Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016
Phạm Xuân Đài: Cố đô của nước Nga
Cung điện Mùa Đông
Chuyến tàu đêm từ Moscow đến St Petersburg lúc
tám giờ sáng. Thật là vừa vặn cho một đêm đi couchette: ngủ
một giấc đầy đủ, sáng dậy có thì giờ làm vệ
sinh, rồi điểm tâm, cà phê cà pháo xong xuôi là tàu vừa tới ga. Ra khỏi cửa ga,
chúng tôi đụng đầu ngay với một dãy dài những người bán hàng: họ đứng trên sân
ga rộng, đối diện với cửa ra, rất trật tự theo một hình vòng cung, mỗi người cầm
trên tay món hàng chào khách, như áo quần, khăn choàng, vải vóc... Tôi đi thong
thả trước hàng dàn chào ấy như đi duyệt hàng quân danh dự đón tôi đến thành phố
này, giữa người bán và người xem đều có nỗi phấn chấn vui vẻ của buổi sớm mai,
trao nhau những nụ cười dễ chịu, dù ngôn ngữ chẳng hiểu nhau.
Anh Cần có người con gái út ở
thành phố này, từ mấy hôm trước anh đã gọi điện thoại
cho con nhờ giữ hộ phòng nơi một cái khách sạn gần nhà, vì thế từ ga chúng tôi
kêu tắc xi về thẳng nhà Hằng. Đường phố cũ kỹ, nhiều nơi còn có cả ổ gà đọng từng
vũng nước mưa từ đêm trước. Người tài xế tắc xi già, giống như đường sá ở đây,
vừa lái xe vừa than vãn về nỗi nhọc mệt phải lao động ở cái tuổi đáng lẽ phải
được nghỉ ngơi. “Thời buổi đảo lộn hết, đã về hưu rồi mà không tiếp tục cày thì
không biết lấy gì mà sống...” Đây là một người đang gặp khó khăn và bất mãn với
các thay đổi của đất nước Nga. Nhưng khi anh Cần hỏi ông có mơ ước trở lại chế
độ cộng sản không, thì ông ta trả lời ngay: “Không, không bao giờ.” Tuy phải cực
khổ trong cơn giao thời nhưng có lẽ ông ta cảm thấy cái tự do mà ông ta đang hưởng
là cái “được” quá lớn lao trước kia ông không thể nào mơ tới.
Mấy con đường ổ gà đã khiến tôi liên tưởng đến sự
kiện thành phố này là một cố đô, thường là một nơi bị quên lãng. Tiếng cố đô tạo một cảm giác buồn buồn. Một thời
vàng son đã qua, thành quách và con người sống với cái bóng của dĩ vãng nhiều
hơn là sự rực rỡ của hiện tại và hứa hẹn về tương lai. Từ một điểm cao nhìn xuống,
cố đô Saint Petersburg với con sông Neva chảy qua trông phảng phất như kinh
thành Huế. Dĩ nhiên đó chỉ là một cái nhìn rất tổng quát, từ xa, các chi tiết mờ
nhạt đủ để làm niềm vương vấn cũ phủ lên cây cối, nhà cửa, sông nước... đủ để gợi
nên cái khí vị chung của đất đế đô xưa, dù ở tại những nơi khác nhau trên thế giới.
Huế của chúng ta từ lâu cũng là cố đô, nhưng trước
1975 vẫn là một thành phố có sức sống và nhất là luôn luôn giữ được cái phong
cách quý phái của mình, cả thành phố, nhà giàu cũng như nhà nghèo, đều có một vẻ
sạch sẽ phong quang, cả con sông, hàng cây, cái cầu cho đến đồi núi đều tươm tất
trong một hài hòa mỹ thuật. Huế đẹp và thơ là nhờ tâm hồn và cách sống tĩnh tại
của người dân tại đây, đã được đào luyện trong nếp sống vương giả một cách
thanh đạm trong khoảng một trăm năm mươi năm nơi đây chính thức là kinh đô cho
cả nước. Nhưng khi tôi trở lại Huế vào năm 1989 trong một hình hài tơi tả sau
mười mấy năm tù đày thì ngạc nhiên thấy Huế còn tơi tả hơn cả tôi. Một thành phố
rách rưới, xuống cấp, bạc nhược, một nơi xinh đẹp nề nếp ở một trình độ cao là
thế mà nay trở thành quê không ra quê, tỉnh không ra tỉnh. Một thứ văn hóa thấp
kém, ô trược từ bên kia bờ Bến Hải tràn vào đã thay thế vẻ thanh tao thuở xưa.
Buổi chiều nắng chang chang tôi ngao ngán nhìn mấy con bò đang gặm cỏ trên những
bãi cỏ nay đã xơ xác tiêu điều đầy phân trâu bò bên bờ sông Hương chỗ gần cầu
Tràng Tiền, thấy thấm thía cái tai hại của công việc phá hoại trong một bản
năng u tối. Bất cứ điểm văn minh nào con người xây dựng được - cho dù rất cỏn
con, như tạo một vườn cỏ xanh tươi cắt xén ngay ngắn bên bờ sông - cũng phải
qua một quá trình dài trưởng thành để vươn đến cái hoàn bị, sự sống lành mạnh của
mỗi thế hệ không gì khác hơn là cố giữ vững những thành tựu cũ để xây dựng nên
những cái mới. Tạo ra một mớ ảo tưởng về một cái mới bánh vẽ để phá hoại không
nương tay những thành tựu cũ chính là việc tự sát văn hóa, mà Huế cuối thập niên 80 đã phơi bày dưới
mắt tôi như một nạn nhân thảm thương.
Từ việc thăm cố đô này mà lại nhớ đến cố đô kia.
Đó chỉ là một chút lãng mạn do lòng hoài cựu. Dù sao cố đô Saint Petersburg
cũng đã một thời đổi thành tên Leningrad, và sự thôi thúc của một đời sống thay
đổi toàn diện cũng đã tạo cho thành phố này một nội dung khác, ít ra cũng tích
cực hơn là một chốn cố đô hắt hiu những vang bóng một thời. Từ bao thập niên
Leningrad vẫn là thành phố thứ nhì của Liên Bang Xô Viết sau Moscow. Ga xe lửa
rộn rịp, mạng xe điện ngầm tối tân tấp nập, phố xá tràn ngập người vẫn là dấu
hiệu của một đời sống tích cực, bên cạnh các đền đài xưa cũ lúc nào cũng đông
khách đến thăm. Về điểm cái cũ và cái mới cùng tồn tại cạnh nhau, Saint
Petersburg phần nào giống Paris. Có sự tương đồng trong kiến trúc, trong nghệ
thuật, nhưng nếu những lâu đài và dấu tích lịch sử của Paris đã được giữ gìn và
bảo trì liên tục suốt lịch sử của nó để trình diện khách thập phương trong một
niềm hãnh diện bình thường như nó vẫn có từ hồi nào đến giờ thì tại đây, St
Petersburg, có nhiều dấu hiệu ngỡ ngàng của tình trạng mới được phục chế. Phục
chế con người, phục chế ý thức về văn hóa, phục chế chính các cơ sở kiến trúc
quý giá đã một thời gian dài bị bỏ bê khi rẻ. Bắt đầu làm lại một nếp sinh hoạt
truyền thống cũ thì sao khỏi sự gượng gạo, nhưng đó là điều bắt buộc để học lại
cách sống đời thường sau bảy mươi năm dân tộc này bị dắt rẽ đi vào một lối đi
khác với con đường nhân loại vẫn đi từ khi nó có mặt trên dương gian.
Nga hoàng Peter Đại đế đã xây dựng St Petersburg
vào năm 1703, đến năm 1712 thành phố này chính thức trở thành kinh đô của nước
Nga và giữ vị trí đầu não ấy mãi đến khi cuộc cách mạng vô sản thành công. Những
người cộng sản thiên đô về Mạc Tư Khoa từ năm 1918, và đổi luôn tên St
Petersburg thành Leningrad - thành phố mang tên Lenin, lãnh tụ cộng sản Nga thời
bấy giờ. Nếu ngôi sao trên tháp Rùa Hà Nội một thời đã là bản sao một cách
nghèo nàn tội nghiệp các ngôi sao trên đỉnh tháp tại công trường Đỏ, thì sự đổi
tên Sài Gòn ra thành phố Hồ Chí Minh lại là một kiểu nhái theo đàn anh một cách
chẳng ngượng ngùng của cộng sản Việt Nam, những người tự cho mình là học trò
trung thành và xuất sắc của cộng sản Nga. Nhưng khi cái đầu não tạo ra tinh thần
nô lệ ấy đã bị đập nát tại chính quốc, thì cái tên cũ Saint Petersburg đã ngay
lập tức được phục hồi để thay thế tên Leningrad, biểu tượng cho sự lầm lẫn điên
rồ gớm ghiếc nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Trong khi đó thì tại Việt Nam
khuynh hướng chung trong dân chúng thích dùng tên cũ Sài Gòn hơn là tên mới, và
thảng hoặc nếu có dùng thi người ta tự động loại bỏ bớt phần sau, chỉ gọi gọn lỏn
là “thành phố” thôi, nên tuy đó là “thành phố mang tên bác” nhưng tên bác chỉ
được hiểu ngầm.
St Petersburg là một thành phố đẹp mang nhiều
nét cổ kính hùng tráng. Trải hơn hai trăm năm là kinh đô của vương triều một đế
quốc Nga hùng mạnh, thành phố này mang trong nó nét huy hoàng và lớn lao riêng
biệt. Con sông Neva chảy qua chứa đầy sức sống chứ không hiền dịu ẻo lả như
sông Hương. Sông rộng, nước đầy ắp soi bóng những đền đài cung điện hai bên bờ.
Sống ở miền Nam California bán sa mạc không có sông, tất cả nguồn nước sinh hoạt,
kể cả để tưới cây - trong vườn, trong công viên hay những loại “cây dại” ven
các xa lộ - đều dùng nguồn nước dẫn từ xa về, tôi vẫn luôn luôn mang một cảm
giác “cằn cỗi” nơi chính mình và môi trường quanh mình. Một lần đi Washington
DC, nhắm nhìn sông nước và nhất là cây cối bên đó, khi quay về miền Little
Saigon của tôi, ngay khi chưa chạm mặt đất tôi đã cảm thấy chạm với sự khô cằn
rồi. Đâu phải là vùng này thiếu cây cối, công viên đầy cây, ven đường đầy cây,
nhưng khi đã ngắm nhìn những tàn cây xanh mướt lá ánh lên sự óng ả của vùng đất
thủ đô rồi thì cây ở Quận Cam chỉ như “vạt tóc nâu khô” xơ xác so với mái tóc
dày, mịn, mềm mại và sáng rực sức sống của vùng miền Đông kia. Nên khi đối diện
với con sông Neva mênh mông đầy ắp nước đang thong thả tuôn ra biển Baltic cách
đó không xa, lòng tôi nổi lên một nỗi rạo rực mê đắm như bắt gặp nguồn cội của
sự tràn đầy, thênh thang. Tôi không hiểu gì về khoa phong thủy, nhưng khi đã đi
qua những nơi như thành phố Hoa Thịnh Đốn hay St Petersburg thì cảm thấy được
vì sao người ta chọn những nơi ấy để làm kinh đô cho những nước lớn như Hoa Kỳ
hay Nga. Ngoài yếu tố vị trí và lịch sử, đó phải là nơi mà đất và nước tương
tác nâng đỡ nhau để làm một tổng thể hài hòa phì nhiêu tươi nhuận. Kinh đô một
nước phải là nơi đủ tiềm năng để đại diện và cưu mang linh hồn lẫn thể xác của
quốc gia dân tộc đó, một điều khó lý giải một cách rõ ràng, chỉ có thể cảm nhận
qua sự độ lượng, vững vàng và phong phú của đất và nước một vùng. Một nơi như
Hollywood - cũng ở vùng Nam California - chỉ có thể làm kinh đô điện ảnh, một loại kỹ
nghệ sản xuất tổng hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật, chứ chắc không ai nghĩ vùng
đồi trọc thiếu nước ấy lại có thể là thủ đô của nước Mỹ được.
Cung Điện Mùa Đông nằm trên hữu ngạn sông Neva,
nay là viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng Hermitage. Thực ra Hermitage đã có mặt
tại đây từ năm 1764 do nữ hoàng Catherine sáng lập như là một phòng sưu tập
tranh riêng của mình, chỉ chiếm một phần nhỏ của cung điện. Dưới triều vua
Nicolas I, Hermitage được tái thiết và mở rộng, biến thành một bảo tàng dành
cho công chúng, vào năm 1852. Nhưng từ sau năm 1917, cả Cung Điện Mùa Đông trở
thành bảo tàng, sau khi quân Bôn-sê-vích xông vào bắt tất cả thành phần chính
phủ Nga hoàng đang làm việc tại đây.
Đây là bảo tàng nghệ thuật vào loại rất lớn, chiếm hầu hết các phòng của cung điện. Tính chất vương giả của kiến trúc triều đình xưa còn lưu lại rất rõ nét trên từng cái phù điêu, trên những cái cầu thang lên lầu uốn cong một cách tráng lệ, và phòng ốc cao vút, thênh thang, ở đây trưng bày rất nhiều danh họa của Tây Âu từ thời Trung cổ cho đến hiện đại, về điểm này thì Hermitage ở St Petersburg cũng không khác gì mấy với Louvre ở Paris. Nhưng các tác giả Nga cũng nhiều, và đặc biệt có cả mảng nghệ thuật của vùng Trung Á mà chúng ta ít khi được thấy ở những nơi khác.
Cây cột đá
nguyên khối trong sân Cung điện Mùa Đông
Nhưng những tác phẩm bằng đá của Nga mới là cái
thực sự làm cho tôi kinh ngạc và xúc động. Những công trình và nghệ phẩm bằng
đá của Nga rất nhiều, hoặc lớn lao hoành tráng, hoặc tinh xảo lạ lùng, với các
màu sắc đẹp chưa từng thấy. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ là trong thiên
nhiên có chế tạo sẵn các loại màu sắc đẹp lạ như vậy, và đá lại có thể là một tặng
phẩm đầy tình tứ đến thế của tạo hóa trao cho con người. Tôi biết chắc ngôn ngữ
của tôi không đủ sức để mô tả các màu sắc trên các loại đá ở Nga, chỉ biết tán
thán là nó phong phú và rực rỡ như từ một thế giới thần thoại bước vào thế giới
loài người. Màu sắc được lai tạo của hoa tulip bên Hòa Lan đã là lạ, có thể coi
là kỳ quan cho nhãn giới của con người, nhưng đó là loại màu sắc phô diễn sớm nở
tối tàn, trong khi tiếng nói màu sắc của đá thì vừa rực rỡ vừa thâm trầm hùng
tráng một cách vĩnh cữu. Trong cuộc tiến hóa hàng triệu triệu năm của quả đất,
sự pha chế nên những khối đá và màu sắc của chúng có lẽ đã diễn ra âm thầm và đầy
tình cờ, thiên niên kỷ này thêm chất A, trăm ngàn năm khác do một đột biến nào
đó lại có chất B trộn vào, rồi nhiệt độ khi lên khi xuống khiến cho hình thù và
sắc màu trở nên thiên biến vạn hóa. Nhưng tất cả muôn ngàn biến hóa đó đều diễn
ra trong câm lặng và tối tăm, trong một nguyên khối im lìm ôm chặt. Chỉ khi có
bàn tay của con người nhúng vào thì hình dáng và màu sắc mới mở ra. Giống như lịch
sử của trái đất hay vũ trụ này: không có sự hiện diện của con người thì đâu có
gì? Không Thượng Đế, không Ngọc Hoàng, không Thiên Tào Bắc Đẩu, không thiện
không ác, không cả thế giới hữu hình lẫn vô hình... tất cả đều xuất hiện với
con người và đều là sản phẩm của con người. Chưa có con người với nhân tính dần
dần thành hình qua một quá trình rất dài thì tất cả đều là mù tối, giống như
muôn màu sắc tuyệt diệu nằm im lìm hàng triệu năm giữa lòng trái núi đá.
Tác phẩm đá ngọc
bích
Nhưng mà người Nga đã mó vào đá, và đã hóa phép
ra vô số kỳ công. Sao đất nước này lại có lắm thứ tài nguyên đặc biệt này đến
thế? Vừa cứng vừa nặng vừa kềnh càng, phải đổ bao nhiêu công sức ra mới thưởng
thức được cái phẩm cách ẩn giấu khó khăn của nó. Bạn có đứng bên cạnh cây cột
đá cao vút nguyên khối trên sân của Cung Điện Mùa Đông bạn mới bàng hoàng tự hỏi
làm sao “cắt” nguyên một khối đá to lớn như thế từ trong núi, rồi gọt đẽo, rồi
vận chuyển qua bao đường bộ đường sông để đem về đây nguyên vẹn dựng lên đứng sừng
sững như muốn nhờ khối đá nói hộ cho một loại ý chí của con người. Bạn có đối
diện với những vách ốp đủ loại đá màu sắc hài hòa, những bình, những vại, mâm bồng
với đường kính từ một đến hai ba mét bằng đá khổng tước, bích ngọc, lam ngọc,
hoàng ngọc... những bức khảm đá, những cây cột đá mỗi cây một màu vây tròn lấy
các tháp gác chuông... bạn sẽ có cảm giác không chỉ đối diện một bức tranh hài
hòa với màu sắc hoàn toàn thiên nhiên, mà còn có cảm tưởng như đang nghe, vâng
nghe rất rõ, một khúc giao hưởng vang lừng kỳ bí phát ra nơi từng phiến đá, những
tiếng vi vu vang âm vẳng đến từ hàng triệu năm tồn tại. Đá là loại vật liệu
nguyên chất xưa cũ nhất, chỉ đá mới có thể cho chúng ta nghe về quá khứ mịt mù
thẳm sâu của quê hương quả đất này. Hãy lắng nghe, thì sẽ nghe được tiếng nói
đó của một thứ quá khứ khó tưởng tượng nổi, nó dài hơn lịch sử của loài người
nhiều, khi đứng chiêm nghiệm trước một khối đá đã được con người phả vào một
linh hồn, và từ đó, một ngôn ngữ.
Chỉ sau khi đi thăm Hermitage và nhà thờ Saint
Isaac tại đất cố đô này tôi mới có dịp khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới lạ
đối với tôi: đó là đá của người Nga. Phải nói rằng người Nga rất thích đá, dĩ
nhiên là đá quý, nhất là tầng lớp quý tộc và trí thức
thì hình như thật sự có nỗi đam mê cái đẹp vừa ẩn tàng, vừa hiển lộ này. Đây là
cái đẹp đòi hỏi phải có sự tham dự tối đa của bàn tay con người, vừa phải có sức
mạnh, sự khéo léo, và cả nghệ thuật nữa, mới làm bộc lộ ra được. Giống như triển
lãm hoa, hằng năm có nhiều cuộc triển lãm đá ở Nga, thu hút rất đông người đến
xem. Nước này có rất nhiều loại ngọc và đá quý, từ kim cương, hồng ngọc, bích
ngọc, cương ngọc (corundum)... cho đến khổng tước thạch (malachi), mã não thạch
(agat), lam bảo thạch (còn gọi lam ngọc - saphia) v.v... Những loại đá thông dụng
như đá hoa cương (granit), cẩm thạch (marbre) v.v... đa dạng, đủ các màu sắc với
các loại vân kỳ ảo thì nhiều vô số kể. Vùng núi Ural là nơi tập trung đủ loại
đá quý, còn ở vùng Baltic thì hổ phách rất nhiều, thậm chí có khi sau một lần
biển động, người ta ra bờ biển, nếu may mắn có thể nhặt những tảng, những hòn hổ
phách lớn do sóng đẩy vào bờ. Đi mua đồ kỷ niệm ở Nga, bạn nên lưu ý đến những
vòng đeo cổ cho phụ nữ kết bằng đá, màu sắc và hình dáng phong phú một cách
không ngờ, nhưng đó chỉ là những dạng thu nhỏ cái phong phú vô cùng mênh mông về
đá quý của xứ này. Tôi nhớ trong Hermitage có một phòng trang trí toàn bằng đá
Khổng tước (màu lông công), óng ánh, huyền ảo như có một bầy công đang phùng
xòe đuôi và cánh ra mà đón tiếp mình. Anh Cần kể cho tôi ở Hoàng Thôn, tức Làng
Vua (một địa điểm trong vùng phụ cận St Petersburg), trong một cung điện có một
phòng Hổ phách (chắc là đá ốp và vật dụng trong phòng toàn bằng hổ phách) rất nổi
tiếng, nổi tiếng đến nỗi quân phát xít Đức đã cướp nguyên cả phòng mang về Đức,
nhưng rồi nó biến mất luôn, sau chiến tranh người Nga ra sức truy tầm mà không
hề thấy dấu vết. Ngày nay trong thời kỳ hậu cộng sản, chính quyền và dân chúng
Nga đang cố gắng phục chế lại phòng hổ phách quốc bảo lộng lẫy và lừng lẫy một
thời. Nhiều nhà kinh doanh Nga, và cả các cá nhân và tổ chức ở Đức cũng đã đóng
tiền giúp cho công cuộc phục chế này.
(Trích từ
bút ký đi Nga, đã đăng trên báo Thế Kỷ 21 số 143, tháng Ba 2001)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét