Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017
Nguyễn Văn Thà: Giòng Sầu Lả Xuống Bờ Vai*
Le bonheur est
la plus grande des conquêtes,
celle qu'on fait contre
le destin qui nous est imposé:
Hạnh phúc là cuộc chinh phục
lớn
nhất trong các cuộc chinh phục,
là điều người ta làm nhằm
chống lại định mệnh đã áp đặt lên chúng ta.
L'héroïsme est peu de chose, le bonheur est
plus difficile:
Làm anh hùng chỉ là chuyện nhỏ, có hạnh phúc
mới là chuyện khó nhất.
-Albert Camus
Sáng mồng một tết, các con đứa đến trường, đứa
đi nhà trẻ, hai vợ chồng mới thực sự được ăn tết, có thì giờ đủ dài, có không
gian yên ắng để hít vào lòng cái quê hương yêu mến xa xưa xuân về, và cười nụ
cười hạnh phúc về một thủa sum vầy. Lòng ấm dần và tuyết cũng ấm dần. Phòng
khách lâu nay thanh nhã với những bức tranh trừu tượng đơn nét tây phương nhàn
nhạt, nay có bạn phương đông đỏ chói đến chơi: Xuân
phong, đắc ý, tài nguyên quảng// Hoà khí, trí tường, gia nghiệp hưng. Ngày
xuân nâng chén ta chúc nơi nơi rộn ràng của ban hợp ca Thăng Long chen với Trái
tim anh chỉ đập cho em/ Ngày mai có đáng gì khi một thế giới mới lát nữa sẽ tái
sinh/ Con đường xuân hoa thêu, sao dệt –
Ella Enlich thì thầm tiếp:
- Küss mich, halt mich, lieb mich!: Hôn
em, ôm em, yêu em!
- Chỉ có động từ ”küss” của
tiếng Đức là diễn tả được cái êm dịu, sung sướng tuyệt đỉnh nụ hôn. – Nhung thì
thầm và nép gần hơn vào chồng mình.
- Ừ, nghe như muốn hút cả thể xác lẫn linh
hồn người mình hôn…
Nhung cười rúc rích:
- Anh chỉ tài xạo.
- Thì xem đây – Nam vừa nói vừa chúi mặt hôn
lên ngực vợ.
Thơm thơm ngực mới lại tuôn suối nguồn.
Rồi nằm dài thoả mãn, đầu kê trên đùi chồng
đang vuốt tóc mình, Nhung kêu nhỏ:
- Anh ơi!
- Gì vậy cưng?
Nàng nói nửa như than, nửa như thở ra luồng
hạnh phúc đang ứ đầy trong người :
- Buồn biết mấy những người con gái không
được một lần được người mình yêu cởi quần trong đời.Nhất là giữa mùa xuân.
Rồi nàng bỗng giật mình:
- Ấy chết, nãy giờ hai đứa cứ mê mẩn, mà đèn
trên bàn thờ ba Quỳnh tắt hồi nào không hay. Mà bậy bạ quá, quên cả ba trên bàn
thờ. Ba giận chết.
- Ba vui thêm thì có. Ba vui cho tụi mình.
- Thôi, để em thay hương, châm đèn cho ba.
- Ừ. Và anh cũng sẽ đọc thơ cho ba nghe. Bài
thơ mà ba đã viết lại trong một bức thiệp tết in cành mai vàng vững vàng đỉnh
núi và bỏ trong một chiếc hộp mà bà y tá trưởng trao lại cho anh sau khi ba mất
trong bệnh viện.
*
Thiếu tá Quỳnh, tôi vẫn muốn gọi anh Quỳnh
như thế, với lòng kính trọng, và thương mến. Anh cùng đi vượt biên một chuyến
với tôi.
Sau một lần bị tù đậm vì ”tội” vượt biển và
sau đó nhiều lần bị công an bắt hụt và trốn chui trốn nhủi nhiều năm, tôi mới
được gia đình bên vợ kiếm được một mối tổ chức vượt biên, tại cuối mũi Cà Mau.
Người mối này là một đại uý không chịu đi cải tạo mà giả dạng làm nghề thiến
heo, rong ruổi suốt giải đất duyên hải Miền Tây để kiếm đường ra đi. Ông đã tổ
chức nhiều chuyến. Chuyến nào cũng thành công, nhưng tất cả những chuyến có ông
đi, tàu ra đến ngoài khơi đều gặp bão, phải quay vào bờ, mấy chuyến như thế,
nên ông cho là mình không có số xuất ngoại, ông tổ chức đưa người vượt biển để
làm giàu. Mỗi đầu người, người lớn ba cây, con nít hai cây. Mỗi chuyến khoảng
50 người, ông kiếm cả trăm cây vàng sau chi phí. Ông thành công nhiều lần vì
ông tổ chức, sắm sửa kỹ càng: Mua ghe mới đóng, máy mới, tài công giỏi, và một
hoa tiêu biết coi hải bàn, thường là một sĩ quan QLVNCH, và một bãi xuất phát
an toàn. Bãi xuất phát, thì không đâu bằng Cà Mau với rừng đước rậm rì, chằng
chịt dây leo và ngập nước quanh năm, kênh rạch là những giải nước trống không
có đước, nơi mà thời còn chiến tranh là mật khu VC, nay biến thành nơi khai
thác củi hoặc nuôi tôm cũng của các ông VC đó. Ông đại uý thiến heo len lỏi vào
được một chỗ như thế, quen được với tay trưởng công an đã ở đó từ hồi hai bên
còn đánh nhau. Những lần khề khà với hắn quanh ly rượu sắn, thuốc rê dần dần
thay thế bằng những chai rượu gạo, rượu nếp, thuốc lá Ba Đình, Thăng Long, rồi
khi đã bén mồi: rượu Jonhny Walker, thuốc lá Samít, Con Mèo, và nhất là xà bông
Zet, Palmolie thơm lừng chà trên thân thể mốc meo lúc nào cũng bốc mùi sình lầy
đã mấy chục năm của mấy chú du kích năm xưa. Và cuối cùng những miếng vàng lá
Kim Thành ứng trước, chúng đủ đánh bạt bất kỳ lá cờ chói lọi nào. Tắt một lời:
Trước hết tay trưởng công an ở đó, rồi sau đó dần dần bọn du kích đàn em trở cũng
thành những giao liên của ông đại uý. Và người hoa tiêu lần này phải là thiếu
tá Quỳnh, thiếu tá Biệt Động Quân, biết sử dụng la bàn là lẽ đương nhiên.
Chuyến này ông đại uý phải tổ chức kỹ lưỡng vì thiếu tá Quỳnh, chồng của em
ông, và con trai của thiếu tá Quỳnh cũng đi, theo sự nài nỉ của cô em gái lúc
đó chỉ mới 30 tuổi, cao ráo, đẹp mơn mởn, mà thiếu tá Quỳnh thâm thấp, 50 già
sọm, lại mới bị tù cải tạo ra.
Anh Quỳnh là người Huế, theo đạo Phật, đạo
Phật xứ Huế: thâm sâu, nghiêm cẩn như vườn chùa cũ, điện xưa, chảy mãi một
giòng thơm sâu trong lòng người, nhưng anh lại học trường Thiên Hựu, Institut
de la Providence, một trường Công giáo, dạy cả chương trình Pháp lẫn Việt, với
một ban giảng huấn gồm những giáo sư
thông thái tiếp nối truyền thống của trường từ những ngày đầu của trường gồm
các giáo sĩ thông thái nhất từ hội thừa sai truyền giáo Paris, các vị thâm nho
như cha Nguyễn Văn Thích, và cha Ngô Đình Thục, có bằng cử nhân Triết học,
ngoài ra, còn một số giáo sư không ở trong Giáo hội Công giáo như các ông Trần
Điền, Tôn Thất Đàm, Trần Văn Tuyên và đặc biệt ông Tạ Quang Bửu. Tuy là
một trường Công giáo, nhưng rất tôn trọng đức tin của các học trò thuộc các tôn
giáo khác, vậy mà khi lấy cô Lan, người Công giáo, gia đình cô vốn đã có người
trong dòng họ chịu tử vì đạo dưới các vua triều Nguyễn, nhất định bắt anh Quỳnh
phải trở lại đạo mới cho cưới, anh Quỳnh vui vẻ trở lại đạo, lòng chẳng áy náy
gì. Anh cũng chẳng đặt thành vấn đề gì khi anh, về học thức, đã có tú tài Pháp,
lại đang là thiếu tá, trong khi cô Lan chỉ mới học xong lớp tám rồi nghỉ học
ngồi sạp, bán vải, nhưng nàng lại có cái nhan sắc của Thanh Lan, người ca sĩ có
cái nhan sắc rất moderne mà anh rất
thích. Ngồi sạp, rảnh rỗi, cô hay đọc những cuốn tiểu thuyết diễm tình hồi đó
của những tác giả như Bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân, Quỳnh Giao… Anh Quỳnh gặp
cô khi mấy bữa trước Tết ghé mua chiếc khăn voan làm quà tết cho mẹ mình. Tiếng
hát Thanh Lan những bài nhạc Pháp vang vang trời vào xuân, nơi người xuân.
Chàng nhìn nàng xuân, nàng nhìn chàng chiến binh không có gì độc đáo cho lắm so
với những chàng trước đây đến đây tán nàng, cho đến khi nhìn bông mai bạc trên
vai chàng, nàng bỗng trở nên liến thoắng, cái liến thoắng của một con mèo thấy
soong mỡ trong chạn, của một kẻ bỗng thấy được món đồ quý giá, muốn có ngay kẻo
mất, nhưng vẫn không dám chụp ngay, vì thần giữ của là một kẻ khôn ngoan, cẩn
trọng, nhưng khôn ngoan, cẩn trọng đến đâu, vẫn có chỗ hở, chỗ hở nơi chàng
thiếu tá chính là cuốn sách bỏ túi, livre de poche, lòi ra từ túi áo trên của chàng:
- Cuốn sách anh đọc trong túi anh là cuốn gì
vậy?
- Le Mythe de Sisyphe của Albert Camus.
- Ông ta viết về
gì vậy anh?
- Ông ta viết về
huyền thoại của chàng Sisyphe ý thức về thân phận của mình.
- Rồi sao nữa anh?
- Ông ta bị thần
Zeus bắt phải cõng đá nặng lên núi, lên tới đỉnh lại thả xuống, rồi bò xuống
chân núi cõng lên mãi suốt cả đời.
- Ông này thiệt
tội nghiệp mà lại chịu khó quá!
- Không tội nghiệp
như ta tưởng vì đang khi tảng đá lăn xuống lại, ông ta lại có cơ hội để nhìn
lại đời mình và phân tích nó.
Mắt nàng long
lanh, cười nụ:
- Nhìn lại mình
đời đã xanh rêu mất rồi.
Chàng thấy hiện ra
nụ mai thành quách kinh kỳ.
Tới đây thì chàng
thiếu tá hoàn toàn bị chinh phục. Muốn trọn đời cõng thêm nàng trên lưng đi cho
hết cuộc chiến, cuộc chiến tồi tệ, nặng nề mà anh đã cõng 10 năm nay; chàng
biết quân đội phe chàng sẽ thua, vì lúc ấy là tháng 5, 1973, sau khi có hiệp
định Paris với điều khoản quân Mĩ triệt thoái, và quân Mĩ hối hả triệt thoái,
quân Bắc Việt lại được phép ở lại: đình chiến da beo. Anh đóng quân ở tiền đồn,
hằng ngày thấy xe quân CSBV lũ lượt ngày đêm kéo vào miền Nam, dọc theo đường
Trường Sơn mà không có bất cứ một sự ngăn cản nào, ngoài vài trái đạn hạn chế
bắn vu vơ. Các bạn học anh du học rồi ở luôn bên Pháp, đã bắt đầu hối thúc bà
con bên nhà bán gia sản, kiếm đường đào thoát, nếu được, vì chuyện Miền Nam
thất trận chỉ còn là vấn đề thời gian; có đứa theo VC, hối anh đào ngũ.
Thế là đám cưới.
Nàng cười xinh xinh bên chàng dày dạn, gió sương. Rồi chàng ra biền biệt nơi
tiền đồn và chỉ mấy tháng sau, vĩnh biệt ra đi khi tiền đồn chàng thất thủ, bó
tay thất thủ, một thất thủ nhỏ báo tin một thất thủ lớn không lâu sau đó. Và
nàng có thai, sinh được một con trai. Một ngày, năm năm sau ngày 30. 4.75 chàng
trở về, tàn tạ trở về. Chàng được mẹ vợ đưa ra chợ trời, nơi nàng đang bán quần
áo cũ. Xem ra trong cuộc hội ngộ mẹ vợ vui mừng hơn vợ. Nàng chỉ nhìn chàng một
thoáng, rồi lại nhìn đống quần áo cũ, nhìn người qua lại mời mua. Chàng nhìn
trước nhìn sau, móc trong túi ra chiếc lược làm bằng vỏ bom mà chàng đã kỳ công
cưa cắt và khắc tên nàng, và chàng cười héo hắt, ngượng ngùng:
- Quà của em!
Nàng tay cầm chiếc
áo cũ, tay miễn cưỡng cầm chiếc lược, cằn nhằn:
- Quà cáp làm gì
không biết. Lược như vậy thì ai mà chải.
Rồi nhìn sang mẹ
vợ:
- Mẹ đưa ổng về,
tìm cái gì đó nấu cho ổng ăn, chiều con mới về được.
Lưng chàng bại
tướng bỗng sụm xuống. Cái huyền thoại Sisyphe không còn đủ sức nâng chàng dậy
dù nó đã giúp chàng đứng thẳng trong những năm lao tù CS. Nhục mạ, rừng thiêng
nước độc, ăn uống thiếu thốn, gông cùm, lao động vắt kiệt đến giọt cuối sinh
lực ngày này, tháng khác trong suốt bảy năm, cái huyền thoại ấy đã cho chàng một
nội lực ghê gớm. Kỳ diệu thay ngôn từ con người, nhưng cũng huỷ diệt thay ngôn
từ con người. Khuôn mặt anh sạm đen đến độ không thể sạm đen hơn nữa, bỗng trở
màu tái ngắt; dung nhan khắc khổ đến mức không thể khắc khổ hơn nữa, chợt trở
thành khắc khổ như khuôn mặt khắc khổ tận cùng chỉ có thể thấy của những người
chết đói năm Ất Dậu. Chân chàng đi loạng choạng như ông lão tám mươi dù cũng
đôi chân ấy đã từng đi suốt dãy Trường Sơn ra Bắc ở tù.
Từ ngày ở tù về,
anh chỉ ở nhà. Anh không đủ sức làm những công việc nặng nhọc mà dễ xoay như
đạp xích lô, ba gác. Quá bệ rạc rồi. Chị cũng không muốn anh đi làm theo sức anh,
kể cả chuyện dọn hàng cho chị bán, coi hàng cho chị khi chị bận việc. Hình như chị
sợ chuyện anh đi làm ngoài sẽ là một khẳng định lại vai trò người gia trưởng,
là điều chị không muốn; hình như chị muốn anh ở nhà làm kẻ thất bại, một kẻ ăn
bám. Không có dấu hiệu gì cho thấy chị có bồ khác trong thời gian anh đi tù và
tới nay vẫn còn đó để anh trở thành chùm kẽm gai trên đường chị. Có cái gì như
khinh khi, có cái gì đó như ghét, ghét dành riêng cho anh, như phải có đối với
anh, như một loài hoa độc chỉ nhả nhuỵ độc khi gặp một loài côn trùng thích hợp,
và cũng có khi, cùng loại côn trùng đó,hoa chỉ nhả độc giết vào một giờ nhất
định. Cũng như, ai đâu xa, chính mẹ vợ của anh, tử tế với anh hết mực, nhưng không
thể sống với mẹ già của mình, hễ gặp nhau là gây gỗ, đến nỗi bà mẹ già phải ở
với đứa cháu. Cái ác ấy, đến từ đâu? Có phải từ kiếp trước hai người đã mắc nợ
nhau? Hay cái không khí thù hận, tàn bạo, điêu ngoa của cái xã hội đề cao hận
thù đã thấm vào từng lỗ chân lông con người sống trong đó? Gần bùn lâu quá,
chẳng còn thấy hôi tanh mùi bùn. Hay nàng là loại người sinh ra đã tính bổn ác
dù nàng từ khi sinh ra ngoại diện nhìn vào là muốn thương ngay. Hồi nhỏ, ai
cũng muốn hôn, muốn nựng, hôn cả ngày không chán, mẹ chị đã từng nói với anh
như thế. Còn anh thì khỏi nói: Thương và nhớ triền miên những ngày tiền đồn,
những ngày sương tràn thung lũng, cũng như những ngày khói súng mờ trời, những
ngày ở tù những khi thảnh thơi đôi chút bên suối, cho đến những bữa bị cùm kiên
giam; nàng là hơi thở, là lẽ sống bấy nay. Bây giờ anh chỉ còn một chút gì để
vui, đó là thằng cu con trai anh, thằng Nam, 6 tuổi. Lan có bầu nó, ngày anh
thương Lan lần cuối, trước khi ra tiền đồn. Đêm đó sau khi ân ái, Lan khóc và
bảo anh đừng đi, khi nghe tin tức những tiền đồn cái này đến cái khác bị tràn
ngập. Anh lại bị mát chữ, lại đưa tư tưởng ông này bà kia ra biện chính cho
chuyện dấn thân, chuyện trách nhiệm, chuyện đem thân làm lính thú của mình,
nàng hét to: ”Xiphe, xipheo, Ca mút, Cameo cái gì! Anh phải lo lấy cái mạng của
anh, còn em, còn cái đứa trong bụng nữa chi!” Rồi nàng ôm mặt khóc. Chẳng những
thế, sáng hôm sau, khi chia tay, nàng lại đấm vào ngực anh, đấm vào ngực anh,
khóc lớn: ”Anh ơi, anh đừng đi! Anh ơi, anh đừng đi!” Nhưng anh vẫn ra đi theo
tiếng gọi non sông, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đau khổ hay không
thì xuân vẫn sang. Anh lại lén lôi mấy trang giấy anh lượm được trong giỏ gấy
gói đồ của vợ, như những trang từ cuốn thơ Cao Bá Quát của Trung Tâm Học Liệu xuất
bản mà lúc trước, trước ngày mất Nước, anh mua được, ra chép lại cho đỡ nhớ chữ
người xưa, nhớ đời mình mới đây mà đã lùi vào thiên cổ. Ông TT Nixon nói thế mà
đúng: ”Bỏ bom cho bọn chúng trở về thời đồ đá.” Anh không dám tin đó là sách
của anh dù khi về nhà, tủ sách của anh không còn cuốn nào cả. Chính phủ cách
mạng CS bắt nộp? Hay chính nàng đã vứt, đã bán cho bọn mua ve chai giấy vụn,
hay chính nàng đã dùng làm giấy gói? Anh không dám hỏi. Anh sợ nghe một sự thật
quá đau lòng, nếu… Anh cũng sợ nàng phẫn nộ vì đã có lúc khi anh muốn nói niềm
tin về tương lai của con trai, anh lỡ đưa bài thơ Tài Mai của Cao Bá Quát ra
bình. Vừa mở miệng: ”Em xem thằng cu Nam mình! Nó như hạt giống hoa mai một
sáng xuân giao trên đỉnh núi. Cao Bá Quát có bài thơ Trồng Mai rất hay…”, Lan
đã hét lên: ”Quát với Tháo cái qwần qwè! Tui thù ông còn hơn thù Mĩ.” Câu đầu
đặc sệt giọng nẫu của bọn nẫu quê quệch. Câu sau đã biến thành thành ngữ mà anh
đã từng nghe bọn quản giáo, bọn bảo vệ nói với nhau khi muốn diễn tả một sự căm
thù nào đó. Tại sao vợ anh lại ghét với sách vở, thù anh đến như thế, thù như
CS nòi, anh tự hỏi.
Trời đánh tránh
giữa bữa ăn. Chửi nhau né mồng một tết. Đoán thế, anh Quỳnh lại đưa ra đọc bài
thơ Tài Mai anh viết bằng mực xạ thật đẹp trong cuốn sổ bọc da dê nâu, mép giấy
mạ vàng, chuyên dùng để chép thơ mà bạn anh bên Pháp gởi về tặng anh. (Chuyện
này lại là một chuyện làm vợ anh bực mình. Nói lải nhải suốt buổi chuyện văn
chương không bằng cái xương cá lạo!)
Vừa ngắm
con, vừa đọc thầm bài thơ
Tài mai 栽梅 Trồng mai
Thí
tương mai tử trịch sơn gian,
Nhất
ác thanh tư ký bích loan.
Ký
thử lai thì xuân sắc hảo,
Dữ nhân cộng tác hoạ đồ khan
Thử ném hạt mai lên đỉnh núi
Mai xanh gởi lại chốn non xanh
Vẻ xuân mong điểm cho trời thắm
Cùng chung sức lực, cùng xem tranh
thì ông anh
vợ tới. Ông ta sau một chuyến thiến heo, lại trở về đem tiền thiến heo cho vợ
ăn Tết, toàn vàng lá Kim Thành. Sau khi cho thằng Nam mặc thử mấy bộ đồ mới
mua, mấy mét lụa Thượng Hải cho Lan, khăn voan lụa cho mẹ, châm điếu thuốc
Samit mà ông rút từ một gói của cây thuốc anh mua tặng anh Quỳnh, ông ta nói:
- Mình thấy
Quỳnh ở lại Việt Nam thì không ổn rồi. Việt Nam không ổn, mà con Lan cũng không
ổn cho Quỳnh. Mình nghe mẹ kể lại tất cả. Cứ tình trạng này kéo dài, Quỳnh
không chết cũng điên.
Anh Quỳnh ra
chiều suy nghĩ, không nói năng chi.
- Chuyến tới
tôi đưa Quỳnh với thằng Nam đi.
- Còn vợ tui
chi.
- Mình cũng
nói với nó vụ này rồi. Nó không chịu đi đâu. Con nhỏ điên thiệt rồi.
- Ừ, có một
cái gì đó thực khó hiểu.
- Mà mình hỏi
thiệt nghe! Vậy từ hồi ở tù về tới giờ, nó có cho Quỳnh ăn nằm với nó không?
- Không.
- Tết nhất
cũng không?
- Không.
- Tôi, thì
mình cứ xử từng bước như vậy. Rồi đâu vô đó cả. Quỳnh còn biết hơn mình về vụ
này.
Rồi anh Quỳnh
đi vượt biên như ông anh vợ hoạch định. Thành công sau năm ngày, năm đêm trên
biển. Đêm thứ ba, đêm rằm, một máy bị hư, mưa to gió lớn. Chiếc thuyền 11m50 với
58 người chao như vỏ dưa trên sóng cao, sóng lớn, mưa như trút nước. Lẽ thường
thuyền sẽ phải chìm, nhưng nhờ ông đại uý đã làm một mái vòm bằng tre đan có
trét dầu rái bao trùm gần hết xuồng ngoại trừ một chút đầu mũi thuyền và phía
sau lái, nên nước không tạt được nhiều vào thuyền, có điều trời đang bão, e thuyền
sẽ lật, khó thoát. Có người bàn chạy trở lui lại Việt Nam. Anh Quỳnh với tư
cách là thuyền trưởng và hoa tiêu nhất quyết không trở lại: ”Chết thì chết với
nhau, trở lại sao mà trở lại được!” Tuy nói cứng thế, anh lại hỏi tôi, vì tôi
khi còn ẩn náu trong rừng đước Cà Mau, có nói chuyện sách vở với nhau, toàn những
chuyện hai người cũng đã học và ưa thích. Anh hỏi: ”Giờ mình phải làm sao anh Thà?”
Tôi cũng thuộc vào phe quyết một lòng ra đi như anh, bàn với anh: ”Hồi em còn ở
quê em, em có đi biển 10 năm. Bọ em, đi biển từ hồi còn nhỏ, có nói với em: Những
ngày trăng tròn, nếu trời bị cấn, thì cũng chỉ cấn đầu hôm cho tới canh hai,
thì biển sẽ lặng lại thôi.” Và quả thật quãng một giờ sáng trời ngừng gió và biển
lặng như tờ, thuyền đi như trôi trên hồ trăng. Sáng ra biển lặng bóng như biển
mỡ, lại còn cá heo lội theo đùa giỡn. Quãng trưa thì thấy rác trôi ra, rồi chẳng
mấy chốc núi nhô lên, rồi đất liền. Cứ thế mà đâm vào và tới tối thì gặp tàu cảnh
sát tuần duyên đưa vào hải cảng Terengganu. Sau đó, khi chúng tôi được chuyển
ra đảo Bidong, chúng tôi vẫn hay gặp nhau nói chuyện sách vở ngày xưa. Tiếc là
trên đảo cũng có một thư viện, nhưng toàn những sách không giá trị nhiều với
chúng tôi. Vậy mà có một hôm, khoảng một tháng chuyển qua trại Sungai Besi anh
lại kiếm đâu được cuốn Con Đường Cứu Khổ của một vị thượng toạ Tích Lan với cái
tên dài ngoằng, tới nay tôi không còn nhớ. Anh hay nói về chuyện vô thường và
cười buồn. Một ngày trước khi rời đảo, anh mời tôi đi uống cà phê, và đưa cho
tôi đọc lá thư của một bà bạn của Lan, cùng đi một chuyến với chúng tôi, và có
vẻ thân mật với anh Quỳnh vì thấy hai người hay đi chung, đi uống cà phê với
nhau trong mấy cái quán dọc mép đảo. Bà ta qua Mĩ một cách nhanh chóng vì có
ông chú giàu có bảo lãnh, và hay gởi thư kèm theo tiền đô la cho anh Quỳnh.
Lá thư có đoạn
như sau:
Anh Quỳnh
ơi,
… Lan, em biết,
chị ấy tệ bạc, thậm chí hỗn hào với anh, em nghĩ là vì những nhục nhã trong thời
kỳ đi buôn chuyến. Chị ấy đã thất thân nhiều lần với mấy thằng thuế vụ ở các trạm,
có khi chỉ vì mấy gói mực khô. Rồi sau đó, chuyển qua buôn bán quần áo cũ, lại
bị tụi quản lý thị trường. Hồng nhan đa truân, thời nào cũng thế. Em nghĩ chị ấy
bị rối loạn tâm lý mà ra cả…
Đọc tới đó,
tôi ngước lên thấy anh đang thả những khói thuốc, nhìn mông lung ra biển, không
nói gì. Một lúc sau anh mới nói:
- Mình thiệt
có lỗi với mẹ thằng Nam, lỗi từ ngày lấy nhau…
- Không ai
có lỗi cả. Mỗi người sinh ra đời đều mang theo mình một định mệnh như anh đã có
lúc nói với tôi, và chúng ta, ai cũng phải đương đầu với định mệnh của chính
mình, mỗi người một kiểu.
- Ừ, và thường
cũng chẳng làm được gì. Có thế con người mãi đau khổ.
Rồi anh chuyển
vào trại Sungai Bêsi trên đất liền. Chỉ mấy tháng sau nghe tin anh mất bị bệnh
lao. Tôi không tin như vậy vì những lần đi sau nầy đi làm thông dịch cho các bệnh
nhân tị nạn ở các bệnh viện ở Kuala Lumpur gần trại, tôi thấy các bác sĩ rất giỏi
và tận tâm, và họ kê các loại thuốc trừ lao rất tốt, tốt như ở Na Uy, nơi tôi định
cư sau này. Tôi nhớ có lần anh nói: Chết vì những ngang trái trong cuộc sống,
thì dễ hơn là phải sống với những ngang trái đó. Tôi lúc đó không hỏi đó là ý của
anh hay là của thằng cha nào đó mà anh đã đọc.
P.S. Sau khi
viết lại truyện mang tính tự sự này xong, tôi có e-mail bản nháp truyện cho các
bạn cùng tàu với tôi và anh Quỳnh, và được chuyển trại qua trại Sungai-Besi
cùng anh Quỳnh cùng một lúc, thì có một anh cho biết là anh Quỳnh đánh bài phé
rất giỏi, và đánh bài bịp cũng rất tài. Trong một đêm đánh bài ngày tết, anh Quỳnh
bị một tên anh chị, trước vốn là một tay du kích, đâm lủng ruột bằng một chiếc
đũa tre già vót nhọn, đâm rồi còn ngoáy cho nát ruột, nên khi đưa vào bệnh viện
thì cứu không được nữa. Vì anh ta là thông dịch, nên được phân đi theo xe chở
anh Quỳnh vào bệnh viện, nên biết rất rõ sự vụ, chứ cái chết không man tính
camus, cameo gì đâu như anh Thà muôn ám chỉ ở đoạn kết. Một cái chết lãng nhách
kết thúc một cuộc đời phi lý.
Oslo, Tết Con Gà, 2017.
*Thơ Phạm Thiên Thư
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét