Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017
Ngô Nhân Dụng: Dân Biểu Steve King là thiểu số
Dân Biểu
Steve King đã báo động người Mỹ: “Chúng ta không thể xây dựng lại văn minh với
con cháu của những người khác.” Ý ông nói rằng nền văn minh của Tây phương, của
nước Mỹ nói riêng không thể “phục hồi” với con cháu của các di dân không phải
người da trắng.
Năm ngoái,
ông King đã nói rõ ý ông hơn trong một cuộc hội thảo. Ông đặt câu hỏi, “…trở lại
suốt dòng lịch sử, thử tìm coi những sắc dân khác đã đóng góp được gì hơn… cho
nền văn minh?” Người ta đặt câu hỏi: “Hơn người da trắng?” Ông giải thích thêm,
“hơn văn minh Tây phương.” Nền văn minh đó mọc lên từ Tây Âu, Ðông Âu và Hoa Kỳ,
và những nơi có Thiên Chúa Giáo.
Vấn đề chủng
tộc và màu da nào đóng góp cho văn minh nhân loại vượt ra ngoài giới hạn của bài
bình luận này. Một điều hiển nhiên là các nước Tây phương đã phát triển nhanh
hơn các vùng khác trên trái đất trong vòng ba thế kỷ vừa qua, tiến bộ về kinh tế,
khoa học, kỹ thuật cũng như trong các định chế chính trị, xã hội. Nhưng trong lịch
sử loài người cả trăm ngàn năm kể từ khi bắt đầu dùng tiếng nói, hoặc hơn 3,200
năm kể từ khi biết dùng chữ viết ở Ai Cập, vùng Lưỡng Hà (Iraq bây giờ) và
Mexico, thì ba thế kỷ là thời gian khá ngắn. Tất cả hệ thống con số đang dùng
trên thế giới là do người Ấn Ðộ sáng chế; đóng góp “vĩ đại” nhất của họ là đặt
ra “số không,” mà hệ thống con số của các nơi khác không hề có. Vào thế kỷ 11,
một người Ý ở Venizia thấy các thương gia Á Rập dùng cách ghi sổ sách của họ,
đã tìm học rồi viết sách dạy người Châu Âu, nhưng cũng mất cả thế kỷ mới được
chấp nhận. Trong thời gian đó, người Á Rập đã đóng góp cho khoa học, triết học,
y học và khoa học xã hội nhiều hơn Châu Âu. Thử tưởng tượng nếu người Châu Âu
nay vẫn dùng số La Mã thì toán học có thể tiến được như chúng ta thấy, và có thể
sáng chế ra máy vi tính hoặc iPhone hay không? Về định chế xã hội, đến thế kỷ
16, nhiều nhà truyền giáo Châu Âu còn tỏ ý thán phục nền văn minh Trung Hoa, có
người nêu giả thuyết rằng Thiên Chúa đã tới miền đất này từ trước lâu rồi. Các
nền văn minh phương Ðông và Hồi Giáo đã chậm tiến, thụt lùi so với Tây phương
vì tinh thần bảo thủ và chính trị, xã hội độc tài xơ cứng, nhất là trong hai thế
kỷ vừa qua. Chúng ta công nhận văn minh Tây phương đã giúp loài người thoát khỏi
cảnh nghèo đói và dốt nát!
Nhưng hiện tượng đó có thể biện minh cho ý kiến đề cao chủng tộc và chủ trương
hạn chế di dân hay không?
Tình trạng
tiến bộ của Nhật Bản cho thấy khi có cơ hội thì người da vàng cũng đủ trí thông
minh để phát triển không khác gì người da trắng. Người Nhật đã học sớm, học
nhanh văn minh Châu Âu, trong khi vẫn giữ nhiều định chế cổ truyền của xã hội Á
Ðông. Nghĩa là chủng tộc, màu da và truyền thống văn hóa của các sắc dân khác
cũng có thể không thua kém người da trắng, khi họ được “giải phóng,” rũ bỏ những
chế độ chính trị kìm kẹp không cho con người tự do phát triển.
Ðiều này thấy
rõ rệt nhất khi nhìn vào sự thành công của các di dân từ Châu Á, Châu Phi,
Trung Ðông tới nước Mỹ.
Trong số những
công ty thành công thuộc ngành kỹ thuật cao, 60% là do các di dân hoặc con cháu
của họ tạo nên. Nổi bật là những nhãn hiệu lừng danh như Google, Apple, eBay.
Ông Steve Jobs, nhà sáng chế đầu tầu của Apple, là con của một di dân người
Syria, theo Hồi Giáo. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh trên vẫn là một thiểu số.
Các công dân Mỹ, cũng như ở các quốc gia Châu Âu khác, lo ngại rằng di dân đến
nước họ có thể khiến người dân bản xứ bị thiệt hại. Ðây là một vấn đề cần nhìn
rõ.
Những người
chống di dân thường nêu lên các lý do kinh tế, một là di dân sẽ tranh công việc
làm của người bản xứ khi chấp nhận lương thấp hơn. Nếu không làm họ mất việc
thì di dân cũng khiến đồng lương của người bản xứ giảm xuống vì bị cạnh tranh
trong thị trường lao động. Ngoài ra, người ta lo các di dân mới sử dụng các dịch
vụ chung như nhà thương, trường học, bảo vệ an ninh, vân vân, hơn người bản xứ
khiến mọi người được hưởng ít hơn.
Những vấn đề
trên đã được nhiều chuyên gia kinh tế, xã hội nghiên cứu trong nhiều năm qua.
Chúng ta có thể thấy rằng công chúng thường nhìn sai lạc, nhấn mạnh vào những
thiệt hại của dân bản xứ và không nhìn nhận những ích lợi chung cho cả xã hội
mà các di dân đem lại. Lý do chính gây ra cách nhìn sai lạc này là những lợi
ích thường được chia cho nhiều người hưởng, khó nhìn thấy, trong khi những thiệt
hại thường xảy ra cho một số người, được tập trung cho nên dễ thấy hơn. Những
người bị thiệt hại phải lên tiếng mạnh mẽ chống di dân, và ai cũng nghe thấy.
Còn đại đa số được lợi thì có thể chính họ cũng không nhận ra vì lợi ích tương
đối nhỏ khi đem chia cho nhiều người.
Thí dụ về
thiệt hại là di dân có thể khiến một số người mất việc, đó là một thiệt hại rất
lớn. Nhưng khi các di dân tăng số tiêu thụ thì những xí nghiệp và công nhân
trong xã hội đều được lợi, nhưng họ không trông thấy.
Nhưng thường
thì các di dân không tranh giành việc làm của người bản xứ mà cạnh tranh nhiều
nhất với các di dân khác. Nhờ lực lượng lao động gia tăng và cạnh tranh gắt
gao, lương bổng và giá cả không tăng, mọi người tiêu thụ đều được lợi. Một điều
dễ thấy là các di dân thường tập trung sống ở những nơi đang có nhiều di dân,
và họ sẵn sàng di động tới những thành phố sẵn việc làm mới; trong khi người bản
xứ, nhất là người lớn tuổi thường không thích thay đổi chỗ ở. Nếu không có di
dân cung cấp sức lao động, nhiều xí nghiệp mới khó phát triển, cả xã hội tiến
chậm hơn.
Các nước Tây
phương và Nhật Bản đều đang gặp vấn đề số người già ngày càng tăng lên, nhanh
hơn số người trẻ. Di dân thường trẻ tuổi, họ sẽ làm việc và đóng thuế để dùng
cho các dịch vụ xã hội như y tế, nhà dưỡng lão, trong khi lớp người bản xứ già
đang tăng thì không còn làm việc, không đóng thuế nữa. Khi nhìn thấy điều này
thì hiện tượng di dân sanh nhiều con là một điều may mắn. Những đứa trẻ đó lớn
lên sẽ làm việc và đóng thuế. Các di dân tới Mỹ khi còn trẻ, họ không dùng nhà
thương nhiều. Phần lớn họ cũng trên tuổi đi học, không sử dụng nhà trường.
Trong khi đó họ vẫn đóng thuế an sinh xã hội, nuôi các cơ sở cung cấp dịch vụ
cho mọi người.
Các cuộc
nghiên cứu cũng thấy rằng các tội trộm cướp tài sản do các di dân phạm có tỷ lệ
không cao bằng trong số người bản xứ. Ða số các di dân chỉ chăm lo làm việc để
xây dựng tương lai cho con cháu họ.
Một điều hay
được những người chống di dân và chống việc tiếp nhận người tỵ nạn nêu ra, là
các hành động khủng bố của “di dân.” Thực ra hệ thống tuyển chọn di dân của nước
Mỹ khá gắt gao, không lỏng lẻo như tiếng đồn. Kể từ ngày 11 Tháng Chín (9/11)
năm 2001, trong số các vụ khủng bố làm chết người do người ngoại quốc gây ra,
thì chỉ có 1% các thủ phạm là di dân; còn 99% đến nước Mỹ với chiếu khán (visa)
du lịch hoặc du học.
Một dân tộc
rất “kỵ” người ngoại quốc là Nhật Bản, ngày nay cũng đang thay đổi. Người Nhật
có một nếp sống đặc biệt trật tự, kỷ luật rất đáng quý, họ thấy người nước khác
hoàn toàn khác hẳn nên e ngại, nhưng hiện nay cũng chấp nhận nước họ có nhu cầu
tăng số di dân. Nước Mỹ vốn do các di dân thành lập, và hiện nay vẫn là nơi thu
hút các di dân từ nước khác đến. Ða số các sinh viên du học vào Mỹ rồi muốn ở lại,
đóng góp chất xám cho nền kinh tế và văn hóa Mỹ.
Trên mặt văn
hóa, di dân thường sẵn sàng hội nhập vào đời sống Mỹ, thu nhận các yếu tố tích
cực nhất của một xã hội tự do dân chủ, đồng thời đóng góp qua những truyền thống
văn hóa mà họ mang tới. Trong số những nhà văn Mỹ được chọn vòng chung kết ba
người của giải Pulitzer từ năm 2000 đến nay, có những nhà văn đến từ nhiều nước
như Jhumpa Lahiri vốn là di dân từ Ấn Ðộ, Susan Choi gốc Ðại Hàn, Ha Kin người
Trung Hoa, Junot Díaz sinh ở San Domingo, Daniyal Mueenuddin gốc Pakistan,
Laila Lalami người Maroc và Viet Thanh Nguyen, một di dân tỵ nạn người Việt
Nam.
Người Mỹ vẫn
tự hào rằng dân tộc họ là một “trường hợp đặc biệt” trong cộng đồng nhân loại.
Một đặc điểm là một quốc gia này do di dân thành lập và đón nhận di dân nồng
nhiệt nhất. Cho nên, những mối lo âu do Dân Biểu Steve King nêu lên chỉ thể hiện
tâm lý một thiểu số trong nước Mỹ. Thực ra con người thường “sợ người lạ,” dân
nước nào cũng vậy. Nhưng khi đã quen biết nhau rồi thì mối lo sợ đó sẽ tan dần.
Nước Mỹ là nơi thí nghiệm cho cả nhân loại để chuẩn bị tương lai, khi loài người
hiểu rõ nhau hơn và tương thân tương ái hơn. Lúc đó, biên giới giữa các quốc
gia, các chủng tộc sẽ biến đi dần dần.