Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017
LƯU VĂN VỊNH: MÒ GƯƠM DƯỚI ĐÁY THỜI GIAN !
Tưởng niệm
50 năm xa Hà Nội Băm Sáu Phố Phường.
Đầu năm 2000, tôi về thăm Hà
Nội, về lần thứ tư, mấy tay văn nghệ gốc Băm Sáu Phố Phường dẫn đi ăn cháo gần
Ô Quan Chưởng, chẳng xa phố Hàng Tre Bờ Sông ngày thơ ấu xa xưa. Cá thật tươi
vừa lát vẩy, sắt ra từng miếng mỏng đỏ hồng... Chờ có nghế ngồi cũng mất nửa
tiếng, nhìn rổ cá thấy ngon, nhưng nhìn phía lòng lợn lầy nhầy trắng đỏ máu,
đầy một nồi lớn, như vừa mổ lợn xong, thì thấy rợn như ruột người mới rút ra...
Hà Nội vẫn sót lại đám dân kinh kỳ biết ăn biết chơi, thú hưởng lạc của bao thế
hệ truyền lại, từ Tản Đà, Thạch Lam, Nguyễn Tuân... vẫn còn trong huyết mạch,
góc nào có quán ngon, hàng nào có món khoái khẩu, chẳng cần quảng cáo, dân Hà
Nội rủ nhau tới tấp nập. Đôi khi ích kỷ, tôi cứ mong Hà Nội còn nguyên thời
1950, dân số chưa tới nửa triệu, ăn hàng quà rong thưa thớt chẳng phải chờ đợi,
như một cái làng nửa tỉnh nửa quê, còn cô bán chiếu, còn bà hàng bánh dầy bánh
giò nóng, còn cơm tám thơm, còn cụ bán xôi chè, chợ Đồng Xuân còn có góc bún
chả quạt lên thơm phưng phức...; và còn lao xao giọng nói cao, rất trong và
thanh của dân kinh kỳ, đấy là dấu tích văn vật nghìn năm, gạo trắng nước trong,
có cả không gian linh diệu, có cả luồng vũ trụ tuyến phả vào âm sắc, vào thớ
thịt cổ họng, làm nên sắc thái riêng...
Nhưng giá những người yêu Hà
Nội như Thạch Lam, yêu món ngon như Nguyễn Tuân, có còn sống, thì không chừng
các cụ cũng phải di tản, di tản theo đàn người phong lưu Băm Sáu Phố Phường, họ
mang theo giọng nói, mang theo nghệ thuật nấu ăn, mang theo phong cách ngồi ăn,
cầm đũa, gắp thịt, chẻ rau... Bắc Cali có bà đi từ Hà Nội sang Pháp năm 1954,
nấu phở không chê được, mà hương vị thuần phở Hà Nội năm xưa, Sacramento thời
1980 có bà làm món chả cá tưởng Lã Vọng thời 1950 cũng không thể hơn, cho đến
món ốc nhồi ăn ở Sài Gòn, đường Lý Trần Quán hay ăn ở Cali cũng chẳng sút kém.
Đành rằng Hà Nội vẫn còn những đặc sản, giò chả thơm ngon vì thịt tươi, những
món xôi nóng dẻo quánh nhờ lúa gạo mới mà ông bạn từ Huế ra nhận xét rằng món
xôi chính món đặc biệt nhất của Hà Nội, có mất chăng là mất cái khung cảnh
không khí xa xưa, mà nay giá cũng lang thang gót công tử như Thạch Lam, cầu kỳ
như Tản Đà, kỹ càng như Nguyễn Tuân đi đâu cũng mang theo một cái bát kiểu, thì
bạn bè bằng hữu tri kỷ tri âm giờ đây còn lại mấy ai? Món ăn ngon mà không có
bạn bè cùng tri kỳ vị, cùng tri kỳ tâm, cùng đàn đúm, thì cổ họng
rất dễ khô lại, tỳ vị không sung mãn hỷ hả, bị ức chế, tưởng khó mà thấy ngon.
Vả lại lớp người biết ăn ngon mặc đẹp ấy đã bị thời cuộc ruồng rẫy, bây giờ lối
sống vội vã, nhìn trước nhìn sau, đâu còn cái thú la cà, dềnh dàng...
*
Một nhà xã hội học cho rằng
nhân cách con người được hình thành ở mươi năm đầu của cuộc đời, không biết có
đúng tuyệt đối không nhưng điều chắc chắn là ở tuổi thơ ấu, thiếu niên, trí nhớ
như tờ giấy trắng, ghi nhận mọi hình ảnh cất giữ vào tâm não, nên khi lớn,
những hình ảnh cảm xúc ban đầu vẫn át các hình ảnh cảm xúc đến sau. Đến tuổi
lão, trí nhớ mất gần hết nhưng thuở ấu thơ vẫn là kho tàng cuối cùng sót lại.
Và ai chẳng muốn, sau cuộc hành trình chu du vất vả, trở lại kho tàng xưa, tìm
tổ ấm dung thân quãng cuối dòng đời.
Tôi ngồi ở ven Hồ Gươm, tôi
đi lòng vòng quanh Hồ Tây, tôi đứng trên bờ đê Gia Lâm nhìn vào một cuốn sử đã
qua, tôi nghe thấy tiếng hò hét của tiền nhân, tiếng giáo mác lẻng xẻng, tiếng
quân reo sập cầu sông Nhị, tiếng đạn réo quanh đầu...; vó ngựa “đoạt giáo
Chương Dương độ” lẫn với giọng giảng sách thánh hiền ở Văn Miếu... Đâu đó
thời gian đọng lại, lùi lại, khúc phim trong đầu dựng lên một đám đèn kéo quân,
ba tôi tuổi năm mươi, mẹ tôi tuổi bốn mươi, tôi lên mười, chạy nhảy quanh một
khu phố, hàng Vôi hàng Tre, từ chân bờ đê, ra đến bờ Hồ, lên đến hàng Khay,
hàng Bông. Lõi tam giác ấy là cái nhân tâm não, nó kéo dài vào Sài Gòn,
kéo qua cả bờ Thái Bình Dương, nó chụp lên tâm trí, dù ngàn vạn hình ảnh mới
chồng lên thì góc phố ấy, cái nhân ấy chỉ lui về cố thủ trong tiềm thức,
lẩn sâu nhưng vẫn điều động hiện tại và cả tương lai nữa!
Tôi trở về Hà Nội lần đầu,
1993, sau 39 năm xa cách. Mặc dù đàn chim của tôi đã bay hầu hết vào Nam năm
1954, mặc dầu sống cả tuổi hoa niên trưởng thành ở Sài Gòn và rất yêu mến miền
phì nhiêu nắng ấm này, tôi vẫn thấy tiếng gọi của tổ chim từ nơi chôn nhau cắt
rốn. Có lẽ vì tâm khảm con người chất chứa cả nghìn năm lịch sử bộ tộc, cả gia
phả của đàn chim, nên tiềm thức cứ gắn bó với những cái khung cũ, không rời bỏ
được, không triệt tiêu được. Đời người chỉ là một nốt nhạc trong bản đại hòa âm
của dòng giống, nốt nhạc lẻ loi luôn luôn tìm nhập vào âm giai của mình. Con
người sống trong xã hội như sống trong một mái nhà lớn, do ông bà cha mẹ, cả
mấy thế hệ tạo dựng kiến trúc lên, mái nhà ấy quen thuộc với đôi mắt ấu thơ,
trở thành khung trời tàng thức, khung trời văng vẳng tiếng rao buổi
chiều của hàng giò chả, tiếng rao buổi sáng xôi lạp xường, lắc cắc ban đêm
tiếng gõ xực tắc, tiếng lạc rang nóng phát xa, tiếng hát của Giọt
Mưa Thu, của Nương Chiều, của Bao Chiến Sĩ Anh Hùng... mùi
phở Cầu Gỗ, Đông Mỹ, mùi cói phố Hàng Chiếu, mùi gió ngai ngái trên mặt Hồ chạy
qua cầu Thê Húc, lấp lửng bóng núi Tản và nhịp cầu Long Biên trong sương, bóng
áo the đen cụ đồ ngồi vỉa hè viết câu đối, nhộn nhịp Hàng Đào Hàng Ngang... Kẹo
kéo, thịt bò khô, mùi bánh khúc nồng nồng, rậm rạp cây đa đền Bà Kiệu, có cửa
hàng thơm mùi giấy bút khai trường...tôi lớn lên ở đấy, không gian và thời gian
riêng tư, đôi mắt thơ ngây chụp và giữ những hình ảnh chôn vào máu huyết, đi
đâu, xa bao nhiêu, lâu bao nhiêu, thì vẫn còn gói hành trang cất sẵn trong tâm
khảm, nửa thế kỷ dở ra vẫn nguyên vẹn như chẳng có gì thay đổi.
Và... những cánh chim tan
tác đã trở về nhìn lại quê hương mà thật ra là mang hành trang cũ trải ra ở
chốn cũ vào một thời gian mới, chẳng ngờ rằng chính mình đã thay đổi
với gói kỷ niệm cũ trong một không gian đã xoay chuyển như đèn kéo quân ngoài
tầm tay níu kéo. Khung nhà cũ đã méo mó xô lệch, nhất là những người dựng lên
nó đã mất đi, khuất vào cát bụi, đã trở thành những cái bóng đâu đó. Thành thử kỷ
niệm chỉ là những cái gì đã chết mà người sống mang theo, cố dối lòng là nó còn
sống, thật ra nó đã thành cái xác, chính mình không muốn nó chết, vì nó chết
thì mình cũng chết theo... cho nên đành phả hơi thở hoài niệm èo ọt cố
gượng gạo làm cho cái xác sống dậy như âm binh! Đi về Hàng Buồm tôi thấy bóng
ba tôi năm xưa khoác áo dạ ngày Đông, mấy bố con kéo nhau lên Chả Cá Lã Vọng
ngồi quanh bếp than hồng, vào ngõ Quảng Châu ăn mì xào nghe bố con cô ca sĩ Tầu
hát rong, đi ở Hàng Đào tôi ngửi thấy mùi lụa Tô Tân, thấy bóng mẹ tôi ngày Tết
đi mua áo mới, đi qua Hồ Gươm vào nhà Thủy Tạ chỉ thấy bóng kem Hồng Vân và
hình bóng hai anh em dẫn nhau đi xem múa sư tử đêm Rằm Tháng Tám, nhớ tới ngày
chị em đi lên Hàng Gai Hàng Mã mua con giống, đèn kéo quân, xem bầy cỗ Trung thu,
nhớ tới cuộc đua xe đạp có ông cụ luôn luôn đoạt giải khuyến khích về sau cùng,
nhớ tới cái miếu ven Hồ nơi ông già Tầu ngồi bán lạc rang nóng ướp với húng lìu
cam thảo ngòn ngọt cả ngày Đông... Hà Nội Băm Sáu Phố Phường còn đây,
nhưng những góc quán hàng rong của Thạch Lam mô tả năm xưa chẳng còn, mà có cố
dựng nó lại, tô điểm chau chuốt lau chùi như lau chùi đồ cổ, thì bóng thời gian
vẫn chỉ là cái bóng ám ảnh, đôi khi rờn rợn. Vào chợ Đồng Xuân chẳng tìm thấy
cái hộp sắt biscuit trong để mấy cục than hồng nướng chả thơm phức năm
xưa, đi lang thang Cầu Gỗ, cũng chẳng còn dấu vết của lát phở giò Đông Mỹ, vào
ngõ Bảo Khánh, nhìn bảng hiệu “Hà
thành Đệ Nhất Kéo" thì thấy khoái, còn chất càn, ngang tàng năm
xưa của đám choai choai Hà Nội, nhưng nay lại thấy cả mấy bàn bi da của club
ngoại quốc, cả mấy mệ Mỹ, loại chị Dên, đi tìm cảm giác lạ, ngồi xổm ăn
quà rong, thì dám chắc cụ Thạch Lam có ngồi ăn bún ốc bún riêu ở quanh đó cũng
phải cau mày đập bát xuống mà bỏ đi. Như thế thì còn gì là Hà Nội nữa, và tôi
chợt thấy tôi trơ trẽn, một ngoại nhân trên quê hương mình, trở thành người
khách lạ khi đi qua căn nhà thơ ấu năm xưa, tôi trơ trẽn giữa lớp người mới,
không phải vì một dòng nước Bến Hải đã trôi qua nửa thế kỷ, mà vì chính tôi và
lớp người mới đang quanh quẩn trong hai cái hộp thời gian khác nhau, những cái
hộp quỷ thuật của Trẻ Tạo.
Ông bạn xứ Quảng ra Hà Nội
thăm đền Hai Bà Trưng, thất vọng: dĩ vãng chỉ là dĩ vãng, nhất là đền Hai Bà
Trưng thuở xưa nằm ở giữa khu đất trống trang nghiêm, hàng năm chiêng trống cờ
quạt lễ hội, bây giờ đền bị vây lọt vào giữa khu nhà ở xập xệ chen chúc ngõ
ngách, hai con voi gỗ thuở thơ ấu uy nghi to lớn, nay trở về thấy nhỏ bé trơ gỗ
nứt nẻ; cho đến chùa Một Cột cũng lủi thủi giữa khu công sở mới xây cất, Xuân
Vũ, một nhà văn miền Nam tập kết ra Bắc bực bội gọi chùa Một Cột là cái lồng
chim cu! Nói về văn minh kiến trúc thì một nước nghèo vùng nhiệt đới không có
gì so sánh được với thế giới, bao nhiêu nghị lực đổ cả vào chuyện đánh nhau, còn
đâu sức lực xây dựng chùa chiền đền miếu nữa! Mà có xây dựng thì cũng lại hùa
nhau đạp đổ, thành Thăng Long vừa bị Tầu phá vừa bị tân triều Nguyễn phá nát,
hoàng thành đời Lý Trần đã có xác ướp và tượng Lenine ốp yểm hai bên, thì âm
dương đất Thăng Long vô chiến địa này làm sao bốc linh khí cho rồng cất cánh
bay lên được! Bây giờ, theo mắt Tây phương, đi tìm cổ tích thành quách đồ sộ
thì ta không có, thua cả Ankor Thom, Angkor Vat, thua cả chùa tháp Thái Lan,
đừng nói gì tới Vạn Lý Trường Thành hay Kim Tự Tháp. Dân ta có tài phá đổ
thượng thừa, nhưng chẳng phải ai cũng muốn nghe chuyện bạo lực, dân xứ nóng, bé
hạt tiêu, hắc xì dầu, mặc cảm con bê cắn vú bò mộng, bò mộng chạy
thì bò con reo cười, nhưng niềm vui chỉ kéo dài chốc lát, bé hạt tiêu bỗng thấy
đói bụng khát sữa và bé vẫn hoàn bé, có hét to đến đâu, có bắn súng lớn đến mấy
thì cũng không vì thế mà lớn lên được ...
Bao người trở về quê hương
vì những níu kéo của lịch sử bộ tộc, vì những khung trời kỷ niệm đã nuôi dưỡng
mình, vì cả những trang sách của Thạch Lam, Khái Hưng thăng hoa nét đẹp Hà
Thành, nào món ngon bún riêu bún ốc bún chả, nào Gánh hàng hoa từ làng Ngọc Hà,
nào hàng liễu rủ, nào ông đồ già... Thành thử trở về quê hương nói cho cao xa
thì là nhớ nước thương nòi, nói cho sát lòng mình thì do bản tính vị kỷ của con
người, thương mến cái tôi, muốn gìn giữ chính gói hành trang trong tiềm thức
mình, nao nức muốn trở lại tìm kho vàng tàng thức giấu ở đâu đó, khuất ở xó
xỉnh nào đó trong quá vãng, và vì yêu mình, cứ muốn sống trọn vẹn từ gốc rễ thơ
ấu tới tuổi trưởng thành, cho tới khi lá rụng về cội, ước ao một cây nhân sinh
hoàn hảo từ rễ đến ngọn!
Nhưng quê hương cũ hay quê
hương mới, đất ta hay đất người, rút cục cũng chỉ là những chuồng thú nhân
loại, thiện với ác lẫn lộn, tốt với xấu xen nhau, tìm một quê hương toàn thiện
thì giống như kẻ mộng du lang thang trên mặt đất. Quy luật sinh vật là ăn lẫn
nhau, đuổi đánh giành giật nhau, hành hạ nhau, vì thế đàn thú này bị đàn thú
kia cắn cấu, đám chim này bị đám quạ kia hù họa đuổi ra khỏi tổ... vòng luẩn
quẩn ở đâu cũng thế. Da đỏ bị da trắng chiếm đất, Chiêm bị Việt đẩy xa, Việt bị
Hán ép chạy... Trong một dân tộc cũng lại bộ tộc này, sứ quân nọ tìm cách tiêu
diệt nhau, không may sinh vào thời loạn thì thất điên bát đảo, mà sinh vào thời
bình có khi cũng lại bất mãn vì những chuyện tranh dành khác, nhân sinh thị
bi kịch, khổ đau phiền não không chừa ai, dưới dạng khác nhau, giống như
người thì bị bệnh ngoài da, người bị bệnh lục phủ ngũ tạng nội uất mà thôi!
Đàn chim của tôi tan tác bay
về phương Nam, rồi đàn chim bất hạnh ấy lại thêm một lần tan tác bay đi bốn
biển năm châu. Hà Nội của tôi còn đấy, nhưng đàn chim tổ cũ thì chẳng còn, lác
đác ở Pháp, ít người ở Mỹ, loe hoe ở Úc... bạn tiểu học Hà Nội còn lại hai
người trên đất Mỹ, một hai người vẫn ở Hà Nội, một bạn thân từ trường hàng Vôi,
dân Hàng Ngang, đã rời cõi thế ở Hoa Thịnh Đốn, khi nghe tin, tôi ước ao vơ
vẩn, giá như tất cả đàn chim chúng ta, kiếp sau, lại được bay về góc phố xưa,
đường Lý Thái Tổ, qua đền Bà Kiệu, quanh Hồ Gươm, ăn thịt bò khô, đọc truyện
kiếm hiệp Bồng Lai Hiệp Khách ở nhà sách Vĩnh Thịnh đầu đường, chạy nhảy vui
đùa chơi trốn tìm cùng nhau...
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương thời
tiền chiến tự than là “sinh nhầm thế kỷ,” nhưng giả thử ông sinh vào thế
kỷ 17, 18 chăng nữa thì ông sẽ lại nghe Phạm Thái ngụp lặn li bì trong bầu rượu
quên và Nguyễn Du thì than thở “thiên hạ hà nhân khốc Tố Như ”... thời
mạt pháp, thế kỷ nào cũng đầy tai ương và đời sống nào cũng chỉ là con cờ tiến
lui quanh quẩn mấy ô vuông. Cái oái oăm phi lý của lịch sử là kẻ ra đi băn
khoăn nhớ nước thương nòi mà kẻ ở lại thì rập rình chỉ muốn bay đi, ở xa thì
tiếc nuối từng viên gạch cổ tích, ở gần thì chẳng thiết nhìn đền miếu rêu
phong!
Tôi từng ngồi hàng giờ bên
Hồ Gươm, ngắm mặt nước lăn tăn lan vào bờ rồi làn nước khác lan ra, lan dần
từng vòng tiếp nối nhau như mang theo kỷ vật tháng năm muôn vàn người cũ, hồn
xưa vẫn ở đây, quanh cây sấu, bay bay trên lá me, mà không chừng chính tôi cũng
là một kỷ vật sống- tôi cắp sách đi học từ Hàng Gai Hàng Trống xuống
Trường Tiền, tôi đang tâm tình với những kỷ vật chết của chính tôi,
chết và sống như hai mặt điên đảo của thời gian tục lụy. Ôi! giá thử mỗi thế hệ
đến đây vui chơi với nhau, rồi tất cả ra đi cùng một lúc với nhau, chẳng nhớ
với nhung, chẳng còn với mất, thì hạnh phúc biết mấy!
*
Tôi
trở về Hà Nội lần thứ tư, năm 2000, thì tỉnh giấc mộng du, giác ngộ cái tâm
lãng mạn vọng tưởng của mình, đi tìm những cái không thể tìm thấy trên mặt đất.
Cõi tâm dung thông vô bờ, muốn tìm chính mình, có khi chỉ cần ngồi nơi đây, lúc
này, trên quê mới, nhìn sâu thẳm giếng nước, múc lên vô vàn hình ảnh yêu dấu,
chẳng cần vất vả ngồi máy bay 15- 16 tiếng, ê ẩm cả người để trở về vu vơ đi
tìm những hình ảnh không còn nữa. Bây giờ tôi chợt nghe tiếng chim hót, điệu cổ
vạn niên mà sao âm thanh rất mới, như tiếng nhắc gọi từ cõi tịnh độ, bắt
đầu thấy đây là tân kỷ nguyên, nửa thế kỷ đã trôi qua lâu rồi, và tôi đã bốn
lần đi ngược chiều kim đồng hồ, quanh quẩn chục vòng Hồ Gươm, cố níu kéo bóng
Phố cũ Phường xưa, như chú kiến tý teo bò quanh miệng chén huyền sử, đáy Hồ
chẳng còn Gươm sao tôi cứ như trẻ con nằng nặc đòi mò gươm lên chém chính lòng
tôi?