Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017
Thanh Phương: Vụ ám sát Kim Jong Nam khiến Bắc Triều Tiên thêm cô lập
Cảnh sát Malaysia bắt một người Bắc Triều
Tiên trong vụ điều tra
về cái chết của Kim Jong Nam, Sepang, ngày
18/02/2017REUTERS
Vốn đã ít bạn, Bắc Triều
Tiên, quốc gia khép kín nhất thế giới, lại càng bị cô lập thêm sau vụ ám sát
Kim Jong Nam tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 13/02/2017.
Cho tới nay, Bắc Triều Tiên
và Malaysia vẫn có quan hệ tương đối nồng thắm, nhất là về kinh tế. Hai nước
còn có một hiệp định miễn visa, tức là công dân Malaysia và Bắc Triều Tiên được
đi đến nước kia mà không cần xin giấy tờ gì cả.
Malaysia còn là một cửa ngõ
để các quan chức chế độ Bình Nhưỡng giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trong những
năm gần đây, Kuala Lumpur vẫn là nơi tổ chức các cuộc họp kín giữa Bắc Triều
Tiên với Hoa Kỳ.
Nhưng mối quan hệ hữu hảo
này có lẽ đang đi vào quá khứ do những căng thẳng chung quanh cuộc điều tra về
cái chết của ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong
Un. Chính quyền Kuala Lumpur đã triệu đại sứ Bắc Triều Tiên lên sau khi ông này
chỉ trích nhà chức trách Malaysia là “che giấu thông tin” về cái chết của
Kim Jong Nam và “thông đồng với bên ngoài” để bêu xấu chế độ Bình Nhưỡng.
Chính quyền Kula Lumpur cũng đã triệu hồi đại sứ Malaysia ở Bình Nhưỡng để tham
vấn.
Khủng hoảng giữa hai nước đã
bắt đầu ngay từ khi Kuala Lumpur bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng đòi trao trả
thi hài ông Kim Jong Nam. Đối với Kuala Lumpur, do cái chết bí ẩn của ông Kim Jong
Nam xảy ra trên lãnh thổ Malaysia, cho nên Nhà nước Malaysia có trách nhiệm điều
tra về nguyên nhân của ca tử vong này.
Các nhà quan sát không loại
trừ khả năng là Malaysia đình chỉ hiệp định miễn visa với Bắc Triều Tiên, như
Singapore đã làm vào năm ngoái, để phản đối cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư của
Bắc Triều Tiên.
Hiện giờ có đến 1000 người Bắc
Triều Tiên đang làm việc ở Malaysia, và cũng giống như các cộng đồng Bắc Triều
Tiên ở các nước khác, họ gởi về nước một nguồn ngoại tệ cần thiết cho chế độ
Bình Nhưỡng.
Về kinh tế, Malaysia sẽ
không bị tác động nhiều bởi căng thẳng hiện nay, nhưng phía Bắc Triều Tiên chắc
chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là vì mới tuần trước, Trung Quốc thông báo
quyết định ngưng nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên.
Ngay cả trong lĩnh vực thể
thao, căng thẳng lên đến mức mà bộ trưởng Thể Thao Malaysia đã yêu cầu Liên
Đoàn Bóng Đá Châu Á xem xét những quan ngại của họ về sự an toàn của đội tuyển
quốc gia trong trận gặp đội tuyển Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng vào tháng tới.
Nhưng một chuyên gia Viện
Nghiên Cứu Chính Sách Đông Á, Viện Brookings, Evans J.R Revere, được hãng tin
AFP trích dẫn hôm nay, nhắc lại rằng nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên thường không
ngại làm mích lòng các đồng minh khi cần phải đạt những mục tiêu mà họ đề ra.
Chẳng hạn như vào năm 1983, điệp viên Bắc Triều Tiên đã đánh bom ở Miến Điện
vào lúc tổng thống Hàn Quốc Chun Doo –Hwan đang viếng thăm nước này. Lãnh đạo
chính quyền Seoul thoát chết, nhưng 21 người đã thiệt mạng. Sau vụ này, Miến Điện
đã cắt đứt bang giao với Bình Nhưỡng.
Trong vụ Kim Jong Nam, không
loại trừ khả năng là Bắc Triều Tiên đưa người đến cướp thi hài người anh của
lãnh đạo Kim Jong Un, cho nên chính quyền Kuala Lumpur đã phải huy động đến lực
lượng đặc nhiệm để canh gác nhà xác nơi đang đặt thi thể của ông Kim Jong Nam.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét