Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

ĐÀM TRUNG PHÁP: NHỮNG THÁNG NGÀY ĐÔN ĐÁO LÀM “GIÁO DỤC TỴ NẠN”


SAN ANTONIO CHỚM XUÂN 1980

Một thiện duyên đến với tôi năm 1980, khi trời vừa vào xuân tại San Antonio, Texas. Lúc ấy thành phố này đang đón nhận khá nhiều dân tỵ nạn Việt, Miên, Lào – gọi chung là “dân tỵ nạn Đông Dương” – qua trung gian của văn phòng USCC là cơ quan định cư lớn nhất cho người tỵ nạn nói chung. Để giúp những gia đình bảo trợ, các giới chức học chánh, cũng như giới chức xã hội địa phương hiểu biết thêm về nếp sống của người tỵ nạn Đông Dương, USCC và Our Lady of the Lake University cùng đứng ra tổ chức một buổi hội thảo về văn hóa Đông Dương vào giữa tháng 3 năm 1980 trong khuôn viên của trường. Tôi là một trong số diễn giả được mời, và trong thành phần tham dự viên có một vị đại diện cho một tổ chức nghiên cứu giáo dục đa văn hóa tại San Antonio mang tên “Intercultural Development Research Association” (IDRA). Sau khi tôi thuyết trình xong về những nét chính yếu của văn hóa và ngôn ngữ Đông Dương và trả lời một số câu hỏi từ các tham dự viên, vị đại diện IDRA đến bắt tay tôi và chúc mừng tôi đã đóng góp một bài nói chuyện hữu ích. Gốc Mỹ Châu La-Tinh với nước da bánh mật, cô Esmeralda rất thân thiện và dễ mến. Cô xin số điện thoại của tôi, và khi chia tay cô tươi cười nói với tôi một câu như nửa đùa nửa thật, “Ông ‘boss’ của tôi mong được gặp ông lắm đấy!” 

Cô Esmeralda không đùa, vì chỉ hai ngày sau buổi hội thảo cô đã gọi điện thoại cho tôi và cho biết ông “boss” của cô gửi lời mời tôi đến gặp ông tại IDRA càng sớm càng tốt. Chúng tôi thỏa thuận ngày giờ cho buổi gặp gỡ với ông ấy, và tôi cảm ơn cô rất nhiều khi chào tạm biệt. Mấy câu điện đàm vắn tắt ấy cho tôi cái linh cảm rằng một chân trời mới sắp mở ra cho nghề nghiệp của tôi.

INTERCULTURAL DEVELOPMENT RESEARCH ASSOCIATION (IDRA)

Trụ sở của IDRA khang trang, chiếm trọn tầng nhất một cao ốc đồ sộ trên đường Callaghan, thành phố San Antonio. Khi bước vào phòng tiếp khách tôi được cô thư ký cho biết TS José Cárdenas, giám đốc điều hành IDRA, sẵn sàng tiếp tôi và cô hướng dẫn tôi vào văn phòng làm việc của ông. Ông là người gốc Mễ Tây Cơ,  khoảng ngũ tuần, vóc giáng bệ vệ, cung cách cư xử trang nghiêm. Sau vài câu xã giao, chúng tôi chia xẻ với nhau về quá trình nghề nghiệp. Ông từng dạy ở Đại Học Texas tại Austin và làm trưởng khoa giáo dục cho Đại Học St Mary tại San Antonio. Tôi cho ông biết tôi chuyên về ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy ESL (English as a second language) tại Đại Học Georgetown và đã dạy tiếng Anh nhiều năm tại Saigon. Ông hân hoan ra mặt khi tôi bất chợt chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ của ông.

Sau mấy phút làm quen đó, TS Cárdenas cởi mở hơn nhiều. Ông cho biết IDRA vừa được Bộ Giáo Dục liên bang cấp thêm một ngân khoản lớn để giúp đỡ các khu học chánh trong Vùng VI của Bộ Giáo Dục (bao gồm các tiểu bang Texas, Louisiana, Arkansas, New Mexico, và Oklahoma) cải thiện việc dạy dỗ các học sinh chưa thông thạo tiếng Anh, mà đại đa số thuộc sắc tộc Mỹ Châu La-Tinh. Vì nay có thêm cả hàng chục ngàn học sinh tỵ nạn gốc Đông Dương trong các tiểu bang vừa kể, từ mấy tháng qua ông và các cộng sự viên vẫn ráng sức tìm kiếm một “chuyên viên giáo dục gốc Đông Dương” để mời hợp tác. Ông nói cô Esmeralda nghĩ rằng tôi có khả năng và kinh nghiệm để làm việc với IDRA, căn cứ vào những điều cô đã tai nghe mắt thấy trong buổi thuyết trình của tôi hai hôm về trước! Tôi cảm ơn ông đã có nhã ý mời tôi đến gặp ông, và cho ông biết tôi sẽ có quyết định sau khi tìm hiểu trách nhiệm của công việc mà tôi cho là tối cần thiết cho các học sinh tỵ nạn gốc Việt, Miên, Lào này.
Ông cho biết công việc của một “chuyên viên giáo dục” (education specialist) tại IDRA đòi hỏi mỗi tuần phải bay đến ít nhất là một thành phố trong năm tiểu bang của Vùng VI để trực tiếp giúp đỡ các bộ giáo dục tiểu bang, các khu học chánh trong các lãnh vực huấn luyện giáo chức về phương pháp giảng dậy song ngữ (bilingual) hoặc ESL, lựa chọn tài liệu giảng huấn cho các trường học, và cố vấn cho họ về nếp đa dạng văn hóa (cultural diversity) trong học đường Mỹ. Các chuyên viên cũng có cơ hội giúp những đại học trong vùng cải tiến chương trình đào tạo giáo chức song ngữ và ESL. Ngừng một lát, ông hỏi tôi nghĩ sao về những trách nhiệm này. Tôi nói công việc này “thú vị” lắm, nhưng tôi sẽ phải ráng làm quen với lối sống xa nhà mỗi tuần!

Sau khi thỏa thuận về trách nhiệm và lợi nhuận, tôi xin ông hai tuần để lo xong công việc dở dang tại hãng Northrop. Cuộc “job interview” ngắn ngủi đã xong, ông  dẫn tôi đi thăm các phòng sở, giới thiệu tôi với các đồng nghiệp mới của tôi. IDRA là một tổ chức khá lớn, với trên 30 chuyên viên giáo dục. Vì IDRA được thành lập với sứ mệnh bảo đảm một nền giáo dục hữu hiệu cho các học trò gốc Mỹ Châu La-Tinh, đại đa số các chuyên viên đều thuộc sắc tộc này. Thiểu số còn lại là 2 người da trắng, 2 người da đen, và tôi là người da vàng duy nhất. Người nào tôi gặp cũng thân thiện và cởi mở với tôi. Sáng hôm ấy tôi không gặp được tất cả mọi người, vì nhiều người phải đi công tác xa, kể cả cô Esmeralda là người tôi rất muốn gặp lại để cảm ơn cô đã nói tốt về tôi. Vị giám đốc chương trình của tôi là TS Gloria Zamora, một phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười hiền hậu và giọng nói ngọt ngào. Bà lúc ấy đã ngoại tứ tuần, từng dạy đại học nhiều năm và nay là cánh tay phải của TS Cárdenas. Tôi cũng được biết từ năm 1973 là lúc TS Cárdenas sáng lập IDRA, ông đã biến tổ chức này thành một “think tank” chuyên về giáo dục song ngữ (bilingual education) được các khu học chánh và các đại học Mỹ trong vùng trọng vọng. Vì IDRA là một cơ sở nghiên cứu giáo dục, TS Zamora mong đợi tôi sẽ đóng góp vào nỗ lực nghiên cứu trong những ngày tháng sắp tới. Tôi hứa hẹn sẽ đóng góp trong khả năng chuyên môn của tôi.

THỜI CỰC THỊNH CHO GIÁO DỤC SONG NGỮ

Thời điểm ấy nằm trong giai đoạn cực thịnh của nền giáo dục song ngữ cho các học trò gốc Mỹ Châu La-Tinh không hoặc chưa thông thạo tiếng Anh (gọi tập thể là “limited-English-proficient students”). Và “giáo dục song ngữ” thường được hiểu là phương thức sư phạm dùng cả tiếng Tây Ban Nha lẫn tiếng Anh để dạy các em trong các trường tiểu học, từ mẫu giáo đến lớp 6. Trong ba năm đầu tiểu học, các em đó được dạy hầu hết mọi môn bằng tiếng Tây Ban Nha, rồi dần dần tiếng Anh được đưa vào học trình càng lúc càng nhiều trong những năm cuối tiểu học, để khi lên các lớp 7 và lớp 8 (middle school) các em sẽ có thể hoàn toàn theo học bằng tiếng Anh.

Điều đáng ngạc nhiên là thời kỳ cực thịnh này cho các học trò gốc Mỹ Châu La-Tinh là do hậu quả của một vụ kiện Khu Học Chánh San Francisco lên đến tận Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vào năm 1974 bởi một gia đình Mỹ gốc … Quảng Đông! Lý do để kiện: Các trẻ em gốc Quảng Đông đã không học hành được gì cả “vì chúng không biết tiếng Anh.” Khu Học Chánh San Francisco đã không có một trợ giúp nào đặc biệt cho chúng, như Đạo Luật Dân Quyền 1964 (Civil Rights Act of 1964) đòi hỏi. Tối Cao Pháp Viện phán quyết Khu Học Chánh San Francisco đã “phạm lỗi kỳ thị” đối với các trẻ em ấy và phải chấn chỉnh lại ngay lề lối làm việc vô trách nhiệm. Vụ kiện ấy (mang tên “Lau v. Nichols”) là một khúc quanh quan trọng trong lịch sử giáo dục nước Mỹ. Chính phủ liên bang sau đó đã bỏ ra những ngân khoản lớn lao để giúp các cơ sở giáo dục thăng tiến việc giảng dạy các học trò chưa thạo tiếng Anh càng ngày càng gia tăng trong học đường Mỹ. Cũng nhờ đó mà các chương trình cử nhân và hậu cử nhân đào tạo giáo chức song ngữ tưng bừng khai trương tại các đại học Mỹ.  Sinh viên trong các chương trình này được cấp học bổng trong suốt thời gian theo học.

Hôm nhận việc tại IDRA, tôi ghé văn phòng TS Zamora trước tiên. Bà vui lắm và tiếp tôi như một người bạn đã quen từ lâu. Bà nói về tổ chức nội bộ, giải thích kỹ càng mọi nhiệm vụ tôi sẽ phải làm, và chia xẻ với tôi những kinh nghiệm của bà đã làm việc nhiều năm với các bộ giáo dục tiểu bang, các khu học chánh. Về lối làm việc, IDRA giống như một đại gia đình, trong đó “teamwork” là tôn chỉ tuyệt đối. Về khả năng chuyên môn, cơ sở này được coi là một “think tank” cho giáo dục song ngữ, với các chuyên viên có học vị cao, thành tích nghiên cứu đáng kể, và kinh nghiệm dạy học. Trên đường dẫn tôi đến văn phòng mà bà vừa thu xếp cho tôi, bà yêu cầu từ nay tôi gọi bà là “Gloria,” gọi TS Cárdenas là “José,” và họ sẽ gọi tôi là “Pháp” cho thân mật hơn “vì chúng ta là gia đình mà” – một lối nói thân thương của người Mỹ Châu La-Tinh, “porque somos familia.” Tôi rất cảm kích với câu nói ấm lòng ấy của Gloria.

Như diều gặp gió, tôi làm việc hăng say trong thời gian một năm rưỡi trời tại IDRA, với sự giúp đỡ, hướng dẫn, và khích lệ tận tình của Gloria và José. Tuần nào tôi cũng bay đi làm việc một hay hai ngày tại các thành phố lớn trong Vùng VI như Houston, Dallas, Austin, Oklahoma City, New Orleans, Baton Rouge, Little Rock, theo lời yêu cầu của các bộ giáo dục tiểu bang hoặc các khu học chánh sở tại.  Công việc chính trong các chuyến đi ấy là làm thuyết trình về các đề tài họ yêu cầu trước (thường thường là về văn hóa, phong tục, giáo dục, và ngôn ngữ Việt), hoặc huấn luyện giáo chức cho họ qua các buổi biểu diễn các “chiến lược hữu hiệu” (effective strategies) để dạy tiếng Anh cho các học trò ngoại quốc chưa thạo tiếng Anh. Con số tham dự viên biến thiên từ hàng chục đến hàng trăm người. Nơi thuyết trình có thể là một auditorium của một trường trung học, một phòng họp của bộ giáo dục tiểu bang, hoặc một conference room ở một khách sạn nào đó. Tôi mau chóng trở thành một trong các chuyên viên giáo dục “đắt khách” của IDRA. José và Gloria đều hân hoan chia xẻ với tôi mỗi khi các bộ giáo dục tiểu bang hoặc các khu học chánh gọi điện thoại cảm ơn IDRA và mời tôi trở lại giúp họ thêm.

Những ngày không đi công tác, tôi vào văn phòng để chuẩn bị hoặc duyệt lại các tài liệu chuyên môn. Đó cũng là lúc tôi đóng góp cho bản tin hàng tháng của IDRA, mở đầu bằng bài tôi thuyết trình trong buổi hội thảo do USCC tổ chức tại Our Lady of the Lake University, được hiệu đính lại cẩn thận, mang tựa đề “The Indochinese Refugees’ Cultural Backgrounds.” Qua hệ thống phổ biến rộng rãi của IDRA, bài viết này đã được chia xẻ với nhiều cơ sở giáo dục toàn quốc. 

HAI TÀI LIỆU SƯ PHẠM SOẠN CHO CHỨC LOUISIANA VÀ TEXAS

Một hôm José cho tôi hay Bộ Giáo Dục Tiểu Bang Louisiana vừa yêu cầu IDRA soạn thảo một cuốn sách nói về những lỗi (errors) đặc thù thông thường nhất của học trò gốc Việt Nam khi học tiếng Anh. Mục đích của cuốn sách là để giúp các thầy cô dạy ESL tại Louisiana biết trước những loại lỗi này và do đó tìm ra cách giúp học trò Việt Nam tránh chúng một cách hữu hiệu hơn. Vui thay, đó là lời yêu cầu tôi sẵn sàng đáp ứng nhất mà chẳng cần sửa soạn thêm gì nhiều, vì tôi đã bỏ ra nhiều thì giờ tìm hiểu về lãnh vực này trong những năm dạy tiếng Anh ở quê nhà. Tôi từng để ý nhận ra, ghi xuống, và xếp loại được khá nhiều lỗi về phát âm và ngữ pháp tiếng Anh mà các học trò của tôi thường vấp phải. Chẳng hạn như về phát âm thì các em có khuynh hướng thay thế âm “th” trong tiếng Anh (như trong chữ “thin”) bằng âm “th” trong tiếng Việt (như trong chữ “thìn”). Và khi viết một câu phức tạp (complex sentence) tiếng Anh mở đầu với mệnh đề phụ (subordinate clause) bắt đầu bằng liên từ “although” (Although he is very smart,), các em có khuynh hướng dùng thừa liên từ “but” trong mệnh đề chính theo sau (Although he is very smart, but he is not arrogant), như thể các em đã dùng cú pháp Việt để viết tiếng Anh vậy (Mặc dù anh ta rất thông minh, nhưng anh ta không kiêu căng). Tôi cũng tìm cách lý giải những lỗi ấy qua lăng kính “phân tích tương phản” (để vạch ra sự khác biệt giữa cấu trúc tiếng Việt và cấu trúc tiếng Anh và tiên đoán những lỗi có thể xảy ra vì sự khác biệt cấu trúc) và lăng kính “phân tích lỗi” (để xem những lỗi mà học trò thực sự đã phạm là do sự khác biệt nói trên hay một lý do nào khác chăng). Hai lối phân tích thú vị này, gọi là “contrastive analysis” và “error analysis” trong danh từ chuyên môn, thuộc phạm trù môn “ngữ học áp dụng” (applied linguistics) không xa lạ gì với tôi.

Vì đã quá quen thuộc với các lỗi về phát âm và cú pháp tiếng Anh của học trò Việt, tôi mau chóng hoàn tất bản thảo cuốn sách được yêu cầu, trong đó tôi xếp loại các lỗi và đề nghị cách giúp học trò Việt vượt qua những loại lỗi tiếng Anh đó. José và Gloria đề nghị tôi nới rộng nội dung bản thảo ấy ra để bao gồm luôn hai ngôn ngữ Đông Dương khác nữa là tiếng Miên và tiếng Lào để cuốn sách tăng phần hữu dụng.  Họ cũng chấp thuận một ngân khoản để trả thù lao cho hai nhà giáo tỵ nạn gốc Miên và Lào đóng vai “informants” cung cấp cho tôi những dữ kiện cần thiết. Tôi rất ngạc nhiên khi được hai vị này cho biết là chính họ cũng mắc phải đại đa số những lỗi tiếng Anh mà người Việt mắc phải! Sự hợp tác sốt sắng của họ rất đáng quý và đã cung cấp cho tôi những điều tôi mong muốn được biết.

Cuốn sách “A Contrastive Approach for Teaching English as a Second Language to Indochinese Students” do tôi soạn thảo được IDRA xuất bản vào cuối mùa hè 1980 và được đón nhận nồng nhiệt. Đây là một niềm vui lớn cho tôi về cả hai phương diện tinh thần và vật chất, và tôi mang ơn José rất nhiều. Ông không những đã viết lời mở đầu trang trọng cho cuốn sách mà sau đó còn cho tôi hưởng trọn tiền lời cuốn sách, lớn hơn cả một tháng lương của tôi! Đó là một phần thưởng quá đặc biệt mà tôi chẳng hề mong đợi. 

Đền đáp thịnh tình của José, đầu năm 1981 tôi soạn xong cẩm nang “A Manual for Teachers of Indochinese Students” để IDRA phát hành, với tất cả tiền lời tặng vào quỹ điều hành IDRA. Cuốn cẩm nang này được soạn thảo theo lời yêu cầu của Khu Học Chánh Houston, Texas.

Nhờ vào “hào quang” của IDRA, tôi được sự tín nhiệm của các đại học trong vùng đang cố gắng cải tiến chương trình đào tạo giáo chức song ngữ và ESL. Vì vậy, dù bận rộn với công việc chính, tôi cũng đã thu xếp thì giờ để phụ trách lớp “ngữ học giáo dục” và lớp “giáo dục đa văn hóa” theo lời mời lần lượt của Đại Học Our Lady of the Lake tại San Antonio và Đại Học Texas tại Austin trong niên học 1980-1981.

KEYNOTE SPEAKER TẠI DISD

Giữa tháng sáu 1981, Dallas Independent School District (DISD) yêu cầu IDRA gửi tôi đến làm “diễn giả chủ đề” (keynote speaker) khai mạc một khóa tu nghiệp cho toàn thể giáo chức ESL trong khu học chánh. Vị đại diện DISD nồng nhiệt giới thiệu tôi với khoảng 500 nhà giáo ngồi kín một hội trường. Mục đích bài nói chuyện là để kể lại kinh nghiệm học tiếng Anh theo “phương pháp văn phạm và phiên dịch” (grammar-translation method) của tôi hồi trung học ở Saigon, tức là một phương pháp không chú trọng đến đàm thoại chút nào. Cử tọa chăm chú nghe tôi nói về những khó khăn, những hiểu lầm khá bối rối của tôi khi phải vật lộn với “Anh ng đàm thoại” (spoken English) cũng như với “Anh ngữ hàn lâm” (academic English) lúc mới qua Mỹ du học. Họ vỗ tay nhiệt liệt khi tôi đề nghị những điều thiết thực cần phải chú trọng khi dạy ESL để các học trò ở DISD ngày nay sẽ không phải “khổ” như tôi thời ấy.

GIÃ BIỆT IDRA CUỐI HÈ 1981

Có ngờ đâu bài nói chuyện chủ đề thành công sáng hôm đó tại Dallas cũng đánh dấu một khúc quanh nữa trong đời nghề nghiệp của tôi. Chỉ ba ngày sau đó tôi được ông giám đốc nhân viên – thay mặt ông General Superintendent của DISD – gọi điện thoại mời tôi làm “administrator” cho chương trình ESL đang bành trướng mạnh. Bối rối với cái “job offer” quá bất chợt từ Dallas, tôi vội cảm ơn và hứa sẽ gọi lại ông, sau khi thảo luận việc này với gia đình.

Đó là một quyết định khó khăn cho một người giàu tình cảm và trọng ân nghĩa như tôi. Thực vậy, IDRA là nơi làm việc lý tưởng cho tôi, với José và Gloria là hai nhà giáo khả kính đã tận tụy suốt đời với sứ mệnh cao cả là bênh vực quyền lợi giáo dục cho hàng trăm ngàn học trò gốc Mỹ Châu La-Tinh tại Texas và các tiểu bang lân cận. Nhưng đã tới lúc tôi “phải chia tay” với IDRA, vì tôi đã thấm mệt và ngán ngẩm khi nghĩ đến những phi trường, những khách sạn, những ngày xa gia đình, sau 18 tháng trời bay nhảy phục vụ giáo dục tỵ nạn Đông Dương.

Khi viết những dòng chữ này tôi còn nhớ như in nét mặt đầy thất vọng của Tiến sĩ José Cárdenas – một ân nhân của tôi nay không còn nữa – khi tôi ghé văn phòng ông để nói lời giã biệt đúng 37 năm về trước.

ĐÀM TRUNG PHÁP
Chớm xuân 2017                                                                                                                        California