làm chính trị gần đây cho
thấy ông là người theo đường lối hung hăng, lấy thịt đè người, và chọn “cách tự
vệ tốt nhất là tấn công.” Cùng với cố vấn tin cẩn nhất, con rể Jared Kushner,
ông chọn cung cách cư xử với thế giới bên ngoài khác với kỹ thuật và nghệ thuật
ngoại giao giữa các quốc gia. Trong làm ăn ông thích giao dịch cá nhân, không
nghi lễ rườm rà, và sẵn sàng lấn áp người yếu kém nhưng cũng sợ kẻ lì lợm, “cao
cờ” hơn mình.
Nếu phải nói đến “chính sách”
thì ông tin vào “mua ít, bán nhiều” theo phái “mercantilism/trọng thương” thời
xa xưa. Trong giai đoạn tranh cử ông nhấn mạnh chuyện kinh tế Mỹ thiệt thòi vì
mua nhiều mà bán chẳng mấy, dân chúng lại không có việc làm vì công ty Mỹ sản
xuất hàng hóa ở nước ngoài – và nói kinh tế Việt Nam “hưởng lợi nhiều nhất” nếu
có TPP (Hiệp Ðịnh Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương). Việt Nam hiện đứng hàng thứ
sáu trong 16 nước bị Tòa Bạch Ốc xem là có thành tích lâu năm về bán nhiều hơn
mua với Hoa Kỳ.
Khi ông Trump đắc cử, hàng loạt
nhân viên cao cấp ở các bộ, phủ, cơ quan từ chức, hoặc bị sa thải về sau; hiện
Bộ Ngoại Giao chưa đủ nhân viên cần thiết, kể cả một thứ trưởng hoặc cấp thấp
hơn chuyên về Châu Á-Thái Bình Dương. Bộ vẫn tiếp tục theo đường hướng chính
quyền Obama đề ra, trừ trường hợp tổng thống mới đích thân can thiệp – như ngay
sau nhậm chức ông đã dẹp bỏ TPP. Việt Nam từng hy vọng món quà TPP từ ông Obama
sẽ giúp cơ hội phát triển kinh tế lớn lao đồng thời củng cố mạnh mẽ liên hệ chiến
lược với Washington. Hà Nội tỏ ra ngoan ngoãn và mềm mỏng trong nỗ lực làm ông
Trump hài lòng về quân bằng ngoại thương giữa hai bên; viên chức Việt nói họ hiểu
tầm quan trọng của việc ông hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ. Họ tuyên bố
sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận thương mãi giữa hai nước, theo đó Hà Nội sẽ mua
nhiều chiến cụ Mỹ đắt tiền như hệ thống radar vùng duyên hải, máy bay thám
thính và tầu tuần dương. May mắn cho Hà Nội: ông Trump không hề lưu tâm đến vấn
đề “nhân quyền” như những chính quyền đi trước.
(Còn tiếp)