Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017
BBC: Dưới áp lực nhiều doanh nghiệp dừng quảng cáo trên YouTube
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image
caption YouTube
bị xử phạt ở Việt Nam vì đăng quảng cáo mà "chưa làm thủ tục
thông báo"
Một số doanh nghiệp đã tạm
ngừng quảng cáo trên YouTube sau khi chính phủ Việt Nam gây áp lực nhằm ngăn
chặn các clip "có nội dung xấu" trên kênh này.
Hãng tin Anh Reuters nói từ
tháng trước, Việt Nam thực hiện chiến lược mới để gây sức ép với các doanh nghiệp
hoạt động trong nước, đồng thời với hãng Google Inc., chủ sở hữu của YouTube,
để họ phải gỡ bỏ những clip có nội dung chỉ trích chính phủ.
Hôm 24/2, Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) theo đó
"các nội dung xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các
clip đăng tải trên trang YouTube như phản ánh cần được Bộ Thông tin và Truyền
thông ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời."
Tuy nhiên, nhiều video trên
YouTube được đưa lên ở nước ngoài, ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam.
Trong tháng Hai, Bộ Thông
tin và Truyền thông phát hiện 17 video YouTube có nội dung mà bộ này nói là
"xuyên tạc lịch sử, gây thù hận dân tộc hay khiêu dâm" do đó bất hợp
pháp ở Việt Nam.
Tuần trước, cũng bộ này nói
sẽ xử phạt các công ty có quảng cáo xuất hiện trên những video YouTube có nội
dung "không phù hợp".
Đến nay YouTube đã gỡ bỏ 16
video theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, hãng Reuters cho hay.
Một thông cáo của YouTube viết:
"Chúng tôi có những chính sách rõ ràng đối với yêu cầu gỡ bỏ video của các
chính phủ trên toàn thế giới. Chúng tôi dựa vào các chính phủ để thông báo cho
chúng tôi những nội dung mà họ cho là bất hợp pháp bằng thủ tục chính thức. Nếu
thấy hợp lý, chúng tôi sẽ hạn chế những nội dung này sau khi xem xét kỹ
càng."
Các thương hiệu lớn có liên
lụy
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó
cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nhiều
thương hiệu lớn tại Việt Nam đang chạy quảng cáo trên những video "có nội
dung phản cảm bạo lực, tuyên truyền thông tin lệch lạc trên YouTube", báo
Tri thức trẻ đưa tin.
Nhiều thương hiệu quốc tế có
liên lụy như Unilever, Samsung, Procter & Gamble và Yamaha Motor.
Một số doanh nghiệp Việt Nam
lớn như Vietnam Airlines và Vinamilk quyết định sẽ tạm đình chỉ hợp đồng quảng
cáo với YouTube, được thực hiện qua các cơ quan truyền thông trung gian, báo
chí Việt Nam đưa tin.
Trong một văn bản gửi gửi Bộ
Thông tin và Truyền thông ngày 1/3, Vinamilk nói công ty này sẽ tạm đình chỉ
các kế hoạch quảng cáo trên YouTube cho đến khi đối tác truyền thông và YouTube
đảm bảo "tuân thủ hoàn toàn pháp luật Việt Nam".
Các quảng cáo trên YouTube
được một hệ thống máy tính chọn để hướng vào nhóm khán giả mục tiêu. Các công
ty đăng quảng cáo thường không biết hoặc không có kiểm soát trực tiếp về những
video clip mà các quảng cáo xuất hiện kèm.
Thiệt hại cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành,
Giám đốc Điều hành của hãng marketing Isobar ở Việt Nam trao đổi với BBC:
"Về mặt thương hiệu mà nói, các thương hiệu cũng không muốn xuất hiện trước
những nội dung mang tính tiêu cực."
"Có những mẹo trong quảng
cáo để mình hoàn toàn có thể target [nhắm vào] các chuyên mục giáo dục hay giải
trí không có liên quan đến chính trị. "
Tuy nhiên, ông Thành cho biết
việc quảng cáo trên YouTube cũng có rủi ro vì những người upload video có thể
chọn một chuyên mục không đúng với nội dung của clip đó.
"Ở Việt Nam, Google với
Facebook chiếm hơn 70% thị phần. Số lượng người dùng hai kênh này là rất lớn. Nếu
không chạy được quảng cáo trên một hoặc hai kênh này, thì doanh nghiệp sẽ mất
đi một kênh rất là hiệu quả."
Ngoài ra, theo ông Thành,
hình thức quảng cáo trên YouTube hay Facebook không có giới hạn chi phí tối thiểu
ban đầu. Vì vậy đây là những kênh quảng cáo rất phù hợp cho các doanh nghiệp vừa
và nhỏ, siêu nhỏ hay doanh nghiệp kinh doanh hộ cá thể.