Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

DĐTK sưu tầm: Tình mẫu tử trong tranh Bé Ký

Họa sĩ Bé Ký cùng tác phẩm của mình

Bé Ký là một nữ họa sĩ nổi danh miền Nam Việt Nam từ trước 1975 và ngày nay ở hải ngoại. Khi còn trẻ bà chuyên vẽ tranh về các sinh hoạt đường phố : một xe bán phở, những đứa trẻ đang chơi đùa, cô gái đang chở bạn trên chiếc xe đạp, người bán hàng rong... Khi đứng tuổi bà vẽ nhiều về nhân vật và các sinh hoạt khác, trong đó chủ đề về Mẹ Con là một mảng quan trọng.



Nhà thơ Du Tử Lê đã viết về họa sĩ Bé Ký:

  
Tranh Bé Ký đơn giản, mộc mạc, như tâm hồn chị. Một chấm đen thay cho con mắt. Một vạch cong thay cho niềm vui hay nỗi buồn. Vậy mà, tài tình, lạ lùng xiết bao, ở những nét bút đơn giản kia, không ngừng dấy lên những rung động Việt Nam, rất Việt Nam.

Có dễ chẳng một cuốn sách, một tác phẩm biên khảo nào mô tả chân-dung-tâm-hồn người phụ nữ Việt Nam được như tranh Bé Ký.

Tôi cho tranh Bé Ký là dương bản hồn tính người Mẹ Việt Nam vậy.
Du Tử Lê
Dec, 94

Trong khi đó Hải Dương, con gái của Bé Ký đã viết xuống các cảm nhận trực tiếp tình Mẹ Con giữa
người Mẹ họa sĩ và chính mình như sau:


Trong nấu ăn, để được một món ăn ngon, mẹ tôi có thể dùng nhiều gia vị khác nhau; nhưng khi vẽ, mẹ tôi chỉ cần một thỏi mực tàu và một cây cọ là đã đủ làm bà say sưa sáng tác bất kể ngày đêm. Khi nhìn thấy những tấm tranh mẹ con - chủ điểm trong đề tài sáng tác của mẹ tôi, tôi biết rằng mẹ tôi thương yêu các con vô cùng! Mẹ tôi vạch một đường cong là mắt mẹ nhìn lên, hai chấm đen tròn là mắt con ngước nhìn lại mẹ. Đơn giản vậy thôi nhưng âu yếm biết bao!

 Hải Dương và Mẹ

Để kết thúc, mời độc giả theo dõi một số nhận định của nhà phê bình Thụy Khuê về hội họa của Bé Ký:


Hội họa Bé Ký chỉ thuần nét, bà dùng mực Tàu, ở lối vẽ này cứ hoa tay lên là phải thành, phải đạt, không thể sửa. Trước khi vẽ, người họa sĩ phải xong bức họa rồi. Khi ngọn bút bắt đầu là bức tranh kết thúc. Đây là một quy luật khác thường, vì trong hội họa, trước khi vẽ, có thể họa sĩ chưa biết mình sẽ đi đâu, đường nét và màu sắc sẽ dẫn lối cho họ : cũng như trong văn, ý nọ xọ ý kia, ý trước “đẻ” ra ý sau. Với Bé Ký, sự thể ngược lại. Trước khi vẽ, bức tranh đã phải xong rồi, và đặt bút là kết thúc tác phẩm.