Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Ngự Thuyết: Đà Lạt

(Tiếp theo bài đăng lần trước, Chủ nhật 16-10-2016) 
III 
Đà Lạt và tuổi thơ ấu của nó cứ thế trôi qua cho đến một ngày đầu mùa mưa, đầu mùa đá dế, năm 1945. Thật ra những năm tháng trước đó cũng có một số biến động mà nó chẳng hiểu đâu vào đâu. Chẳng hạn bỗng dưng xuất hiện những đoàn quân Nhật trông dữ dằn, nói năng toàn cái giọng nạt nộ. Bọn Tây trước kia dữ không kém, nhưng đến lúc đó lại đổi tính, "hiền từ ra phết", chữ của mẹ. Rồi "đùng một cái", cũng chữ của mẹ nó, Nhật làm sếp, Tây biến đi đâu mất cả, và nó được nghỉ học mấy ngày. Rồi một buổi sáng chủ nhật nó xin phép bố cho lên chơi với thằng bạn học ở trên Cây Số Bốn. Nó lên đó bắt dế. Mấy mùa dế đã qua mà nó không tài nào kiếm cho ra một con dế thật hay. Nó ngồi bệt xuống đất nhớ con dế lửa thân yêu ngày nào. Bỗng nhiên nó thấy chị người làm từ xa hớt hơ hớt hải chạy tới kêu nó về nhà gấp. Nó đứng dậy theo về lòng bồn chồn lo lắng. Rồi từ lo lắng đến hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Trên nhiều con đường, đường cái, đường đất, đường mòn, đường dốc, dưới thung lũng, trên sườn đồi... đổ về thành phố, lũ lượt những đoàn người đi hàng một, tay cầm dao, rựa, xà beng, gậy. Có cả mọi cầm nõ trông oai nhất. Hai bên đường, trước cửa mọi nhà, bày ra những thúng cơm vắt, thịt kho, muối mè. Vài người ghé tạt vớ nắm cơm, miếng thịt rồi vội chạy theo cho kịp đoàn người. Về đến nhà nó cũng thấy cơm vắt, thịt kho mẹ nó bày ra trước cửa từ hồi nào. Sau đó nó được biết ta đem quân đi vây Nhật ở Nhà Đèn. Phải có lương thực đầy đủ để đi “đánh giặc”. Đánh nhau hai ngày thì phải, ta chết mất mấy người; Nhật bên trong Nhà Đèn chết nhiều hơn, người ta bảo thế, nhưng vẫn cứ lì lợm không chịu trả Nhà Đèn cho ta.

Nó không biết cuộc chiến về sau kết thúc như thế nào, chỉ thấy bố và vài người bạn thân thường nhỏ to chuyện trò một cách bí mật. Nó rất tò mò muốn biết có chuyện gì, mon men đến gần nghe lóm thì bị bố đuổi "đi nơi khác chơi!" Thế mà có một lần nó nghe được lõm bõm vài câu: 
"Hết tuần lễ vàng tới tuần lễ bạc, sắp kiệt quệ rồi. Anh còn chịu nổi nữa không?"
"Không chịu nổi cũng phải ráng chịu, ai sao mình vậy." 
"Lại còn cái chuyện này, tại sao không gọi ông ấy là ông Minh mà gọi là cụ Hồ. Nghe nói ông ấy chưa già mấy mà. Trẻ hơn ông anh của tôi đó anh!" 
Nghe được chừng đó nó lại bị đuổi đi nơi khác chơi.
Sau đó có lệnh tạm đóng cửa trường. Bố mẹ lo âu “xoắn vó”. Gia đình nó "lên đường chạy giặc”. Bố mẹ chị và nó cùng với tất cả những gì có thể mang theo đều được chất đầy một chiếc xe ngựa tháo chạy. Một dây thừng buộc vào cổ một con ngựa khác theo sau để luân phiên tiếp sức cho con ngựa kéo đằng trước chạy trên những con đường rất dài. Nó bé dại ngu ngơ - bạn học cùng lớp đều lớn hơn nó ít nhất vài tuổi cũng thường bảo nó ngu - chẳng hiểu tại sao khi không lại bỏ nhà mà đi. Hình như người ta sắp đánh nhau thì mình phải chạy đi nơi khác mà người lớn gọi là tản cư. Thế là được nghỉ học một thời gian, tốt quá. Có lâu bằng nghỉ hè hay không, nó băn khoăn. Chiếc xe rời bỏ ngôi nhà, giã từ Đà Lạt lúc trời chưa sáng, hướng về phía Trại Mát, Cầu Đất. Bố mẹ khác hẳn mọi ngày, ít nói, không vui, chị thì cũng có vẻ muốn im lặng, chú đánh xe lầm lì, chỉ một mình nó sung sướng. 
Nhưng vui sướng hơn cả nó là con Ba Tô, một "nhân vật" rất quan trọng đối với nó, có thể một phần nào thay thế cho con dế lửa đã “bay” đi đâu mất mấy năm rồi. Đó là con chó mới lớn, có bộ lông láng lẩy, phần lông hướng lên trời thì đen, hướng xuống đất thì vàng, nghĩa là lưng đen, bụng vàng, mỏ cũng dài, hơi nhọn, hai tai cũng nhọn và dài và đứng thẳng, mà cái lưỡi cũng dài luôn có chấm chấm mấy cái bớt đen, bốn chân thì khỏi nói, dài hơn cả cặp giò của nó, thân hình và cái đuôi lại cũng dài dài, và rất đặc biệt là đuôi nó thẳng ro chứ không cuốn tròn như đuôi con chó vàng hàng xóm - những chi tiết ấy khắc sâu vào trí nhớ bé thơ của nó. 
Lúc mới gia nhập vào gia đình nó, con Ba Tô bé như con heo con, được nó bồng đi chơi quanh vùng. Nhưng con chó khôn lớn nhanh hơn nó nhiều, chỉ một thời gian ngắn, ngắn là bao ngắn nó không nhớ, đã biến thành con ngựa cho nó cưỡi trên lưng. Con ngựa không yên cương, không biết ăn cỏ, mà chàng kỵ sỹ thì không đeo cung, không mang gươm, nằm dài trên lưng ngựa má áp sát vào lớp lông cổ mịn màng nghe mùi là lạ, hôi hôi, thơm thơm, hai tay ôm chặt lấy cổ ngựa, hai chân quắp cứng vào bụng ngựa. Thế mà ngựa vẫn có thể chạy được mươi bước. Kỵ sĩ tí hon và con ngựa Ba Tô quấn quýt nhau, chơi đùa nhau.  
Thường lệ thì hễ cả nhà đi đâu, bố đều khóa trái hai cánh cửa lớn, con Ba Tô ngoan ngoãn ở lại giữ nhà. Sáng hôm tản cư con Ba Tô trở chứng. Nó chạy ra vỉa hè sủa dăm ba tiếng, rồi chạy vào nhà ngửi chân người này, hít tay người nọ, liếm mặt nó, rồi chạy ra ngoài hè sủa tiếp. Cứ thế mấy chục lần. Mà sủa khơi khơi thế thôi, chứ có người nào đến đứng lảng vảng trước cửa nhà mình rình rập dòm ngó đâu. Cuối cùng khi đồ đạc đã chất lên xe xong, bố định đóng cửa khóa lại, con Ba Tô nhất định không chịu chạy vào nhà nữa. Thằng bé hiểu ngay nói với bố Ba Tô cũng muốn "tản cư". Bố như sực nhớ ra bảo thế là phải lắm, bố quên khuấy đi mất, phải cho Ba Tô đi theo với chứ. Nó muốn cho con Ba Tô lên xe, nhưng bố lừ mắt. Mẹ nói nhỏ vào tai nó, không được mô con, người ta con thấy đó còn phải gánh gồng chạy bộ, mình chở chó coi mô được. Nó không đồng ý nhưng đành tạm chịu thua cái đã. 
Chiếc xe ngựa quá nặng nề, cồng kềnh, có thêm “con ngựa xơ cua” chạy theo sau. Trong xe hết chỗ thì treo lủng lẳng hai hông xe đủ thứ hăm bà lằng. Xe không thể chạy nhanh, cho nên Ba Tô không những đuổi theo dễ dàng mà còn thừa sức tung tăng chạy rẽ ra nơi này nơi khác dòm dòm ngó ngó, ngửi ngửi khịt khịt, rồi co một cẳng sau lên đái tỉnh bơ. Thấy Ba Tô lần đầu tiên được đi xa nhà chạy nhảy loạn xạ, thằng bé đâm lo, năn nỉ:
"Bố ơi, ngừng xe lại bắt con Ba Tô lên để con ôm nghe bố. Con sợ nó chạy mất."
Bố hơi gắt:
"Không mất đâu. Chó không bao giờ lạc đường. Cứ để nó chạy theo như rứa là được rồi."
Thằng bé không dám nói thêm. Nó không hiểu tại sao con Ba Tô đái nhiều quá thế. Hở một chút là đái một chút. Chút ít thôi. Đái vào cột đèn đường, vào gốc cây. Có khi đái cả vào thềm nhà, tường nhà người ta, bị người ta đuổi, co giò chạy tiếp. Nó hỏi, bố bảo Ba Tô đi đường xa thì đái rắc. Nếu là trước kia, nó còn hỏi nhiều, chẳng hạn đái rắc nghĩa là gì, tại sao bây giờ nẩy ra cái kiểu đái mới mẻ ấy, chứ thường ở nhà lâu lắm con chó mới đái một trận dài. Thằng bé thường dẫn con chó đi ỉa đi đái nên biết rõ điều ấy hơn ai cả. Nhưng buổi sáng hôm đó bố mẹ, và cả người đánh xe ngựa đều khó hiểu, có vẻ như không ưa nó nói lý láu huyên thuyên, nó đành câm miệng. Ngồi lắc lắc, giật giật trên xe thật đã, lại được nhìn cảnh lạ đường xa, nhưng mắt nó không quên chăm chú dõi theo từng điệu bộ của Ba Tô mà lòng vừa lo âu vừa vui sướng lây.
Một lần khi xe chạy ngang qua một tòa nhà lớn, sau này nó biết đó là Nhà Ga Đà Lạt, rồi trèo ì ạch lên một trái đồi nhỏ thông xanh trùm đến ngọn, rồi đổ nhanh xuống một thung lũng cây cỏ um tùm, nó không thấy tăm hơi của Ba Tô đâu cả. Nó đứng lên ngồi xuống không yên trên chiếc gối dày cộm mẹ dành riêng cho nó, mắt thì bắt đầu cay sè, môi run run.  Chị nó liếc thấy bực mình bảo nó đừng mu khóc, đừng són nước đái ra đó, dị lắm. Thì may quá, Ba Tô vụt phóng ra từ một lùm cây, miệng đang ngoạm một con gì đó, chắc là con chuột bự, hay con thỏ rừng, hay con chồn. Chỉ loáng một cái, con Ba Tô đuổi kịp xe, lại còn dư sức chạy qua mặt một đoạn, rồi đứng lại ngoảnh đầu, vẫy đuôi, chờ.  Trên những con đường lạ hoắc, Ba Tô cứ thế khi có khi không, khi còn khi mất, chơi trò cút bắt với nó. Quả thế, mỗi khi con chó xuất hiện, mắt chó và mắt nó luôn luôn gặp nhau. Vui quá!  Nhiều lần Ba Tô mất dạng khá lâu, nó quýnh lên, bố lại nhắc con Ba Tô ham đuổi chim đuổi chồn, không sao hết. 
Đi hơn nửa ngày xe dừng ngựa đổi, con ngựa chạy theo sau được cho ra đằng trước, và ngược lại. Cơm nắm, muối mè, tôm kho, thịt kho được mẹ mang bày ra ăn.  Ngựa cũng được tháo dây cương cho gặm cỏ ven đường. Mọi người ăn uống vội vã cho qua bữa. Bố tuy lặng lẽ nhưng không giấu được nét lo âu, mẹ trông như một tảng nước mắt sắp vỡ òa, chị không lớn tuổi hơn nó nhiều nhưng vẫn giữ bình thản, chú đánh xe vẫn lầm lì như hồi sáng. Riêng nó nhiều lúc hoảng hốt thấy rõ. Hoảng hốt không phải vì chạy giặc, mà vì không thấy Ba Tô đâu cả. Người ta còn đi lạc nữa là. Nó từng bị lạc đường đến nửa ngày khi đi bắt dế trên Cây Số Sáu hè năm ngoái. Huống là chó, nó nghĩ thầm.  
                Cả nhà, tuy không ai nói ra, đều có ý chờ Ba Tô. Chờ lâu quá không thấy.  Nắng đã chiếu nghiêng nghiêng, buổi chiều chưa tới, mà núi rừng bắt đầu lạnh.  Sương từ mặt đất dâng lên làm khó thấy những ngọn đồi gần. Đồi xa thì chịu thua, chìm nghỉm trong mù. Núi cũng vậy, vì núi còn xa hơn nữa. Vài ba chiếc xe ngựa tản cư chở đầy người và đồ đạc chạy trên cùng con đường đã qua mặt chiếc xe chở gia đình nó.
“Coi tề, ai nấy đều hớt hơ hớt hải như con gà mở cửa mả. Mấy người trên những chiếc xe ngựa kia cũng như trên xe mình, trừ chú bé ra”, chú đánh xe thì thầm vào tai nó nói thế. 
Chẳng hiểu gì cả, nhưng đoán đó là lời khen, nó càng thích chí. Bỗng nó thấy từ xa một người gánh một gánh tới. Đó là người đàn bà gầy gò trong chiếc áo len màu nâu cũ rích có nhiều lỗ thủng, đi chân đất, oằn lưng dưới cái đòn gánh cong như vòng cung, một đầu gánh gồm nồi đất, bịch gạo, mấy củ khoai, mấy trái chuối, áo, quần, mền, chiếu, và những thứ khác mà nó không biết là cái gì, đầu kia, trong cái thúng lớn, hai đứa bé nhỏ hơn nó nhiều ngồi đâu lưng vào nhau, lem luốc, khóc nhè, mũi thò lò thụt vô lòi ra như hai con sâu rọm. Người đàn bà lần từng bước đi ngang qua, tay trái đè lên phần trước của chiếc đòn gánh cong vòng, tay phải vói ra đằng sau níu chiếc gióng lên.  Hai cái thúng quá nặng, đu đưa, khiến người đàn bà đi cà giựt, cà giựt. Mấy chị người làm đêm đêm sắp hàng hứng nước nơi cái vòi máy nước công cộng gần nhà nó, nó nhớ, gánh hai thùng nước đầy mà vẫn đi một cách nhẹ nhàng, nhịp nhàng. Vậy thì cái gánh của người đàn bà này chắc nặng hơn nhiều, nó đoán. Chú đánh xe ngựa bỗng dưng hết lầm lì, ngứa miệng la to:
"Mới ra khỏi nhà hả?  Bỏ bớt đồ đi, đừng ham hố."
Người đàn bà làm như không nghe, tiếp tục bước. Chú đánh xe tự nhiên cười lãng xẹt:
"Có bỏ bớt đồ tui cũng không thèm lượm đâu mà sợ. Chị thấy đó, xe tui đã đầy ứ rồi. Tui biết trước sau cũng phải bỏ bớt đồ lại. Bỏ trước khun hơn bỏ sau."
Người đàn bà quay đầu nhìn. Chú đánh xe nhe răng cười nham nhở:
"Tui dám cá giỏi lắm là lết lên nửa cái dốc đằng kia chị bỏ lại hết. Con cũng bỏ luôn cho mà coi."
Chú đánh xe vừa nói dứt, người đàn bà đột ngột đứng lại, hạ đôi thúng, quăng mạnh cái đòn gánh qua một bên, ngồi bệt xuống đất, quắc mắt nhìn chú một cách dữ dội. Rồi cúi đầu ôm mặt. Hình như khóc. Hai đứa con nít có lẽ bị thốn đít vì cái thúng đụng đất mạnh quá, khóc ré lên như vừa bị ai nhéo. Chú đánh xe đến thế mà cũng chưa chịu tha:
"Quay về nhà cho rồi. Tui nói thiệt, không ai thèm ngó tới chị đâu mà sợ."
Tự nhiên mẹ đưa tay ôm lấy ngực, rồi nước mắt chảy ướt hai bên má, khóc không ra tiếng. Nó ngơ ngác nhìn mẹ. Bố bảo mẹ mau nước mắt. Nó thì đoán bệnh khóc là bệnh hay lây, bệnh đái cũng vậy, tụi nhỏ thường bảo nhau thế, "bệnh đái là bệnh hay lây - thấy thằng khác đái mình bày chim ra". Thấy hai đứa con nít khóc, mẹ khóc lây chứ gì. Bố thở dài  bảo tất cả lên đường. Nó vội nhắc cho bố biết con Ba Tô chưa chạy theo kịp mà. Bố nghiêm mặt. Thế là nó riu ríu trèo lên xe, cố cầm nước mắt, sợ chị chọc quê, sợ bố bạt tai. Mẹ nó buồn bã nhìn nó, đứng về phe nó, nó biết, nhưng không hiểu sao mẹ vẫn im lặng không chịu nói giúp cho nó một tiếng. Biết đâu có mẹ nói bố sẽ bằng lòng chờ con Ba Tô. Nó nghĩ thầm hễ có rừng núi là có ma quỷ, rắn rít, cọp, voi, đười ươi, và nhất là sư tử, mạnh và dữ hơn chó nhiều. Ở trường cô giáo dạy sư tử là chúa sơn lâm. Chứ đâu phải chỉ có hươu, nai, chồn, thỏ. Thôi, thế là rồi đời con Ba Tô.  Nó bắt đầu cảm thấy tản cư không vui như nó tưởng.
Xe chạy lóc cóc mãi cũng tới được Cầu Đất. Dừng lại nghỉ. Đồ đạc được chuyển từ xe ngựa vào một ngôi nhà chật ních. Gia đình nó ở lại đó một hôm, hôm sau chuyển đồ đạc lên xe vận tải, bỏ lại xe ngựa, chạy tiếp. Qua khỏi Dran, Krong pha, Tuộc Chàm (Tour Cham - Tháp Chàm), đến Phan Rang lại nghỉ.
Bố mẹ và cả chị trông hốc hác, phờ phạc, và mệt nhoài vì những đống hành lý, chỉ có nó con nít không làm gì được, mà cũng không được đứng xớ rớ vướng tay vướng chân người ta. Nó bị bỏ quên, đi thơ thẩn một mình suốt buổi. Có khi buồn quá, nó chạy tuốt ra bờ sông ngồi vọc cát. Cát trắng đâu mà nhiều thế, khác hẳn ở bờ hồ Đà Lạt, gió cũng nhiều. Gió thổi cát vào mắt xót. Nó chảy nước mắt vì cát và vì khóc. Và nắng gắt làm rát da mặt, da lưng. 
Ở Phan Rang được mấy ngày, lại lên xe tải đi đến thành Diên Khánh gần Nha Trang. Chú thím họ sinh sống tại vùng này ngỏ lời mời gia đình nó ở lại trong bao lâu cũng được, khi nào yên yên sẽ tính chuyện trở về Đà Lạt. Nhà rộng, vườn dừa um tùm, tiếng quết chả dòn dã suốt ngày, chú thím làm chả lụa bán, mấy con heo trong chuồng ụt ịt luôn miệng nghe lạ và vui tai, gà, vịt thì từng đàn, lại thêm mấy con ngỗng to đẹp trắng phau phau ngúc ngắc cái cổ dài ò à ò è dọa nó. Nó bớt hoang mang, nó bớt buồn. Nhưng bố từ chối lời mời của chú, nói rằng chỉ ở lại ít hôm rồi về Huế.
Ủa, Huế sao? Thế là bỏ Đà Lạt đi luôn? Tại sao thế? Tại sao về Huế? Cái xứ Huế ghê gớm, huyền bí đó, nó có biết, hiện lên như một đám mây mù rất xa trong trí nhớ của nó - những chuyến về Huế ăn Tết, ăn giỗ, đám ma, đám cưới, về thăm ngoại, đi bằng xe lửa, đến ga Tháp Chàm đổi xe, vào lúc giữa khuya, những người đàn bà Hời mặc áo dài trắng, chít khăn đen, đầu đội những chiếc vò cao nghều nghệu, đi lui đi tới dọc theo đường rầy trông giống ma. 
Chú bảo đang đánh nhau lớn ở Nha Trang, không thể theo đường quốc lộ để ra Huế được. Thỉnh thoảng nó nghe tiếng nổ như trời gầm từ xa vọng lại, nghĩa là có đánh nhau lớn như chú nói?  Mình đánh Nhật như hồi đánh Nhà Đèn Đà Lạt? Hay mình đánh ai? Hay ai đánh mình? Mà sao lại đánh nhau kỳ cục thế? Gia đình nó và biết bao nhiêu người khác chạy tán loạn vì người ta đánh nhau. Mà sao lại đánh nhau dai vậy, sao không đánh nhau vài ngày rồi thôi như hồi ở Đà Lạt. Ầm! Ầm! Ầm! Ghê khiếp quá! Bố bảo đó là tiếng súng đại bác. Nó thầm nghĩ trúng đạn đại bác là “tử trận.”
Một buổi chiều, nó thấy nhiều xe ti chở đầy những người lính trẻ tuổi gầy còm, tay ôm súng, đầu đội nón ca-lô bằng vải hoặc bằng giấy, mặt mày lầm lì, nước da xanh xao, đôi mắt xa xôi, hơi buồn buồn thì phải, từ đâu ghé đến thành Diên Khánh đậu lại choáng hết mấy khúc đường. Các anh lính nhảy xuống xe ngồi bệt xuống đất duỗi thẳng cẳng, lưng dựa vào phên tre, tường vôi của những căn nhà dân cư quanh vùng, súng gác trên chân, lấy cơm vắt, bánh tráng, bánh tét, bánh ú từ trong những gói bằng lá chuối ra ăn.  Có anh quên ăn ngồi ngủ gà ngủ gật. Chỉ trong giây lát, đoàn xe lại rồ máy ầm ĩ, rồi những tiếng còi “tu huýt” rít lên nghe muốn xốp phổi. Các anh lính trẻ lại ôm súng nhảy vội lên xe. Anh nào nhảy lên không nổi thì đã có những anh đứng trên xe lôi lên lẹ làng. Đoàn xe chạy về phía có tiếng súng đại bác đang vọng lại từng hồi ghê khiếp. Họ liều mạng đến thế à? Lỡ đạn đại bác bay đến trúng họ? Lỡ “tử trận” như con dế bị cắn lòi ruột? Nó sợ. Nó hoang mang. Nó cảm thấy thương xót đoàn quân đó quá. Nó ngẩn ngơ nhìn theo cho đến khi chiếc xe cuối cùng của đoàn xe chạy khuất sau hàng dừa đứng đu đưa ở một khúc đường quanh, chạy xông vào những tiếng đại bác ầm ... ầm ...ầm, tung lại đằng sau những đám bụi mù mịt. 
Chú nói muốn ra ngoài nớ thì phải đi bọc đường rừng, nghĩa là phải đi ngược chiều với đoàn quân đổ về phía Nha Trang, rồi sẽ đến ga Lương Sơn nằm nép bên bờ biển. Đi bằng cách đó may ra còn xe lửa đi tiếp ra Tuy Hòa, Quy Nhơn... 
Ngày hôm sau gia đình nó lại lên đường, thuê người gánh gồng hành lý đi bộ ra Lương Sơn theo lối đường rừng. Nó lẽo đẽo chạy theo muốn hụt hơi. 
Đến ga Lương Sơn có xe lửa. Ban ngày đoàn tàu nằm dài nghỉ dưỡng sức trên con đường rầy vắng. Hành khách đông, đông quá, đều được lệnh tìm chỗ trốn dưới các lùm cây rậm hoặc hang, hố quanh đó.  Đêm đến mọi người lại được cho trở về các toa, chen chúc nhau, chồng chất lên nhau. Và đoàn tàu lò mò chạy tiếp. Nghĩa là ban ngày sáng sủa thì nghỉ, ban đêm tối tăm thì đi, nó thấy thật là ngược đời. Sau nó mới biết làm như thế để tránh máy bay thả bom.  Lúc đó nó càng nhận ra rằng tản cư không sung sướng chút nào cả. Trái lại là khác.
Nỗi khổ theo ngày tháng tăng thêm hoài như không bao giờ dứt, bắt đầu từ  chiếc cầu thật dài bắc ngang qua sông Đà Rằng thuộc tỉnh Tuy Hòa. Chiếc cầu kinh hoàng! Chiếc cầu dài vô tận! Trong đêm tối đen, không đèn đóm, không còi tàu, cửa đóng kín bưng, mọi người không ai dám hó hé một tiếng, đoàn tàu nín thở chạy qua cầu.  Đông nghẹt cả người và đủ thứ hành lý, đồ đạc, đoàn tàu quá tải như không lết nổi, máy móc như đều rủ liệt, rù rù lăn bánh trên chiếc cầu rung rinh. Thì ra một khúc cầu bị bom thả sập mấy hôm trước, được nối tạm, không biết có chịu nổi sức nặng của đoàn tàu hay không. Lỡ cầu sập, chắc là mọi người đều chết, trong đó không chừng cũng có bố mẹ và cả nó nữa. Nó bắt đầu thấy sợ. Mọi người cũng sợ, không ai bảo ai đều chắp tay lầm rầm khấn vái. Nó cũng bắt chước chắp hai bàn tay lại. Nhưng đó là chuyện nó chưa muốn nói đến nhiều.  
(Còn tiếp)