Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017
Ngô Nhân Dụng: Hạ thấp điểm Kinh tế Trung Cộng
Đầu tuần
này, Công ty thẩm lượng
tín dụng Moody đã hạ thấp mức tín nhiệm của chính quyền Trung Quốc từ A3
xuống A1. Lần trước, khả năng trả nợ của Bắc Kinh bị nghi ngờ và mất điểm xẩy
ra đã gần ba chục năm nay. Bộ Tài chánh Trung Cộng lập tức phản đối, vì khi điểm
tín dụng của một xí nghiệp hay một quốc gia xuống thấp, họ sẽ phải trả lãi suất
cao hơn khi vay tiền. Các công ty lượng giá điểm tín dụng cao thấp tùy theo khả
năng trả nợ của người đi vay tốt hay không.
Năm 2011
chính phủ Mỹ cũng bị xuống điểm, từ AAA xuống AA+, khi kinh tế Mỹ bước vào năm
thứ ba sau cuộc khủng hoảng. Thứ Hai vừa qua, Moody nêu lý do hạ thấp điểm của
Trung Cộng là vì số tiền vay nợ trong cả nền kinh tế lên quá cao trong khi sức
phát triển kinh tế lại giảm bớt. Không khác gì một xí nghiệp nợ nần chồng chất
mà mức lời có triển vọng đi xuống.
Trung Cộng rất
quan tâm đến “điểm tín dụng” (credit-rating), vì muốn các nhà đầu tư quốc tế
tham gia mua trái phiếu họ sẽ phát hành, với số lượng lên tới 8,000 tỷ mỹ kim.
Vì thế, tháng Tư năm ngoái, Trung Cộng đã nới rộng thủ tục cho các công ty lượng
giá tín dụng như Moody, được hoạt động trong lục địa kể từ tháng Bẩy năm nay.
Giới đầu tư
quốc tế sẽ khó đem tiền cho vay nếu chỉ căn cứ vào điểm tín dụng cho các công
ty tài chánh địa phương thẩm lượng – vì họ thường cho điểm cao hơn. Ngay trong
khi Moody hạ thấp điểm tín dụng của Trung Quốc, một công ty địa phương có uy
tín vẫn giữ nguyên điểm tín dụng cũ, AAA. Công ty Chengxin Credit Management
(Thành Tín Tín dụng Bình cấp) thành lập từ năm 1992 có 30% cổ phẩn thuộc Moody
nhưng làm ăn độc lập.
Mối lo của
các nhà phân tích Moody không phải chỉ vì số nợ trong nền kinh tế Trung Quốc
lên quá cao; nhưng nguy hiểm hơn nữa là những món nợ khổng lồ được che giấu,
không ghi trong sổ sách. Không những các doanh nghiệp nhà nước chất chứa các
món nợ “vô hình” đó, chính quyền các địa phương càng mang nợ chồng chất.
Khi lên
ngôi, Tập Cận Bình nhìn nhận mối nguy vỡ nợ nên đã ra lệnh ngăn chặn hoạt động
“vay ngầm.” Đến Tháng Ba năm 2015, nhiều địa phương tiến đến cảnh vỡ nợ, trung
ương phải nương tay; đồng thời cho phép các địa phương phát hành trái phiếu. Đó
là hình thức vay nợ phổ thông ở các nước tư bản, vay trực tiếp những món tiền lớn
từ công chúng, không qua các ngân hàng. Chỉ trong hai năm, số nợ nần của nhà nước
đã tăng vọt lên gần gấp đôi, từ 15% Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) lên 28%. Số nợ
của các tỉnh, năm 2014 còn nhỏ, không đáng kể, đến giữa năm 2016 đã lên tới
1,000 tỷ đồng nguyên, 140 tỷ đô la. Nhưng khả năng trả nợ thì lại giảm.
Chính quyền
các tỉnh, huyện, cho tới xã trước đây vẫn bán đất công hoặc đất trưng dụng của
dân cho vào công quỹ để dùng trong việc trả nợ. Tới nay, số đất công cạn dần,
chiếm đất tư khó hơn, và giá đất lại giảm, đến kỳ trả nợ sẽ lúng túng. Hơn nữa,
chính sách của Bắc Kinh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Nếu chính quyền trung
ương bắt các tỉnh giảm bớt tín dụng, họ sẽ không biết làm cách nào vay được nợ
mới lấy tiền trả các món nợ cũ!
Tất cả khiến
cho giới đầu tư thế giới lo ngại; và đó là lý do khiến Moody hạ thấp điểm tín dụng
của cả nước. Dù sao, điểm A1 của Bắc Kinh cũng còn cao, ngang với điểm tín dụng
của Nhật Bản hiện nay. Nhưng kinh tế Nhật đã trì trệ trong hai chục năm qua,
trong thời gian kinh tế Trung Quốc vẫn được coi là lên nhanh nhất thế giới. Năm
2015, sản lượng tính theo đầu người của Nhật Bản là 34,524 đô la một năm, còn
người dân Trung Quốc chỉ có 8,069 đô la, theo Ngân hàng Thế giới. Khi điểm tín
dụng của Bắc Kinh xuống, đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế trong lục địa sắp trải
qua nhiều khó khăn.
Từ nhiều năm
qua, giới nghiên cứu đã thấy tình trạng kinh tế của Trung Quốc bây giờ rất giống
như tình trạng Nhật Bản trong thập niên 1990.
Vào đầu thập
niên 1990, hơn 40 năm sau khi bại trận, Nhật Bản đang phồn thịnh đến mức tưởng
như sắp vượt qua kinh tế Mỹ, dù dân số thấp hơn. Kinh tế Nhật Bản đã phát triển
theo một con đường mà sau này Trung Quốc cũng đi theo: Đặt nặng vào đầu tư, nhẹ
về tiêu thụ. Trong một nền kinh tế tư bản như ở Mỹ, hai phần ba số phát triển
hàng năm là do người dân tiêu thụ. Tại Nhật thời 1990 và tại nước Tàu bây giờ,
kinh tế phát triển được một nửa là do đem tiền đổ vào đầu tư.
Một triệu chứng
tại Trung Quốc bây giờ và tại Nhật Bản này xưa, là tình trạng giá nhà đất tăng
vọt, trong khi lợi tức của người dân tăng chậm hơn. Thị trường địa ốc bị lũng
đoạn bởi các người đầu cơ, có lúc giá nhà ở Tokyo tăng 70% một năm. Đến năm
1990, giá nhà đất ở Nhật bắt đầu xuống, kéo dài suốt 15 năm.
Lý do khiến
quả bóng địa ốc Nhật tăng phồng là hệ thống tài chánh lỏng lẻo, việc vay nợ dễ
dàng, giống như ở lục địa Trung Hoa ngày nay. Trước cuộc khủng hoảng năm 2007,
tình trạng cho vay ở nước Mỹ cũng vậy. Khi các ngân hàng cho vay tiền để mua
nhà phá sản, chính phủ đã cứu. Nhưng tiền không cứu được lòng tin. Cho nên kinh
tế Mỹ bắt đầu phục hồi từ năm 2009 nhưng phát triển rất chậm. Còn ở nước Nhật,
cơn suy thoái thập niên 1990 vẫn còn di lụy tới bây giờ. Hệ thống ngân hàng ở
Trung Quốc được thả lỏng và kém minh bạch hơn cả Nhật Bản và Mỹ, với những món
nợ ngầm không chính thức. Từ đầu năm 2017, giá nhà cửa ở Bắc Kinh vẫn lên giá
16%. Lòng tin của dân Trung Hoa sẽ khó vực dậy nếu quả bong bóng vỡ.
Giữa Nhật Bản
trước đây và Trung Quốc bây giờ còn giống nhau một điểm khác: Dân số bắt đầu
khuynh hướng sụt giảm. Trong 15 năm nữa, dân số nước Tàu sẽ lên cao nhất, sau
đó bắt đầu giảm; tới thập niên 2030 thì sẽ giảm rất nhanh. Chính sách “một con”
của Mao Trạch Đông là một nguyên nhân. Những cặp sinh con thứ hai bị phạt nặng,
người dân thường bị cắt tem phiếu, còn nhà đạo diễn Trương Nghệ Mưu (phim Kinh
Kha) bị phạt 7.5 triệu đồng nguyên (bằng triệu rưỡi đô la lúc đó). Khi đổi mới
theo kinh tế tư bản, nhiều gia đình phân ly vì một người đi tìm việc ở thành phố;
năm 2015 số trẻ em mới sinh đã giảm 320,000 so với năm trước. Trung Quốc hiện
có 221 triệu người trên 60 tuổi, tuổi về hưu, chiếm 16% dân số, thêm 2% so với
5 năm trước đây. Lực
lượng lao động đang giảm sút, tỷ lệ gia tăng 1.5% trong 10 năm đầu thế kỷ 21 sẽ
tụt xuống thành số âm, bớt 0.1% mỗi năm trong thập niên 2010-2020.
Nhưng khi so
sánh kinh tế Nhật hồi 1900 với Trung Quốc bây giờ, chúng ta thấy Nhật Bản hồi
xưa có lợi thế hơn nhiều. Trước khi xuống dốc, hàng hóa Nhật đã tràn ngập thế giới với những
chiếc xe Toyota,
Honda hay hàng tiêu thụ mang nhãn hiệu Sony, Panasonic và Nikon. Hiện nay Trung
Quốc chưa có một nhãn hiệu nào có uy tín như thế.
Khi lâm vào cảnh khủng hoảng
thời 1990, đời sống của người dân đã khá
giả không kém gì các nước Âu, Mỹ; trong khi người dân Trung Quốc trung bình
hiện nay vẫn còn sống thiếu tiện nghi, lợi tức bình quân chưa bằng một phần tư
dân Nhật; phải mất 20 năm nữa mới theo kịp Nam Hàn và 40 năm để bằng dân Nhật
Bản.
Khi kinh tế Nhật giảm
tốc,nước Nhật đã sống trong chế độ tự do dân chủ được 40 năm, người dân tin
tưởng chính quyền, người cai trị và người bị trị tin lẫn nhau, cho nên đồng tâm
chịu cảnh thiếu thốn bất ngờ xẩy ra. Dân Trung Quốc hiện đang sôi nổi tranh đấu
đòi quyền sống làm người, chống cường hào ác bá cướp đất cướp ruộng, mỗi năm
hàng trăm ngàn cuộc biểu tình.
Xã hội Nhật ổn định hơn.
Lương bổng người lao động Nhật không thua quá xa lương giới quản đốc đến mức
khiến người ta ghen tị. Còn Trung Quốc, dù người cầm quyền vẫn tự xưng là theo
chủ nghĩa xã hội, hiện đang nhiều tỷ phú đô la nhất thế giới, trong khi 200
triệu công nhân từ quê lên tỉnh vẫn sống trong cảnh bấp bênh.
Công ty thẩm lượng tín dụng
Moody đã đánh một tiếng chuông báo động cho kinh tế Trung Quốc, nhưng chính
quyền Trung Cộng không muốn dân nghe được. Cho nên họ chỉ trích rằng công ty
này “dùng phương pháp sai lầm” hoặc “không hiểu rõ luật lệ” của nước Tàu. Nhưng
sự thật vẫn là sự thật. Hiện nay ông Tập Cận Bình đang cố giữ hình ảnh kinh tế
khả quan, ít nhất tới cuối năm khi đảng Cộng Sản họp đại hội. Nhưng sau đó, nếu
không liệu sớm cải tổ cơ cấu thì kinh tế sẽ còn xuống dốc nữa, đến khi lâm cơn
khủng hoảng như Nhật Bản đã trải qua gần 20 năm trước đây. Lúc đó nước Nhật có
nhiều điều kiện tốt để đứng vững, còn nước Tàu thì chúng ta không biết!