Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017
Ngô Nhân Dụng: Trump xé TPP, Bắc Kinh mừng
Sau khi Tổng
thống Donald Trump xóa bỏ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, Trans-Pacific
Partnership (TPP), người hoan hô nồng nhiệt là Nghị sĩ Bernie
Sanders, người năm ngoái đã muốn làm ứng cử viên tổng thống đảng Dân
Chủ. Ông Sanders là nghị sĩ duy nhất theo chủ nghĩa xã hội, luôn luôn bênh vực
quyền lợi giới lao động. Ngược lại, người lên tiếng chỉ trích ông Trump mạnh mẽ
là Nghị sĩ John McCain, đảng Cộng Hòa. Ông nói, “Việc rút khỏi TPP sẽ mở đường
cho Trung Cộng đóng vai soạn luật đi đường trong kinh tế thế giới, làm thiệt hại
cho các công nhân Mỹ… Đó lại là một tín
hiệu nguy hiểm cho người ta nghĩ nước Mỹ đang rút chân khỏi Châu Á và Thái Bình.”
Thực ra chữ
ký của Tổng thống Trump có tính cách tượng trưng, chỉ để chứng tỏ ông làm đúng
một lời hứa khi tranh cử. Tượng trưng, bởi vì ai cũng biết TPP không thể nào được
quốc hội Mỹ thông qua. Các đại biểu Dân Chủ nhất định chống, và nhiều đại biểu
Cộng Hòa cũng chống, mặc dù một triết lý căn bản của đảng là chủ trương tự do mậu
dịch.
Ash Carter,
vị bộ trưởng quốc phòng sau cùng của Tổng thống Barack Obama, có lúc ví hiệp ước
TPP có sức mạnh chiến lược lớn hơn một hàng không mẫu hạm trong vùng Thái Bình
Dương với đầy đủ các tầu chiến yểm trợ. Khi còn làm tổng thống, ông Obama vẫn biện
minh mục đích của hiệp ước này là xây dựng quan hệ lâu dài với các nước trong
vùng và cảnh cáo rằng nếu TPP không được thông qua, Trung Cộng sẽ thay thế Mỹ ấn
định các quy luật thương mại trên thế giới. Một hậu quả là những quy luật quốc
tế đó sẽ phản ảnh quyền lợi của Trung Cộng. Họ sẽ đặt nhẹ quyền lợi của những
ngành dịch vụ (như ngân hàng, giao dịch chứng khoán, cố vấn tài chánh, thông
tin, vân vân,) cũng như quyền sở hữu trí tuệ qua phát minh, sáng kiến, là những
sở trường của giới kinh doanh Mỹ, nước Mỹ sẽ bị thiệt hại.
Những công
ty như Gap, và Nike trong ngành thời trang, Disney và Comcast trong các hoạt động
giải trí và nhu liệu tin học sẽ thiệt hại khi mất TPP vì hiệp định nêu những
quy tắc bảo đảm những nước ký kết phải trừng phạt các công dân vi phạm bản quyền
các sản phẩm của họ. Hiệp ước TPP buộc 12 nước ký kết phải tôn trọng bản quyền
các sáng chế ít nhất 70 năm sau khi nhà sáng chế qua đời, giống như luật về bản
quyền ở Mỹ.
Khi ký sắc lệnh
xóa bỏ TPP, Tổng thống Trump cũng nói ông sẽ đặt ra thêm thuế đánh trên hàng nhập
cảng. Ông chính thức nêu tên hai nước là Nhật Bản và Trung Quốc; than phiền rằng
nước Nhật đánh thuế khiến xe Mỹ không thể bán được ở bên Nhật, và người Mỹ rất
khó mở cơ xưởng sản xuất ở nước Tàu hay bán hàng cho dân Tàu cũng gặp quá nhiều
khó khăn.
Những công
ty bán lẻ như Wal-Mart sẽ thiệt hại vì hàng nhập cảng từ các nước đã ký TPP sẽ
bị đánh thuế cao hơn khi bản hiệp ước không còn nữa, và hàng trăm triệu khách
hàng của họ sẽ phải mua hàng với giá cao hơn. Chính những công ty này đã vận động
hành lang để quốc hội thông qua bản hiệp định. Phòng Thương Mại Hoa Kỳ cũng đã
vận động cho bản hiệp ước mà họ coi là một động cơ giúp kinh tế Mỹ phát triển
trong tương lai, đồng thời ngăn cản tham vọng bành trướng của Trung Cộng.
Hiệp ước TPP
được 12 quốc gia thương thuyết trong bảy năm qua, với những màn đàm phán rất
gay go, phức tạp. Chính phủ của 11 quốc gia đã đánh cá cả uy tín chính trị của mình
để vận động dân chúng và quốc hội nước họ ủng hộ hiệp định này. Bây giờ, tất cả
các cố gắng đó thành vô ích vì nước Mỹ rút ra. Thiếu thị trường Mỹ thì tự do mậu
dịch giữa các nước còn lại sẽ không đem lại lợi ích mà dân các nước này trông đợi.
Sau quyết định của ông Doald Trump, từ nay tất cả các nước khác sẽ thấy họ phải
rất thận trọng mỗi khi định ký kết về bất cứ vấn đề nào với chính phủ Mỹ. Tháng
tám năm ngoái, Thủ tướng Singapore tới Tòa Bạch Ốc đã báo động rằng nếu TPP bị
xóa bỏ thì ngay cả liên minh Nhật Mỹ sẽ yếu đi, trong đó có những liên minh
quân sự. Xóa bỏ TPP sẽ khiến các nước Châu Á và Châu Mỹ La Tinh thất vọng, và họ
có thể quay sang nước Tàu như một giải pháp thay thế.
Hai tháng
trước khi ông Trump xóa TPP thủ tướng New Zealand John Key đã ca ngợi vai trò
“đầu tầu” của Mỹ trong vùng Châu Á. Ông còn nói đùa rằng 11 nước đã ký kết có
thể thay đổi một số điều khỏan cho vừa ý vị tổng thống tân cử, chẳng hạn gọi
TPP là “Trump Pacific Partnership” cũng được! Ông báo động nếu Mỹ bỏ cuộc thì
Trung Cộng có thể nhảy vào lấp đầy khoảng trống.
Một ngày sau
khi Tổng thống Trump xé TPP, các chính phủ Australia, Chile và New Zealand đều
bày tỏ hy vọng cứu bản hiệp định này, với đề nghị mời Trung Quốc tham dự. Thủ
tướng Úc Malcolm Turnbull còn cho biết ông đã thảo luận với các vị thủ tướng Shinzo
Abe (Nhật Bản), Bill English (New Zealand) và Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong,
Singapore) về việc duy trì TPP dù không có nước Mỹ. Ông Turnbull ngỏ ý hoan
nghênh nếu Trung Cộng tham gia. Bộ trưởng ngoại thương Steven Ciobo tuyên bố
chính phủ Úc vẫn tiếp tục tiến tới với TPP dù không có Mỹ, và ông gợi ý có thể
tu chính hiệp ước này để mở cửa mời các quốc gia khác tham dự.
Nhưng Cộng sản
Trung Quốc chắc sẽ lạnh nhạt nếu được mời tham dự vào TPP,mà trong bảy năm qua
chính quyền Obama đã cố ý qua mặt, không mời. Bởi vì Bắc Kinh đã có chương
trình khác. Khi tới các nước châu Mỹ La Tinh Ecuador, Peru và Chile vào cuối
năm ngoái, Tập Cận Bình đã cổ động cho một hiệp ước tự do mậu dịch khác do nước
Tàu đề xướng, gọi là Hợp tác Toàn diện Kinh tế Vùng (Regional
Comprehensive Economic Partnership, RCEP)
được “made in China.” Sau khi ông Trump xé bỏ TPP, hai nước Australia và
Malaysia đã tỏ ý sẵn sàng ký kết với RCEP.
RCEP đang
chuẩn bị thành hình vào cuối năm 2017, sẽ bao gồm 16 nước, với Trung Quốc, 10
nước ASEAN cộng thêm Nhật Bản, Nam Hàn, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Trong
khi TPP mang dấu ấn chủ trương kinh tế của Mỹ thì RCEP hoàn toàn phản ảnh quan
niệm của Cộng sản Trung Quốc. Khác biệt căn bản giữa hai hiệp ước thương mại
này là RCEP bỏ qua không bắt buộc các nước thành viên phải giảm bớt vai trò của
các xí nghiệp quốc doanh, không quan tâm đến quyền tự do lập công đoàn của người
lao động, và không chú ý đến việc bảo vệ môi trường sống. Rõ ràng là Trung Cộng
chỉ muốn mở rộng thương mại mà không cần biết đến những giá trị căn bản mà các
chính phủ Mỹ vẫn theo đuổi từ hơn nửa thế kỷ nay.
Nếu các nước
đã ký kết vào TPP chuyển sang hợp tác trong RCEP, đó sẽ là một thắng lợi lớn của
Tập Cận Bình. Chính sách “chuyển trục qua Châu Á” của Tổng thống Barack Obama
có thể lung lay trên mặt trận kinh tế, nhưng cũng ảnh hưởng trên mặt văn hóa. Cộng
sản Trung Quốc có thể đem rao giảng “mô hình Trung Quốc” như một kiểu mẫu cho
các quốc gia khác noi theo: Thương mại tự do nhưng chính trị độc tài, độc đảng.
Một cảnh ngược
đời đang diễn ra: Chính phủ Mỹ hướng vào bên trong, còn Trung Cộng lại cổ võ mở
rộng thương mại với các nước. Kể từ năm 1945, sau khi Thế Chiến thứ hai kết
thúc, nước Mỹ đã nêu ngọn cờ thương mại tự do khắp thế giới, và đó là một nền tảng
kinh tế đưa Mỹ lên thành cường quốc số một. Bây giờ, lãnh tụ Trung Nam Hải Tập
Cận Bình lại mới lên tiếng ca ngợi thương mại tự do và bênh vực hiện tượng
“toàn cầu hóa kinh tế”. Tại Diễn đàn Kinh tế ở Davos vừa qua, họ Tập đã hứa
Trung Quốc sẽ thương thuyết các hiệp ước thương mại vùng, rồi ví von chủ trương
“bảo hộ thương mại” giống như “tự giam mình trong một căn phòng tối.”
Tuy nhiên,
sau khi xé bỏ hiệp ước TPP Tổng thống Donald Trump vẫn còn nhiều quân bài khác.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho biết chính quyền Trump vẫn tôn trọng
các hiệp ước thương mại đã ký kết và sẽ ký các thỏa hiệp song phương mới với những
nước khác chưa ký kết, trong số 11 nước đã ký vào TPP. Nếu những nước này thấy
một hiệp ước ký tay đôi với Mỹ đem lại nhiều lợi lộc hơn thì họ vẫn có thể bắt
cá hai tay, vừa gia nhập RCEP vừa buôn bán tự do với nước Mỹ. Lúc đó, cuộc cạnh
tranh giữa Trung Cộng và Mỹ sẽ hoàn toàn dựa trên sức mạnh kinh tế. Tuy nhiên,
chính quyền Donald Trump có vẻ không quan tâm đến những điều kiện mà chính quyền
Obama đã đặt ra, như tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của giới lao động.
Nước Mỹ sẽ ngưng, không đóng vai trò truyền bá và cổ võ cho thế giới bên ngoài
về những giá trị căn bản diễn tả trong hiến pháp Mỹ nữa.
Tuy ông
Trump từng nêu những ý kiến với khuynh hướng “bảo hộ thương mại” và dọa tăng
thuế nhập cảng cũng như đánh thêm thuế mới trên các công ty Mỹ đem công việc ra
nước ngoài làm, nhưng trong chính trị nước Mỹ vị tổng thống không có toàn quyền
quyết định. Đặc biệt, quyền đánh thuế trên căn bản thuộc vào các đại biểu quốc
hội Mỹ. Các đại biểu thuộc đảng Dân Chủ có thể sẽ ủng hộ các sắc thuế mới của
ông Trump, nhưng những người thuộc đảng Cộng Hòa có thể sẽ ngăn cản và họ sẽ được
giới kinh doanh Mỹ hỗ trợ.