Một trong những
bất ngờ lớn trong năm 2016: Donald Trump
đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.
REUTERS/Shannon Stapleton
Có lẽ sẽ
không ngoa chút nào khi đánh giá năm 2016 là “năm kinh khủng”, như Victor Hugo
đã từng ví cho năm 1871, năm mang đậm dấu ấn của cuộc xâm lăng Đức và thời kỳ
Công xã Paris. Nhưng năm 2016 cũng phong phú những sự kiện ngoài dự đoán mà
chúng ta có thể xem đấy như là năm của mọi sự bất ngờ. Vì sao?
Ông Renaud Giraud trên mục Ý kiến độc giả của báo Le Figaro ngày
20/12/2016 điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm qua và đề xuất hai hướng
đi cho ngành ngoại giao Pháp.
Brexit khai màn
Bất ngờ thứ
nhất chính là Brexit. Thông qua lá phiếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, cử
tri Anh quốc đã quyết định chấm dứt 43 năm chung sống với Liên hiệp Châu Âu. Mối
họa tan rã dần dần Liên hiệp Châu Âu lăm le xuất hiện. Kết quả của cuộc bỏ phiếu
này trước hết thể hiện sự nổi dậy của người dân Anh chống lại tầng lớp lãnh đạo.
Hiện tượng bất mãn này giờ trở nên phổ biến ở khắp các quốc gia phương Tây.
Đúng như mô
tả của nhà địa lý học Christophe Guilluy, toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình
đẳng và tạo ra một sự chia rẽ xã hội và lãnh thổ ngay trong lòng xã hội phương
Tây, giữa một bên là vài khu đô thị hội nhập tốt với toàn cầu hóa và bên kia là
những vùng phụ cận rộng lớn, những vùng thiệt thòi của sự toàn cầu hóa. Về mặt
chính trị, những khu vực này bỗng trở nên náo nhiệt do một cơn phẫn nộ chống lại
tầng lớp ưu tú, bằng cách chỉ dựa vào đòi hỏi một chính sách bảo hộ và đường
biên giới.
Donald Trump và chính sách đối ngoại
với Nga và Trung Quốc
Cũng chính
cơn phẫn nộ đó là nguyên nhân của một sự bất ngờ thứ hai trong thế giới
Anglo-Saxon: Thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi
tháng 11/2016. Người ta đã lầm khi nghĩ rằng chiến thắng của ông Trump sẽ là sự
khởi đầu của một bước ngoặt chuyên chế của Hoa Kỳ.
Nhưng sự gắn
kết vào quyền và tự do chính là nền tảng về bản sắc chính trị người
Anglo-Saxon. Khi bỏ phiếu chọn Trump, cử tri Mỹ không mong muốn đoạn tuyệt với
nền dân chủ, mà chối bỏ tầng lớp lãnh đạo của họ nhưng vẫn ở lại trong cái
khung nền dân chủ.
Trong chính
sách đối ngoại, cũng chính làn gió thực tiễn đó đang thổi qua ba cường quốc
quân sự phương Tây. Theresa May (Anh), Donald Trump (Mỹ) và Franҫois Fillon (Pháp) chia sẻ ý tưởng là đã đến lúc nối lại quan hệ ngoại
giao với Matxcơva.
Mặt khác, một
sơ đồ ngược so với tình hình năm 1972 đang được thiết lập tại Washington: Vào đầu
những năm 1970, Nixon và Kissinger xích lại gần với Trung Quốc để chống Liên
Xô, thì ngày nay, Trump sẽ tìm cách xích lại gần Nga, để chia rẽ nước này với
Trung Quốc.
Rodrigo Duterte, bất ngờ lớn thứ ba
Việc Mỹ xích
lại gần Nga trở nên khẩn cấp cũng do một bất ngờ lớn thứ ba trong năm 2016: Tiến
triển chính trị của Philippines hướng đến sự chuyên chế. Tháng 5/2016, Rodrigo
Duterte có xu hướng dân túy đã đắc cử tổng thống và tung ra một chiến dịch bài
trừ ma túy ngoạn mục. Một chiến dịch chà đạp lên tất cả các nguyên tắc Nhà nước
pháp quyền.
Những người
tiêu thụ chất gây nghiện bình thường tại các khu ổ chuột đã bị các biệt đội tử
thần bắn hạ một cách lạnh lùng. Bề ngoài, ông Duterte đang dẫn đất nước đi đến
sự sụp đổ. Hoa Kỳ đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ chống lại chính sách được
cho là phản tác dụng. Nhưng những lời chỉ trích này chẳng mang lại một chút tự
do nào cho người Philippines, mà còn dẫn đến việc định hướng lại chính sách đối
ngoại của Manila.
Trên thực tế,
Philippines vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ kể từ khi giành được độc lập, nay
ông Duterte đã quyết định chấm dứt mối quan hệ đặc quyền này và xích lại gần với
Trung Quốc. Việc mất đồng minh Philippines đã gây chao đảo thế cờ tại vùng Đông
Nam Á.
Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ hạ màn
Bất ngờ thứ
tư, tấm bản đồ Trung Đông đang được nắn lại do sự lật ngược ngoạn mục tình hình
Syria theo hướng có lợi cho chế độ Bachar al Assad. Tháng 9/2015, quân nổi dậy
Syria, được phương Tây, các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tưởng có thể
chiếm được Damas. Nhưng chính sự can thiệp của Nga đã cứu chế độ trong đường tơ
kẽ tóc và cho phép tái chinh phục Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Giờ
thì Nga đang thay thế Hoa Kỳ đóng vai quốc mẫu trong khu vực.
Cũng trong
vùng này, cú đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 do một nhóm binh sĩ quân đội,
có liên hệ với giáo phái Gulen thực hiện đã tạo nên mối bất ngờ lớn thứ năm.
Thất bại của cuộc đảo chính này đã tạo cơ hội cho tổng thống Erdogan củng cố
quyền lực và dẫn đến một chiến dịch thanh trừng lớn chưa từng có, vượt ra khỏi
phạm vi giáo phái Gulen.
Được củng cố
ở trong nước và mong muốn giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, ông Erdogan với cái nhìn
thực dụng đã thực hiện thành công một cú hòa giải ngoạn mục với Nga, khép lại
trang quan hệ song phương năm 2015 do vụ không quân Thổ bắn hạ chiến đấu cơ
Nga. Vụ ám sát đại sứ Nga tại Ankara hôm thứ Hai 19/12/2016 có lẽ chẳng làm
thay đổi tình thế.
Bài học nào cho ngoại giao Pháp?
Bài học nào
cần được rút ra từ một năm như thế cho nền ngoại giao Pháp? Tác giả cho rằng có
hai hướng chủ đạo.
Thứ nhất là
phải có óc thực tiễn. Trước sự bất ngờ, cần có sự mềm mỏng và thực dụng, như
hình ảnh của những con báo. Hãy xem xét thực tế như chính bản thân nó: chúng ta
không nên tự khép mình trong một khuôn khổ cứng nhắc, từ bỏ việc lên lớp đạo đức
để chỉ tỏa sáng bằng chính tấm gương của mình, hãy xem xét vấn đề trên phương
diện tính hiệu quả và bảo tồn các lợi ích của Pháp.
Thứ hai là độc
lập quốc gia. Trong một thế giới ngày càng bấp bênh, nơi mà sự bất ngờ và ngẫu
nhiên làm chủ, ngay chính những đồng minh lâu đời nhất, họ cũng chỉ có thể sống
sót, đối phó được với những điều bất ngờ bằng cách dựa vào chính sức lực của
mình.
M.A.