Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016
An Tôn - VOA: Các luật sư: Án oan do cơ chế nặng về kết tội
Bộ trưởng Công an Việt Nam nói “động cơ không trong sáng” và “non yếu về nghiệp vụ” là những điểm yếu của các cán bộ công an dẫn đến các vụ án oan sai. Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng cơ chế tố tụng, tư pháp thiên lệch về kết tội là nguyên nhân quan trọng.
Theo báo chí Việt Nam, trong một
cuộc họp báo hôm 21/12, nói về một số vụ oan sai trong thời gian qua, Thượng tướng
Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ ra những nguyên nhân là cán bộ điều tra có
“động cơ không trong sáng”, cũng như “thiếu giác ngộ về luật pháp, non yếu về
nghiệp vụ”.
Bộ trưởng Lâm nói thêm có một
nguyên nhân khách quan khác là hiện nay một cán bộ điều tra phải giải quyết rất
nhiều vụ án. Ông cho biết “trung bình một năm mỗi cán bộ điều tra thụ lý 10 vụ
án… Cá biệt, có địa phương, một điều tra viên phải điều tra 50 vụ án một năm”.
Bộ trưởng Công an nói số vụ án
oan chỉ chiếm “tỷ lệ rất nhỏ” trong hàng vạn vụ án đã được khám phá. Song ông
khẳng định “lực lượng công an cũng không thể chấp nhận được việc để xảy ra oan
sai đối với người vô tội” vì “làm oan cho người dân tức là vi phạm luật pháp”.
Thời gian qua,
báo chí đã đưa tin về một số vụ án oan gây chấn động dư luận Việt Nam. Trong
đó, nổi bật là các ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long từng bị
kết án tử hình vì tội giết người trong các vụ án riêng rẽ rồi sau đó được minh
oan nhờ các nỗ lực của gia đình và luật sư.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với VOA
rằng lỗi của các điều tra viên chỉ là một phần nguyên nhân. Ông cho rằng nguyên
nhân quan trọng là cơ chế tố tụng và pháp lý của Việt Nam có “thành kiến với
nghi phạm”:
“Nguyên nhân chính là cái quan
điểm, lề lối làm việc của các cơ quan tư pháp. Người ta sử dụng các lời khai để
kết tội. Các quy định pháp luật hiện tại cũng còn những cái bất cập. Mặc dù vụ
án không hề có nhân chứng hay vật chứng kết tội, nhưng người ta vẫn kết tội được
do sử dụng lời khai và lời khai cũng được coi là chứng cứ để kết tội. Chế định
tư pháp chưa giúp bênh vực, bảo vệ các quyền của bị can, bị cáo. Mà quy trình,
thủ tục tư pháp nặng về giúp cho việc kết tội”.
Luật sư Trai phân tích về những
việc cần làm để tránh án oan sai:
“Ví dụ như quyền im lặng chẳng
hạn, đấy là một cách thức phòng tránh, giúp cho tránh bức cung, nhục hình để
giúp tránh oan sai. Hoặc là quy định về ghi âm, ghi hình khi thực hiện việc hỏi
cung. Nó là chế định mới để giúp phòng tránh án oan sai nhưng lâu nay chúng ta
cũng chưa có làm. Hoặc là vai trò của luật sư phải lớn hơn. Lâu nay vai trò luật
sư yếu kém quá. Hành lang pháp lý có nhiều rào cản cản trở luật sư quá”.
Trong khi đó, luật sư Phạm Công
Út cho rằng một trong những biện pháp có thể giúp ngăn ngừa án oan sai là tách
việc tạm giam, tạm giữ và việc hỏi cung ra cho những cơ quan khác nhau quản lý
thay vì để cho Bộ Công an quản lý cả hai. Ông Út cũng nêu ra một nguyên nhân
sâu xa là công tác tuyển sinh, đào tạo người cho ngành công an:
“Cơ chế cần phải thay đổi cái
khâu tuyển dụng, bởi những người hoạt động tư pháp là những người phải có tâm,
có tài. Các ngành công an, kiểm sát, tòa án, đặt biệt là ngành công an thì vấn
đề lý lịch một người nào đấy vào ngành công an đó là điều đầu tiên đặt ra chứ
người ta chưa nói đến cái tài hay cái tâm. Do đó là đã loại trừ đi những con
người có thể là thực tài, có khả năng bẩm sinh trong hoạt động điều tra phá án.
Chuyện đó đã hạn chế người tài đi vào ngành đó. Do đó, nếu thay đổi cơ chế này
thì nó thay đổi được hình ảnh làm án oan hay không”.
Bộ trưởng Công an cho biết
trong năm 2016, bộ của ông đã điều tra khám phá gần 43.000 vụ phạm pháp hình sự;
bắt giữ xử lý trên 80.000 đối tượng, cao hơn so với năm 2015. Cùng với đó, có gần
17.000 vụ tội phạm kinh tế đã bị phát hiện, xử lý. Về các vụ án ma túy, công an
đã phá án gần 19.000 vụ với hơn 28.000 đối tượng phạm tội về ma túy đã bị bắt
giữ.
A.T.