Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Võ Phiến: EM ĐÂY


Nhà văn Trà Sơn, buổi sáng, đi bộ hai
block, bỏ ra một đồng quarter mua tờ báo, mở ra soạn lấy những phần thể thao, quảng cáo v.v... vất vào thùng rác gần đấy, rồi cầm báo về. Giữa đường, chợt có ai khều nhẹ. Ông thầm hỏi:
- Ai?
- Em.
a, “em”? Em nào vậy cà? Ông nghĩ ngợi:
Ai vậy?
Có tiếng cười trong trẻo:
“Nắng vàng trên ngọn lá
Hồn ta mênh mông xanh”...
Ông Trà Sơn đỏ mặt. Ông nhớ. Em ấy, ông nhớ rồi. Nhà văn Trà Sơn thật ra làm thơ nhiều hơn viết văn. Thứ năm tuần trước, cũng buổi sáng, chính chỗ ngả tư này ông đã nảy ra một tứ thơ, ông phác sơ qua vài câu rồi về nhà, mãi xem báo, ông tạm bỏ đấy... Bây giờ ông ngượng như một k thất hẹn:
Thư thả nào!

Vâng ạ.
Trong cái giọng trong trẻo có một sự nghịch ngợm. 
... Đọc xong mây trang báo, ông gạt ra một bên, lấy cặp kính cận xuống, lau qua. Bỗng có tiếng thổi lọt vào tai:
Lại quên nhau rồi!
Ông lớ ngớ:
Cái gì? Ai đấy?
Biết mà. Tháng trước, một hôm vào khoảng nửa đêm...
Hả? Ai đấy?
Em... Gần mười hai giờ đêm, ông nằm trên giường đọc tập Ai lên xứ Lạng của Khải Viễn Xứ, tới đoạn nọ ông chồm dậy, quơ tìm cây bút, ghi vội ghi vàng lên rìa sách... Nhớ chưa? Em đấy...
Thì vẫn nhớ đấy. (Ông đáp nho nhỏ, gần như ấp úng.)
Em biết ông nhớ.
Nhà văn Trà Sơn chống chế yếu ớt:
Nhớ mà. Có quên đâu.
Hôm ấy ông cứ cuống quít lên, tưởng đâu ngay sáng hôm sau sẽ hăm hở bắt tay lin...
Nhà văn như van vỉ:
Vâng, vâng... Thì lần này... không chậm trễ đâu...
Tiếng cười bên tai nghe cứ khanh khách. 
... Cái hình treo phòng khách vậy mà chệch lúc nào không hay. Tấm hình phía sau mặt kính nhả băng keo, trụt thấp một bên. Ông hạ nó xuống, mở ra, dán lại tấm hình, lau bụi tấm kính... Loay hoay một lúc đâm mệt. Treo lại khung hình trên vách, ông tìm bình trà, ngồi uống một tách. Có ai giật tay ông Trà Sơn khe khẽ.
Hừm.
Em đây mà.
Ông hơi bực dọc:
Em này ở đâu ra?
Giọng mơn man:
Ông đừng gắt với em, có được không?
Ông phì cười. Lại cái giọng mơn man:
Tính ông nóng nảy, em biết mà. Em biết ngay từ hôm đó, hôm ở Santa Monica shopping center...
Hả?
Hôm đó ông cùng đi với bà, bà vào khu Robinson’s chọn mua hàng, ông ngồi thẩn thơ ngoài hành lang. Thình lình thoáng gặp em, ông quýnh lên... Xin lỗi! quả thực lúc ấy em thấy rõ ông có quýnh quáng. Ông tìm mảnh giấy để ghi chép. Ông lục soát khắp các túi quần túi áo: không có tí giấy nào. Ông chạy đi tìm bà... Xin lỗi ông, lúc ấy bà...
Đồ quỉ! Thôi, nhớ rồi
Vâng, ông đuổi theo bà, lúc ấy bà đã đến sát cửa phòng ... vệ sinh... Người gác thương xá tỏ vẻ ngạc nhiên...
Nhớ rồi, nhớ mà. Rõ khỉ!
Dạ, em đấy...
“Cánh bướm thời gian loáng thoáng bay,Chớp mi nửa giấc mộng ban ngày...
Xin lỗi ông, tệ quá, em không nhớ đủ... Ông có ghi... Thế mà cũng đã lâu, ông nhỉ!
Ông dịu dàng:
Lâu gì. Thỉnh thoảng vẫn định tiếp tục cho xong. Nhưng phải chờ có dịp thích hợp chứ. Chờ nhá.
Lát sau ông ôn tồn hẳn, như dỗ dành:
Lắm khi... có những bài thơ phải đến nhiều năm mới xong đấy. Có câu vụt đến, lại có những câu phải chờ một cơ hội... Ép uổng không xong đâu... 
Ông Trà Sơn trầm ngâm, lưỡng lự.
Khi thì một tứ thơ, khi thì một cốt truyện, khi thì một ý kiến, một mẫu tư tưởng, một đề tài khảo luận v.v... Chúng ở đâu nảy ra bất ngờ. Hoặc trong lúc đọc một trang sách. Hoặc giữa lúc đang xem cái phim trong hí viện với vợ con. Hoặc có lần ngồi chung với bạn bè xúm xít trong chiếc xe van đi đường xa xem thắng cảnh, chợt nghe bạn đồng hành có kẻ kể câu chuyện lý thú. Hoặc có bận ngồi ở bờ khe bờ suối, nghe tiếng nước, trông một dáng cây già cỗi v.v... Hoặc nửa đêm đang ngủ, chợt thức giấc, thấy “nó” hiển hiện ngay ở đầu giường!
Một khi đã xuất hiện, chúng nó cứ đeo lấy ông. “Em đây, em đây”, chúng nó bám riết lấy ông, léo nhéo quấy quả hăm mấy năm trời rồi. Ông viết hoài viết hoài. Mái tóc ông... Biết đến bao giờ!
Nhà văn Trà Sơn thở dài:
— Để làm gì vậy? Vài ba chục năm sau có còn ai xem sách nữa không? thể loại tiểu thuyết có còn tồn tại không? thơ có còn ai đọc nữa không? có còn cái gọi là văn chương không?

5-1991