Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

TS Đinh Xuân Quân: “NHU THẮNG CƯƠNG” HAY TẠI SAO PHILIPPINES THÀNH CÔNG TRONG VỤ KIỆN TRUNG QUỐC QUA LUẬT BIỂN


Tranh chấp Trung-Phi tại Biển Đông được đưa ra trước Tòa Án Hòa Giải quốc tế vì Philippines bị Trung Quốc chiếm dần, xây cất các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Khi Philippines đưa Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài ở LaHaye (gọi trong bài này là Tòa), họ khôn khéo không nói về chủ quyền (vì Tòa Hòa giải không phải là nơi đưa các tranh chấp này) mà họ chỉ muốn Tòa nói rõ về Luật Biển UNCLOS để dành lại chủ quyền.

Trung Quốc dựa trên chủ quyền lịch sử, bản đồ 9 đoạn (người Việt gọi là đường lưỡi bò) mà họ tự vẽ sẽ chiếm khoảng 85.7% Biển Nam Hải (gọi trong bài là Biển Đông) hay 3.5 triêu km2 trong đó Philippines sẽ mất 80% vùng độc quyền kinh tế (EEZ). Hồ sơ tranh chấp giữa Phi và Trung Quốc, có 5 điểm chính:

  • Chủ quyền dựa trên lịch sử- Việc Trung Quốc đòi quyền trên Biển Đông dựa trên lịch sử có đi ngược với UNCLOS? Bản đồ 9 đoạn có giá trị hay không? Một trong những hậu quả từ phán quyết của Tòa là Trung Quốc có quyền hay không trên các tài nguyên của Biển Đông?
  • Các hiện tượng như đá nổi, đá chìm, đảo, v.v. ở Trường sa (chỗ mà  người có thể sinh sống có cho phép có hải phận hay không?;
  • Các hiện tượng như đá nổi, đá chìm, đảo, v.v. ở Trường sa có cho phép đòi khu đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý hay không?
  • Về Đá chìm Scarborough – Nơi đánh cá truyền thống của ngư dân Phi, vậy ngư dân Phi có quyền đánh cá ở đây?
  • Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo đã gây thiệt hại cho môi trường.
Tòa đã xét xử và cho là vụ kiện của Philippines có giá trị và nước này đại thắng về Luật Pháp. Các lý lẽ của Trung Quốc đều bị bác.

Trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện của Philippines ông Antonio T. Carpio (gọi ở đây là Carpio) đã cho xuất bản một cuốn sách e-book (sách trên mạng) về vụ kiện Trung Quốc. Cuốn này có tựa “The South China Sea Dispute: Philippines Sovereign Rights and Jurisdiction in the West Philippine Sea[1]/. Cuốn sách cho người đọc biết quy trình và chi tiết cách Philippines chứng minh thành công Trung Quốc là nước đi xâm chiếm tại Biển Đông vì các chứng cớ của họ (nếu có) không có giá trị trước luật quốc tế.

Cuốn sách này gồm 140 bài và các buổi nói chuyện được ghi lại, dài gần 250 trang đã trình bày cho độc giả tình hình đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền của Philippines. Theo ông Carpio thì đây là một cuộc chiến để dành lại lãnh thổ Philippines bị Trung Quốc xâm chiếm – một cuộc chiến giữa “nước lớn và nước nhỏ” và theo ông thì luật Pháp quốc tế sẽ là công cụ giúp cho các nước nhỏ “thắng - tránh vụ cá lớn ăn cá nhỏ”.

Vậy vụ kiện của Philippines dựa trên các yếu tố gì? Phi đã đưa ra những chứng cớ gì mà Tòa Trọng Tài đã chấp nhận?

Chú thích của tác giả bài này : Để thắng các lý lẽ của Trung Quốc (như: quyền lịch sử, nhiều chứng cớ không thể chối cãi...) Philippines đã dựa trên luật biển UNCLOS gồm ba yếu tố chính: 1) Cách định quyền (lãnh hải hay khu đặc quyền kinh tế - EEZ phải đi từ đất liền ra biển; 2) Đảo (chỗ mà người có thể sống) có lãnh hải 12 hải lý và có khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong khi các đá nổi có lãnh hải 12 hải lý và đá ngầm không có lãnh hải; 3) Khi khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai địa thế chồng lấn lên nhau, thì EEZ sẽ được chia theo một tỷ lệ “đất liền có quyền lớn hơn đảo”. Ngoài ra Philippines phải chứng minh quyền lịch sử không có trong UNCLOS.

Cuốn sách cho thấy các chứng cớ Phi đưa ra để phản bác các lời lẽ/ “chứng cớ” của Trung Quốc khẳng định họ có quyền trên Biển Đông, và cuối cùng Phi đã thắng vụ kiện. Phán quyết của Tòa là chung quyết - không có thể cãi hay kháng án.
Đây là Mục lục của cuốn sách:

Biển Nam Hải và thổ dân Austronesians
  • Các cuộc di dân của thổ dân Austronesian
  • Từ Biển Champa đến Nam Hảo – Các đảo gọi là “Pulo”
  • Đế Quốc Majapahit
  • Bảy hải trình của đô đốc Trịnh Hòa

Liên Hiệp Quốc vào luật Biển (UNCLOS)
  • Biển và đất
  • Địa dư của Biển
  • Cách đi từ đất liền để đánh giá quyền một nước
  • Cách đo của quần đảo Philippines

Nguyên nhân tranh chấp Nam Hải
  • Đường 9 đoạn
  • Lý do chính tranh chấp Nam Hải
  • Hậu quả đường 9 đoạn và ranh giới của Trung Quốc
  • Lý do chính tranh chấp Trung-Phi – Trung Quốc đòi 80% EEZ của Phi
  • Trung Quốc xâm chiếm “từ từ”Nam Hải
  • Nỗi khó của Trung Quốc “eo Malacca”
  • Trung Quốc đòi các tài nguyên và Geologic Features của Nam Hải
  • Ý đồ Trung Quấc tại Nam Hải
  • “Phi và Trung Quốc chỉ cách một khoảng nhỏ về biển”
  • Trung Quốc quân sự hóa Nam Hải

Các tranh chấp giữa các nước tại Nam Hải
  • Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ
  • Tranh chấp chủ quyền lãnh hải 

Vụ kiện Hòa giải giữa Cộng Hòa Philippines v. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
  • Vụ tranh chấp đưa ra Tòa Hòa giải
  • Từ đất liền đánh giá lãnh hải hay EEZ (Land Dominates the Sea)
  • Tóm Tắt và trả lời cho Trung Quốc
  • Những lý do chính về vụ Hòa Giải

Đòi hỏi chủ quyền dựa trên lịch sử của Trung Quốc
  • Trọng tài về quyền lịch sử của Trung Quốc
  • Sự dối trá của các lý do đòi chủ quyển dựa trên quyền lịch sử
  • Các “chứng cớ” của Trung Quốc
  • Gắn các mốc sai tại Hoàng sa
  • Gắn các mốc sai tại Trường sa
  • Việc thu thập các tài liệu lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc về Nam Hải
  • Bản đồ và quyền lịch sử
  • Lãnh thổ phía Nam trong các bản đồ xưa của Trung Quốc
  • Bản đồ xưa của các triều đại Trung Quốc và của các tư nhân
  • Bản đồ xưa Trung Quốc của các người ngoài 
  • Lãnh thổ phía Nam của Trung Quốc dựa trên tài liệu chính thức
  • Các Hiến Pháp
  • Các Tuyên Bố của Trung Quốc
  • Biên giới dưới mặt nước ngoài Biển cả
  • Các hiểu lầm về lịch sử
  • Thế kỷ “ô nhục” của Trung Quốc
  • Thuyết Monroe 1823 và đường 9 đoạn
  • Sự kiềm chế Trung Quốc bởi Hoa kỳ

Địa dư Trường Sa
  • Trọng tài về các địa dư tại Trường Sa
  • Đòi hỏi chủ quyền Trung Quốc về Trường sa và bãi Scarborough
  • Trường sa trong các bản đồ xưa
  • Itu Aba

Các địa dư bị Trung Quốc Chiếm tại Trường Sa
  • Trong tài về các đia dư bị Trung Quốc chiếm
  • Trung Quốc xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa
  • Tái tạo tại các đá nổi (High-Tide Elevations)
  • Tái tạo tại các đá chìm (Low-Tide Elevations)
  • Tái tạo tại Biển khơi (High Seas)
  • Đánh cướp của chung
  • Quy luật đánh các của Trung Quốc tại Biển Khơi (HighSea)
  • Bãi Macclesfield
  • Yếu tố đánh giá ranh giới - Rules on Boundary Delimitation

Bãi Scarborough
  • Trọng tài về Bãi Scarborough
  • Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Bãi Scarborough
  • Bãi Scarborough trên các bản đồ xưa
  • Bãi Scarborough trong hiệp ước phòng thủ Phi-Mỹ

Trung Quốc làm hại môi trường Biển
  • Trọng tài về việc Trung Quốc làm hại môi trường Biển
  • Tái tạo địa dư bất hợp pháp và bắt các loài hải sản trong tình trạng nguy cơ

Các vấn đề khác trong vụ kiện Trọng Tài
  • Các vấn đề khác được giải quyết qua Tòa Trọng Tài
  • Vấn đề Tòa từ chối giải quyết

Thực thi Phán quyết
  • Vùng tranh chấp trước và sau phán quyết Trọng Tài
  • Thực thi phán quyết bởi các cường quốc hàng hải
  • Thực thi phán quyết bởi Philippines 
  • Vùng tiếp cận thềm lục địa từ đảo Luzon
  • Các trường hợp Tòa xử
  • Các cường quốc và việc thực thi phán quyết của Tòa quốc tế
  • Trường hợp Arctic Sunrise (Vương quốc Hà Lan và Nga)
  • Vụ trọng tài vùng Biển Bảo vệ Chagos (Mauritius và Anh)
  • Các hoạt động quân sự và bán quân sự trong nước chống Nicaragua (Nicaragua và Hoa Kỳ)
  • Ba trận chiến của Trung Quốc
  • Các vấn đề bị ảnh hưởng trong hợp tác phát triển giữa Trung Quốc và Phi
  • Quần đảo Trường Sa và vùng Biển hòa Bình (Peace Park)

Lời chót

Để chứng minh “quyền lịch sử” mà Philippines nói là một sự dối trá so với sự thật và việc Trung Quốc “nói có nhiều chứng cớ về việc sự hiện diện của họ” trên Biển Đông, ông Carpio đã chứng minh là Trung Quốc và trước đó Trung Hoa Dân Quốc - Đài Loan đã nhiều khi “tạo dựng các chứng cớ lịch sử” vì nhiều chứng cớ được gài (qua các mốc) được xây trên các đảo, trên các bản đồ - hải đồ với ý đồ xâm chiếm các tài nguyên Biển Đông không trước 1935.

Ông Carpio đã cho thế giới biết và chứng minh là nhiều ngàn năm từ trước công nguyên các thổ dân Austronesian đã tự do đi lại, buôn bán trên Biển Đông. Họ đã đi khắp các đảo ở Đông Nam Á (ĐNA) gọi là Pulo. Người thổ dân Austronesian đã di chuyển hơn 4,200 năm cho đến năm 1,200 trước công nguyên (xem hình 2 trang 2 của sách Carpio). Các thổ dân tự do đi lại, trao đổi thương mại với nhau nhờ các thuyền gọi là karakoa tiếng Phi và coracora tiếng Indonesia. Chính các sử gia Trung Quốc cũng nói về các vụ buôn bán của người Thổ dân đến Quảng Đông vào năm 982.

Lịch sử cho thấy thổ dân Austronesia đã dùng thuyền đi khắp Đông Nam Á đến cả Madagascar ở Phi Châu. Các thuyền này chở trên 100 người và đã buôn bán với nhiều xứ, cả với Trung Hoa nữa. Ông đưa ra một số bản đồ được in trong thời đó. Trước khi người Bồ Đào Nha đặt tên là Nam Hải thì Biển Đông được gọi là Biển Champa (thế kỷ 2 tới 17 – miền Trung Việt Nam). Không có một nước nào đòi hỏi chủ quyền trên tất cả Biển Đông nhưng người Austranesia từ Philippines đã kiểm soát vùng này qua thương mại và cả cướp bóc (các bản đồ 1, 2… 8 cho thấy việc này, nhất là các đảo gọi là Pulo), trước khi người Tây Ban Nha chiếm Philippines và 400 năm trước khi có các hải trình của đô đốc Trịnh Hòa (Zheng Hi) người Hoa.

Cuộc xâm lược bất thành của Kublai Khan năm 1289 vào quần đảo Nam Dương cho thấy người Hoa không có mặt tại đây trước thế kỷ 13. Chính việc xâm lược này của Trung Quốc cũng đã bị triều đại Majapahit (phía đông đảo Java) gần Bali chống lại.

Bảy cuộc hải trình của đô đốc Trịnh Hòa xảy ra từ năm 1405-1433. Trung Quốc coi các chuyến đi của đô đốc Trịnh Hòa là chứng cớ cho chủ quyền của Trung Hoa trên Biển Đông. Sách nói về các chuyến đi của đô đốc Trịnh Hòa cho thấy là ông này không bao giờ đòi chủ quyền, không để lại binh sĩ đóng giữ mà trái lại sau các chuyến đi này thì Trung Quốc “bế quan tỏa cảng” - đóng cửa hoàn toàn, không còn một liên hệ nào với các nơi mà Trịnh Hòa đã đi qua.

Luật Biển (UNCLOS – United Nations Convention Law of the Seas)  

Tài liệu Carpio mất nhiều công phu đưa rõ ràng các định nghĩa của luật biển UNCLOS.  Các định nghĩa này sẽ giúp Philippines đánh bại các lý lẽ của Trung Quốc: 1) hải phận 12 hải lý trong đó các nước có toàn quyền kiểm soát; 2) vùng kế cận còn gọi là vùng độc quyền kinh tế 200 hải lý từ đất liền (EEZ); 3) vùng tiếp cận thềm lục địa (Extended Continental Shelf - ECS) không quá 150 hải lý từ vùng EEZ; 5) Biển quốc tế: ngoài EEZ là thuộc về hải phận quốc tế; 6) Ngoài vùng ECS còn gọi là Area Shelf tất cả các tài nguyên thuộc về nhân loại và dưới sự kiểm soát của Cơ quan Quốc tế về Thềm lục địa hay International Seabed Authority (ISA).


Định nghĩa Lãnh hải 12 hải lý, EEZ 200 hải lý từ lãnh hải, High Sea (biển quốc tế), ECS vùng tiếp cận thểm lục địa và Area Shelf (vùng quốc tế),

Tài liệu Carpio làm rõ về

1) Đảo:(chỗ người có thể sống được) - có hải phận 12 hải lý, có quyền có EEZ 200 hải lý;
2) Đá nổi: lồi ra trên mặt nước khi thủy triều xuống thì địa dư này có 12 hải lý hải phận;
3) Đá ngầm: bị nước thủy triều bao phủ thuộc về thềm lục địa do đó không có hải phận và EEZ.


                                             Đảo                Đá nổi        Đá chìm

Nguồn gốc tranh chấp Phi-Trung: Đường 9 đoạn

Năm 1947 Trung Hoa Dân quốc vẽ đường 11 đoạn và ghi trên bản đồ (không có bãi Scaborough). Năm 1950 Trung Quốc bỏ hai đoạn. Năm 2009 Việt Nam và Malaysia trình Liên Hiệp Quốc về vùng tiếp cận thềm lục địa (Extended Continental Shelf). Trung Quốc phản đối và đưa ra chính sách đường 9 đoạn (còn gọi là lưỡi bò) và tuyên bố có chủ quyền “không tranh cãi”. Qua đường lưỡi bò, Trung Quốc đòi chủ quyền trong vùng này.

Năm 2013 Trung Quốc đưa ra bản đồ có đường 9 đoạn và coi như là ranh giới phía Nam của Trung Quốc. Philippines phản đối vì đường 9 đoạn sẽ cho Trung Quốc chiếm khoảng 85.7% Biển Đông hay 3.5 triệu km2. Malaysia và Philippines sẽ mất 80% vùng độc quyền kinh tế (EEZ) trong khi đó Việt Nam sẽ mất 50%, Brunei 90% và Indonesia 30%. Đường chín đoạn phạm vào các vùng EEZ của nhiều nước.

Trung Quốc xâm chiếm “từ từ” Nam Hải - Sau đệ nhị thế chiến Trung Quốc chỉ có đảo Hải Nam ở phía Nam và không có một quân nhân nào đồn trú tại Biển Đông. Từ 1946 Trung Quốc đã dần dần chiếm nhiều đảo và đá (Itu Iba) và Hoàng sa năm 1974, 1987-1988 nhiều đá ở Trường Sa và từ 1995 – đến nay 2016 đã chiếm nhiều đảo/đá của Philippines và cho xây nhiều đảo nhân tạo trên thềm lục địa thuộc Philippines. Từ 2012 trở đi, hải quân Trung Quốc đã đặt nhiều mốc chủ quyền trên nhiều đảo và đá.

80% hàng hóa và dầu khí của Trung Quốc phải được chuyên chở qua eo biển Malacca (còn gọi là nỗi khó Malacca). Đây là “nỗi khó” nếu có chiến tranh và vì thế Trung Quốc đã xây ống dẫn dầu tại Myanmar để tránh eo Malacca và chiếm nhiều đá/đảo tại Biển Đông làm căn cứ quân sự. 

Đường 9 đoạn Trung Quốc là lý do nước này coi Biển Đông là “hồ nhà”, gây nhiều tranh chấp trong các hợp đồng tìm kiếm tài nguyên dầu khí trong vùng biển của Philippines (hợp đồng tìm dầu khí tại lô SC 72 trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và lô SC 58, tàu hải cảnh Trung quốc phá các vụ tìm dầu khí trong độc quyền EEZ của Phi), kéo dàn khoan Hải Dương 981 đến khu vực EEZ của Việt Nam và tranh chấp với cảnh sát biển Indonesia. Các hành động của Trung Quốc cho thấy ý đồ - chính sách xâm lấn Biển Đông, quân sự hóa các đảo, dùng cảnh sát biển và hơn 20,000 thuyền đánh cá làm dân quân và hải quân Trung Quốc làm công cụ xâm chiếm biển.

Tranh chấp giữa các nước tại Biển Đông - Nam Hải

Các tranh chấp với các nước là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ (đảo, đá nổi, đá ngầm), lãnh hải và quyền EEZ.

Tranh chấp Trung-Phi được đưa ra trước Tòa Án Hòa Giải quốc tế không nói đến chủ quyền (vì Tòa Hòa giải không phải là nơi xử các tranh chấp này) mà chỉ dính đến việc làm rõ những gì luật UNCLOS cho phép hay không cho phép. Các tranh chấp giữa Phi và Trung Quốc gồm 5 điểm được nói ở phần trên: 1) Chủ quyền dựa trên lịch sử chấp nhận hay không; 2 và 3) Các hiện tượng như đá, đảo, vv ở Trường sa không có người sinh sống có lãnh hải hay khu độc quyền kinh tế 200 hải lý hay không? 4) Về bãi Scarborough — Ngư dân Phi có quyền đánh cá ở đây; và 5) Trung Quốc gây thiệt hại cho môi trường.

Theo UNCLOS thì lãnh hải hay EEZ phải dựa trên yếu tố Đất để quyết định lãnh hải. Nhưng họ nói chủ quyền đất phải có trước khi có quyết định về EEZ hay lãnh hải. Đường 9 đoạn của Trung Quốc tự vẽ không dựa trên nguyên tắc Đất để quyết định chủ quyền. Hơn nữa theo Phi chỉ có Tòa mới có thể quyết định là đá nổi, đá chìm và do đó quyết định có chủ quyền về lãnh hải hay EEZ tại Biển Đông.

Lý do tranh chấp Trung-Phi là liệu các quyền lịch sử - đường 9 đoạn có thể đòi quyền về biển hay không trong UNCLOS?

Theo Tòa Hòa Giải Quốc Tế chủ quyền dựa trên lịch sử (mà dựa trên đó Trung Quốc đòi > 80% Biển Đông) đi ngược với UNCLOS - ví dụ các nước như Tây Ban Nha không thể đòi chủ quyền trên các đất – lãnh thổ họ tìm ra hay dùng làm thuộc địa. Mông cổ (Mongolia) không thể đòi lãnh thổ dựa trên chủ quyền ngày xưa họ xâm chiếm nhiều nước trong đó có cả Trung Hoa. Quyền lịch sử không còn khi Trung Quốc đã ký vào UNCLOS.

Đối với luật quốc tế để có quyền lịch sử thì phải có 3 điều kiện:
Một: quốc gia phải thực sự kiểm soát chủ quyền trên mảnh đất hay lãnh thổ;
Hai, quốc gia phải thực sự kiểm soát chủ quyền trên mảnh đất hay lãnh thổ trong một thời gian dài;
Ba: Các quốc gia khác chấp thuận việc này hay không phản đối.

Dựa trên 3 điều kiện này thì đường 9 đoạn của Trung Quốc hoàn toàn không hội đủ.

Các chứng cớ của Trung Hoa Dân Quốc về chủ quyền (chứng cớ giả)

Về các chứng cớ nhiều tác giả Trung Hoa nói về chuyến viếng thăm quần đảo Trường Sa vào 1902 nhưng thật sự chỉ vào tháng 6, 1937 mà Trung Hoa Dân Quốc đã gởi 2 phái đoàn của vùng 9 đến Hoàng Sa để xem coi Nhật có chiếm quần đảo này hay không và để đòi chủ quyền.[2]/ Cũng may là trong Phụ lục của bản phúc trình chuyến đi này phía Trung Hoa Dân Quốc có nói chi tiết về việc đặt một số mốc chủ quyền, và có viết là 1901 trong khi chuyến đi tới Hoàng Sa là vào năm 1937,v.v... (trang 289 của Tài liệu THDQ xuất bản 1988) được dẫn chứng trong sách của Carpio trang 61. Phụ lục bản phúc trình cũng cho thấy Trung Hoa Dân Quốc đã tới Trường Sa vào 1956 và đóng cột mốc trên đó có ghi cuộc viếng thăm vào năm 1946. (trang 291 của Tài liệu THDQ xuất bản 1988) được dẫn chứng trong sách của Carpio trang 61.

Trong một trao đổi ngoại giao với Pháp (1932) Trung Hoa Dân Quốc nói có chủ quyền trên đảo cách Hải Nam và các đảo cách đó 147 hải lý nghĩa là không có Trường sa (trang 90 sách của Carpio).

Năm 2014, Tổng Thống Đài Loan Mã Anh Cửu làm sáng tỏ đường 9 đoạn và cho thấy là các đòi hỏi chủ quyền nhằm vào các đảo và vùng phụ cận mà thôi trái ngược với việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn vùng Biển Đông. Theo Đài Loan thì vấn đề chủ quyền các đảo trên biển Đông của Trung Hoa Dân Quốc chỉ bắt đầu đặt ra từ 1935 (trang 63 sách Carpio).

Trung Quốc và các bản đồ làm chứng cớ về chủ quyền

Các bản đồ đều cho thấy là vùng cực nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam (bản đồ trang 65 đến 69 sách của sách Carpio). Bản đồ Selden tìm thấy vào năm 2008 cho thấy là Biển Đông là vùng tự do đi lại và buôn bán, Trung Quốc không kiểm soát các vùng đó. Qua nhiều bản đồ (trang 74 đến 87 sách Carpio) thì lãnh thổ Trung Quốc không quá Hải Nam. Các bản đồ kể cả bản đồ của các triều đại Tàu cho thấy họ không có Hoàng sa hay Trường sa.

Các tài liệu Trung Hoa Dân Quốc (Hiến Pháp của Trung Hoa và Note Verbale của Trung Hoa với Pháp vào 1932) thì phía Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam và các đảo cách đó 147 hải lý.

Trong đường 9 đoạn, Trung Quốc coi bãi James Shoal (một bãi đá ngầm), cách Sarawak – Malaysia 80 hải lý là cực nam của đường 9 đoạn, cách Itu Aba/Hoàng Sa 400 hải lý, và cách Hải Nam 900 hải lý. Việc này không đúng UNCLOS vì chỉ được phép có 150 hải lý ngoài EEZ của Trung Quốc – hay từ Hải Nam mà thôi.

Ông Carpio đã chứng minh là những đòi hỏi của Trung Quốc dựa trên nhiều chứng cớ là dối trá - phi lý – không đúng luật UNCLOS và sự thật.

Tranh chấp về các địa dư tại Trường Sa- Đòi hỏi chủ quyền Trung Quốc về Trường sa và bãi Scarborough

Tại Hội nghị Cairo năm 1943 (Roosevelt, Churchill và Tưởng Giới Thạch) và tại Postdam năm 1945, Hoàng Sa và Trường Sa không được nói đến. Tại Hội Nghị San Francisco 1951, việc trao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc không được chấp nhận. [Lời chú thích của tác giả bài này: trong kỳ họp này Thủ Tướng Trần Văn Hữu nhân danh Quốc Gia Việt Nam đòi chủ quyền trên những quần đảo này cho Việt nam mà không bị chống đối].

Bản đồ về Trường Sa và các địa dư bị Trung Quốc chiếm

Các bản đồ từ trang 99 đến trang 142 của sách của Carpio cho thấy là Trường sa trực thuộc Philippines.

Ông Carpio cũng tường trình cặn kẽ về các đá bị Trung Quốc chiếm. Trong tranh chấp Trung-Phi, 7 hòn đá tại Trường sa đã bị chiếm: Fiery Cross Reef, Johnson South Reef, Gaven Reef, Cuarteron Reef, McKennan Reef, Mischief Reef, và Subi Reef. Theo Tòa chỉ có 5 đá là được coi là đá nổi: Fiery Cross Reef, Johnson South Reef, Gaven Reef, Cuarteron Reef, và McKennan Reef có quyền có 12 hải lý trong khi các đá khác không có quyền có hải lý như Mischief Reef và Subi Reef. Hai đá này trực thuộc khu đặc quyền kinh tế của Phi (trang 146sách Carpio).

Theo Tòa thì chỉ có các quốc gia gần biển mới có quyền dựng các đảo nhân tạo (trang 153 sách Carpio). Hơn nữa Trung Quốc không có quyền xây đảo nhân tạo tại Subi Reef vì nằm trong ECS của Philippines. Đảo nhân tạo sẽ không có đặc quyền 12 hải lý và EEZ (trang 156 sách Carpio).

Đánh cướp của chung

Sách ông Carpio có trình bày là từ 1999, Trung Quốc cướp của chung (thuộc thế giới - không phải của họ) qua các quy định hạn chế đánh cá từ Hải Nam. Khi tự cho mình quyền về kiểm soát đánh cá ở vùng biển quốc tế, Trung Quốc đã trở thành kẻ cướp (trang 157 sách Carpio).

Bãi Macclesfield với 6,500 km2 nằm gần Hoàng Sa, Tòa phán là bãi là đá ngầm, nằm trong biển quốc tế do đó không có EEZ và thuộc chủ quyền quốc tế. 

Tòa phán là mặc dù một địa dư được coi như đảo thì quyền EEZ không thể trọn vẹn khi nó chạm vào EEZ của môt đảo lớn hơn hay đất liền. Như vậy nếu đưa ra tòa thì đảo Itu Aba nằm gần Palawan không có thể toàn vẹn EEZ mà theo tỷ lệ (trang 160 sách Carpio).

Về trường hợp bãi Scarborough với 159 km2, các bản đồ xưa thì ông Carpio trình các chứng cớ (từ trang 169 đến 201 trong sách Carpio) là bãi này thuộc Phi, nằm trong hiệp Ước phòng thủ Phi-Hoa Kỳ và trong các tài liệu của chính phủ Phi và Hoa kỳ. Tòa cho bãi này một đá nổi có lãnh hải 12 hải lý nhưng là nơi đánh cá truyền thống của nhiều ngư dân cho nên Trung Quốc không có quyền cấm ngư dân Phi hành nghề đánh cá trong khi Trung Quốc cưỡng chiếm (trang 203-204 sách Carpio).

Trung Quốc làm hại môi trường Biển và tranh chấp khác

Ông Carpio cũng cho thấy khi vét biển để xây các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã làm hư hại môi trường (trang 208). Các tranh chấp khác:

  • Trung quốc vi phạm đến quyền đánh cá của ngư dân Phi khi họ ra lệnh cấm đánh cá trong vùng của Phi;
  • Trung quốc vi phạm quyền tìm dầu khí trong vùng EEZ của Phi;
  • Trung quốc vi phạm quyền của Phi khi cho ngư dân của họ đánh cá trong vùng EEZ của Phi;
  • Trung quốc vi phạm quyền của Phi khi xây dựng các đảo nhân tạo (Mischief Reef) trong vùng EEZ của Phi;


Tất cả các điều trên đều được Tòa chấp nhận, và cho Philippines thắng kiện.

Việc duy nhất Tòa Trọng Tài không xử là việc đối đầu giữa binh lính Phi và các tàu tuần tra Trung Quốc.


Kết luận

Cuốn sách này là một công trình công phu - tỉ mỉ - đưa các chứng cớ cho thấy là Trung Quốc, một nước lớn đã lạm dụng - ép nước nhỏ - Philippines - trái với các luật quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký – và do đó phạm chủ quyền của Philippines.

Lý luận của thẩm phán Carpio đã cho thấy “David thắng Goliath” qua luật pháp quốc tế. Philippines đã “dùng Nhu thắng Cương” và đòn dùng là “luật pháp quốc tế.” Luật pháp là đòn nhu đạo mà Phi đã dùng để lật thế cờ, giúp nước nhỏ thắng trong cuộc chiến giữa “nước lớn và nước nhỏ”.

Hậu quả thấy được là không lường như:

  • Phán quyết là cuối cùng (quyết định chung kết) không thể chống án.
  • Các đảo có 12 hải lý hải phận và có vùng độc quyền kinh tế (EEZ)200 hải lý
  • Tuy các đảo có hải phận 12 hải lý, có vùng độc quyền kinh tế (EEZ)200 hải lý nhưng vùng EEZ có thể không trọn vẹn vì đảo này gần đất liền hay với một đảo lớn hơn. Trong trường hợp này EEZ sẽ  theo tỷ lệ - Ví dụ Dàn khoan Hải Dương 981 kéo vào EEZ của VN hay của Trung Quốc? (Hoàng Sa) thì yếu tố đất liền quan trọng.   
  • Tại quần đảo Trường Sa, không có đảo mà chỉ có đá.  Việc này quan trọng vì tại quần đảo Trường Sa không có nước nào có vùng EEZ Việc này cho thấy trong vùng quần đảo Trường Sa có nhiều vùng giữa hai địa dư/thế và vùng nằm giữa là biển quốc tế.
  • Các đá nổi chỉ có 12 hải lý hải phận và không có vùng độc quyền. 
  • Các đá chìm không có hải phận và không có vùng độc quyền kinh tế. Hơn nữa các đảo nhân tạo không có 12 hải lý và vùng EEZ – là hải phận quốc tế và kết quả là các tàu hải quân có thể tự do đi lại mà không vi phạm chủ quyền.


Hậu quả thứ nhất cho các nước tranh chấp trong Biển Đông chủ quyền của họ sẽ phải xét lại theo phán quyết. Tại Trường Sa, Tòa không công nhận có đảo mà chỉ có đá – và đá nổi có hải phận 12 hải lý.  Việt Nam và các nước có tranh chấp trong vùng Trường Sa (VN, Phi, Brunei, Malaysia, Đài Loan) phải sửa đổi lại cách tính vùng hải phận và vùng kiểm soát chủ quyền vì có nhiều nơi được coi là biển quốc tế.

Hậu quả thứ hai là đối với quần đảo Hoàng Sa, VNCH có phản đối việc Trung Quốc dùng võ lực chiếm đóng các đảo – đá do Việt Nam có chủ quyền.  Thực tế cho thấy khó lấy lại Hoàng Sa nhưng các cơ quan quốc tế sẽ không công nhận việc chủ quyền Trung Quốc trên Hoàng Sa vì họ không có 1 trong 3 điều kiện chủ quyền (điều 3) – không có ai khiếu nại. 

Sách/tài liệu nhất là các bản đồ trong phụ lục có thể giúp Việt Nam dùng. Đối chiếu các bản đồ và tài liệu mà Việt Nam có trong việc dùng pháp luật quốc tế để bảo vệ lãnh thổ tốt hơn tránh việc “cá lớn nuốt cá nhỏ (Việt Nam nước nhỏ bên cạnh nước lớn Trung Quốc).

Sách này sẽ là một tài liệu mà Trung Quốc khó chối cãi hay gài các chứng cớ giả như họ đã làm trong quá khứ. Nó gây một niềm tin mới cho các nước nhỏ và cho Việt Nam. 

TS Đinh xuân Quân


Chú thích:
[1]/http://murillovelardemap.com/south-china-sea-dispute-philippine-sovereign-rights-jurisdiction-west-philippine-sea/.Bản này là bắng tiếng Anh.  Các bản tiến Trung hay tiến Việt sẽ được dịch ra sau.
2/ Sử gia Han Zenhua, Lin Jin Zhi và Hu Feng Bin đã viết trong “Compilation of Historical Documents on our Islands of the SouthSea” được xuất bản vào 1988.