Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016
Trong chiến dịch cứu trợ các đồng bào vùng lũ lụt ở miền Trung vừa qua, có thể thấy một sự không cân sức trong lượng tiền cứu trợ đổ về khu vực nghèo khó nhất của Việt Nam từ chính phủ và xã hội dân sự.
Theo Đời Sống Pháp Luật, Mặt Trận Tổ Quốc
Việt Nam đã quyên góp được từ các cơ quan nhà nước trên 6 tỷ đồng cho nhân dân ở
vùng lũ miền Trung trong đó văn phòng chính phủ đóng góp 360 triệu đồng và bộ Kế
Hoạch Đầu Tư đóng góp 450 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền này còn kém xa con số
mà các tổ chức dân sự độc lập quyên góp được.
MC Phan Anh là một ví dụ điển hình khi anh
nhận được sự đóng góp lên tới 16 tỷ đồng chỉ sau vài ngày kêu gọi quyên góp cho
nạn nhân lũ lụt ở miền Trung. Theo VietNamNet đưa tin, MC Phan Anh của truyền
hình Việt Nam có kế hoạch giúp 100 hộ dân trong vùng lũ nhưng với số tiền quyên
góp ngoài mong đợi đã mở rộng quy mô hỗ trợ lên tới 4 xã, tương đương 4.000 hộ
dân.
Không những chỉ quyên góp tiền, nhiều người
trong số họ cũng như MC Phan Anh, đã đến tận vùng lũ để giúp đỡ bà con bị cô lập
trong lũ. Sự tham gia của xã hội dân sự vào công tác cứu trợ nhân đạo, nhất là
trong đợt lũ này, đang làm cho vai trò của họ trở nên quan trọng. VOA Việt Ngữ
không thể tìm được con số thống kê tổng hợp số tiền do các tổ chức này quyên
góp.
Nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng là một
trong những người kêu gọi quyên góp cho đồng bào lũ lụt miền Trung qua
Facebook. Anh nói với VOA Việt Ngữ sau khi cùng một nhóm các nhà hoạt động đến
vùng lũ lụt:
"Tôi thấy rằng thứ nhất là sự tham
gia của xã hội dân sự cũng như những người dân bình thường, nhất là những người
nổi tiếng có uy tín với việc cứu trợ đồng bào bị thiên tai là cực kỳ quan trọng.
Bởi vì bây giờ chúng ta không thể dựa vào chính quyền – mà chính quyền họ làm
thì người dân mới được cứu. Cái này cần cả toàn xã hội."
Theo truyền thông trong nước, trận lụt giữa
tháng 10 đã làm ít nhất 25 người thiệt mạng và phá hủy cũng như nhấn chìm hàng
nghìn căn nhà ở miền Trung. Quảng Bình và Hà Tĩnh là 2 tỉnh bị thiệt hại nặng nề
nhất.
Anh Dũng nói nạn tham nhũng và chậm chễ
trong hoạt động cứu trợ của chính quyền là điều cho thấy sự cần thiết và quan
trọng của sự tham gia của xã hội dân sự và người dân trong công tác cứu trợ:
"Cái việc mà khi mọi người tham gia
vào và mọi người lại kêu gọi được nhiều hơn cả Mặt Trận Tổ Quốc thì đây là 1 điểm
rất là mới – một điểm rất là phấn khởi về các hoạt động dân sự của Việt
Nam."
Với sự phổ biến rộng rãi của các trang mạng
xã hội, nhiều tổ chức dân sự và nhất là các nghệ sỹ, nhà báo, doanh nhân đã kêu
gọi quyên góp từ mọi tầng lớp trong xã hội trên khắp đất nước để ủng hộ tài chính
cho những nạn nhân vùng lũ.
Vai trò của xã hội dân sự đã trở nên nổi bật
ở Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ sau thảm họa cá chết ở miền
Trung. Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức từ các trang mạng xã hội bởi các nhóm
dân sự và họ đã đóng góp tiếng nói rất lớn để kêu gọi chính quyền xử lý việc
công ty Formosa xả thải độc hại ra biển. Tuy nhiên, gần đây một tiến sĩ có tên
tuổi của Việt Nam, Đoàn Hương, lại cho rằng mạng xã hội, nhất là Facebook, là “ảo”
và 1 nửa số lượng người dùng là hạng “vô công rồi nghề.” Nhà hoạt động nhân quyền
Dũng không đồng ý với quan điểm đó. Anh nói Facebook là một mạng xã hội hữu
ích:
"Tôi nghĩ rằng đây không phải là mạng
ảo mà đây thực sự là mạng thực – mạng rất là thực bởi vì ở đây toàn là những
người thật việc thật và họ nói những việc rất trung thực và chính xác."
Theo số liệu thống kê của Statista.com, số
người dùng Facebook ở Việt Nam sẽ đạt gần 40 triệu vào năm 2018, tăng hơn 5 triệu
so với năm nay. Với số lượng người dùng mạng xã hội ngày càng tăng ở Việt Nam,
vai trò của tổ chức dân sự cũng trở nên quan trọng trong nhiều lĩnh vực.