Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016
Thu Hằng/RFI: Không chỉ Đức, cả thế giới sợ đầu tư Trung Quốc
Đồng bảng Anh, nhân dân tệ, đô la Hồng Kông,
đô la Mỹ và đồng euro. Ảnh
minh họa.REUTERS
Chính phủ Đức mới đây đã ngăn chặn Quỹ Đầu Tư Phúc Kiến của
Trung Quốc (Fujian Grand Chip Investment Fund, FGC) mua lại một cơ sở của công
ty điện tử Aixtron. Quyết định này cho thấy Berlin cảm thấy bị đe dọa trước những
khối lượng đầu tư của Trung Quốc, tính trong sáu tháng đầu năm 2016 đã lên đến
10 tỉ euro.
Trong số ra ngày 27/10/2016, Le Figaro nhận định trên
trang nhất, nỗi sợ này không chỉ có riêng ở Đức mà « thói háu ăn của
Trung Quốc khiến cả thế giới lo sợ ». Chưa hết năm 2016, các nhà đầu
tư Trung Quốc đã chi đến 200 tỉ đô la để đầu tư và mua lại các doanh nghiệp nước
ngoài trong mọi lĩnh vực. Con số thống kê sơ bộ này đã khiến nhiều quốc gia
châu Âu giật mình và tăng cường kiểm soát, mà Đức là ví dụ mới nhất.
Tuy nhiên, phải nói là Trung Quốc « háu ăn »
nhưng có chọn lọc. Tại Pháp chẳng hạn, theo bài xã luận của Le Figaro, các nhà
đầu tư Trung Quốc chi nhiều tỉ đô la trong các lĩnh vực nguyên tử, hóa học,
công nghệ robot, khách sạn, trang trại trồng nho sản xuất rượu hay câu lạc bộ
bóng đá.
Vậy « còn ai khác sợ đầu tư Trung Quốc ? ».
Trước hết, phải kể đến Úc. Theo Le Figaro, chỉ riêng quốc gia Thái Bình Dương
này đã thu hút đến 1/3 tổng số đầu tư ra ngước ngoài của Trung Quốc. Ngay từ cuối
thập niên 1990, Úc là một trong những điểm đầu tư được các doanh nghiệp Trung
Quốc ưa chuộng nhất, dưới sự chỉ đạo của trung ương, để thâm nhập vào nguồn tài
nguyên. Sau đó, Bắc Kinh nhắm đến lĩnh vực chăn nuôi và hệ thống điện lực. Tuy
nhiên, gần đây, Canberra đã nhanh chóng ngăn chặn một số thương vụ vì lý do an
ninh quốc gia.
Việc các tập đoàn Trung Quốc đổ vốn vào kinh đô điện ảnh
Hollywood khiến công luận Mỹ lo ngại. Còn Berlin phải chịu thua trước tập đoàn
Midea của Trung Quốc khi mua lại công ty Kuka, nổi tiếng trong lĩnh vực robot với
các khách hàng quan trọng như Airbus, Audi hay Mercedes.
Nhận thấy sự phản kháng của các nước phương Tây, tại thượng
đỉnh G20, tổ chức đầu tháng 09/2016, ở Hàng Châu, Bắc Kinh đã « mở lời »
mời các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nước bắt đầu
tính đến việc tăng cường về mặt pháp lý để có khả năng kiểm tra các thương vụ.
Đây cũng chính là nhận định của bài xã luận trên Le Figaro : « bảo
vệ mô hình tự do không đồng nghĩa với « ngây thơ » ». Hoa Kỳ
hiểu rõ điều này khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Pháp và một số nước khác
cũng có những điều khoản đặc biệt để bảo vệ các lĩnh vực được cho là nhạy cảm.
Trung Quốc dùng tiền mua kiến thức
và ảnh hưởng
Nhìn từ Trung Quốc, chiến lược đầu tư của Bắc Kinh được
Le Figaro cho là để « tìm kiếm bí quyết và ảnh hưởng », đồng
thời tăng cường ảnh hưởng của chủ tịch Tập Cận Bình đối với những cơ cấu nhà nước
quan trọng, trong đó có lĩnh vực kinh tế.
Theo giải thích của chuyên gia kinh tế Hồ Tinh Đẩu (Hu
Xing Dou), thuộc đại học Công Nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc « có ngân quỹ
hơn 3.000 tỉ đô la » phục vụ cho « những đầu tư sinh lợi ở nước
ngoài, trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng có ít cơ hội » do nền
kinh tế chững lại. Không còn hài lòng là « công xưởng của thế giới »,
Bắc Kinh tìm cách bổ xung những gì còn thiếu : kinh nghiệm-bí quyết và các
thương hiệu nổi tiếng mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Đam mê đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh nằm trong chiến
lược quy mô hơn nhằm khẳng định vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực.
Với việc thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài nước, Trung Quốc tham gia vào hội
đồng quản trị và có thể tác động đến chiến lược của các doanh nghiệp phương
Tây. Một mục tiêu cơ bản là để cải thiện hình ảnh của cường quốc thứ hai thế giới,
mà thường được gọi là « quyền lực mềm » : một khi
nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng (các câu lạc bộ bóng đá hay các công ty sản
xuất phim ảnh ở Hollywood), người ta buộc phải nhắc đến các tập đoàn Trung Quốc.
« Chính phủ Trung Quốc phản ứng
ngay lập tức nếu một doanh nghiệp không được phép kí kết hợp đồng » theo nhận định của một
chuyên gia kinh tế về châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis. Anh Quốc là ví dụ điển
hình. Cuối tháng 07/2016, khi thủ tướng Theresa May đưa ra ý định hoãn quyết định
về nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, đại sứ Trung Quốc tại Anh, tức giận, đã
dùng ngôn từ ngoại giao công khai dọa bà về việc trả đũa thương mại. Cuối cùng,
Luân Đôn đành chấp nhận để tổng công ty điện hạt nhân CGN Trung Quốc tiếp tục đầu
tư với tập đoàn EDF của Pháp vào dự án điện nguyên tử.
Đòn trả thù của tổng thống
Philippines với thượng nghị sĩ đối lập
Vẫn tại châu Á, tổng thống Philippines bị cộng đồng quốc
tế lên án vì chiến dịch bài trừ những kẻ buôn ma túy mà không cần xét xử. Ông
không ngần ngại miệt thị bất kỳ ai lên tiếng chỉ trích, từ tổng thống Mỹ Barack
Obama đến Liên Hiệp Châu Âu.
Tiếng nói phản đối cũng nảy sinh ngay trong nội bộ
Philippines, mà người phản ứng dữ dội nhất là nữ thượng nghị sĩ Leila de Lima,
luật sư và từng giữ chức bộ trưởng Tư Pháp trong chính phủ tiền nhiệm. Theo đặc
phái viên Le Monde, trong buổi phỏng vấn bà Lima tại Manila, tổng thống Duterte
công khai đe dọa nữ thượng nghị sĩ : « Đừng có đấu với
tôi, bà sẽ thua ! »
Thực ra, mối « hận thù » giữa hai chính
trị gia có lâu, trước khi thị trưởng Davao trở thành tổng thống Philippines.
Năm 2009, khi luật sư Lima phụ trách một ủy ban nhân quyền nhà nước, bà đã muốn
điều tra về « phi đội tử thần » Davao Death Squad khiến hơn
1.000 người chết trong vòng hai thập kỷ. Và cựu thị trưởng « đã không
quên vụ này ».
Sau khi ông Duterte lên làm tổng thống, « bản tổng
kết chết chóc » còn trầm trọng hơn, với hơn 3.600 người bị sát hại vì
cảnh sát hay vì những biệt đội tử thần. Giữa tháng 09/2016, bà Leima đưa Edgar
Matobato, một cựu sát thủ thuộc nhóm Lambada Boys ở Davao, ra làm chứng trước
Thượng Viện. Nhân chứng này thuật lại những vụ sát hại dã man, như ném một người
cho cá sấu ăn thịt, được nhận lệnh trực tiếp từ « Charlie Mike »,
bí danh của thị trưởng Davao. Từ khi trở thành tổng thống, phương pháp bài trừ
những kẻ buôn bán ma túy, từ quy mô địa phương, đã được mở rộng hoạt động trên
phạm vi toàn quốc.
Dĩ nhiên, tổng thống Duterte không khoanh tay chịu thua.
Hàng loạt vụ điều tra được tiến hành nhắm vào thượng nghị sĩ Lima. Ngay trong
chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng viên Duterte cáo buộc bà « ngoại
tình » với lái xe riêng, trong khi người này lại là trung gian với tội
phạm buôn ma túy đang bị giam ở nhà tù nổi tiếng New Bilibid để chuyển tiền bẩn
ủng hộ chiến dịch tranh cử thượng nghị sĩ của bà Lima. Người đứng đầu nhà nước
Philippines không ngần ngại tuyên bố : « Bà ấy không chỉ ngủ
với lái xe riêng mà còn lừa phỉnh cả nước ».
Chưa dừng ở đó, Hebert Colangco, một kẻ cầm đầu băng trộm
cắp từng bị bà Lima triệt hạ khi còn làm bộ trưởng Tư Pháp, được mời đến làm chứng
chống lại bà. Trong phiên điều trần được truyền hình trên các kênh quốc gia,
người này đã công bố số điện thoại riêng của thượng nghị sĩ. Ngay lập tức bà nhận
được hơn 2.000 tin nhắn chửi rủa và đe dọa.
Trả lời phóng viên của Le Monde, bà công nhận mình « không
phải là một bậc thánh ». Ngoài bác bỏ những cáo buộc trên, bà cho rằng
tổng thống Duterte cố tình dựng chuyện để bà mất tín nhiệm và « ông ta
bị ám ảnh bởi ý định tiêu diệt tôi ».
Thỏa thuận CETA buộc Liên Hiệp Châu
Âu suy nghĩa lại cách hoạt động
Thỏa thuận tự do mậu dịch Canada-Liên Hiệp Châu Âu lẽ ra
sẽ được phê chuẩn ngày 27/10/2016. Tuy nhiên, ý kiến phản đối của vùng
Wallonie, Bỉ, buộc lễ ký kết phải lùi lại, « dù không chính thức bị hủy
bỏ » theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.
Còn trang nhất của Le Monde thì đánh giá, thêm một cuộc
khủng hoảng cho thấy « mặt trái chính trị » của Liên Hiệp Châu
Âu và chứng tỏ khối này đang bất đồng và suy yếu như thế nào. Ngày 23/06/2016,
việc người dân Anh rũ áo rời ngôi nhà chung đã phá vỡ huyền thoại xây dựng một
khối đoàn kết. Vẫn theo Le Monde, việc không ký được thỏa thuận CETA đã làm tê
liệt hoàn toàn động cơ châu Âu và buộc thực thể này « phải suy nghĩ lại
cách hoạt động ».
Về chủ đề này, trong bài viết « Thỏa thuận
EU-Canada bị tạm ngừng vì phủ quyết của vùng Wallonie », Le Figaro nhận
định thêm một hạt cát trong cỗ máy mà khối 28 nước tưởng như chạy suôn sẻ, việc
kéo dài thời gian từ phía vùng Wallonie của Bỉ là một nỗi đau của châu Âu.
Bị yếu đi vì Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp, bị chia rẽ vì
cuộc khủng hoảng di dân vẫn chưa có lối thoát và bất lực trước nước Nga trong
cuộc chiến tại Syria, Liên Hiệp Châu Âu từng muốn biến thỏa thuận CETA thành biểu
tượng đột phá cho sức tăng trưởng và chính sách mở rộng với thế giới. Thế
nhưng, cộng đồng châu Âu lại bị dính vào những bất đồng của hệ thống chính trị
nội bộ và những tranh giành thể hiện « cái tôi » tại Bỉ.
Người Mỹ gốc Cuba tìm về nguồn cội
Sau khi Hoa Kỳ và Cuba tuyên bố xích lại gần nhau, những
người từng bỏ trốn ra nước ngoài vì chống chế độ Castro đã có cơ hội tìm về nơi
chôn rau cắt rốn.
Bài phóng sự « Người Mỹ gốc Cuba khám phá lại quê
hương » của Le Figaro cho biết sau chừng 1,2 triệu du khách Canada,
khoảng 500.000 người Mỹ gốc Cuba đã trở lại hòn đảo. Cách nhìn của người Cuba tị
nạn và người Mỹ gốc Cuba đã thay đổi từ hơn 10 năm nay. Làn sóng tị nạn đầu
tiên sau cuộc Cách Mạng, chủ yếu là những người phản đối chế độ Castro, tay trắng
rời đất nước. Hiện số này không còn nhiều, nhưng con cái họ vẫn giữ nguyên định
kiến về chế độ.
Trong những năm gần đây, chủ tịch Raul Castro đã chìa bàn
tay với cộng đồng này ở Miami và giải thích rằng thời thế đã thay đổi so với từ
đầu Cách Mạng. Phải nhấn mạnh rằng nguồn ngoại tệ mà những người Cuba sống ở nước
ngoài gửi về cho gia đình lên đến 3 tỉ đô la mỗi năm. Đây là nguồn thu nhập thứ
hai của La Habana sau việc cung cấp dịch vụ y tế cho Venezuela và Brazil.
Ngoài việc giúp đỡ gia đình, người gốc Cuba ở Miami còn
là những nhà đầu tư chính cho các hoạt động kinh tế đời thường và bất động sản.
Không có những nhà đầu tư này, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, nằm trong dự
án được chủ tịch Raul Castro phát động, có lẽ đã không tồn tại.
Để thể hiện sự khác biệt với người dân địa phương, người
Mỹ gốc Cuba không uống bia do Cuba sản xuất mà uống bia ngoại Corona, đắt gấp
hai lần. Theo bài phóng sự của Le Figaro, đây là biểu tượng của sự giầu có và
thể hiện đẳng cấp của người Mỹ gốc Cuba.