Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017
TƯỞNG NIỆM HỌA SĨ PHẠM TĂNG 1924-2017
Vũ Trụ - họa
phẩm của Phạm Tăng
Tiểu sử hoạ sĩ Phạm Tăng
Hoạ sĩ Phạm
Tăng sinh ngày 12/12/1924, tại Yên Mô, Ninh Bình và mất ngày 9/1/2017, tại
Paris. Ngày sinh của ông, nhiều nơi ghi tháng 11/1925, theo giấy thông hành, nhưng
giáo sư PKV cho biết, trên bản tử vi, ghi ông sinh hồi 22 giờ ngày 16/11/năm
Giáp Tý (tức ngày 12/12/1924). Chúng tôi chọn ngày ghi trên số tử vi, bởi ngày
này, do mẹ xác nhận, không thể sai; còn ngày Tây trên giấy tờ, khai sau, hoặc vì
muốn rút tuổi, hay vì lý do gì khác, rất có thể sai lầm.
Phạm Tăng học
hội họa và kiến trúc tại trường Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội, từ năm 1943. Ít lâu
sau, ông bỏ ban kiến trúc để chỉ theo hội họa. Nhưng việc học cũng dở dang vì
chiến tranh bùng nổ, ông về làm báo ở Nam Định cùng với Trần Lê Văn và Hữu Ngọc,
Phạm Tăng vẽ tranh minh họa chống Pháp trong thời kháng chiến. Năm 1954, ông di
cư vào Nam, cộng tác và vẽ hý họa cho báo Tự Do (1954-1959), Văn Nghệ Tự Do
(1956) và Bách Khoa (1957-1959).
Theo lời Phạm
Tăng kể lại: Ngày 27/1/1956, Văn Nghệ Tự Do (số 11 loại mới, bị tịch thu, Bộ thông
tin ra lệnh điện thoại, theo yêu cầu của ông Trần Văn Lắm chủ tịch Quốc Hội và
chủ tịch Bộ chiêu hồi, khởi tố Nguyễn Hoạt, Lưu Đức Sinh (Mặc Thu), một độc giả
tên Nghiêm Phú Lưu (trong mục Tiếng bạn bốn phương) về tội «bình luận xuyên tạc
có lợi cho hành động phản quốc gia, phá rối trị an» ; lúc đó Phạm Tăng có
hai bức tranh, bị cảnh cáo, nhưng luật sư xin hoãn đến ngày 2/7/1956, nội vụ cũng
xong.
Khi tờ Tự Do
(nhóm chủ động lúc đó là Như Phong Lê Văn Tiến, Đinh Hùng, Mặc Thu, Nguyễn Hoạt),
đả động đến cái xấu của chính quyền, chạm đến phủ Tổng thống, bị Bộ trưởng Thông
tin Trần Chánh Thành ra lệnh tịch thu, khởi tố bài của Nguyễn Hoạt và tranh Phạm
Tăng. Bị bắt, bị nhốt vào bót Catinat, giam ba tuần, gặp Chu Tử cũng bị bắt. Nhưng
cuối cùng cũng được tại ngoại, tuy có bị đưa ra toà, nhưng toà không muốn xử,
Phạm Tăng được trắng án.
Họa sĩ Phạm
Tăng
Năm 1959, Phạm
Tăng sang Ý học hội hoạ. Năm 1962, tốt nghiệp ban Hội họa, ông học tiếp và tốt
nghiệp ban Trang trí. Sau đó, còn ghi tên học các ban Điêu khắc và Dàn cảnh, nhưng
ở mỗi ban, ông chỉ theo 3 năm, rồi bỏ. Phạm Tăng tự coi là mình đã chín chắn
trong nghệ thuật kể từ 1965.
Từ 1962, Phạm
Tăng đã sống bằng hội họa. Triển lãm ở các đô thị lớn của Ý, như Roma, Firenze,
Milano, Venezia... Ở Âu Châu, triển lãm nhiều lần tại Bỉ, Áo, Đức, Hoà Lan, Thụy
sĩ, và ở Mỹ châu, tại Brésil và Los Angeles. Phạm Tăng không triển lãm tại Pháp
lần nào. Năm 1967, bức tranh Vũ trụ được giải thưởng Unesco. Tháng
3/1972, Phạm Tăng được Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Ý (Accademia Tiberina) ở Roma
vinh danh Viện Sĩ.
Kể từ 1975, ông
rời Roma sang Pháp sống ở Paris, quận 13, và ngừng hẳn hội họa, thỉnh thoảng ông
làm thơ. Năm 1994, ông về nước, gặp lại một số bạn văn nghệ cũ, cho in tập Phạm
Tăng thơ, nxb Văn Học, Hà Nội, 1994, với lời tựa và lời bạt của hai người bạn
«cố tri» Trần Lê Văn và Hữu Ngọc. Ông sống những năm tháng cuối ở Bonneuil sur
Marne, vùng ngoại ô miền Đông Paris với người bạn đời, bà Phan Thị Hoàng Anh.
Phạm Tăng là
nhà danh họa hiếm hoi có một quan niệm triết lý nghệ thuật rõ ràng, nhất quán.
Tuyên ngôn
nghệ thuật của Phạm Tăng :
«Ta hãy
thử ngắm kỹ những hàng lớp đá chạy trên sườn núi, mây bay vần vụ trên trời, làn
sóng cuộn trên mặt bể, dấu vết gió vờn trên bãi cát, đường vân nổi trong con ốc
biển, trên mảnh vỏ cây, trong viên đá sỏi, trên mặt rong rêu, ta đều có thể nhận
thấy dễ dàng một nhịp vận chuyển thật sinh động tự nhiên hiển hiện thành đường
nét...
Nhắm mắt
lại, nhìn vào trong lòng mình tôi cũng thấy hiển hiện những đường nét đó. Khi
vui khi buồn, lúc mừng lúc giận, nhất nhất mọi trạng thái cảm xúc đều có thể vẽ
lên thành những đường nét uyển chuyển trùng điệp gắn bó vào nhau chẳng khác chi
những đường nét biểu hiện cái nhịp sống của sự vật.
Bên
trong, bên ngoài, nhịp sống đó ngự trị, chi phối tất cả. Đem thể hiện nó lên
tranh, tự nó, nó đưa đẩy những hình thể đã được kết tụ, do sự tổ hợp cuả các tế
bào và làm cho các hình thể đó trở nên sinh động.» (Giai Phẩm Bách Khoa, xuân
1974)
Thụy Khuê
(Soạn theo tư
liệu do Phạm Tăng cung cấp; hợp cùng những lời hoạ sĩ kể lại và những điều ông
viết trên Giai Phẩm Bách Khoa, xuân 1974).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét