Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Lê Phan: ‘Ich bin ein Berliner’

Ðó là lời tuyên bố của cố Tổng Thống John F. Kennedy hồi Tháng Sáu, 1963. Và đó cũng là một trong những bài diễn văn được coi như là hay nhất của một trong những vị tổng thống Hoa Kỳ nổi tiếng về tài hùng biện. Bài diễn văn đó đã là một món quà tuyệt vời cho người dân Berlin, lúc đó đang sống bao vây bởi Ðông Ðức và luôn lo sợ sự xâm lăng của chế độ Cộng sản. Trước một cử tọa 450,000 người, Tổng Thống Kennedy nói, “Cách đây hai ngàn năm, lời khoe tự hào nhất là ‘civis romanus sum’ (tôi là một công dân La Mã). Hôm nay, trong thế giới tự do, lời khoe tự hào nhất là ‘Ich bin ein Berliner?’… Tất cả những người tự do, dầu họ sống ở đâu, đều là công dân của Berlin, và do đó, là người tự do. Tôi tự hào để tuyên bố ‘Ich bin ein Berliner!’”
Gần nửa thế kỷ sau, đối với nhiều người dân Berlin, một chữ vẫn luôn luôn đi kèm theo thành phố của họ, chữ đó vẫn là “tự do.” Tự do muốn làm gì thì làm, sống cách nào thì sống và yêu ai bạn muốn. Thành ra khi ông đô trưởng của thành phố, ông Michael Mueller gọi cuộc tấn công vào khu Chợ Giáng sinh Breitscheidplatz là một cuộc “tấn công vào tự do của chúng ta,” ông muốn nói đây là một cuộc tấn công vào bản chất của thành phố.

Mà quả thật vậy, Berlin và Berliner có những cá tính đặc biệt.
Ở một khía cạnh nào đó, Berlin không giống như là chúng ta tưởng. Mới bước chân tới phi trường Tegel, chúng ta có cảm tưởng bước chân tới một thành phố nhỏ, không phải là thủ đô của cường quốc lãnh đạo của Tây Âu. Thành phố Berlin gọn gàng, không trải rộng, nhưng vẫn làm cho người ta cảm thấy thoải mái, không chật hẹp. Những năm khi bị Ðông Ðức bao vây đã khiến Berlin không bành trướng đã đóng góp một phần cho sự nhỏ bé của Berlin. Nhưng tuy không to lớn đồ sợ bằng Frankfurt hay Hamburg, Berlin có phong thái của một thủ đô. Những đại lộ rộng lớn, những khải hoàn môn, và tòa nhà quốc hội mới, được dựng lại trong cái khuôn của tòa nhà Reichstag cũ, tất cả đều là những biểu tượng hùng hồn của một thủ đô.
Ông Ðô Trưởng Mueller đã nói lên được tâm sự người dân Berlin khi ông nói đây là một cuộc tấn công vào tự do của họ. Và đó cũng là lý do tại sao nhiều người Berlin nói họ từ chối không để cho khủng bố làm họ sợ hãi, mặc dầu có lý do để sợ hãi.
Nghi phạm chính là Anis Amri, một công dân Tunisia 24 tuổi, đến Ðức vào Tháng Bảy năm 2015 với tư cách xin tỵ nạn. Trong vòng một năm sau đó, đơn xin tỵ nạn bị bác nhưng vẫn được tiếp tục ở lại. Nếu quả thật Amri là nghi phạm, thì sẽ có nhiều người hỏi nhà chức trách Ðức: Tại sao chưa bị trục xuất?
Có nhiều lý do pháp lý tại sao không thể trục xuất một người mà đơn xin tỵ nạn chính trị đã bị bác bỏ, chẳng hạn như chưa có đủ giấy tờ, hay nếu quốc gia nguyên thủy của người này không nhận hắn trở về. Trong trường hợp Amri, các viên chức Ðức nói Tunisia từ chối không chịu nhận hắn là công dân. Mãi đến nay thì họ mới chịu nhận nhưng đã quá trễ. Có khoảng 160,000 đang sống ở Ðức với quy chế tương tự. Những người chống di dân muốn trục xuất họ. Những nhóm ủng hộ dân tỵ nạn nói họ sống trong một tình trạng vô tổ quốc – không kiếm được công ăn việc làm, chỉ có quyền tạm cư, và không có tí triển vọng có một tương lai nào cả.
Nhưng nay thì Amri đã bị bắn chết ở Ý.
Dầu sao chăng nữa, đây là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nay nó sẽ trở thành một sự nhức đầu cho chính phủ của Thủ Tướng Angela Merkel.
Một câu hỏi quan trọng nữa là an ninh. Niềm yêu thích tự do của dân Berlin cũng có thể có nghĩa là tự do không để nhà nước theo dõi mình. Và đó là lý do tại sao camera của các hệ thống CCTV, vốn được cho phép ở các nơi khác ở Ðức, bị cấm ở những nơi công cộng của thành phố Berlin.
Vì cuộc tấn công này, chính phủ nay đang thúc đẩy một đạo luật mới cho phép có thêm nhiều camera an ninh hơn. Nhiều cảnh sát cũng sẽ được triển khai và còn có những đề nghị đang bị tranh cãi đưa thêm quân đội đến để tăng cường.
Ðòi hỏi tự do của người dân Berlin khiến ngay cả sau cuộc tấn công, sự hiện diện của cảnh sát vũ trang, tuy có, nhưng không nhiều như các nơi khác. Ngay ngày hôm sau xảy ra cuộc tấn công, tôi đi lang thang trong thành phố, nhưng số cảnh sát và cảnh sát vũ trang vẫn thưa thớt. Ngay cả ở các nhà ga của các hệ thống xe điện ngầm của thành phố cũng thỉnh thoảng mới thấy bóng cảnh sát. Thật là khác hẳn Paris. Khi vụ tấn công ở Nice xảy ra, thành phố Paris tràn ngập cảnh sát, gendarme, vũ trang đầy đủ.
Người bị áp lực nhiều nhất vì vụ này là Thủ Tướng Merkel. Bà đã bị gắn liền với một lập trường ủng hộ di dân nhiều hơn là bất cứ một chính trị gia Âu Châu nào khác. Báo chí Anh Mỹ thường nói bà chủ trương mở cửa cho di dân. Thực ra không hẳn thế. Bà đã điều đình cho Liên Hiệp Âu Châu một thỏa thuận để gửi di dân từ Hy Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã giúp giảm đáng kể số di dân. Dĩ nhiên là các nhóm giúp dân tỵ nạn đã phản đối thỏa thuận này.
Và để giữ cho dân tỵ nạn không tràn vào Ðức, bà đã ngưng áp dụng thỏa thuận Schengen giữa Áo và Ðức, tạm thời mở lại hàng rào biên giới. Chính phủ của bà cũng đang tìm cách đưa ra những luật mới giảm thiểu trợ cấp cho những di dân ngay bên trong khối Liên Hiệp Âu Châu.
Thực ra bà đã có một chủ trương ôn hòa, duy trì niềm tin của bà là Ðức có trách nhiệm nhân đạo để giúp những người tỵ nạn thực sự – không khác bao nhiêu lập trường của đa số dân Ðức. Nhưng trong giai đoạn di dân ào ạt đổ vào, trước khi đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, một số những cuộc bầu cử địa phương đã cho thấy sự chiến thắng của đảng chống di dân Alternative for Germany (AfD). Bà Merkel và AfD đã trở thành kẻ thù không đội trời chung. Bà cáo buộc họ là thúc đẩy hận thù và chia rẽ xã hội. Họ tổ chức các cuộc biểu tình với những tấm biểu ngữ vẽ bà bàn tay nhuốm máu. Ðây là hai cực đang chia rẽ xã hội Ðức.
Vấn đề di dân nay đã là một vấn đề phân hóa xã hội Ðức như là Brexit ở Anh Quốc hay là kiểm soát vũ khí ở Hoa Kỳ.
Cho đến nay, cuộc tấn công vào chợ Giáng Sinh có vẻ đang làm cho khoảng cách chính trị đó lớn hơn, chứ không phải đột nhiên tạo một sự thay đổi ý kiến trong dân chúng.
Riêng người dân Berlin còn tức giận hơn nữa không những vì cuộc tấn công đã nhắm vào một ngôi Chợ Giáng Sinh, một thứ đặc thù của nhân dân Ðức, mà còn vì nó nhắm vào ngôi chợ ở Breitscheidplatz. Ngôi chợ Giáng Sinh này không phải là ngôi chợ lớn nhất thành phố, cũng không phải là nơi đông đảo người đến nhất. Nằm trong quảng trường bao quanh nhà thờ nổi tiếng Tưởng Niệm Hoàng Ðế Wilhelm vốn đã bị bỏ bom trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, ngôi chợ này đa số người đến uống rượu và ăn xúc xích hơn là đi chợ tết.
Khu chợ này đã là nơi đông vui phồn thịnh từ thời còn Tây Berlin. Ở Tây Berlin, nó cũng nổi tiếng như Time Square của New York hay Piccadilly Circus của Luân Ðôn. Sau khi thống nhất, khu này tuy không còn đông vui như trước, nhưng vẫn quan trọng. Bởi đây là nơi có ngôi nhà thờ mà chính thức được gọi là Nhà thờ Tưởng Niệm Hoàng Ðế Wilhelm. Khánh thành vào năm 1985, rất xa cách Ðệ Nhị Thế Chiến, nó được xây dựng để ăn mừng chiến thắng của Ðức trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ.
Nửa thế kỷ sau, khi bom của đồng minh rơi xuống ngôi nhà thờ này năm 1943, hình ảnh sắc cạnh của những ngọn tháp bị sụp một phần đã là biểu tượng cho điều mà người Ðức tự gọi là “sự điên cuồng” của họ. Sau chiến tranh, Ðông Ðức xây dựng lại các di tích lịch sử, hy vọng xóa đi ký ức của Ðức Quốc Xã. Nhưng dân chúng Tây Berlin giữ lại nhà thờ bị bỏ bom này như là một chứng tích của lịch sử, một chứng tích cho sự tàn phá và khủng bố mà người Ðức đã tự mang đến cho chính mình, một sự nhắc nhở hàng ngày đừng bao giờ quên.
Chính bên trong ngôi nhà thờ bị bỏ bom mà cái tháp vẫn còn nguyên đó, Thủ Tướng Merkel, Ðô Trưởng Michael và các quan chức đã dự thánh lễ tưởng niệm những nạn nhân của cuộc khủng bố.
Berlin đã trải qua rất nhiều trong thế kỷ qua, kể cả tàn phá, chia rẽ, độc tài, và bị phong tỏa. Thành ra người dân Berlin là những kẻ cứng rắn, can trường. Chắc chắn là họ sẽ không để cho bị dọa dẫm để từ bỏ lối sống của họ. Chỉ một ngày sau cuộc tấn công, khoảng 60 cái chợ Giáng Sinh đã mở cửa lại. Và người ta vẫn thản nhiên đi mua sắm, uống Gluhwein (rượu mùi ngày Giáng Sinh) và ăn xúc xích.
Và chính vì vậy tôi cũng muốn bắt chước Tổng Thống Kennedy để nói với người dân Berlin: “Ich bin Ein Berliner!”